Đó là những lát cắt về cuộc đời Thiếu tướng Phùng Bá Thường, một vị tướng đức độ, dạn dày trận mạc và tâm huyết với Đảng, với sự nghiệp trồng người trong quân đội.

Trung đoàn trưởng đánh giỏi của trung đoàn 66

Sáng 28-1, bà Nguyễn Thị Minh Liên, phu nhân của Thiếu tướng Phùng Bá Thường gọi điện báo cho vợ chồng tôi. Ông đã rất mệt. Thấy ông quý mến vợ chồng cháu nên báo để các cháu đến thăm. Ngay trưa hôm đó, vợ chồng tôi đến thăm ông. Khối u ác tính đã di căn khiến ông đi lại khó khăn, huyết áp tụt nên ông không ngồi dậy được.

Mắt ông mờ đi nhiều, thính lực giám sút nhưng biết chúng tôi đến ông rất mừng. Nằm trên giường nhưng ông vẫn tỉnh táo và minh mẫn. Ông nắm tay tôi hỏi: Đại hội (Đại hội XIII của Đảng) thế nào rồi? Tôi ghé sát tai báo cáo với ông rằng: Tốt đẹp ạ, chắc chắn sẽ thành công rực rỡ. Ông nở nụ cười tin tưởng. Cầm tay tôi ông căn dặn, Tết đến gần nhớ bảo đảm an toàn giao thông và phòng, chống dịch cho tốt nhé. Thế mà chiều nay, đúng dịp kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng ông đã trút hơi thở cuối cùng để đi gặp tổ tiên và đồng đội, gặp những người bạn chiến đấu đã sát cánh cùng ông trên các chiến trường. Thiếu tướng Phùng Bá Thường là một vị tướng dày dạn trận mạc, một con người bình dị nhưng những việc ông làm không hề nhỏ chút nào. Ông là niềm tự hào của quê hương, gia đình và đồng đội.


Thiếu tướng Phùng Bá Thường

Là vị tướng đã trải qua nhiều trận đánh, ở nhiều chiến trường với nhiều chiến công vang đội. Ở tuổi 97, sức khỏe tuy đã giảm sút nhưng Thiếu tướng Phùng Bá Thường rất minh mẫn. Ký ức của những năm tháng chiến đấu chống quân thù vẫn như còn nguyên vẹn trong trí nhớ của ông. Ông hồi tưởng lại những ngày mới chập chững vào quân ngũ, những trận chiến đấu ác liệt ở Nga Sơn – Thanh Hóa, Phát Diệm – Ninh Bình, trên đường số 6 Hòa Bình, và làm nhiệm vụ bảo vệ sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Mường Phăng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngay từ những ngày đầu quân ngũ, chàng trai Phùng Bá Thường đã tỏ ra là người chỉ huy có năng lực. Ông là một vị tướng trận mạc tham gia chiến đấu cùng Trung đoàn 66 ở vùng đồng bằng Bắc bộ.Thiếu tướng Phùng Bá Thường sinh trưởng trong một gia đình bần nông, có 10 người con, nhà nghèo nhưng gia đình vẫn coi trọng sự học và tạo điều kiện để ông được học 7 năm chữ nho và 5 năm chữ quốc ngữ. Đó là những hành trang ban đầu để ông lên đường nhập ngũ tháng 2 năm 1946.

Năm 1953, ông cùng Trung đoàn 66 sang Trung và Hạ Lào mở mặt trận phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ. Trung đoàn 66 chiến đấu giỏi, có trận diệt gọn cả tiểu đoàn Âu-Phi bắt 500 tên, được Đại tướng Võ Nguyện Giáp đánh giá “: Một mình Trung đoàn 66 ở Trung và Hạ Lào như một đại đoàn”... Năm 1954, ông đã là trung đoàn trưởng Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, khi mới tròn 30 tuổi. Sau đó ông được cử đi đào tạo ở Học viện Lục quân Hoàng Phố của Trung Quốc – một trường danh tiếng đã có nhiều tướng lĩnh tài ba của Trung Quốc và quân đội ta trưởng thành từ ngôi trường này. Sau 3 năm học tập, ông được điều về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, cầm quân sang chiến đấu ở Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng, giúp nước bạn Lào. Về nước, ông được điều làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 – Một trung đoàn mới thành lập, rồi đưa quân vào miền Nam đánh Mỹ.

Bị hạ cấp không nản chí, đứng lên từ thất bại, lập công xuất sắc

Cuộc đời của Thiếu tướng Phùng Bá Thường gắn liền với mảnh đất Tây Nguyên nhiều duyên nợ. Có vinh quang của người chiến thắng và có cả cơ cực, đắng cay khi trận đánh không thành. Đó là trận đánh vào thị xã Kon Tum trong Tết Mậu Thân 1968, bởi trước khi tiến đánh vào thị xã, Tiểu đoàn 4 chủ công của Trung đoàn 24 chiến đấu thương vong chưa kịp bổ sung, nay lại rút cán bộ ra để thành lập khung mới. Trước tình huống vượt ngoài dự kiến, đơn vị đã chuyển từ mật tập sang cường tập. Cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 24 chiến đấu rất dũng cảm dưới tầm hỏa lực của quân địch, người trước ngã, người sau tiến lên, không chùn bước trước hy sinh, tổn thất, bộ đội ta đã mở thông cửa và chiếm được một phần trong biệt khu 24 của địch. Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến tổn thất này, song là người chỉ huy trực tiếp nên đồng chí Phùng Bá Thường phải chịu hình thức kỷ luật rất nặng: Cách chức Trung đoàn trưởng, hạ từ Thiếu tá xuống Đại úy. Xét về cục diện trên chiến trường thì đòn tiến công đô thị, hậu cứ của địch là một thắng lợi chưa từng có của ta ở Tây Nguyên. Ta đã thực hiện được quyết tâm, đưa chiến tranh vào tận sào huyệt của địch, biến hậu phương của chúng thành chiến trường của ta.

Những trận thắng trên chiến trường Tây Nguyên đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm như trận đánh ở Tu-mơ-rông, căn cứ Ka Te, căn cứ Ngọc Rinh Rua, và những trận đánh giải tỏa, diệt chiến đoàn địch ở Ngọc Bay ngay vùng ven thị xã Kon Tom, nhưng trận đánh tiêu biểu nhất khi ông trên cương vị Trung đoàn trưởng chỉ huy Trung đoàn 66 đánh căn cứ Tân Cảnh vào tháng 4 năm 1972. Trong phòng làm việc của ông luôn treo trang trọng bản sơ đồ về trận đánh. Đây là bản sơ đồ gốc, thể hiện quyết tâm đánh thắng căn cứ Tân Cảnh của Trung đoàn 66 mà ông luôn giữ gìn cẩn thận, coi đó là kỷ vật thiêng liêng trong cuộc đời quân ngũ. Căn cứ Tân Cảnh được quân địch xây dựng làm Trung tâm chỉ huy tập đoàn phía bắc tỉnh Kon Tum, căn cứ hậu cần và là nơi xuất phát hành quân của địch ra ngã ba biên giới bao gồm sở chỉ huy Sư đoàn 22 ngụy, khu cố vấn Mỹ và các sở chỉ huy Trung đoàn 42, Trung đoàn 14 thiết giáp, tiểu đoàn xe tăng M41 và tiểu đoàn pháo binh với ước tính từ 2.500 đến 3.000 quân địch. Theo nguyên tắc đánh công kiên 3 đánh 1, nhưng với quyết tâm lớn, chỉ trong một thời gian ngắn, Trung đoàn 66 đã tiêu diệt toàn bộ căn cứ, giải phóng Tân Cảnh, diệt nhiều sinh lực địch, bắn rơi 8 máy bay, thu 9 xe tăng, 20 khẩu pháo 155mm, 100 xe ô tô, hàng vạn quả đạn pháo và phương tiện vũ khí, kho lương thực, thực phẩm. Với chiến thắng này, Trung đoàn 66 được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng huân huy chương các hạng.

   

Thiếu tướng Phùng Bá Thường và Trung tướng Khuất Duy Tiến Cựu  tại  cuộc gặp mặt cán bộ các cơ quan Quân đoàn 3 ngày 08-11-2020 ở Hà Nội 

Dấu chân người lính bảo vệ hai đầu biên giới Tổ quốc

Kháng chiến chống Mỹ kết thúc chưa được bao lâu, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông lại chỉ huy Sư đoàn 10 ra trận chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Ninh. Rồi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông lại được điều ra làm Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 14 trấn giữ biên giới tỉnh Lạng Sơn. Không chỉ nhớ về những chiến công, Thiếu tướng Phùng Bá Thường vẫn còn nhớ như in những vất vả, gian khổ, hiểm nguy mà ông cùng bộ đội phải đối mặt với căn bệnh sốt rét ác tính, ruồi vằn, bọ cạp, đói, rét. Nói về nguyên nhân làm nên những chiến thắng của quân đội ta trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thiếu tướng Phùng Bá Thường cho rằng, điều căn bản nhất là tinh thần chiến đấu dũng cảm, không ngại gian khổ, khó khăn, ý chí quyết chiến quyết thắng của bộ đội. Bên cạnh đó còn là nghệ thuật quân sự sáng tạo, linh hoạt của các cấp chỉ huy với cách bày trận sáng tạo, biết phân tích thế trận giữa ta và địch... Đó là sự kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông ta, là sự sáng tạo của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới ánh sáng soi đường của Đảng, Bác Hồ, giúp quân đội làm nên những chiến thắng vẻ vang, tô thắm thêm lịch sử hào hùng của dân tộc và mãi là niềm tự hào của các thế hệ đời sau.

Người hiệu trưởng mẫu mực của Trường Sĩ quan Hậu cần

Với cán bộ, học viên Học viện Hậu cần hôm nay thì mỗi lần tham quan Phòng truyền thống của Học viện là một buổi học ngoại khóa rất thiết thực, bổ tích. Rất vinh dự cho các học viên khi được gặp Thiếu tướng Phùng Bá Thường – Nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Hậu cần từ năm 1980 đến năm 1990.

Những ngày gian khó ban đầu, ông cùng tập thể Đảng ủy, Ban giám hiệu từng bước xây dựng nhà trường từ không đến có, khang trang, bề thế. Ngày đó, Trường Sĩ quan Hậu cần đóng quân ở sân bay Tông, thuộc xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây cũ. Đây là vùng đất khô cằn, sỏi đá, không có nước, không có cây xanh, bóng mát và không có điện. Bằng những trải nghiệm của đời mình từ xây dựng các trung đoàn trước đây đều từ không đến có, ông đã cùng tập thể huy động hàng vạn ngày công với cách làm sáng tạo, thiết thực xây dựng được 7 hồ ước, trồng mới gần 45 ha rừng, đưa điện lưới quốc gia về trường, góp phần cải tạo môi trường sinh thái cho vùng đất khô cằn ở sân bay Tông.

Hình ảnh của Thiếu tướng Phùng Bá Thường gắn với nhiều sự kiện của Trường Sĩ quan Hậu cần được trưng bày trang trọng trong phòng truyền thống của Học viện Hậu cần đã gợi nhớ, khắc ghi nhiều kỷ niệm. Lớp cán bộ, giáo viên, học viên ngày ấy vẫn không quên hình ảnh vị tướng, hiệu trưởng nhà trường đã ngoài 60 tuổi, tóc bạc trắng, ngày ngày bám thao trường, giảng đường để kiểm tra, uốn nắn và giáo dục từng động tác nhỏ, truyền lại các câu chuyện chiến đấu trong lịch sử dân tộc, cũng như trong cuộc đời quân ngũ của mình. Ông xác định, huấn luyện cấp phân đội là rất quan trọng. Nó là nền tảng để huấn luyện, đào tạo cán bộ, là cơ sở ban đầu hình thành nên phong cách người sĩ quan. Từ thực tiễn nhà trường, kinh nghiệm chiến trường, ông cùng tập thể đảng ủy và các cơ quan chuyên môn xây dựng khung chương trình, đổi mới giáo trình cho từng đối tượng và qua từng năm, coi trọng nghiên cứu khoa học, truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn và phẩm chất đạo đức trong đào tạo cán bộ hậu cần.

Với kinh nghiệm trận mạc, ông dành tâm huyết để truyền thụ cho cán bộ, giáo viên, học viên. Ông cho rằng, nếu ở cấp phân đội được học tốt, rèn nghiêm thì khi chiến đấu rất yên tâm và có cán bộ cấp phân đội tốt thì mới có cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược tốt.

            

Thiếu tướng Phùng Bá Thường và các đồng đội cựu chiến binh tại cuộc gặp mặt cựu cán bộ các cơ quan Quân đoàn 3 ngày 08-11-2020 

Thiếu tướng Phùng Bá Thường và các đồng đội cựu chiến binh

 

Với nguyên Phó thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm 

Truyền cho con cháu 4 chữ “Trung, hiếu, nhân, nghĩa”

Bà Nguyễn Thị Minh Liên, phu nhân của ông, người bạn đời thủy chung son sắt. Gặp nhau từ những ngày ông tham gia chiến đấu trong vùng địch hậu trên địa bàn huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông bà nên vợ thành chồng từ những ngày gian khó, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi. Do hoàn ảnh chiến tranh, ông bà có với nhau duy nhất một người con trai, đến nay đã trưởng thành có gia đình và hai người con. 10 năm ông đi B, rồi đi học, những năm đầu giải phóng, ông liên tục công tác xa nhà. Bà thay chồng chăm sóc và nuôi dạy con cháu. Đến nay, con cháu ông đều trưởng thành, có việc làm ổn định, mỗi người trên lĩnh vực công tác của mình đều có những đóng góp thiết thực cho xã hội. Phía sau một vị tướng tân mạc, ông có một hậu phương vững chắc.

Tâm niệm cả đời của Thiếu tướng Phùng Bá Thường là bất luận trong hoàn cảnh nào thì đạo đức của con người, của người cán bộ, đảng viên phải luôn đặt lên hàng đầu. Dòng họ Phùng ở phường Nghi Thu (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) của ông cũng truyền lại cho con cháu 4 chữ “Trung, hiếu, nhân, nghĩa”. Ông cũng thường nhắc lại lời dạy của người xưa: Làm người phải có đức, ăn ở với mọi người phải nhân nghĩa. Khi còn tại chức, mặc dù là cán bộ cao cấp, nắm nhiều trọng trách nhưng ông luôn giữ mình, sống liêm khiết, giản dị, nghĩa tình. Từ ngày nghỉ hưu, con cháu đã trưởng thành, ông dành thời gian làm việc thiện và tích cực tham gia các hoạt động nghĩa tình đồng đội. Ông cũng dạy con cháu, học phải đến nơi đến chốn và năng làm việc thiện. Hiện nay, con cháu của ông đều thành đạt, mỗi người một cương vị công tác và đang đóng góp thiết thực cho xã hội.

Trong suốt chặng đường hơn 70 năm theo Đảng làm cách mạng, ông đã được đón nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng – Biểu tượng cao quý của một người đảng viên cộng sản. Ông luôn trân trọng bạn bè, đồng đội – những người đã từng sát cánh chiến đấu với ông trên các chiến trường trong nước và nước bạn. Những ngày cuối năm 2020, tuy mắc bệnh hiểm nghèo nhưng ông vẫn gượng dậy tham dự buổi gặp mặt cựu cán bộ cơ quan Quân đoàn 3. Đồng đội, bạn bè và người thân mãi nhớ về ông, một vị tướng đức độ, dạn dày trận mạc và tâm huyết với Đảng, với sự nghiệp trồng người trong quân đội.

Tác giả: Nguyễn Như Thường
Theo: qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/phung-ba-thuong-vi-tuong-dan-day-tran-mac-va-tam-huyet-voi-dang-651123