Nhà thơ Trịnh Công Lộc sinh năm 1952 ở Thái Bình; hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh. Đọc thơ Trịnh Công Lộc ta luôn bắt gặp hình ảnh núi, sông, biển... Những hình ảnh này trong thơ ông không chỉ toát lên sự hùng vĩ của đất đai cương thổ; sự thiêng liêng, cao cả của những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc; mà còn hướng đến giá trị lớn lao về sức mạnh nội tại của dân tộc trong suốt hàng nghìn năm giữ nước và dựng nước. Thi hóa những biểu tượng làm nên đất nước, trường tồn cùng đất nước bằng những câu chữ lắng đọng, rung cảm chính là một vẻ đẹp trong thơ Trịnh Công Lộc.
Nhà thơ ĐOÀN VĂN MẬT chọn và giới thiệu
Hải Phòng
đón mặt trời từ biển
Nếu một lần,
chỉ có tôi và phố
dắt tay về bến Ngự
một đóa hoa rực đỏ
Hải Phòng,
tháng 10 năm 1946(1)
lần đầu tiên đón Bác trở về
biển vang xa
dâng trào gió, sóng
Biển, nơi Bác đi
biển, nơi Bác về
Hải Phòng đón mặt trời từ biển
“... dân no ấm, nước vững vàng ...”(2)
Hải Phòng
cây cũng biết che người lạ
ngỡ mình
cánh hải âu bay.
----------------------
(1) Ngày 20/10/1946, sau chuyến thăm, làm việc với Cộng hòa Pháp, Bác Hồ trở về nước và đến bến Ngự-cảng Hải Phòng.
(2) Trích câu nói của Bác với cán bộ và nhân dân Hải Phòng ngày 21/10/1946 tại buổi mít tinh phái đoàn ta từ Pháp trở về.
Lán lá Bác ở đây
Giữa thăm thẳm đại ngàn
núi cũng thành chấm nhỏ
nhà sàn, qua bậc cửa
vươn vai chạm mây trời
Chỉ một tiếng động khẽ
sương cũng rào rào rơi
nắng lên, trời trong vắt
thả ngọc xuống tay người
Nơi bốn bề sương gió
nhà-lán lá đơn sơ
vẳng tiếng nai chạm núi
cỏ xanh lên bất ngờ
Qua muôn đường muôn nẻo
Bác đã về nơi đây
Tỉn Keo, góc lán nhỏ
gió đưa vào hương cây.
Mộ gió
Dâng hương những chiến binh
giữ biển, đảo không về!
Mộ gió(1) đây,
đất thành xương cốt
cứ gọi lên là rõ hình hài
mộ gió đây,
cát vun thành da thịt
mịn màng đi,
dìu dặt bên trời...
Mộ gió đây,
những phút giây biển lặng
gió là tay ôm ấp bến bờ xa
chạm vào gió như chạm vào da thịt
chạm vào
nhói buốt
Hoàng Sa...
Mộ gió đấy,
giăng từng hàng, từng lớp
vẫn hùng binh giữa biển-đảo xa khơi
là mộ gió,
gió thổi hoài, thổi mãi
thổi bùng lên
những ngọn sóng
ngang trời!
-------------
(1) Mộ tượng trưng theo nghi lễ chiêu hồn những chiến binh thời Nguyễn đi bảo vệ chủ quyền biển, đảo, không trở về.
Từ biển mà đi
Đâu phải bây giờ
mới từ biển mà đi
đất nước mấy ngàn,
mấy ngàn năm bão tố
biển của ta, lại nhiều hơn sóng dữ
đừng nghĩ ai, bé nhỏ trước muôn trùng...
Ông cha mình đã từ biển mà đi
vẫn rành rọt sáng soi từng hải lý
những luồng lạch nông, sâu
thuộc lòng như chữ nghĩa
bao lớp người đi giữ đảo, không về...
biển lặng giấu những nỗi niềm xa thẳm
ru lời ru vô tận dưới lòng sâu
mỗi đảo nhỏ,
hóa thành ngọn nến
thắp linh thiêng rừng rực trời sao...
Bây giờ, lại từ biển mà đi
biển là đất, đất liền với biển
đất giàu lên, biển cũng giàu lên
đất đã mạnh, biển trời thêm mạnh
Đừng nghĩ ai,
bé nhỏ trước muôn trùng
chẳng kẻ nào,
tát được bể Đông!
Bây giờ,
lại từ biển mà đi
nơi cuối chót Hoàng Sa,
nơi Trường Sa cuối chót
đôi bờ vai,
bát ngát biển trời
gánh bao nỗi gian truân đất nước
như Trường Sơn,
gánh xương máu chiến tranh
như lịch sử, gánh thăng trầm mỗi bước!
Đây Hoàng Sa, đây Trường Sa, cuối chót
lại lên vai,
bát ngát mà đi!
Đỉnh núi
Núi tiếp núi trập trùng vi vút
vời vợi xa, sương gió về đâu
dốc thẳng đứng, yên cương lưng ngựa
gió cuộn bay vun vút ngàn sâu...
Đất là núi
là sông
là biển
núi ngất cao, sông biển rộng dài
sông với biển giăng thành như núi
giữ bình yên bờ cõi đất đai!
Mỗi tấc đất,
đã bao nhiêu máu
thắm lên từng vách núi, ngọn cây
mỗi đỉnh núi,
một bàn thờ Tổ quốc
ngát linh hương nghi ngút trời mây!
Sông Lô từ ngàn dặm
Vừa dừng chân - Thanh Thủy
đã nghe thấy sông Lô
tiếng trong và tiếng đục
giữa mờ sương xa mờ
Sông Lô từ vạn dặm
gió lại về tinh khôi
thượng nguồn, rừng đá thắm
cũng soi lên dáng trời
Đêm đêm nghe tiếng núi
thác cuộn,
đổ xuôi dòng
đổ đi đâu cho hết
tiếng bời bời của sông
Trách mình như trẻ nhỏ
đêm say một giấc nồng
sông đêm, còn rộn thác
vẫn ru bờ như không.
Vẫn cứ là Hà Nội
Gió ngoài sông rong ruổi
khuôn mặt hồng phù sa
sóng như làn tóc rối
tóc biết hát tình ca...
Chùa Một Cột đài hoa
hồng đóa sen trước ngực...
chuyện thanh kiếm, rùa vàng
còn nao nao vận nước
Hoa sữa thơm
đêm về
cầm đắm say đi trước...
Sông Hồng nghìn năm tuổi
vẫn không thấy nét già
người Hà Nội trăm tuổi
vẫn duyên dáng kiêu sa!
Hà Nội có vắng đâu
em đi từ mọi phía
đi mãi đến bạc đầu
vẫn cứ là Hà Nội!
Nơi ấy là đôi mắt
Gửi Th.
Có thể một ngày
Nơi ấy sẽ thành đôi mắt
Thành trời mưa ráo hoảnh
nắng trong veo...
Em về rồi
đất cũng mang theo
Nơi ấy thành một vòng tay
ôm bến bờ sông nước...
Đất có rộng lắm không?
Trời có rộng lắm không?
Lòng người sao hết được!
Mưa vẫn gần với mắt
Em vẫn còn đấy thôi!
Đài hương
Đài hương
lưng chừng núi
các anh về cả đây
trong đá và trong cát
mặc,
mưa nắng đong đầy
Khói nhang người đến thắp
Vị Xuyên, tím ngắt mây
nghe như có tiếng đập
tim núi,
giấc mơ bay...
Nhịp cầu Kinh Bắc
Dập dìu về Kinh Bắc
như lưới trời giăng thôi
tưởng như không ra được
duyên tơ vấn vít hoài...
Con chim nào vắt vẻo
sáng sớm đã chuyển cành
chuyện chi mà mách lẻo
theo dấu thắt lưng xanh
Dập dìu về Kinh Bắc
đêm tắm giữa hội làng
đem câu hát chải tóc
dịu dàng rồi buông lơi...
Quan họ lắm người ơi...
râm ran mà vẫn thiếu
thiếu như một góc trời
một cõi riêng huyền diệu.
Một cõi riêng Kinh Bắc
đêm say đỏ môi trầu
nhặt thêm vần đắng đót
bỏ vào trái tim nhau...
Quan họ là nhịp cầu
nối quê người, đất khách
quan họ là Kinh Bắc
không lỡ nhịp ai đâu...
Minh họa: LÊ ANH