HỒI THỨ MƯỜI HAI
Đoạt Nghĩa Lĩnh, Phan Đường lấy hư thắng thực
Chiếm Hy Cương, Vũ Khánh bắt hổ giữa rừng
Lại nói tiếp chuyện Phan Đường cùng Phùng công tử dẫn đại đội binh mã hơn ba nghìn người không kể ngày đêm cắt núi xuyên rừng đi về hướng Phong Châu. Đã có hẹn trước với Vũ Khánh, Phan tiên sinh cùng binh mã ngày đi đêm nghỉ chỉ mấy hôm sau đã ra khỏi đất Đường Lâm tiến vào địa phận Phong Châu. Phan Đường ra lệnh hạ trại kiểm điểm lương thảo rồi cùng Phùng Công Phấn cho mời bốn viên tùy tướng tới trại giữa bàn bạc. Làng mạc vùng này dân cư thưa thớt, việc đồng áng nông tang cũng vừa xong vụ, dân chúng rút lên ở tít các quả đồi phía xa. Bên ngoài, người ngựa lục xục kiếm củi, rơm cỏ chuẩn bị cho bữa tối. Trong trại, Phan tiên sinh sau khi mời các tùy tướng an tọa mới thong thả nói:
- Nhận mệnh lệnh của Phùng trại chủ, ta cùng Phùng công tử tiến binh về Phong Châu. Nay Phong Châu đã ở trước mặt không còn cách bao xa nữa. Chỗ ta đóng quân bên phải cách đây năm dặm là ngã ba Bạch Hạc, tướng quân Vũ Khánh hẳn đêm nay cũng thuận dòng cùng binh thuyền đến đó. Theo hẹn ước từ trước, hai đại đội thủy bộ sẽ chia làm hai đường tiến chiếm Phong Châu. Phong Châu là đất hiểm xưa kia các đời vua Hùng ta từng định đô lâu dài. Nay hai tên tướng giặc giữ thành ở đó là Thang Ân Bá và Trương Phóng đều là tướng giỏi của Đường triều, Trương Phóng có biệt danh hổ hầu sức địch muôn người. Ta cũng cho rằng, Cao Chính Bình hiệu úy châu Vũ Định ắt đã biết tin quân ta vây đánh Phong Châu sẽ xua binh xuống cứu giúp. Vậy ta phải càng sớm càng tốt chiếm được thành Phong Châu. Không biết Phùng công tử và các tướng có diệu kế gì không?
Mọi người im phăng phắc. Không khí trong trại như ngưng lại. Mấy viên tùy tướng đánh mắt nhìn chủ tướng họ Phùng. Phùng Công Phấn nghiêm trang nói:
- Ta chắc rằng Phan tiên sinh đã có diệu kế nhưng cũng xin bày tỏ mấy ý của mình. Thành Phong Châu tuy dày vững nhưng đã lâu chưa lâm chiến ắt hẳn có chỗ sơ hở. Hơn nữa đám binh lính Đường triều chỉ độ hơn bốn nghìn tên, nhiều tên đã già ốm lâu ngày không cầm gươm giáo cung tên, người ngựa hẳn cũng nhiều phần rệu rã. Binh lính tuyển mộ vùng Phong Châu vốn cùng nòi giống ta ắt hẳn khi lâm trận hiểu lý lẽ của cái nhục mất nước, làm nô lệ cho phương Bắc ắt sẽ quay giáo theo về chính nghĩa. Họ Thang, họ Trương dẫu anh dũng thiện chiến cũng sớm bị đẩy vào cảnh bất lợi co cụm với lũ binh tướng phương Bắc mà thôi. Tách bạch chia rẽ được binh lính An Nam và phương Bắc chúng ta sẽ chắc phần thủ thắng.
Một viên tùy tướng họ Phạm dung mạo khôi ngô phấn chấn tiến ra nói:
- Tiểu tướng cũng nghĩ như thế. Luôn mấy tuần qua, Phan tiên sinh cho học thuộc những bài dụ địch, nhất là kêu gọi binh lính Phong Châu người An Nam ta theo về chính nghĩa quả là diệu kế. Các đầu lĩnh và binh lính thuộc quyền đều đợi ngày xung trận để tỏ rõ phải trái với chúng trước khi phải hạ thủ. Tiểu tướng nguyện dẫn quân bản bộ làm tiên phong tiến đánh Phong Châu.
Trong trại, mấy viên tùy tướng ai nấy mặt mũi phấn chấn dường như đều muốn làm tiên phong trong trận đầu ra quân. Để mọi người lắng xuống đôi chút, Phan tiên sinh thong thả sắp đặt:
- Vâng mệnh Phùng trại chủ, theo tâm ý của Phùng công tử và các tướng lĩnh, nay ta mệnh lệnh: Trận này nhất định phải thắng. Không những thế phải sớm chiếm được thành Phong Châu trước khi Cao Chính Bình điều quân xuống cứu. Nay ta lệnh cho tả tướng Phạm Cương và hữu tướng Đỗ Lăng mỗi người đem năm trăm quân bản bộ ngay đêm nay men theo đường nhỏ vòng qua phía tây thành Phong Châu tiến chiếm núi Nghĩa Lĩnh. Ta sẵn có người thông thuộc đường đất dẫn hai tướng đi. Đồn trú núi Nghĩa Lĩnh - Thang Ân Bá chỉ có hơn bốn trăm quân phần lớn là binh lính thổ hào địa phương canh gác trông coi việc cúng tế nên các ngươi phải kíp chiếm lấy rồi phô trương thanh thế để việc đánh thành thêm thuận lợi. Khi nghe tiếng pháo công thành thì kíp để một nửa quân giữ chặt cửa trại còn hai ngươi mau chóng dẫn đội dũng sĩ đánh thẳng vào phía tây thành.
Hai viên tùy tướng dạ ran, điểm binh mã lập tức lên đường. Phan tiên sinh tiếp tục mệnh lệnh:
- Hai tướng Phùng Toàn, Hoàng Chất điểm một nghìn binh mã lập tức đêm nay tiến thẳng tới cổng chính thành Phong Châu. Người ngựa binh khí gọn nhẹ, trước khi trời sáng phải có mặt dưới chân thành khiêu chiến, nếu giặc ra đánh giao chiến qua loa rồi rút về phía nam sông Lô giang ắt sẽ có tiếp ứng.
Hai tướng dạ ran, điểm binh mã lập tức lên đường. Phan tiên sinh nhìn vào Phùng công tử, nói:
- Ta và công tử cũng lập tức điểm binh tướng lên đường công kích phía nam thành Phong Châu. Cốt là hư trương thanh thế để Thang Ân Bá và Trương Phóng mất phương hướng. Nếu chúng ra khỏi thành truy kích đội quân Phùng Toàn ắt sẽ trúng kế của ta. Mặt Bắc, hẳn Vũ Khánh hiền đệ sau khi chấn chỉnh binh thuyền sẽ sớm có đại kế phá giặc.
Phùng Công Phấn rạng tươi nét mặt, phấn chấn nhìn Phan tiên sinh nói rõ từng tiếng:
- Phụ thân cho tiên sinh cùng ta đi chuyến này quả là để ta mở rộng tầm mắt vậy. Cứ xem tiên sinh dùng binh thấy chỗ cao minh của binh pháp cũng thực giản dị, bất ngờ vậy. Ta cứ nghĩ tiên sinh tập trung binh lực tiến thẳng vào cổng chính thành Phong Châu khiêu chiến bắc loa gọi hàng rồi để cho Vũ Khánh xuất kỳ bất ý tập kích đổ bộ mặt bắc nơi tiếp giáp sông Lô giang cũng nắm phần thủ thắng. Nay tiên sinh cho chiếm núi Nghĩa Lĩnh làm căn bản để giặc rối từ trong rối ra, một mặt dùng tiếp hai cánh quân hư hư thực thực vừa một vờ thua binh một quyết chiếm thành còn nữa giấu nhẹm đội tinh binh của Vũ Khánh ra đòn quyết định quả là kỳ diệu vậy.
- Công tử quá khen. Tiến chiếm Phong Châu lần này có nhiều cách lấy. Ngặt nỗi nếu Cao Chính Bình mau lẹ xuất binh khi ta chưa chiếm được thành ắt lưỡng bại câu thương sẽ hỏng việc lớn vậy. Ta đồ chắc, Thang Ân Bá sẽ điều tướng giỏi quyết chiếm lại Nghĩa Lĩnh. Việc này e ngoài công tử không ai đương được. Dụng binh quý ở chỗ bất ngờ.
- Ta xin nhận sự điều động của tiên sinh. Ta thề sẽ bắt sống tướng giặc ngay chân núi Nghĩa Lĩnh để tiên sinh trị tội.
Nói đoạn mọi người cắt đặt công việc rồi lặng lẽ nhổ trại tiến quân.
*
Đây nói tiếp việc Phạm Cương và Đỗ Lăng cùng một nghìn quân mã ngựa cởi nhạc người ngậm tăm lặng lẽ xuyên đường rừng tiến về phía núi Nghĩa Lĩnh.
Đêm tháng mười se lạnh, tiếng gà gáy u ơ nơi làng xóm thi thoảng lẫn tiếng chó cắn ma lách rách. Tiếng trống cầm canh càng về khuya càng loạc choạc, có nơi chỉ đánh mấy dùi chiếu lệ. Lũ lính canh các làng rải rác con đường mòn lên núi Nghĩa Lĩnh dường như cũng mộng mị chập chờn sau một ngày chè chén thù tạc. Đoàn người ngựa lặng lẽ chui hút vào khu rừng men lên đỉnh núi ngày càng rậm rạp, thâm u. Núi Nghĩa Lĩnh, núi thiêng của vùng Phong Châu xưa kia các đời vua Hùng thường niên tổ chức cúng lễ rất long trọng. Từ khi nhà Đường cai quản đất này, mặc dù hàng năm vẫn mở hội cho dân cúng tế nhưng chỉ làm đại khái qua loa do vẫn dè chừng thổ dân nhân cơ hội đó mà tụ tập. Thang Ân Bá cho đồn trú hai doanh trại ở phía nam và phía bắc án ngữ hai con đường dẫn lên núi. Thổ dân qua đây bị dò xét rất kỹ lưỡng. Các thổ hào, bô lão địa phương nhiều lần xin nới lỏng để dân lên thờ tự đều chưa được chấp thuận. Hai doanh trại giặc Bắc nhiều năm nay như cái gai trong con mắt dân quanh vùng nhưng mọi người cũng chỉ biết nín nhịn.
Trời gần sáng, trong tiếng gà óc ách và ánh trăng suông chập chờn, hai doanh trại nơi đầu núi đã bị vây chặt. Khi tiếng trống canh cuối rời rạc chưa dứt bỗng tiếng pháo nổ ùng ùng xé toang màn đêm tịch mịch. Chưa dứt tiếng pháo, trong ánh sáng rừng rực của những ngọn đuốc lớn, các tráng sĩ nai nịt gọn gẽ, tay lăm lăm mã tấu hiện ra như thiên binh thiên tướng nhà trời. Tiếng trống cái thúc lên ầm ầm, chưa dứt tiếng trống, hai chiếc loa lớn bằng đồng chĩa vào doanh trại phát tiếng oang oang, dõng dạc:
- Vâng mệnh Phùng trại chủ châu Đường Lâm, năm ngàn tướng sĩ Đường Lâm đã bao vây chặt núi Nghĩa Lĩnh, quân ta đã chiếm thành Phong Châu, nay kêu gọi binh tướng các ngươi ra hàng. Phùng trai chủ sẽ mở lượng khoan dung không bắt giết. Phàm là người An Nam hãy bỏ vũ khí qui thuận tất được thả. Binh lính phương Bắc đầu hàng sẽ không bị giết. Nhược bằng chống lại sẽ giết sạch không tha.
Trong trại giặc, tiếng kêu la thất thanh, tiếng bò rống, chó cắn, đèn đuốc lao xao. Còn chưa rõ sự thể bỗng một toán binh lính dường như được cắt cử để canh gác tay mang vũ khí xộc ra phía trước trại, nơi đầu con đường, chỗ những ngọn đuốc đang rừng rực cháy.
Thấy binh lính trong trại xông ra, Phạm Cương nắm chắc cây đại đao, nhảy ào về phía trước quát lớn:
- Lũ giặc kia! Mau bỏ binh khí đầu hàng, ta tha cho toàn mạng.
Toán binh lính thấy phía trước lố nhố những người ngựa không biết nhiều ít ra sao, lại thấy chỉ có một người cầm đao bèn hò nhau sấn lên vung giáo mác đâm chém loạn xạ. Phạm Cương thét to một tiếng, vung đao loang loáng, đâm bên tả, chém bên hữu, một chốc hơn chục tên lính đổ sập xuống thành một đống thịt. Ai nấy kinh hồn đao pháp của họ Phạm. Trong trại giặc dường như cũng đã quan sát hết cả. Tiếng loa đồng ồm ồm vang lên:
- Lũ giặc mau vứt binh khí đầu hàng. Chậm trễ ta cho phóng hỏa.
Tiếng khóc như ri. Tiếng gào thét. Tiếng binh khí va nhau loảng xoảng. Lác đác, rồi toàn trại đèn đuốc được thắp lên, lũ lính Đường triều dớn dác lột khăn cởi áo, đem binh khí vứt lỏng chỏng giữa khoảng sân trước trại. Ở trại bên kia, Đỗ Lăng sau hồi chém giết thị uy, mọi việc cũng dần vào trật tự. Hơn hai trăm binh lính kẻ chết người đầu hàng đã được dồn vào khoảng sân rộng. Đèn đuốc sáng rực núi Nghĩa Lĩnh.
Đỗ Lăng quắc cặp mắt quát lớn:
- Các tiểu đầu mục mau phân loại lính Đường triều và binh sĩ bản địa. Đường triều: Chém! Binh sĩ bản địa trói hết cả lại đợi mệnh Phùng công tử.
Phạm Cương vội sấn lên, nói lớn:
- Đỗ huynh quên lời răn dạy của Phan tiên sinh rồi ư? Chúng đã hàng rồi sao nỡ giết đi mang tiếng ác. Chi bằng trói lại bẩm báo tiên sinh định liệu. Việc này giao cho mấy tiểu đầu mục là đủ. Ta và huynh mau chóng điểm binh tướng tiến thẳng xuống thành Phong Châu theo đại kế đã định.
Đỗ Lăng hậm hực điểm binh tướng cùng với Phạm Cương lên ngựa nhằm hướng thành Phong Châu khua chiêng đánh trống thẳng tiến.
*
Nay nói chuyện Thang Ân Bá và Trương Phóng ở thành Phong Châu.
Chiều hôm trước, khi có tin báo thành Phong Châu sẽ bị đại đội quân thủy bộ của Đường Lâm tiến lên vây đánh, Thang Ân Bá cho họp các tướng lại bàn kế cự địch. Hổ hầu Trương Phóng huênh hoang nói:
- Thang tướng quân sao thần hồn nát thần tính làm vậy. Hôm trước, Dương Ôn chả đã nói rằng lũ giặc cỏ Đường Lâm sẽ không thể tiến thành Phong Châu vì hai lẽ đó sao.
Thang Ân Bá nhíu cặp mắt ba góc âm u ẩn tàng dưới đôi mày đống mác rậm rì nhẩn nha hỏi:
- Hai lẽ gì vậy, Trương phó tướng?
- Dương đại nhân cho rằng binh lực Đường Lâm không đủ sức tiến chiếm Phong Châu vào thời điểm này. Còn một lẽ nữa, nếu Đường Lâm xuất binh, Trương đô hộ sứ ắt sẽ tập kích vào sào huyệt của chúng. Chúng đầu đuôi không cứu được nhau chả phải là đi vào đất chết hay sao.
Thang Ân Bá nhấc lên đặt xuống bàn tay hộ pháp trên chiếc bàn lớn nơi trướng hổ chậm rãi nói:
- Trương hổ hầu quá khinh địch rồi. Ta xem bộ dạng Dương Ôn lập cà lập cập giấu đầu hở đuôi thừa biết chỉ là trò lên dây cót tinh thần cho ta mà thôi. Y còn kín kín hở hở nói có bề gì hiệu úy Cao Chính Bình sẽ điều quân tiếp ứng tận giệt bọn giặc cỏ nhưng xem ra chính y cũng không tin vào họ Cao vốn từ lâu chỉ muốn nuốt chửng cả Phong Châu lẫn Tống Bình. Họ Cao họ Trương cứ giữ miếng như thế đất Phong Châu tất nguy trong sớm tối. Ta chắc rằng, Phùng Hạp Khanh, với bản lĩnh đạp trời khuấy nước của mình sẽ không ngồi yên đâu. Y từng chả một thời vùng vẫy lập vua lập nước cho họ Mai kia ư? Cho nên tuyệt đối không được khinh địch. Binh tướng Đường Lâm kéo lên đây chỉ ngày một ngày hai. Đường bộ ta không lo lắm vì còn có thành cao hào sâu. Ngặt nỗi mặt bắc tiếp giáp dòng Lô giang nếu thủy quân của chúng đổ bộ vùng ấy tạo thế gọng kìm, một mặt dùng tinh binh xuất kỳ bất ý chiếm núi Nghĩa Lĩnh thì ta chỉ còn nước phá thành tháo chạy mà thôi.
Thang Ân Bá nói đến đây, Trương Phóng cùng lũ tùy tướng giật nảy mình dớn dác. Một tên mắt híp trán dô, tóc thưa lởm chởm tiến ra hiến kế nói:
- Thang đại tướng quân quả thần cơ uy dũng, biết được cả gan ruột nhà người ta. Thế chi bằng cử quân mai phục núi Nghĩa Lĩnh đón đánh tinh binh giặc rồi cho đốt sạch hai bên mạn rừng Thạch Lâm bến Lô giang phòng thủy quân giặc đổ bộ một mặt thành cao hào sâu cố thủ, giặc cỏ kia có đến tất vài tuần trăng cạn lương hết tên ắt phải rút, khi ấy ta bốn mặt đổ ra đánh giết chẳng phải kế vạn toàn ư?
Thang Ân Bá nhìn kỹ viên tướng lùn mập, cất giọng ôn tồn:
- Ô tướng quân nói phải lắm. Chinh chiến xưa nay nơi đất An Nam này các ngươi nhớ lấy, một hòn đá mũi tên, một khe suối khe sông đất chúng đều thập phần nguy hiểm. Chớ ỷ thế thiên tử Đường triều mà mang họa vào thân. Ta giao cho Ô tướng quân hai nghìn tinh binh ngày mai lên núi Nghĩa Lĩnh đặt mai phục. Chúng đến cứ để chúng vào sâu hãy đổ ra đánh giết cho kỳ hết. Chẳng phải đợi lâu, nếu tướng quân thắng trận mai phục ắt đại quân thủy bộ của chúng biết ta phòng bị kỹ sẽ rút quân. Khi ấy chúng chỉ là lũ cá nằm trên thớt.
Ô Sùng Phúc chắp tay nghiêm giọng:
- Tiểu tướng xin lĩnh mệnh.
Thang Ân Bá quay sang Trương Phóng:
- Còn cái món đốt rừng nơi bến Lô giang để mấy tên thủy quân nhãi nhép không đổ bộ được xin nhờ Trương tướng quân đảm đương cho.
Trương Phóng hậm hực không vui nhưng cũng đành lòng đáp:
- Ta vẫn muốn đợi đại binh chúng đến để chém tướng chặt cờ cho chúng rõ oai phong họ Trương, nay đại tướng quân giao cho ta chặt rừng lấp bãi còn ra thể thống gì nữa.
Thang Ân Bá vỗ vỗ vào vai viên mãnh tướng an ủi:
- Giặc cỏ còn đó hàng ngàn hàng vạn. Việc giết tướng giặc phá thành giặc không nhờ sức của tướng quân thì nhờ ai. Mai kia đánh phá Đường Lâm, ta sẽ để ngài đi tiên phong tha hồ lập chiến công hiển hách.
Trương Phóng híp cặp mắt vẻ bằng lòng:
- Ta sẽ san phẳng đất Đường Lâm.
*
Tờ mờ sáng. Thành Phong Châu chìm trong sương khói. Bỗng tiếng vó ngựa phi rất gấp. Người ngựa vừa đổ ập vào cổng thành vừa kêu váng lên:
- Cấp báo!Cấp báo! Mở cổng thành mau. Mau cho ta gặp Thang tướng quân.
Lũ quân canh thành xem xét một chặp, thấy đích thị quân nhà mới ngái ngủ vừa mở cổng thành vừa hỏi:
- Làm gì mà ầm ĩ lên thế! Chưa sáng ngày ra đã báo hung tin.
Bóng ngựa vút qua cổng thành. Thoảng mùi máu tươi tanh sực. Tên lính canh giật mình tỉnh ngủ cũng là lúc vó ngựa lộp cộp khuất dạng.
Trong trướng hổ, Thang Ân Bá gầm lên:
- Rút cục tình hình làm sao? Mau triệu Trương Phóng và Ô Sùng Phúc tới đây cho ta.
Lũ vệ sĩ rạ ran, cắm đầu cắm cổ đi triệu tập các tướng. Thoáng cái, đã thấy họ Ô nai nịt võ phục gọn gàng, nhảy phắt từ lưng ngựa xuống:
- Bẩm đại tướng quân, ngài chả mệnh lệnh tôi đi đặt phục binh chân núi Nghĩa Lĩnh đó thôi? Sao lại triệu tập gấp bản chức?
Tháng Ân Bá nghiến răng rít lên:
- Giặc Đường Lâm chiếm mất núi Nghĩa Lĩnh rồi.
- Cái gì? Họ Ô gầm lên, y ngã phịch xuống đất.
- Ta trúng kế tập kích của địch. Mất núi Nghĩa Lĩnh là mất điểm cổ họng của thành Phong Châu này. Các ngươi cứ huênh hoang nữa đi.
Thang Ân Bá chưa rất lời, lại một tên lính phi ngựa như bay quăng mình xuống đất lập cập báo tin:
- Bẩm đại tướng, cổng chính thành giặc cỏ Đường Lâm như trên trời rơi xuống, dưới đất chui lên đông như kiến đang bắc loa réo gọi đại tướng quân ra hàng.
Thang Ân Bá run lẩy bẩy, đứng không vững. Y không tin vào những lời tên lính kia đang lảm nhảm cũng là lúc tiếng pháo trận nổ ùng ùng nơi cửa chính cổng thành. Mùi khét của thuốc pháo sực vào tận nơi trướng hổ khiến y càng luống cuống. Đang cuống cà kê thì phó tướng Trương Phóng từ đâu xuất hiện báo hung tin:
- Bẩm đại tướng quân, mạt tướng đang điểm binh tiến ra Lô giang thì bỗng nghe cấp báo mặt Nam thành giặc Đường Lâm xuất hiện đông đặc. Ở đó cắm lá cờ súy của chủ tướng giặc. Chúng có vẻ nhàn nhã chứ không khiêu chiến hung hăng như ở cổng chính thành.
Thang Ân Bá lại được phen điên đảo nữa.
Ô Sùng Phúc sau phút kinh tâm, gượng đứng dậy, rũ bộ võ phục nói trong hơi thở:
- Bẩm đại tướng quân. Mạt tướng cho rằng, cho rằng...
- Nói mau! Sao ngươi ấp úng mãi thế.
Thang Ân Bá cố trấn tĩnh quát viên tùy tướng.
- Mạt tướng xin liều chết quyết chiếm lại núi Nghĩa Lĩnh. Xin chủ tướng đóng chặt cổng thành cố thủ là hơn.
Thang Ân Bá trầm giọng mệnh lệnh:
- Ô tướng quân mau điểm hai nghìn tinh binh chiếm lại nũi Nghĩa Lĩnh trong sáng nay. Ta cùng tướng quân Trương Phóng sẽ chia binh tử chiến giữ thành.
- Xin lĩnh mệnh! - Họ Ô mau chóng rời khỏi trướng hổ quát thét quân lính.
Ô Sùng Phúc hấp tấp lên ngựa dẫn đầu hai nghìn tinh binh thận trọng tiến về phía con đường dẫn lên núi Nghĩa Lĩnh. Từ thành Phong Châu đến đỉnh núi tuy không xa lắm nhưng đường rừng nhỏ hẹp, quanh co, cây cối rậm rạp. Họ Ô vừa đi vừa dò xét xung quanh. Đến một khúc quanh, phía trước là khu rừng già dày đặc cây cối, y khoát tay cho gọi một viên tùy tướng hỏi:
- Có phải trước mặt là gò Bảo Lâm vẫn đồn thường có hổ báo xuất hiện hay không?
Viên tùy tướng vội bẩm báo:
- Thưa tướng quân, phía trước chính là gò Bảo Lâm nổi tiếng là khu rừng thiêng. Tháng trước, toán lính của ta đi tuần qua đó còn bị hổ vồ mất hai tên, quân lính ở đây vẫn thường sợ sệt mỗi khi có việc qua gò.
Ô Sùng Phúc trầm giọng:
- Mệnh lệnh cho ngươi cùng một nghìn quân chia ra hai bên cánh rừng phía gò kia. Lát nữa, bọn giặc tất sẽ theo đường đó tiến về Phong Châu. Cứ để chúng đi qua, khi nào ta đốt pháo hiệu hãy đồng loạt xông ra chém giết. Chúng từ xa đến không thông thạo tất chạy cả vào gò Bảo Lâm. Ta cùng một nghìn võ sĩ mai phục sẵn trong rừng khi chúng vào ắt không toàn thây trở về. Giết gọn chúng xong ta cùng các ngươi sẽ chiếm lại núi Nghĩa Lĩnh dễ dàng như trở bàn tay.
Chúng tướng rạ ran, đoạn mau chóng chia binh tướng ai vào việc nấy.
*
Nói tiếp chuyện Phạm Cương và Đỗ Lăng.
Sau khi chiếm gọn hai trại trên núi Nghĩa Lĩnh, điểm lại binh tướng thấy chưa hề suy suyển bèn cắt đặt hai trăm quân cùng hai viên đầu mục ở lại canh trại và lũ tù binh còn hai tướng dẫn đầu tám trăm tinh binh theo đường mòn thẳng tiến xuống thành Phong Châu. Khi ấy trời đã sáng rõ, dân trong vùng thấy nửa đêm có tiếng pháo nổ, lửa cháy trên trại núi Nghĩa Lĩnh, biết có đánh nhau không hiểu đầu cua tai nheo dáo dác hò nhau gồng gánh chạy dạt xuống thành Phong Châu. Các chòm xóm hai bên đường vắng ngắt, gà chó lạc đàn lạc chủ kêu dáo dác. Rời núi được một đoạn đường, thấy phía trước có khu rừng rậm, Phạm Cương kìm ngựa hô quân lính dừng lại đoạn chỉ vào rừng nói với Đỗ Lăng:
- Đỗ huynh, trước mặt là rừng rậm, lại chỉ có một con đường độc đạo xuyên qua, nếu giặc biết ta tiến xuống mà đặt phục binh thì quân ta nguy mất.
Đỗ Lăng nóng nảy ngắt lời:
- Sao tướng quân nhát làm vậy? Hai trại giặc đêm qua chúng ta đã tóm gọn cả làm gì thành Phong Châu sớm biết tin mà đặt phục binh. Cứ để ta đi trước mở đường, huynh di sau chặn hậu, chúng ta thẳng tiến xuống