(Thứ ba, 28/05/2019, 11:15 GMT+7)

PHÙNG THANH HÒA,

TRẠNG VẬT VÙNG ĐẤT CỔ

 

Phùng Văn Khai

 

Công cuộc giành độc lập của Lý Nam Đế gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử xuất sắc như danh nho Tinh Thiều, lão tướng Phạm Tu, cha con lão tướng Triệu Túc - Triệu Quang Phục. Trong đó, không thể không nhắc đến Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa, vị trạng vật nổi tiếng của làng Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội. Ông đã được các triều vua Đinh - Lý - Trần - Lê - Nguyễn nhiều lần sắc phong, vinh danh công trạng và được nhân dân thờ làm Thành hoàng làng tại quê hương Phùng Xá, Thạch Thất. Vùng đất cổ xứ Đoài từ ngàn năm vang danh với hai vị trạng, đó là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và trạng vật Phùng Thanh Hòa.

Trạng vật Phùng Thanh Hòa nổi danh là một đô vật giỏi nhất vùng, ông còn được ca ngợi là người tài đức vẹn toàn. Các đô vật từ khắp nơi về xin tỷ võ dẫu bại trận đều được ông và dân làng Bùng đón tiếp rất ân cần, giao lưu võ thuật cổ truyền trên tinh thần cầu thị. Tương truyền rằng, có công chúa con vua giả trai về đánh bại hàng loạt trai tráng trong vùng để thách đấu với tráng sĩ họ Phùng. Khi biết địch thủ là nữ nhi, Phùng Thanh Hòa đã khôn khéo chịu hòa để giữ thể diện cho công chúa, không bóc mẽ địch thủ ở chốn đông người khiến công chúa cảm phục lắm. Lại có chuyện kể rằng, có đô vật tận từ vùng Châu Ái với miếng đánh nổi tiếng bẻ giò đối thủ gây thương tích cho nhiều đô vật khiến các tráng đinh ấm ức mà không làm gì được. Để dạy cho đô này một bài học, Phùng Thanh Hòa đã vờ giả thua để đối thủ ra tay tàn độc. Đúng lúc y đột ngột bộc lộ sự hiểm độc, Phùng Thanh Hòa đã vạch trần giữa sới vật đồng thời ba lần nhấc bổng đô này quẳng xuống chiếc ao trước cửa đình khiến đô này tâm phục khẩu phục, từ đó bỏ ngón nghề triệt hạ đối thủ của mình. Võ đức của Phùng Thanh Hòa càng ngày càng lan xa, ông được nhân dân suy tôn là trạng vật của vùng đất cổ.

Khi Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Lương giành quyền tự chủ năm Giáp Tý (544) đặt tên nước là Vạn Xuân đã cho xây chùa Trấn Quốc để vững bền gốc nước. Trạng vật Phùng Thanh Hòa sớm theo nghĩa quân, được Lý Nam Đế phong làm Hữu tướng quân, cùng với Tả tướng quân Triệu Quang Phục là những trụ cột của triều đình Vạn Xuân lập nhiều chiến công trong công cuộc chống nhau với giặc Lương sau này. Thần phả đình Phùng Xá chép: “Khi ngài sinh ra, thiên tư khác lạ, lớn lên thông minh đĩnh ngộ, học một biết mười. Chữ nghĩa văn chương đều giỏi. Ngài lại tinh thông binh thư võ nghệ, cung kiếm đao thương môn nào cũng giỏi. Không những thế, ngài lại có năng khiếu về âm nhạc, khúc thức, sử dụng đàn sáo rất điêu luyện. Lúc bấy giờ, nước ta bị nhà Lương đô hộ, nhân dân lầm than cực khổ vô cùng. Khi Lý Bí phất cờ khởi nghĩa chống giặc nhà Lương, đánh đuổi Thứ sử Tiêu Tư, chiếm giữ thành Long Biên (541), tuy ngài còn ít tuổi nhưng với tài năng xuất chúng đã đứng dậy chiêu tập nghĩa sĩ trong vùng theo giúp Lý Bí. Khi Lý Nam Đế lên ngôi vua đã phong ngài làm Hữu tướng quân”.

Lịch sử nước ta là những trang hào hùng thấm đẫm võ công của những bậc tuấn kiệt trong công cuộc bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước. Khi mới lập quốc, Lý Nam Đế đã sớm có con mắt xanh sử dụng hiền tài. Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Với tầm nhìn sâu rộng, từ tên nước Vạn Xuân, tên chùa Trấn Quốc đã cho thấy khí chất thuần Việt của những vị vua sáng tôi hiền. Điều này đối với muôn dân là vô cùng tốt đẹp, nhưng đối với kẻ thù phương Bắc như chọc gai vào mắt chúng. Vốn ỷ thế nước lớn, quen thói làm càn, nhà Lương lập tức cử Dương Phiêu và Trần Bá Tiên, những danh tướng đương thời đem quân sang đánh trả thù. Trước họa xâm lăng, binh tướng Vạn Xuân một lòng đánh giặc. Thế giặc vô cùng hung mãnh, quân ta lui dần song vẫn bị vây hãm rất ngặt ở thành Gia Ninh. Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa, Tả tướng quân Triệu Quang Phục là những tướng trẻ của triều đình cùng với các lão tướng Phạm Tu, Triệu Túc hết lòng cự địch, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa thu tháng Tám, vua Lý Nam Đế cùng các tướng đem hai vạn quân từ trong đất Lão ra đóng ở hồ Điển Triệt, thuyền bè chật kín cả mặt hồ, quân Lương sợ hãi không dám tiến vào”.

Giặc Lương vốn nhiều quỷ kế đã nhân khi mưa gió nước dâng cao bất thần đánh úp khiến quân ta tan vỡ, vua Lý Nam Đế phải rút về động Khuất Lão để lại Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa cùng Tả tướng quân Triệu Quang Phục quyết chiến với Trần Bá Tiên. Giặc đông ta ít, quân ta cầm cự rồi rút dần bảo vệ vua Lý Nam Đế. Mấy tháng sau đó, Lý Nam Đế qua đời tại động Khuất Lão. Trước khi nhắm mắt, đức vua giao đội quân cảm tử cho Triệu Quang Phục mệnh lệnh rút về lập căn cứ ở đầm Dạ Trạch - Hưng Yên còn Hữu tướng Phùng Thanh Hòa xin với vua cho về vùng đất An Hoa Trang (Thạch Thất ngày nay) để gom dân, lập ấp, mở mang tài lực, đợi ngày đánh đuổi giặc ngoại xâm. Lý giải vấn đề này, các sử gia đời sau còn bỏ lưng không hiểu tại sao trong nhiều năm Triệu Quang Phục xưng vương đánh đuổi giặc Lương, tiếp đó bị mắc mưu Lý Phật Tử không thấy trạng vật Phùng Thanh Hòa xuất hiện? Có lẽ nào Hữu tướng quân văn võ song toàn đã sớm mai danh ẩn tích? Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ thần tích, thần phả và các câu chuyện dân gian đều khẳng định là ngài mất sớm (22/9/549). Vậy mới có chuyện ngài không thể theo đuổi sự nghiệp cứu nước cùng Triệu Việt Vương được nữa. Điều này hoàn toàn phù hợp với tài năng và tính cách của trạng vật. Ngay từ thuở nhỏ, ngài vốn nhân hòa khoan ái, chẳng đặng đừng mới phải cầm gươm giáo đánh đuổi giặc dữ. Chi tiết ngài thành thạo âm nhạc, thơ văn đã cho thấy con người bên trong của ngài là người ưa thích sự nho nhã, khiêm cung.

Thần phả đình làng Phùng Xá, Thạch Thất do tiến sĩ Nguyễn Bính thế kỷ XVII soạn chép như sau: “Đại vương họ Phùng, húy là Thanh Hòa, sinh ngày 12 tháng 11 năm Mậu Thân (tức ngày 8 tháng 12 năm 528) ở trang Hồng Vinh, quận Nam Xương (nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Bố là ông Phùng Thủy, mẹ là bà Hoàng Thị Mai. Hai ông bà ăn ở phúc đức, hiền lành, gia tư thuộc hạng trung lưu, hay làm việc thiện nên được thánh thần phù hộ mà sinh ra ngài”.

Vùng đất Lý Nhân, tỉnh Hà Nam thời đó thuộc Giao Châu, là vùng đồng ruộng tốt tươi, trên bến dưới thuyền, dân cư sung túc, thường làm nghề trồng cấy và đánh bắt tôm cá. Tương truyền rằng, hai ông bà Phùng Thủy - Hoàng Thị Mai từ khi sinh được người con trai khôi ngô tuấn tú Phùng Thanh Hòa càng chăm chỉ làm việc thiện nổi tiếng khắp vùng. Phùng gia ở trang Hồng Vinh không tiếc công sức đi mời những thầy giỏi trong vùng về rèn dạy cậu thiếu niên Phùng Thanh Hòa cả hai đường văn võ. Là người có tư chất thông minh, Phùng Thanh Hòa sớm lĩnh hội được tinh hoa của các bậc thầy truyền cho là cơ sở căn bản sau này giúp dân giúp nước. Chính nhờ sự giao lưu học hỏi, nhất là khả năng thiên phú môn đánh vật, chàng thiếu niên Phùng Thanh Hòa đã nổi tiếng khắp nơi. Trong các trận sát cánh cùng với Tả tướng quân Triệu Quang Phục đánh giặc Lương giúp vua Lý Nam Đế sau này, Phùng Thanh Hòa nổi tiếng là một dũng tướng luôn có mặt ở tuyến đầu. Chính ông cùng với Triệu Quang Phục đã chỉ huy quân lính phá vây ở hồ Điển Triệt, hộ giá đức vua rút an toàn về động Khuất Lão khi rơi vào tình thế bất lợi. Nắm bắt được dã tâm của bọn tướng nhà Lương là Dương Phiêu và Trần Bá Tiên, Lý Nam Đế đã mệnh lệnh cho các vị tướng trẻ dưới quyền cùng với đội quân bản bộ cảm tử phá vòng vây thoát về vùng đất hiểm để mưu đại sự về sau. Tuân mệnh vua, Triệu Quang Phục đã đưa binh trở về đầm Dạ Trạch, kiên trì trường kỳ kháng chiến và xưng vương, lập nước đúng theo di nguyện của Lý Nam Đế. Phùng Thanh Hòa tìm về vùng đất trù phú An Hoa Trang gom dân mở đất, tính đại kế lâu dài. Song trời không cho ông được thọ lâu. Chỉ vài năm sau, Hữu tướng Phùng Thanh Hòa mất để lại tiếc thương cho nhân dân vùng đất An Hoa Trang. Chính do mất sớm, ông đã không có mặt trong công cuộc giành lại đất nước cùng với Triệu Việt Vương. Chắc hẳn, nếu được tham dự công cuộc đánh đuổi giặc Lương, Phùng Thanh Hòa sẽ có những đóng góp xuất sắc như đã từng đóng góp công sức, trí tuệ với triều đại Lý Nam Đế. Sự ra đi sớm của ông là một tiếc nuối mang tính lịch sử, bởi sau đó, sự bất hòa dẫn đến nạn binh đao giữa Triệu Việt Vương và Lý Phật Tử là hết sức đáng tiếc. Biết đâu, nếu còn cùng sát cánh với Triệu Việt Vương, bằng trí tuệ và uy tín của mình, Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa sẽ có những chủ kiến ích nước lợi dân như chính những gì ông đã từng thực hiện dưới triều Lý Nam Đế.

Không phải ngẫu nhiên Lý Nam Đế phong ông làm Hữu tướng quân, một chức vụ rất quan trọng trong ngạch võ quan thời bấy giờ. Ông được sánh ngang hàng với Tả tướng quân Triệu Quang Phục. Về độ tuổi, hai bên tương đương nhau đã cho thấy Lý Nam Đế có cách dùng người hết sức mạnh dạn, thậm chí là mới mẻ. Trong triều đình lúc đó, vẫn còn những bậc khai quốc công thần như danh nho Tinh Thiều, lão tướng Phạm Tu, lão tướng Triệu Túc, những vị tướng từng Nam chinh Bắc chiến đánh đuổi giặc Lương, đánh tan giặc Lâm Ấp mở mang bờ cõi về phương Nam với những chiến công hiển hách. Công tích của các vị lão tướng trụ cột triều đình uy vọng rất lớn, nhưng Lý Nam Đế vẫn sẵn sàng đưa các vị tướng trẻ như Phùng Thanh Hòa, Triệu Quang Phục vào làm rường cột triều đình đã chứng tỏ tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh dùng người của Lý Nam Đế. Sử sách ở ta và Trung Quốc đã chép rằng, Lý Nam Đế từng cử các vị tướng quân đem quân vào đất giặc, ngược đường lên phương Bắc đánh sang Hợp Phố bẻ gãy mũi nhọn của binh tướng Lương Vũ Đế. Các tướng của Lý Nam Đế hợp vây bán đảo Hợp Phố, đánh tan hai đạo quân của các tướng Tôn Quýnh và Lư Tử Hùng khiến triều đình Lương Vũ Đế chấn động bàng hoàng (khu vực Hợp Phố nay là thành phố Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây và bán đảo Lôi Châu tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc). Ở thời kỳ Lý Nam Đế phải dùng vũ lực với nhà Lương nhiều năm liền, hẳn nhiên, việc chiêu binh mãi mã, tuyển chọn người có tài văn võ, đặc biệt là võ tướng rất được coi trọng. Và việc Lý Nam Đế phong Phùng Thanh Hòa làm Hữu tướng quân đã khẳng định chắc chắn tầm vóc, tài năng và trí tuệ của vị tướng họ Phùng.

Quá trình hình thành nhà nước Vạn Xuân - một thể chế vương triều độc lập thời kỳ đó là một khẳng định độc lập tự chủ của nước ta. Lý Bí lên ngôi vị Lý Nam Đế đã cho thấy nền quốc thống từ thời các vua Hùng được các anh hùng hào kiệt đời sau gìn giữ và phát triển. Ngôi nước của phương Nam tất do người phương Nam nắm giữ. Điều này là sự vẻ vang của một dân tộc luôn ý thức tự chủ, tự cường. Để có được điều đó, không chỉ là người giỏi cầm quân mà phải là người giỏi trị bình, sử dụng nhân tài, kết nối nhân tâm mới vững bền ngôi nước. Sử dụng được những bậc hiền tài như Tinh Thiều, Phạm Tu, Triệu Túc, Triệu Quang Phục, Phùng Thanh Hòa…, đức vua Lý Nam Đế xứng đáng làm một bậc minh quân đương thời vậy.

Lịch sử nước ta, ở những lúc chói sáng nhất, luôn có những vị vua sáng tôi hiền như triều đại Lý Nam Đế. Ông là người đầu tiên xưng đế ở nước ta. Ông cũng là vị đế vương sớm triều định trăm quan, sắp đặt hai ban văn võ quy củ nền nếp. Chính các vị công thần, lão tướng, trong đó có cả các tướng trẻ như Phùng Thanh Hòa đã tỏ rõ hùng tâm tráng trí của Lý Nam Đế cũng là khát vọng của muôn dân muốn có được một quốc gia hùng cường, phát triển bền vững theo hướng độc lập, tự chủ, tự tôn dân tộc, điều mà các chế độ phong kiến phương Bắc hết sức lo ngại.

Lịch sử nước ta là lịch sử ngàn đời đánh giặc phương Bắc. Cho dù chúng có sử dụng trăm phương ngàn kế nhằm thực hiện dã tâm đồng hóa nước ta song chưa bao giờ kẻ cuồng ngông được đắc chí. Nước Việt Nam anh hùng luôn sản sinh ra những bậc tuấn kiệt đánh giặc lập nước kế tiếp nhau ngàn đời không dứt. Binh lực phương Bắc, kể cả ở những thời kỳ hùng mạnh nhất như Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh sau này đều đại bại ở Đại Việt ngàn năm không rửa nổi vết ô nhục. Những danh tướng bậc nhất phương Bắc đều ôm đầu máu bại trận trở về hoặc vĩnh viễn chôn vùi xương cốt ở phương Nam. Điều này vừa là sự kỳ diệu vừa là sự công bằng của lịch sử.

Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa, vị danh nhân của vương triều Lý Nam Đế, vị tướng quân của đất nước Vạn Xuân - Đại Việt trong dòng chảy lịch sử đã được nhân dân tôn vinh là trạng vật đã tròn 15 thế kỷ. Ơn vua lộc nước, nghĩa tình thơm thảo của quê hương, nơi sinh thành cũng như nơi đức ngài hóa thân vào cát bụi thảy đều vương vấn khắc ghi công trạng của bậc anh hùng. Vị tướng họ Phùng nói riêng, dòng họ Phùng nói chung, trong mấy nghìn năm lịch sử đều đã sinh thành và cống hiến những người con xuất sắc. Theo Cổ Lôi ngọc phả, từ thời vua Hùng vương đời thứ 18 đã có ngài Phùng Đại Lực theo giúp vua Hùng mở nước chăm dân, trông coi việc giữ gìn phong tục, sau được dân thờ phong làm Phùng Lực Đại vương. Tiếp đó là nữ thần tướng Phùng Thị Chính sớm theo Hai Bà Trưng đánh quân Hán xâm lược sau được phong làm Nội thị tướng quân Trung Lương tướng, nay có đền thờ ở núi Ba Vì.  Tiếp đó đến nữ thần tướng Phùng Vĩnh Hoa cũng theo Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa lập nhiều công tích. Cùng Hai Bà Trưng đánh giặc nhà Hán, còn có nữ thần tướng Phùng Thị Tú, Phùng Thị Huyền mà người đời khi đó gọi là Ả Tú, Ả Huyền vừa đẹp người đẹp nết vừa dũng cảm mưu trí đánh giặc cứu dân. Các triều đại về sau, không triều đại nào vắng người họ Phùng có công với nước. Tiêu biểu phải kể đến Bố Cái Đại vương Phùng Hưng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa đánh giặc nhà Đường giành độc lập dân tộc. Thái phó hai triều Lý - Trần Phùng Tá Chu với trí tuệ và công lao vô cùng to lớn trong việc cùng Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ gây dựng vương triều Trần được sử sách ngợi ca. Lưỡng quốc Trạng Nguyên Phùng Khắc Khoan danh tiếng lẫy lừng triều Lê. Những vị tiến sĩ ghi tên bảng vàng, bia đá như Tiến sĩ Phùng Đốc; Tiến sĩ Phùng Hữu Hiệu; Tiến sĩ Phùng Ông, Tiến sĩ Phùng Trạm; Tiến sĩ Phùng Thế Triết; Tiến Sĩ Phùng Viết Tu; Tiến sĩ Phùng Bá Kỳ… đã là những gương mặt tiêu biểu, nhiều người là những danh nho, võ tướng xuất sắc trong lịch sử khoa bảng và lịch sử chống giặc ngoại xâm của đất nước.

Cùng với các dòng họ khác, dòng họ Phùng trong tiến trình lịch sử luôn cống hiến những người con xuất sắc nhất cho dân tộc, cho đất nước và nhân dân.

Trong Hội thảo khoa học về danh nhân văn hóa Phùng Khắc Khoan năm 1992, nhà văn Phượng Vũ viết: “Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa là vị phúc thần của nhân dân Phùng Xá. Khi ngài hành giá đến đây, thấy đất này địa thế đẹp, có nổi gò cao, trước có đường cái quan, sau có hành cung, hai dòng nước chảy xuôi, ngài bèn gom dân lập ấp rồi sau đó mất tại đây. Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa là người có công lớn với triều Tiền Lý, là người có ân huệ với xóm làng lân cận”.

Vẻ đẹp của các danh nhân như Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa trước tiên và sau cùng vẫn là do nhân dân truyền tụng. Đó vừa là đạo lý vừa là lẽ sống ở đời. Điều này cũng là khẳng định vẻ đẹp cốt cách con người Việt Nam uống nước nhớ nguồn, luôn biết hướng tới những điều tốt lành trong cuộc sống.

Trong bức cuốn thư sơn son thếp vàng tại ngôi đình cổ Phùng Xá có khắc bài thơ ngũ ngôn ca ngợi công đức của ngài được dịch như sau:

Trong trẻo anh linh mãi

Chính trực khí tiết sáng

Sóng nước thần tỏa rạng

Non sông sắc ngời uy

Công lớn thời Tiền Lý

Thời Hậu Lê hiển minh

Cùng đất trời phúc ấm

Muôn đời ghi ơn sâu.

Nhân dân, muôn đời vẫn là nhân dân luôn có cái nhìn công bằng nhất với các danh nhân lịch sử. Thương dân dân lập đền thờ. Đạo lý này càng về sau càng sáng rõ. Vùng đất cổ Thạch Thất một ấp hai trạng quả là hiếm lắm thay. Thời gian trôi chảy, những nét đẹp văn hóa trong đó có hội vật đầu năm làng Bùng, Phùng Xá vẫn còn nguyên vẹn những ngợi ca công trạng của đức ngài. Nước Đại Việt ta, thời nào cũng có anh hùng xuất thiếu niên. Khởi nguồn từ câu chuyện dân gian Đức đại vương Thánh Gióng ba tuổi đã sớm ra trận đánh giặc Ân lập lên công tích được nhân dân muôn đời phong làm bậc Thánh. Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa khi theo Lý Nam Đế khởi nghĩa chưa đầy 18 tuổi đã lĩnh ấn tiên phong anh dũng quả cảm trên chiến trường giết giặc lập công quả là tuổi trẻ trí lớn vậy. Ở lúc thoái trào, nghĩa quân rơi vào bất lợi còn biết lui về gom dân lập ấp, để lại tiếng thơm muôn thuở cũng là tài trí của bậc danh nho.

Đất Thạch Thất ngày mới hôm nay đang phát triển. Từ nền tảng văn hóa cổ truyền được gây dựng, hun đúc từ thuở trạng vật, trạng Bùng, đã như nguồn năng lượng dồi dào để cháu con thêm tự tin, tự trọng trong công cuộc kiến thiết quê hương đất nước. Vùng đất Thạch Thất nhiều tướng lĩnh, văn nhân luôn xác định, để có thể phát triển bền vững và hiệu quả, không thể không khơi dậy nguồn lực trong nhân dân, nhất là vốn văn hóa cổ truyền. Chúng ta chỉ có thể phát triển bền vững khi cân bằng giữa văn hóa và kinh tế. Một đất nước không thể nào phát triển tốt mà không dựa trên nguồn lực văn hóa của cha ông. Ở nhiều nơi, chúng ta đã để mất cân bằng trong việc bỏ bê, coi nhẹ việc phát triển và bảo tồn văn hóa. Lại có những nơi phát triển nôn nóng thái quá, xây những đình lớn chùa to sử dụng vào mục đích thương mại khiến mọi giá trị xã hội bị đảo lộn, nhân dân mất dần niềm tin cũng là một nguy cơ nhỡn tiền.

Những năm gần đây, xác định rõ trách nhiệm cũng là nhận thức đầy đủ về phát triển văn hóa, văn minh, lãnh đạo các cấp ở Thạch Thất đã có những bước đi đúng đắn, phù hợp và hiệu quả trong việc tôn vinh công trạng những bậc danh nhân đúng trên tinh thần khoa học lịch sử. Khi chủ trì Hội thảo khoa học về Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhắc đến phải sớm có một Hội thảo khoa học về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa. Nhân dân Phùng Xá hàng năm trong hội vật đầu xuân đều có nguyện vọng cần sớm làm sáng tỏ toàn diện hơn về công đức và sự nghiệp của trạng vật. Tấm lòng của dân nhân thật như trời biển, bao dung, ôm ấp, che chở những danh tướng danh thần. Thấy rõ nguyện vọng đó, trong những câu chuyện về quê hương, dòng họ, Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam đã có ý kiến với lãnh đạo huyện Thạch Thất cần sớm xây dựng và tiến hành một cuộc Hội thảo khoa học về trạng vật. Ao ước chính đáng của những con người có tâm, có đức, có trách nhiệm chắc chắn sẽ sớm trở thành hiện thực.