(Chủ nhật, 06/03/2022, 09:44 GMT+7)

Tiểu thuyết lịch sử, như một cây cầu lịch sử bắc nối với quá khứ, trình hiện lại những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời truyền cảm hứng tự cường dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương ở người đọc, đặc biệt là đối tượng độc giả trẻ.

Viết tiểu thuyết lịch sử - nào đâu phải dễ?

Viết tiểu thuyết lịch sử không hề đơn giản. Bởi lẽ, dựa trên một cứ liệu chính sử mang tính biên niên tuyến tính, thậm chí đôi khi nguồn cứ liệu này lại vô cùng ít ỏi, nhà văn phải trải qua quá trình hư cấu để mở rộng biên độ không gian và thời gian của lịch sử. Trong đó xuất hiện hệ thống nhân vật, những nhân vật này, tuy ấn định về mặt niên biểu, nhưng cá tính của mỗi nhân vật, làm rõ mối quan hệ giữa các nhân vật là công việc sáng tạo của nhà văn. Mục đích đầu tiên và tiên quyết của một tiểu thuyết lịch sử, là chuyển tải tinh thần, lối ứng xử và các điều kiện xã hội của một giai đoạn lịch sử quá khứ, với chi tiết thực tế và trung thành với lịch sử.

Một nhà văn có nhiều cách tiếp cận với tiểu thuyết lịch sử. Tác phẩm có thể xoay quanh một nhân vật lịch sử làm trọng tâm, hoặc có thể có sự kết hợp giữa nhân vật lịch sử và hư cấu. Hoặc một tác phẩm tiểu thuyết lịch sử có thể chú trọng vào một sự kiện lịch sử đơn nhất có tầm vóc.

Sự kiện lịch sử được phản chiếu qua ảnh hưởng của nó tới đời sống các nhân vật cá nhân của tiểu thuyết. Khác với một sử gia, nhà văn được tự do tưởng tượng hơn. Viết tiểu thuyết lịch sử, có thể nói, là kiến tạo ra một lịch sử thứ hai. Tuy mang tính chất phái sinh, nhưng lịch sử thứ hai này có giá trị tự thân của nó – giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật.

Tiểu thuyết lịch sử - một diễn ngôn đối thoại

Tiểu thuyết lịch sử có vai trò rất đỗi to lớn, trong việc cung cấp một nhận thức sâu sắc mới về lịch sử. Thử nhìn sang Trung Hoa, mặc nhiên Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung trở thành một dẫn nhập quan yếu, đối với bất kỳ ai quan tâm và muốn tìm hiểu lịch sử Trung Quốc. Độc giả phổ thông rất dễ đi đến kết luận nhầm lẫn, rằng Tam quốc là một công trình lịch sử, thay vì một tác phẩm hư cấu lịch sử. Hay cả một quốc gia tồn tại và được bảo lưu trong vô thức tập thể nhờ tiểu thuyết lịch sử, như trường hợp Ba Lan trong giai đoạn bị đế quốc Nga chiếm đóng.

Tiểu thuyết "Tam Quốc diễn nghĩa" của nhà văn La Quán Trung

Tiểu thuyết lịch sử trỗi dậy vào đầu thế kỷ XIX, hòa nhập với làn sóng Lãng mạn đương thời và khích lệ tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Ở châu Âu, rất nhiều tiểu thuyết lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi sự quan tâm của đại chúng tới vấn đề lịch sử Trung Cổ. Điển hình như tiểu thuyết Thằng gù ở Nhà thờ Đức bà của Victor Hugo đã thúc đẩy phong trào bảo tồn và phục dựng kiến trúc Gothic ở Pháp. Những tác phẩm tiểu thuyết lịch sử xuất sắc, còn hội tụ, cố kết và khích lệ sức mạnh của toàn dân tộc.

Không thể phủ nhận mối quan hệ của tiểu thuyết lịch sử với các tài liệu chính sử. Các tài liệu chính sử này như một xương sống và bệ phóng để nhà văn phát huy óc sáng tác của mình, ví như việc canh tác trên một mảnh đất chưa từng ai biết đến. Mọi tiểu thuyết gia lịch sử mẫu mực, đều tôn trọng tính trung thực của lịch sử và vai trò của việc nghiên cứu bối cảnh lịch sử khi chấp bút tác phẩm. Văn hào người Ba Lan, Henryk Sienkiewicz, khi viết Quo Vadis, đã phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng về Đế chế La Mã thời Nero và giai đoạn tiền Kitô giáo, nhằm mục đích liên kết và liên hệ trích dẫn các dữ kiện lịch sử một cách chuẩn xác.

Tác phẩm "Quo Vadis" của văn hào người Ba Lan Henryk Sienkiewicz

Song, nếu chỉ dựa trên những dữ kiện khô khan đến từ các tài liệu này, sẽ là không đủ để nhà văn sáng tạo. Bên cạnh việc nghiêm cẩn khảo cứu sử liệu, một hướng tìm tòi mang lại cho tác giả rất nhiều dẫn liệu và cảm hứng sáng tác là điền dã nơi phát tích, cũng là nơi gắn liền với các truyền thuyết dân gian về nhân vật lịch sử. Dã sử vốn được lưu hành rộng rãi trong dân gian truyền miệng thông qua các nghệ nhân kể chuyện, các nhà văn học nghệ thuật viết kịch, biểu diễn kịch. Mọi cá nhân này lại không ngừng sáng tạo, làm cho những tình tiết câu chuyện và hình tượng các nhân vật lịch sử trở nên phong phú thêm.

La Quán Trung đã lấy Tam quốc chí bình thoại, một khối lượng sáng tác tập thể vô cùng hùng hậu của quần chúng nhân dân ở đầu thời Nguyên, làm cơ sở sáng tác Tam Quốc diễn nghĩa. Tuy nhiên, để xử lý dã sử một cách hiệu quả, đòi hỏi nhà văn phải có tư duy chọn/sàng lọc và óc tư biện hư cấu – đây chính là tài năng của tiểu thuyết gia. Tư duy sàng lọc được thể hiện ở chỗ lựa chọn các chi tiết dã sử đắt giá, hợp lý, đồng thời tước bỏ những tình tiết hoang đường, mê tín. Sau đó nâng cao ngôn ngữ văn chương đến mức độ nghệ thuật, để tăng cường thêm sức hấp dẫn của nghệ thuật đối với độc giả.

Diện mạo tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XXI

Ở Việt Nam kể từ sau 1975, đặc biệt là từ những năm đầu thế kỷ XXI cho tới nay, các sáng tác về đề tài lịch sử không còn chỉ là nhu cầu nội sinh của tác giả, mà còn trở thành một nhu cầu bức thiết đối với toàn xã hội. Bởi lẽ, có ý kiến cho rằng thế hệ trẻ ngày nay dường như đang ngày một trở nên hờ hững với lịch sử.

Các tiểu thuyết lịch sử luôn gây được tiếng vang trong dư luận cũng như nhận được nhiều ý kiến phê bình tranh luận, có thể kể tới những tác phẩm tiêu biểu như Quân sư Nguyễn Trãi (2001, Trần Bá Chí), Trương Vĩnh Ký, bi kịch muôn đời (2001, Hoàng Lại Giang), Giàn thiêu (2003, Võ Thị Hảo), Bà Triệu, Đinh Bộ Lĩnh (2004, Hàn Thế Dũng), Kinh đô RồngMột mất một cònThời vàng son (2004, Nguyễn Khắc Phục), Hội thề (2009, Nguyễn Quang Thân), Bí mật hậu cung (2012, Bùi Anh Tấn), Thông reo ngàn hống (2015, Nguyễn Thế Quang), Chim ưng và chàng đan sọt (2015, Bùi Việt Sỹ), Sương mù tháng giêng (2015, Uông Triều), Đức Thánh Trần (2018, Trần Thanh Cảnh),…

Cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và bộ ba tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng

Một trong những nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử thành công sau 1975 là Nguyễn Xuân Khánh với bộ ba tác phẩm Hồ Quý Ly (Nxb Phụ nữ, 2000), Mẫu thượng ngàn (Nxb Phụ nữ, 2006), Đội gạo lên chùa (Nxb Phụ nữ, 2011). Có thể coi ông là một nhà văn có nghệ thuật vị văn hóa với mối quan tâm sâu sắc về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Thông qua tiểu thuyết lịch sử, Nguyễn Xuân Khánh luôn tìm đến những vấn đề bản chất của văn hóa Việt từ văn hóa làng xã, rồi mở rộng đến các chủ đề văn hóa như văn hóa chính trị, văn hóa tâm linh, văn hóa sinh thái, tiếp biến văn hóa.

Quan niệm tiểu thuyết lịch sử là sự giải mã lịch sử, nhà văn Hoàng Quốc Hải thông qua hai bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ Tám triều vua Lý (gồm 4 tập Thiền sư dựng nước, Con ngựa nhà Phật, Bình Bắc dẹp Nam, Con đường định mệnh) và Bão táp triều Trần (gồm 4 tập Bão táp cung đình, Thăng Long nổi giận, Huyền Trân Công chúa, Vương triều sụp đổ) đã tái tạo khắc họa lại toàn bộ hai triều đại Lý – Trần kéo dài tới 400 năm trong lịch sử. Tiểu thuyết của ông có sự đan cài tinh thần tôn giáo sâu sắc, phản chiếu một mô hình tư tưởng Tam giáo đồng nguyên khoan hòa tiến bộ thời bấy giờ, với chủ trương chấp nhận cả ba tôn giáo Phật, Nho, Lão “xã hội Nho, tâm linh Phật, thiên nhiên Đạo.”

Nhà văn Phùng Văn Khai và bộ tiểu thuyết lịch sử chống Bắc thuộc

Nối tiếp thành công của tiểu thuyết lịch sử Phùng Vương (Nxb Hội nhà văn, 2015), nhà văn Phùng Văn Khai đã tiếp tục ra mắt tiểu thuyết lịch sử Ngô Vương (Nxb Văn học, 2019), và đặc biệt hơn, bộ bốn tiểu thuyết về triều tiền Lý - nhà nước Vạn Xuân: Nam Đế Vạn Xuân (Nxb Văn học, 2019), Triệu Vương Phục Quốc (Nxb Văn học, 2020), Lý Đào Lang Vương (Nxb Văn học, 2021) và Lý Phật Tử Định Quốc (Nxb Văn học, 2022). Mặc dù vẫn theo kết cấu chương hồi “trường thiên tiểu thuyết” truyền thống, nhưng các tiểu thuyết của Phùng Văn Khai tập trung soi chiếu và luận giải một vùng mờ của lịch sử trong giai đoạn Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Ghi chép lịch sử về Lý Bí, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Ngô Quyền vốn dĩ vô cùng tản mác và hạn chế, song qua ngòi bút của mình nhà văn đã làm nổi bật và sống động hóa về lai lịch, xuất thân, dung mạo, phẩm chất, tính cách và khí phách của những vị anh hùng dân tộc này.

Bộ tiểu thuyết "Bão táp triều Trần" của nhà văn Hoàng Quốc Hải

Qua chất liệu văn học, lịch sử được thổi một sức sống mới, những sự kiện lịch sử không còn khô khan hay chỉ là con số thống kê đơn thuần, những nhân vật lịch sử trở nên sinh động hơn bao giờ hết, thậm chí thay đổi hoàn toàn quan niệm cũ. Tiểu thuyết lịch sử, như một cây cầu lịch sử bắc nối với quá khứ, trình hiện lại những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời truyền cảm hứng tự cường dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương ở người đọc, đặc biệt là đối tượng độc giả trẻ.

Phạm Minh Quân

Theo: Người Đô Thị
https://nguoidothi.net.vn/tieu-thuyet-lich-su-cay-cau-bac-noi-voi-qua-khu-truyen-cam-hung-tu-cuong-dan-toc-33979.html