Trên các trang sử chính thống hầu như không thấy ghi chép gì về hành trạng cũng như công trạng của Lê Công Hành. Ấy thế nhưng trong khi nhiều danh nhân lịch sử, văn hóa, nhiều quan chức, nhà khoa bảng, văn gia không rõ tiểu sử thì theo các nguồn gia phả, thần phả, truyền thuyết và khảo cứu của học giới hiện đại lại tương đối thống nhất những nét chính trong tiểu sử Lê Công Hành về ngày tháng năm sinh, năm mất, gốc tổ, quê hương bản quán cũng như nơi mất, mộ phần, hệ thống đền thờ, lại được hậu thế tôn thờ, vinh danh là ông tổ nghề thêu và được lưu truyền cả trên phương diện văn hóa vật thể và phi vật thể cho đến ngày nay.
Đoàn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn và cán bộ văn hóa huyện Thường Tín, lãnh đạo xã Quất Động
tại đình làng Quất Động - nơi có gian thờ danh nhân văn hóa - lịch sử Lê Công Hành
Thông tin Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tổng hợp các nguồn tài liệu và xác định: “Theo thần phả của họ Bùi Trần (裴陳), gốc Mạc ở Quất Động thì Lê Công Hành vốn thuộc dòng dõi nhà Mạc. Năm 1546, Mạc Hiến Tông băng hà, triều đình nhà Mạc xảy ra biến loạn. Quân Nam triều nhân cơ hội nhà Mạc suy yếu, nhiều lần tiến quân ra Bắc đánh phá. Hoàng thất nhà Mạc tan tác khắp nơi. Quý phi Bùi Thị Ban đưa Mạc Phúc Đăng (con thứ của Mạc Hiến Tông) chạy tránh loạn về định cư ở thôn Quất Động, về sau đổi thành họ Bùi và họ Trần, lập nên chi họ Bùi Trần ở Quất Động... Lê Công Hành chính tên là Trần Quốc Khái (陳国概), sinh ngày 18 tháng Giêng năm Bính Ngọ (24 tháng 2 năm 1606), tại làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam (nay là thôn Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội)[1]. Mạc Phúc Đăng là con bà Bùi Thị Ban về lánh nạn ở làng Quất Động. Tại đây, Mạc Phúc Đăng sinh con là Mạc Phúc Đồ. Mạc Phúc Đồ là ông nội của Trần Quốc Khái. Vì ông được cho làm con nuôi của một người họ Bùi trong làng, nên còn có tên là Bùi Quốc Khái (裴国概), sau đổi tên thành Công Hành (公衡)... Tương truyền, từ nhỏ ông đã có tiếng ham học và hay chữ. Lớn lên, ông thi đỗ Tiến sĩ (vào khoảng triều vua Lê Thần Tông hoặc Lê Chân Tông). Sau khi ra làm quan, ông được triều đình bổ dụng vào các chức vụ từ biên quận đến triều đình, thăng dần lên hàng Thượng thư, từng được cử đi sứ nhà Minh. Do lập được nhiều công trạng, ông được triều đình ban cho Kim tử Vinh lộc Đại phu, chức Tả thị lang bộ Công, tước Thanh Lương hầu, được vua ban quốc tính. Do đó mà ông có tên Lê Công Hành”[2]...
Cho đến nay, chính chuẩn nguồn tư liệu về Lê Công Hành có Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Đinh Sửu niên hiệu Dương Hòa thứ 3 (1336): “Trần Khái (陳概), người xã Quất Động, huyện Thượng Phúc”[3]... Nhiều nhà khoa học đã cung cấp thêm các văn bia ở đền Ngũ Xã (Quất Động)[4], kể cả những nghi hoặc về sự hiện diện sự tích đền Lương Quận công ở Đông Biểu (Nam Định)[5]... Trên thực tế, mô típ ông Tổ nghề và Tổ tầm phương học nghề từ Trung Quốc còn thấy trong các chuyện về Tổ họ Đào gắn với nghề quạt ở phố Hàng Quạt (?); Trần Lư (1470-1540?) gắn với nghề sơn ở phố Hàng Hòm (Hà Vỹ); Phùng Khắc Khoan (1528-1613) gắn với nghề dệt, trồng ngô, cơ khí; hiệu chủ Nguyễn Công Trung và vợ là Nguyễn Thị Từ Thiết (thế kỷ XVIII) gắn với việc dựng đình bán yếm lục ở phố Hàng Đào, v.v...
Cách nay vừa tròn ba mươi năm trước, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh cũng từng sưu tập, hệ thống hóa các nguồn tài liệu và xác định: “Lê Công Hành (1606-1661)... Chính tên là Trần Quốc Khái, quê xã Quất Động (nay là xã Hồng Thái, huyện Thượng Tín, thành phố Hà Nội), đỗ Tiến sĩ vào đời Lê Chân Tông (?). Năm 1646, được cử đi sứ Trung Quốc. Tại đây, ông đã học được kỹ thuật thêu và kỹ thuật làm lọng của nước ngoài, đem về phổ biến trong nước... Lê Công Hành được thờ làm Tổ sư của nghề này. Dân các làng thêu ra Hà Nội hành nghề, lập các phường phố đều nhớ ơn ông. Phố Yên Thái có đình Chợ Thêu (Tú Đình Thị)[6]. Ngày giỗ tổ nghề là 12 tháng 6 Âm lịch. Đền thờ ông ở phố Hàng Lọng, ngày nay không còn nữa... Giai thoại cũng kể nhiều chuyện về Lê Công Hành. Có chuyện ông bị triều đình Trung Quốc giam đói ở lầu cao, bẻ tượng bụt ra ăn (như truyện Tống Trân). Ông học nghề thêu, nghề lọng vào dịp này”[7]...
Đình Tú Thị - Đình thờ ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành
Trên thực tế các nguồn tư liệu vật thể và phi vật thể, hệ thống di sản đình, đền, nhà thờ, gia phả, thần phả, bia đá, hoành phi, câu đối, mộ phần và truyền thuyết, dã sử, lễ hội, rước sắc, rước kiệu, giỗ kỵ đều xác nhận sự hiện diện một Tiến sĩ, quan chức, nhà ngoại giao và ông tổ nghề thêu Lê Công Hành. Đến nay, cả ở quê ông (xã Quất Động, huyện Thường Tín) cũng như ở kinh thành Thăng Long - Hà Nội, nơi người dân mang theo nghề thêu và vinh danh ông là Tổ nghề thêu (đình Tú Thị, số 2 phố Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) đều còn nơi thờ. Đặc biệt đình Tú Thị, tên chữ là Tú Thị Đình (Đình Chợ Thêu) nay vẫn còn đôi câu đối ngợi ca Tổ nghề thêu:
- Hoa quốc văn chương Bắc sứ lưu niên truyền vĩ tích
- Giáo dân cẩm tú Nam thiên trung cổ khởi sùng từ
Nghĩa là:
- Văn bút rạng non sông, sứ Bắc năm nào lưu truyền vĩ tích
- Thêu thùa dạy dân chúng, trời Nam muôn thuở sừng sững trời cao[8]
Vào năm 2015, đình Tú Thị thờ ông tổ nghề thêu Lê Công Hành đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Trên phương diện lịch sử, Lê Công Hành sống vào giai đoạn thịnh thời vua Lê chúa Trịnh, nhà Mạc đã suy vong, xã hội tạm ổn định, quan hệ với nhà Minh giữ thế cân bằng. Nghiệm sinh 65 năm trên cõi đời, Lê Công Hành trải qua 5 đời vua với 10 niên hiệu: Hoằng Định (1601-1619); Vĩnh Tộ (1620-1628), Đức Long (1629-1634), Dương Hòa (1634-1643); Phúc Thái (1643-1649); Khánh Đức (1649-1652), Thịnh Đức (1653-1657), Vĩnh Thọ (1658-1661), Vạn Khánh (1662); Cảnh Trị (1663-1671)... Lê Công Hành đồng thời trải qua 5 đời chúa: Bình An Vương Trịnh Tùng (1570-1623), Thanh Đô Vương Trịnh Tráng (1623-1657), Tây Định Vương Trịnh Tạc (1657-1682)...
Việc nội trị, nhà Mạc tồn tại chỉ như cái dằm, đôi khi gây bất ổn cho lưỡng triều Lê - Trịnh. Chiếu ứng với cuộc đời Lê Công Hành, sách Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỷ tục biên chép các sự kiện:
“Kỷ Dậu [1609]... Sai Tuấn Nghĩa dinh thái tể là Phụng Quốc công Trịnh Đỗ làm Thống lĩnh, Nguyễn Danh Thế làm Đốc thị, đi đánh Mạc Kính Cung ở Tây Nông thuộc Thái Nguyên. Không gặp địch, trở về”...
“Canh Tuất [1610]... Bấy giờ, Mạc Kính Cung, Kính Khoan trốn lủi trong núi rừng, không ra cướp phá. Nguyễn Hoàng tuy kêu già yếu không vào chầu nhưng vẫn cống nạp đầy đủ. Các con của ông đều làm quan tại triều. Chúa coi việc dung binh làm nặng nhọc, cho nên chưa rỗi mà lo tới”...
“Canh Thân [1620]... Tháng 11, tiến đánh Cao Bằng (...). Mạc Kính Khoan trốn xa. Đại quân tiến vào Đèo Hiên. Lũy giặc rất hiểm vững. Thanh Quận công chia quân làm 5 đạo tiến đánh, lấy được”...
“Quý Hợi [1623]... Mùa thu, tháng 7... Bấy giờ Mạc Kính Khoan tiếm hiệu là Long Thái, chiếm cứ Cao Bằng đã lâu, nghe tin trong nước có biến, mới tập hợp bọn manh lệ chốn núi rừng, nhân lúc sơ hở tiến thẳng tới Gia Lâm, đóng quân ở vùng Đông Dư, Thổ Khối. Bọn hùa theo hưởng ứng có đến hàng vạn, lòng người rối động, dân trong vùng không được yên ổn (...). Tháng 8... Ngày 26, đại binh tiến đến sông Nhị, quân thủy quân bộ ứng tiếp, phá tan quân Mạc Kính Khoan ở vùng Gia Lâm, chém giết rất nhiều. Kính Khoan chỉ chạy thoát được một mình trốn vào rừng núi. Từ đấy, nhân dân trong nước lại được yên ổn như cũ”...
“Ất Sửu [Vĩnh Tộ] năm thứ 7 [1625]... Mạc Kính Khoan sai Danh Thọ đến xin hang, xin bỏ ngụy hiệu, xưng là phiên thần, xuống chiếu xá tội cho, phong y làm Thái Bảo Thông Quốc công, lệnh cho y hàng năm dâng cống”...
“Mậu Dần [Dương Hòa], năm thứ 4 [1638]... Mùa xuân, tháng Giêng, Mạc Kính Khoan, tước Thông Quận công ở Cao Bằng mất. Con là Kính Vũ lại làm phản, tiếm đặt niên hiệu là Thuận Đức... Tháng 3, sai Đặng Thế Tài lưu lại giữ kinh sư, chúa thân đem quân đi đánh Cao Bằng. Quân tiến trước đánh bị thua, thuộc tướng là quận Hạ bị giặc bắt; quận Lâm ra trận sợ chạy bị tội giết. Bèn rút quân về. Cho Tả thị lang bộ Lễ là Trần Hữu Lễ làm Tả thị lang bộ Lại... Tháng 11, sai Đặng Thế Khoa đem quân đi trấn thủ ở Lục Ngạn, Phượng Nhãn... Tháng 12, ngày Canh Dần sai Tiết chế phủ đem quân đánh Cao Bằng, Nguyễn Danh Thế làm tham tán quân mưu, đánh bại đảng giặc ở Hạ Lan thuộc Cảm Hóa, phá 19 động Hoa Nê, An Lễ... Tướng tiên phong là Bật Quận công đóng đồn ở Vân Tùng. Nguyễn Danh Thế xin chọn tướng khỏe đem 3.000 tinh binh đóng ở sau đội tiên phong; khi quân tiên phong đắc thắng thì quân sau liền tiến lên, đem theo 3 ngày lương khô, ngày đêm đuổi giặc, đại binh tiếp theo tiến lên, thì có thể thu được toàn thắng, không nhọc sức cất quân lần nữa; không để cho giặc lủi trốn vào rừng núi. Quan tiết chế không nghe... Ngày Tân Sửu, tiến vào Cao Bằng, chia quân lược địch các châu Quy Thuận, Thượng Lang, Hạ Lang. Giặc đều tan chạy vào rừng núi, không để lại dấu vết. Quan quân lưu lại 10 ngày rồi rút về”...
“Quý Mùi [Dương Hòa], năm thứ 9 [1643]... Mạc Kính Hoàn cướp vùng Tây Cạn xứ Thái Nguyên. Lưu thủ Trịnh Quân sai quân cùng biên tướng đánh đuổi được”[9]...
Sách Đại Việt sử ký toàn thư - Bản kỷ thực lục ghi chép mối bận tâm với di duệ nhà Mạc ở chặng cuối, tận đến khi Lê Công Hành đã qua đời 5 năm: “Bính Ngọ [Cảnh Trị], năm thứ 4 [1466]... Bấy giờ, con cháu họ Mạc là Kính Vũ chiếm cứ Cao Bằng, làm hại dân địa phương. Phiên tướng Thái Nguyên là Thông Quận công Hà Sĩ Tứ đem quân bản xứ đi đánh, bị giặc bắt được. Tin báo về, Vương sai Thái phó Lý Quận công Trịnh Đống làm thống lĩnh, Thiếu úy Hào Quận công Lê Thì Hiến làm phó, Hồng lô tự khanh Cảo Xuyên nam Trịnh Thì Tế, Lại khoa cấp sự trung Đỗ Thiện Chính làm đốc thị, đem các quân tiến đánh, Kính Vũ bèn giết. Thông quận công Hà Sĩ Tứ bỏ sào huyệt trốn vào rừng núi. Thế là quan quân phóng lửa đốt cháy chỗ ở của Kính Vũ rồi về”[10]...
Đoàn công tác trước nhà thờ Tổ nghề danh nhân văn hóa - lịch sử Lê Công Hành
Trong khoảng đời Lê Công Hành trưởng thành, về nội trị, mặc dù không xảy ra những cuộc chiến lớn như 7 trận giao tranh với nhà Nguyễn (1627-1672) nhưng lực lượng nhà Mạc vẫn tồn tại ở vùng núi phía Bắc, tiềm ẩn mối bận tâm với lưỡng triều Lê - Trịnh. Như các tài liệu và dã sử cho biết, rất có thể Lê Công Hành gốc nhà Mạc nhưng ngay khi về Quất Động đã sớm đổi họ, đã trải đôi ba đời và không còn liên hệ với tộc họ nhà Mạc nữa. Khác biệt hơn, hình hình giáo dục, khoa cử lưỡng triều Lê - Trịnh thời Lê Công Hành được coi trọng, phát đạt, ổn định. Các khoa thi Hội, thi Đình mở đều vào các năm Đinh Mùi (1607), Canh Tuất (1610), Quý Sửu (1613), Bính Thìn (1616), Kỷ Mùi (1619), Quý Hợi (1623), Mậu Thìn (1628), Tân Mùi (1631), Giáp Tuất (1634), Đinh Sửu (1637) - Năm này Lê Công Hành dự thi Hội, thi Đình. Sách Đại Việt sử ký - Bản kỷ tục biên ghi danh những người đỗ cao, không chép tên Lê Công Hành vì chỉ đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân: “Mùa đông, tháng 10, thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Nguyễn Xuân Chính 20 người. Đến khi thi Đình, vua thân ra đầu đề văn sách, cho bọn Nguyễn Xuân Chính, Nguyễn Nghi, Nguyễn Thế Khanh đỗ Tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Hữu Thường 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Cổn 15 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân”[11] - Canh Thìn (1640), Quý Mùi (1643), Bính Tuất (1646), Canh Dần (1650), Nhâm Thìn (1652), Bính Thân (1656), Kỷ Hợi (1659), và kỳ thi Tân Sửu (1661) vào đúng năm Lê Công Hành qua đời[12]...Tình hình khoa cử đương thời cho thấy Lê Công Hành sống vào thời được xem là bình trị, Nho học được đề cao và giới nhà nho được coi trọng.
Trên phương diện đối ngoại, thời Lê Công Hành tại thế có nhiều đoàn đi sứ nhà Minh (Trung Quốc) với nhiều nhiệm vụ khác nhau: tuế cống, Ất Tỵ (1605), dâng lễ tạ ơn, Đinh Mùi (1607); tuế cống, Quý Sửu (1613); tuế cống, Canh Thân (1620); tuế cống, Bính Dần (1626); tuế cống, Canh Ngọ (1630); tuế cống, Đinh Sửu (1637); cầu phong, Bính Tuất (1646)[13]... Theo xác định của nhiều nhà nghiên cứu tham dự hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị di tích đền Ngũ Xã, xã Quất Động (2011), Lê Công Hành tham gia sứ đoàn cầu phong sang nhà Minh vào nămBính Tuất (1646), năm ông tròn 40 tuổi. Về chuyến đi sứ này, sách Đại Việt sử ký - Bản kỷ tục biên chép rõ: “Bính Tuất, [Phúc Thái] năm thứ 4 [1646], (Minh Long Vũ năm thứ 2; Thanh Thuận Trị năm thứ 2)... Tháng 2. Sai chánh sứ Nguyễn Nhân Chính, phó sứ là bọn Phạm Vĩnh Miên, Trần Khái, Nguyễn Cổn cùng với sứ thiên triều là Đô đốc Lâm Sâm vượt biển sang Phúc Kiến cầu phong với nhà Minh. Khi ấy vua Minh lên ngôi, bị người Thanh đánh phá. Bề tôi nhà Minh lại tôn lập Vĩnh Lịch Hoàng đế. Nhà Minh sai bọn Hàn lâm Phan Kỳ mang sắc thư, cáo mệnh và ấn bạc mạ vàng sang nước ta, phong cho Thái thượng hoàng làm An Nam quốc vương. Sứ Minh cùng với bọn Nhân Chính đi đường bộ theo cửa Trấn Nam quan mà về... Bấy giờ nước Minh loạn to”[14]... Đoạn chính sử này không ghi tên Lê Công Hành trong chuyến đi sứ và đây cũng là chuyến đi sứ phương Bắc cuối cùng giai đoạn Lê Công Hành còn tại thế. Lý do bởi “Bấy giờ nước Minh loạn to” nên nhân cơ hội đó, nước Nam cũng không cần thần phục nữa.
Trên cả ba phương diện nội trị, khoa cử và ngoại giao mà Lê Công Hành đều có can dự, gắn bó cho thấy ông sống trong một thời đại tương đối bình yên, vững vàng, thể hiện sức mạnh “đánh bắc dẹp nam”, giữ yên bờ cõi và xây dựng vương triều Lê - Trịnh thịnh trị. Xét những người sống cùng thời, đương thời, đồng thời ở tại Quất Động, ngoài Trần Khái (Lê Công Hành) còn có thế hệ liền kề như Tiến sĩ Phạm Thế Hỗ 范世祜(1655-?), đỗ khoa Canh Tuất, niên hiệu Hoằng Định thứ 11 (1610), làm quan đến chức Hiến sát sứ Thái Nguyên. Nhưng người gần cận cùng thời đại (hơn kém Lê Công Hành đôi mươi tuổi mà rất có thể ông từng nghe danh, quen biết, gần cận), có Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan (1528-1613), bà chúa sùng Phật Trịnh Thị Ngọc Chúc (1595-1660), quan chức học giả Phạm Công Trứ (1600-1675), tướng quân trung nghĩa Đào Quang Nhiêu (1601-1672); quan Nguyễn Mậu Tài (1615-1688), quan chức Đặng Công Chất (1621-1683); danh y Đào Công Chính (1623-?); quan chức sứ thần Nguyễn Quốc Trinh (1624-1674); các bậc chúa văn võ song toàn như Trịnh Tráng (1623-1657), Trịnh Căn (1633-1709); nhà giáo hiền thần Nguyễn Hy Quang (1634-1692), v.v... Đó là hình tượng Lê Công Hành chiếu ứng qua những người cùng thời đại (những quan chức, sứ thần, danh y, học giả, văn sĩ để thấy rõ hơn các tương quan lịch sử đồng đại và không khí xã hội, môi trường sinh thái văn hóa thời đại) mà ông đã sống, tiếp nhận, trải nghiệm.
Do đỗ đạt thứ bậc không cao (không được ghi tên trong chính sử) và Lê Công Hành cũng không có công tích nào thật nổi bật. Duy nhất ông có đi sứ năm Bính Tuất (1646) sau thời gian thi đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân với danh tính Trần Khái cùng bạn đồng khoa Nguyễn Cổn và cùng giữ chức Phó sứ như đã nêu trên: “Tháng 2. Sai chánh sứ Nguyễn Nhân Chính, phó sứ là bọn Phạm Vĩnh Miên, Trần Khái, Nguyễn Cổn cùng với sứ thiên triều là Đô đốc Lâm Sâm vượt biển sang Phúc Kiến cầu phong với nhà Minh”... So ngang những người đỗ đạtnămĐinh Sửu (1637) thì thấy những người đỗ Tiến sĩ cập đệ như Nguyễn Xuân Chính không thấy có công tích gì; Nguyễn Nghi thì ngay từ năm Ất Sửu (1625) thuộc diện “khảo xét các cống sĩ có đức vọng” mà được bổ nhiệm; qua năm Canh Ngọ (1630) tham gia Phó sứ sang tuế cống nhà Minh; rồi 7 năm sau mới mới đỗ Tiến sĩ cập đệ; tới năm Đinh Hợi (1647) đương kim Lễ bộ Thượng thư Thiếu bảo Dương Quận công đón đoàn sứ nhà Minh đem sắc phong và ấn đến cửa quan rồi đón tiếp về kinh; qua năm Nhâm Thìn (1652) được nhắc đến trong lời sắc phong: “Đặc sai Lễ bộ Thượng thư tri kinh diên sư, kiêm Quốc Tử Giám tế tửu, Thiếu bảo Dương quận công Nguyễn Nghi, cầm phù tiết, mang sách vàng, ấn vàng vinh phong làm Nguyên soái chưởng quốc chính Tây Định Vương. Mong rằng: Chịu ơn trọng đãi, kính giữ tiếng hay. Trung hiếu đủ mười phần, gắng giữ tròn một đạo. Thọ khang gồm năm phúc; ngôi vương dài ức năm. Giúp cho hoàng gia bền vững lâu dài, giữ cho tông xã vô cùng tốt đẹp. Vương hãy kính theo”[15]; cho đến năm Đinh Dậu (1657), ông qua đời và được đánh giá cao, hé lộ vị thế con nhà tập ấm: “Lại bộ Thượng thư tri kinh diên sư kiêm Quốc Tử Giám tế tửu Thiếu phó Dương quận công Nguyễn Nghi chết, tặng Thái phó, ban thụy hiệu là Cung Ý. Nghi cùng cha là Thục được tiến cử cùng một lúc, làm quan trong sạch, thận trọng, trải các chức quý hiển mà chỉ chuộng thanh liêm, giản dị, chăm lo việc bồi dưỡng nhân tài. Người đương thời ai cũng kính trọng”[16]; Nguyễn Thế Khanh, Nguyễn Hữu Thường không thấy có công tích gì. Riêng Nguyễn Cổn có dịp cùng Trần Khái (Lê Công Hành) làm Phó sứ trong đoàn sang nhà Minh cầu phong như đã dẫn trên...
Đoàn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn và cán bộ văn hóa huyện Thường Tín, lãnh đạo xã Quất Động
tại đình làng Quất Động - nơi có gian thờ danh nhân văn hóa - lịch sử Lê Công Hành
Trên thực tế, mặc dù vấn đề tên tuổi Trần Khái - Khải (Lê Công Hành) còn khá nhiều điều chưa được sáng tỏ nhưng đã thực sự hiện diện một ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành trên đất quê Quất Động. Trên căn bản di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, ông tổ nghề thêu Lê Công Hành xuất hiện vào thế kỷ XVII giữa thời lưỡng triều Lê - Trịnh đã góp phần tạo dựng hình tượng một ông Tổ nghề tài ba, biết thâu nạp kỹ nghệ từ phương xã để phát triển nghề quê, nghiệp quê, góp phần bản địa hóa, tạo dựng và tôn vinh nghề nghiệp làm nên bản sắc văn hóa vùng miền. Rồi đây những vấn đề tiểu sử Lê Công Hành sẽ tiếp tục sưu tầm, được khảo sát, hệ thống hóa và đi sâu nghiên cứu, góp phần giải mã biểu tượng Tổ nghề thêu trong tổng thành Tổ nghề truyền thống dân tộc.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn
Học viện Khoa học Xã hội