(Thứ năm, 06/02/2025, 09:36 GMT+7)
Trong dư âm của không khí vui tươi, phấn khởi của Nhân dân cả nước đón mừng Tết cổ truyền của Dân tộc - xuân Ất Tỵ 2025, một mùa xuân khởi đầu của mọi sự tốt lành và chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hòa trong không khí tưng bừng, phấn khởi đó, ngày 5/2/2025, chính quyền xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội) và họ Phùng Việt Nam tổ chức tôn nghiêm, long trọng Lễ tưởng niệm 1227 năm ngày giỗ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (798-2025) để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc đã có công quy tụ hiền tài đánh giặc giữ nước.
 

Đền thờ Vua Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương tại thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội
 
Lễ giỗ Vua Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương) được diễn ra ngày 8 tháng Giêng hàng năm. Về dự Lễ giỗ Đức có ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cùng lãnh đạo một số sở, ngành, thị xã Sơn Tây; Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam cùng đại diện họ Phùng Việt Nam ở các tỉnh trên cả nước cùng đông đảo người dân địa phương, khách du lịch trong nước và quốc tế.
 
Trở lại với lịch sử, vào cuối thế kỷ thứ 8, trước cảnh Nhân dân Việt Nam đang chịu bao cảnh lầm than dưới ách đô hộ của giặc nhà Đường do tướng giặc Cao Chính Bình cầm đầu. Vào tháng tư mùa hạ năm Tân Mùi năm 791, Phùng Hưng cùng Đỗ Anh Hàn (?-791) và 2 người em ruột là Phùng Hải và Phùng Dĩnh kêu gọi, tập hợp anh hùng hào kiệt bốn phương và Nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa đánh đuổi quân đô hộ nhà Đường giải phóng dân tộc. Qua đó lập nên một thời kỳ độc lập dân tộc khoảng một thập kỷ. Phùng Hưng được Nhân dân phong Vương và gọi ngài một cách thân thiện là Bố Cái Đại Vương.
 
Đến khoảng năm 802, (theo sách Họ Phùng Việt Nam nhà xuất bản Văn Học năm 2021) Bố Cái Đại Vương lâm bệnh hiểm nghèo và qua đời. Nghe tin Vua Phùng Hưng mất, giặc phương Bắc nhà Đường lại kéo quân sang đánh chiếm nước ta, do thế giặc quá mạnh nên một lần nữa Nhân dân ta bị giặc Đường đô hộ. Đến năm 938, Ngô Quyền (tương truyền trong Nhân dân địa phương là cháu họ ngoại Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng) đánh tan 20 vạn thủy binh hùng mạnh quân Nam Hán, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập tự chủ cho dân tộc Việt Nam.


Lễ giỗ Vua Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương có sự tham dự của lãnh đạo Thành ủy, UBND,
một số sở ngành Thành phố Hà Nội cùng đông đảo người dân, du khách
 
Đã bao thế kỷ trôi qua, song những chiến tích và công lao to lớn của hai vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng và Ngô Quyền vẫn mãi ghi danh trong lịch sử vẻ vang của dân tộc và in đậm trong ký ức của người dân Đường Lâm - Sơn Tây cũng như Nhân dân cả nước.
 
Để tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của hai vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô Quyền, hàng năm, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây cùng với các bản Đình, con cháu dòng họ Phùng, dòng họ Ngô cùng trăm họ cả nước từ bốn phương lại hội tụ về làng Cam Lâm - xã Đường Lâm để tổ chức lễ tưởng niệm tri ân công đức của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng vào ngày mùng 8 tháng giêng (âm lịch) tại Đền thờ Phùng Hưng và ngày 14/8 (âm lịch) và tại đền thờ Ngô Quyền thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây. Đây cũng là dịp để các thế hệ đi sau tưởng nhớ, ôn lại truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của dân tộc của các tiền nhân.
 
Trong sách cổ “Việt điện u linh” mô tả về ông Phùng Hưng: “Có sức vóc hùng dũng, có thể bắt hổ, vật trâu”, trong khi ông Phùng Hải có “sức khỏe có thể vác tảng đá nặng nghìn cân”. Đỗ Anh Hàn là một trong số rất ít người Việt đương thời mà lại vào được trong chính sử Trung Hoa về thời nhà Đường. Sách Tân Đường thư gọi ông là “Tù trưởng của dân An Nam”. Nhưng văn bia và sử cũ nước Việt đều cho biết: Đỗ Anh Hàn là người cùng quê hương với Phùng Hưng. Ông “nổi tiếng mưu lược”, đã ngầm bày mưu kế cho Phùng Hưng đem quân đến vây phủ khiến Cao Chính Bình lo sợ mà chết.
 
Về danh hiệu “Bố Cái Đại Vương”, được hiểu “Bố Cái” là “Cha Mẹ” (Đại Việt sử ký toàn thư). Tuy nhiên, trong công trình “Việt giám thông khảo tổng luận”, sử thần Lê Tung lại gọi Phùng Hưng nguyên văn là “Phùng Bố Cái”. Cấu trúc của cụm từ này cho thấy ở đây, nghĩa của “Bố” chính là Vua, “Cái” là Lớn. Vậy theo tiếng Nôm là “Vua Lớn”, hoàn toàn tương đồng với “Đại Vương” trong tiếng Hán Việt. Vì thế, điều quan trọng sau đây, được ghi vào trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” là: “Dân chúng tôn (Phùng) Hưng làm Bố Cái Đại Vương” (chứ không phải là: con Phùng Hưng tôn xưng cha). Việc Phùng Hưng được dân chúng suy tôn là “Vua Lớn” còn thấy rõ trong câu sử bút sau đây: “Vương thường hiển linh, dân cho là thần, mới làm đền thờ ở phía tây phủ đô hộ, tuế thời cúng tế”. Sử cũ còn ghi chép rõ: “Ngôi đền thờ ấy, trên đất Hà Nội thời tiền Thăng Long, đến thời Lê, thuộc đất phường Thịnh Quang”. Như vậy, từ chỗ là nhân vật lịch sử của Thăng Long- Hà Nội, Phùng Hưng đã trở thành thần thánh linh thiêng của đất kinh kỳ.
 

Con cháu họ Phùng dâng hương tỏ lòng thành kính trước Vua Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương
 
Theo sử cũ ghi lại, đến thế kỷ XV có đền thờ Phùng Hưng ở Hà Nội. Hiện nay, di tích Lăng mộ của Đức Vua Phùng Hưng ở ngõ 2 phố Giảng Võ, phường Cát Linh, Hà Nội (gần bến xe Kim Mã). Trước đây, Khu lăng mộ là một khu vực trồng sen rộng lớn, nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa. Lăng có bệ thờ mang hàng chữ “Phùng Hưng cố lăng” (Lăng cũ vua Phùng), thể hiện tấm lòng mến mộ và tôn sùng người anh hùng dân tộc Phùng Hưng của dân chúng kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Lăng mang giá trị lịch sử và tâm linh đặc biệt, gắn liền với cuộc đời của vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng.
 
Một trong những điểm độc đáo của Lăng Phùng Hưng là hệ thống hoa văn được chạm khắc công phu trên các bức phù điêu, cột đá và mái vòm, thể hiện ý nghĩa phong thủy, sự quyền uy và mong muốn về sự thịnh vượng lâu bền. Đặc biệt, biểu tượng “Bố Cái Đại Vương” được chạm nổi trên tấm bia đá trước lăng, khẳng định vị thế và tầm vóc vĩ đại của Phùng Hưng trong lòng Nhân dân.
 

Trải qua hàng thế kỷ, lăng mộ Bố cái Đại Vương Phùng Hưng
vẫn giữ gìn nguyên vẹn giá trị lịch sử, tâm linh (Ảnh: Sưu tầm Internet)
 
Qua bao nhiêu thế kỷ, chiến tranh loạn lạc, người dân Hà Nội vẫn nỗ lực bảo vệ ngôi mộ cổ Vua Phùng Hưng. Những người cao tuổi trong Ban quản lý di tích Lăng mộ Đức Vua Phùng Hưng thường kể cho con cháu Họ Phùng về thăm viếng rằng: “Từ nhiều thiên niên kỷ, tổ tiên ông cha chúng tôi đã bảo vệ, trông coi Lăng mộ Vua đến ngày hôm nay. Vì ngài là Thành Hoàng làng của nhiều làng cổ ở Hà Nội như Làng Kim Mã, làng Quan Nhân, làng Triều Khúc… Các làng đều có Đình thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Sau khi đánh đuổi giặc nhà Đường, ngài lập làng giúp nhân dân ổn định cuộc sống, an cư lập nghiệp chốn kinh thành. Ngài dạy dân trồng trọt, chăn nuôi, khai hoang lập ấp mở mang bờ cõi là tiền đề để hình thành nên Kinh thành Thăng Long từ thời Lý đến nay. Chính vì vậy từ đời này qua đời khác, ông cha chúng tôi dạy chúng tôi phải giữ Lăng mộ Vua như giữ mả Tổ để trấn yểm kinh thành, an dân dù có phải hy sinh xương máu cũng kiên quyết bảo vệ Lăng mộ”.
 
Những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta được lưu truyền nhiều đời nay là giá trị tâm linh, là hồn dân tôn tộc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Qua đó, tạo nên cho nhân dân ta sức mạnh đoàn kết chống giặc ngoại xâm, không chịu khuất phục trước mọi kẻ thù. Phát huy truyền thống, con cháu các đời trong dòng họ Phùng không ngừng đóng góp cho đất nước nhiều nhân tài như Phó Úy lưỡng triều Phùng Tá Chu, Lưỡng quốc Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phùng Thế Tài - Phó tổng tham mưu trưởng tổng cục Chính trị, Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không - Không quân… Trong thời bình có nhiều nhà khoa học nổi tiếng họ Phùng như GS. Phùng Hồ, GS. Phùng Hồ Hải, GS.TS. Phùng Hữu Phú, GS. Phùng Văn Tửu, PGS.TS.Phùng Chí Sỹ…
 
Theo TS PHÙNG VĂN HẢO / THỜI BÁO ĐÔNG NAM Á