Nhà văn Trần Mai Anh
Kỳ 3
Trở về trong đoàn quân chiến thắng
Ngày 10 tháng 5 năm 1988, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư, thay mặt Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam gửi thư cho quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia. Bức thư viết:
"... Cách đây 10 năm, đáp lại tiếng gọi thiết tha của mặt trận dân tộc cứu nước của Campuchia và nhân dân Campuchia đang đứng trước thảm họa diệt vong, quân tình nguyện ta đã vượt khó khăn gian khổ giúp nhân dân Campuchia giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi ách thống trị của bọn diệt chủng Pôn Pốt man rợ. Quân đội ta đã lập nên chiến công đó trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam Tổ quốc, bảo vệ vùng biển hải đảo, giúp cách mạng Lào.
Mười năm qua là mười năm chiến đấu liên tục và anh dũng của cán bộ chiến sĩ quân tình nguyện ta, kề vai sát cánh với nhân dân Cộng hòa nhân dân Campuchia, đánh bại các cuộc phản kích điên cuồng của địch, đồng thời giúp bạn xây dựng lực lượng và trưởng thành.
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng nhân dân cách mạng Campuchia, với liên minh chiến đấu Việt Nam - Campuchia - Lào, được sự giúp đỡ của Liên Xô, các nước Xã hội chủ nghĩa khác và bạn bè quốc tế, nhân dân và cách mạng Campuchia đã lớn mạnh nhanh chóng. Đất nước Campuchia đã hồi sinh kỳ diệu. Các bạn Campuchia ngày nay đã tự đảm đương được về cơ bản nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Cách mạng Campuchia tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tỉnh thành Campuchia là không thể đảo ngược được.
Đó là thắng lợi to lớn và rực rỡ của Đảng, chính phủ và nhân dân Campuchia anh em. Đảng, nhân dân và quân đội ta đã góp phần phản cống hiến xứng đáng vào thắng lợi đó. Âm mưu nham hiểm bành trướng xuống Đông Nam Á của bọn phản động Trung Quốc bước đầu bị ngăn chặn. Thế và lực của cách mạng, ba nước Đông Dương được tăng cường. Tình đoàn kết Việt Nam Campuchia được củng cố. Nền độc lập của Tổ quốc ta có thêm điều kiện được bảo vệ có hiệu quả hơn.
Thắng lợi nói trên đã tô thắm truyền thống vẻ vang và phát huy bản chất cách mạng sáng ngời vì nước, vì dân, vì nghĩa vụ quốc tế của quân đội nhân dân ta".
..."Tổ quốc, nhân dân và Đảng ta đời đời nhớ ơn những người con yêu quý đã ngã xuống hoặc phải mang thương tật vì hạnh phúc lâu dài và sự sống còn thiêng liêng của dân tộc Việt Nam và Campuchia"...
Bộ Chính trị đánh giá: "Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế của mình sẽ trở về nước".
..."Đối với quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia từ nay đến năm 1990 là thời kỳ chiến đấu cực kỳ quan trọng bảo đảm hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quốc tế mà Đảng, nhân dân và Tổ quốc giao phó".
Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho "Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia phải tập trung những cố gắng cao nhất, tận tâm tận lực giúp bạn Campuchia và cùng bạn chiến đấu giành lấy kỳ được thắng lợi quyết định trong việc thực hiện 3 mục tiêu chiến lược mà Đảng và nhân dân cách mạng đã đề ra".
..."Các đồng chí cần nêu cao ý chí chiến đấu, kiên quyết và liên tục tiến công, sáng tạo cách đánh và phương thức hoạt động có hiệu quả cao nhất, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ với bạn, đánh phá các hành lang căn cứ của địch, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng địch xâm nhập vào nội địa làm cho địch tiếp tục suy yếu nghiêm trọng, hỗ trợ đắc lực công tác xây dựng cơ sở ở các vùng trọng điểm, góp phần tích cực vào sự trưởng thành vững chắc của các lực lượng vũ trang và chính trị của bạn Campuchia".
(Thư của Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng gửi quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia, ngày 10/5/1988)
Gần mười năm làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn những chiến sĩ tình nguyện và chuyên gia của ta đã vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn, hi sinh gian khổ thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ "Giúp bạn là tự giúp mình", kề vai sát cánh với quân và dân Campuchia trên địa bàn Quân khu đảm nhiệm, đánh bại những cuộc phản kích điên cuồng của địch, đồng thời giúp bạn xây dựng công cuộc hồi sinh đất nước, xây dựng lực lượng cách mạng lớn mạnh tự lực đảm đương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Thực hiện thỏa thuận giữa hai nhà nước, ngày 26 tháng 9 năm 1979 quân tình nguyện Quân khu và toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam rút hết về nước hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Hơn mười năm lăn lội trên chiến trường Campuchia (1/1979 đến 9/1989) Phùng Đình Thảo đã chứng kiến một cuộc rút quân lịch sử. Bộ đội ta rút quân về nước từ cửa khẩu Sa Mát, Tây Ninh, Sài Gòn. Cuộc hành quân bộ 100 cây số của bộ đội Việt Nam từ Campuchia trở về. Người đi từ cửa khẩu Mộc Bài ở Gò Dầu, về đến quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh thì người cuối vẫn ở cửa khẩu Sa Mát, thị xã Tây Ninh. Một cuộc hành quân vô cùng lớn, cứ chỗ nào có dân là cờ hoa vẫy chào. Để có được giây phút vỡ òa đó, quân tình nguyện của ta đã trải qua muôn trùng khó khăn. Đến nay, sau hơn ba mươi năm hồi tưởng lại những ngày chiến đấu trên dọc tuyến biên giới, chứng kiến những giờ phút sung sướng Phùng Đình Thảo xúc động khôn nguôi, nhớ về đồng đội đã đổ máu hi sinh tính mạng của mình trên dải đất biên cương phía Tây Nam Tổ quốc. Các đồng chí ấy hi sinh khi tuổi đời trên dưới hai mươi, bao nhiêu khát vọng của một đời người chưa thực hiện được, ngày nay biên giới hai nước đã yên bình trong tình hữu nghị, đã có những cửa khẩu mở ra, phố xá, cửa hàng mọc lên. Xin hãy nhớ cho những ngày khói lửa, mồ hôi, máu của bao người đã đổ xuống nơi đây.
Năm tháng tuổi già thanh thản
Trong đời binh nghiệp của mình, ông đã trải qua hơn 50 trận chiến đấu lớn nhỏ. Từ một văn thư liên lạc trở thành một vị tướng. Từ một cậu bé học dở lớp 7 đã nhận được bằng tốt nghiệp đại học, làm Chủ nhiệm Quân khu, Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, rồi Phó Cục trưởng, Cục Tổ chức, Tổng cục Chính trị, một cơ quan chuyên về công tác Đảng. Đó là cả một chặng đường phấn đấu không ngừng nghỉ của người con quê hương Thạch Thất. Ghi nhận những cống hiến xuất sắc của ông với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước, Quân đội đã tặng thưởng cho Thiếu tướng Phùng Đình Thảo: Ba Huân chương Chiến công (2 Hạng nhất, 1 Hạng 2); Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước Hạng Hai; Huân chương Bảo vệ Tổ Quốc hạng nhất; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc Campuchia Hạng Nhất; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang Hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, cùng nhiều bằng khen và phần thưởng cao quý khác.
Cả cuộc đời chiến đấu, công tác của ông hầu như là xa gia đình. Vợ ông ở hậu phương luôn lo toan, gánh vác việc nhà, con cái chu đáo. Đằng sau những chiến công của ông, luôn có hồn vía của bà. Ba người con của ông sinh ra đều trong lúc ông đi chiến đấu. Con trai đầu sinh ra được 10 tháng ông mới được về phép gặp mặt con, con trai thứ hai 16 tháng ông về phép, đến người con trai thứ ba, sinh ra được 6 tháng mới biết mặt cha. Người xưa thường nói "Tam nam bất phú", nhưng vợ ông dạy dỗ ba người con của mình rất cẩn thận. Nếu để các con mù quáng lao theo đồng tiền thì con người ắt sẽ bước vào "mê cung bất hạnh". Có lẽ chính vì thế mà cả ba người con trai của ông, ai cũng ăn học đến nơi đến chốn, tốt nghiệp các trường đại học uy tín, và hiện giờ đều công tác trong quân đội. Con trai đầu Phùng Đình Tiến là Thạc sĩ, công tác tại Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng. Con trai thứ hai, Phùng Đình Tân, Kỹ sư công nghệ thông tin, công nhân viên Quốc phòng tại Viettel. Con trai út, Phùng Đình Dũng là Kiến trúc sư, công tác trong Bộ Quốc phòng. Để có được một gia đình đầm ấm, con cái trưởng thành như ngày hôm nay ông luôn thầm cảm ơn người vợ tần tảo, giàu đức hi sinh của mình. Chính bà chứ không ai khác đã gánh vác phần việc quá ư nặng nề cho người ra trận. Bà chính là điểm tựa, là chỗ dựa vững vàng, là nguồn động lực vô tận, giúp cho chồng vượt qua mọi hi sinh, gian khổ để chiến đấu. Bà chính là một nửa chiến công.
Trong lần đón nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng ông tâm niệm, có ba yếu tố quan trọng giúp ông nhận được vinh dự này, đó là:
- Thứ nhất: Suốt chặng đường 40 năm tuổi Đảng tôi đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi luôn được tổ chức cơ sở Đảng, cấp ủy chi bộ, đội ngũ Đảng viên giúp đỡ, động viên và xây dựng để tôi trưởng thành. Tôi coi đây là điểm tựa vững chắc trên bước đường đi và làm theo mục đích lý tưởng của Đảng vạch ra.
- Thứ hai: Không gì phấn khởi hơn là quá trình rèn luyện, phấn đấu của tôi ở các cương vị, chức trách và thời điểm khác nhau... Đã được cấp ủy Đảng, cấp trên đánh giá, ghi nhận kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị đối với tôi, giúp tôi luôn có động lực để phục vụ Đảng nhiều hơn.
- Thứ 3: Một yếu tố quyết định, tôi được trưởng thành như ngày hôm nay là nhờ sự nuôi dưỡng, động viên của hậu phương gia đình, nhất là những lúc khó khăn gian khổ... Điều này, giúp tôi càng có nhiều cơ sở để phát huy khả năng của mình trên bước đường theo Đảng, theo cách mạng.
Và đến giờ, sau hơn bốn mươi năm làm cuộc đời chiến sĩ, thiếu tướng Phùng Đình Thảo đã hành xử đúng trước bao nhiêu biến cố. Trong phòng khách của ông trang trọng treo tấm ảnh Bác Hồ, với ông chỉ có đạo đức cao thượng và nhân cách vị tha, tận trung với nước, tận hiếu với dân, mới chinh phục được trái tim nhân dân, mới rung động được cõi lòng dân tộc.
Khi trò chuyện với nhà văn, Thiếu tướng Phùng Đình Thảo tâm sự xúc động và khúc triết về bước đường phấn đấu trưởng thành của cá nhân mình. Đó cũng là lời kết của bài viết về vị tướng họ Phùng: “Có thể nói: 43 năm 8 tháng trong đời quân ngũ với tôi có biết bao kỷ niệm đáng nhớ… làm sao kể ra được. Chỉ biết rằng: Điều lớn lao nhất mãi mãi đọng lại trong đời quân ngũ với tôi là do Đảng, Quân đội và đồng đội đã rèn luyện, giúp đỡ tôi trưởng thành toàn diện như ngày hôm nay. Tôi nguyện sẽ luôn giữ gìn những giá trị tốt đẹp ấy.”
Hết