(Thứ ba, 24/09/2024, 09:50 GMT+7)

Nếu anh Phùng Quán còn sống đến hôm nay, chắc anh sẽ biết mình là người may mắn lắm, hiếm lắm. Nhà văn Hà Khánh Linh nói rằng rất quý trọng anh, nay cái thuở anh vừa mới được “phục hồi nhân phẩm” đang lang thang vào Huế tìm về cố hương, tìm bạn bè, tìm người yêu. Để chứng minh việc đó là việc thật, Hà Khánh Linh không nói dối với người quá cố, chị đọc cho chúng tôi bài thơ tặng anh Phùng Quán mà sinh thời anh chưa một lần được nghe. Bài thơ khá dài, với lại cũng đã nhiều năm, tôi không nhớ hết, chỉ nhớ đại ý câu kết là: Anh là người lính tiên phong/ Anh có thể hy sinh trong loạt đạn dầu/ Sao tráng sĩ như anh mà khóc than trước một cuộc tình được!/ Người con gái có tiếng nói riêng của trái tim.

Không chỉ tôi mà cả nhóm bạn bè của Hà Khánh Linh, bạn bè tôi lặng đi vì cảm động. Tôi nghĩ thấm: “Anh Quán ạ! Cuộc đời đã bù đắp cho anh đó. Anh hãy nhận phần thưởng mà Phật ban tặng cho. Đừng kêu than thất tình nữa, đừng quặn quại ôm mối tình vô vọng về tuyền dài như chàng Trương Chi thuở nọ”.

Hà Khánh Linh nói tình thương của mình với anh Phùng Quán vào những giờ khắc đẹp nhất của Huế bên sông Hương, núi Ngự diệu huyền!

Đó là một ngày đầu thế kỷ mới (XXI) vào buổi chiều hạ hoàng ly trang nhã rất Huế, chị Hà Khánh Linh rủ một số bạn gái cô đơn như chị và một số anh em con trai cùng trang lứa và có số ít tuổi hơn như tôi đi du hý Thiên An, Ngự Bình, Vọng Cảnh.

Sau khi đi hết đồi thông, chùa chiền, lăng tẩm, cả đoàn lên đồi Vọng Cảnh ngắm trời chiều. Trời Huế thật lung linh, huyền ảo. Nhìn lên đại ngàn Trường Sơn phía Bắc là núi Kim Phụng uy nghiêm, phía Nam là ngã Ba Tuần có Lăng mộ Gia Long kỳ bí, gần trong tầm mắt là Lăng Khải Định như một tháp mực nho in trên ngàn trùng, Lăng Tự Đức một nét Hán tự vẫy vào cõi cao xanh. Sông Hương qua Ngã Ba Tuần lòng sông mở rộng hơn, trong xanh hơn lững lờ trôi về xuôi. Thảng hoặc một vài chiếc đò máy lướt qua để lại một vệt sóng trắng xóa như vết mây trời trên cao. Còn thuyền câu lửng lơ lơ lửng trên sông như những chiếc lá rơi trên núi ngàn xuống mặt nước. Mọi người chuyện trò tâm tình cởi mở. Giữa cảnh trời nước thanh khiết trong ngần như vậy, Hà Khánh Linh bồi hồi kể lại chuyện tình anh Phùng Quán yêu si dại chị và xúc động đọc bài thơ tình chị tặng anh Phùng Quán.

Tôi nhớ là quãng đầu thập kỷ 80 vào năm 1982, 1983 gì đó, anh Phùng Quán dật dờ vào Huế. Anh được mọi người nhất là cánh văn nghệ sĩ đón chào nhiệt liệt. Họ đưa anh về nhà, họ kéo anh ra quán rượu, họ mời anh đi đọc thơ, bất chấp nhà chức trách lườm nguýt. Phùng Quán được sống lại cái thuở hào hùng tuổi hai mươi “vượt Côn Đảo”.

Lúc này Hà Khánh Linh vừa mới bỏ chồng. Chồng Hà Khánh Linh là ông Cúc, làm Giám đốc Đài Truyền hình Bình Trị Thiên. Hai người đã có hai con, một gái một trai; con gái lớn đặt tên là Linh Kha, con trai nhỏ là Nguyên. Hà Khánh Linh đưa hai con về ở với mình tại một phòng nhỏ của tầng hầm trụ sở Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên đóng ở 26 Lê Lợi - Huế, để lại biệt thự Nhà nước phân cho ông Cúc trên đường Trần Cao Vân, mặc ông ở với ai tùy ý.

Phùng Quán vào Huế tá túc nhà của bạn bè và nhà của những người hâm mộ. Anh được bạn bè ưu ái. Ăn, ở, uống không bao giờ phải lo. Anh phần nào được bù đắp lại trong một chặng đường dài bị đời ghẻ lạnh. Và anh đi tìm tình yêu. Nghe danh Hà Khánh Linh từ lâu mà nay được gặp ngoài đời bằng xương, bằng thịt, Phùng Quán ngây ngất si dại: Em không cho anh ngồi/ Thì anh xin đứng/ Em không cho anh đứng trong phòng/ Thì anh xin đứng ngoài phòng/ Không thì cho anh làm cái chổi/ Không cho anh làm cái chổi/ Thì anh làm con chó con/ Không cho làm chó con/ Thì anh xin làm hòn sỏi...

Phùng Quán tuy rất si dại nhưng vẫn tỉnh táo biết nàng thơ của mình cũng vừa trải qua đau đớn: Tôi biết/ Em đâu phải Hằng Nga ngủ trong rừng/ Em có con phải nuôi/ Có chồng phải bỏ/ Em phải biết giá rau ngoài chợ.

Phùng Quán cả một đời khô khát nên muốn “mau với chứ, vội vàng lên với chứ, em ơi em anh sắp già rồi”. Nhưng tình yêu không đến dễ dàng như lòng anh mong mỏi. Phùng Quán lại càng điên dại hơn: Trái tim tôi như trái cây dập nát/ Rụng xuống từ cành cao/ Tình tuyệt vọng làm ngọn sào/ Chọc trái cây rụng xuống/ Trái cây rụng/ Vẫn mơ, giấc mơ hoang tưởng/ May ra được gót chân em giẫm nát/ Để trước khi tan vào bụi đất/ Còn được hôn gót chân yêu.

Nhà chị Hà Khánh Linh hồi ấy rất vui. Chị không chồng nên bạn bè đến đầy nhà. Bạn văn có mà bạn kinh doanh, quan chức cũng có. Cuộc trò chuyện đang vui mà hễ có anh Phùng Quán đi guốc mộc, vận áo chàm xanh lóc cóc lần đến là chị mời khách về và đóng cửa lại.

Những lúc ấy, anh Phùng Quán đi uống rượu với anh em nhưng anh nuốt không nổi, hình như rượu đắng lắm. Tôi biết hình như có bao nhiêu năm Phùng Quán trồng cây si trước cửa nhà Hà Khánh Linh nhưng anh không được đền đáp gì.

Anh Quán phải về với chị Bội Trâm - người vợ thảo hiền chung thủy của anh.

Mối tình đơn phương với Hà Khánh Linh đã cho anh Phùng Quán tập thơ nổi tiếng là Trăng hoàng cung.

Tập thơ Trăng hoàng cung là một tập thơ tình, một tiểu thuyết tình như anh Phùng Quán đã từng nói. Anh ôm mối tình mà anh cho là vô vọng này xuống tuyền đài như chàng Trương Chi ngày xưa: Kiếp này đã dở dang nhau/ Thì xin kiếp khác duyên sau lại lành.

Vì yêu Hà Khánh Linh một cách đơn phương như vây, có lẽ anh Phùng Quán nghĩ mình là chàng Trương Chi nên khi viết những câu kết trong bài thơ tình thứ mười ba của tập thơ khẩu khí giống như người bị bạc tình ngày xưa: Dù hỏa táng/ Dù chôn xuống chín tầng đất/ Trái tim dập nát của tôi vẫn thắm một khối tình.

Trong cái rủi lại có cái may. Phùng Quán không biết Hà Khánh Linh yêu mình nên càng khổ đau quằn quại, thì thơ anh lại càng hay. Nội dung chuyện tình đã vượt ra khỏi một chuyện yêu đương đơn lẻ, vượt ra khỏi một nguyên mẫu nàng thơ Hà Khánh Linh, dù Hà Khánh Linh là người đẹp xứ Huế, là con nhà Nguyễn Khoa, là nhà văn rất nổi tiếng.

Phùng Quán chỉ mượn nàng làm nguyên mẫu để cho anh tạo cảm hứng, tạo cảm xúc mà sáng tạo ra nhiều thi phẩm xuất sắc.

Ở Huế, Phùng Quán còn có một mối tình khác khá đậm đà, không yêu đơn phương như Hà Khánh Linh mà được người tình bù đắp. Mối tình này rất đẹp hoàn hảo trong đời nhưng không đẹp trong thi ca, không để dấu ấn trong thơ tình Phùng Quán. Người tình đó là Thùy Nga. Hiện Thùy Nga đã có chồng con đàng hoàng, sống hạnh phúc yên ấm. Nhưng mối tình Thùy Nga với nhà thơ Phùng Quán thì không thể quên được, nhất là những người như tôi chứng kiến cuộc tình này.

Tôi biết Thùy Nga vào tháng 6 năm 1977, khi Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên mở trại sáng tác văn học tại Vỹ Dạ - Cồn Hến. Ở Quảng Bình có tôi và Hoàng Vũ Thuật vào dự, ở Thừa Thiên - Huế có Thùy Nga, Trần Thùy Mai, Ngụy Ngữ, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Bửu Chỉ, Vũ Huế và một vài anh em khác. Hồi ấy, Thùy Nga và Trần Thùy Mai chưa có chồng, họ là những cô gái chưa đến ba mươi tuổi. Trong miền Nam, phụ nữ thường sống độc thân nhiều hơn miền Bắc, nên các cô gái gần ba mươi tuổi chưa lấy chồng cũng không ai xáo chào gì cả. Thùy Nga lúc đó hình như là hai bảy, hai tám tuổi, dáng người Thùy Nga mảnh khảnh, mẫu người con gái Huế, mặc áo dài rất đẹp. Nhưng Nga mặt vuông quá một chút, cằm bạnh ra, hình thức thì trung bình. Các cô đang tìm ý trung nhân. Thùy Nga làm phóng viên Đài Phát thanh Bình Trị Thiên, Trần Thùy Mai dạy Đại học Sư phạm - Huế. Thùy Nga chưa viết gì nhiều nhưng Trần Thùy Mai đã là cây viết có tiếng trước miền Nam giải phóng. Nghe nói Thùy Nga là con một, nhà có của, vườn tược rộng rinh nhất ở khu vực Vỹ Dạ - Cồn Hến. Nhiều chàng trai rất nhòm ngó nhưng Thùy Nga chưa chọn ai.

Mấy năm sau khi tôi chuyển công tác vào Huế thì gặp Thùy Nga và anh Phùng Quán đã rối rích bên nhau. Trong tập thơ đầu tay của Thùy Nga cô có bài thơ ca ngợi Phùng Quán: Anh là đại tướng của em. Phùng Quán là người rất chiều người yêu. Tuy lớn tuổi thế nhưng đêm nào anh cũng đạp xe đạp lóc cóc đèo Thùy Nga có khi từ nhà Lê Gia Ninh (một nhà văn, một người hâm mộ tài Phùng Quán), có khi là nhà Hải Bằng ở trong thành nội Huế về tận dưới Cồn Hến - Vỹ Dạ. Chị vợ Lê Gia Ninh nhiều lúc ta thán: “Anh Quán chiều vô lối, để cho cô ta cứ làm mình làm mẩy mãi, uốn éo đến chảy nước”. Nhưng anh Quán không nghe, cứ lụi cụi hầu hạ chở người yêu đi đi về về để khoe với bạn bè bằng hữu. Cô Nga hồi ấy tuy chưa lấy chồng nhưng không được khỏe. Mấy lần bị cảm gió ngất dọc đường.

Lê Gia Ninh làm tổ chức Phòng Giáo dục Huế có điều kiện giúp đỡ anh Phùng Quán và giúp đỡ rất nhiều bạn bè khác nữa.

Một lần tôi đến, Lê Gia Ninh bảo ngay: “Hoàng đi theo hộ tống anh Quán và cô Nga, cô ngất xỉu dọc đường không ai đỡ được đâu”.

Y như rằng, vừa qua khỏi Đập Đá thì cô Nga đã sùi bọt mép, chân tay co quắp như con tôm, miệng nói không ra lời. Cô ta bị cảm hàn. May mắn là ở hai bên Đập Đá có nhiều nhà lương y, anh Quán bồng cô Nga vào một nhà thầy lang làm thuốc Nam chữa trị. Cô Nga nằm trên phản như một con mắm lẹp, anh Quán lăng xăng chạy qua, chạy lại mắt luôn luôn nhìn vào khuôn mặt cô Nga đang nhắm tít. Cụ lương y kéo áo lên để xem mạch. Người cô Nga tái xanh, bụng lép kẹp sát tận xương.

Cụ lương y nói: “Thể tạng quá gầy gò, phải tẩm bổ lên mới khỏe được”. Đúng là trông người Thùy Nga không có sức sống. Cái cằm của Nga hơi bạnh càng bạnh ra.

Anh Quán thở không ra hơi, dáng điệu hết sức đau khổ. Cũng may sau khi cụ lang cho thuốc, xoa dầu và nằm độ nửa tiếng thì cô Nga khỏi bệnh.

Đưa được cô Nga về nhà riêng của cô, tôi liền bảo anh Quán:

- Anh cứ ở hẳn nhà Thùy Nga để chăm sóc cho cô ta. Đến nước này thì còn ngại ngùng gì nữa. Nhà cô ta chẳng còn ai, anh ở đấy tiện bề thuốc men. Anh cứ đi đi về đêm hôm như thế nhỡ xảy ra chuyện gì thì không hay.

Anh Quán nghe lời tôi, gật đầu đồng ý.

Sau này khi tôi ra Hà Nội đến nhà thăm anh Quán, chị Bội Trâm có biết chuyện tình Phùng Quán và Hà Khánh Linh, và biết những bài thơ thất tình Phùng Quán viết cho Hà Khánh Linh, nhưng chắc là chị không biết chuyện tình anh Quán với cô Thùy Nga. Chị Bội Trâm hiền hậu nói: “Anh Phùng Quán làm gì mà tội nghiệp thế! Anh đâu đến nỗi phải xin làm cái chổi, xin làm con chó, xin làm hòn sỏi. Anh còn biết bao nhiêu người ngưỡng mộ và yêu anh ấy nữa mà”.

Chị Bội Trâm thật là một người vợ tuyệt vời!

Từ năm 1985, tôi ra hẳn Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du thì tôi mới là “khách thường nhật” nhà anh Quán.

Hồi đó, anh Phùng Quán và chị Bội Trâm chưa có nhà. Hai vợ chồng, hai đứa con là cái Quyên và cậu Quân ở tạm cái chái cạnh phòng học sinh cấp ba học. Chị Bội Trâm là cô giáo dạy văn của trường Chu Văn An (trường Bưởi nổi tiếng ngày xưa). Để tiếp khách văn và người mến mộ, anh Phùng Quán dựng ngay cạnh chái bên cạnh Hồ Tây gọi là Chòi Ngắm Sóng. Cái chòi này một bên dựa vào bờ tường xây bao quanh trường học, một bên dùng gỗ tre làm cọc. Chòi có gác. Dưới gác làm bếp núc, trên gác có một phòng nhỏ đủ ba, bốn người ngồi, anh Phùng Quán dùng làm phòng tiếp khách. Trên gác của chòi, anh Quán treo nhiều mảnh hến, mảnh trai, vỏ ốc, khi gió thổi nghe có tiếng kêu chi chi chút chít rất hoang dại mà cũng vui tai. Ngồi trên Chòi Ngắm Sóng có thể nhìn toàn cảnh Hồ Tây rộng rinh. Đôi lần anh Quán chỉ tay dọc bờ hồ cạnh chòi nói với tôi là chính anh khi đói cơm, nhạt mắm, anh hay câu trộm cá Hồ Tây. Không biết từ lúc nào Phùng Quán được đặt biệt danh “thảo khấu” là “rượu chui, cá trộm”.

Phùng Quán thường để bình rượu trên Chòi Ngắm Sóng, còn cái nỏ và mấy kỷ vật anh để trong nhà chái vợ chồng con cái ở. Cái kỷ vật mà tôi đến lúc nào anh cũng giải thích cho tôi rõ là cái nỏ của người Thượng, anh được tặng hay anh mua lại ở đâu đó tôi chẳng biết. Tôi chỉ thuộc làu câu thơ anh đề trên thân nỏ và trên tường dán giấy để che những chỗ vôi quét hư hỏng: Hai mươi tuổi ta lấy tim ta làm nỏ/ Bốn mươi tuổi ta lấy nỏ làm trái tim ta.

Phùng Quán là ngươi rất thích có bạn đến nhà. Bạn nào cũng được. Có khách đến nhà là anh vui rồi. Anh cũng rất tự hào là nhà anh rất nhiều bạn, không thua gì nhà bác Ba Vì (núi Ba Vì, do anh Quan nhân cách hóa lên): Nhà bác đông khách/ Nhà tôi cũng lắm bạn.
Thật ra đến với anh trước thì là người mến mộ, sau là các văn nhân tài tử cũng vì mến mộ và chưa thành danh, còn người có chút chức sắc tôi thấy cũng thưa lắm. Hình như chẳng có ai! Có lẽ cuộc đời lao động bất đắc dĩ làm anh cô đơn, héo mòn, người đời ghẻ lạnh nên sao mà anh khát khao bạn bè làm vậy.

Một lần anh đưa ra một cuốn sách rồi hỏi tôi:

- Mi đã đọc cuốn sách nầy chưa?

Tôi nhìn thấy đó là Tổng tập các nhà văn cấp tiến miền Bắc thời năm 1956-1958 do một nhóm tác giả miền Nam biên soạn. Quyển này tôi đã đọc rồi nên thưa với anh Quán tôi biết anh là “Triệu Tử Long” mà. Anh Quán cười mãn nguyện lắm. Trong cuốn này người biên soạn giới thiệu anh Quán một đoạn dài và bình luận anh là một Triệu Tử Long trong nhóm Nhân văn Giai phẩm.

Anh Quán uống rượu cả ngày, lúc nào cũng uống. Đi ra chip chip, đi vào chip chip. Học anh, tôi cũng uống rượu cả ngày như anh. Một thời gian tôi trở thành thằng nát rượu cũng bắt nguồn từ uống rượu nhà anh Quán. Hồi học Trường Viết văn Nguyễn Du đói quá. Tôi là cán bộ đi học có lương mà vẫn không sống nổi năm ngày. Ra nhà anh Quán cũng chẳng có gì ăn. Buổi ấy đang sức, thèm ăn lắm. Nhưng đào đấu ra cơm gạo thời buổi năm 85-86.

Anh Quán nói với tôi:

- Hồi tao đi lao động cải tạo không có gì ăn, tao có một cách chống được đói rất hữu hiệu, tao sẽ truyền lại món “võ gia truyền” này cho mày. Mày biết bí quyết đấy là chi không?

Tôi lắc đầu:

- Em không thể biết được ạ!

- Đấy là uống rượu - Anh Quán nói - Rượu rẻ hơn gạo nhiều, 50 đồng là có chén rượu rồi, còn gạo ư, phải 500 đồng một lon, kiếm đâu ra tiền mà uống. Tao uống rượu trừ được đói, mi cứ uống đi, uống ba chén là hết đói ngay!

Tôi làm như anh Quán chỉ. Không đến ba chén, mới chỉ hai chén là cảm giác đói trong tôi tiêu tan, người tôi lâng lâng như đi trên mấy. Thế là cả ngày không ăn gì mà vẫn sống được. Cái thủ thuật này tôi lại ứng dụng khi tôi vào Nam bộ làm mướn cuốc rẫy và sau này khi làm trở lại làm một việc còm của Nhà nước nhưng vẫn không đủ cơm ăn, tôi lại uống rượu trừ cơm!

Mỗi lần tôi uống rượu bao giờ anh Quán cũng dặn:

- Mi phải tiên tửu, chớ có tục tửu nghe. Uống ít, uống nhiều, uống bao nhiêu cũng được/ Nhưng báo trước/ Hãy nhớ đường về (Gamzatov).

Thế là tôi vạ vật cả ngày trên Chòi Ngăm Sóng của Phùng Quán.

Cũng có lần tôi đãi lại anh Phùng Quán và bạn bè. Ấy là một dịp nào đó Trường Viết văn Nguyễn Du có tiệc. Nói tiệc cho vui, chứ trường Viết văn Nguyễn Du rách như tổ đỉa, may nhờ Tổng công ty Sông Đà xây cho mấy cái phòng học cấp 4 bằng tường vôi con kiến, lợp brô xi măng, không thì ở nhà lợp nứa suốt đời. Tiệc chẳng có chi nhưng được cái nhiều bia. Trong lớp có mấy bạn làm ở thương nghiệp nên xin ra bia. Để bù tấm thịnh tình của anh Quán, tôi gọi anh và bạn anh vào uống mấy trận xả láng. Tôi bị nhiều học viên nói không ra gì, nhưng mặc, anh Quán say bia ngất ngư, chân nam đá chân chiêu đi về nhà là tôi sướng rồi!

Tôi nghe danh anh Phùng Quán và các bậc Nhân văn Giai phẩm từ lâu, thuở ấu trò. Lúc ấy, tôi không hiểu việc làm của họ có hại, có lợi như thế nào, chỉ biết là họ phê phán mấy tay cửa quyền như chủ nhiệm, quản trị, chủ tịch xã đúng như họ nói. Là đứa bé sống ở nông thôn, tôi thấy mấy ông chủ nhiệm toàn lấy thóc lúa của hợp tác xã về làm của riêng. Có việc tôi thấy, có việc mẹ tôi nói lại. Vì mẹ tôi đi cấy, đi cày hằng ngày trên đồng hợp tác. Chủ nhiệm, quản trị chia chác hết thóc gạo. Phần dư thì họ ban phát cho người thân tín hoặc tình nhân. Mấy ông chủ nhiệm, xã đội, chủ tịch thì tình nhân hàng tá. Buổi đó chưa có kế hoạch sinh đẻ nên con các ông rải khắp làng. Họ chẳng có mẫu hình lý tưởng gì cả. Anh chủ nhiệm trong thơ Hoàng Trung Thông là một anh chủ nhiệm tưởng tượng ra mà thôi. Còn đa phần họ là cái loại chánh tổng, lý trưởng, hương vệ đời mới, rất mất dạy! Các bậc Nhân văn Giai phẩm chông cửa quyền, chống tham ô lãng phí, chống quan liêu là đúng rồi.

Phùng Quán bị vu cho là chống Nhà nước và tranh quyền do tham gia viết nhiều bài thơ trong phong trào thơ “Chống tham ô lãng phí”. Thật ra đó là những bài thơ rất tâm huyết của nhà thơ với cuộc đời. Ông đau xót khi thấy những kẻ có quyền, có chức tiêu xài phung phí ăn chặn dân lành: Hãy về Nam Định mà xem/ Học sinh không có giấy để viết, phải viết bằng lá chuối/ Còn bọn chúng, chúng lấy giấy trắng tinh đi chùi đít/ Trung ương ơi! Hãy trao tôi một chức vụ/ Tôi sẽ trị tội bọn này! Hay: Tôi đã đi qua/ Những xóm làng vùng Kiến An, Hồng Quảng/ Nước biển dâng cao ướp muối các cánh đồng/ Hai mùa rồi lúa không có một bông/ Phân người chỉ toàn vỏ khoai tím đỏ.../ Vì lẽ đó / Tôi quyết tâm từ bỏ/ Những vườn thơ đầy bướm đầy hoa...

Thế là các bậc Nhân văn Giai phẩm “đi trước thời đại” đều bị trả giá hết. Anh Quán lao động cải tạo ở trên Thái Nguyên mất mười mấy năm. Tấm ảnh đen trắng chụp cái rẫy anh và nhiều người khác cải tạo ngày ấy treo ngay “chính cung” Chòi Ngắm Sóng. Ai bước vào chòi là thấy ngay. Phùng Quán tay cầm cây gậy dài khời bếp lửa, một vài người lum hum bê vật gì đến. Phùng Quán giảng giải:

- Anh em đang nướng sắn để ăn, vì đói quá!

Khi tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội ra đời, đoạt giải thưởng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam có nhuận bút, tôi hỏi anh:

- Thời gian dài như vậy sao anh viết ít thế?

Phùng Quán bảo:

- Mi không biết chi hết, cuốc rẫy cả ngày bại cả hai tay, tối về mệt đứt hơi, ăn qua loa sắn khoai gì đó là chuồn đi ngủ, ngủ như chết. Chưa sáng đã vác cuốc đi làm. Ngày nào cũng như ngày nào, lấy hơi sức đâu mà viết.

Đau khổ mấy khi đã trôi đi, người ta cũng dễ bỏ qua. Nhưng nhân tình thế thái và lòng người thì ẩn ức vẫn còn giữ mãi. Tôi giao du với anh Phùng Quán, thấy anh chẳng oán than gì nhiều việc đã qua, nhưng anh hay bực bội ghi lòng một việc mà anh cho là không thể không lên án. Đấy là kẻ cậy quyền, cậy thế luôn mồm chưởi rủa anh và nhiều người như anh là chống lại nhân dân, chống lại Tổ quốc, phản bội đất nước, thì chính hắn, những kẻ ấy lại là thằng phản bội, thằng chống lại nhân dân, Tổ quốc hơn ai hết.

Một lần, anh Quán đưa ra một tập sách mỏng vừa văn, vừa thơ của tác giả Trúc Chi. Tôi tưởng Trúc Chi nhà thơ ở Sài Gòn nhưng không phải. Anh quán bảo:

- Trúc Chi này Hoàng Văn Hoan, thằng cha này đánh tau và nhóm Nhân văn  Giai phẩm lên bờ xuống ruộng đó. Thời ấy hắn là “Tứ trụ triều đình” quyền sinh, quyền sát ghê gớm lắm.

Hoàng Văn Hoan đánh và chưởi nhiều người, nhưng đánh và chưởi Phùng Quán là đau nhất. Ông ta đem bài thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán ra phang. Thôi thì, không có từ tục tĩu nào mà ông không dùng, không có từ phản quốc, phản bội nào mà ông không nói. Tôi thật đau và buồn khi thấy Hoàng Văn Hoan là một vị quan to đầu triều mà chưởi như người vô học vậy. Hoàng Văn Hoan đã từng là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội, đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Trung Quốc, có thời còn coi tư tưởng cả nước. Nhưng cuộc đời đầy những nghịch cảnh. Hoàng Văn Hoan bảo Phùng Quán phản quốc thì chính Hoàng Văn Hoan lại là người phản quốc. Vì kèn cựa địa vị chức sắc trong Đảng Lao động Việt Nam (Lúc Hoàng Văn Hoan chạy ra nước ngoài hình như chưa đổi tên Đảng), vì hạt gạo đồng tiền, vì quyền lợi cá nhân phe phái, vì tranh cướp tình nhân, Hoàng Văn Hoan phản bội Tổ quốc, bỏ nước nhà chạy sang Trung Quốc rồi phơi xương trên đất lạ, làm một Trần Ích Tắc thời hiện đại bị chính quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kết án tử hình vắng mặt.

Anh Quán cũng như thế hệ anh kể cả những người xuất thân trong gia đình quyền quý rất yêu quê hương đất nước, nhưng suốt đời anh Quán luôn đi thanh minh với mọi người rằng anh không hề là Việt gian. Không chỉ trình bày bằng mồm mà anh viết trong tác phẩm Tuổi thơ dữ dội hẳn hoi, thằng Mừng khi thương vong cũng nói một lời là nó không phải Việt gian. Anh Quán bảo với tôi:

- Tao mượn lời thằng Mừng minh chứng cho tau đó.

Tôi cười:

- Mắc chi mà anh đi chứng minh cái tiên đề Phùng Quán yêu nước đã có từ khi lọt lòng.

Ở đời là vậy, có kẻ mồm luôn luôn nói yêu nước thương nòi nhưng lại yêu ngoại bang, con cái cho lấy chồng lấy vợ nước ngoài hết, thậm chí lấy những kẻ trước đây là kẻ thù của dân tộc, còn có người im lặng làm việc, im lặng cống hiến thì bị nghi oan là Việt gian, Hán gian!

Một thời gian tôi không đến chơi nhà anh vì nghe nói anh được bạn bè và những đại gia mời vào Sài Gòn sống. Lúc đó sống Sài Gòn hơn Hà Nội nhiều, các cơ chế cũng thoáng hơn. Anh Quán đi hay anh Hải Bằng đưa vợ con đi thì ai cũng mừng cho họ.

Nhưng vừa vào chưa ấm chỗ, anh Quán lại bỏ ra Hà Nội y như Hải Bằng bỏ ra Huế vậy. Tôi đến chơi gặp anh, anh chẳng nói chẳng rằng, mắt đỏ kè vì uống nhiều rượu. Anh đưa chén sang tôi ngỏ ý bảo tôi cứ việc rót. Uống một lúc rồi cũng phải nói chuyện.

Tôi hỏi trước:

- Sao anh, đi vào Sài Gòn cơm chẳng lành canh chẳng ngọt à, sư huynh Triệu Tử Long không tả đột hữu xung được gì chăng?

Mãi một lúc, anh Quán mới lắc đầu:

- Chúng ta nghèo nhưng không được hèn. Chúng nó có vài đồng đô la trợ cấp thất nghiệp mà chúng nó chưởi mình, chưởi đồng đội mình, chưởi ông cha mình là không được.

Rồi anh kể chuyện anh và Trịnh Công Sơn, Đinh Cường và một số văn nghệ sĩ lưu dung cãi nhau to. Anh em văn nghệ sĩ lưu dung khích bác văn nghệ sĩ miền Bắc ít học, viết theo gậy chỉ huy nên không có tác phẩm lớn; còn họ có học, biết tiếng Anh, tiếng Pháp hơn nên họ viết về đất nước, đồng đội, tình yêu đều hay hơn.

Phùng Quán nói:

- Tớ đốp ngay! Các anh viết về đồng đội các anh hay, chúng tôi viết về đồng đội chúng tôi chưa hay. Dù chưa hay nhưng những đồng đội chúng tôi chiến đấu bảo vệ cho đất nước này. Đồng đội của các anh chiến đấu cho ai, có phải cho đồng đô la không? Tao đá vào quán rượu của chúng nó, tau lên tàu ra Hà Nội. Nhà mình thiếu rượu đâu mà đi uống rượu nó để nghe chúng nó chưởi!

Tôi biết anh Quán khích bác Trịnh Công sơn viết ca khúc Anh nằm xuống chưa một lần/ Khoảng trời nào anh bay qua... viết ca ngợi người bạn là đại tá không quân ngụy bị bộ đội mình bắn rơi máy bay đâu ở A Sầu, A Lưới.

Chuyện buồn ấy chưa qua, anh Quán lại có thêm một chuyện buồn nữa. Số là thế này, nhân Huế kỷ niệm hơn một thập kỷ giải phóng, Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh mời một số con em văn nghệ sĩ Huế đang công tác, sinh sống ở Hà Nội về quê hương dự lễ và mời các văn nghệ sĩ ở miền quê khác mà có tác phẩm hay viết về Huế cũng về lãnh thưởng, như nhạc sĩ An Thuyên, nhà văn Xuân Thiều người Nghệ An... Nhạc sĩ An Thuyên có bài Huế thương, nhà văn Xuân Thiều có tiểu thuyết Huế mùa mai đỏ viết về Huế giải phóng... Ai cũng được mời, riêng Phùng Quán thì không. Lúc đó, Hội Nhà văn chưa phục hồi hội tịch cho anh, người ta đang nặng nề về Nhân văn Giai phẩm. Ở Hà Nội mà cũng thế huống gì ở các tỉnh lẻ. Dù quê hương đi nữa cùng không khác được. Oái oăm thay khu vực Thụy Khuê, Bưởi này có rất nhiều anh em nghệ sĩ Huế. Xe đón anh em về thăm Huế lại đỗ ngay trước cổng trường Chu Văn An cạnh nhà chái của vợ chồng anh. Anh Quán kéo lê đôi guốc mộc, lóc cóc ra tiễn bạn hữu về quê mừng giải phóng và lãnh thưởng. Xe đi qua Ba Đình đã lâu mà tác giả Tuổi thơ dữ dội mới ngùi ngùi quay trở vào. Anh thất thểu lê bước, nét mặt vô hồn, người như không còn thần sắc. Tôi thấy anh buồn vô hạn, còn buồn hơn cả khi cãi nhau với anh em Sài Gòn để giận dữ ôm gói ra Bắc.

Anh Phùng Quán sống và đối đãi với huynh trưởng vô cùng nghĩa tình, chung thủy. Tôi chứng kiến một lần là lễ mừng “Sống dai” thượng thọ tám mươi tuổi cho bác Nguyễn Hữu Đang đã được hai vợ chồng anh Quán và bạn hữu lo tổ chức tại nhà anh Quán hết sức chu đáo, trịnh trọng. Bác Nguyễn Hữu Đang lúc này đã thôi quản thúc, nhưng sinh kế thì rất khó khăn. Ở Thái Bình ông phải bắt châu chấu, cóc nhái để ăn, một tuần, hai tuần bác lên Hà Nội nhờ Phùng Quán đi xin vỏ thuốc lá đem về quê đổi gạo. Không biết bà con nông dân ở quê họ dùng vỏ bao thuốc lá để làm gì. Tiệc mừng “Sống dai” rất to, có lợn quay đặt trên bàn lớn để trước sân, có cả một chum rượu cuốc lủi cao gần bằng đầu người và nhiều thứ khác nữa. Bác Đang lúc ấy lo cút rượu nhiều khi cũng phải lần túi, lấy tiền đâu mà lo đại lễ.

Bạn bè và người hâm mộ đến đông lắm, song toàn là áo vải cả. Người có cấp sắc khá nhất đến dự lễ là nhà văn Tô Hoài lúc đó đang làm Tổng Biên tập báo Người Hà Nội.

Thời điểm này anh Phùng Quán đã dựng một cái nhà gồ hai tầng rất to ở chỗ Chòi Ngắm Sóng cũ. Hai trăm khách vẫn chứa đủ. Tôi chưa thấy bác Nguyễn Hữu Đang ngoài đời thực nên tò mò đi nghiêng ngó. Lên tầng hai thấy nhiều người vận sơ vin, com lê sang trọng tôi tưởng là Nguyễn Hữu Đang. Hóa ra không phải, khi đi qua góc xép thấy môt ông đầu húi cua, tóc lốm đốm bạc, quần áo nâu sồng đang ngồi hí hoáy viết đích - cua, hỏi ra đúng là bác Đang. Tôi bất ngờ há hốc mồm:

- Ôi vị Bộ trưởng Tuyên truyền, Trưởng Ban Tổ chức Lễ Độc Lập năm 1945 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mà giản dị thế này thôi ư? Một một nông dân chính hiệu, phiên bản không sai một lỗi nhỏ nào. Ba mươi tư năm cầm cố, không biết nước nhà có cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa đi qua, bác Đang tàn tạ đi là phải. Thật là ngậm ngùi, đau xót!

Không những lo chu toàn bữa đại lễ mừng “Sống dai” cho bác Đang, Phùng Quán và anh em còn làm mai cho bác Đang một người nâng khăn sửa túi. Đó là một chị phụ nữ độ năm mươi tuổi, trông còn trẻ, cũng được gái. Anh chị Quán muốn cho bác Đang có lứa đôi như tất cả mọi người.

Trong cuộc đời ba đào của anh Quán để phần kết đẹp như vậy, không thể không nói tới chị Bội Trâm, người vợ thủy chung son sắt với anh, đồng cam cộng khổ giúp anh vịn người vợ hiền mà đứng lên, ngoài việc anh vịn thơ ra.

Khi anh Quán bị tai nạn nghề nghiệp, chị Bội Trâm cũng mới đôi mươi. Chỉ một phút xao lòng thì tất cả sẽ thành mây khói. Nhưng chị Trâm không làm thế. Chị có nói với chúng tôi:

- Anh Quán đã bị khổ nạn rồi, mình làm cho anh thêm một khổ nạn nữa thì anh làm sao sống nổi giữa cuộc đời này. Một cô giáo dạy văn ở một trường cấp 3 nổi tiếng như thế, chị Trâm phải có trái tim sắt đá mới vượt qua bao nỗi dị nghị và miệng lưỡi thế gian. Và trời đã có mắt.

Tôi nhớ lần tôi đến chơi nhà anh lúc anh mới làm cất xong cái nhà gồ hai tầng sang trọng. Tôi lẩy câu Kiều khen anh: Trời còn có để hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.

Anh Quán vuốt chòm râu bạc cười mỉm:

- Cụ Nguyễn Du tài thật!

Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2008

ĐỖ HOÀNG