(Thứ sáu, 27/08/2021, 09:27 GMT+7)

Đại tá anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu vừa mất (9h55’ ngày 25/8), tôi là người sớm biết chỉ sau ít phút từ người con trai, Trung tá Phùng Văn Hà đang công tác tại Trường Sĩ quan Pháo binh, cũng là người đang ở với vợ chồng ông báo tin. Giữa đại dịch covid-19 đang bùng phát, tin người anh hùng Điện Biên đột ngột trở về với thế giới người hiền khiến tôi lòng dạ bâng khuâng. Tôi bình tĩnh bảo Hà: “Em hãy vững tâm lên! Cụ ra đi thanh thản như vậy càng là tấm gương với mọi người. Chúng ta sẽ mãi còn một người lính trung kiên, một người ông, người cha, người đồng chí nhất mực, đáng kính. Đó chính là điểm tựa cho thế hệ đi sau học tập”.


Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Văn Khầu - Ảnh: Hà Phương

Bâng khuâng cầm chiếc điện thoại trên tay tôi chịu không làm tiếp được gì. Ông Khầu đã mất? Ở tuổi này rồi, còn, mất cũng là lẽ thường. Ông sinh năm 1929 tại xã Đức Hùng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, năm nay đã tròn 92 tuổi. Vừa hơn một tháng trước, tôi còn nâng ly rượu chúc mừng người anh hùng và ký tặng ông tập sách do Binh chủng Pháo binh mời viết về ông. Cuốn sách nhỏ hơn trăm trang làm sao gói ghém hết những chiến công, nghĩa tình thơm thảo của người con dân tộc Nùng với quê hương, đồng đội, nhất là những người đã khuất? Lúc đó, tôi chợt thấy mắt người anh hùng chợt như chùng xuống nhưng thanh thản, đôi tay run run giở đến trang sách ông ôm đồng đội hi sinh trên Đồi E bảo: “Mình sắp về với Bác Giáp! Xin cảm ơn nhà văn đã viết về mình”.

Chúng tôi chợt lặng đi. Thế hệ các ông đã đi qua biết bao lầm than, cơ cực và lửa đạn. Lửa cháy quanh người từ thuở mới lọt lòng. Rồi đi ở đợ. Rồi cứ thế theo cách mạng, vào quân đội một mạch đến hôm nay đã trên chín mươi tuổi, đã nhận Huy hiệu 75 tuổi Đảng mà vẫn tươi trẻ như hôm qua còn đọc lời thề trong quân ngũ kể cũng lạ lùng.

Tôi lập tức nhận ra, cùng với những phẩm chất tốt đẹp khác của người anh hùng, toàn bộ cuộc đời ông đã toát lên đầy đủ nhất, vẹn toàn nhất 10 lời thề danh dự của người chiến sĩ.






Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu thời trẻ

Tôi luôn cho rằng ngày nào người anh hùng cũng nhẩm đọc 10 lời thề ấy ra, từ chiến hào Điện Biên “máu trộn bùn non”, đến dốc núi Tà Cơn, Khe Sanh “nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Rồi những lần cùng bạn bè đồng đội, tham dự Đại hội Liên hoan Thanh niên, Sinh viên thế giới, những lời thề chiến sĩ Việt Nam đã sớm kiêu hãnh vang lên khắp năm châu. Có lẽ ngay đối với cô Hà Thị Cay, người yêu cũng chưa biết chữ lúc gặp ông vẫn sẽ là những lời thề thầm vang: “Luôn kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân… để gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân” chăng? Và lời thề ấy đã dẫn họ tới chung một con đường bền chặt khăng khít tới hôm nay đã trở thành máu thịt.

Có một chuyện về ông tôi đã từng không dám đưa vào sách. Đó là những năm tám mươi, khi ấy người anh hùng đang làm Phó Chủ nhiệm Chính trị Tường sĩ quan Pháo binh được phân công về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn huấn luyện của nhà trường ở Sơn Tây. Như thế là đi xuống. Như thế là thử thách một con người đứng trước sự phát triển của chính mình. Phùng Văn Khầu nhận nhiệm vụ. Nhẹ nhàng. Thanh thản. Không một chút đắn đo. Chao ôi! Khi người chiến sĩ đã coi trọng lời thề thì sá gì công việc. Có phân thẳng ra chiến trường, lên biên giới đánh giáp lá cà với quân thù Phùng Văn Khầulúc đó cũng lập tức chấp hành. Đó chính là tính nết “trời sinh” của ông, dòng máu ngấm lời thề chiến sĩ của ông.

Khi ấy không chỉ tâm tư cá nhân chịu thử thách lớn mà đời sống gia đình ông cũng từng ngày phải leo dốc. Thiếu đói từng ngày. Phải bươn chải, sinh kế để sinh tồn. Vậy người anh hùng sẽ làm gì đây? Thôi còn nề hà so đo tính toán điều gì nữa? Ông Tiểu đoàn trưởng Phùng Văn Khầu sẩm chiều tranh thủ ngoài giờ đem bao tải cùng vợ đi mò rau tóc tiên nuôi lợn. Trời thì rét, ao hồ thùng đấu thì sâu, bụng lại đói run lập cập, ông đã phải tự buộc dây thừng vào chân mình rồi dặn vợ: “Nếu tôi có bề gì thì bà hãy kéo tôi lên”. Thế mà cũng qua được khúc khuỷu cuộc đời, nuôi dạy các con ăn học thành người, nghĩ lại quãng đường đã qua không khỏi thầm rơi nước mắt.

 
Vợ chồng Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu thời trẻ

Tôi luôn thấy từng lời thề chiến sĩ luôn gắn chặt với Phùng Văn Khầu và sự kiên gan thực hiện những lời thề với ông quả đã là lẽ sống. Gần đây, khi tuổi tác đã cao, đã lên chức cụ, còn luôn được nơi này mời đi nói chuyện truyền thống, nơi khác mời đi Hội thảo Chiến thắng Điện Biên, cụ Khầu càng nêu cao tính kỷ luật cho mình. Đồng đội đã đi theo người anh cả vãn hết rồi, còn một mình ta càng phải kiên quyết tiến công. Nói chuyện, viết bài cho Hội thảo cũng phải như đánh trận. Cũng phải “Rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng” mới có thể: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Đó cũng chính là phương châm, là kỹ năng của cụ Khầu.

Cứ như thế, kiên gan, bền bỉ, đêm đêm trong đèn tự soạn từng bài nói chuyện, bài viết, lời phát biểu của mình với cánh truyền thông. Trí nhớ người anh hùng minh mẫn lắm, song không chỉ là kể lại cho đúng mà còn phải là trò chuyện thật hay, thật hấp dẫn mới có thể trao truyền trọn vẹn ngọn lửa chiến công, ngọn lửa làm người cho mai hậu.

Trong một lần giao lưu tại Điện Biên, tôi khi ấy đang là phóng viên Truyền hình Quân đội nhân dân, khi làm kịch bản về Chiến thắng Điện Biên Phủ đã có ý muốn cài sẵn rằng: “Trên sân khấu, bác hãy nói giúp một câu của Hưng Đạo Vương cho oách rằng “Năm nay quân ta đánh giặc nhàn!”. Người anh hùng đã nghiêm mặt có ý giận bảo: “Mình không nói thế được đâu! Đó không phải là sự thật”, tôi đã phải thanh minh mãi ông mới dần nguôi giận. Thế đấy! Làm sao có thể khiến thế hệ các ông làm trái lời thề xương máu của mình.


Tại Lễ truy điệu và đưa tang Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu, Đại tướng Phùng Quang Thanh - nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam và Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã gửi vòng hoa kính viếng

Thấm thoắt giờ đây anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu đã thanh thản về cõi Phật. Chắc hẳn, lời thề chiến sĩ cũng đã ngấm vào máu xương theo ông sang thế giới mới của mình, nơi có đồng đội, nơi có người Anh Cả - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang đón đợi mà không hiểu sao hơn một tháng trước khi gặp chúng tôi ông đã thanh thản nói ra.

Tác giả: Nhà văn Phùng Văn Khai