(Thứ sáu, 02/06/2023, 12:06 GMT+7)

Đó là một ngày chủ nhật đẹp trời trung tuần tháng 5 năm 2023. Tôi vinh dự được tham gia buổi điền dã cùng các nhà văn, nhà nghiên cứu, các giáo sư và tiến sĩ có tên tuổi trong ngành văn hóa và lịch sử Việt Nam. Đó là các vị: nhà văn Hoàng Quốc Hải; TS. Đinh Công Vỹ; GS. Trần Ngọc Vương; GS. Ngụy Hữu Tâm; PGS. Nguyễn Hữu Sơn; TS. Phùng Quốc Hiển; Trung tướng Phùng Khắc Đăng; Trung tướng Phí Quốc Tuấn; TS. Phùng Thảo; nhà văn Phùng Văn Khai; PGS. Nguyễn Thanh Tú; nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân; nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn. Điểm đến ngày hôm đó là Tây Đằng cùng Lăng mộ một danh thần trong giai đoạn Lý - Trần: cụ Phùng Tá Chu. Mộ cụ trước đây nằm đơn sơ nép mình cạnh Đền Cao là nơi thờ Đức thánh Tản Viên. Sau này, được sự cho phép và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã tôn tạo và lập thái miếu khang trang bên Lăng mộ của cụ, cũng như khắc bia để tưởng nhớ công tích của cụ với lịch sử nước nhà. Đây có thể khẳng định là công trình rất có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa về danh nhân Phùng Tá Chu, vị Thái phó lưỡng triều Lý - Trần có công với nước, người đã cùng Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ đặt những nền móng căn bản cho sự phát triển bền vững của vương triều Trần - một vương triều hiển hách trong lịch sử.

Có rất nhiều giai đoạn và nhân vật trọng yếu trong lịch sử của đất nước ta vì điều kiện chưa cho phép mà chưa được nghiên cứu và làm rõ. Người học sử đôi khi mới chỉ được tiếp cận đến tên tuổi các tướng quân, những người gắn liền với những chiến công chói lòa của dân tộc. Bên cạnh đó còn có nhiều vị trung thần là những người kề vai sát cánh cùng các tướng quân, chăm lo chu toàn về hậu cần, dân sinh, và trực tiếp thực hiện những đường đi nước bước về mặt chiến lược mà các tướng quân đã đề ra. Một trong nhưng con người cực kỳ quan trọng đó là cụ Phùng Tá Chu, người duy nhất ko phải họ Trần nhưng được phong tước Hưng Nhân Đại Vương. Càng tìm hiểu, càng nghiên cứu, ắt hắn sẽ  càng khâm phục cụ, vì những đóng góp thầm lặng tưởng chừng đơn giản nhưng đã mang lại bao thành quả về mặt chiến lược lâu dài của cụ. Có thể nhìn nhận cụ chính là một chính khách có tầm nhìn xa trông rộng, với những công tích khó ai trong thời đại có thể sánh được.

Trong Chúc văn viết về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân văn hóa - lịch sử Phùng Tá Chu do tiến sĩ sử học Đinh Công Vỹ chấp bút đã khẳng định:

Phùng Tá Thang, bậc cha linh mẫn
Điều âm dương sức chấn quỷ thần
Tam tài tam giáo tuyệt luân
Lòng văn gấm vóc muôn lần xảo thông
 
Mắt phượng hoàng suốt trông cuộc đất
Tay ngọc hoa mộ cất diệu huyền
Phát nên một đấng anh hiền
Chu toàn phò tá thần tiên dáng người
 
Phùng Tá Chu không dời cha học
Lại theo thầy chăm sóc binh nhung
Vẫy vùng sông nước kiếm cung
Cùng Trần Tự Khánh anh hùng kết thân
...
Đất Tây Đằng án ngọc đồi cao
Đồng Chu tụ thủy dạt dào
Nương bên Thánh cả biết bao ân tình
Xin dẫn mạch tươi xinh huyệt đất
 
Để Đại Vương an giấc ngàn xuân
Giúp cho đẹp cõi dương trần
Giúp cho hậu thế muôn lần nở hoa
Đây tháng Ba chan hòa linh khí
 
Người đang về chủng thủy cùng dân
Đây tháng Ba tuyệt trần lễ hội
Người về ban mưa móc thiên ân
Xin dâng nhạc múa vang ngân
Xin dâng cỗ cúng hương trần thơm tươi...

Khi đoàn đi điền dã chúng tôi tới Khu Lăng mộ của danh nhân văn hóa - lịch sử Phùng Tá Chu tại Tây Đằng - Ba Vì - Hà Nội trước sự khang trang, bề thế và thanh thoát, gần gũi với vạn vật, với người dân càng thấy thêm tầm nhìn sâu sắc của Đức ngài Thái phó đã chọn chỗ yên nghỉ cho mình cũng chính là một thông điệp mở với hậu thế.

Danh nhân văn hóa - lịch sử Phùng Tá Chu sinh ra và lớn lên tại làng Mẽ, xã Mỹ Đại, tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng nay là làng Mỹ Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Cha Phùng Tá Chu là một tăng đạo xuất sắc. Chính vì vậy ngay từ nhỏ, Phùng Tá Chu đã chịu ảnh hưởng của những giáo lý đạo Phật tác động sâu sắc tới nhân cách và phẩm chất con người ông. Trong suốt cuộc đời của mình đối với đất nước, Phùng Tá Chu là nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn trong cả hai triều đại Lý - Trần. Theo chính sử Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên, vào cuối thời nhà Lý, Phùng Tá Chu làm quan Nội hầu và được các triều vua, các đại thần và nhân dân coi trọng, kính nể. Dưới thời nhà Trần, Phùng Tá Chu có nhiều công lao đóng góp cho việc khởi dựng nhà Trần. Ông được phong Chức “Phụ Quốc Thái phó” và phong tước cao quý “Hưng Nhân Đại Vương”. Ông là người duy nhất ngoài hoàng tộc được phong tước vương, lại được phong khi còn sống, hơn nữa, năm 1241, khi Phùng Tá Chu mất, đích thân vua Trần Thái Tông tới viếng, liệt ông vào hạng “Đệ nhất công thần”, điều đó chứng tỏ nhà Trần rất coi trọng Phùng Tá Chu.

Là thế hệ đi sau, với nhiều phần kính cẩn nghiêng mình ngưỡng vọng bậc tiền nhân, khuôn khổ bài viết này chỉ xin phép tạm bàn về thời gian cụ Phùng Tá Chu rời triều đình trung ương, trực tiếp về địa phương để cai quản cũng như bố trí các cơ sở chiến lược cho triều đình sau này. Như lịch sử đã ghi chép, ngay sau khi Trần Cảnh tức Thái Tông hoàng đế lên ngôi vua, niên hiệu Kiến Trung thứ 2 (1226), vào tháng 10 đã ban chức cho công thần Phùng Tá Chu đến Phụ quốc Thái phó và cử làm Quyền Tri phủ Nghệ An với quyền hành rất lớn chỉ đứng sau vua để quản lý tốt vùng biên trấn phía Nam Đại Việt. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Sai Phụ quốc Thái phó Phùng Tá Chu quyền Tri phủ Nghệ An, cho phép ban tước từ Tá chức, Xá nhân trở xuống cho người khác, rồi sau về chầu tâu lên”. Trước khi cụ về Nghệ An, nơi này đã trải qua biết bao loạn lạc vì quân nổi dậy cuối triều Lý . Sau nữa thêm nạn Chiêm Thành, Chân Lạp liên tục đến cướp bóc, tàn phá châu Nghệ An các năm 1216 và 1218 (Đại Việt sử ký toàn thư, tr.337) làm cho làng xóm tiêu điều, mùa màng thất bát, dân chúng điêu đứng, kiệt quệ, chết đói, khổ sở trăm bề, các công trình dinh trại bị đập phá tan hoang, các quan “phụ mẫu” chỉ lo đục khoét, châu này trở thành miếng mồi ngon cho ngoại xâm dày xéo cướp bóc... Vì vậy, khi về tới Nghệ An, Phụ quốc Thái phó họ Phùng đã ra sức thực hiện nhiều chính sách an dân rất có giá trị. Có thể kể tới ở đây là sáng kiến tổ chức các trang trại, phát triển mạnh kinh tế đồn điền. Để giúp vùng biên ải, cụ Phùng Tá Chu đã tập trung dân chúng, trọng dụng người tài, xây dựng thành trì. Chỉ trong thời gian ngắn, châu Nghệ An đã được củng cố hoàn toàn về mọi mặt. Như ta đã biết, kinh tế Trần triều đạt được nhiều bước tiến, tiệm cận với kinh tế phong kiến điền địa thái ấp. Điển hình là chế độ ruộng đất chia làm hai loại ruộng công (ruộng quốc khố, tịch điền, làng xã) và ruộng tư (thái ấp, điền trang, địa chủ, tiểu nông). Loại thứ nhất do triều đình trực tiếp quản lý hoặc là ruộng công của thôn xã. Loại thứ hai là kiểu ban cấp bổng lộc. Cụ thể là cụ Phùng Tá Chu đã đề xuất với triều đình về việc đưa hoàng thân quốc thích cùng với người dân từ ngoài bắc vào Nghệ An lập ra các trang trại lớn ở châu Hoan và châu Diễn cũng như hai bên bờ sông Lam. Tiêu biểu như trại Nam Hoa (nay là các xã Nam Hoành, Nam Kim, Nam Lộc, Nam Tân - huyện Nam Đàn); trang Cần Cung (nay là các xã Nam Trung, Nam Cường, Nam Phúc, Đức Châu) ở phía hữu ngạn sông Lam. Như cậy, cụ chính là người đặt nền móng cho cả nền kinh tế Trần triều sau này, qua những kết quả thu được từ thời kỳ cai quản châu Nghệ An.

Trong nghiên cứu lịch sử, đôi khi ngay cả các công trình có ý nghĩa lớn về mặt quân sự cũng có thể khó tìm được tàn tích. Vì vậy, khó khăn khi tiếp cận các tư liệu về thành tựu kinh tế là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, dựa vào các dấu mốc được ghi lại, người viết tin rằng đóng góp của cụ Phùng Tá Chu đã giúp cho biên cương phía Nam và Tây Nam của Đại Việt trở nên vững chắc hơn rất nhiều. Cụ đã tổ chức xây dựng những thành lớn để trấn thủ vùng biên cương, tiêu biểu như Trà Lân (huyện Con Cuông), thành Trài (Nam Diễn Châu) tạo nên một thế liền lạc tương hỗ lẫn nhau khi có biến và đảm bảo an ninh ngay trong thời bình. Châu Nghệ An nói riêng và vùng biên ải nói chung đã lột xác hoàn toàn sau thời gian cụ cai quản. Có ai dám chắc rằng cụ đã không nhìn thấu được thời cuộc, khi ở phương bắc vốn đang loạn lạc vì sự lớn mạnh của nhà Nguyên Mông. Phải chăng cụ đã nhìn ra được, trong tương lai nước ta sẽ cần tới sự vững chắc từ phía Nam để có thể toàn lực chống lại kẻ thù xâm lược từ phương Bắc? Và phải chăng những thành quả ấy, không chỉ nhà Trần mà cả nhà hậu Lê sau này khi chống lại quân Minh cũng được hưởng? Như vậy tài năng và tầm nhìn của cụ thậm chí có thể áp dụng cho thực tế thời hiện đại ngày nay, trong việc phát triển vùng và kinh tế trang trại. Đất nước ta tuy không phải quá rộng lớn, nhưng cũng chưa phát triển đồng đều. Mỗi vùng đều có đặc điểm riêng, có văn hóa riêng cùng với sản phẩm đặc thù của nó. Chúng ta vẫn là một nước nông nghiệp, cần chú trọng phát triển nông nghiệp. Đối với kinh tế, thì nguyên lý hầu như không thay đổi, chỉ có kỹ thuật và phương pháp là hiện đại hơn, chi tiết hơn mà thôi. Những đường hướng cụ Phùng Tá Chu đã tiến hành trong quá khứ, vẫn con nguyên giá trị thời đại nếu xét theo tổng thể, xứng đáng là một tổng công trình sư đại tài của dân tộc vào cuối thế kỷ 12 và đầu thế kỷ 13.

Trở lại với thời nhà Trần, sau khi tạo nên nhưng công tích to lớn ở miền biên ải, cụ tiếp tục thể hiện tài năng của mình trong việc bố trí và xây dựng hành cung. Hành cung thường chỉ dùng cho đức vua cùng hoàng tộc để ở khi đi vi hành hoặc nghỉ dưỡng. Có điều, diện tích nước ta khi đó chưa lớn như hiện tại. Sau khi tiếp quản triều đình từ nhà Lý, Trần triều có rất nhiều việc phải làm do sự hỗn loạn cuối thời Lý đem lại cũng như để bảo vệ tính chính danh trước dân chúng. Khác với thời Lý, căn cơ của nhà Trần còn chưa vững chắc thì sự ủng hộ cũng như giúp đỡ từ tầng lớp trí sĩ tài ba, được dẫn dắt bởi những người như cụ Phùng Tá Chu là rất quan trọng. Đặc biệt người có ảnh hưởng rất lớn trong triều đình khi đó là Thái Sư Trần Thủ Độ, một người nổi tiếng gian hùng. Theo đó việc xây dựng hành cung, theo lẽ thường không hẳn là sáng suốt. Thế nhưng, giá trị của các hành cung ấy là ko thể tính đếm được. Chỉ riêng việc xây dựng hành cung đã kéo theo sự phát triển của cả ngành tiểu thủ công nghiệp nước ta. Cụ thể là những làng nghề gốm hay mộc, rồi đúc đồng mọc lên trong vùng sau khi hành cung được xây xong. Kéo theo đó là các công trình tâm linh trong vùng, chùa chiền được xây dựng kéo theo sự phát triển về văn hóa. Mỗi hành cung lại trở thành nơi mà nhiều nguồn lợi thông qua triều đình được phân tán đến địa phương. Hành cung Tức Mặc Thiên Trường là một ví dụ. Sau gần ngàn năm, khu vực này đã trở thành nơi du lịch tâm linh nổi tiếng của dân tộc ta. Còn về giá trị lâu dài, Hành Cung đã trở thành nơi ẩn náu cũng như điều hành của chính triều đình sau này trong các cuộc chiến vệ quốc vĩ đại. Khi đức Hưng Đạo Vương thi hành kế hoạch vườn không nhà trống, triều đình cũng như giới quý tộc đều rút về các hành cung trải dài vào phía nam của đất nước. Từ gần đến xa, từ kinh tế đến quân sự, từ chính trị đến tâm linh, không điều gì không có bóng dáng của cụ. Một huyền thoại xứng đáng được vinh danh hơn nữa trong sử sách dân tộc này.

Trải dài vài nghìn năm, có biết bao nhân vật kiêu hùng, biết bao chiến công lẫy lừng. Ấy thế mà tại sao chúng ta phải lấy tích từ sử Trung Quốc để kể chuyện người xưa cho đời nay noi theo? Cứ viện dẫn châm ngôn ta lại lấy của Nho giáo phương Bắc?

Thời gian gần đây, trên cương vị thành viên Viện Nhân học Văn hóa do PGS.TS Đỗ Lai Thúy làm Viện trưởng, chúng tôi luôn được mời tham dự các hoạt động điền dã, một số chuyên đề trong Hội thảo khoa học do Hội đồng họ Phùng Việt Nam phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức đã được tiếp cận với các khu vực văn hóa lịch sử, nhất là các nguồn sử liệu trong dân gian để chúng tôi có thêm tri thức và niềm đam mê trong công việc nghiên cứu của mình. Từ các Hội thảo khoa học cấp toàn quốc do Hội đồng họ Phùng Việt Nam tổ chức, tiếp đó được biên soạn thành các bộ sách có độ tin cậy khoa học cao, rất có ích về văn hóa và lịch sử chính là tiền đề để những người nghiên cứu trẻ có tâm huyết tham gia cống hiến. Các thành viên Viện Nhân học Văn hóa đều ý thức sâu sắc việc đóng góp các tham luận khoa học độc lập trong các Hội thảo cũng là góp phần công sức trong gây dựng tri thức nền tảng văn hóa lịch sử.

“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Lời Bác đã dạy, chúng ta dù trải qua biết bao thăng trầm biến cố cũng nhất định phải làm sáng tỏ lịch sử, tự hào và tự tin nối tiếp các bậc thành hiền, tạo nên trang sử mới cho thời đại Hồ Chí Minh. Thật mong rằng, các thế hệ sau khi nói về lịch sử, sẽ không phải Khổng Minh, sẽ chẳng phải Trương Lương hay Quản Trọng mà sẽ là Bố Cái Đại Vương, sẽ là Hưng Nhân Đại Vương và nhiều thánh hiền đất Việt nữa. Minh triết Việt ko nằm ở sự hào nhoáng, hoành tráng, Minh Triết việt nằm ở sự giản dị, khiêm cung và thấm đẫm tình người.

Theo Nhà nghiên cứu Dương Đức Minh