(Thứ sáu, 22/07/2022, 03:43 GMT+7)

1. Tóm lược di chứng lịch sử và chế độ xã hội sinh thời Phùng Đức Nhuận
 
Từ năm 1533 đến năm 1788 là 255 năm chế độ phong kiến Việt Nam, do các vua Lê đứng ngôi theo kiểu thế tập - tức cha truyền con nối - hoặc chí ít người nối ngôi phải là cháu chắt, anh em trong dòng họ. Phải sống lưu vong Lê Trang Tông (黎莊宗 1515-1548), được Nguyễn Kim đón về dựng lên ngôi vua. Song thực chất đây chỉ là những ông vua bù nhìn, bất tài, quyền hành bị giật dây do các thế lực tiếm quyền khác song hành. Vì thế, đời sống dân lành nhiều khi khổ ải, phẫn uất, oan khiên. Đến Lê Chiêu Thống (黎昭統, 1765-1793) nhà Lê Trung Hưng duy trì được 17 đời. Ông lên ngôi đúng lúc quân Tây Sơn từ Bình Định tràn ra đánh chiếm Bắc Hà, lật đổ chúa Trịnh, củng cố thể chế quân chủ ổn định. Thời thế đã tạo ra diện mạo quốc gia “lưỡng đầu chế” hay “tam đầu chế” nghĩa là quyền lực thực tế của nhà nước do hai hoặc ba tập đoàn quan chức, vua chúa điều hành. Chế độ quân chủ tập quyền chuyển đổi thành quân chủ phân quyền khá điển hình. Sử cũ gọi là thời Lê - Trịnh, tức vua Lê chúa Trịnh không chỉ ngang hàng, thực tế chúa Trịnh đã lấn át vua Lê ngay từ những công việc triều chính.

Tuy nhiên, mô hình “lưỡng đầu chế” đã tạo ra một cơ cấu giám sát lẫn nhau giữa cung vua có lục bộ thì phủ chúa có lục phiên trong cơ cấu bộ máy quyền lực để cai trị đất nước. Bị phá vỡ vị thế toàn quyền, vua thất sủng, hèn mạt thậm chí nhiều khi chỉ là hữu danh vô thực, nhưng danh xưng trước dân chúng theo lễ giáo của Khổng sân Trình thì chúa Trịnh không thể có. Sự kiêm tỏa chút quyền lực nhất định của vua vẫn tồn tại. Việc Nguyễn Hoàng đưa quân ra bắc dẹp nạn cát cứ, củng cố vương triều nhà Lê đã chứng tỏ mối quan hệ tốt của vua Lê với chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Chúa Trịnh toàn quyền điều phối bộ máy xã hội một cách thực chất ở Đàng Ngoài. Song mọi hoạt động của chúa Trịnh vẫn phải lấy danh nghĩa vua Lê để điều hành qua hình thức kiểm soát. Như vậy, các đời chúa Trịnh đã có dự phòng thái độ số đông dân chúng Đàng Ngoài vẫn “trung quân” với nhà Lê và các thế lực xa hơn như các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, sẵn tụ hội nổi dậy chống phá; khi chính quyền trung ương bị mọt ruỗng.
Nhằm tránh sự tranh giành quyền lực trong nội tộc, Trịnh Cương thay đổi cơ cấu quan chức, giải tán binh quyền của các thế lực vương gia, chia lại 6 doanh trung quân, giao quyền chỉ huy cho các viên tướng họ Trịnh. Cấp ruộng cho binh lính theo chức vụ để củng cố niềm tin. Với dân chúng thì “Các quan sở tại cai quản dân, cốt phải vỗ về nuôi dưỡng dân. Nếu làm tệ nhiễu dân, để người ta kêu tố, tra xét đúng sự thực thì đình chỉ việc cai quản. Nếu thấy dân kêu cáo mà chặn đường ngăn trở và bắt giam, đánh đập nặng thì ghép vào phép nước, nhẹ hơn cũng bãi chức đình cai quản”(1). Chính sách cụ thể ấy được ban hành năm Tân Mùi (1631) thời vua Lê Thần Tông - chúa Trịnh Tráng. Điều quan trọng là biện pháp bài trừ nhũng nhiễu của các quan viên từ cung vua phủ chúa đã kéo theo sự ảnh hưởng trực tiếp đến các quan chức, sai nha tại các địa bàn dân cư tỉnh, tổng, xã, phường… khiến tệ lạm quyền, tham nhũng giảm đi đáng kể. Dân chúng được phép tố cáo, viết báo tường phản đối điều ác, việc làm trái đạo lý; quảng bá nêu gương, ca ngợi việc làm thiện và của quan lại địa phương công khai trênbảng treo tại lỵ sở, công đường.Chính vì thế, diện mạo xã hội nhanh chóng thay đổi.

Nhiều sự kiện biến đổi khôn lường đã xảy ra. Nhiều tấm gương quan chức thanh liêm theo kiểu lễ giáo xuất hiện trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa. Chúa Trịnh lấy chiêu bài “phù Lê diệt Mạc”. Chúa Nguyễn cũng xưng “Nguyễn Chúa” và khắc ấn vẫn phải giữ phép do vua Lê ban. Khi anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ kéo quân ra bắc vẫn là “phò Lê diệt Trịnh”. Đốn mạt thay, khi vua Lê Chiêu Thống cầu viện Mãn Thanh năm 1788 thì chiêu bài “phù Lê” bị quan chức đồng lòng với toàn dân xóa bỏ. Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận về nhà Lê từ Lê Sơ đến Lê Trung Hưng rằng: “Thái Tổ cao hoàng đế ứng mệnh trời, thuận lòng người, thừa thời cơ mở vận, theo nghĩa lớn dẹp hung tàn, được thiên hạ rất chính đáng, quy mô dựng nước đã rộng lớn lại lâu dài. (…) Mọi điển chương pháp độ để giữ cơ nghiệp đã tường tận và đầy đủ cả rồi. Các đời truyền nối, mưu lớn công to, mở mang, phò tá, đều theo lẽ chính, người sau có thể giữ mãi đời đời.”(2)

Có lẽ vì thế, Trịnh Tùng quyền biến trong tay, có thể chiếm ngôi báu dễ dàng ngay sau chiến công đánh thắng nhà Mạc; nhưng ông không hành động, vì cần giữ chính danh danh dự quốc thể của nhà Lê để “giữ mãi đời đời.” Mặt khác rất dễ hình dung tương quan lực lượng giữa các thế lực lúc này đã bày sẵn một cục diện chiến lược rõ ràng đang có sự giằng xé. Ngoài đội ngũ chính thống của vua Lê, còn có tàn quân nhà Mạc và đội quân chúa Nguyễn sẵn sàng “Bắc phạt” nếu có biến cố.

Trịnh Cương (1709-1729) và Trịnh Giang (1729-1740) đã thực thi chính sách người dân có ruộng cày, không để lãng phí sức lao động của nhân dân. Chính sách hạn điền, cấm hào phú lợi dụng lúc nông dân khó khăn túng thiếu, tạm thời phiêu dạt kiếm ăn để mua ruộng đất lập trang trại. Việc củng cố đê điều, mở rộng nhiều kế hoạch khuyến nông tạo đà cho kinh tế xã hội thịnh vượng. Câu ca “thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến” nói rõ nguồn giao thương phát triển.Nhiều nghề thủ công mỹ nghệ được khôi phục, có những nghề nổi tiếng không chỉ ở “36 phố phường”.

Trong số 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội thì thời Lê -Trịnh có 68 bia (chiếm 83%). Nhiều nhân tài kiệt xuất như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Nhậm, Phùng Khắc Khoan, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh… đã tạc ghi những trang vàng lịch sử văn chương. Vào khoảng nửa sau thời Lê - Mạc - Nguyễn - Trịnh ở đất Kinh Bắc có một danh nhân ẩn danh phủ chúa sử sách là Phùng Đức Nhuận (1673 - 1731) một vị quan từng giữ chức Tổng thái giám trong triều, dưới các đời vua Lê ở đầu thế kỷ XVIII. Quê hương Phùng Đức Nhuận nay là thôn Triền, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang - một địa danh có truyền thống khoa bảng và văn hóa tín ngưỡng tôn giáo.
 
2. Quan chức Phùng Đức Nhuận
 
Sách Địa chí Bắc Giang từ điển (2012) có mục từ HỌ PHÙNG cho một số thông tin: “Từ chỉ ở thôn Triền, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, hoàn thảnh vào ngày tốt, tháng 11, niên hiệu Đức Long nguyên niên (1732) để phụng thờ linh tổ họ Phùng Cao Lộc Hầu và Phùng tướng công húy Đức Nhuận.

Trước đây, khu di tích này có hai phần từ chỉ và lăng mộ. Từ chỉ là ngôi nhà 5 gian gỗ lim rất to, kiến trúc kiểu đao cong mái lượn, là nơi đặt bài vị tổ tiên họ Phùng và Phùng tướng công. Phía trước là lăng mộ có sập thờ, bia đá và tượng vũ sĩ canh hầu. Do thời gian, thiên nhiên tác động, phần từ chỉ đã bị hủy hoại hoàn toàn. Hiện nay, trên nền đất cũ vẫn còn phần lăng mộ (đắp đất bên ngoài) và hiện vật bằng đá như bia đá, vũ sĩ, sập đá… Dòng họ vẫn còn lưu giữ được khám thờ, bài vị của Phùng tướng công, nội dung như sau: sinh giờ Ngọ ngày 16 tháng 10 năm Quý Sửu (1603, hưởng thọ 50 tuổi). Mất ngày 26 tháng 7, năm Tân Hợi (1731, mộ táng tại Rừng Ma. Từng làm quan Thị nội cung, phó chỉ hình thiên thị nội giám, tử lễ giám… được phong hàm Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu…”(3) - Ngày sinh và tuổi thọ tác giả mục từ tính nhầm - đúng ra Phùng Đức Nhuận sinh năm 1673, hưởng thọ năm mươi tám tuổi - TSH.

Phùng Đức Nhuận mất ngày 26 tháng 7, năm Tân Hợi (1731) niên hiệu Vĩnh Khánh thứ tư, đời vua Lê Duy Phường, hưởng thọ năm mươi chín tuổi. Theo bài sơ bộ khảo sát văn bia trên báo Bắc Giang gần đây có được thông tin: Tấm bia đá ở khu di tích dựng năm 1732 ghi rất rõ: “Từ chỉ được xây dựng vào ngày tốt tháng 11 niên hiệu Đức Long nguyên niên (1732) để phụng thờ linh tổ họ Phùng, Xác Lộc Hầu và Phùng tướng công húy Đức Nhuận”. Như vậy, một năm sau Phùng Đức Nhuận mất, dòng họ đã xây dựng từ chỉ để thờ cúng tổ tiên và Phùng tướng công ngay cạnh phần lăng mộ của ông. Hậu duệ dòng họ Phùng ở Nội Hoàng hiện còn lưu giữ được khám thờ và bài vị ghi năm sinh, năm mất Phùng Đức Nhuận. Hàng năm dòng họ Phùng ở Nội Hoàng vẫn cúng giỗ tổ họ và vị tướng công Phùng Đức Nhuận vào ngày 26 tháng 7 âm lịch.

Cạnh trường phổ thông cơ sở xã Nội Hoàng hiện còn hai tấm bia đá của chùa Cả còn ghi rõ lai lịch và công trạng Phùng Đức Nhuận. Tấm bia thứ nhất niên hiệu Vĩnh Khánh nguyên niên dựng năm 1729, nội dung ghi về việc hậu thần trong đó nói tới công trạng của Phùng Đức Nhuận “... Vị quan trọng yếu của triều đình giữ chức Tri thị nội thư, Tả lại phiên, Thị nội giám, Tư lễ giám, kiêm Thái giám, Xác Lộc hầu Phùng Lệnh công. Nay bản xã trên dưới cùng ghi công nhớ ơn của ông, mong muốn được báo đáp, mọi người nguyện tôn thờ hai bên dòng họ nội ngoại của ông...”

Tấm bia thứ hai có nội dung ghi về việc trùng tu chùa Phúc Nghiêm tức chùa Cả. Bia dựng năm 1726, trên văn bia có đoạn ghi: “... Do có nhiều công trạng trong việc xây dựng ngôi chùa và có công với nhân dân địa phương nên dân làng đã cho tạc bia ghi tên công đức của viên quan họ Phùng...” (4). Có tài liệu ở địa phương đã được ghi nhận: Phùng Đức Nhuận tự “tịnh thân”, vào hầu hạ trong phủ chúa Trịnh Căn từ khi ông mới hơn chục tuổi”. Nếu vậy Phùng Đức Nhuận nổi tiếng thông minh dĩnh ngộngay từ khi còn nhỏ, khi chúa TrỊnh Căn đương nhiệm ông mới chín tuổi và rõ là phải có người tiến cử với vua hoặc chúa có trí tuệ mẫn cảm. Phùng Đức Nhuận “mau chóng được nhà chúa tin tưởng, thăng dần chức vụ và phẩm hàm từ thấp lên cao.Chức cao nhất là Tổng Thái giám. Tước vị cao nhất Xác Lộc hầu.

Đời chúa Trịnh Cương chức Tổng Thái giám rất có thể là một cơ quan quyền lực dưới sự quản lý trực tiếp hay đúng hơn là cơ quan thu nhận, phát ngôn, và điều hành của cả vua và chúa một khi đã thống nhất một chủ trương chính sách nào đó.

Đặc biệt những chính sách cải cách tư duy, cải cách kinh tế xã hội của Trịnh Cương chắc là ảnh hưởng nhiều nhất đến phong cách tận tụy vì công việc triều chính, tận tụy phục vụ nhân dân trong đời làm quan của Phùng Đức Nhuận. Phùng Đức Nhuận phục vụ các đời chúa Trịnh Căn (1682-1709), Trịnh Cương (1709-1729), Trịnh Giang (1729-1740), tương ứng với các đời vua Lê Hy Tông (1675-1705), Lê Dụ Tông (1706-1729), Lê Duy Phường (1729-1732). Thực ra, cụ Phùng Đức Nhuận mất năm 1731, khi ấy Trịnh Giang (sinh năm 1711) mới lên ngôi chúa được vài năm (1729-1740). Sau khi may mắn chiếm giữ ngôi chúa, Trịnh Giang vô đạo, ra oai thẳng tay giết chết vua Lê Duy Phường, đưa Lê Ý Tông lên ngôi vua. Thế nên, có thể nói rằng cụ Phùng Đức Nhuận chủ yếu phục vụ hai đời chúa Trịnh Căn và Trịnh Cương, tương ứng với hai đời vua Hy Tông và Dụ Tông”. Và “Quy định từ đời Lê Dụ Tông , Giám ban được trực tiếp tham gia chính sự, Tổng Thái giám (Tòng Nhị phẩm) chỉ kém Thượng thư một bậc, nhưng thực chất, với sự tiếp cận thường xuyên, trực tiếp với đương kim hoàng thượng và đương kim chúa thượng đã mặc nhiên đặt vào cương vị ấy những trọng trách lớn lao, có tính tác động bước ngoặt tới các công việc quan trọng của triều đình”.

Bài báo chưa cho biết cụ thể rõ lắm về “nhiều công trạng trong việc xây dựng ngôi chùa và có công với nhân dân địa phương nên dân làng đã cho tạc bia ghi tên công đức của viên quan họ Phùng”. Song năm dựng bia là 1726 nghĩa là lúc Phùng Đức Nhuận ở tuổi năm mươi ba, chắc cũng bị ám ảnh câu “bốn chín chưa qua năm ba đã đến”, khi có điều kiện dư giả, cụ cũng dành dụm tiền của, cùng hai họ nội ngoại gần nhau làm việc thiện nguyện ở quê hương. Văn bia đá ở chùa Cả dựng năm 1729 Phùng Đức Nhuận cũng chưa đến tuổi sáu mươi. Rất có thể lúc ấy, thậm chí là đến lúc mất, Phùng Đức Nhuận vẫn đương nhiệm. Luật Hồng Đứctừ thế kỷ XV có quy định quan chức 60 tuổi có đơn xin mới cho nghỉ hưu.
 
3. Phùng Đức Nhuận một danh thần nổi tiếng trong quan hệ vua tôi, nổi tiếng đất kinh Bắc
 
Trước khi mất, danh thần Phùng Đức Nhuận là một quan chức đảm nhiệm chức trách vương phủ - tức một hình thức nhà nước có cả vua và chúa cai quản. Tuy hai mà một, tuy một mà hai, các vua Lê Trung Hưng hầu như đều lấy con gái họ Trịnh, dù chủ quan hay khách quan cũng đều khẳng định mối quan hệ khăng khít gắn bó. Và chúng tôi suy nghĩ rằng, mô hình giám sát lẫn nhau ở cấp trung ương và địa phương thời vua Lê đã ít nhiều có ảnh hưởng về cơ cấu tổ chức cũng có thể.Chứng cứ là giao thương Việt Nam thế kỹ XVI, XVII, XVIII đã phát triển khá nhanh và trải dài khắp đất nước, điển hình như hai trung tâm phố Hiến, Hội An và Hà Nội - Huế - Sài Gòn. Năm 1630, thương nhân nước Hà Lan đã có mặt ở Phố Hiến. Vua Lê Thần Tông đã cưới cô gái Hà Lan làm vợ. Khi mô hình vua Lê chúa Trịnh đã bình ổn dân trí, đất nước đã sống trong hòa bình thịnh vượng thì các quan chức gần vua chúa, thân dân hơn.Chắc chắn Phùng Đức Nhuận được tình cảm mến trọng cả tài lẫn đức nên mới được đảm nhiệm chức vụ quan trọng ở cấp trung ương lâu dài như thế.

Ở quê hương, không chỉ có lăng mộ, từ chỉ do họ hàng bên nội đứng ra xây dựng. Tiếc rằng nay từ chi không còn; nhưng có thể từ chỉ được chính Phùng Đức Nhuận hưng công xây dựng lúc sinh thời với cả sự đóng góp của cả hai họ nội ngoại; vì niềm kiêu hãnh chính đáng của bà con sở tại. Đối với làng xã quê hương hai văn bia chùa Vĩnh Khánh ghi: “bản xã trên dưới cùng ghi công nhớ ơn của ông, mong muốn được báo đáp, mọi người nguyện tôn thờ hai bên dòng họ nội ngoại của ông...” và chùa Cả: “… Do có nhiều công trạng trong việc xây dựng ngôi chùa và có công với nhân dân địa phương nên dân làng đã cho tạc bia ghi tên công đức”.

Ngay từ khi mới lớn lên, là người minh mẫn sớm bộc lộ tư chất, Phùng Đức Nhuận đa thấm sâu lời tâm tư của chúa Trịnh Căn trong lời tựa thi tập: “Ngày mới gần hai mươi tuổi, đương lúc việc võ, vâng mênh vương phụ giao cho việc lo liệu đi đánh, nhờ oai trời làm rõ công đánh dẹp. Họ Nguyễn... ví như tham bay ngói vỡ, nhà Mạc thì như lửa đốt kiến tan Nam Bắc sạch bụi, bờ cõi rộng rãi, kính theo phép thịnh, trông mong ơn lớn, tôn ngôi trời để dạy dân, đem văn minh để bảo kẻ dưới.


Thanh giáo thấm khắp trăm quan,đức nghiệp ra chín cõi, dùng người giỏi, tuyên luật lệ, đặt cách chính tâm tu thân, mở phép trị quốc bình thiên hạ”.

Lớn lên và trưởng thành trong cung vua phủ chúa, Phùng Đức Nhuận đã không ngừng rèn luyện tư cách đạo đức của mộtquan chức, luôn được chúa quý vua yêu. Thời gian sàng lọc, xã hội cọ xát, tiền tài xô đẩy cám dỗ như đối với bất cứ ai; nhưng Phùng Đức Nhuận đã trụ vững, làm tốt việc quản trị tài chính mà không bị sa ngã vào nạn tham nhũng giữa lúc những quy định nghặt nghèo do chúa Trịnh Cương ban hành đang được thực thi. Tài danh hơn bởi đức tính cần cù nhẫn nại với công việc nặng nhọc mà ông KHÔNG để sai sót sơ xuất bởi tự giác rèn luyện, nguyện đem công sức nhỏ bé của mình, góp phần làm sáng tỏ danh vua nghiệp chúa. Đương thời, lúc đã “ngũ thập tri thiên mệnh” Phùng Đức Hòa cũng đã sống chan hòa trong xã hội có những bậc tri thức dân tộc đạt mức “đức cao đạo trọng”, luôn phấn đấu hết mình vì nước vì dân.
 
--------------------------------
(1) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1972
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1972
(3) Địa chí Bắc Giang - Từ điển, Sở VHTT Bắc Giang, trang 2002
(4) Mạng Họ Phùng Việt Nam tháng 6 năm 2022
 

Giáo sư - Tiến sĩ TRƯƠNG SỸ HÙNG
Viện trưởng Viện Văn hóa Minh triết