(Thứ hai, 08/05/2023, 10:25 GMT+7)
THẾ SỰ THÁN
 
(Thơ Khúc Thưa Dụ)
 
Kim nhật hồi tư tri lãnh cảnh,
Cựu niên tương nghiệm kiến hàn tâm.
Cổ ngôn mỗi thán tiền vi thượng,
Bi ký an điều thú tính thâm.
Hữu vấn quan liêu giai phụ mẫu,
Vô phân thế sự cổ thăng trầm.
Phùng Vương tác kính do lưu bích,
Phủ trị tương truyền bách thế khâm.
 
THAN ĐỜI
 
Hôm nay ngồi nhớ lại vẫn còn lạnh gáy,
Những chuyện đã trải giờ thấy vẫn chạnh lòng.
Lời xưa vẫn thường than rằng đồng tiền là chúa tể,
Văn bia sao ghi hết được những thói xấu của lòng người?
Xin hỏi các bậc mệnh quan, mấy ai xứng là cha mẹ dân”
Thật khó mà tỏ hết chuyện đời trong thời tao loạn.
Cuộc đời của đức vua Phùng Hưng như tấm gương sáng treo trên vách,
Nơi cung khuyết trăm năm vẫn còn lưu dấu đến giờ.
 
Dịch thơ:
 
Nhớ lại hôm nay mà lạnh gáy,
Việc qua so sánh những đau lòng.
Từ xưa, tiền bạc như Thượng Đế,
Bia chữ khôn ngăn thú tính thâm.
Người hỏi rằng quan, ai phụ mẫu?
Sao phân thế sự lúc thăng trầm!
Gương sáng Phùng Vương treo vách đó,
Nghiệp lớn trăm năm để tiếng thơm.
 
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
 
Hôm nay nhìn lại có gì vui?
Muôn việc từ xưa luống ngậm ngùi.
Đời trước, từng than tiền là chúa,
Bia cao ghi thói xấu lòng người.
Đường quan mấy kẻ xứng phụ mẫu?
Đúng sai khó định chuyện thế thời.
Phùng Vương thuở trước nêu gương sáng,
Cung khuyết trăm năm mấy lở bồi.
 
(TRẦN ĐĂNG THAO dịch)
 
Đây là bài thơ THAN THỞ VỀ THẾ SỰ của Khúc Thừa Dụ. Bài thơ được tác giả viết vào năm 906, khi Khúc Thừa Dụ đang giữ chức Tiết Độ Sứ Giao Châu, tự phong. Phủ trị đặt tại thành Đại La (Tống Bình cũ thời Phùng Vương (Bố Cái Đại Vương).


Tượng thờ Khúc Thừa Dụ

Khúc Thừa Dụ (830-907) vốn dòng dõi hào phú ở đất Chu Diên, xứ Đông, nay thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Nước ta hồi đó nằm dưới ách đô hộ của nhà Đường.
 
Năm 679, vua Cao Tông nhà Đường chia Giao Châu thành 12 châu, 59 huyện, đặt ra chức quan AN NAM ĐÔ HỘ PHỦ. Cuối đời nhà Đường xã hội rối loạn. Các tập đoàn Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tần, Hậu Hán, Hậu Chu tranh nhau quyền lực, tranh nhau làm vua. Mỗi “nhà” tồn tại mấy năm. Sử gọi đó là thời kỳ Ngũ Đại. Giặc cướp thừa cơ tung hoành, khiến trăm họ vô cùng khốn khổ.
 
Năm Bính Dần (906) đời vua Chiêu Tuyên nhà Đường, quyền lực rơi vào tay Chu Ôn. Các thế lực nổi lên tranh hùng tranh bá, tạo ra thế chia cắt 5 đời, 10 nước. Sử gọi là “Ngũ Đại Thập Quốc”.
 
Năm 905, Độc Cô Tôn được phái xuống Tĩnh Hải Quân (tên gọi vùng đất nước ta) làm Tiết Độ Sứ. Tên này cai trị rất hà khắc và độc ác, nên bị dân oán thán. Chu Ôn giết chết Độc Cô Tôn vì không cùng chí hướng. Vùng Tĩnh Hải Quân không có người quản lý. Nhân thời cơ thuận lợi, Khúc Thừa Dụ, hào trưởng Chu Diên nổi dậy chiếm thành Đại La, tự xưng là Tiết Độ Sứ Giao Châu. Nhà Đường suy yếu, đành phải phong cho Khúc Thừa Dụ chức “Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ”, gia phong chức “Đồng Bình Chương Sự”.
 
Khúc thừa Dụ lấy thành Đại La làm phủ trị, cai quản Giao Châu. Họ Khúc khôn khéo giao thiệp, “xin mệnh nhà Đường”, buộc Đường phải công nhận chính quyền của mình. Khúc thừa Dụ phong cho con trai là Khúc Hạo chức vụ quản lý quân đội và sẵn sàng kế vị.
 
Năm 907, nhà Đường diệt vong. Khúc Thừa Dụ già yếu cũng qua đời. Khúc Hạo lên thay cha, kế tục được chính sự yên ổn.
 
Như vậy, Khúc Thừa Dụ làm bài thơ THAN ĐỜI, vào năm 906. Tác giả than thở về thói đời, tức thế sự nhà Đường đã quá mục nát. Nhắc đến chuyện cũ là đã thấy lạnh gáy rồi. Nghĩ chuyện đã qua, dưới ách đô hộ của bọn thống trị tàn bạo của nhà Đường, lại càng thêm đau lòng.
 
Tác giả viết:
 
Từ xưa, tiền bạc như Thượng Đế,
Bia cũ khôn ngăn thú tính thâm.
 
Thế nghĩa là đồng tiền đã trở thành chúa tể của thiên hạ. Bia đá không thể ngăn được thói xấu (thú tính) của con người. Trong thời buổi như vậy, hỏi ai là quan phụ mẫu đây? Thật khó luận bàn, bởi thế sự thăng trầm dâu bể.
 
Nhưng vẫn có một người xứng đáng được vinh danh là PHỤ MẪU (cha mẹ) của dân. Đó chính là Phùng Vương (Phùng Hưng), được dân mến dân yêu. Bách tính vinh danh ngài là BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG. “Bố cái”, chẳng phải là cha mẹ của dân, theo đúng nghĩa gốc của tiếng ta đó sao?
 
Khúc Thừa Dụ, tác giả bài thơ kết luận:
 
Gương sáng Phùng Vương treo vách đó,
Nghiệp lớn trăm năm để tiếng thơm.
 
Phùng Vương, Mai Thúc Loan, hay Dương Thanh, đều là những anh hùng kiên quyết chống lại ách đô hộ của nhà Đường. Tiếc rằng, thời điểm ấy nhà Đường còn đang mạnh. Khúc Thừa Dụ gặp được thế thời thuân lợi hơn, đúng vào thời điểm nhà Đường suy yếu, cho nên dễ thành công vậy!
 
Theo Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục