(Thứ tư, 25/01/2023, 09:43 GMT+7)
Nhà thơ Phùng Cung sinh ngày 18/7/1928 tại Vĩnh Yên. Năm 1945, ông tham gia cách mạng. Năm 1949, Phùng Cung lên chiến khu Việt Bắc và tham gia công tác văn nghệ ở đó. Năm 1954, Phùng Cung về sống tại Hà Nội và tiếp tục hoạt động văn nghệ... Ông qua đời năm 1998. Ðời văn của ông, ngoài truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh, chỉ có duy nhất tập thơ Xem đêm.
 
Ðánh giá tập thơ này, nhà văn hóa Nguyễn Hữu Ðang viết: "Thơ Phùng Cung tích lũy trong thầm lặng khắc kỷ đã phải nằm chờ hơn 20 năm dưới lớp bụi thờ ơ, như Hằng Nga ngủ trong rừng, chưa có Hoàng tử đẹp trai đến đánh thức... Ông là một cây bút vốn bị hoàn cảnh không bình thường kìm hãm, đang giành lại chỗ đứng dưới mặt trời".
 
Nhà thơ Hoàng Cầm chia sẻ: "Có lẽ từ xưa đến nay, ở nước ta chưa có một tập thơ nào về một vùng quê nghèo khổ lại súc tích, cô đọng mang tính truyền thống và hiện đại sâu sắc như tập Xem đêm... Có thể nói, đây là tư liệu quý giá về đời sống cả về ngôn ngữ nhân dân vùng trung du Bắc Bộ rộng lớn trước đây. Mỗi bài thơ, có khi chỉ một câu đều như những luồng điện không giật chết người nhưng cứ thắt vào tim những luồng rung động thấm rất sâu".
 
Còn nhà thơ Quang Huy nhận xét: "Phùng Cung xứng đáng là một trong những bậc thầy về nghệ thuật ngôn từ"...

 
Nhân những ngày đầu xuân Quý Mão 2023, Hội đồng họ Phùng Việt Nam xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chùm thơ rút từ tập Xem đêm như một lời tri ân tới thi sĩ Phùng Cung.
 
Tổ quốc
 
Tổ quốc tôi
Nhức ngối yếm son
Ðôi vú căng tròn sữa trẻ
Sông suối ngọt
Từ nguồn sữa ngọt
Năm tháng đẹp dòng
Ru trong nắng - Âu - Cơ.
 
Xóm giềng
 
Bóng đèn - vá - giấy
Lom đom vườn hàng xóm
Mượn - trộm mẩu gừng
Phát gió rửa đêm
Mùi rượu gừng cả xóm
            băn khoăn.
 
Tìm em
 
"Tìm em như thể tìm chim
Chim ăn bể Bắc đi tìm bể Ðông"
                            Ca dao
 
Tìm về gặp em
Em đã đi
Vách, giường thơm - lạnh
Mùi khăn áo cũ
Ðêm - nghiêng - gió - chập chờn -
             mưa - gõ- lá
Không có sông
Sao có tiếng gọi đò.
 
Buồng thơm
 
Ðêm vắng
Buồng thơm
Em soi gương trộm
Ngọn đèn mượn gió nghé nghiêng.
 
Mồ hôi xương
 
Tặng vợ
Em vất vả
Tối ngày tất tả
Lưng áo em
Ngoang vôi trắng xóa
Cái trắng này
Vắt tận trong xương.
 
Văn Miếu
 
Chim - hát thánh thi
Vườn cổ thụ
Sum suê hoa trái Ðại Xuân
Nao nao gió thổi gác Khuê Văn
Gỗ đá rêu phong
Vẫn hiển hiện dấu tay
            bác phó
Nhúng mồ hôi - điểm - chỉ -
            gửi - tương lai.
 
Bèo
 
Lênh đênh muôn dặm
         nước non
Dạt vào ao cạn
Vẫn còn lênh đênh.
 
Mẹ
 
Mồ hôi mẹ
Tháng ngày đăm đăm
            nhỏ giọt
Con níu - giọt mồ hôi
Ðứng dậy làm người.
 
Ðò khuya
 
Ðêm về khuya
Trăng ngả màu hoa lý
Tiếng gọi đò
Căng chỉ ngang sông.
 
Cua đồng
 
Phận - lấm
Tối ngày đào khoáy
Lưng nắng - vẽ
Hoa văn tiền sử
Chài chãi đồng chiêm
Mấy kiếp rồi.