(Thứ sáu, 19/02/2016, 08:18 GMT+7)

Vài suy nghĩ về dòng họ

Nhà giáo Phùng Khắc Đồng


Cây có cội, nước có nguồn. Cội có cao to, cây mới tươi cành xanh lá, mới sai quả nặng bông, mới có nhiều hoa thơm quả ngọt. Nguồn có rộng, có trong thì nước mới dạt dào sạch sẽ, không bao giờ vơi cạn. Lẽ tự nhiên là như vậy.
Lại xem trong Kinh Lễ đại truyện có chép rằng: “Con người ta sinh ra ở trên đời, trước hết phải biết phụng dưỡng cha mẹ cho phải đạo. Biết phụng dưỡng cha mẹ, phải nhớ đến công đức của Tổ tiên. Tổ tiên là gốc rễ của nhà, của họ, cho nên lấy việc tôn kính Tổ tiên làm quý trọng”.
Tổ công Tông đức thiên niên thịnh,
Tử hiếu Tôn hiền vạn đại xương.
Là câu mà ở mỗi nhà, mỗi họ đều ghi nhớ và luôn luôn tôn thờ.
Lịch sử Việt Nam ta cũng đã ghi chép: Chúng ta rất tự hào là con Rồng, cháu Tiên, là cùng một bọc sinh ra. Bất cứ một họ tộc nào, một cá nhân nào cũng là cháu, chắt, chút, chít của một trong 50 con người lên rừng hoặc 50 người con xuống biển của cái bọc ấy. Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, nước ta ngày nay đã có đến 100 triệu dân, nhưng sự gần gũi thân tình như cùng một dòng họ, cùng một Tổ tông thật càng đáng quý, đáng tự hào biết bao!
Họ Phùng ta cũng vậy, ngay từ thời mới dựng nước, giữ nước đã có những vị mang chữ họ Phùng, chữ Phùng là Họ, phần nào cũng nói lên cái cốt cách, cái tinh thần của dòng họ Phùng chúng ta.
Thực tế lịch sử từ xa xưa đã ghi chép rất rõ: Từ khi dựng nước đã có nhiều người mang dòng họ Phùng, cùng cả dân tộc tham gia công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do và chủ quyền cho đất nước. Điển hình ở thế kỷ thứ 8 đất nước bị quân xâm lược nhà Đường đô hộ đã có Phùng Hưng dựng cờ khởi nghiệp, cùng với Phùng Hải, Phùng Dĩnh chỉ huy dân binh, chia làm 5 đạo tiến đánh thành Tống Bình (Hà Nội) khiến Đô hộ sứ Cao Chính Bình - tướng nhà Đường lo sợ phát ốm mà chết. Nghĩa quân chiếm được thành Tống Bình làm kinh đô, xây dựng quyền tự chủ. Phùng Hưng được nhân dân tôn xưng là “Bố Cái Đại Vương” (791-802).
Trải qua các triều đại, từ Ngô - Đinh - Lý - Trần đến Lê - Nguyễn và hiện nay, họ Phùng ta lúc nào cũng có các danh thần, danh tướng phò tá để giữ nước được độc lập, tự chủ, nhân dân được tự do hạnh phúc. Các vị khoa bảng, danh tướng, danh thần, tiền nhân của họ Phùng mà lịch sử ghi chép và nhân dân luôn nhớ đời nào cũng có.
Lớp con cháu ngày nay luôn tự hào về ông cha Tổ tiên, họ phải suy nghĩ và làm việc như thế nào đây để cùng với các Họ khác trong cộng đồng các dân tộc trên đất nước ta xây dựng Việt Nam thành một nước dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh ở thế kỷ 21 này. Đó cũng là mục đích của việc làm hiện nay của lớp lớp con cháu mang chữ họ Phùng. Có thể quá trình lịch sử có những biến động xã hội, mà mỗi người, mỗi chi họ mang chữ đệm, chữ giữa khác nhau nhưng trong lý lịch của mỗi chúng ta chữ Phùng vẫn là ký tự đáng tự hào.

Tác giả bài viết: Nhà giáo Phùng Khắc Đồng