(Thứ bảy, 20/02/2016, 09:27 GMT+7)

THƠ PHÙNG KHẮC KHOAN

HIỆN THỰC VÀ LÃNG MẠN

 

Trần Lê Văn

 

 

Trong việc học việc thi thời Nho học, thơ là một bộ môn quan trọng trong chương trình. Ca dao xưa nói về việc rèn luyện của người sĩ tử:

Trai thì đọc sách ngâm thơ

Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa

Như vậy là học kinh sử chưa đủ, còn phải học thơ và cách làm thơ cho đúng phép tắc nữa. Nhà bác học Lê Quý Đôn, một danh sĩ đỗ đại khoa, đã nói có ý giễu cợt về cái học thơ ấy: “Thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi”. Ý nói học trò muốn thi đỗ chỉ cần học thuộc lòng một nghìn bài thơ, một trăm bài phú, năm mươi bài văn sách là có thể có thể ăn chắc. Học thuộc lòng rồi sào đi nấu lại theo công thức có sẵn. Cứ theo cách học ấy thì sĩ tử nào chẳng biết làm thơ. Trải qua các triều đại, biết bao nhiêu người đi thi và thi đỗ, biết bao nhiêu bài thơ làm thơ theo quy chế nhà trường, nhưng còn lại bao nhiêu thi nhân trong văn học sử?

Một điều nghe như nghịch lý là có nhiều người đỗ đại khoa mà làm thơ không hay. Trái lại có những người chỉ đỗ tiểu khoa hay không đỗ đạt gì cả mà làm thơ hay tuyệt. Nguyễn Du chỉ đỗ tam trường (tương đương tú tài) mà nổi danh thi hào. Trần Tế Xương chỉ đỗ tú tài mà trở thành nhà thơ bất tử. Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Thị Hinh (tức bà huyện Thanh Quan) chỉ vì là phụ nữ, dù hay chữ cũng không được đi thi, không có học vị gì cả, thế mà tài thơ lừng danh sử sách.

Trong lịch sử văn học nước ta có những nhà Nho đỗ đại khoa, giỏi về văn chương trường ốc nhưng trong lĩnh vực thơ ca, rất xứng danh thi sĩ. Trường hợp Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan là một ví dụ hiển nhiên.

Thơ ông là thơ thực chất, vượt xa thơ khuôn sáo nhà trường, càng vượt xa thứ thơ thù tạc phù phiếm của một số khá đông nhà nho làm thơ để lấp cái trống rỗng của thời gian.

Thơ ông dung hòa được những mặt dường như đối lập nhau: Nhập thế và xuất thế, hành động và tiêu tao, hiện thực và lãng mạn, bác học và dân gian…

Thơ ông thể hiện được bản ngã của ông, bày tỏ khá rõ nét diện mạo tinh thần của ông, rất phù hợp với diện mạo thể chất đã được họa sĩ đương thời ghi nhận trong bức tranh chân dung mà chúng ta còn được chiêm ngưỡng một ông già thông minh mà chất phác, đôn hậu mà tươi vui hóm hỉnh.

Là môn đồ ưu tú của Khổng Mạnh - Trình Chu, trước sau ông vẫn giữ vững nền móng tư tưởng Nho gia. Thơ “Ngôn chí” được xây dựng trên nền móng ấy. Văn đề thư đường Hoằng Đạo cũng nói lên cái chí hướng ấy. “Hoằng Đạo” là mở rộng đạo lý. Đạo lý nhà Nho: tu, tề, trị, bình (tu nhân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Suốt đời ông thực hiện đạo lý ấy với sự gắng sức không mệt mỏi. Ông luôn luôn khẳng định vai trò của mình trong cuộc sống. Bài“Tây hành nhập Thanh Hoa dao vọng thanh sơn” (đi về phía Tây vào xứ Thanh Hoa xa trông ngọn núi xanh) có đôi câu then chốt:

Ngã thị quốc gia chân trụ thạch

Khu khu hà tất vẫn nham quynh

(Ta là cột đá nước nhà

Tìm chi chốn vắng để mà ẩn thân)

Với tư tưởng nhập thế của Nho gia, ông vận dụng mạnh mẽ tài năng văn võ của mình để giúp nước giúp dân. Trong các danh nhân - nho sĩ mà tên tuổi đã được ghi vào sử sách nước ta, Phùng Khắc Khoan đứng vào hàng ngũ những người kinh bang tế thế bậc cao.

Cũng như nhiều danh nhân - nho sĩ nước ta, Phùng Khắc Khoan không chỉ được bồi dưỡng trí tuệ và tâm hồn bằng cái nguồn Nho học mà còn được bồi dưỡng bằng những nguồn kiến thức cao sâu huyền diệu khác trong triết học phương Đông. Càng ngày, Phùng Khắc Khoan càng như chim bằng vươn cánh vào chín tầng mây thăm thẳm của Lão - Trang, tư thế tĩnh tâm thiền định để thấu triệt lẽ sắc không của Phật đều có vang bóng trong tư duy và cảm xúc của các văn nhân thi sĩ lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du…

Ở Phùng Khắc Khoan, những vang bóng ấy cũng góp phần to lớn tạo nên nhiều cung bậc siêu phàm và nhiều sắc thái khác nhau trong thơ ông. Đọc bài tựa tập thơ “Ngôn chí” của ông, chúng ta cũng thấy tính phong phú trong tư duy thơ của ông… “Nếu chí mà ở đạo đức thì tất là phát ra lời lẽ hồn hậu, chí mà ở sự nghiệp thì tất nhả ra khí phách hào hùng, chí ở rừng suối gò hang thì thích giọng thơ liêu tịch, chí ở gió, mây, trăng, tuyết thì thích vẻ thơ thanh cao, chí ở nỗi uất ức thì làm ra lời thơ ưu tư, có hào hùng, có tiêu lịch, có thanh cao, còn ưu tư và ai oán thì đã thăng hoa một niềm ưu ái phảng phất như niềm tâm sự của cụ Ức Trai vậy…”.

Phùng công là người ưa động mà cũng thích tĩnh. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ở nhiều môi trường khác nhau nhưng cũng thường lui tới những nơi am thanh cảnh vắng, không phải để ẩn dật mà để di dưỡng tính tình và tình cảm hứng thơ. “Lên núi Phật Tích” (Đăng Phật Tích sơn) ông xuất hiện dưới dạng một nhà thơ có tiên phong đạo cốt “Bài thơ trích đoạn như sau:

Bỗng đâu nảy hứng tới rừng thiền

Nhẹ gót đường mây bước thản thiên

Chim dưới bóng thông chào đón khách

Hoa trong hang núi lặng nhìn tiên

Hái sao một với trời vịn tới

Gạt bụi ba nghìn cõi sấn lên

Vách đá, phủi rêu đề cảnh đẹp

Thơ thành, bút khuấy động sơn xuyên

                         (Bản dịch của Tham Tuyền)

Hứng thú tăng cao đã đưa thi nhân đến một tứ thơ siêu thoát, vượt lên trên cả ba nghìn thế giới (Tam thiên thế giới là quan niệm của nhà Phật về vũ trụ luận). Với sức tưởng tượng mạnh, nhà thơ tưởng chừng giơ tay hái được những chùm sao, và khi phủi rêu, đề thơ vịnh cảnh thì cả sông núi cũng rung động về thơ.

Lên chùa Phát Am, ông cũng làm thơ đề, phỏng dịch như sau:

Đỉnh non, cao ngất lâu đài

Một bầu thế giới tuyệt vời ở trong

Nghìn năm, xuân chẳng tận cùng

Bốn mùa, hoa vẫn ngát lừng hương bay

Bụi không vương mảnh đất này

Trời mênh mông để tháng ngày dài thêm

Có đường lên đến cõi tiên

Can chi mà phải hỏi phiền chàng Lưu

                (Bản dịch của Trần Lê Văn)

Trong thơ, không gian thì cực kỳ thanh sạch, thời gian thì không gây chuyện tang thương. Nếu hỏi là “Tồn tại hay không tồn tại?” thì trả lời là “Tồn tại, và tồn tại vĩnh cửu” thế là cõi tiên, cái cõi mơ ước của loài người. Trăng cao, dù chỉ trong khoảnh khắc cũng cảm thấy được hưởng cái kỳ thú vĩnh cửu. Chẳng cần phải hỏi những anh chàng lên tiên rồi lại về tục như Lưu Thần, Nguyễn Triệu làm chi!

Trong thơ Phùng Khắc Khoan tình yêu con người và tình yêu thiên nhiên bao giờ cũng hòa quyện vào nhau thắm thiết. Con người lành mạnh nào cũng yêu thiên nhiên, cái nôi sinh trưởng của mình, cái nguồn tươi mát làm dịu nhẹ những gian lao, cay cực của kiếp người. Ở những thi nhân nghệ sĩ thì hồn người dường như gắn bó hữu cơ với hồn tạo vật, cái ta nhỏ của bản thân mình gắn bó với cái ta lớn của vũ trụ. Gió, mây, cây cỏ thường chia sẻ buồn vui, sướng, khổ với người. “Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!” (Nguyễn Du).

Thiên nhiên trong thơ ông Phùng không phải là vật trang trí, không phải là cái phông sân khấu mà là người bạn chung thủy trên đường đời…”. Lâm tộc tảo hành” (Sáng sớm đi ở chân rừng) ông làm thơ:

Trèo leo sớm sớm chân rừng

Trĩ kêu trong nội, ô bừng ngoài khơi

Đón ai, hoa mỉm nụ cười

Cờ lau thẳng hướng mặt trời, bày ra

Cỏ cây thuộc tiếng mừng ta

Gió mây gợi tứ, bút hoa nảy vần

Chuyến này, “dương hiển danh thân”

Đèo heo suối thẳm, gian truân xá nào!

                      (Bản dịch của Tham Tuyền)

Sở dĩ nhà thơ có sức trèo đèo, vượt suối, không quản gian truân là do nghị lực của chính mình, đồng thời cũng do sự tiếp sức của thiên nhiên tươi đẹp.

Thời gian đi sứ, xa nhà, “Ở công quán, đêm đông hoài cảm” (Công quán đông dạ hữu hoài) ông cũng tìm được tâm sự khuây khỏa trong thiên nhiên:

Trăng biết nỗi lòng, nghìn dặm chiếu

Chuông khua giấc mộng, mấy canh rung

Tuyết tan phương Bắc, vầng hồng chuyển

Dạ nhớ trời Nam, mây trắng giong…

                           (Bản dịch của Trần Lê Văn)

Cảm nhận thiên nhiên cực tinh tế, ngọn bút thơ ông đã tạo nên nhưng câu tuyệt tác, không thua kém thịnh Đường:

Liễu sắc chiếu nhân như nguyệt sắc

Phong thanh xuy thụ tự tuyền thanh

Trong các nguồn nước suối dưỡng hồn thơ Phùng Khắc Khoan phải kể đến một nguồn quan trọng bậc nhất là nguồn dân gian, dân tộc. Đây không phải là nguồn nước nữa mà là nguồn sữa mẹ. Về thơ chữ Hán, ông tinh luyện đến mức trong cuộc bang giao, thơ ông đã được Vua nhà Minh khâm phục và khen rằng: “Hà địa bất sinh tài” (Đất nào mà chẳng có người tài). Tuy nhiên không vì giỏi Hán học mà ông coi nhẹ tiếng Nôm, tiếng mẹ đẻ. Về thơ Nôm, ông còn để lại cho chúng ta một bài thơ dài rất độc đáo, rất tâm huyết, có thể coi như một bản trường ca viết về con người với thiên nhiên, con người tạo dựng thiên nhiên. Trường ca này có nhan đề là “Lâm tuyền vãn” hay “Đào nguyên hành”.

Trong hoàn cảnh bị Triều đình biếm đi đày, ông lại tìm ra cái thú lâm tuyền (rừng suối) ở nơi lưu đày, thậm chí coi nơi đó là “Đào nguyên” thì đó là biểu hiện bản chất và bản lĩnh khác thường của một thi sĩ - triết nhân. Mở đầu “Lâm tuyền vãn” đã thấy khoan khoái:

Vô sự là tiểu thần tiên

Gẫm xem ngoại thú lâm tuyền cực vui!

“Ngoại thú” là cái thú ở ngoài cuộc đời trần tục, cũng như sách nói Nguyễn Du: “Đường gần rừng tía, đường xa bụi hồng”.

Ông Phùng ngày càng ngắm nhìn vẻ đẹp của cây xanh dưới ánh trời hồng:

Cảnh này lọ là vẽ tranh

Ngọn cây sớm sớm treo tranh mặt hồng

Trong bức tranh thiên nhiên ấy, mặt trời buổi sớm như một chiếc chiêng treo chênh chếch ở ngọn cây. Đẹp thật!

Nhân cái đẹp thiên nhiên, ông thuận đà bàn luôn về cái đẹp do con người có đầy đủ khả năng tạo ra:

Chọn nơi đất rộng chốn không

Mở vườn dăm mẫu vun trồng cỏ hoa

Thế là trong thơ nảy ra sum suê các loài thảo mộc mà Trạng khuyên mọi người nên trồng để đem lại cái đẹp và cái có ích cho cuộc sống. Bài thơ trở thành bài giảng về thực vật học, về việc trồng cây, về những món ăn đặc sản có chất thảo mộc… Bài giảng không khô khan mà rất hấp dẫn bởi những hình ảnh, những ví von, những tiếng cười như trong ca dao dân tộc. Phùng công dặn người làm vườn:

Trồng dưa chớ để mùa qua

Ngăn phên mắt cáo, kẻo gà đạp kê

Quanh vườn thả đậu sừng dê

Mướp trâu, dưa chuột bốn bề leo dong

Tác giả chơi chữ rất hóm: dùng phên mắt cáo để  khỏi vào phá vườn vì  vốn sợ cáo.Trong vườn có trồng cây kê. Kê lại có nghĩa . Nếu không đề phòng cẩn thận thì  lại vào đạp gà. Quanh vườn lại có đậu sừng dê, mướp trâu, dưa chuột. Toàn là tên các con vật quen thuộc. Khúc thơ gợi một bức tranh dân gian vui nhộn. Đây món ăn dân dã, hợp khẩu vị chúng ta:

Già răm cho húng phải lui

Măng ếch, lá lốt hợp mùi xương xông

Đây những thứ hoa quả có dáng hình ngộ nghĩnh gây cười:

Bí đao nhếch nhác phấn vôi

Bầu leo nghểnh cổ còn ngồi trông dưa

Các tin liên quan