(Thứ năm, 14/07/2022, 03:18 GMT+7)

Tầng lớp thái giám, còn gọi là hoạn quan, nội quan, giám quan… xuất hiện ở Trung Quốc từ thời Tây Chu. Nghĩa là từ khi có chế độ phong kiến tập quyền. Tầng lớp thống trị (vua, chúa) nắm quyền lực tối thượng, hưởng thụ mọi đặc quyền, đặc lợi. Họ ngồi trên vàng bạc châu báu mà khống chế thiên hạ. Họ vơ vào trong tay vô vàn nhan sắc tuyệt hảo từ bốn phương trong thiên hạ, tha hồ tận hưởng mọi lạc thú ở đời. Do vậy, phải có những người quản lý nơi hậu cung thâm nghiêm, phồn hoa son phấn - những người được vua, chúa tin tưởng gần như tuyệt đối, đó chính là quan thái giám. Quan thái giám được phép đi lại trong cung phục vụ nhà vua, nhà chúa, phục vụ các bà thái hậu, hoàng hậu, phi, tần và cung nữ trong cung. Và ở các triều vua, quan thái giám có chức vụ lớn bé khác nhau. Cao nhất là Đại thái giám, Tổng Thái giám, tổng quản mọi vấn đề trong cung. Tất nhiên, trong thực tế ở mọi triều đại, vai trò, quyền lợi, chức năng cụ thể của các quan thái giám cũng cao thấp khác nhau… Phần đông các thái giám chỉ có việc chủ yếu là phục vụ, hầu hạ. Nhưng cũng có một số ít người nhờ thông minh tài giỏi, được sủng ái, leo lên đến bậc hàm Nhất, Nhị hoặc Tam phẩm.

Một vài nhà nghiên cứu người Pháp đã đến nước ta vào khoảng thế kỷ 17. Họ nghiên cứu về hệ thống quan lại xuất thân thái giám ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài và đưa ra những nhận xét không mới, nhưng rất đáng chú ý. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu này tỏ thái độ phê phán, thậm chí lên án gay gắt tầng lớp thái giám ở nước ta, cả triều Nguyễn và triều Lê - Trịnh. Họ cho rằng, một nước nhỏ như nước ta, mà triều đình luôn có tới 400 đến 500 thái giám, chuyên phục vụ tầng lớp thống trị, thì quả là điều không thể chấp nhận được. Tầng lớp thái giám bị nhân dân vô cùng căm ghét, mà vua chúa lại rất tin dùng.

Ở Đàng Ngoài, thời Trịnh Tráng cầm quyền, hoạn quan Hoàng Nhân Dũng giữ chức Chưởng ty lễ giám, tước Quận công, hàm Thiếu bảo. Ông này cùng Trần Nhân Liễn, Tuyên Đức câu kết với nhau, âm mưu nổi loạn. Việc phát giác, bọn này bị trừng trị rất nghiêm khắc.

Trịnh Cương cho lập Giám ban, như một cơ quan ngồi giữa Văn ban và Võ ban. Giám ban giữ vai trò trung gian điều phối quan hệ phủ chúa với cung vua.


Khu lăng mộ Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận

Phùng Đức Nhuận (1673-1731) quê làng Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Yên Dũng là một địa danh có truyền thống khoa bảng và tôn giáo. Đây cũng là một trong những trung tâm Phật giáo có từ đời Lý, phát triển rực rỡ ở đời Trần. Nhiều danh nhân lịch sử nổi tiếng ở thời phong kiến được sinh ra ở vùng đất thiêng này. Ví như Trạng nguyên Đào Sư Tích, đỗ khoa Long Khánh thứ hai đời vua Trần Duệ Tông (1374). Ví như Thân Nhân Trung đời vua Lê Thánh Tông và nhiều người khác. Danh tướng võ lược như Hoàng Ngũ Phúc đời Lê - Trịnh. Cũng cần nói thêm, Yên Dũng cũng là vùng đất sinh ra nhiều hoạn quan nổi tiếng, như Hoàng Ngũ Phúc, Phùng Đức Nhuận và cả Hoàng Công Phụ nữa… Theo các tài liệu được phát hiện ở bia ký từ chỉ, chùa chiền ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, thì Phùng Đức Nhuận tự “tịnh thân”, vào hầu hạ trong phủ chúa Trịnh Căn (1682-1709) từ khi ông mới hơn chục tuổi. Ông mau chóng được nhà chúa tin tưởng, thăng dần chức vụ và phẩm hàm từ thấp lên cao. Chức cao nhất là Tổng Thái giám. Tước vị cao nhất Xác Lộc hầu.

Đến đời chúa Trịnh Cương (1709-1729), vai trò Tổng Thái giám của cụ Phùng Đức Nhuận mới được thể hiện rõ hơn. Có tài liệu nghiên cứu viết rằng, thái giám Phùng Đức Nhuận phục vụ các đời chúa Trịnh Căn, Trịnh Cương, Trịnh Giang, tương ứng với các đời vua Lê Hy Tông (1675-1705), Lê Dụ Tông (1706-1729), Lê Duy Phường (1729-1732). Thực ra, Cụ Phùng Đức Nhuận mất năm 1731, khi ấy, Trịnh Giang (sinh năm 1711) mới lên ngôi chúa được vài năm (1729-1740).  Sau khi may mắn chiếm giữ ngôi chúa, Trịnh Giang vô đạo, ra oai thẳng tay giết chết vua Lê Duy Phường, đưa Lê Ý Tông lên ngôi vua. Thế nên, có thể nói rằng cụ Phùng Đức Nhuận chủ yếu phục vụ hai đời chúa Trịnh Căn và Trịnh Cương, tương ứng với hai đời vua Hy Tông và Dụ Tông.

Thêm nữa, nói rằng cụ Phùng Đức Nhuận “võ công xuất sắc” cũng chưa biết căn cứ vào đâu. Không thấy sử sách ghi chép gì về võ công (làm tướng lĩnh) của cụ Phùng Đức Nhuận, tựa như với Hoàng Ngũ Phúc. Có lẽ, viết như vậy là để nói về tài võ nghệ xuất chúng của cụ Phùng Đức Nhuận đấy thôi. Chúng ta chỉ có thể căn cứ vào văn bia ở từ chỉ, đình chùa trên quê hương của cụ Phùng Đức Nhuận mới có thể hiểu được những cống hiến của cụ với chức Tổng Thái giám, tước hiệu Xác Lộc hầu mà cụ vinh dự được chúa Trịnh ban tặng.

Một chi tiết khác cũng nên chú ý về cống hiến của Tướng công Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận. Theo bài viết của một tác giả, thì cụ Phùng là người phụ trách Giám ban (Tổng Thái giám). Theo các tài liệu lịch sử, ở thời Trịnh Cương trị vì, quan Nội giám là Đỗ Bá Phẩm, hàm Thiếu bảo. Đỗ Bá Phẩm cùng Nguyễn Khuê được giao làm Khuyến nông sứ. Không thấy ghi chép gì về vai trò Tổng Thái giám của cụ Phùng Đức Nhuận như thế nào. Có thể là Cụ Phùng luôn kề cận bên chúa, tham mưu đắc lực cho chúa (Trịnh Căn và Trịnh Cương) một số vấn đề nội chính quan trọng nào đó hay chăng? Hoặc là kẻ trước người sau, thực thi nhiệm vụ ở những vị trí khác nhau chăng?

Trịnh Cương thành lập LỤC PHIÊN (1718). Sáu Phiên này thâu tóm mọi quyền lực, biến LỤC BỘ tức sáu bộ của nhà Lê thành hư danh. Chúa Trịnh Cương quản từng phiên. Nội giám và liêu thuộc về hàng Văn sang làm chức Phó thiêm… Kể từ đây, chúa quản hết LỤC PHIÊN, không chịu sự ràng buộc, khống chế của vua Lê, mặc dù chỉ là trên hình thức. Chỉ có những việc hệ trọng quốc gia, hoặc phải tiếp sứ Tàu thì chúa Trịnh mới cùng trăm quan vào họp ở triều đình với vua Lê mà thôi.

Đến khi Trịnh Giang (sinh năm 1711) lên thay ngôi chúa (1729-1740), vai trò của Tổng Thái giám Phùng Đức Nhuận được thể hiện ra sao? Chỉ vài năm sau (1731), cụ Phùng Đức Nhuận qua đời, hưởng dương 59 tuổi. Thái giám Hoàng Công Phụ có lẽ là người thay thế vai trò của Tổng Thái giám Phùng Đức Nhuận. Sử chép, hoạn quan được quyền thi cử, ai đỗ thì được làm quan. Điều này làm các quan xuất thân Nho học trong triều cảm thấy hổ thẹn, nhưng chẳng ai dám công khai phản đối. Thời Trịnh Giang cầm quyền, thái giám Hoàng Công Phụ thỏa sức lộng hành. Bọn hoạn quan theo Hoàng Công Phụ chỉ bị dẹp tan khi đội quân hương binh của Nguyễn Quý Cảnh chiến đấu quyết liệt để bảo vệ kinh thành, giết sạch. Giám ban cũng mất tiêu từ đó.

Vậy, vai trò Tổng Thái giám của Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận chủ yếu diễn ra ở thời điểm Trịnh Căn và Trịnh Cương cầm quyền. Ban này (Giám ban) có một số nhiệm vụ rất quan trọng. Tổng Thái giám giúp việc quản lý ngân khố, định việc thu thuế, thanh quyết toán mọi thứ chi tiêu ở cung đình. Có vị phụ trách về thương mại (Trước đó, vào năm 1630, thương nhân nước Hà Lan đã có mặt ở Phố Hiến. Vua Lê Thần Tông đã cưới cô gái Hà Lan làm vợ). Giám ban còn phải xét việc đề bạt chức quan, tương tự như ban Tổ chức chính phủ ngày nay.


Các nhà nghiên cứu lịch sử đi điền dã tại di chỉ Lăng mộ Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận

Nhưng phải là một người tài giỏi, có công, có đức, được ân sủng lớn, cho nên cụ Phùng Đức Nhuận mới được thăng quan đến chức Tổng Thái giám, tước vị Xác Lộc hầu. Có thể nghĩ, cụ Phùng Đức Nhuận cống hiến cho phủ chúa nổi bật ở mấy điểm sau:

Thứ nhất, cụ Phùng được chúa tin dùng đặc biệt, trước hết ở tầm nhìn xa trông rộng về chính trị. Cụ bên cạnh chúa, đặc biệt là chúa Trịnh Cương, khuyên chúa nên có sách lược ứng xử mềm dẻo với vua Lê trước bàn dân thiên hạ, như một nghệ thuật để tỏ lòng trung, trên dưới. Mặc dù, cách ứng xử tỏ ra khiêm nhường của Trịnh Cương chẳng qua cũng chỉ là cái mẹo chính trị tinh vi, chả khác gì Tào Tháo với nhà Hán. Điều này có tác dụng làm ổn định xã hội một thời gian, được sử sách ghi nhận.

Thứ hai, có lẽ Phùng Đức Nhuận là người đã tiến cử Hoàng Ngũ Phúc vào phủ chúa. Nhờ tài năng quân sự nổi bật, thái giám Hoàng Ngũ Phúc, người cùng quê Yên Dũng, Bắc Giang đã được phong là Tả thiếu giám, Việp Quận công. Ông trở thành một tướng lĩnh tài ba, có công giúp nhà Lê - Trịnh đàn áp thắng lợi các cuộc khởi nghĩa nông dân, đồng thời đánh bại các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, thu phục anh em Nguyễn Nhạc ở miền Trung, củng cố thế lực của triều Lê - Trịnh ở Đàng Ngoài…

Có nhiều công lao trong việc tham mưu chính sự cho phủ chúa, Tổng Thái giám Phùng Đức Nhuận được nhà chúa ban thưởng nhiều vàng bạc châu báu. Cụ đã dùng toàn bộ bổng lộc chúa ban, đem về quê cung tiến vào việc xây dựng, tu bổ chùa chiền ở quê hương, giúp đỡ người nghèo, đồng thời xây dựng sinh từ và nơi yên nghỉ của chính mình sau này. Ân đức của cụ với quê hương Nội Hoàng, Yên Dũng còn được khắc ghi vào bi ký, được truyền tụng trong dân gian, được nhân dân địa phương ca ngợi.

Thời thái giám đã qua lâu rồi. Vẫn còn đôi ba chi tiết cần phải được làm rõ thêm. Đó chính là công việc của các nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử.
 

NHÀ NGHIÊN CỨU VŨ BÌNH LỤC