Với sự ra đời của hàng loạt tiểu thuyết lịch sử của các nhà văn trong thời gian gần đây, phải chăng đây là dấu hiệu của niềm hy vọng mới đối với văn chương Việt?...
Một vòng lịch sử bằng văn học
Nhà văn Phùng Văn Khai từng tâm sự: "Tôi rất đam mê lịch sử và là người cầm bút, tôi nghĩ rằng mình cần có một trách nhiệm nào đấy đối với lịch sử dân tộc theo cách riêng. Tôi cho rằng, chúng ta còn phải làm rất nhiều việc về văn học cho lịch sử.
Có thể làm một so sánh thế này, từ thời Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh của Trung Quốc, hầu hết các nhân vật lịch sử đều được tường minh bằng văn học. Văn học là cái gốc, sau đó nó mới chuyển thành các hình thức nghệ thuật khác như sân khấu, điện ảnh. Nhưng với lịch sử Việt Nam, có rất nhiều trang mờ nhòe, có nhiều nhân vật, nhiều sự kiện đến ngày nay còn gây tranh cãi...".
Nhà văn Phùng Văn Khai ký tặng sách cho độc giả trong một buổi ra mắt sách.
Và đó chính là lý do nhà văn Phùng Văn Khai mong muốn tìm đến với những trang sử còn "mờ nhòe" tiêu biểu là trong thiên niên kỷ thứ nhất - cũng tương ứng với 1.000 năm nước ta chịu ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Nhà văn Phùng Văn Khai bắt đầu với "Phùng Vương" viết về cuộc đời và những biến cố, biến thiên lịch sử liên quan đến vị anh hùng Phùng Hưng, sau đó đến "Ngô Vương" viết về Ngô Quyền và vừa qua là "Nam đế Vạn Xuân" viết về cuộc đời và sự nghiệp của Lý Bí (Lý Nam Đế). Như vậy có thể thấy, nhà văn Phùng Văn Khai đang có những đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện những trang sử "còn mờ nhòe của dân tộc" bằng bút pháp của văn học. Điều đáng mừng là, chính những tác phẩm của nhà văn Phùng Văn Khai đã góp phần khép kín "một vòng lịch sử bằng văn học". Trước đó, ở thời kỳ dựng nước đã có một số tác phẩm dành cho thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài như "Đảo hoang", "Nhà Chử", "Chuyện nỏ thần" hay của nhà văn Văn Lê với "Thần thuyết người chim" của tác giả Văn Lê. Sau khởi nghĩa của Ngô Quyền chấm dứt thời kỳ gần một ngàn năm Bắc thuộc của dân tộc, thời kỳ Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh cũng từng có các tiểu thuyết "Cờ lau dựng nước" của Ngô Văn Phú, "Mười hai sứ quân" của Vũ Ngọc Đình. Thời Lý có bộ tiểu thuyết "Tám triều vua Lý" của Hoàng Quốc Hải; "Chim Bằng và Nghé Hoa" của Bùi Việt Sỹ... Nở rộ nhất và cũng là thời kỳ truyền nhiều cảm hứng nhất cho các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử, đó chính là triều Trần. Trong đó, bộ tiểu thuyết "Bão táp triều Trần" của nhà văn Hoàng Quốc Hải luôn được giới nghiên cứu phê bình đánh giá cao, bởi ngoài giá trị văn chương đây còn là một "công trình lịch sử" được đầu tư công phu, quy mô và đầy đủ nhất về các triều đại nhà Trần. Nhà văn Hà Ân cũng để lại dấu ấn đặc biệt với giai đoạn này bằng các tác phẩm "Trăng nước Chương Dương", "Trên sông truyền hịch", "Bên bờ Thiên Mạc". Bên cạnh đó, các tác giả như nhà văn Nguyễn Huy Tưởng với "Lá cờ thêu sáu chữ vàng", Trần Thanh Cảnh với "Đức Thánh Trần", Lưu Sơn Minh với "Trần Quốc Toản", Uông Triều với "Sương mù tháng giêng"... Nhà Hậu Lê và thời kỳ Tây Sơn cũng đã có những tác phẩm kể về các nhân vật lịch sử liên quan đến các biến cố, mốc lịch sử quan trọng như "Hào kiệt Lam Sơn" của Vũ Ngọc Đình, "Thảm kịch vĩ nhân" của Hoàng Minh Tường, "Đêm hội Long Trì" của Nguyễn Huy Tưởng, "Sông Côn mùa lũ" của Nguyễn Mộng Giác... Và đến triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam cũng có một số tác phẩm như "Thiên hạ chi vương" của tác giả Trường An và gần đây là bộ tiểu thuyết "Từ Dụ Thái hậu" của nữ nhà văn Trần Thùy Mai đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ độc giả cũng như các nhà nghiên cứu văn học, lịch sử. Cần sự đầu tư xứng đáng Tiểu thuyết lịch sử vốn là thể loại tương đối kén độc giả vì nhiều lý do. Một tiểu thuyết lịch sử thường được đầu tư rất công phu, vì liên quan đến việc thu thập ráp nối các dữ liệu chính sử rồi mới chuyển thể thành văn học. Nhưng số lượng sách được in ra rất ít, nhuận bút lại thấp. Mặc dầu vậy những nhà văn có thâm niên viết về lịch sử như Hoàng Quốc Hải, Lưu Sơn Minh, Bùi Việt Sỹ, Phùng Văn Khai... vẫn miệt mài viết, có lẽ trước hết là họ có một tình yêu lớn với lịch sử nước nhà. Họ dường như chưa từng được hưởng ưu đãi nào đáng kể, trong khi công việc họ làm thực sự mang rất nhiều ý nghĩa cho cộng đồng, cho văn hóa - lịch sử nước nhà. Trước đây, trong các cuộc hội thảo, đàm đạo văn chương, có nhà văn đã phát biểu rằng, trong quỹ sáng tác của Hội Nhà văn nên được dành một phần đầu tư nào đó từ nguồn ngân sách hằng năm của Hội cho mảng đề tài văn học lịch sử để góp phần tôn vinh lịch sử - văn hóa của dân tộc. Nhưng cho đến nay, vấn đề nêu trên vẫn chưa có tín hiệu nào khả quan là sẽ được Hội Nhà văn xem xét và "đầu tư sáng tác". Vì thế, từng có nhiều nhà văn tâm sự rằng, lựa chọn đi vào khám phá, trải nghiệm và phiêu lưu cùng lịch sử, là nhà văn tự tìm cho mình một "đường đi khó", là "thân làm tội đời", thậm chí còn ví von với việc "húc đầu vào đá".
Nhà văn Phùng Văn Khai - tác giả của 3 bộ tiểu thuyết lịch sử có độ dày trên 1.500 trang ra mắt trong những năm gần đây trăn trở: "Lẽ ra những nhà văn, nhà nghiên cứu tôn vinh văn hóa, tường minh lịch sử bằng văn học, làm sống lại các nhân vật lịch sử bằng xương bằng thịt như chúng tôi, thì các cơ quan có trách nhiệm như thành phố Hà Nội, hay Hội Nhà văn cần có sự quan tâm, động viên, chia sẻ, lắng nghe chúng tôi. Chứ không nên để chúng tôi tiếp tục đơn độc trong hành trình này!".
|