(Thứ tư, 05/07/2023, 09:30 GMT+7)

Tiến sĩ Phùng Thảo
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam

1. Phùng Tá Chu quê gốc ở đâu?

- Có ý kiến cho rằng Phùng Tá Chu quê gốc người Lý Nhân, Hà Nam sau dời sang làng Mỹ Xá thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

- Lại có ý kiến là Phùng Tá Chu quê gốc xứ Đoài, Sơn Tây, Ba Vì.

- Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nxb Văn hóa, tháng 12/1999), Phùng Tá Chu là văn thần đời Lý, quê ở Phụng Thiên, thuộc làng Quảng Bá địa phận Tây Hồ, Hà Nội. Ông là người ngoại thích nhà Trần, làm Thái phó triều Lý, theo nhà Trần được trọng dụng bổ làm Phụ quốc Thái phó, phong Hưng Nhân Đại Vương khi còn sống, sau lại phong Nhập nội Thái phó. Khi mất, được phong Phúc thần, dân chúng thờ ông thành Thành hoàng ở đình làng Quảng Bá, phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

- Theo nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Phạm Minh Đức, Hải Ấp là vùng đất “địa linh” hiển thánh vạn đại đế vương, đất Thâm Động có “bạch nhạn quần cư”, đất Mỹ Xá nhìn phía trước có hình chữ “Vương”, nhìn chữ sau có hình chữ đế... Đất lành chim đậu làng Mỹ Xá thuộc Hải Ấp. Hải Ấp vào thời Lý nơi hội cư của nhiều dòng họ quý tộc là công thần mở nước của các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý và Trần: họ Lưu ở Lưu Xá, có quê gốc ở Thanh Hóa. Họ Lưu là dòng họ có công mở đất ấp Lưu Xá. Lưu Ngũ, Lưu Huynh Đàm, Lưu Ba phục vụ từ Lê Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông. Lưu Khánh Đàm được phong tới chức Thái úy, Lưu Ba cùng Lý Thường Kiệt đánh Tống bình Chiêm.

Họ Lê, có nguồn gốc con cháu Lê Hoàn, thời Lý Cao Tông ở làng Lê Xá có Lê Điện làm quan Thái phó, ông lấy bà Phạm Thị Huấn người dòng tộc Thái úy Phạm Kinh Ân sinh ra Lê Thị Thái, vợ Trần Thừa là mẹ Trần Cảnh sau bà là Hoàng Thái hậu.

Họ Phạm, ở làng Đặng Xá tổ tiên là Phạm Cự Lượng danh thần thời Tiền Lê, thời Lý Huệ Tông có Phạm Kinh Ân làm quan Nội hầu, thời Lý Huệ Tông giữ chức Thái úy.

Họ Đàm, ở làng Mỹ Xá thời Lý Cao Tông có tướng quân Đàm Thời Phụng hai con gái ông được tiến vào cung. Đàm thị sau là An Toàn Hoàng hậu, Đàm Dĩ Mông (em trai) làm đến Thái úy.

Họ Tô, ở Hải Ấp dòng tộc Thái úy Tô Hiến Thành, thời Lý Huệ Tông Tô Trung Từ là cậu Trần thị, làm Điện tiền Chỉ huy sứ sau thăng đến Thái úy phụ chính.

Họ Phùng ở làng Mỹ Xá dòng họ làm quan trải các triều Lý - Trần - Lê. Mỹ Xá tên thường gọi là làng Mẽ, thời Nguyễn là xã Mỹ Đại gồm sáu thôn (Nhất Mẽ, Nhì Đầu, Tam Buộn, Tứ Nái, Ngũ Văn, Lục Lường) thuộc tổng Thanh Triều, huyện Hưng Nhân, tỉnh Tiên Hưng. Theo dân gian, làng Mẽ có từ thời vua Hùng, Mỹ Xá có Thuần Mỹ điện, Quang Hiếu điện... thờ các vua, hoàng hậu cuối thời Lê Sơ. Cạnh làng Mỹ Xá có sông Cầu Lại, còn gọi là sông Thái Sư do Trần Thủ Độ cho đào để thuyền bè từ sông Hồng vào sông Luộc, theo sông Thái Sư về Tinh Cương nơi có mộ tổ nhà Trần. Người ta nói Trần Thủ Độ cho đào sông ấy còn để cho Ngự Thiên, Long Hưng đất phát tích, đất dựng nghiệp nhà Trần mùa màng tốt tươi, hậu phương vững mạnh. Đào sông ấy vì nghe thầy địa lý bảo “đào sông Cầu Nại, vạn đại đế vương”. Trên đất Long Hưng thế kỷ XII sinh ra Trần Thừa, con là Trần Cảnh. Đầu thế kỷ XV sinh ra Lê Thánh Tông, tại làng này lại sinh ra bốn vua Lê (Tương Dực, Chiêu Tông, Ung Hoàng, Trang Tông). Long Hưng cũng là quê Hoàng hậu Đoàn An Toàn, Hoàng hậu Lê Thị Thái, Hoàng hậu Trần Thị Dung, Hoàng hậu Phùng Thục Giang.

Mỹ Xá quê hương phát nghiệp họ Phùng, người khai mở dòng họ là Phùng Tá Thang, ông học đạo Phật làm thầy dạy cả văn và võ - là trí thức xuất sắc dưới triều Lý - Trần. Ông là thầy dạy Trần Cảnh, giúp vua Trần Thái Tông hiểu biết về đạo Phật, tháng 3 Quý Mão (1243), ông được phong chức Tả nhai, phẩm cao nhất của tăng đạo. Cuối đời, ông về tu ở chùa Lộng Khê, mất ở chùa Lộng Khê (Từ điển văn hóa). Ông là người có công đóng góp vào quá trình hình thành giáo phái Trúc Lâm nước Đại Việt. Năm 2019, trong dịp tìm hiểu, nghiên cứu về Phùng Tá Thang tại chùa Phúc Lâm, tác giả bài viết trao đổi với vị sư Thích Đàm Yên trụ trì chùa Phúc Lâm (Phú Mỹ), xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Được biết: Chùa Phúc Lâm thờ đệ nhất thiền sư, sư tổ Phùng Tá Thang, người có công đầu xây chùa cổ Phúc Lâm từ thời Trần, chùa thờ thiền sư bằng tượng, ngày giỗ 8 tháng 11. Ngài có quê gốc ở Hà Tây, ngài có gia đình, có con. Ngài là thầy địa lý, thầy dạy Nho, dạy phong thủy, dạy văn và võ. Ngài theo môn phái Yên Tử, Cử Ông, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, An Khê Phủ Dực. Hòa thượng là người xây chùa đầu tiên (Phúc Lâm) ở Kiến Xương. Từ chùa Phúc Lâm và môn phái Yên Tử lan tỏa đến các chùa trong huyện Kiến Xương. Hòa thượng là người khai phá đạo Phật ở Kiến Xương. Sau Phùng Tá Thang, con ông là Phùng Tá Chu ở làng Mỹ Xá, tức làng Mẽ, thuộc đất Hải Ấp, Thái Bình. Ở làng Mỹ Xá vào thời Lê Sơ (1428-1527) còn nổi bật với các tên tuổi: Phùng Nhậm nổi tiếng thông minh, học một biết mười, có tài tranh biện. Ông tự cho mình sinh bất phùng thời nên không dự các khoa thi cuối Trần và Hồ khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, ông đã tham gia khởi nghĩa, ông đã cùng Bùi Quốc Hưng giúp việc Nguyễn Trãi. Năm 1428, ông đi xứ nhà Minh, được phong chức Thị lang Bộ Lễ. Phùng Tiến Đạt, con trai Phùng Nhậm, thông minh, học giỏi. Năm Thuận Thiên thứ 6 (1433), đứng đầu trong số giám sinh khoa Hoành từ, được cử làm xá nhân Bộ Lễ. Lê Thái Tông lên ngôi, ông giữ chức Tả thị lang, sau giữ chức Tri Tây đạo quân dân ba tỉnh - Xứ Đoài. Hoàn thành nhiệm vụ, ông được điều về kinh làm Giám nghị đại phu. Năm Thái Hòa thứ 9 (1451), được phong chức Thẩm Hình Viện sự đồng tri, đi sứ nhà Minh. Năm Quang Thuận thứ nhất (1460), Tư Thành lên ngôi Hoàng đế (Lê Thánh Tông), ông thành Quốc trượng được “vinh phong” Tả Đô đốc.

Sau đời Phùng Tiến Đạt, ở Mỹ Xá chỉ còn Hoàng hậu Phùng Thục Giang (bà là con gái Giám nghị đại phu Tả Đô đốc Phùng Tiến Đạt). Bà là bà nội của vua Lê Tương Dực, cụ nội của vua Chiêu Tông Cung Hoàng, kỵ nội của vua Trang Tông là các vua mở đầu Trung hưng nhà Lê.

Như vậy, Hải Ấp là vùng đất “địa linh” của tỉnh Thái Bình, nơi hội cư của nhiều dòng họ quý tộc. Họ Phùng là một trong các dòng họ hội cư tại vùng đất này...

2. Những mầm họa dẫn đến nhà Lý mất ngôi báu

Vương triều Lý thay thế nhà Tiền Lê năm 1010, Lý Công Uẩn vị vua đầu tiên của nhà Lý, với công lao to lớn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, tiếp đến Thái Tông (Lý Phật Mã), Thánh Tông (Lý Nhật Tôn), Nhân Tông (Lý Càn Đức) đều là các vị vua hiền, thông tuệ. Lý Thần Tông (Lý Dương Hoán) lên ngôi năm 1128 là vị vua biết dùng người hiền tài, thủy chung nhất nhất, vua Anh Tông (Lý Thiên Tộ) biết trọng người hiền tài, nhưng lại để gian thần thao túng, khiến giặc cướp nổi lên khắp các vùng miền của đất nước.

Đến đời vua Lý Cao Tông (Lý Long Trát, 1176-1210):

- Về tu thân, ông vua này bất tài, hiền kém, không có nhân cách, ham chơi vô độ, hình chính không rõ ràng, triều đình thiếu kỷ cương, phép nước buông lỏng, giặc cướp nổi lên như ong khắp nơi, loạn lạc, mất mùa liên miên, vua Cao Tông thích xây dựng cung điện, thích nghe nhạc Chiêm Thành, ưa nghe xiểm nịnh, ham thích của lạ, không phân biệt được người tốt kẻ xấu, ham của cải, lợi lộc, lấy việc bán quan mua ngục làm chính sự, đời sống dân tình đói khát, cơ cực... Sách Việt sử lược đời Trần thế kỷ XIV chép rằng: Vua cho “xây cung mới tại phía tây tẩm điện, ở giữa đặt điện Thâm - thụy, bên trái dựng điện Dương - minh, bên phải dựng điện Thiềm - quang, đằng trước xây điện Chín - nghị, ở trên xây điện Kinh - thiên, thềm gọi là lê giao, ở giữa mở cửa Vĩnh - nghiêm, bên phải mở cửa Việt - thành, thềm gọi là Ngân - hồng, đằng sau mở điện Thắng - thọ, ở trên xây gác Thắng - thọ, bên trái xây gác Bạch - kim, bên phải xây gác Nguyệt - bảo, chung quanh xây dựng hành lang, thềm gọi là Kim - tinh. Bên trái Nguyệt - bảo đặt tòa Lương - thạch, phía tây gác xây Dục - đường (nhà tắm), phía sau xây gác Phú - quốc, thềm gọi là Phượng - tiêu, phía sau dựng cửa Thấu - viên, ao Dưỡng - ngư (nuôi cá), trên ao xây Ngọa - y, ba mặt dinh trồng hoa thơm cỏ lạ”1. Vua lấy “bán quan buôn ngục làm chính sự” (tr.170). Đất nước lúc này người hiền tài quý hiếm rất ít, quan lại xung quanh vua chỉ chăm lo thu vén làm giàu, bòn rút của cải dân lành, ít người quan tâm đến chính sự.

- Về trị quốc, chính vua Cao Tông đã làm rối loạn kỷ cương phép nước ham của đút lót hối lộ, thích ưa xiểm nịnh, xử kiện bất minh, điều hành triều chính tùy tiện, sai khiến quan lại để lại thất tín... dẫn đến trong nước bè đảng quyền thần xưng hùng xưng bá chém giết lẫn nhau gây bè kéo cánh làm phản, Đoàn Thượng cát cứ ở Hồng Châu (Hải Dương), Nguyễn Nộn xưng hùng ở Bắc Ninh. Sách Việt sử lược, tác giả khuyết danh đời Trần thế kỷ XIV, từ trang 155 đến trag 174 có chép rằng:

“Năm 1176, Thủ lĩnh châu Thượng Nguyên là Dương Ỷ làm phản; mùa đông, các sách Tư Mông, sách Trịnh, sách Ô - Mễ làm phản; Năm 1188, mùa thu giáp cổ - hoành làm phản; Năm 1192, mùa xuân tháng Giêng giáp cổ - hoành ở Thanh Hóa làm phản; Năm 1194, mùa xuân, thủ lĩnh châu Đăng (Lâm Thao) là Hà Lê làm phản; Tháng 9, người Đại Hoàng là Phí Lang làm phản; Năm 1207, tháng 3, giặc ở châu Quốc Oai là Đoàn Khả Liệt, Vương Mão làm phản; Mùa thu tháng 8, Đoàn Thượng Đoàn Chủ làm phản, bọn vong mệnh, tụ tập bọn giặc cướp gọi là hậu nhân ngang nhiên cướp bóc không sợ hãi gì cả. Giặc cướp do đó nổi lên như ong; Năm 1208, tháng Chạp, người Lộc Châu nhà Tống là Vi Trí Cương đánh phá Lạng Châu".

- Về chăn dân, trong 36 năm trị vì đất nước, vua Lý Cao Tông đã để xảy ra nhiều năm mất mùa đói kém. Năm 1181, “đói to, dân chết dần một nửa” (Đại Việt sử ký toàn thư, trang 294, Bản kỷ, quyển 4); Năm 1191, “mùa thu tháng 7, nước to, lúa mạ ngập hết, đói to” (Đại Việt sử ký toàn thư, trang 298, Bản kỷ, quyển 4); Năm 1208, “đói to, xác người chết đói nằm chồng chất lên nhau khắp các vùng miền” (Đại Việt sử ký toàn thư, trang 304, Bản kỷ, quyển 4).

- Giặc ngoại xâm, ở phía Bắc, thổ phỉ của nước Tống là Vi Tri Cương đánh sang Lạng Châu (Lạng Sơn); ở biên cương phía Nam, giặc Chiêm Thành quấy phá. Ở Nghệ An, “Phạm Du chiêu tập bọn vong mệnh, tụ tập bọn giặc cướp gọi là hậu nhân (người đi do thám tình hình) ngang nhiên cướp bóc không sợ hãi gì cả. Giặc cướp do đó mà nổi dậy như ong, người Quốc Oai cũng đem đồ đảng đến đóng đồn ở Tây - Kết, người trại Văn - lôi cũng đóng đồn ở sông Đà - mạc. Từ đó, đường đất bị cắt đứt, thuyền bè không đi lại được”2, trong tình hình đó, vua sai Thượng - phẩm ngự Phạm Bỉnh Di dẹp loạn, Phạm Du thua phải chạy ra đất Hồng (Hải Dương - Hưng Yên). Bỉnh Di tịch biên gia sản của Du rồi đốt hết. Du và Bỉnh Di vì thế càng thêm thù ghét, oán giận nhau. Trong khi Bỉnh Di mải mê đi trấn át bọn phiến loạn ở khắp nơi, đánh bọn người Hồng là Thượng, Chủ ở Vệ kiều (cầu Vệ) và nhiều nơi khác, thì Phạm Du ngầm sai người về kinh đô đem vàng bạc đút lót cho các quan lại trong triều, vu cho Bỉnh Di tàn ác giết hại người vô tội, kể lể bản thân bị oan ức, và xin về kinh đợi tội. Vua tin lời nói của Du, sai Chỉ - hầu phụng - ngự triệu Du về kinh sư. Tháng 7 năm 1209 Bỉnh Di về kinh sư, người của triều đình nói với Di rằng: “Vua đã nghe lời Du trước, giận ông chưa nguôi đâu”3. Bỉnh Di nói rằng: “Ta thờ vua hết lòng mà lại bị người ta nói dèm sao? Huống chi có mệnh vua, ta trốn đâu được?”4. Vua sai bắt Bỉnh Di và con trai là Phụ giam ở Thủy - viện, toan làm tội. Bỉnh Di và con là Phụ đã bị Du và em là Kinh giết chết ở thềm Kim - tinh. Quách Bốc là bộ tướng của Bỉnh Di nghe tin chủ soái của mình chết đã vào cung làm loạn. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã bình rằng: “vua mê mải rong chơi, say đắm thanh sắc, ham tiền của, thích xây dựng, dạy tính lười tham cho các quan, gây lòng oán giận ở trăm họ, làm cho cơ đồ nhà Lý phải hao mòn, đến nỗi mất nước. Kinh Thư có câu: “Ở trong mê sắc đẹp, ra ngoài mê săn bắn, ham rượu thích nhạc, xây nhà cao, trổ tường đẹp, phạm một trong các điều ấy tất phải bại vong”. Vua phạm đủ các điều ấy, còn nói gì được nữa”5.Vua Cao Tông sợ “chạy đến Qui - hóa giang (Hưng Hóa), còn Hoàng thái tử chạy đến thôn Lưu - Gia thuộc Hải - Ấp (Lưu Gia: Nay là Lưu Xá, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình) nghe tin con gái Trần Lý có sắc đẹp bèn lấy làm vợ”6. Trong hoàn cảnh đó, họ Trần đã nắm ngay cơ hội, đem gả người con gái út của Trần Lý cho vị vua thứ 8 của họ Lý.

Mùa đông tháng 10 năm 1210 ngày Nhâm Ngọ, Lý Cao Tông, húy là Long Cán con thứ sáu của vua Anh Tông ốm nặng, mất ở điện Thắng - thọ 37 tuổi, ở ngôi 36 năm.

Cái chết của Di đã làm nổ ra loạn Quách Bốc khiến vương triều Lý nghiêng ngả, tạo cơ hội để Huệ Tông đến với người con gái họ Trần và lấy làm vợ, điều đó đã dẫn đến việc bắc cầu để quyền lực nhà Lý rơi vào tay họ Trần. Chính lứa duyên giữa Huệ Tông và Trần Thị là cái đầu mối để họ Lý mất nước, họ Trần được nước sau khi Lý Cao Tông qua đời, như vậy mầm họa mất nước của nhà Lý bắt đầu từ ông vua này!

Đến đời Lý Huệ Tông húy là Lý Hạo Sảm, ông là con thứ ba của Lý Cao Tông, ông lên ngôi ở trước linh cữu cha, quần thần dâng tôn hiệu là: Tư thiên, Thống ngự, Khâm nhân, Hoành hiếu hoàng đế. Vua lên ngôi trong hoàn cảnh các phe phái trong nước nổi loạn tứ tung, nhiều thế lực không thần phục nhà vua, triều thần kém năng lực. Thế nước lúc này đại rối ren, ba thế lực mạnh nổi lên kình địch chống nhau, tranh thiên hạ: Đoàn Thượng chiếm cứ Hồng Châu, xưng vương, không chịu sự sai khiến của triều đình; Nguyễn Nộn chiếm giữ miền Bắc Giang tới bắc sông Cái, xưng hùng Hoài Đạo Vương; họ Trần khống chế Huệ Tôn, chiếm Thăng Long, Thiên Trường, Long Hưng. Việc chăn dân trị quốc, cũng như các việc nước quan trọng của triều chính đều giao cho kẻ bất tài khiến tình hình đất nước đã rối như canh hẹ lại càng rối thêm. Vua đem việc nước giao cho Thái úy Đàm Dĩ Mông. Dĩ Mông theo chính sử Đại việt sử ký toàn thư chép rằng, ông là người không có học thức, không có mưu thuật, lại nhu nhược không quyết đoán, vì thế chính sự ngày càng đổ nát. Thế nước mỗi ngày một suy kiệt, mùa màng thất bát, dân tình đói khát cùng khổ, triều đình mất hết năng lực trị vì, các thế lực nổi lên đến mức độ xa giá vua phải xiêu dạt rời bỏ kinh thành đi lánh nạn! Đất nước có nguy cơ rơi vào nội chiến. Sử thần Ngô Sĩ Liên khi bàn về chính sự nhà Lý đã nói rằng: “Thái tử (Sảm) đi lần này vì nước loạn mà tránh nạn, sao lại buông lòng dâm dục ở ngoài mà tự nhiên phong tước cho người? Bởi Cao Tông rong chơi vô độ, rường mối bỏ hỏng, cho nên mới thế. Nhưng họ Lý nhân thế mà vong, họ Trần nhân thế mà hưng, ấy là do trời cả”7.

Trong điều kiện như vậy, họ Trần đã liên kết với họ Tô(Tô Trung Từ là người ngoại thích nhà Trần) dẹp các phe phái chống đối triều đình, chống đối cả họ Trần và họ Tô. Được sự hậu thuẫn, ủng hộ của các trọng thần dưới triều Lý mang tên các dòng họ: Phùng Tá Chu, Phạm Kính Ân, Lê Điện... Việc tiễu trừ các phe nhóm, các lực lượng phản loạn đã dần đi vào khả quan, Đoàn Thượng đầu hàng, Nguyễn Nộn ốm chết. Họ Trần tiêu biểu ở đây là những người như: Trần Lý, Trần Tự Khánh, Trần Thừa, Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung một mặt danh nghĩa “phù - giúp” nhà Lý dẹp loạn, giữ vững ngai vàng, thế nước, khôi phục kinh đô. Dẹp loạn Quách Bốc, Đinh Khả, Bùi Đô ở châu Đại Hoàng, Đỗ Quảng ở bến Triều Đôn - cửa ngõ của kinh thành Thăng Long, dàn xếp khúc mắc giữa mẹ Huệ Tôn với con dâu là Trần Thị Dung, xóa nghi kỵ của vua Lý với họ Trần. Trong quá trình liên kết với một số dòng họ tiễu trừ các lực lượng đối lập nói trên để “phù Lý”, họ Trần đồng thời cũng nhân đó củng cố, phát triển và hoàn thiện cả về thế và lực của dòng họ mình. Kinh tế, chính trị, quân sự của dòng họ ngày càng mạnh lên, quyền lực triều chính của nhà Lý vì thế ngày càng rơi vào tay họ Trần. Vua Lý buộc phải giao chính sự cho họ Trần, phong Trần Tự Khánh làm Thái úy phụ chính, Trần Thừa làm Nội thị Phán thủ rồi Phụ quốc Thái úy, Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ, Trần Bất Cập là cháu họ Trần Thủ Độ làm Cận thị thự lục cục chi hậu, Trần Thiêm làm Chi hậu cục, Trần Cảnh làm Chánh thủ. Có thể nói, mọi việc lớn nhỏ trong triều Lý đều do họ Trần cai quản, điều hành. Ngai vàng của họ Lý chỉ còn là hình thức “Vỏ Lý ruột Trần”8. Tình hình đất nước tạm thời ổn định, thế quân - dân dần phấn chấn. Mùa xuân năm 1224, vua Lý cho Trần Thừa làm Phụ quốc Thái úy, Phùng Tá Chu làm Nội - thị phán - thủ. Lúc này, Lý Huệ Tôn ốm nặng, vua uống rượu li bì, thường xuyên say khướt, trong hoàn cảnh như vậy, vua Lý đã gọi Phùng Tá Chu đến bàn rằng, “Trẫm vì bất đức, chịu tội với trời, không có người kế tự, phải truyền ngôi cho con gái, lấy một âm mà chế ngự cả một bầy dương, nếu chúng không theo thì tất phải ăn năn”9. Khi đó, trong triều các quan trọng thần nhà Lý chẳng ai quan tâm đến công việc triều đình, chỉ có Phùng Tá Chu đã lấy gương Lã Hậu và Võ Hậu ở Trung Hoa chứng minh rằng, đã có những người đàn bà làm vua và khuyên vua Lý noi theo tấm gương trên để nhường ngôi cho con gái. Sau khi lập mưu để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng (Lý Phật Kim), bước tiếp theo, lập mưu xuống chiếu truyền ngôi cho Trần Cảnh một cách khôn khéo, nhanh chóng đến nỗi triều thần không kịp phản ứng, mà chỉ biết chấp thuận, tung hô. Họ Trần đã đảo chính cung đình thành công giành được ngôi báu của họ Lý sau 216 năm trị vì, thế là nhà Lý từ hưng thịnh đến suy vong, điều đó suy cho cùng cũng là qui luật tất yếu của lịch sử.

Như vậy, vương triều Lý, từ Lý Thái Tổ đến Lý Huệ Tông có chín đời vua, bắt đầu là năm Canh Tuất (1010), cuối cùng là năm Ất Dậu (1225), cộng 216 năm thì mất.Họ Trần được dịp lấy lại giang sơn từ tay nhà Lý lập ra vương triều Trần từ đó.

Từ quy luật của lịch sử về sự suy tàn và hưng thịnh của mỗi chế độ, mỗi triều đại, có thể rút ra một số nguyên nhân họ Trần thay thế họ Lý trị vì đất nước là do:

1- Trước hết, phải nói đến nguyên nhân bên trong, đó là do sự suy đồi của vương triều Lý ở hai đời vua sau đây:

- Lý Cao Tông là ông vua hoang chơi, tin dùng gian thần, đất nước mất mùa liên miên, dân chúng đói khổ, lòng dân không yên, giặc giã nổi lên, vua thích nghe xiểm nịnh, không phân biệt được đúng sai, tốt xấu dẫn đến loạn Quách Bốc. Trong triều đình, triều thần nhiễu sự, triều chính nghiêng ngả, tạo điều kiện thuận lợi để Thái tử Sảm lấy Trần Thị Dung làm vợ mà thành ra mầm họa mất nước của vương triều Lý sau này bắt đầu từ vụ loạn này.

- Lý Huệ Tông là ông vua nhu nhược, đặt tình yêu lên trên việc đại sự quốc gia, bỏ bê việc nước, đem giang sơn phó thác cho người con gái thơ dại, mở đường để họ Trần thâu tóm quyền lực, lấy giang sơn của nhà Lý từ mưu đồ, kịch bản vô cùng khôn khéo, hợp lệ, hợp luật: Bước một, Lý Huệ Tôn xuống chiếu phong Chiêu Thánh làm Hoàng Thái tử biến Hoàng nữ thành Hoàng nam, biến cái không thể thành cái có thể. Bước hai, Lý Huệ Tôn xuống chiếu nhường ngôi cho Hoàng Thái tử Chiêu Hoàng, việc làm trên phù hợp tôn ti, trật tự của chế độ phong kiến. Khi hoàn thành nhiệm vụ đưa Chiêu Thánh lên làm vua. Bước tiếp theo đựng dám cưới cho hai đứa trẻ con thành chồng vợ, để tiến tới kết thúc cuộc cờ thành công họ Trần soán ngôi họ Lý bằng con đường hòa bình không mất một hòn tên mũi đạn.

2- Họ Trần với các nhân vật là Trần Lý, Trần Tự Khánh, Trần Thừa, Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung đã nắm chắc thời cơ, tình thế, chính sự... gả con gái họ Trần cho Thái tử Sảm, khi cơ hội vàng xuất hiện, họ Trần đoàn kết, đồng thuận. Ví như bà Trần Thị Dung là dâu họ Lý, là Hoàng hậu, mẹ vua Lý Chiêu Hoàng, hẳn bà phải đồng tình với họ Trần và Trần Thủ Độ gả con gái mình cho cháu ruột của mình, phải không luyến tiếc phế bỏ ngôi hoàng hậu của mình, ngôi vua của con gái, để giao ngôi báu nhà Lý cho con rể mình đồng thời là con ruột của anh trai, cháu gọi bà là cô ruột thì quần thần triều Lý còn ai dám nói gì nữa.

Họ Trần biết phát triển kinh tế, xây dựng lực lượng chiến binh, liên minh với một số dòng họ có thế lực trong chính quyền nhà Lý để giành quyền lực của họ Lý. Đặc biệt, dòng họ có ông Trần Thủ Độ là người không được học hành, không biết chữ, nhưng ông có thủ đoạn, mưu lược, quyết đoán, vào thời khắc cần thiết hoặc ông hành động rất tàn bạo, hoặc thái độ cư xử của ông rất khoan dung, ông làm tất cả, không từ một việc nhỏ nhất cho mục tiêu phế bỏ nhà Lý, khởi nghiệp, hưng thịnh triều Trần.

3- Họ Trần đã được các họ Tô, Lê, Phạm và Phùng là các dòng họ ngoại thích của họ Trần, những dòng họ này đều là các quan đại thần của nhà Lý, có thế lực, có tài năng, họ đã nhiệt thành giúp sức vì thế mà việc chuyển ngôi báu từ tay nhà Lý về tay nhà Trần đã diễn ra nhanh chóng và thành công mỹ mãn. Trong số các dòng họ giúp họ Trần đắc lực phải kể tới cha con ông Phùng Tá Thang và Phùng Tá Chu.

2. Vai trò của Phùng Tá Chu trong buổi đầu khởi nghiệp xây dựng vương triều Trần - dòng họ Đông A

Phùng Tá Chu là người thông minh, ông thừa hưởng tư chất thông tuệ của người cha là Phùng Tá Thang. Thủa nhỏ, Phùng Tá Chu học giỏi, được sự dạy dỗ của người cha, lớn lên ông là người có tài năng, văn võ kiêm toàn, ngay từ buổi đầu, họ Trần đã dùng ông dạy võ cho lực lượng chiến binh của dòng họ. Ông được tiến vào cung nhà Lý giúp Thái tử Sảm. Thuở hàn vi, Tá Chu đã có liên hệ chặt chẽ với họ Trần. Ông kết nghĩa anh em với Trần Tự Khánh, giúp đỡ họ Trần lập nghiệp.Làm quan thời Lý, ăn cơm nhà Lý, khi chế độ nhà Lý suy đồi ông đã nhận thức đầy đủ trách nhiệm là bầy tôi đối với vương triều mà ông đang phò tá. Tá Chu đã cùng một số quan trong triều cố gắng khuông phò hòng góp phần cứu nguy cho nhà Lý, nhưng dòng chảy sự suy tàn của lịch sử triều Lý không ai có thể ngăn cản được và nó cũng đã chảy đến hồi kết cục, sự cố gắng của ông phò nhà Lý không thể giúp ích được gì. Trong Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long có chép rằng: “Đất nước lúc này đã lâm vào tình trạng suy đồi, vì sinh thời vua cha là Lý Cao Tông đã rất bê tha, các vị quan phò tá cho Vua như Đỗ Kính Tu, Phùng Tá Chu tuy cũng có cố gắng ít nhiều, song chẳng giúp được nhiều cho chính sự. Lý Huệ Tông lên ngôi, việc đầu tiên của ông lại là lo lắng cho mối tình đầu của mình, chứ không chú ý đến quốc gia đại sự. Mọi công việc ông giao cả cho Đàm Dĩ Mông, nhưng vị quan này theo sử chép, lại là “người không có học thức, không có mưu thuật, nhu nhược không quyết đoán, chính sự ngày một đổ nát”11. Khi triều Lý suy tàn đến độ không thể cưỡng nổi, hàng ngũ quan lại của vương triều bỏ bễ công việc triều chính, chuyên tâm đục khoét dân lành, tranh giành quyền lực, âm mưu làm phản, thì cũng chính Phùng Tá Chu đã nhìn thấy sự sụp đổ không thể tránh khỏi của vương triều này, đồng thời ông cũng nhận diện được trong vô số các lực lượng muốn lật đổ, tiếm quyền nhà Lý, chỉ có họ Trần là hội tụ đầy đủ các phẩm chất để trở thành vương triều mới gánh vác sứ mệnh lịch sử quốc gia thay thế nhà Lý, dẹp loạn bên trong, chống lại giặc ngoại xâm ở bên ngoài, xây dựng đất nước, đem lại đời sống tốt đẹp cho nhân dân - “chăn dân trị quốc”. Vì thế, mà ông đã không ngần ngại, không luyến tiếc một vương triều đã mục nát, Phùng Tá Chu đã dũng cảm vượt qua nhiều rào cản của quan niệm, phong kiến về lòng ái quốc, trung quân theo Khổng giáo đã ngự trị sâu sắc trong lòng dân chúng đó là: Làm bề tôi trung không thờ hai vua. Trái lại, Phùng Tá Chu làm quan hưởng lộc nhà Lý, nhưng không vì thế mà làm ngơ, phớt lờ trước sự đòi hỏi của nhân dân, của đất nước, cứu nguy dân tộc. Ông đã dứt khoát đứng về phía họ Trần, nhiệt thành giúp đỡ họ Trần giành ngôi báu từ tay nhà Lý một cách hòa bình, không có đổ máu. Sử thần Ngô Sĩ Liên khi đánh giá về sự kiện này do hạn chế của quan niệm phong kiến về bề tôi trung, ông chỉ nhấn đến đòi hỏi của bổn phận làm “bề tôi trung thì không thờ hai vua” vì vậy mà trong Đại việt sử ký toàn thư ông đã nặng lời kết tội Phùng Tá Chu rằng: “...Các quan bấy giờ không ai nghĩ đến xã tắc, để cho Phùng Tá Chu viện dẫn việc Lữ Hậu và Vũ Hậu làm cớ mà thành ra việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho họ Trần, ấy là người có tội với nhà Lý”12.

Khi còn làm quan Nội hầu, là Đô trưởng nhập nội thị sai, là Quan Nội điện trực từ thời nhà Lý, ngay từ khi đó, ông đã liên hệ và nhiệt thành giúp họ Trần, có thể dẫn ra một số ví dụ như:

1- Họ Trần không cho người nhà Lý đưa Trần Thị Dung về kinh sư với Thái tử Sảm, mà chỉ tin và giao công việc này cho Phùng Tá Chu. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Tự Khánh sai nội - điện - trực là Phùng Tá Chu cùng tì tướng là Phan Lân, Nguyễn Ngạnh đưa con gái thứ hai nhà Trần về kinh sư”13.
 
2- Phùng Tá Chu là người được vua Lý hỏi ý kiến: Trong lúc các quan lại nhà Lý không quan tâm đến triều chính, hoặc còn đang do dự chưa biết hành xử thế nào, thì ông đã thẳng thắn khuyên Lý Huệ Tông nên noi gương Lữ Hậu và Võ Hậu ở Trung Hoa nhường ngôi báu nhà Lý cho con gái là Chiêu Hoàng. Để thực hiện kế hoạch nhường ngôi báu, một câu hỏi đặt ra là, người họ Trần thời bấy giờ đã đủ năng lực và bản lĩnh để soạn chiếu cho vua Lý, biến công chúa Chiêu Thánh thành Hoàng Thái tử, dựng kịch bản để hai đứa trẻ lấy nhau và soạn chiếu để vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi báu cho chồng là Trần Cảnh. Nếu trong dòng họ chưa có ai làm được, thì việc này giao cho ai? Nhìn vào các nhân vật lịch sử, hàng ngũ quan lại triều Lý lúc bấy giờ làm gì có ai đủ đức, đủ tài, đủ tín nhiệm để được giao và hoàn thành nhiệm vụ động trời đất này. Xét một cách toàn diện, họ Trần chỉ có thể tin giao cho Phùng Tá Chu soạn các chiếu lệnh nói trên. Trong Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long có viết: “Những việc quân sự chủ yếu là do Trần Thủ Độ nắm, việc chính trị thì nhờ có cha làm Thượng hoàng giúp đỡ, song những người này cũng có nhiều hạn chế... những quan lại có tài năng ở triều nhà Lý như Phùng Tà Chum Phạm Kính Ân đều được sử dụng để phục cho chế độ mới, vì lúc này, các nhân vật xuất sắc trong họ Trần còn phải được học hỏi, tôi luyện dần dần cho đến độ trưởng thành. Bởi thế, những ông như Phùng Tá Chu, Phạm Kính Ân đều được giao trọng trách lớn, phong quan chức rất hậu”14.Vì thế, sử thần Nguyễn Nghiễm trong Đại Việt sử ký tiền biên với quan niệm phong kiến, thái độ thiên kiến đã bình rằng: “... Hai gã họ Phùng, họ Phạm là bề tôi cũ của triều Lý, một mai đổi vua mà không hề áy náy trong lòng... Đến nay thì kẻ lớn được phong vương, kẻ nhỏ phong hầu trước sau được hiển vinh đãi ngộ hết mức. Không biết nhà Trần khen gì ở hai người ấy và hai người ấy vẫn mặc nhiên nhận, sao mà không hổ thẹn?”15.

3- Trong hoàn cảnh nội bộ anh em nhà Trần có mâu thuẫn xung khắc với nhau, chính Phùng Tá Chu là người đã góp phần hòa giải các mâu thuẫn trong dòng họ Trần, đặc biệt giữa Trần Cảnh và Trần Liễu (Trần Cảnh là em lấy chị dâu là vợ Trần Liễu là vợ mình).

4- Ngày Trần Cảnh lên ngôi, Phùng Tá Chu đã cùng Trần Trí Hoành đem văn võ bá quan, thuyền xe đến phủ Tinh Cương, Hải Ấp để đón Trần Thừa. Vua Trần rất tin trọng và quý ông.

5- Ông đã có công giúp vào việc tổ chức triều chính nhà Trần.Giáo sư Lê Văn Lan, trong bài viết của mình với nhan đề: Ở miền “đất Rồng hưng thịnh” cũng đã khẳng định rằng: “... may nhờ có tâm huyết và tài năng của những người như Trần Thủ Độ, Phùng Tá Chu, dòng họ nhà Trần mới tổ chức thành công được một cuộc đảo chính cung đình ngoạn mục và vì nhà vua còn bé, nên ngẫu nhiên mà thành ra sự sáng tạo độc đáo của nhà Trần: Cha đẻ của vua được tôn làm “Thượng hoàng”! Đó, đầu tiên là Thái Tổ Trần Thừa. Cùng với các nhân vật họ Trần khác, của vua - có vai trò không kém quan trọng: Trần Thủ Độ - chú họ của vua - làm “Thái sư, Thương phụ”, Trần Thị Dung - cô ruột của vua, đồng thời là mẹ đẻ lần lượt cả hai hoàng hậu của vua - làm “Linh Từ Quốc mẫu”, Trần Liễu (Ông Cá Nheo) - anh ruột của vua, làm “Hiển hoàng”, Phùng Tá Chu - láng giềng ở Hải - Ấp của vua, làm “Thái phó”... tất cả đã nhanh chóng họp thành bộ máy triều chính, mới mẻ nhưng năng động, hiệu quả, ở thời Dựng Trần của dòng họ Đông A - nhà Trần”16.

6- Khi làm Tri châu Nghệ An xét duyệt dựng lập trang ấp, ông được vua trao quyền phong các chức dịch Tá nhân, Xá nhân rồi về triều tâu sau. Công việc vua Trần giao ở đây ông đã hoàn thành, lập công lớn, vua Trần phong Thái ấp cho ông ở Hưng Nhân (cạnh làng Mỹ Xá) lấy tên đất ấy để phong vương.

7- Từ Tri châu Nghệ An về kinh đô, Phùng Tá Chu đã cùng một số đại thần xét duyệt mở các kỳ thi chọn hiền tài cho đất nước, định thể lệ tước vị cho hoàng thân quốc thích, văn thần, võ tướng của triều Trần.

8- Ông có tài về kiến trúc, ông được nhà vua tin cậy cử về Nam Định trông coi việc xây dựng cung điện ở Thiên Trường (Tức Mặc) để vua lấy chỗ đi lại hàng năm, sau lại được vua giao vào Thanh Hóa xây dựng 5 hành cung. Ông là kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam được ghi tên trong sử Việt.

Phùng Tá Chu là một trong rất ít khai quốc công thần ngoài dòng họ Trần được vua Trần phong chức Nhập nội Thái phó, tước Hưng Nhân Đại Vương khi ông còn sống. Ông được liệt vào hạng đệ nhất công thần của nhà Trần.

Sau khi mất, để ghi nhớ công ơn của ông, nhân dân làng Mỹ Xá (Tiến Đức) thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã tôn thờ ông làm Phúc thần của làng và thờ ông tại Miếu Mẽ. Nhân dân làng Quảng Bá, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội đã tôn thờ ông làm Phúc thần của làng và phối thờ ông cùng Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng ở đình làng Quảng Bá. Địa danh huyện “Hưng Nhân” đã được mang tên tước hiệu của ông (huyện Hưng Nhân có từ lâu đời, đến năm 1969, Hưng Nhân sáp nhập với Duyên Hà thành huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay).

4. Một số kiến nghị

Phùng Tá Chu là nhân vật lịch sử lớn cuối vương triều Lý, đời đầu vương triều Trần, ông là người có công đóng góp vào sự nghiệp khởi dựng nhà Trần. Phùng Tá Chu sinh cách chúng ta hơn 800 năm, tài liệu viết và lưu giữ về ông hiện nay rất hiếm. Nhiều thế hệ trong thời đại chúng ta ít có điều kiện để đọc hiểu về thân thế sự nghiệp của ông. Ông làm quan, phò tá cho hai triều đại Lý và Trần, với quan điểm lịch sử và biện chứng, khi đánh giá các nhân vật lịch sử có tiến bộ hay không, nhân vật lịch sử đó phải vì dân, vì nước mà làm việc, bản thân phải là người minh bạch, trong sáng. Ở thời đại Phùng Tá Chu, ông đã vượt qua các quan lại đồng triều để đạt đến trình độ như thế, ông đã nhìn nhận, đánh giá đúng xã hội triều Lý đến độ tàn lụi, tìm và chọn đúng minh chủ để phò tá, góp phần tránh cho dân tộc những cuộc tranh giành quyền lực, nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn. Cuối triều Lý, đầu triều Trần,Phùng Tá Chu là một ông quan thanh liêm trong một xã hội mà ở đó từ vua đến các quan lại không trong sạch nhũng nhiễu. Phùng Tá Chu không chỉ là kiến trúc sư của triều Trần, mà ông còn là kiến trúc sư được ghi nhận đầu tiên trong sử sách nước nhà. Ông thật xứng đáng được các thời đại lưu danh! Với phương pháp tư duy khoa học lịch sử và biện chứng năm 2017 tại đền Cao nơi thờ Đức Thánh Tản Viên, bên cạnh ngôi mộ Phùng Tá Chu chúng ta đã tổ chức hội thảo để luận bàn làm rõ công trạng, thân thế sự nghiệp của ông, với tình cảm ngưỡng mộ, trách nhiệm khoa học với nhân vật lịch sử có đức có tài năm 2023, chúng ta một lần nữa họp mặt các trí thức, nhà văn, nhà sử học, nhà nghiên cứu khoa học cùng với lãnh đạo huyện Ba Vì nghiên cứu thảo luận, đánh giá khách quan về vai trò công lao của Phùng Tá Chu trong cuộc khởi nghiệp nhà Trần bảo vệ và xây dựng đất nước nhằm làm sáng tỏ công lao của ông đối với quê hương, đất nước, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ người Việt Nam.

Hiện nay ở thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền thành phố đã đặt tên một đường phố mang tên Phùng Tá Chu tại phường An Lạc A, quận Bình Tân. Được sự quan tâm, giúp đỡ của UBND thành phố Hà Nội, huyện Ba Vì, thị trấn Tây Đằng, sự đồng tình ủng hộ của bà con nhân dân thị trấn Tây Đằng, con cháu họ Phùng quanh vùng Lăng mộ và đền Thái phó lưỡng triều Phùng Tá Chu đã được Hội đồng họ Phùng Việt Nam chỉ đạo trùng tu, tôn tạo khang trang. Trên tinh thần đó, thiết nghĩ:

1- Sau hội nghị này, cần xuất bản cuốn sách về thân thế sự nghiệp Phùng Tá Chu để góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp trong các thế hệ người Việt Nam.

2- Chỉ đạo trùng tu, tôn tạo ngôi miếu Mẽ ở làng Mỹ Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình theo đơn đề nghị của Ban Công tác Mặt trận khu Mẽ ngày 17 tháng 10 năm 2018; tờ trình số 20 ngày 18 tháng 10 năm 2018 của UBND thị trấn Hưng Nhân; và công văn số 853 ngày 29 tháng 10 năm 2018 của UBND huyện Hưng Hà gửi UBND thị trấn Hưng Nhân cho phép thị trấn trùng tu, tôn tạo miếu Mẽ. Đồng thời, lập hồ sơ theo quy định trình cấp có thẩm quyền công nhận ngôi miếu là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Nhà nước.

3- Lập hồ sơ theo quy định trình các cấp có thẩm quyền xét tặng Bằng Di tích lịch sử - văn hóa cho Khu đền Lăng mộ đồi Cao, miếu Mẽ thờ Phùng Tá Chu.

4- Ở tỉnh Thái Bình, tỉnh Nam Định, tỉnh Nghệ An, thành phố Hà Nội đề nghị nghiên cứu đặt tên đường, tên phố, tên trường học mang tên Phùng Tá Chu.
 

NHỮNG CHỨC VỤ CỦA PHÙNG TÁ CHU
DƯỚI HAI TRIỀU LÝ - TRẦN

I. Triều Lý
Vua Lý Huệ Tông và Lý Chiêu Hoàng
 
- Năm Tân Mùi - 1211 VSL trg: 182; Đại Việt sktt, tập 1, trg 335; Đại Việt sktb, trg 308: Nội điện - trực.
- Năm Bính Tý, hiệu Kiến gia năm tứ 6 - 1216 VSL trg: 204: “Vua xuống chiếu cho chức Minh - tự Phùng Tá Chu làm Chiêu - thảo - sứ”.
- Năm Bính Tý (1216), VSL, vua xuống chiếu: “Mùa đông, tháng Chạp, vua cho... Phùng Tá Chu... được tước Quan - Nội - hầu”.
- Năm Giáp Thân, hiệu Kiến gia năm thứ 14 - 1224 ĐVSL trg: 212: “Mùa xuân năm ấy, vua lấy... Phùng Tá Chu làm Nội - thị Phán - thủ”.
- Thái phó triều Lý Phùng Tá Chu. Đại Việt sktt, trg 15, Đại Việt sktb, trg 327.
 
II. Triều Trần
Vua Trần Cảnh
 
- Năm Bính Tuất niên hiệu Kiến Trung 2 (1226), Đại Việt sử ký toàn thư tập II, trg 10: Làm Phụ quốc Thái phó, quyền Tri phủ Nghệ An, cho phép ban tước từ tá chức, xá nhân trở xuống cho người khác, rồi sau về triều tâu lên.
- Năm Giáp Ngọ Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 2 (1234), Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, trg 15: “Gia phong Thái phó triều Lý là Phùng Tá Chu làm Hưng Nhân Vương”, “có công trong việc mở mang lập ấp ở phủ Nghệ An”.
- Năm Giáp Ngọ Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 3 (1234), Đại Việt sử ký toàn thư tập II:“vua gia phong Thái phó triều Lý là Phùng Tá làm Hưng Nhân Vương”.
- Bính Thân Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 5 (1236): Gia phong Hưng Nhân Vương Phùng Tá Chu làm Đại Vương. Đại Việt sktt, trg 15; Đại Việt sktb, trg 328.
- Năm Kỷ Hợi Thiên Ứng Chính Bình thứ 8, Đại Việt sử ký toàn thư tập II, trg 17; Đại Việt sktb trg 331, năm 1239: “lại cho Phùng Tá Chu làm Nhập nội Thái phó” sai đi xây dựng cung điện ở Tức Mặc. Năm 1240, vua sai xây dựng 5 hành cung ở Thanh Hóa.
Các triều đại về sau kế tiếp sắc tặng: Phù chính tả Đại Vương (Văn bia đình làng Quảng Bá, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội).
                               
Tài liệu tham khảo
 
Trong quá trình viết bài tham luận này, tác giả đã cùng Tiến sỹ Đinh Công Vỹ, nhà văn Phùng Văn Khai điền dã đến các nơi mà trước đây Phùng Tá Chu đã phò tá hai vương triều Lý - Trần đó là: Miếu Mẽ, làng Mỹ Xá, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; Đền Trần tỉnh Nam Định; thư viện và bảo tàng tỉnh Nghệ An, lăng mộ Phùng Tá Chu tại Đồi Cao, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội; đình làng Quảng Bá, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
 
Tác giả bài viết đã nghiên cứu các tài liệu sau đây:
 
- Việt sử lược, tác giả khuyết danh đời Trần thế kỷ XIV, Nhà xuất bản Văn sử địa, Hà Nội, 1960.
- Đại Việt sử ký toàn thư, Viện KHXH Việt Nam, NXBKHXH, năm 1998.
- Đại Việt sử ký toàn thư, NXBVH - TT, năm 2000.
- Đại Việt sử ký Tiền biên, TTKHXH và nhân văn quốc gia - Viện nghiên cứu Hán Nôm, NXBKHXH, Hà Nội 1997.
- Trần Miếu, Hồ Đức Thọ, NXBVHTT, năm 2010.
- Từ điển Văn hóa Việt Nam, NXBVH, năm 1993.
- Văn thần Việt Nam, Vũ Ngọc Khánh, NXBVHTT, năm 2006.
- Đền Trần - chùa Tháp tỉnh Nam Định, Trịnh Thị Nga, NXBVHDT - 2008.
- Nhà Trần với Tức Mặc - Thiên Trường, Hồ Đức Thọ - Trần Huy Chiến, NXBVHTT, năm 2014.
- Chuyện tình các vua chúa hoàng tộc Việt Nam, Đinh Công Vỹ, NXBPN, năm 2009.
- 54 vị hoàng đế Việt Nam, Đặng Thủy - Đặng Thành Trung, NXBQĐND, năm 2008.
- 54 hoàng hậu Việt Nam, Đặng Thủy - Đặng Thành Trung, NXBQĐND, năm 2009.
- Thế thứ các triều vua Việt Nam, Nguyễn Khắc Thuần, NXBGD, năm 2002.
- Họ Tô Việt Nam, Ban liên lạc họ Tô Việt Nam, NXBTG, Hà Nội 2015.
- Bia ký ởĐình làng Quảng Bá, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
                       
Trích dẫn:
 
-1- Việt sử lược, tác giả khuyết danh đời Trần thế kỷ XIV, Nhà xuất bản văn sử địa, Hà Nội, 1960, trang 165-166.
-2- Việt sử lược, tác giả khuyết danh đời Trần thế kỷ XIV, Nhà xuất bản văn sử địa, Hà Nội, 1960, trang 174- 175
-3-4- Việt sử lược, tác giả khuyết danh đời Trần thế kỷ XIV, nhà xuất bản Văn sử địa, Hà Nội, 1960, trang 176.
-6- Việt sử lược, tác giả khuyết danh đời Trần thế kỷ XIV, Nhà xuất bản Văn sử địa, Hà Nội, 1960, trang 177.
-5-7- Đại Việt sử ký toàn thư, Viện KHXH Việt Nam, NXBKHXH, năm 1998, trang 334
8 - Nhà Trần và con người thời Trần, Viện sử học - Hội Khọc lịch sử Việt Nam, Trung tâm Unesco Thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam, Hà Nội - 2004, trang 147.
9- Việt sử lược, tác giả khuyết danh đời Trần thế kỷ XIV, Nhà xuất bản Văn sử địa, Hà Nội, 1960, trang 213.
10- Văn hóa làng ở Thái Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình - 2010, trang 34.
-11- Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, tập 1, NXBVHTT - TBKTVN, trang 1249.
-12- Đại Việt sử ký toàn thư, trang 338.
-13- Việt sử lược, tác giả khuyết danh đời Trần thế kỷ XIV, Nhà xuất bản Văn sử địa, Hà Nội, 1960, trang 183.
-14- Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, tập 1, NXBVHTT - TBKTVN, trang 1271 - 1272 .
-15- Đại Việt sử ký tiền biên, Trung tâm KHXHNV 1997, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, trang 328.
16- GS Lê Văn Lan, Ở miền “Đất Rồng hưng thịnh”, Sự kiện và nhân chứng, nguyệt san của báo Quân đội nhân dân Việt Nam, số 269, tháng 5 - 2016, trang 26 - 27.
-17- Văn bia ghi việc ngôi miếu trên nền nhà cũ đất Nam Mặc.

Sau đây là một số hình ảnh về Tiến sĩ Phùng Thảo: