(Thứ năm, 03/08/2023, 07:46 GMT+7)

Nhà văn Phạm Xuân Đào

Trong dòng chảy của lịch sử dân tộc Việt Nam, vùng đất Thái Bình nói chung và huyện Hưng Hà nói riêng được coi là vùng địa linh, nhân kiệt. Nơi đây đã sản sinh ra những vị hiền tài nổi tiếng một thời và lưu truyền hậu thế. Những bậc vĩ nhân này đã có những đóng góp vĩ đại cho các triều đại phong kiến Việt Nam trong  suốt quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Cùng với Lê Quý Đôn - một con Người uyên thâm, thông tuệ, pha chút “ngông nghênh” của một sĩ phu Bắc Hà - “Thiên hạ bất tri, vấn bảng Đôn”... vùng đất này còn sinh ra Trần Thừa (Thái Tổ của nhà Trần); Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông); Vua Lê Thánh Tông và bốn đời vua Lê khác (Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng và Lê Trang Tông); Cũng chính mảnh đất này đã sinh ra một người con uyên bác, thông tuệ và ông cũng đã có những đóng góp cực kỳ to lớn, ảnh hưởng tích cực tới hai triều đại phong kiến Lý, Trần. Đó là Phùng Tá Chu.

Sử sách chép lại, vào năm Nhâm Tý (1192) - đời Lý, tại làng Mẽ, xã Mỹ Đại, tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay là làng Mỹ Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), một bé trai đã cất tiếng khóc chào đời, được đặt tên là Phùng Tá Chu. Cha của Phùng Tá Chu là cụ Phùng Tá Thang, một cư sĩ, nho sĩ, ẩn sĩ, người am hiểu sâu rộng về Nho, y, lý, số, thông tường thiên văn, địa lý đã vui mừng đón nhận đứa con trai của mình. Với tài chấm và dịch tử vi đẩu số, cụ nhận ra con trai có những điểm đặc biệt khác người. Cụ đã chú tâm nuôi dạy với tâm thế yêu mến, tin tưởng và ước vọng. Khi Tá Chu biết đọc biết viết, cụ Phùng Tá Thang đã truyền dạy lại tất cả những gì cụ lĩnh hội được trong suốt cuộc đời cho con trai. Và công lao của người cha đã được đền đáp xứng đáng. Bởi, khi Phùng Tá Chu lớn lên, với những kiến thức tuyệt vời, ông đã có những suy nghĩ và hành động của một con người phi phàm, ghi dấu ấn đậm nét vào lịch sử của hai triều đại phong kiến Lý, Trần.

Có thể nói, tình hình thế giới thời Phùng Tá Chu là một thế giới khốc liệt bởi vó ngựa Nguyên - Mông đã tự do tung hoành trên khắp giải đất châu Á, châu Âu. Các quốc gia đều bị khuất phục dưới lưỡi gươm, thanh đao của đạo quân có một không hai trong lịch sử nhân loại. Bách tính bị dìm trong binh lửa, cảnh đầu rơi, máu chảy, ly tán diễn ra hầu khắp mọi nơi.

Ở trong nước, nhà Lý đang suy vong. Trong 35 năm trị vì trên ngai vàng, Lý Cao Tông sau khi đã để bá tính gánh chịu nạn đói tới ba lần. Lần một vào năm 1181. Lần hai vào năm 1199 và lần ba vào năm 1208. Triều chính hỗn loạn, các bè phái lộng hành, tìm cách tiêu diệt lẫn nhau. Người dân lầm than, nạn trộm cướp diễn ra ở khắp mọi nơi, lòng dân oán hận (Sử ký toàn thư).

Cao Tông chết, Lý Huệ Tông lên ngôi trước linh sàng cha. Nhưng Huệ Tông là vị vua ít học, không am hiểu thần dân, bá tính, lại nhu nhược, cuối đời lâm bệnh, tâm trí không được minh mẫn. Triều đình chia phe, chém giết lẫn nhau... Có thể nói, thế Lý suy vi. Trong khi đó, thế lực nhà Trần đang trên đà hưng thịnh, có ảnh hưởng lớn trong triều chính. Trần Thủ Độ cùng một số danh nhân, danh tướng nhà Trần với danh nghĩa dẹp loạn, phò  Lý, nhưng thực chất là chuẩn bị lực lượng, chờ thời  để tiếm ngôi. Họ (nhà Trần) đã ra tay dẹp các lực lượng đối nghịch, không đội trời chung, bằng cách ly gián và cô lập hai thế lực, đó là thế lực của Đoàn Thượng (trấn giữ châu Hồng) và thế lực của Nguyễn Nộn (trấn giữ hương Phù Đổng) làm cho họ khởi binh tiêu diệt lẫn nhau. Mặt khác, họ (nhà Trần) ra tay phò thế lực của Lý Quang Bật và Lý Long Tường (em họ của Hoàng tộc Lý). Sau này, Lý Quang Bật không thấy tung tích và cũng không thấy sử sách nào đề cập tới, còn Lý Long Tường do tình hình chính trị bất ổn, tính mạng bị đe dọa nên ông đã đem theo một đạo quân cùng với vũ khí, lương thảo và quốc ấn lên những chiến thuyền, vượt biển sang Triều Tiên.

Làm quan dưới triều Lý, Phùng Tá Chu dược triều đình ghi nhận và tin tưởng, quý mến. Vốn là người thông tuệ, hiểu sâu, biết thiên cơ và đọc được ý trời, biết sự suy vi của nhà Lý là không thể cứu rỗi, biết sự trỗi dậy mạnh mẽ (theo lẽ thuận thiên) của nhà Trần nên một mặt ông vẫn cúc cung tận tụy nhà Lý, nhưng mặt khác Tá Chu cũng ráo riết tìm cách phò Trần. Và ông cho rằng đã đến lúc Nhà Trần sẽ thay Nhà Lý để quản lý giang sơn, trị vì đất nước. Theo ông, điều đó như một tất yếu của lịch sử phát triển.

Không có con trai để nhường ngôi khi sức khỏe đã yếu, Lý Huệ Tông vô cùng trăn trở. Khi đó, Phùng Tá Chu là quan Thái phó của vương triều Lý rất có uy tín. Khi đang nằm trên giường bệnh, Lý Huệ Tông đã cho vời Phùng Tá Chu tới mà rằng, “Trẫm vì bất đức, chịu tội với trời, không có người kế tự, phải truyền ngôi cho con gái, lấy một âm mà chế ngự cả một bầy dương, nếu chúng không theo thì tất phải ăn năn...” Nghe vậy, Phùng Tá Chu đã mượn tích người Tàu, tâu với vua, đại ý: không có con trai thì nhường ngôi cho con gái như bên Tàu, đó cũng là lẽ bình thường trong thiên hạ. Vua nghe ra và sau đó quyết định nhường ngôi cho con gái là Chiêu Thánh, tên hiệu là Lý Chiêu Hoàng (khi đó còn là một thiếu niên).

Là một người thông minh, thừa hưởng sự thông tuệ từ cha, nắm được thiên cơ, sẵn có uy trong triều Lý với tư cách là một “quan Thái phó”, Phùng Tá Chu đãmật gặp Trần Thủ Độ - với chức Điện tiền chỉ huy sứ, nói rõ ý tưởng của vua Lý Huệ Tông.

Là một người nhiều mưu lược, lão luyện trong chính trị nên Trần Thủ Độ đã không bỏ lỡ thời cơ. Ông tìm mọi cách giành vương triều Lý về tay nhà Trần. Và với sự sắp xếp khôn khéo, hợp lý hợp tình, Trần Thủ Độ đã cùng vua Lý Huệ Tông tác hợp cho Lý Chiêu Hoàng làm vợ Trần Cảnh (cháu của Trần Thủ Độ). Sau khi Trần Cảnh và Lý Chiêu hoàng thành đôi, chớp thời cơ đã chín muồi, dưới sự “đạo diễn” của Trần Thủ Độ, vào ngày 12 tháng 12 năm ất dậu (1225) Lý Chiêu Hoàng đã ra chiếu nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Kể từ đó, Trần Cảnh chính thức lên ngôi Hoàng đế nhà Trần (khi mới 8 tuổi).

Như vậy, việc chuyển giao quyền lực từ vương triều Lý (sau khi đã trị vì 216 năm) cho vương triều Trần diễn ra một cách suôn sẻ, thành công trong hòa bình. Điều này xác nhận uy vọng và tầm ảnh hưởng chính trị cực lớn của Phùng Tá Chu, nếu không muốn nói là, công đầu thuộc về Phùng Tá Chu.Và ông là dấu nối quan trọng của hai triều đại vẻ vang nhất lịch sử Đại Việt (Lý - Trần).

Sau khi lấy vương quyền từ nhà Lý, thế lực của nhà Trần mỗi ngày mỗi hưng thịnh. Triều đình quan tâm dẹp loạn, xây dựng quân đội, mở mang dân sinh, lo cho bách tính. Phùng Tá Chu càng được trọng dụng và càng ngày càng có uy tín với vương triều. Ông được ban chức Phụ quốc Thái phó - một chức danh ghi nhận người có công kiến thiết triều chính. Sau đó, ông được điều về làm Tri phủ Nghệan, trấn giữ miền Tây của Đại việt. Tại đây, ông đã cho tu bổ, xây dựng lại các căn cứ đồn trại tại các điểm xung yếu ở thành Nam, thành Trà lân (con Cuông); thành Trái (Diễn châu). Đồng thời, Phùng Tá Chu còn cho khai thông các đường sông thuộc các tỉnh trong vùng. Sử chép “Quý Tỵ, Thiên ứng chính bình năm thứ 2 (1233), sai Phùng Tá Chu duyệt định các ấp lớn phủ Nghệ An”. Từ các thành công rực rỡ đó, năm 1234, Phùng Tá Chu được phong tước Hưng nhân vương.Hai năm sau, tức năm 1235, ông được phong Hưng Nhân Đại Vương - đây là một trường hợp đặc biệt - người ngoài dòng tộc được phong tước vương khi đang còn sống.

Có thể nói, với những “chiến công” này, Phùng Tá Chu được coi là một trong những bậc “khai quốc công thần” của nhà Trần. Điều này, đương thời đã ghi nhận và ngày nay, hậu thế cũng phải ghi ơn.

Ngoài việc có công lớn trong chuyển giao vương quyền giữa nhà Lý và nhà Trần; cùng với việc góp công rất lớn trong việc kiến thiết quốc gia với những công trình xây dựng, mở mang đất đai, giao thông, quan tâm cuộc sống của bá tính như vừa nêu trên, Phùng Tá Chu còn nổi lên như một nhà kiến trúc của thời bấy giờ.

Đại việt sử ký toàn thư ghi: “Năm Kỷ Hợi, Thiên ứng chính bình năm thứ 8 (1239), mùa xuân, tháng Giêng cho Phùng Tá Chu chức Nhập nội Thái phó, sai (điều) về hương Tức Mặc dây dựng nhà cửa, cung điện”. Phùng Tá Chu về xây dựng cung Tức Mặc (Nam định). Đến năm 1162, cung này được đổi tên thành Thiên Trường. Ngoài ra, ông còn cho xây dựng cung Trùng Hoa; lập lại chùa thờ Phật ở phía tây cung Trùng Quang, sau nà đổi thành chùa Phổ Minh.

Tiếp đó, Phùng Tá Chu được sai (điều) đi xây dựng 5 sở hành cung ở Thanh Hóa (năm Canh Tý - 1240).

Như vậy, Phùng Tá Chu vừa là nhà chính trị lỗi lạc của hai triều Lý - Trần; người có công cực kỳ lớn lao trong việc chuyển giao vương triều trong hòa bình; người có công trấn giữ, khai khẩn và xây dựng các vùng dân ấp, khai phá giao thông, bảo đảm cuộc sống ấm no của bách tính; ông còn là nhà kiến trúc sư lỗi lạc trong việc xây dựng các cung điện, đền chùa thủa đương thời.

Rất tiếc, đến Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 10 (1241), Phùng Tá Chu qua đời, khi sự nghiệp đang ở thời kỳ đỉnh cao rực rỡ và những ý tưởng lớn còn đang dang dở. Ngày ông mất, vua Trần Thái Tông đã đích thân đến viếng và liệt ông vào hàng “Đệ nhất công thần”. Thi hài của ông được bố đẻ - cụ Phùng Tá Thang đem về chôn cất ở gần Đền Cao - thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, tỉnh Sơn Tây nay thuộc về Thủ đô Hà Nội.

Để ghi nhớ công ơn to lớn của đấng “khai quốc công thần” - Phùng Tá Chu, người đời ở nhiều địa phương đã lập đền, lập miếu thờ ông: Đình làng Quảng Bá, quận Tây Hồ, Hà nội đã tôn ông là Thành hoàng và thờ chung ông với Phùng Hưng - Bố Cái Đại Vương.

Nhà Nguyễn sau này đã lấy tước phong Hưng Nhân Vương của Phùng Tá Chu để đặt tên cho vùng đất Hưng Nhân bây giờ (trước, vùng này có tên là Ngự Thiên).

Hiện tại, một con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng được mang tên Phùng Tá Chu.

Tại làng Mỹ Xá, thị trấn Hưng Nhân (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), sau khi Phùng Tá Chu qua đời, người dân đã lập miếu thờ, tôn ông là Thành hoàng làng - Người con ưu tú của quê hương, nhà chính trị uyên thâm, người có công lớn trong việc chuyển giao vương quyền giữa hai triều Lý, Trần; người có công lớn trong việc giữ gìn bờ cõi và nhà kiến trúc sư nổi tiếng thời nhà Trần - đại nhân Phùng Tá Chu.

Theo truyền ngôn, theo gương Phùng Tá Chu, dòng họ Phùng của ông tại làng Mỹ Xá đều có người làm quan trải qua ba triều đại: Lý - Trần - Lê.

Và theo kết quả điều tra xã hội học, làng Mỹ xá hiện nay chỉ tồn tại ba họ: họ Phạm, họ Trần và họ Nguyễn. Họ Nguyễn chiếm 80% dân số trong làng. Nhưng từ xa xưa, người dân kể rằng, nơi đây còn có họ Đàm và họ Phùng. Và một trong số các Thành hoàng làng (có miếu thờ), có một đại nhân họ Phùng, đó là Phùng Tá Chu.

Một con người được sinh ra, trưởng thành, bước vào đời với những đóng góp vĩ đại cho sự nghiệp dựng nước, giữ nước từ các triều đại phong kiến trước đây như Phùng Tá Chu đã được sử sách ghi danh, nhưng đáng buồn là hình như nhân vật lịch sử này đang bị lãng quên! Phải chăng, Phùng Tá Chu chỉ còn lại trong tâm tưởng của những người trong dòng họ? Những người ở làng Mỹ Xá, Hưng Nhân nơi ông được sinh ra và lớn lên? Và những người dân nơi ông yên nghỉ - thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, tỉnh Sơn Tây, nay là Hà Nội?

Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao? Phải chăng việc giáo dục lịch sử dân tộc cùng với những nhân vật lịch, những vị “khai quốc công thần”, những người đã có công khai khẩn và gìn giữ đất nước, bảo vệ bờ cõi giang sơn như Phùng Tá Chu của chúng ta trong thời gian dài vừa qua đã không được coi trọng và thậm chí là đang bị xem nhẹ? Phải chăng, do cơ chế thị trường, mà các địa phương cùng với nhà nhà, người người đang lao vào cuộc mưu sinh mà không đoái hoài, không quan tâm tới lịch sử vô cùng vẻ vang của dân tộc? Nếu quá đúng như vậy thì thật nguy hiểm. Nếu chúng ta quay lưng lại với lịch sử, không hiểu biết lịch sử dân tộc, không hiểu biết về những bậc hiền nhân trước đây đã có công dựng nước và giữ nước thì chúng ta sẽ thất bại trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Hiện nay, còn có những kẻ dám cả gan phê phán và tấn công vào lịch sử dân tộc, lên án các bậc vĩ nhân đã quên mình, xả thân vì đất nước... Nên nhớ “nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác”. Đó là một chân lý sống và nó đã hiển hiện trong thế giới hiện đại ngày nay.


Hội đồng họ Phùng Việt Nam họp với chủ biên sách Phùng Tá Chu

Nên chăng, những người làm lịch sử, những cơ quan hoạt động về văn hóa xã hội của Nhà nước, những người con của dòng họ Phùng trên toàn quốc cần phải tổ chức các cuộc Hội thảo mang tầm cỡ quốc gia để làm rõ hơn thân thế, sự nghiệp và công lao to lớn của cụ Phùng Tá Chu. Để từ đó, trước hết là con cháu dòng tộc, sau là những công dân trên toàn cõi Việt nam hiểu thêm, hiểu rõ về con người và công lao của ông trong tiến trình lịch sử phát triển và xây dựng đất nước.

Và hơn thế nữa, những nhân vật lịch sử này cùng với những bậc vương quyền trong các thời phong kiến Việt Nam phải được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, các trường Đại học, Cao đẳng... để cho cháu con đời đời tỏ tường, ngưỡng vọng, và coi đó là động lực để đoàn kết, phấn đấu xây dựng giang sơn, đất nước Việt Nam ngày một hùng cường.