(Chủ nhật, 10/03/2019, 03:58 GMT+7)

THAM LUẬN HỘI THẢO KHOA HỌC

BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG

 

Tìm hiểu thêm về nghĩa của tôn hiệu

Bố Cái Đại Vương

 

Nguyễn Tá Nhí

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

 

   Bố Cái Đại Vương là tôn hiệu mà người dân Việt Nam tôn kính gọi người anh hùng Phùng Hưng ở làng Đường Lâm từ bao đời nay. Những truyền thuyết về vị danh tướng tài ba này đã được ghi lại trên văn bản Hán Nôm từ rất sớm. Để hiểu rõ hơn về nghĩa của tôn hiệu cao quý ấy trong bài luận văn này, chúng tôi xin đi sâu vào một số nội dung chính như sau:

   I. MỘT SỐ VĂN BẢN HÁN NÔM CÓ GHI TÔN HIỆU

   1.1. Đại Việt sử ký toàn thư

   Sách được biên soạn vào thời Lê Sơ. Tác giả là Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên đã dựa theo bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu đời Trần để biên soạn thành bộ chính sử lớn của quốc gia. Trong sách có đoạn chép về sự tích Bố Cái Đại Vương như sau:

   “Mùa xuân năm Tân Mùi (niên hiệu Trinh Nguyên thứ 7 đời Đường Đức Tông) viên quan An Nam Đô hộ sứ Cao Chính Bình bắt dân đóng góp nặng nề. Tháng 7 mùa hè năm ấy có người ấp Đường Lâm ở Giao Châu là Phùng Hưng dấy binh vây phủ. Chính Bình lo sợ mà chết.

   Trước đây Phùng Hưng vốn là bậc hào phú trong làng, có sức khỏe hơn người, có thể vật được trâu đánh được hổ. Vào khoảng đời Đại Lịch triều Đường, nhân lúc đất Giao Châu có loạn, ông bàn cùng em trai là Phùng Hãi nổi lên hàng phục các ấp lân cận. Hưng tự xưng là Đô Quân, Hãi xưng là Đô Bảo, đem quân đánh nhau với Cao Chính Bình lâu ngày không thắng được. Đến đây dùng kế của một người làng là Đỗ Anh Hàn đem quân vây đánh phủ lỵ. Chính Bình lo sợ u uất thành ung nhọt ở sau lưng rồi chết. Phùng Hưng nhân đó kéo quân vào đóng ở phủ lỵ, không được bao lâu thì mất. Con trai ông là Phùng An lên thay, tôn xưng cha mình là Bố Cái Đại Vương. (Tục gọi cha là Bố, gọi mẹ là Cái, cho nên mới đặt tôn hiệu là Bố Cái). Vương thường hiển linh, dân cho là thần mới lập đền thờ ở phía tây Đô hộ phủ, quanh năm cúng tế thờ phụng, tức là Tôn thần Phu hựu Chương tín Sùng nghĩa Bố Cái Đại Vương”.

   1.2. Thoát Hiên Vịnh sử thi

   Tác giả là Tiến sĩ Đặng Minh Khiêm, người huyện Sơn Vi, có tên hiệu là Thoát Hiên, nên tập thơ Vịnh sử của ông mới được gọi như thế. Trong tập thơ tác giả tự viết bài tựa, hoàn thành năm Quang Thiệu thứ 5 (1520). Bố Cái Đại Vương là nhân vật lịch sử thứ 5 được tác giả đề vịnh. Nội dung như sau:

   “Vương họ Phùng, tên húy là Hưng, người ấp Đường Lâm. Bấy giờ viên quan Đô hộ An Nam là Cao Chính Bình thi hành chính sách hà khắc, thuế má nặng nề. Vương bèn cùng em là Phùng Hải dấy binh kéo về bao vây phủ lỵ, Cao Chính Bình lo sợ mà chết. Vương đem quân vào chiếm giữ phủ lỵ, tự xưng là Đô Quân, Phùng Hãi đặt hiệu là Đô Bảo (Dân địa phương gọi cha là Bố, gọi mẹ là Cái, nên mới có tôn hiệu như thế).

   Thơ vịnh:

Thừa thời bát loạn hiệu Đô Quân,

Tử dục hoằng suy phụ mẫu ân.

Một hậu dương dương anh khí tại,

Ức niên thần thứ diệc tôn thân”.

   1.3. Khâm định Việt sử thông giám cương mục

   Sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn đời Tự Đức. Các sử gia đời Nguyễn đã dựa vào các bộ sử cũ triều Lê để soạn thảo, ngoài ra còn tham khảo thêm Bắc sử, Địa phương chíđể chú giải rõ thêm.

   Về sự kiện Phùng Hưng nổi dậy đánh Cao Chính Bình, sách Khâm định Việt Sử thông giám cương mục, chép gần giống như Đại Việt sử ký toàn thư. Trong đó có đoạn viết:

   “Phùng Hưng đánh Chính Bình mãi không được, mới dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn đem quân đến vây phủ. Chính Bình vì lo sợ mà chết. Phùng Hưng vào ở trong phủ lỵ, được ít lâu thì mất. Dân chúng lập con là Phùng An lên làm Đô phủ quân, tôn Hưng làm Bố Cái Đại Vương”.

   Ở phần chú thích, các sử gia trong Quốc Sử quán cũng cung cấp được ra nhiều thông tin mới rất đáng lưu ý.

   Một là về tên gọi Bố Cái, các sử gia ghi nhận, theo tục cổ của nước ta gọi cha là Bố, gọi mẹ là Cái, nên đặt tôn hiệu là Bố Cái.

   Hai là, các sử gia tham khảo sách Đường Thư của Trung Quốc cho biết, xét “Đường thư, Bản kỷ năm Trinh Nguyên thứ 7, chỉ thấy chép rằng, Tù trưởng An Nam là Đỗ Anh Hàn làm phản, chứ không chép việc Phùng Hưng. Có lẽ ở cách xa nước ta, nên không biết rõ sự việc Phùng Hưng”.

   Ngay sau đó, ở phần viết về An Nam Đô hộ sứ Triệu Xương, các sử gia trong Quốc sử quán triều Nguyễn lại dẫn theo sách Việt Sử tiêu án của Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ mà ghi nhận thủ lĩnh quân ở Giao châu đánh Cao Chính Bình là Đỗ Anh Hàn chứ không phải là Phùng Hưng. Sách viết: Lời bàn của Ngô thì sẽ viết: “Lưu Diên Hựu ngược đãi dân tộc Lý, gây ra cuộc nổi loạn của Đình Kiến; Cao Chính Bình thu thuế quá nặng nề, thì thấy Đỗ Anh Hàn khởi binh”.

   1.4. Thiên Nam ngữ lục

   Thiên Nam ngữ lục là tác phẩm diễn ca lịch sử dài đến hơn 8.000 câu lục bát, trong đó có 62 câu chép về sự kiện Phùng Hưng dấy binh đánh Cao Chính Bình:

Đường Lâm sinh có anh hùng,

Bấy giờ một đạo quân hùng giỏi hơn.

Thằng Cao Chính Bình lạm san,

Ở ra những việc đa đoan hại người.

Bèn bảo em là Phùng Cai,

Anh hùng ta cũng chí trai tang bồng.

Cũng là con cha cháu ông,

Mà đứa Chính Bình nó là người Ngô.

Sang đây nó hơn chúng ta,

Mạnh nó bao là lập mãi nước Nam.

Ngậm hờn nội sự đà cam,

Ở gần sao nỡ đi làm tôi xa.

Bé thể anh hùng nhà ta,

Bé cũng đầu gà, lớn cũng đuôi trâu.

Cho thằng con trẻ rẻ nhau,

Dại thể bạc đầu, khôn thể trắng răng.

Nhịn nó, nó càng hung hăng,

Chẳng nên đổi xác cho thằng khác ăn.

Bèn sang Phúc Lộc dấy quân,

Cõi ra Kinh Bắc, cõi gần Sơn Tây.

Lệnh ra chẳng tới tuần ngày,

Voi kể trăm bày, ngựa kể ngàn dư…

Phùng Cai cầm gươm chém pha,

Chính Bình phải khốn ngựa sa bên đường.

Chiêu an xưng hiệu Phùng Vương,

Cai làm Đô Thống sửa sang cõi bờ

Bụi trần phẳng lặng bằng tờ,

Sạch như gột rửa, quang như thềm nhà.

Dân mừng xướng thái bình ca,

Đêm ngỡ những là ngày lại sánh tên.

Mừng thay nước trị dân yên,

Anh thánh em hiền, bốn bể làm tôi.

Anh em lo khắp trong ngoài,

Có gan Y Doãn, có tài Chu Công.

Ước làm Bành Tổ, Kiều Tùng,

Nào hay thiên vận, cưỡi rồng lên tiên.

Con là Phùng An nối quyền,

Tôn cha hiệu Bố, mẹ bèn Cái nay.

Miếu tôn chính vị trọng thay,

Xưng thụy lên này Bố Cái Đại Vương.

Đến nay thói tục triều phương,

Gọi cha là bố, thói thường nên bia.

Tự họ Phùng thuở thấy suy

An Vương thơ dại loạn ly dấy càn.

Ít người nhiều việc khôn toan,

Có chăng một Đỗ Anh Hàn ra tay.

Chưng khi cột nát nhà quay,

Một cây khôn chống lại tày như xưa.

Phân tranh cát cứ cõi bờ,

Đất ta khuya sớm lại Ngô trong ngoài.

   2. Ý kiến nhận xét

   Theo tập tục của cổ nhân, mỗi người thường sử dụng bốn loại tên gọi khác nhau là:

   - Tên húy là tên cha mẹ đặt cho lúc mới sinh. Về loại tên gọi này có thể do truyền thống của gia đình dòng họ, hoặc do những kỷ niệm riêng của cha mẹ, khi sinh con đã đặt tên như thế để ghi nhớ.

   - Tên tự, còn gọi là tên chữ, dùng để đặt cho con trai. Theo tập tục cổ truyền, người con trai lớn tuổi trưởng thành thì đặt tên tự.

   - Tên hiệu, là tên gọi đặt lúc đã thành đạt, thường do thày giáo, bạn bè đặt cho.

   - Tên thụy, là tên gọi được đặt cho khi người ấy đã mất. Gia đình dòng tộc căn cứ vào phẩm hạnh, công đức của người quá cố mà đặt tên.

   Trở lại với các loại tên gọi của Bố Cái Đại Vương ghi trong các tư liệu Hán Nôm hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đều thống nhất ghi tên húy của Đại Vương là Hưng, còn về tên tự thì các văn bản Hán Nôm cũng đều không thấy ghi. Riêng về tên hiệu, tên thụy thì các tư liệu ghi không thống nhất. Các sách Đại Việt sử ký toàn thưThoát Hiên vịnh sử thi,Khâm Định, Việt sử thông giám cương mục đều ghi tôn hiệu là Bố Cái. Tôn hiệu này do con trai ông là Phùng An đặt cho và giải thích là theo thói tục gọi cha là Bố, gọi mẹ là Cái. Riêng Thiên Nam ngữ lục thì không thấy ghi tên hiệu là Bố, lại còn ghi thêm cả tên thụy. Sách viết:

Con là Phùng An nối quyền,

Tôn cha hiệu Bố, mẹ bèn Cái nay.

Miếu tôn chính vị trọng thay,

Xưng thụy tên này Bố Cái Đại Vương.

   Ngoài việc ghi tên thụy khác với các sách kia ra, Thiên Nam ngữ lục còn ghi chức tước của Phùng Hưng cũng khác biệt. Các sách trên đều ghi việc sau khi đánh bại Cao Chính Bình rồi, Phùng Hưng dẫn quân vào thành, tự xưng là Đô Thống. Còn Thiên Nam ngũ lục, lại ghi là Phùng Vương.

   Để tìm hiểu rõ thêm về ý nghĩa của từ Bố Cái, chúng tôi thấy cần thiết phải khảo cứu rộng thêm nhiều văn bản Hán Nôm.

   2.1. Cách viết từ Bố Cái

   Bố Cái là từ tiếng Việt, được ghi bằng hai chữ Hán là Bố (布: ban bố) và Cái (盖: đậy lại). Sách Đại Việt sử ký toàn thư, giải thích từ Bố Cái này có nghĩa là cha mẹ, nên có học giả đời sau cho rằng đây là chữ Nôm, nên suy đoán rằng chữ Nôm Việt Nam ra đời vào thế kỷ thứ 8, khi mà người Việt đã sử dụng để ghi tên hiệu của Phùng Hưng.

   2.1.1. Chữ Bố 布

   Hầu hết các văn bản Hán Nôm hiện còn đều ghi chữ Bố giống như Đại Việt sử ký toàn thư, đến khi tìm hiểu rộng thêm các bản Thần phả, sắc phong, chúng tôi mới thấy có sự khác biệt đôi chút. Hiện ở đình làng Phương Bản xã Phụng Châu huyện Chương Mỹ thành phố Hà Nội còn lưu giữ được 11 đạo sắc phong thần, trong đó có 7 đạo sắc phong cho Bố Cái Đại Vương, thì chữ Bố viết giống như Đại Việt sử ký toàn thư.

   Còn 4 đạo sắc phong cho vị Thành hoàng làng thứ 2 ở đây là Vua Bà, thì chữ Bố viết có khác nhau, cụ thể là:

   Đạo thứ 1, được ban tặng năm Gia Long thứ 1 (1802), nội dung có đoạn ghi Bố Cái Đại Vương phi Vương Thị Phu nhân, cho biết bà Phu nhân họ Vương là Chính phi của Bố Cái Đại Vương. Chữ Bố ở đạo sắc văn này vẫn viết giống như 7 đạo sắc cho Bố Cái Đại Vương nói ở trên.

   Đạo thứ 2, được ban tặng năm Cảnh Thịnh thứ 1 (1793) và Đạo thứ 3 được ban tặng năm Quang Trung thứ 4 (1791) thì chữ Bố được viết là 佈 (chữ Bố, có thêm bộ Nhân đứng ở bên).

   Đạo thứ 4, được ban tặng năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) thì chữ Bố được viết là  沛 (chữBố có thêm bộ Thủy ở bên cạnh).

   Như vậy chữ Bố có 3 cách viết là  布 佈 và 沛 .    

   2.1.2. Chữ Cái

   Trong Đại Việt sử ký toàn thư và các sử thư khác đều thấy viết là  盖(Cái: đậy lại). Riêng trong Thiên Nam ngữ lục lại viết là  丐 (Cái: cầu xin)

   Trong các đạo phong ở đình làng Phương Bản, còn thấy cách viết là:  沔  

   (Cái, có thêm bộ thủy ở bệnh cạnh).

   Như vậy chữ Cái cũng có 3 cách viết là 盖 丐 và  沔  

   2.2. Bàn thêm về nghĩa của từ Bố Cái

   Khảo sát các tư liệu có ghi từ Bố Cái trong các văn bản Hán Nôm hiện đang lưu giữ ở các thư viện lớn ở Trung ương và ở các địa phương, đặc biệt là các chữ Hán ghi từ Bố và từ Cáicó nhiều cách viết khác nhau như thế, chúng tôi nhận thấy cách lý giải từ Bố Cái là cha mẹ có chỗ chưa thực thuyết phục.

   Trước hết, chúng tôi thấy từ Cái ngoài nghĩa chỉ loại động vật có khả năng đẻ trứng sinh con ra, còn một nét nghĩa khác là vật chủ thể quan trọng, có khả năng chi phối các vật chung quanh giúp cho sự vật có khả năng phát triển đi lên như các từ: đường cái, sông cái, cầm cái, ngón tay cái. Nét nghĩa này của từ Cái thường gặp trong các văn bản Hán Nôm có niên đại xuất hiện rất sớm, ví dụ:

- Chính đạo: đường cái thẳng ngay.

  Chu đạo: đường tắt, hiện nay kỳ bàng.

                                 (Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa)

- Mẫu chỉ: ngón cái cả thay,

  Thụ chỉ: ngón trỏ, hỏi thày Câu Chi

                               (Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa)

   Tiếp đến, theo kết quả nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học, thì tiếng Việt từng tồn tại các tổ hợp phụ âm đầu như bl, tl, ml, kl,,, Bằng chứng có thể tìm thấy trong các thư tịch cổ, chẳng hạn như sách Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa ghi tên các loài chim như bồ câu, bồ cu, bồ nông, phù âu… như:

Sơn kê gà lôi ở rừng

Gia cáp hiệu rằng là chim bồ câu

Cưu bột là chim bồ cu

Làm tổ lệch lạc gáy ù như câu

Chim két có hiệu phù âu

Lênh đênh mặt nước sớm trưa họp đàn.

   Do vậy chúng tôi suy đoán rằng Bố cái là từ Việt cổ ý nghĩa tập trung vào từ Cái, còn từ Bốchỉ có giá trị là tiền tổ để ghi tổ hợp phụ âm đầu [bk] mà thôi. Nghĩa chính của từ Bố Cái chỉ tập trung vào từ Cái mang nét nghĩa là Vật chủ thể quan trọng có khả năng chi phối các vật chung quanh, giúp cho sự vật có khả năng phát triển đi lên.

   Trở lại với lãnh tụ Phùng Hưng thời thuộc Đường, do có sức mạnh được quần chúng tin cậy hết lòng ủng hộ, đã đánh lại viên quan Cao Chính Bình, nên được người đương thời tôn xưng vị thủ lĩnh là Bố Cái. Danh từ Bố Cái được ghi bằng tổ hợp phụ âm đầu [bk] lại được người đời sau ghi bằng hai chữ Bố và Cái. Do vậy chúng ta nên thể hiểu từ Bố Cái này mang nét nghĩa là thủ lĩnh, là người đứng đầu của đội quân hùng mạnh. Bấy giờ thủ lĩnh Phùng Hưng nổi lên từ đất Đường Lâm, tập hợp lực lượng, khi đã đủ sức mạnh liền kéo quân xuống đánh thành Tống Bình. Nghĩa quân do Thủ lĩnh Phùng Hưng chỉ huy xuôi dòng sông Tích đi qua các huyện Thạch Thất, Quốc Oai rồi đi ra sông Đáy, xuôi về đến vùng Phụng Châu. Đến đây nghĩa quân do Thủ lĩnh Phùng Hưng chỉ huy nhận được sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân địa phương, đặc biệt là bà Phu nhân họ Vương. Về sau dân làng Phương Bản xã Phụng Châu huyện Chương Mỹ thờ Phùng Hưng làm thành hoàng, hiện còn giữ được 7 đạo sắc phong các đời vua thời Lê, thời Nguyễn. Ngoài ra còn thờ cả bà Vương thị Phu nhân của Bố Cái Đại Vương, dân làng còn cung kính gọi là Vua Bà. Đến năm Chính Hòa thứ 4 (1783) triều đình ban sắc tặng cho Vua Bà, trong sắc văn có hai chữ  沛 沔 (Bố Cái) có dùng bộ chấm thủy. Hai chữ Bố Cái có cách viết đặc biệt này, cho thấy nghĩa của từ Cái, không thể hiểu là động vật giống cái được, mà phải liên quan đến sông nước.

   Từ vùng Phương Bản này, nghĩa quân xuôi dòng đến xã Phương Trung huyện Thanh Oai, tiếp đến lại chuyển sang sông Nhuệ đến đóng tại xã Đại Áng huyện Thanh Trì, rồi ngược dòng sông Nhuệ đi đến xã Triều Khúc huyện Thanh Oai chuẩn bị vây đánh Thành Tống Bình. Đường dài ngàn dặm, đi đến đâu cũng được nhân dân ủng hộ sức người sức của, khiến cho viên Đô hộ sứ Cao Chính Bình sinh bệnh rồi chết. Sách Thiên Nam ngữ lục, lại ghi nhận là chính tướng Phùng Hải đã chém chết Cao Chính Bình.

Phùng Hưng đặt chước bảo em,

“Hoàng Trung xưa phá Hầu Uyên cũng vầy”.

Tang tảng vừa ban sáng ngày,

Anh em lên ngựa xông vây vào doanh.

Bốn bề binh mã bọc quanh,

Chính Bình mất vía một mình chạy ra.

Phùng Cai cầm gươm chém pha,

Chính Bình phải khốn ngựa sa bên đường…

   Chiến thắng vang dội cả đội quân nhân nghĩa do có sự hỗ trợ đắc lực của bà Vương Thị Phu Nhân, có sự đồng lòng nhiệt huyết của tướng lĩnh và binh sĩ, đặc biệt nhờ vị thủ lĩnh Bố Cái Đại Vương mưu trí khôn ngoan, có sức mạnh phi thường, đánh đâu thắng đấy, khiến quân thù khiếp đảm.

 

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2019

---------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đại Việt sử ký toàn thư, ký hiệu A. 3

2. Thoát Hiên vịnh sử thi, ký hiệu A.2454

3. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, ký hiệu A.2674

4. Thiên Nam ngữ lục, ký hiệu AB. 478

5. Sơn Tây tỉnh chí, ký hiệu A.857.