VỀ YÊN DŨNG - MỘT HÀNH TRÌNH THÁM MÃ
Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân
Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân trong khoảng 5 năm trở lại đây đã dày công nghiên cứu và viết những tham luận khoa học, bài nghiên cứu có giá trị cho Hội đồng họ Phùng Việt Nam về các danh nhân tiêu biểu của họ Phùng trong tiến trình lịch sử. Vừa qua, khi về Yên Dũng tìm hiểu nghiên cứu về nhân vật lịch sử Xác lộc hầu Phùng Đức Nhuận, anh đã có một bài viết thú vị in trên báo Người Hà Nội số ra ngày 1/11/2019. Sau đây xin giới thiệu bài viết của anh:
Địa danh Yên Dũng nằm trong văn hóa quyển xứ Kinh Bắc, một trong bốn kinh trấn trứ danh bao quanh kinh thành Thăng Long, cùng với xứ Đông, xứ Đoài và xứ Sơn Nam. Kinh Bắc là vùng văn hóa cổ khởi sinh từ rất sớm, là nơi tập trung dân cư đông đúc, kinh tế giao thương phát triển thuận lợi nhờ hệ thống các sông ngòi ở phía Bắc sông Hồng. Cũng nhờ hệ thống đường thủy này, Kinh Bắc là cầu nối tiếp xúc đầu tiên giữa hai dòng văn hóa phía Đông (Ấn Độ) và phía Bắc (Trung Quốc) tại Giao Châu, thông qua hoạt động trao đổi buôn bán tồn tại từ thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Bên cạnh vai trò là một trung tâm kinh tế, thì nơi đây cũng là một trung tâm văn hóa tôn giáo, kinh đô của Phật giáo với những điểm chùa có rất sớm và nổi tiếng lâu đời nay như chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Vĩnh Nghiêm… Yên Dũng, với vị trí địa lý tiếp giáp nằm giữa hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, mang những đặc trưng thổ nhưỡng và trầm tích văn hóa của vùng văn hóa Kinh Bắc.
Yên Dũng có một bề dày cả về lịch sử kiến tạo địa lý tự nhiên lẫn lịch sử phát triển vùng đất. Địa dư của Yên Dũng vốn là nơi hợp lưu tụ thủy của ba con sông, bao gồm sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam, tạo thành thế “tam long hội tụ.” Các vùng chiêm trũng xen kẽ đồi núi, với dãy núi chính là dãy Nham Biền cấu thành từ hai dãy núi nhỏ song song chạy dọc theo hạ nguồn sông Thương và sông Cầu. Gắn liền với dãy Nham Biền là huyền tích khai mở về 99 con phượng hoàng tìm đất đế đô tạo nên 99 ngọn núi từ thuở vua Hùng dựng nước. Thần tích địa phương chép lại rằng, đến đời Hùng Vương thứ 18 thì hai vị tướng là Cao Sơn, Quý Minh trên đường đánh giặc có hành quân qua đây, được nhân dân tham gia ủng hộ và sau này lập miếu. Cho tới thời Trần, Trần Thủ Độ sau khi được gả Trẩn Thị Dung liền nhận đất châu Lạng, tức Hương Tảo (Yên Dũng) làm thang mộc ấp, sự việc này cũng được Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép. Lúc này, huyện có tên là Cổ Dũng. Đến thời Minh thuộc huyện lại bị chia đôi thành Cổ Dũng và Yên Ninh, sau này được sát nhập lại ở thời Lê và mang cái tên Yên Dũng như bây giờ. Từ thời Lê - Trịnh cho tới thời Nguyễn thì Yên Dũng thuộc về phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc.
Là một miền đất tâm linh, ước tính trên địa bàn Yên Dũng có tới hơn 300 di tích lịch sử, trong đó 80 di tích xếp hạng cấp quốc gia, và một di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt (chùa Vĩnh Nghiêm). Tiêu biểu nhất là chùa Vĩnh Nghiêm, hay còn gọi là chùa La. Chùa vốn được xây dựng từ thời Lý Thái Tổ (1010 - 1028) trên địa thế Yên Dũng lý tưởng về văn hóa tâm linh. Cho đến thời Trần, chùa được tôn tạo và mở rộng để đón các tăng ni tham gia an cư kiết hạ. Sau khi vua Trần Nhân Tông đến đây thụ giới và sáng lập nên phái Thiền tông của Phật giáo Việt Nam, chùa Vĩnh Nghiêm được coi là tổ đình của Thiền phái Trúc Lâm (Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành). Chùa Vĩnh Nghiêm còn là nơi lưu giữ bộ kinh mộc bản với 3050 bản khắc gỗ được tổ chức UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2012.
Sự trù phú văn hóa của vùng đất Yên Dũng không chỉ thể hiện qua những chứng tích vật chất, mà còn hiện hữu ở những con người nơi đây. Mang truyền thống nông nghiệp, con người Yên Dũng mẫn tiệp, cần cù siêng năng. Sự chăm chỉ lao động này được thấm nhuần qua từng thế hệ, trong từng nghề nghiệp sinh kế như làm ruộng, trồng trọt chăn nuôi hay thủ công, đan lát mây tre. Yên Dũng còn được mệnh danh là đất học, có truyền thống hiếu học khoa cử với nhiều làng Tiến sĩ. Thân Nhân Trung, chủ nhân của câu nói nổi tiếng, “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...” chính là người xã Yên Ninh, thuộc huyện Yên Dũng. Thống kê của Ban Quản lý Di tích Lịch sử - Văn hóa huyện Yên Dũng cho thấy, từ năm 1088 cho đến 1842 có tới 35 tiến sĩ khoa cử xuất thân từ Yên Dũng. Các tiến sĩ như Nguyễn Viết Chất, Quách Nhẫn, cha con Đào Toàn Bân và Đào Sư Tích, Thân Nhân Trung đều trung thành tận tụy phò vua giúp nước, được trọng dụng làm quan để lại tiếng thơm cho đời đời sau.
Từ thủ phủ hành chính của Yên Dũng, thị trấn Neo, di chuyển 12km về hướng Tây Bắc là xã Nội Hoàng. Ngày xưa, ngôi làng có con sông cổ tên là sông Mang chảy ngang qua nên có tên chữ Nôm là Kẻ Mang. Thời Minh thuộc, khi Yên Dũng bị chia tách làm hai, thì Nội Hoàng được đặt làm lỵ sở của huyện Yên Ninh. Bản thân làng Nội Hoàng là một điểm giao lưu buôn bán sầm uất từ xa xưa, với sông núi bao quanh và chùa chiền phát triển. Đời sống tâm linh đặc biệt phát triển trên địa hạt Nội Hoàng. Đầu tiên là tín ngưỡng bản địa thờ đá của người dân địa phương, sau đó hỗn dung với Phật giáo du nhập, dẫn đến tục thờ đá thiêng (linh thạch) trong chùa Dâu ở Nội Hoàng. Đến thời Lý - Trần, do tiếp nhận sự ảnh hưởng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử sáng lập bởi Trần Nhân Tông, Nội Hoàng cho xây cất hai ngôi chùa là chùa Cả và chùa Đèo. Cho tới thời Lê trung hưng xuất hiện các vị quan có chức sắc trong triều Lê, ngoài đóng góp tu tạo đình chùa ở quê hương thì họ cũng cho xây dựng các khu sinh từ, lăng mộ của mình làm nơi yên nghỉ về sau. Những công trình này của họ, vừa đóng góp những đặc sắc về kiến trúc, vừa góp phần tăng cường đời sống tâm linh cho người dân làng thông qua việc khoán ước với làng cúng tế cho mình vào các dịp lễ giỗ cũng như sóc vọng.
Nằm thiêng khuất trong khuôn viên phía Bắc làng Nội Hoàng, tọa lạc ở khu đồi Hòn Ngọc, là lăng mộ của Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận, người làm quan triều Lê trung hưng đầu thế kỷ XVIII. Ông là người Nội Hoàng, được vinh phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, làm quan hầu cận ở cung Đoài (Tây), giữ chức Phó tri Hình phiên, Thị Nội giám, Tư Lễ giám; sau được tặng phong chức Tổng Thái giám, tước Xác Lộc hầu Phùng tướng công, tên huý là Tra, tự là Đức Nhuận, thuỵ là Đoan Trực phủ quân. Không chỉ đảm nhận chức Tổng thái giám là chức quan cai quản quan Thái giám lo việc hầu hạ phục dịch trong Phủ liêu, mà Phùng Đức Nhuận đồng thời lại được giao phó trông coi Hình phiên. Lẽ thường theo thể chế phong kiến truyền thống, thì quan Thái giám không được tham dự triều chính, mà chủ yếu phục dịch trong cấm cung. Tuy nhiên, dưới triều vua Lê chúa Trịnh, các Thái giám có một vai trò lớn hơn, thậm chí đặc thù, bởi họ còn được chúa tin tưởng giao cho săn sóc nội sự gia đình nhà chúa trong thời gian chúa đi tham chiến, được đào tạo trở thành võ quan thái giám để tham gia trận mạc, được giao quyền bính và được tham chính. Đây là đặc trưng của tầng lớp thái giám thời Lê - Trịnh, khiến họ không bị giới hạn trong đời sống cung đình, trái lại được tham gia vào nhiều lĩnh vực quan trọng khác nhau của đất nước, đồng thời có tầm ảnh hưởng lớn tới đời sống tâm linh địa phương.
Bia ký ở lăng Phùng Đức Nhuận cho biết lăng mộ được hoàn thành vào ngày tốt tháng 11 năm 1732, niên hiệu Long Đức nguyên niên triều vua Lê Thuần Tông, một năm sau ngày mất của ông. Từ cơ sở căn cứ trên, có thể xác định Phùng Đức Nhuận ít nhất phục vụ hai triều vua nhà Lê trung hưng là Lê Dụ Tông và Lê Đế Duy Phường, tương ứng với hai đời chúa Trịnh là Định Nam Vương Trịnh Căn và An Đô Vương Trịnh Cương. Đây cũng chính là giai đoạn ổn định nhất của thời Lê - Trịnh, đưa Đàng Ngoài phát triển phồn thịnh trở lại sau nhiều năm binh lửa giao tranh, như Phan Huy Chú đã viết trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Trong khi chúa giữ chính, chăm chỉ lo toan trị nước, cùng với các tể tướng ngày đêm trù tính. Phàm việc binh, dân, tiền của, thuế khóa đặt ra rõ ràng đầy đủ.” Nhận định của các sử gia trong Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục góp phần củng cố thêm: “Khoảng niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705), Vĩnh Thịnh (1705 - 1719), bốn phương vô sự, trong nước hơi yên; thế cũng là cuộc thịnh vượng trong một thời như đời vua Thiếu Khang nhà Hạ.” Trong giai đoạn hưng phúc hưng thịnh này, Phùng Đức Nhuận đã có công trong việc quán xuyến quản lý và phục vụ giúp việc trong triều. Bởi vậy, ông được vua Lê chúa Trịnh sủng ái và ban phát nhiều bổng lộc. Là người có tấm lòng đối với quê hương, lại có thành tâm tín ngưỡng, ông chủ yếu sử dụng tiền đó để tu bổ sửa chữa chùa và đình tại Nội Hoàng. Công đức trùng tu của Phùng Đức Nhuận được người dân biết ơn và ghi lại trên hai bia đá lớn đặt trước chùa Cả (Phúc Nghiêm tự), nằm ở trung tâm xã Nội Hoàng. Tục truyền rằng, chùa Cả là một trung tâm Phật giáo lớn có quy mô sánh ngang với hai ngôi chùa lớn khác của tỉnh Bắc Giang là chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà, được Phùng Đức Nhuận hưng công trùng tu vào niên hiệu Bảo Thái thứ 7 (1717) và niên hiệu Vĩnh Khánh thứ nhất (1732), nhưng đáng tiếc đã bị thực dân Pháp phá hủy gần như hoàn toàn vào năm 1949.
Giống với các quan lại cao cấp thời Lê - Trịnh nói chung, hay các thái giám có công nhận nhiều bổng lộc đương thời nói riêng, Phùng Đức Nhuận cũng cho xây dựng sinh từ tại quê hương. Kiến trúc sinh từ kết hợp giữa đền - lăng vốn dĩ nở rộ vào thế kỷ XVII, XVIII và trở thành một hình thức kiến trúc mới đặc sắc, là tổng hòa của những sắc thái thành tựu riêng biệt đến từ nghề chạm khắc đá, điêu khắc, thổ mộc và phong thủy. Lăng mộ là tổ hợp các thành phần kiến trúc như cổng và hệ thống tường bao quanh, nhà bia và mộ phần. Khu lăng họ Phùng ở phía Bắc làng Nội Hoàng bao gồm hai phần là từ chỉ và lăng mộ Phùng Đức Nhuận. Ngày nay, đáng tiếc do hậu quả chiến tranh và diện tích bị xâm lấn, nên phần từ chỉ họ Phùng là nhà gỗ lim năm gian phía sau lăng mộ đã bị hư hỏng hoàn toàn, còn phần lăng mộ được xây dựng bằng chất liệu đá xanh cũng không còn giữ được hiện trạng như xưa. Theo như bài báo của Nguyễn Văn Phong đăng tải năm 2009, thì lăng mộ vẫn còn những di vật được tạo tác từ thế kỷ XVIII như bia đá, sập thờ, đài hương, tượng và sĩ canh hầu, tượng voi, ngựa, chó. Nhưng khi điền dã ở thời điểm hiện tại, lăng mộ chỉ còn bia, sập thờ, cây hương và đôi tượng chó. Tình trạng này cấp thiết đòi hỏi sự quan tâm và phối hợp của chính quyền lẫn người dân địa phương trong việc bảo tồn và gìn giữ di tích của một danh nhân lịch sử.
Về Yên Dũng, Bắc Giang, mang lại những cảm nghiệm khám phá về cảnh quan thiên nhiên lẫn tâm thức văn hóa của con người nơi đây. Một vùng đất giàu truyền thống lịch sử cũng như những giá trị văn hóa, tuy nhiên cũng để lại một số suy ngẫm về những mối quan hệ giữa con người với cảnh quan, giữa hiện tại với quá khứ, giữa phát triển với bảo tồn.
Và một số hình ảnh của anh trong quá trình làm việc với Hội đồng họ Phùng Việt Nam: