(Thứ ba, 17/09/2024, 09:57 GMT+7)
Đối với anh em Văn nghệ Quân đội, nhà thơ Phùng Quán là một trường hợp rất đặc biệt.
 
Khi chúng tôi quyết định treo ảnh nhà thơ Phùng Quán trên tường căn phòng giao ban mới thấy tài sản của anh em Văn nghệ Quân đội đến hôm nay là rất lớn lao. Đó là hàng chục nhà văn nhà thơ đã đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Đáng quý hơn nữa, đã có nhiều nhà văn nhà thơ được đặt tên phố, tên đường như: Nguyễn Thi, Thanh Tịnh, Nguyễn Minh Châu, Vũ Cao, Xuân Thiều,... trong đó có Phùng Quán đã được đặt tên đường tại thành phố Huế cũng chính là con đường dẫn lên khu mộ của vợ chồng nhà thơ Phùng Quán - cô giáo Vũ Bội Trâm tại phường Thủy Dương.
 

Chân dung nhà thơ Phùng Quán

Cũng không nhiều người biết Phùng Quán có người chú ruột là Phùng Lưu - lão thành cách mạng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế hiện nay đã được đặt tên một con đường lớn trong thành phố Huế bởi khi đi hoạt động cách mạng Phùng Lưu lấy tên là Nguyễn Vạn. Tên đường phố Nguyễn Vạn do vậy rất ít người biết đây chính là người chú ruột của nhà thơ Phùng Quán. Phùng Quán còn có một người chú ruột khác là Phùng Thị làm Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa. Vậy mà, khi Phùng Quán vướng vào Nhân Văn Giai Phẩm, ông tuyệt không đưa những điều tưởng chừng lợi thế ấy ra, càng không bao giờ giải thích tại sao. Kể cả đối với nhà thơ Tố Hữu, người cậu ruột Phùng Quán cũng không dựa dẫm bất kể chuyện gì. Những điều như vậy càng cho thấy tính cách đặc biệt của nhà thơ Phùng Quán.
 
Nhà thơ Phùng Quán sinh năm 1932 tại xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, nay thuộc thành phố Huế trong một gia đình nhà Nho. Tháng 1 năm 1946, khi mới 14 tuổi, Phùng Quán đã tham gia Vệ quốc đoàn, là chiến sĩ trinh sát của Trung đoàn 101 (Trần Cao Vân) và nổi tiếng là gan dạ, lì lợm nhất nhì đơn vị. Tiếp đó, Phùng Quán tham gia Thiếu sinh quân Liên khu IV, Đoàn Văn công Liên khu IV. Năm 1954, Phùng Quán tham gia đoàn phóng viên quân đội về Sầm Sơn - Thanh Hóa để thông tin về sự kiện trao trả tù binh. Với cá tính gan góc của mình, Phùng Quán đã đi bộ từ Sầm Sơn, Thanh Hóa ra Hà Nội. Ông đã gặp nhà thơ Hoàng Cầm và được giới thiệu đến Văn nghệ Quân đội. Tại đây, nhà văn Vũ Tú Nam và nhà văn Từ Bích Hoàng đã giao cho Phùng Quán viết bài về Sầm Sơn. Thật bất ngờ, Phùng Quán đã viết một mạch trường ca Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo và tiểu thuyết Vượt Côn Đảo với số lượng in hàng chục vạn bản. Tiểu thuyết Vượt Côn Đảo đã gây tiếng vang rất lớn thời điểm đó và đã đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1955.
 
Với cá tính của Phùng Quán, lại do sớm nổi tiếng khá đột ngột trong văn giới, ông đã tham gia Nhân Văn Giai Phẩm bằng hai bài thơ: Chống tham ô lãng phí (Giai phẩm Mùa thu, tập 2, 1956) và Lời mẹ dặn (Báo Văn số 21, tháng 9/1957). Hai tác phẩm trên đã khiến Phùng Quán phải lao đao trong một thời gian rất dài, phải mượn nhiều tên tuổi của người khác để công bố tác phẩm của mình. Âu cũng là số phận và thân phận văn chương đến hôm nay khi nhắc đến chúng ta không khỏi chạnh lòng.
 

Bìa cuốn sách “Vượt Côn Đảo”

Nhưng Phùng Quán ngay từ đầu chấp nhận và đương đầu với tai ách văn chương, coi đó là cái nghiệp của mình phải gánh và ông đã rất gan góc vượt qua. Các tên tuổi văn chương trong Nhân Văn Giai Phẩm như Trần Dần, Đỗ Nhuận, Tử Phác, Hoàng Cầm, Trúc Lâm, Hoàng Tích Linh,... cũng phải đối mặt với muôn trùng sóng gió đã cho Phùng Quán những kinh nghiệm sâu sắc để đời, cũng là tạo dựng một bản lĩnh khác thường của ông. Khoảng thời gian cuối năm 1957, Phùng Quán bị kỷ luật treo bút và phải đi lao động thực tế ở nhiều nơi như Thái Bình, Hà Nam, Việt Trì, Thanh Hóa,... cho đến cuối năm 1964, Phùng Quán mới được nhận vào làm việc tại Vụ Văn hóa quần chúng - Bộ Văn hóa tới lúc nghỉ hưu năm 1985.
 
Tôi hoàn toàn chưa được gặp nhà thơ Phùng Quán, bởi ông mất ngày 22 tháng 1 năm 1995 khi tôi mới vừa nhập ngũ, còn chưa biết đến văn chương nghệ thuật là gì. Tuy nhiên, các giai thoại về nhà thơ Phùng Quán luôn rất hấp dẫn với anh em chiến sĩ có máu văn nghệ như tôi. Tới khi tôi được tham gia vào Ban Liên lạc, tiếp đó là Hội đồng Họ Phùng Việt Nam từ năm 2009, tôi càng để tâm sưu tầm và đăng tải truyền thông các hình ảnh, tác phẩm thơ văn của Phùng Quán. Chúng tôi đang ấp ủ và dành thời gian, tâm huyết để tiến tới thực hiện Hội thảo khoa học Phùng Quán - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp. Bạn bè đồng nghiệp văn chương đều mong muốn và ủng hộ rất nhiệt thành mọi công tác chuẩn bị cho Hội thảo.
 
Từ năm 1957, sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, Phùng Quán không được phép in sách ký tên mình. Ông đã phải tìm mọi bút danh để in văn và đã tự dựng một chiếc chòi ngắm sóng để câu trộm cá ở Hồ Tây sinh sống. Đến mức, bạn bè văn nghệ đã gói gọn cuộc đời Phùng Quán thời kỳ này là: “Cá trộm, rượu chịu, văn chui”. Đã có một chuyện cười ra nước mắt khi Phùng Quán phải mượn tên Vũ Quang Khải, em ruột của vợ ông (bà Vũ Bội Trâm) để đứng tên tác phẩm Như con cò vàng trong cổ tích dự thi cuộc Vận động sáng tác về Lênin được hãng thông tấn Lovosti (Liên Xô) trao giải thưởng. Nhận được giấy mời của Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội, Vũ Quang Khải rất lo lắng báo cáo cơ quan và cơ quan đã đồng ý sắm cho anh một bộ com lê để đi nhận giải. Hai anh em Phùng Quán, Vũ Quang Khải lo lắng đèo nhau đến cổng Đại sứ quán mãi Khải mới dám vào còn Phùng Quán ở bên ngoài hồi hộp chờ đợi. Vậy mà cũng phải đến ngày hôm sau, khi cô thủ kho đi vắng hôm trước trở về mới cấp được giải thưởng là một tấm bằng, một chiếc xe đạp Liên Xô rất oách và một bộ com lê.
 
Người cho Phùng Quán mượn tên nhiều nhất là nhà thơ Thanh Tịnh khi đó làm Tổng Biên tập Văn nghệ Quân đội. Bất kể Phùng Quán cần mượn tên Thanh Tịnh ở thể tài nào, Thanh Tịnh đều đồng ý ký tên. Đến mức, các Nhà xuất bản đã lấy làm ngạc nhiên không hiểu tại sao nhà thơ Thanh Tịnh lại sáng tác được ở nhiều thể loại đến vậy. Thanh Tịnh còn bảo đại ý tớ tuổi cao, các cậu xuất bản trẻ khỏe chịu khó đi xích lô tới nhà số 4 Lý Nam Đế ký hợp đồng. Lần nào Phùng Quán lên nhận tiền nhuận bút từ Thanh Tịnh đều biếu ông anh một con cá chép to câu trộm ở Hồ Tây. Đã có đến trên 60 cuốn truyện tranh ở Nhà xuất bản Văn hóa và Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc Phùng Quán phải mượn các tên khác nhau mà chủ yếu là tên Thanh Tịnh. Tiểu thuyết nổi tiếng Tuổi thơ dữ dội (tập 1, năm 1983, Nhà xuất bản Thuận Hóa) in vẫn phải lấy tên tác giả là Đào Phương. Mãi đến năm 1988, khi được khôi phục Hội tịch Hội Nhà văn, Tuổi thơ dữ dội trọn bộ mới được mang tên Phùng Quán.
 

Bìa một số cuốn sách của Phùng Quán

Một điều đặc biệt, với văn xuôi Phùng Quán đã từng mượn rất nhiều tên người khác nhau, nhưng với thơ ông tuyệt nhiên chỉ dùng một tên duy nhất: Phùng Quán. Đây là cá tính, sự nhất quán của Phùng Quán tới giây phút cuối cùng như ông đã từng viết: Thơ là mạng sống, là lý lịch đời tôi - Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ đứng dậy.
 
Sự yêu thơ đến thành kính một cách hết sức quyết liệt như một thứ tôn giáo chỉ có thể có ở Phùng Quán. Phùng Quán luôn là một tên tuổi mà giới văn bút trong cả nước vô cùng trân quý, mến mộ cả về thơ ca và nhân cách sống. Cả đời Phùng Quán, nhất là văn chương của ông chính là giấy thông hành lớn nhất để ông đi khắp nơi, làm nhiều việc có ích với văn chương nghệ thuật.
 
Đầu thập kỷ tám mươi, khi Phùng Quán đã được đã biên chế và lĩnh lương cán sự hai 56 đồng tại Cục Văn hóa quần chúng, Bộ Văn hóa, thấy ông không có việc gì cụ thể nên cơ quan điều lên nông trường Quân Chu - Thái Nguyên để tăng gia sản xuất. Khi đó đang ở vào thời sau kỳ cuộc chiến tranh chống Mỹ, ta bị cấm vận gắt gao nên vấn đề lương thực rất quan trọng. Mọi công dân ở miền Bắc đều ra sức tăng gia sản xuất với các chỉ tiêu rất cụ thể. Phùng Quán được giao mỗi một vụ 6 tháng phải nộp 3 tạ sắn hoặc mía, khoai tùy từng thời điểm. Nếu không nộp phải phạt đền bằng tiền. Phùng Quán đã ghi biên bản thế chấp là chiếc xe đạp mi-ni con vịt - tài sản quý giá nhất của ông với cơ quan.
 
Thời gian ở nông trường Quân Chu - Thái Nguyên, nơi lam sơn chướng khí khắc nghiệt ngày trước từng là một trại tù của thực dân Pháp, mùa đông rét như cắt da cắt thịt, vậy mà các bản làng quanh nông trường hễ có kỳ cuộc gì như đám cưới, đám giỗ, Phùng Quán đều được mời tới dự và ông đã đọc thơ rất hay theo yêu cầu bản chủ. Mãi sau này mọi người mới biết ông là nhà thơ Phùng Quán nên ai cũng  quý ông.
 
Bởi vậy chăng mà thơ Phùng Quán có những bài về cây rất sâu sắc. Ông có bài Cây cọ: Nhà lợp lá cọ/ Một đời không quá ba lần/ Che mát nghìn cơn nắng lửa/ Coi khinh nghìn trận mưa tuôn/ Dù trong một mảnh vườn con/ Hay trên bạt ngàn sỏi đá/ Cọ vẫn sống cuộc đời đại thụ/ Chấp thời gian, mục nát, cuồng phong/ Cọ vẫn đứng thẳng trăm năm hay hơn nữa/ Che cho mình dăm tàu lá nhỏ/ Che cho đời nghìn tán lá xanh...


Nhà văn Phùng Quán lúc sinh thời (người thứ hai từ bên trái sang, hàng đầu) cùng các bạn văn (Ảnh: Tư liệu)
 
Lâu nay, trong giới văn bút vẫn có những đồn thổi khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về mối quan hệ giữa nhà thơ Tố Hữu và Phùng Quán. Trước tiên phải thấy rằng, thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám, bố Phùng Quán tham gia hoạt động cách mạng bị bắt và chết trong nhà lao lúc Phùng Quán mới một tuổi. Hai người chú khác của Phùng Quán là Phùng Vạn (Nguyễn Vạn) và Phùng Thị đều sớm tham gia cách mạng và giữ những trọng trách được phân công. Mẹ Phùng Quán tuy lớn tuổi hơn Tố Hữu nhưng vẫn là em do bà ngoại ông là người đến sau với bố Tố Hữu. Bởi vậy, về vai vế, Phùng Quán là thế hệ sau, gọi nhà thơ Tố Hữu bằng cậu.
 
Trong một tư liệu kể về việc nhà thơ Tố Hữu khi trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi năm 1998, đã nói: “Xét cho cùng, không có một sáng tác nào của Phùng Quán lệch lạc về chính trị cả. Ngay cả bài thơ Lời mẹ dặn bị phê phán một chặp thì cũng chỉ hơi móc máy một chút thôi”. Trong một bài viết khác của chính Phùng Quán kể về việc đến chúc Tết nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định mối quan hệ giữa ông và người cậu tuy không phải rất tốt đẹp song cũng không ở mức xấu như giới văn bút một thời lầm tưởng. Đó một phần còn do cá tính rất mạnh của Phùng Quán. Nhất là, sau cuộc vướng vào Nhân Văn Giai Phẩm, cá tính ấy càng dữ dội và nghiêm ngặt cũng là cách Phùng Quán tự rèn luyện chính bản thân. Đối với những văn nghệ sĩ cá tính như Phùng Quán, việc ứng xử với người cậu - nhà thơ Tố Hữu luôn là phép thử cũng là mối quan tâm đặc biệt của giới văn bút thời kỳ đó. Khi có độ lùi thời gian, mọi việc đã dần trở nên nhẹ nhàng thanh thoát, chúng ta đã dần dần cởi bỏ được sự soi xét có phần chưa thỏa đáng về mối quan hệ giữa nhà thơ Tố Hữu và Phùng Quán.
 
Một nhân vật đặc biệt quan trọng trong cuộc đời Phùng Quán chính là vợ ông - bà Vũ Bội Trâm. Bà Vũ Bội Trâm sinh tháng 1 năm 1932 tại số 3 Hàng Cân - Hà Nội. Bà là một cô gái Hà Nội gốc xinh đẹp và học giỏi. Bà đậu Tú tài năm 1954 tiếp đó vừa dạy cấp hai vừa học dự thính Đại học Sư phạm Khoa văn khóa I, nhưng phải mãi đến năm 1963 mới tốt nghiệp, sau đó dạy trường cấp 2 Trưng Vương. Từ năm 1970 đến năm 1985, cô giáo Vũ Bội Trâm dạy trường cấp 3 Chu Văn An. Từ khi quen biết, yêu nhau và lấy nhau, cặp vợ chồng Phùng Quán - Vũ Bội Trâm đã để lại những giai thoại khiến giới văn bút và nhiều người thân quen, bạn đọc khắp nơi phải trầm trồ, thán phục.
 
Khi bị vướng vào Nhân Văn Giai Phẩm, Vũ Bội Trâm khi đó đang là giáo viên dạy văn đã phải trả lời tổ chức rằng: “Tôi yêu anh Phùng Quán và nhất định lấy anh ấy làm chồng. Anh ấy là người tốt. Thời gian sẽ trả lời!”. Đám cưới của Phùng Quán và Vũ Bội Trâm diễn ra năm 1962 tại nhà mẹ nuôi Phùng Quán ở Nghi Tàm. Bữa tiệc chỉ có bốn người bạn thân và hai vợ chồng Phùng Quán. Điều đó nếu ở những người khác sẽ trở thành nỗi ám ảnh khó vượt qua, song với vợ chồng Phùng Quán - Vũ Bội Trâm, từ dấu mốc lịch sử của cuộc đời ấy đã giúp cặp uyên ương gắn bó son sắt với nhau cho tới giây phút cuối cùng. Đến lúc Phùng Quán mất năm 1995, bà Vũ Bội Trâm đã đưa chồng về Huế theo nguyện vọng của Phùng Quán đồng thời sắp sẵn phần mộ cho mình bên cạnh ông. Điều đó đã nói lên sự lớn lao và sâu sắc hiếm thấy của một mối tình thủy chung bền chặt.
 

Bìa cuốn sách “Tuổi thơ dữ dội”
 
Khi nhà văn Phùng Quán được phục hồi Hội tịch Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988 cùng với các nhà văn nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh. Mọi người quyết định tổ chức một bữa cơm tại nhà Phùng Quán với sự có mặt của nhà văn Nguyễn Khải - Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn; nhà văn Xuân Thiều - Chánh Văn phòng Hội Nhà văn và một số bạn hữu. Bữa cơm rất đơn giản chỉ với một rổ bún, một bát thịt bò xào cùng với một vò rượu nút lá chuối bày trong Chòi ngắm sóng của Phùng Quán. Nhà thơ Phùng Quán tươi cười nhưng trịnh trọng nói: “Gọi là có chén rượu nhạt cảm ơn các anh”. Nhà văn Nguyễn Khải vốn rất hoạt ngôn đỡ tay Phùng Quán đáp lễ thành thật và xúc động nói: “Các bác không phải cảm ơn. Đây là lời tạ lỗi của một người em”.
 
Đã có một thời, việc khôi phục Hội tịch cho những con người giản dị nhưng lừng lẫy đã diễn ra như thế.
 
Thơ Phùng Quán luôn nhất quán như chính cuộc đời ông. Kể cả thơ tình ông gửi tặng một người rất riêng cũng đều rất cách mạng: Có hai đứa yêu nhau/ Cả hai cùng bộ đội/ Cờ Tổ quốc trên đầu/ Đứa Huế, đứa Hà Nội - Hai đứa không nhà cửa/ Quân đội là gia đình/ Gặp nhau ngày hội lớn/ Giữa Thủ đô hòa bình (Hai đứa, 3/7/1955). Bài thơ tình Phùng Quán tặng cho mối tình đầu của mình với một diễn viên Đoàn Văn công quân đội. Cô văn công xinh đẹp khi đọc Vượt Côn Đảo đã đem lòng yêu chàng trai xứ Huế tài hoa và quyết liệt. Mãi mới hẹn được người yêu đi dạo phố, cả hai đều mặc quân phục, khi đi qua hàng kem Phùng Quán rủ người yêu vào ăn, cô gái nghiêm mặt bảo: “Anh nên nhớ em và anh là bộ đội”. Đến khi Phùng Quán vướng vào Nhân Văn Giai Phẩm, từ đó, xuống bếp ăn tập thể, cô người yêu không ngồi với Phùng Quán nữa. Thậm chí, mỗi khi thấy Phùng Quán, cô lập tức rẽ sang hướng khác. Phùng Quán đuổi theo đã bị người yêu nghiêm mặt nói dứt khoát: “Tôi không có chuyện gì để nói với anh nữa”. Ôi chao! Tình yêu ban đầu của chàng thi sĩ họ Phùng biết mấy trớ trêu!
 
Nhà thơ Phùng Quán, trong toàn bộ cuộc đời mình, toàn bộ sự nghiệp văn chương nghệ thuật đều là hướng tới con người, Tổ quốc và nhân dân. Ở ông, tuyệt không có mảy may suy nghĩ lệch lạc, càng không bao giờ tuyệt vọng khi bản thân ở vào những khúc ngoặt bi ai, bị hiểu nhầm, thậm chí là oan khuất. Thơ văn của ông luôn sáng trong và quyết liệt đến tận cùng. Ông đã được trả lại danh vị và những thảo thơm cuộc đời đã trở lại bên ông công bằng, đúng mực. Ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, được đặt tên cho một con đường trên đất Kinh thành Huế nơi ông sinh ra cùng những bậc cha chú, cậu mợ của đại gia đình ông. Sự nghiệp văn chương của Phùng Quán sẽ mãi còn với đất trời, với con người mà ông hằng yêu mến.
 
Theo Nhà văn Phùng Văn Khai / Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên