Kỷ niệm 50 năm Thành lập Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ (1975-2025)
Phú Thọ, nơi có kinh đô Văn Lang trong buổi bình minh của các Vua Hùng dựng nước. Đi trên đất Tổ, ta còn nghe vang vọng từ ngàn xưa tiếng gà gáy, tiếng thầm thì làm bánh chưng, giã bánh giầy tiến vua và nuôi quân đánh giặc, để bảo toàn giang sơn bờ cõi của con cháu Tiên - Rồng.
Trải qua bao biến cố của thời gian, thăng trầm của lịch sử, trên mảnh đất khí thiêng sông núi này còn lấp lánh một kho tàng truyền thuyết văn hóa dân gian, những trang sử thi hào hùng, hóa quyện lung linh sắc màu huyền thoại trong tâm hồn mỗi người dân Việt về ý thức dân tộc. Miền đất cội nguồn với không gian văn hóa Hùng Vương, cảnh sắc, rừng cọ, đồi chè, sông Lô, sông Thao, ngã ba Hạc… là chất liệu phong phú, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ cầm bút trên quê hương và giới văn nghệ sĩ cả nước hướng về đất Tổ để sáng tạo những giá trị văn hóa tinh thần.
Thay mặt các VNS Phú Thọ, họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng - Chủ tịch Hội
tặng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tập thơ Đền Hùng, ảnh chụp năm 2009
Phú Thọ là cái nôi của nền Văn nghệ Việt Nam: Mùa thu năm 1947, Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Tố Hữu lên Việt Bắc cùng với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi phụ trách công tác văn nghệ. Thời điểm này quân Pháp mở chiến dịch lớn tiến đánh các căn cứ kháng chiến nhằm vây bắt và cô lập các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ ở Việt Bắc. Với lợi thế của một vùng đồi núi cây cối rậm rạp, Gia Điền (Hạ Hòa - Phú Thọ) được chọn đóng trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam và trụ sở của Tạp chí Văn nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ Việt Nam do nhà thơ Tố Hữu làm Thư ký tòa soạn, cùng với Thế Lữ, Văn Cao, Nguyên Hồng và các cộng sự: Tô Ngọc Vân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Kim Lân, Huy Cận, Hoài Thanh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Hữu Đang, Trần Huyền Trân, Như Phong, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Xuân Diệu, Thép Mới, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Thủy, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận....
Ở đây còn đóng trụ sở đầu tiên của Nhà xuất bản Văn nghệ do nhà văn Nguyễn Đình Thi làm Giám đốc. Trong hoàn cảnh kháng chiến thiếu thốn nhưng với nhiệt huyết của các văn nghệ sĩ, nhiều đầu sách được ra đời. Trong đó có những cuốn: “Những người ở lại” của Nguyễn Huy Tưởng, “Vượt lên bão táp” của Nam Cao, “Phố mới” của Kim Lân, “Dãy người” thơ của Nguyên Hồng, “Vỡ tỉnh” của Tô Hoài, “Nhận đường” tùy bút của Nguyễn Đình Thi, “Núi yên ngựa” của Ngô Tất Tố, “Văn Lỗ Tấn” của Phan Khôi dịch...
Nơi đây, Đại hội lần thứ Nhất thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam đã được tổ chức vào các ngày 23, 24, 25/7/1948 tại xã Yên Kỳ, có 80 văn nghệ sĩ cả nước về dự Đại hội, Số Tạp chí Văn nghệ đầu tiên đã được biên tập và phát hành ở Gia Điền. Tháng 3/1948, các số 2, 3, 4, 5 cũng được biên tập ở Gia Điền trong những tháng tiếp theo do nhà thơ Xuân Diệu đi in ở Báo Cứu quốc ở đồi Gò Bông cạnh xóm Gạo xã Gia Điền. Nơi đây, nhiều tác phẩm nổi tiếng được ra đời như "Du kích Sông Thao" của Đỗ Nhuận, "Trường ca Sông Lô" của Văn Cao, “Bầm ơi”, “Bà Bủ” của Tố Hữu… Vừa qua Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Báo Văn nghệ bằng kinh phí xã hội hóa đã đặt các nhà bia lưu niệm.
Phát huy truyền thống của miền đất Tổ cội nguồn, cái nôi của nền văn nghệ cách mạng. Đầu năm 1973, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris rút toàn bộ quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam. Hòa bình được lập lại ở miền Bắc. Theo nguyện vọng của anh chị em sáng tác, tháng 11/1973 UBND tỉnh Vĩnh Phú đồng ý thành lập Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ tỉnh do ông Trần Quốc Phi - Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, các ông Trần Gia Bằng - Trưởng Ty Văn hóa, ông Nguyễn Chí Vượng - Phó Ty Văn hóa làm Phó ban, ông Nguyễn Bùi Vợi - cán bộ Ty Văn hóa làm Ủy viên thư ký. Sau đó, bổ sung thêm nhạc sĩ Cao Khắc Thùy - Đoàn văn công, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn - Phòng Văn hóa Việt Trì, họa sĩ Hoàng Hữu - Ty Văn hóa về... Ban Vận động hoạt động đầy nhiệt huyết... Không khí văn nghệ trong những ngày đầu rất sôi động, chiêu mộ anh em văn nghệ khá đông, các văn nghệ sỹ thời đầu này phải kể đến: Cao Khắc Thùy, Nguyễn Bùi Vợi, Vũ Đình Minh, Khánh Nguyên, Hữu Thỉnh, Trương Quang Lục, Nguyễn Hà, Phạm Khương, Ngô Quang Nam, Nguyễn Đình Ảnh, Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Thái Vận, Hoàng Hữu, Kim Dũng, Trần Dư, Hà Phạm Phú, Hà Văn Thể, Phạm Đăng Chẩm, Nguyễn Hinh Anh, Tạ Minh Châu, Nguyễn Thị Mai, Khánh Hoài, Phan Chúc...

Nhà thơ Tố Hữu và phu nhân cùng các nhà thơ Nguyễn Xuân Sách, Hữu Thỉnh, Hà Phạm Phú
thăm Hội VHNT Vĩnh Phú, năm 1996
Giai đoạn từ 1975-1983: Sau gần hai năm nỗ lực chuẩn bị, trong hai ngày (3-4/3/1975) tại Hội trường Ngoại vụ UBND tỉnh, Đại hội thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú được tổ chức trang trọng, với sự có mặt của 46 hội viên. Trong dịp diễn ra Đại hội, Hội Vĩnh Phú đã đón nhiều đại biểu, các văn nghệ sĩ tên tuổi ở Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước về dự. Ngoài những tên tuổi như: Xuân Diệu, Huy Cận, Anh Thơ, Hoàng Trung Thông, Bảo Định Giang, Trần Nhật Lam, Trinh Đường, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Xuân Khoát, Phan Kế An… Đặc biệt có các văn nghệ sĩ ở Sài Gòn, Thừa Thiên Huế tập kết ra Bắc như; Trương Quốc Khánh, Lê Duy Hạnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Trần Công Tấn, Võ Quê đã đến dự, chia vui và chúc mừng sự ra đời của Hội. Trong những ngày Đại hội tin chiến thắng liên tiếp, dồn dập từ miền Nam bay ra trên các trang báo, trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Những tấm pa-nô hoành tráng vẽ bản đồ Việt Nam, in dấu chấm son màu cờ giải phóng nổi lên trên khắp đô thị miền Nam, là nguồn cảm hứng, khích lệ các văn nghệ sĩ sáng tác kịp thời, trong niềm tự hào dân tộc theo những bước chân “thần tốc” của các binh đoàn trong “chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” tiến vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Tờ Tạp chí “Sáng tác mới” của Hội - diễn đàn của giới văn nghệ sỹ Vĩnh Phú xuất bản số đầu tiên do họa sĩ Hoàng Hữu vẽ bìa và trình bày rất đẹp (mỗi quý ra 1 kỳ, rồi 2 tháng 1 kỳ), phụ bản in nhạc Cao Khắc Thùy. các số tạp chí có sự góp mặt của các tác giả tên tuổi lúc đó như: truyện ngắn Sao Mai, Ngô Ngọc Bội , Nguyễn Hữu Nhàn, Hà Chí Tịch, Văn Chinh; thơ Nguyễn Bùi Vợi , Hoàng Hữu , Nguyễn Đình Ảnh , Vũ Đình Minh, Nguyễn Cảnh Tuấn, Hoàng Tá; minh họa Ngô Quang Nam, Nguyễn Đài , Nguyễn Thọ, Vương Chùy ...
Đây là thời kỳ đầu đất nước hoàn toàn thống nhất, các tác phẩm văn học nghệ thuật ca ngợi niềm tự hào về thành quả thắng lợi của cách mạng, không khí hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới tự do. Nhiều tác của các văn nghệ sỹ được ra mắt như: "Sông rừng" tiểu thuyết của nhà văn Sao Mai; tập truyện "Làng Gành: và "Dốc Nắng" của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn; tập thơ "Quê xanh" của Nguyễn Bùi Vợi; "Truyền thuyết Hùng Vương", "Thơ ca dân gian Phú Thọ" của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương; "Hát Xoan Hát Ghẹo"; "Truyện dân gian Đất Tổ" và "Truyện cười Văn Lang" của Dương Huy Thiện; "Trăng rừng", "Hoa cỏ miền đồi" của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh; "Mùa lúa mùa trăng" của Kim Dũng; "Thềm phù sa" của Trần Dư; "Mùa hoa trẩu" thơ của Phạm Đăng Chẩm; "Khói ấm sau cây", "Màu cây hình chấu thổ" thơ của Hoàng Hữu; "Ngọn giáo búp đa" thơ của Ngô Văn Phú; "Gió đồng" thơ của Vũ Đình Minh; "Trận trung kết" truyện của nhà văn Khánh Hoài; "Gạch ra lò", "Con tôi à", "Nắn khung" (chèo) của nhà viết kịch Trịnh Hoài Đức; "Sức sống" (truyện thơ) "Phong tục lễ nghi thưởng thức" của Dương Văn Thâm; các tập nhạc "Bài ca chọn lọc" của Trương Quang Lục, "Tiếng hát sông Thao" của Cao Khắc Thùy, “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì” của Hoàng Hà... cùng với đó các bìa sách của họa sĩ Hoàng Hữu được trưng bày tại các cuộc triển lãm Quốc tế, được nhận giải Nhì cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ cho bài “Hai nửa vầng trăng”, họa sĩ Ngô Quang Nam tổ chức triển lãm tranh cá nhân tại tỉnh...
Nhà thơ Cù Huy Cận - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và đồng chí Phạm Dụ - Phó Bí thư TT Tỉnh ủy
dự Đại hội lần thứ III, Hội VHNT Vĩnh Phú (năm 1985)
Giai đoạn từ 1984-1990: Thời kỳ này phong trào sáng tác của các hội viên được đẩy mạnh, nhiều tác phẩm của các văn nghệ sỹ tỉnh Phú Thọ được, quảng bá đạt nhiều giải thưởng của Trung ương và địa phương như: “Bộ quần áo mới” của Ngô Ngọc Bội, tiểu thuyết “Bí mật một khu rừng” của Hoàng Bình Trọng, tập tuyện “Trận địa đồi sim” của Xuân Mai, tập truyện “Đá mưa” của Văn Chinh, Hoàng Quý với “Truyện cổ Mường Châu Phong”, “Đầm hoang” tiểu thuyết của Nguyễn Lê, “Băng ngũ hổ” tập truyện của Khánh Hoài, “Buồm mở cánh” thơ của Kim Dũng; “Gió đồng” thơ Vũ Đình Minh, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn xuất bản tiểu thuyết “Làng Cói Hạ” và có cuộc hội thảo tại Hà Nội giới thiệu về tiểu thuyết “Dốc nắng”; “Hoa học thầm” của Hoàng Tá; “K’lau Slam” của Lâm Quí; “Ngọn giáo”, “Búp đa” thơ Ngô Văn Phú; “Gian giáo - mùa cày” tập truyện của hai tác giả Nguyễn Uyển và Hà Chí Tịch;... Các nhà nghiên cứu văn hóa: Dương Huy Thiện với “Truyện cười Văn Lang”, “Hát Xoan, Hát Ghẹo”... Cao Khắc Thùy, Trịnh Hoài Đức thực tập sinh mới từ Hungari về, cùng với Nguyễn Kính Mời, Trương Quang Lục, Phạm Khương, Trịnh Hùng Khanh, Triệu Huyền Ngọc liên tục có các ca khúc, vở kịch, ca cảnh chèo phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam nhất là vào mỗi dịp Lễ hội Đền Hùng. Kịp thời động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất xây dựng quê hương đất nước. Họa sĩ Ngô Quang Nam mới tu nghiệp Học viện Mỹ thuật Praha (Tiệp Khắc) đem nhiều tranh và sách về triển lãm tại tỉnh, thúc đẩy các hoạt động sáng tác mỹ thuật. Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng có tác phẩm "Hòa bình, sự sống - chống chiến tranh hạt nhân” được trưng bày và tặng thưởng triển lãm Quốc tế tại Liên Xô; các họa sĩ Vương Chùy, Nguyễn Thọ nhận giải Bạc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc; các tác phẩm nghệ thuật của Đặng Thị Khuê, Trần Đình Ninh, Nguyễn Đài, Lê Duy Ngoạn, Nguyễn Học, Nguyễn Lương, Trương Quốc Tâm, Hoàng Gia Vinh... Phan Đinh, Vân Trang, Võ Huy Cát tham gia đạt nhiều giải thưởng tại các Triển lãm mỹ thuật, Liên hoan ảnh...
Giai đoạn này có sự góp mặt thêm của các cây bút trẻ Nguyễn Hưng Hải làm thơ và Nguyễn Tham Thiện Kế văn xuôi mới từ quân ngũ về, sau đó là Ngô Kim Đỉnh, Hải Thanh làm thơ. Không khí văn chương nghệ thuật của Hội lúc bấy giờ rất sôi động, Hội thường đón các nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Cù Huy Cận, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Khải, dịch giả Thúy Toàn, các nhạc sĩ Văn Cao, Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Huy Du, Tân Huyền, các họa sĩ Phan Kế An, Dương Viên, Mai Văn Hiến, Nguyễn Quân, Hoàng Lập Ngôn, Lưu Công Nhân... ghé thăm, dự những sự kiện do Hội tổ chức.
Năm 1985, tỉnh Phú Thọ có quyết định trao tặng giải thưởng Hùng Vương và giải thưởng 5 năm về VHNT, phần thưởng cao quý nhất dành cho đội ngũ văn nghế sỹ của tỉnh, giải được trao 5 năm một lần. Lần đầu tiên có các tác giả Hoàng Hữu, Ngô Quang Nam, Nguyễn Khắc Xương, Vương Chùy và Nguyễn Thọ được trao giải Hùng Vương. Năm 1990, tác phẩm "Ban mai chóng mặt" tập thơ của Nguyễn Hưng Hải được trao giải Hùng Vương, nhiều tác giả khác được nhận giải thưởng 5 năm.
Nhà văn Tô Hoài , nhà văn Sao Mai, nhạc sĩ Triệu Huyền Ngọc, nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh, nhà văn Xuân Mai
với các cháu lớp năng khiếu sáng tác văn học - Hội VHNT Vĩnh Phú (năm 1995)
Giai đoạn từ 1991-1995: Đây là giai đoạn VHNT Vĩnh Phú có nhiều khởi sắc, tên tuổi các văn nghệ sỹ Vĩnh Phú được vinh danh ở nhiều diễn đàn như: Tác phẩm "Xí nghiệp làng chè" của Văn Chinh được tặng giải Nhất thể loại bút ký trong cuộc thi viết về nông thôn 1989 do tuần báo Văn Nghệ phối hợp với Báo Nông nghiệp và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Một loạt các tác phẩm khác như: "Tiếng gọi rừng xa" (tiểu thuyết) của Sao Mai; "Miền đời quên lãng" (tiểu thuyết) của Nguyễn Tham Thiện Kế; "Đêm thị màu" (thơ) của Nguyễn Hưng Hải; "Cuộc chia ly của những con búp bê" (truyện ngắn) của Khánh Hoài; "Nữ tướng Trưng Vương" (nghiên cứu) của Nguyễn Khắc Xương; "Dòng máu" (tiểu thuyết) của Ngô Quang Nam; "Trước cổng trời" (tập thơ) của Nguyễn Đình Ảnh; “Ngày thứ ba mốt” (tập truyện) của Lã Thế Khanh; "Hạt sáng" (thơ) của Huy Mai; "Hoa học thầm" (thơ) của Hoàng Tá; "Mùa đổi gió" (thơ) của Giang Châu...
Tác phẩm "Chuyện ở lớp, chuyện ở nhà" của Nhà văn Khánh Hoài được nhận giải Nhất cuộc thi của Hội Nhà văn phối hợp với Ủy ban bảo vệ chăm sóc trẻ em Việt Nam và UNICEP Quốc tế tổ chức; "Trang cuối một tình yêu"; "Đầm hoang" (tiểu thuyết) của Nguyễn Lê được chuyển thể thành phim truyện; "Khát vọng" (thơ) Kim Dũng; "Cái sân chơi biết đi"của Hoàng Tá; “Vòng luân hồi xanh” (thơ) của Ngô Kim Đỉnh; "Hành trình thơ" (tập thơ) của Trần Dư; "Đấu vật", "Quê hương" tranh sơn dầu được trưng bày tại Triển lãm toàn quốc và "Bộ tranh khắc" được trưng bày tại Triển lãm Quốc tế của Đỗ Ngọc Dũng. Các tác phẩm "Thời gian", "Nắng trung du" (tranh bột màu) của Quang Thái; "Làm đường, tranh sơn dầu của Nguyễn Lưu; "Thánh Gióng" (phù điêu) của Lê Duy Ngoạn được trưng bày tại triển lãm toàn quốc năm 1995. "Mặt trời trung du" ảnh của Võ Huy Cát; "Duyên quê" của Hoàng Tác được giải xuất sắc năm của Hội nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam; Triển lãm ảnh cá nhân của Phan Đinh, của Vân Trang đã làm nên diện mạo của nhiếp ảnh thời kỳ này.
Các tác phẩm sân khấu có "Nắn khung"; "Quý tử" "Lũ xoáy chân đồi" kịch của Trịnh Hoài Đức; "Cấy lại" của Nguyễn Kính; "Người đi tìm ngọc" của Văn Lợi; "Bức tường phải phá" của Trần Thành; "Mối tình gặp lại" của Văn Chê; "Tại tôi" của Phạm Đăng Ninh. Các phẩm âm nhạc có: "Tìm hiểu về Hát Xoan:, "Tìm về lời ru" của Đào Đăng Hoàn; "Trăng ơi nhớ về quê em" của Hà Hoàn; "Về với hát Ghẹo", "Đón em về đất Tổ" của Trịnh Hùng Khanh; "Chú gà chú vịt" "Màu xanh lâm trường" của Triệu Huyền Ngọc... Lĩnh vực biểu diễn có; Trần Huynh đạo diễn, Hoàng Tự Dung vai thầy giáo Khiết, Xuân Hương vai Nhung trong vở "Đợi đến mùa xuân" - Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995; Ánh Tuyết - Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu Chèo toàn quốc 1995…
Giai đoạn 1991-1995: Một số tác phẩm được trao giải thưởng VHNT Hùng Vương: "Băng ngũ hổ" (tập truyện) của nhà văn Khánh Hoài; "Cái sân chơi biết đi" (thơ) của Hoàng Tá; "Quê hương", “Đấu vật” (tranh Sơn dầu) của Đỗ Ngọc Dũng ; "Duyên quê" ảnh của Hoàng Tác; "Mặt trời trung du" ảnh của Võ Huy Cát. Bên cạnh đó còn nhiều tác phẩm có giá trị được nhận giải 5 năm.
Bí Thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Điền gặp mặt các VNS Phú Thọ, là hội viên các Hội chuyên ngành TW, năm 2000
Giai đoạn từ 1996-2000: Năm 1997, tỉnh Vĩnh Phú chia tách tái lập thành 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Nhạc sĩ Triệu Huyền Ngọc - Chủ tịch Hội, cùng các Ủy viên BCH: Xuân Mai, Lã Thế Khanh, Kim Hồng chuyển về Vĩnh Phúc. Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh được bầu làm Chủ tịch. Hội sớm ổn định tổ chức, dần đi vào hoạt động nề nếp, chất lượng tạp chí được nâng cao, Hội tiếp tục tổ chức được một số lớp năng khiếu sáng tác hè hàng năm, phát hiện, bồi dưỡng được một số cây bút trẻ triển vọng bổ sung cho lực lượng hội viên, nhiều người đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đỗ Thu Hiên, Phạm Việt Đức, Tuyết Chinh, Lê Bích Phượng…Thời kỳ này đạt nhiều thành tựu tiêu biểu phải kể đến: Tập nhạc "Yêu lắm đất quê mình" của nhạc sĩ Đào Đăng Hoàn, Tác phẩm " Nốt nhạc đồng quê", "Đốm trắng trên đồng" tranh sơn dầu của họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng đạt giải thưởng của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Hội Mỹ thuật Việt Nam; tranh sơn dầu "Những người như chân lý sinh ra" được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tác phẩm"Vùng cao", "Đất nguồn" tranh sơn khắc của họa sĩ Hoàng Gia Vinh nhận giải tại Triển lãm Khu vực; họa sĩ Nguyễn Lương với tác phẩm "Tập làm bộ đội" (tượng gỗ) và họa sĩ Nguyễn Lợi với "Nắng trung du" được giải thưởng UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam... Các tập truyện "Miền đất lạ" và "Người đất Tổ" của tác giả Vương Hồng; "Phố làng", "Chớm nắng" tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn; "Trăng thưa", "Nâng bầu huyền thoại" và "Sải cánh M ling" tập thơ của tác giả Điền Ngọc Phách; "Trăng trên phố" tập thơ của Kim Dũng; "Mảnh hồn chim lạc" của Nguyễn Hưng Hải, “Mùa phai” tập thơ của Ngô Kim Đỉnh... Một số tác phẩm: "Văn hoá Việt - Mường trong mối liên hệ truyền thống" và "Tản Đà trong lòng thời đại" của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương; "Vầng sáng và những kỳ tích" tập thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh; tập truyện "Mắt chim le", "Sáng tối mặt người", "Lá về mây" của nhà văn Sao Mai, tập thơ "Trước gương" của Nông Thị Ngọc Hoà; "Đất thiêng" thơ của Ngô Kim Đỉnh; "Trước của thiền" thơ của Nguyễn Hưng Hải; "Tiếng hát Lê Xoay" tập kịch của Văn Lợi được giải thưởng của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; "Mạnh hơn ma quỷ" của nhà văn Khánh Hoài (giải nhất cuộc thi kịch bản phim của Đài Truyền hình Việt Nam).
Cùng với sáng tác đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn cũng có nhiều thành tích: Duy Phượng, Việt Hà, Quang Huy đạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp Trung du miền núi 1997 và một số diễn viên tiêu biểu: Minh Luân, Quốc Giới, Hoàng San, Trọng Bằng... đạt Huy chương Bạc tại các kỳ hội diễn… Năm 2000 các tác phẩm: "Lá về mây" tiểu thuyết của Sao Mai. "Sắc cầu vồng" tập thơ của Nguyễn Đình Ảnh, "Yêu lắm đất quê mình" tập nhạc của Đào Đăng Hoàn, "Tản Đà trong lòng thời đại" nghiên cứu của Nguyễn Khắc Xương được nhận giải thưởng VHNT Hùng Vương và nhiều tác phẩm khác được tặng giải thưởng 5 năm.
Các nhà văn, nhà thơ quân đội Trần Đăng Khoa, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Hòa, Đỗ Bích Thúy
thăm Hội VHNT Phú Thọ năm 2001
Giai đoạn từ 2001-2005: Cuối năm 2000 nhà thơ nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh, Chủ tịch Hội nghỉ hưu, họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng được bầu làm Chủ tịch Hội.
Đây là thời kỳ Hội Văn học Nghệ thuật Phú Thọ nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thông tin, các Hội chuyên ngành Trung ương, sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành trong tỉnh. Hàng năm tổ chức được nhiều trại sáng tác cho tất cả các chuyên ngành, nhiều hoạt động như triển lãm, biểu diễn, hội thảo, tọa đàm, mở các lớp năng khiếu sáng tác... Bình quân mỗi năm xuất bản từ 20-30 đầu sách. Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ đẩy mạnh phát hành hàng tháng từ 1.500-1.700 bản/kỳ. Được đánh giá là một trong những tạp chí có chất lượng của Hội địa phương, đạt nhiều giải thưởng và Bằng khen của Bộ Văn hoá - Thông tin. Hội Nhà báo Việt Nam tại các kỳ tham dự Báo Xuân toàn quốc. Hội đã biên tập xuất bản tuyển tập cho tất cả các chuyên ngành, đặc biệt là 02 bộ Tuyển tập Văn học và Nghệ thuật Phú Thọ 30 năm (1975-2005). Đề xuất và được UBND tỉnh quyết định cấp cho 300 triệu thành lập Quỹ sáng tác của Hội, Trụ sở của Hội được xây dựng khang trang, trang thiết bị làm việc được đầu tư đồng bộ…
Một số tác phẩm tiêu biểu trong thời kỳ này phải kể đến "Lò lửa mùa xuân" tập truyện, "Sáng tối mặt người" tiểu thuyết của Sao Mai; "Phố làng", "Người quê" tập truyện, "Sóng đỏ", "Làng cao" kịch bản phim của Nguyễn Hữu Nhàn; "Khuất khúc", "Đường trường" tiểu thuyết của Ngô Ngọc Bội; "Người cha ở trên trời" tiểu thuyết. "Khuôn mặt đẹp" tập truyện của Nguyễn Tham Thiện Kế; "Câu chuyện bên hồ"; "Bóng thời gian" tiểu thuyết của Nguyễn Anh Đào; "Phố quan" tập truyện của Nguyễn Văn Lạc; "Những vì sao mê sảng", "Chiều không nhạt nắng" thơ của Nguyễn Hưng Hải; "Lời của lá" thơ Nông Thị Ngọc Hoà - giải thưởng Hội Nhà văn năm 2002; "Thức với dòng sông" thơ của Kim Dũng; "Vầng sáng và những kỳ tích" thơ Nguyễn Đình Ảnh; "Giọt mưa xanh" thơ của Vương Hồng; "Tự ru" thơ của Vũ Thanh Thủy; "Bao thu gom lại" thơ của Điền Ngọc Phách; "Mưa trên lá cọ" của Phương Quý; "Giấy trắng tình quê", "Thiếp hồng" kịch của Trịnh Hoài Đức được giải của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; "Sông Lô thì thầm" tập truyện của Xuân Thu; "Ngày trở về" của Hùng Sơn; "Nơi đầu nguồn con suối" tập truyện của Bùi Thắng; "Hoa trái mùa", tập truyện của Dương Phan Châu Hà; "Một dáng chiều", "Quy luật nghiệt ngã" tranh sơn dầu của Đỗ Ngọc Dũng giải thưởng khu vực của Hội Mỹ thuật Việt Nam; "Trồng nụ trồng hoa", ảnh của Thanh Thuỷ đạt giải của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật như "Đôi bạn" của Thanh Thủy: "Ven sông", "Chiều tà", "Ánh mắt"...của Võ Huy Minh, Đắc Phượng được triển lãm quốc tế.
Nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Lê, Nguyễn Tham Thiện Kế, Nguyễn Anh Đào, Khánh Hoài được dựng thành phim truyện và phim truyền hình. Nhạc sĩ Vũ Văn Viết tổ chức đêm nhạc tại Việt Trì, họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng tổ chức triển lãm cá nhân tại Hà Nội. Giải thưởng VHNT Hùng Vương (năm 2005) được trao cho các tác giả: Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, nhà viết kịch Trịnh Hòa Đức, nhà thơ Kim Dũng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Điền tặn hoa chúc mừng và dự
Hội nghị tổng kết công tác năm 2006, triển khai nhiệm vụ năm 2007 của Hội
Giai đoạn 2006-2015: Hội xây dựng đề án tách Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ thành cơ quan báo chí độc lập thuộc Hội, tạo điều kiện cho tạp chí chủ động trong các hoạt động báo chí, phối hợp với nhiều ngành, địa phương ra các số chuyên đề, phát hành đến các điểm bưu điện văn hóa xã, khu vực ATK... Thời điểm này Hội đón tiếp rất nhiều các nhà văn, nghệ sĩ tên tuổi như: Tố Hữu, Tô Hoài, Huy Cận, Nguyễn Xuân Sách, Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Phùng Văn Khai, Phạm Duy Nghĩa, Vi Thùy Linh, Đỗ Hoàng Diệu, Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến... Lĩnh vực nghệ thuật có: Trần Hoàn, Vũ Giáng Hương, Lê Phức, Vũ Huyến, Trần Khánh Chương, Trọng Bằng, Đỗ Hồng Quân, Tô Ngọc Thanh, Chu Thúy Quỳnh, Đăng Chương... Các nghệ sĩ biểu diễn như: NSND Thanh Hoa, Thu Hiền, Lê Chức, NSUT Hồng Liên, Hồng Ngát…lên trao đổi, tọa đàm về sáng tác, trình diễn...
Hằng năm, ngoài đầu tư diện rộng, Hội đều dành kinh phí đầu tư chiều sâu cho một số tác giả có uy tín sáng tạo tác phẩm chất lượng cao.
Hội tiếp tục nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đề xuất và được Tỉnh ủy cấp hỗ trợ kinh phí hàng năm cho các chi hội chuyên ngành Trung ương tại tỉnh, thực hiện từ năm 2009. Được UBND tỉnh phê duyệt đề án: “Phát triển VHNT Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020”; Trao giải thưởng VHNT hàng năm, thực hiện từ năm 2010. Đề án thành lập một số Hội VHNT cấp huyện: (Thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao, Thanh Thủy, Thanh Sơn), được tỉnh bố trí kinh phí định biên hàng năm. Đổi tên Hội thành Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ, khẳng định sự lớn mạnh của Hội, đồng chí Chủ tịch Hội tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, được phân công phụ trách các tỉnh Tây Bắc, đã có sáng kiến cùng các Hội bạn, thành lập Nhóm phát triển VHNT 8 tỉnh, (VN8), Nhóm các vùng Kinh đô Việt Nam xưa và nay. Hội được tỉnh giao phối hợp Sở Văn hóa, chủ trì phối hợp Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức 02 Trại Sáng tác điêu khắc Quốc tế tạo ra hơn 60 tác phẩm điêu khắc đá, đã góp phần làm đẹp cho cảnh quan Công viên Văn Lang và Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Đây là giai đoạn Hội VHNT Phú Thọ tiên phong và đẩy mạnh các hoạt động hội nhập quốc tế. Tiếp đó với 4 cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh với các nghệ sĩ Hàn Quốc, Nhật Bản tại Phú Thọ, Hà Nội và tại Hàn Quốc. Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng triển lãm tranh cá nhân tại Hà Nội và Hải Phòng, có tác phẩm “Nét xưa” được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Phối hợp với Trung tâm Văn hóa doanh nhân, xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Phạm Tiến Duật, một nghĩa cử cao đẹp được lãnh đạo tỉnh, giới văn nghệ sĩ cả nước hoan nghênh.
Một số tác phẩm tiêu biểu giai đoạn này: “Trầm tích sông Thao” của Triệu Hồng, “Khúc đồng giao” thơ của Đỗ Xuân Thu, “Tiếng kêu từ ngôi nhà thủng mái” tập truyện của Nguyễn Tham Thiện Kế, “Sau bức màn truyền thuyết” nghiên cứu của Nguyễn Hữu Nhàn, “Seo Sơn” tiểu thuyết của Vũ Quốc Khánh, “Đỗ quyên đỏ” tập truyện của Cầm Sơn, “Men qua cõi thiền” thơ của Nông Thị Ngọc Hòa, “Ra khỏi hoàng hôn” tập thơ của Ngô Kim Đỉnh, “Tìm hiểu về Hát Xoan, Hát Ghẹo” của Cao Khắc Thùy, “Mảnh trăng trên đồi”, “Dâu Làng Đõ” tập truyện của Nguyễn Thị Hồng Chính, “Trống đồng ở Phú Thọ” nghiên cứu của Nguyễn Anh Tuấn…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Kim Thau, nhà thơ Phạm Tiến Duật cùng các VNS
tại Ngày Thơ Việt Nam, tại Phú Thọ năm 2004
Hội đã tổ chức cho hàng chục đoàn văn nghệ sĩ đi thực tế ở các vùng miền của đất nước. Đón tiếp nhiều đoàn văn nghệ sĩ các tỉnh đến học hỏi, chia sẽ kinh nghiệm... Phối hợp với Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ... đăng cai tổ chức hàng chục cuộc triển lãm, liên hoan khu vực... Phối hợp với Hội Nhà văn, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức nhiều Hội thảo: “Thơ đương đại với đời sống”, “Văn học đề tài nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, Hội thảo về nhà thơ Hoàng Hữu, các nhà văn Sao Mai, Nguyễn Hữu Nhàn, Ngô Ngọc Bội, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương, Dương Huy Thiện, nhà thơ Kim Dũng, Nguyễn Hưng Hải…
Hỗ trợ tổ chức hàng chục cuộc triển lãm của họa sĩ Nguyễn Thọ, Ngô Quang Nam, Đỗ Ngọc Dũng, Vi Quốc Hiệp; Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Đinh, Vân Trang, Võ Huy Cát, đêm nhạc Vũ Văn Viết... Nhân dịp đón xuân mới hàng năm đều tổ chức mời lãnh đạo tỉnh đến Hội gặp mặt, chúc tết tặng quà các văn nghệ sĩ cao tuổi, định kỳ tỉnh gặp mặt, các văn nghệ sĩ tiêu biểu.
Có thể khẳng định, đây là thời kỳ mà VHNT Phú Thọ đã đạt được những kết quả quan trọng. Được Trung ương và Tỉnh ủy, UBND tỉnh ghi nhận, các Hội bạn thừa nhận, hội viên tự hào về Hội. Được đánh giá là một trong những Hội mạnh của toàn quốc, trở thành địa chỉ tin cậy, mô hình học tập của nhiều hội bạn. Hội đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2000, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2005, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2010. Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Hàng trăm văn nghệ sĩ được nhận Bằng khen, Kỷ niệm chương, được nhận giải thưởng cao ở Trung ương, khu vực, Quốc tế, của UBND tỉnh qua các kì xét giải…
Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ xứng đáng là một địa chỉ văn hóa có uy tín, lan tỏa những giá trị VHNT đích thực... Giải thưởng Hùng Vương năm 2010, được trao cho các tác giả: Đỗ Xuân Thu, Nông Thị Ngọc Hòa, Nguyễn Tham Thiện Kế, Nguyễn Anh Tuấn, Trịnh Hùng Khanh. Năm 2015 có các tác giả: Vũ Quốc Khánh, Nguyễn Đức Sơn, Triệu Hồng, Dương Huy Thiện, Vũ Văn Viết. Năm 2012 nhà văn Sao Mai, Ngô Ngọc Bội, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Đại biểu TW và các tỉnh dự Hội thảo “Thơ đương đại với đời sống” tại Hội VHNT Phú Thọ, năm 2006
Giai đoạn 2016-2025: Hết năm 2013, họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng Chủ tịch Hội chuyển công tác, Nhà báo Đỗ Quốc Long từ Báo Phú Thọ sang làm Chủ tịch Hội. Cuối năm 2019 Đỗ Quốc Long nghỉ hưu, nhạc sĩ Cao Hồng Phương từ Đại học Hùng Vương về được bầu làm Chủ tịch Hội. Hội tiếp tục duy trì các hoạt động sáng tác, xuất bản, các chuyến đi thực tế, tổ chức các trại hàng năm tại các Nhà Sáng tác của Bộ Văn hóa; đưa một số đoàn văn nghệ sỹ đi thực tế xuống các địa phương bám sát hơi thở cuộc sống, có thêm những tác phẩm phản ánh về cuộc sống đương đại; tham gia tích cực các hoạt động của Nhóm VN8, Nhóm các vùng Kinh đô Việt Nam xưa và nay; duy trì các hoạt động đối ngoại tổ chức triển lãm giao lưu quốc tế với Hàn Quốc tại Seoul và tại Phú Thọ, Yên Bái; nhiều sáng tác mới của hội viên tiếp tục được công bố và đạt giải thưởng. Tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh điều chỉnh nâng cao giá trị giải thưởng VHNT hàng năm, phối hợp với Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đăng cai Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Tây Bắc - Việt Bắc. Phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một số cuộc Hội thảo về tiểu thuyết Vũ Quốc Khánh, Tống Ngọc Hân; thơ Nguyễn Đình Phúc, Hà Phạm Phú…
Các hoạt động phối hợp với các ngành, địa phương, tổ chức một số cuộc thi, triển lãm theo chủ đề phục vụ các nhiệm vụ chính trị, lễ hội Đền Hùng hàng năm. Tổ chức chuyến đi thực tế ý nghĩa trở về các địa chỉ đỏ miền Trung, duy trì cuộc thi truyện ngắn 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai... Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ, thực hiện đề án phát triển báo chí xuất bản của tỉnh, từ tháng 6/2021 xuất bản tháng hai kỳ. Đồng thời thực hiện Đề án chuyển đổi số của tỉnh, xây dựng và vận hành tạp chí điện tử...
Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Hội VHNT Phú Thọ năm 2010
Giai đoạn này, lực lượng văn nghệ sĩ tỉnh nhà được bổ sung những tác giả sung sức: Về văn học có: Tống Ngọc Hân, Vũ Thị Huyền Trang, Nguyễn Hải Yến, Đặng Văn Hương, Viên Nguyệt Ái, Lê Minh Hải, Vũ Thị Thanh Minh, Nguyễn Thế Lượng, Đỗ Quốc Long, Nguyễn Sản, Xuân Ngọc, Dương Quỳnh Hoa... Về nghệ thuật có: Vũ Ngọc Hùng, Cao Thị Vân, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Đỗ Long, Nguyễn Văn Sơn, Bùi Văn An, Chí Thành, Thu Quyên…
PGS - Họa sĩ Vũ Giáng Hương, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam tặng Bức Trướng chúc mừng Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ, nhân kỷ niệm 35 năm Thành lập Hội (1975-2010) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Một số tác phẩm tiêu biểu giai đoạn này: “Nậm Ngặt mây trắng” tiểu thuyết của Nguyễn Hùng Sơn, “Đỉnh phù vân” tiểu thuyết của Xuân Thu, đạt giải cuộc thi tiểu thuyết của Bộ Công an “Động rừng” tiểu thuyết của Tống Ngọc Hân, “Một mùa hè dưới bóng cây” tập truyện của Nguyễn Tham Thiện Kế, giải thưởng năm 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam: “Keo đỏ”, “Lốc rừng”, “Lãng khuê”, “Những người lính chiến” các tiểu thuyết của Vũ Quốc Khánh, đều nhận được giải các cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn và Bộ Quốc phòng; “Những giao lộ phận người” của Viên Nguyệt Ái, nhận giải B của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, “Hoa trong mắt bão” tiểu thuyết của Đặng Văn Hương; “Miền quê yêu dấu”, “Kim Dũng và bầu bạn” tập thơ Kim Dũng; “Hồn Làng”, “Áo khoác Bác Hồ” tập thơ Nguyễn Đình Phúc; “Tiếng chuông chùa ở Trường Sa” tập thơ Nguyễn Hưng Hải; “Lời nào nơi cõi tạm” tập thơ Nông Thị Ngọc Hòa; “Những ngọn sóng vỗ từ tâm thức Việt”, “Giấc đại ngàn” tập thơ Nguyễn Thị Lan Thanh; “Đưa em về quê nội” tập thơ Nguyễn Quang Thuyên; “Thưa Bác hôm nay”, “Mắc nợ trung du” tập thơ Vũ Kim Liên; “Hẹn với hoa hồng” tập thơ Trần Thị Nương; “Ủ hồng bếp lửa” tập thơ Vũ Thanh Thủy; “Hái trăng trên đỉnh núi”, “Lưng người thăm thẳm” tập truyện Vũ Thị Huyền Trang; “Kiệt tác” tập thơ Nguyễn Hải Yến; “Đường bay khởi nghiệp” tập thơ Đỗ Văn Từ; “Thức cùng chuông gió” tập thơ Hà Thành; “Mộng kỳ duyên” truyện thơ của Viên Nguyệt Ái; “Đi tìm vẻ đẹp văn chương” tập 2 và 3 - NCPB của Đỗ Nguyên Thương; “Sự thăng hoa của cái đẹp trong tác phẩm văn học” tập NCPB của Chu Thị Hảo; “Nguồn sáng diệu kỳ” tập NCPB của Đoàn Hải Hưng; Văn học Phú Thọ trong dòng chảy cội nguồn” tập NCPB của Vũ Thị Thanh Minh, “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” tập NCPB của Nguyễn Đình Vỵ, cùng một số tác phẩm nghiên cứu của Phạm Bá Khiêm, Đặng Đình Thuận… Lĩnh vực nghệ thuật đáng ý là các triển lãm của Đặng Việt Linh, Triệu Tiến Công , ảnh của Đinh Quang Tú… Các triển lãm Mỹ thuật với Hàn Quốc tại Hàn Quốc, Phú Thọ, Yên Bái. Một số họa sĩ được giải thưởng Khu vực và có tác phẩm triển lãm Mỹ thuật toàn quốc như; Tạ Quảng, Đỗ Ngọc Dũng, Lương Công Tuyên, Nguyễn Quang Hưng, Triệu Tiến Công… Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng được giải xuất sắc triển lãm Quốc tế tại Hàn Quốc. Nguyễn Quang Hưng có tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Quân đội. Ca khúc của Cao Hồng Phương, Cấn Tùng Lâm, Vũ Ngọc Hùng…được giải Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Ảnh nghệ thuật của Vũ Mạnh Cường, Quang Bằng, Vũ Hậu, Nguyễn Hải Yến…được giải cao của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, các cuộc thi và triển lãm quốc tế, khu vực... Lĩnh vực biểu diễn một số nghệ sĩ đoạt Huy chương Vàng, Bạc tại Hội diễn sân khấu toàn quốc như: Quang Thắng, Việt Thắng, Thúy Vân, Anh Dũng, Quốc Hội, Hải Yến, Nguyễn Thị Liên… Các tác giả nhận giải thưởng Hùng Vương (năm 2020) có: Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Quang Thuyên, Trần Lệ Thủy, Nguyễn Vũ Hậu. Năm 2023 nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn dược trao giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Một số ấn phẩm của Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ (giai đoạn 2000-2013)
Tròn 50 năm kể từ ngày thành lập, 1975, trải qua 9 kỳ Đại hội. Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ đã có bước phát triển mạnh mẽ, đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Từ những ngày đầu mới thành lập chỉ có hơn 40 hội viên, đến nay đã có 270 hội viên (trong đó có 82 hội viên Trung ương) sinh hoạt ở 9 chi hội: Văn xuôi, Thơ, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Sân khấu, Múa, Lý luận Phê bình và Văn nghệ dân gian, VHNT các Dân tộc thiểu số và 05 Hội VHNT cấp huyện. Hội trở thành “mái nhà chung” ấm áp, đoàn kết thống nhất, phát huy tài năng, trí tuệ của đội ngũ văn nghệ sĩ đất Tổ phục vụ sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Tổng kết 50 năm nền VHNT cách mạng sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975-2025. Cũng là dịp Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được trong suốt hành trình 50 năm xây dựng và phát triển, nắm bắt thời cơ, vận hội vượt qua khó khăn, thích ướng với giai đoạn mới của cách mạng, không ngừng nỗ lực phát huy truyền thống quê hương đất Tổ, miền đất từng là cái nôi của nền văn nghệ Việt Nam, sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Việt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng, đồng hành cùng quê hương, đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phú Thọ, những ngày tháng 3/2025
ĐỖ NGỌC DŨNG
Nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ