Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu loạt bài Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng: Từ người anh hùng tuổi đôi mươi đến vị tướng Tư lệnh Binh chủng, Quân khu của nhà văn Phùng Văn Khai. Dưới đây là Bài 1: Người anh hùng tuổi đôi mươi.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng
Trong công tác cũng như đời sống hằng ngày, tôi được tiếp xúc, làm quen và không ít khi trở nên gần gũi, thân thuộc với nhiều vị tướng, nhưng có thể nói tất thảy những suy nghĩ, công việc, kể cả là những riêng tư của mình, những khúc quanh, những bước ngoặt, chuyện vui, chuyện buồn, đêm, ngày, sáng, tối một cách thoải mái thân tình nhất chính là Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng sinh năm 1949, nhập ngũ năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt và có nhiều hy sinh. Ông quê gốc xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, nơi địa đầu đất nước. Đoàn Sinh Hưởng nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1975 lúc 26 tuổi khi mang quân hàm Thiếu úy, Đại đội trưởng Đại đội xe tăng 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Quân đoàn 3.
Thành tích được phong anh hùng của ông nằm trong chiến dịch Tây Nguyên (3-1975), khi ông chỉ huy Đại đội 9 phối hợp với Đại đội Bộ binh 1 đánh lui nhiều đợt phản kích của địch, chiếm lại khu kho Mai Hắc Đế (Buôn Ma Thuột); tham gia đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy giải phóng Buôn Ma Thuột; trong trận đánh chiếm thị xã Tuy Hòa (Phú Yên, ngày 1-4-1975), Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy xe tăng M41 vừa thu được của địch bắn 9 quả đạn diệt 1 trận địa pháo 105mm, bắn chìm 1 tàu chiến, 1 xuồng chiến đấu; ngày 29-4-1975, ông chỉ huy Đại đội phối hợp với Bộ binh và Đặc công chốt tại Cầu Bông diệt và bắt toàn bộ đoàn xe M113 (22 chiếc), sau đó chỉ huy phân đội cùng các đơn vị bạn đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu ngụy trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Khi ông được phong anh hùng, tôi mới lẫm chẫm biết đi. Đến bây giờ, khi lục lại thành tích của ông, tôi vẫn luôn phải tra từ điển. Khi tôi trở thành binh nhì Tăng thiết giáp thì ông đã ở cương vị Thiếu tướng, Tư lệnh Binh chủng và đương nhiên những ngày ấy may mắn lắm mới được nhìn ông từ xa, trên lễ đài lúc diễu duyệt, còn thì chẳng bao giờ nghĩ đến sẽ có một ngày được trò chuyện cùng ông.
Thế mà sau này tôi đã rất nhiều lần chuyện trò, phỏng vấn ông, có những lúc ở chốn ba quân ngay tại thao trường khét lẹt mùi pháo xe tăng, có lúc chỉ hai thầy trò bên chén rượu giữa đêm khuya tiếng dế kêu rỉ rả. Những khoảnh khắc ấy luôn là những khoảnh khắc đẹp nhất, đáng nhớ nhất của một người lính thế hệ sinh sau, được hưởng hòa bình từ máu xương của cha anh như lứa chúng tôi.
Thôn Bốn, xã Bình Ngọc, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, nơi khởi đầu của đất đai Tổ quốc cũng là nơi Đoàn Sinh Hưởng cất tiếng khóc chào đời. Hôm nay, dù cuộc sống đã rất khác, sôi động hơn, sầm uất, trù phú hơn thì nó vẫn mang dáng dấp của một vùng biên viễn. Cái đặc thù của vùng địa đầu Tổ quốc đôi khi đã ăn hằn vào trong tâm thức của người Việt từ rất xa xưa. Những địa danh dội lên từ tâm tưởng: Bình Ngọc, Mang Nhai, Hải Sơn, Ka Long, Hải Yên, Vĩnh Thực, Lục Lầm, Pò Hèn… dường như đã nói lên dấu tích của vùng đất biên ải luôn phải chống chọi với kẻ thù đã hàng nghìn năm. Vùng đất hiên ngang khí phách như những người dân đời nối đời sinh ra và lớn lên, ăn đời ở kiếp với đất đá, suối sông, với truyền thống quật cường của người Việt không biết cúi đầu. Ở vào thế hiểm, thế tiền đồn, là phên giậu quốc gia, Quảng Ninh nói chung và Móng Cái nói riêng trong dòng chảy lịch sử đã gắn liền những võ công từ thời khai thiên lập địa.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (bên phải) và cán bộ, chiến sĩ
Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206 (Quân khu 4). Ảnh: sknc.qdnd.vn
Dòng họ Đoàn trải bao thăng trầm lịch sử đã sản sinh ra không ít anh hùng hào kiệt được bảng vàng bia đá lưu danh. Tính từ khoa thi đầu tiên mở dưới triều vua Lý Nhân Tông đến khoa thi cuối cùng triều Nguyễn đã có trên 40 người con ưu tú họ Đoàn đỗ Bảng Nhãn, Tiến sĩ mà nhiều vị đồng thời được giao trọng trách lớn trong triều đình. Các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn, những người tiêu biểu như Bảng Nhãn - Đoàn Văn Khâm đỗ khoa thi năm 1075 làm Thượng thư Bộ Công triều Lý; Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài - Ngự sử Trung tán dưới triều vua Trần Anh Tông, một người vốn thẳng thắn cương trực tiếng thơm còn vang mãi; Tiến sĩ Đoàn Hiền Chân - Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ triều Lê cũng là một bậc túc nho tài đức vẹn toàn.
Các văn nhân kẻ sĩ họ Đoàn vang danh cũng không ít. Một Tiến sĩ Đoàn Mậu - Quan Thừa Chánh sứ - Thành viên hội Tao Đàn triều Lê Thánh Tông; Văn thần Đoàn Nguyễn Tuấn vang danh triều Lê Hiển Tông. Đặc biệt, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, người từng tạo ra những giai thoại văn chương và cuộc đời đặc biệt mà sử sách hôm nay vẫn còn đang tốn nhiều giấy mực tưởng rằng cũng là một trong những bậc liệt nữ hiếm thấy mang dòng máu họ Đoàn.
Kể từ khi Cụ Hồ lập nước, những người con họ Đoàn không kể già trẻ gái trai đều một mực theo Đảng, theo Bác Hồ, góp phần công sức của mình trong các cuộc kháng chiến trường chinh của dân tộc. Trong những ngày chiến tranh ác liệt, nghe theo tiếng gọi non sông, năm 1966, chàng thanh niên Đoàn Sinh Hưởng đã ghi tên mình vào đội quân Bộ đội Cụ Hồ. Mái đình làng Trà Cổ rêu phong được dựng từ trên 600 năm trước hẳn vẫn còn ghi dấu ấn những thanh niên ưu tú Bình Ngọc, trong đó có chàng trai Đoàn Sinh Hưởng buổi lên đường nhập ngũ. Tấm ảnh chụp buổi lên đường theo thời gian đã không còn nhưng trong tâm khảm những chàng lính trẻ hôm ấy hẳn vẫn hằn rõ từng ánh mắt, nụ cười, cái bắt tay, lời hẹn ước của dân làng, họ mạc dành cho người ra tiền tuyến.
Chiến trường là nơi vẫy gọi những người con ưu tú chắc tay súng vì một ngày mai thống nhất non sông.
Chàng thanh niên 17 tuổi Đoàn Sinh Hưởng đã có mặt trong đoàn quân ấy.
Đoàn Sinh Hưởng ngay trong những ngày quân ngũ đầu tiên đã được chọn làm Tiểu đội trưởng trong một đơn vị của Đại đoàn 308 - Đại đoàn Quân Tiên Phong. Ngày ấy, Đoàn Sinh Hưởng vâm váp, chắc nịch, trùi trũi như một đô vật. Cuộc hành quân đầu tiên từ Móng Cái về Phú Thọ đã cho chàng trai họ Đoàn hiểu chặng đường phía trước thật chẳng dễ dàng. Từ Trà Cổ, đơn vị hành quân theo đường vòng cung, men theo biên giới Việt - Trung, qua Hà Cối, Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, sang Hoành Bồ, theo đường số 4, vượt đèo Họa Mỹ, vòng xuống Lục Ngạn, Bắc Giang, sang Tam Dương về Yên Lạc, Vĩnh Tường, Phù Ninh, Phú Thọ. Từ khi chỉ biết đến Bình Ngọc, Móng Cái, có xa hơn nữa cũng chỉ mươi, mười lăm cây số, nay ở chặng đầu đôi bàn chân trần đã phải vượt qua hàng trăm ki-lô-mét với ba lô súng đạn trên lưng.
Trước khi nhập ngũ, người bố là Đoàn Quang Đa, vốn là một nông dân chất phác trong làng gọi con đến dặn: “Con nhớ lấy. Phải biết yêu thương anh em, bè bạn như những người ruột thịt của mình. Sau này, nếu có là chỉ huy cũng phải biết san sẻ, gánh vác với anh em”… Điều giản dị ấy, Đoàn Sinh Hưởng đã mang theo, lặng lẽ thực hiện trong thời chiến cũng như thời bình, từ khi còn là binh nhì đến khi đã trở thành vị tướng đứng đầu cấp binh chủng, quân khu.
Đoàn Sinh Hưởng được phong dũng sĩ diệt Mỹ và được kết nạp Đảng ngay tại trận địa từ rất sớm, khi ông mới 19 tuổi. Đó là trận đánh Khe Sanh trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Trận đó, lính thủy đánh bộ Mỹ tuyên bố sẽ cho Cộng quân đo ván. Vốn dũng mãnh thiện chiến và có phần khát máu, lính thủy đánh bộ Mỹ lúc đó rất huênh hoang. Bộ đội ta quyết tâm dạy cho chúng một bài học. Trận đánh vô cùng ác liệt. Những cái bóng vằn vện của thủy quân lục chiến Mỹ đổ sầm sập trước những đường đạn, nhát lê của các chàng trai rực chí căm thù. Kẻ khát máu đã kinh hoàng tháo chạy để lại vô số xác chết. Trong số những người lính quả cảm đó có không ít người đã ngã xuống. Mỗi khi nhắc đến trận đánh ấy, tôi thấy vị tướng chợt nghẹn lại. Có những điều thật chẳng thể nào quên.
Khi vào chiến trường Tây Nguyên, Đoàn Sinh Hưởng có biệt danh “con sóc Tây Nguyên”. Rất gan dạ và lì lợm, Đoàn Sinh Hưởng luôn tạo cho đồng đội một niềm tin vững chắc. Rất nhiều khi, giữa trận đánh, đạn bắn như mưa, người chiến sĩ họ Đoàn vẫn thoăn thoắt ẩn chỗ này, hiện chỗ kia cứu dân, cứu đồng đội. Ông như một chú sóc rừng luồn lách khắp các bờ cây, hốc đá hỗ trợ và sát cánh cùng đồng đội trong mọi cuộc chiến đấu lớn nhỏ.
Có một lần sau trận đánh, Đoàn Sinh Hưởng bị lạc. Rừng Tây Nguyên mênh mông, rậm rạp và đầy rẫy bom đạn. Có những vùng da báo, ta địch đóng xen nhau. Một ngày, nhiều ngày không thấy Đoàn Sinh Hưởng trở về. Mọi người không ai dám nói nhưng đều nghĩ rằng Đoàn Sinh Hưởng đã hy sinh. Đơn vị đang loay hoay tính cách báo lên trên thì Đoàn Sinh Hưởng đột ngột trở về. Ai cũng ôm chầm lấy người đồng đội, ôm “con sóc rừng”, sờ nắn xem có sứt mẻ ở đâu không. Niềm vui vỡ òa trong nước mắt.
Với đồng chí, đồng đội chiến đấu cùng, dường như ai cũng dành cho Đoàn Sinh Hưởng một tình cảm quý mến đặc biệt.
Sau một thời gian chiến đấu, ông được rút khỏi chiến trường, cử đi học một năm ở Trường Sĩ quan Lục quân rồi được cấp trên điều sang làm Trung đội trưởng nhưng phụ trách Đại đội của Binh chủng Tăng thiết giáp.
Người lính chiến Đoàn Sinh Hưởng sau một thời gian ngắn học tập, rèn luyện lại có mặt ở chiến trường. Đó là Tây Nguyên.
Vào Tây Nguyên, với cương vị Đại đội trưởng Đại đội 9, Đoàn Sinh Hưởng đã chỉ huy Đại đội Tăng đánh một trận nổi tiếng - Trận Đắc Pét trên đường số 14. Trận này cũng là một trận nhớ đời. Đội hình Tăng ta gầm vang xung trận. Tiếng đạn pháo tăng át những tiếng nổ khác trong trận đánh đã tạo ra uy lực lớn để bộ đội xung phong làm chủ từng cụm cứ điểm. Trận này, quân ta tiêu diệt gọn Tiểu đoàn biệt động 88 ngụy thuộc cụm cứ điểm liên hoàn. Đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng xuất sắc và cũng là trận đầu tiên Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy Đại đội xe tăng bắt sống tên thiếu tá Võ Đắc Di.
Thắng lợi thì giòn giã nhưng Đoàn Sinh Hưởng suýt bị kỷ luật vì một chuyện nghĩ bây giờ ai cũng phải bật cười. Đó là khi xông vào Sở chỉ huy địch, Đại đội trưởng nhảy khỏi xe chỉ huy tiêu diệt mấy tên địch đang chống cự thấy hai cái chảo nấu ăn bèn đem về cho anh em đại đội. Trên quyết định kỷ luật vì nguyên tắc Đại đội trưởng không được rời xe chỉ huy mà ông đã rời xe 10 phút để mang chảo về cho anh em. Sau này có người nói vui: Đoàn Sinh Hưởng huân chương không nhận lại nhận hai cái chảo. Chuyện lính tráng một thời đúng là có những lúc cười ra nước mắt như thế.
Đại đội xe tăng 9 do Đoàn Sinh Hưởng làm Đại đội trưởng đã tham gia những trận đánh then chốt, quan trọng mà tiêu biểu nhất là trong trận đánh Buôn Ma Thuột. Cấp trên vốn biết Đoàn Sinh Hưởng là một Đại đội trưởng quả cảm và có đầu óc chỉ huy nhạy bén đã giao cho Đại đội 9 nhiệm vụ đánh thẳng vào trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột. Trên đường thọc sâu vào thị xã, Đại đội 9 đã đánh tan quân địch ở kho Mai Hắc Đế, bắn cháy 2 chiếc M113, bắt sống Đại tá Luật, Phó tỉnh trưởng tỉnh Đắk Lắk, bắt sống hơn 100 tên địch, đánh khu truyền tin, khu Bộ tham mưu rồi đánh thẳng vào trung tâm chỉ huy Sư bộ 23 ngụy. 11 giờ 30 phút ngày 11-3-1975, quân ta cắm lá cờ chiến thắng lên nóc Sư đoàn bộ 23 ngụy. Chiếc xe tăng 980 do Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng trực tiếp lái khét lẹt mùi thuốc súng.
Chiến trường phát triển nhanh chóng. Địch tan rã từng mảng. Thất thủ Buôn Ma Thuột, địch hoảng loạn rút theo đường số 7 về Phú Yên. Đại đội 9 lập tức lên đường truy kích địch, đã bắn cháy, bắt sống hàng trăm xe tăng, xe cơ giới địch. Đại đội 9 còn có sáng kiến sử dụng pháo tăng tiêu diệt, bắn cháy hai tàu chiến của địch ở trên biển Phú Yên.
Sau khi giải phóng Phú Yên, nhận mệnh lệnh quay về Buôn Ma Thuột để hành quân vào Sài Gòn theo đường số 14, lúc này Đại đội 9 chỉ còn 5 chiếc xe tăng. Cả Đại đội siết chặt đội hình hành quân nhằm hướng Sài Gòn. Trời lờ mờ tối. Tiếng súng đạn rộ lên tứ phía. Đội hình đi được khá lâu mới biết mình đã lạc gần đến Tây Ninh nên tìm mọi cách để tìm đường tới Sài Gòn. Khi tìm được đường, thấy ám hiệu người cầm dù đỏ (tức quân ta), anh em bèn tiến tới liền bị đánh trả quyết liệt. Mới thấy sự hỗn loạn trên đường tới Sài Gòn hết sức khó lường.
Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng hạ mệnh lệnh đánh tan tốp địch khoảng hơn 100 tên. Phía ta không có ai bị thương vong. Xốc lại đội hình hành quân, khi phía trước là Cầu Bông, một đường vào cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn, bất ngờ Đại đội 9 gặp 24 xe tăng địch dàn đội hình tiến về phía ta. Lúc này Đại đội 9 chỉ còn 4 xe tăng. Đoàn Sinh Hưởng lập tức cho đội hình xe lùi lại ém sang hai bên đường. Khi đoàn xe tăng địch lọt vào tầm ngắm, Đại đội trưởng hạ mệnh lệnh bắn cháy chiếc đầu và chiếc cuối khiến đội hình địch hoảng loạn dạt xuống cánh đồng điên cuồng bắn trả.
Với số xe ít hơn nhưng thiện chiến và quả cảm gấp bội, bọn địch đang hoảng loạn, Đoàn Sinh Hưởng bình tĩnh chỉ huy đại đội bắn tỉa từng xe địch. Khi cháy đến chiếc thứ mười hai thì địch hoảng loạn mất khả năng chiến đấu, chúng đầu hàng hoặc trốn chạy và bị tiêu diệt. Trận đánh kết thúc, Đại đội 9 củng cố đội hình tiếp tục tiến đánh trại Quang Trung tại ngã tư Bảy Hiền, Đoàn Sinh Hưởng xin mệnh lệnh cấp trên tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Tiếp đó Đại đội 9 đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tổng tham mưu ngụy. Đến 10 giờ ngày 30-4, khi những người lính Đại đội 9 cùng các lực lượng chiếm được Bộ tổng tham mưu ngụy cũng là lúc quân ta ào ạt tiến vào Dinh Độc lập, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong những chiến công chung có chiến công riêng.
Không có chiến công nào không thấm đẫm trí tuệ, máu xương người chiến sĩ.
Người chiến thắng sau những dư âm hào sảng của nó dường như ai cũng chạnh lòng nhớ về người hy sinh. Ngay cái phút giây nghe tên mình được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tối 12-9-1975 qua đài phát thanh, điều đầu tiên Đoàn Sinh Hưởng nhớ đến là những đồng đội đã hy sinh. Xuân Trường ơi! Hồng Tư ơi!... giá như có các bạn trong giờ phút này…
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI