(Thứ ba, 08/11/2022, 12:05 GMT+7)

Năm nữ văn sĩ mà độc giả mến mộ là những tên tuổi đáng kính trọng trên văn đàn Việt Nam hiện đại. Biết thêm về cuộc đời họ để hiểu và yêu thêm văn chương nước nhà, yêu thêm những nữ sĩ con cháu Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương. Tuổi 90 vẫn gắn bó với chữ nghĩa, đó là một ân huệ quý báu của thời gian.

1. THANH HƯƠNG
(SN 1929). Tên khai sinh Nguyễn Thị Thanh Hương. Cô gái xứ Nghệ tham gia hoạt động Cách mạng từ 3-1945. Từ tháng 3-1955, làm báo Phụ nữ Việt Nam (từng giữ chức Tổng biên tập tờ báo của phái đẹp - Phụ nữ Việt Nam, từ 1978-1988). Nữ văn sĩ chuyên viết truyện ngắn (2 tập in chung, 5 tập chính chủ); ngoài ra đã in 6 tập sách về chủ đề “Trò chuyện trao đổi về đề tài hôn nhân và gia đình” (công bố từ 1993 đến 2002). Nhân vật và vấn đề trong sáng tác của nhà văn là người phụ nữ Việt Nam thời hiện đại vượt khó, vươn lên giành hạnh phúc. Lối viết của nhà văn nương theo phương pháp truyền thống, cổ điển - viết về những “điều kỳ lạ của tình yêu” (nhan đề một tập truyện ngắn thành công của nhà văn). Nhà văn nghiêng về tái hiện vẻ đẹp bình thường, giản dị của cuộc sống, con người thời đại, đặc biệt là người phụ nữ thoát khỏi cái bóng “phái yếu” để trở nên bình đẳng với giới mày râu, thường được gọi là "phái mạnh".


Nữ văn sĩ Thanh Hương cùng chồng - nhà văn Vũ Tú Nam

Ít người biết nhà văn Thanh Hương là người bạn đời của nhà văn Vũ Tú Nam (1929-2020), nguyên Tổng Thư ký (Chủ tịch) Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV (1990-1995). Trong một ngôi nhà nhỏ ấm cúng ở Hà Nội, có hai nhà văn sống trọn vẹn với tình yêu văn chương và tình nghĩa vợ chồng tao khang hơn sáu mươi năm. Họ đã viết cho nhau 500 bức thư tình (in trong Hồi ức tình yêu, 2001). Nó khác nào một thiên “tình thư” thời đại mới. Ở đây không còn là chuyện riêng tư nữa, vượt lên là biểu trưng của tình yêu con người, cuộc sống, văn chương, thiên nhiên và tạo vật. Nhà văn Thanh Hương tâm niệm: "Văn học phải góp phần làm đẹp tâm hồn người đọc”. Câu “Văn là người” trong trường hợp này sát hợp với nữ văn sĩ Thanh Hương. Những trái ngọt của văn chương mà tác giả cống hiến cho đời có lẽ được ủ chín nhờ ân huệ của thời gian.
 
2. XUÂN PHƯỢNG (SN 1929). Tên khai sinh Nguyễn Thị Xuân Phượng; quê quán: làng Nham Biều, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
 

Nữ văn sĩ Xuân Phượng (đứng sau lẵng hoa) cùng các CCB xe Tăng, các nhà sử học, các nhà báo... thăm Đại tá Chính ủy Lữ đoàn Xe Tăng 203 Bùi Văn Tùng tại nhà riêng nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam 30/4/2021

Ở tuổi ngoài 90, nữ văn sĩ tạo nên một “Hiện tượng Xuân Phượng” trên văn đàn khi giành Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, cùng Giải thưởng Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh (2020), với tác phẩm Gánh gánh... gồng gồng... (hồi ký). Hơn ba trăm trang sách được viết theo ý tưởng làm sống lại những ký ức lương thiện của một người phụ nữ đầy nỗ lực vượt khó qua hai cuộc kháng chiến và biết bao nỗi bể dâu của thời thế. Mỗi con chữ trong Gánh gánh... gồng gồng... đều được thổi “hồn” vào - đó là chất sống, đó là cách nhìn cuộc đời bằng con mắt xanh, không rơi vào cực đoan.
 
Trong Tạm biệt (Lời kết sách) tác giả viết: “Mỗi quyển sách có một cuộc đời riêng, một cuộc sống riêng của mình.(....). Chỉ mong các bạn khi mở những trang sách này, đọc một chương nào đó bỗng xao xuyến thấy lại tuổi trẻ của mình, sẽ mỉm cười, sẽ xót thương, hay sẽ yêu mến số phận một Con Người - hơn nữa, số phận một Người Đàn Bà. Những điều đó đã tiếp sức cho tôi, dù đã trên 90 tuổi, mấy tháng nay miệt mài sửa chữa từng câu văn, cố rút ngắn những đoạn dài lê thê... Và kỳ diệu sao, khi trở về với quá khức, bỗng cảm thấy như mình trẻ lại, các bạn ạ!"
 
Hồi ký Gánh gánh... gồng gồng... được viết bằng một văn phong thuần Việt, mặc dù thế hệ tác giả ngấm nghía tiếng Pháp và văn hóa Pháp. Tác phẩm của nữ văn sĩ Xuân Phượng “chạm” đến một vấn đề có tính triết lý: mối quan hệ giữa trí thức và cách mạng, vốn rất khó viết. Nhưng tác giả đã vượt qua những rào cản tâm lý để viết thành công bằng một thái độ chân thành nhất.
 
Thành công của nhà văn Xuân Phượng cũng chính nhờ ân huệ của thời gian.
 
3. VŨ THỊ THƯỜNG (SN 1930). Tên khai sinh Lê Kim Nga; quê quán: xã Tả Thanh Oai, huyện Thường Tín, Hà Nội.


Nữ văn sĩ Vũ Thị Thường

Nhà văn Vũ Thị Thường bắt đầu định vị tên tuổi của mình trên văn đàn từ Giải thưởng truyện ngắn (năm 1958-1959), của Báo Văn học với tác phẩm Cái hom giỏ. Sự nghiệp văn chương của nhà văn gắn với thể loại truyện ngắn. Trong vòng 40 năm (1959-1998), nhà văn đã in 7 tập truyện ngắn, có thể nói là người có công lao trong việc bổ sung những sắc màu mới của nền truyện ngắn dân tộc thời hiện đại. Nhân vật của nhà văn đa số là những con người bình thường, ít nổi tiếng nhờ địa vị xã hội hay phát sáng bởi tài năng thiên phú. Nhà văn riêng ưu ái phụ nữ và trẻ thơ (qua những tựa đề của tác phẩm như Gánh vác, Hai chị em, Bông hoa súng, Câu chuyện bắt đầu từ những đứa trẻ, Con yêu con ghét..).
 
Người ta vẫn nói “Tác phẩm làm nên nhà văn”. Nhưng có một công việc khác nếu làm tốt (sưu tầm, tuyển chọn) cũng có đóng góp vào đời sống văn chương. Sau khi người bạn đời - nhà thơ Chế Lan Viên - đi vào cõi thiên thu (1989), nhà văn Vũ Thị Thường cùng con gái - nhà văn Phan Thị Vàng Anh bắt tay vào công việc phục dựng “Di cảo thơ Chế Lan Viên”. Từ năm 1992 đến 1996, trời không phụ công lao của hai người phụ nữ, bộ ba Di cảo (I, II, III) thơ Chế Lan Viên lần lượt ra mắt độc giả (với khoảng hơn 500 bài thơ chưa công bố). Đúng như cổ nhân vẫn nói “của chồng công vợ”. Giả sử không có người vợ tao khang chân chỉ làm công việc “khảo cổ học văn chương” thì liệu di cảo thơ của Chế Lan Viên có cơ hội lộ sáng và độc sáng?!
 
Nhà văn Vũ Thị Thường vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, năm 2007.
 
4. LÝ THỊ TRUNG (SN 1930). Tên khai sinh Nguyễn Thị Minh Ngọ; quê quán: xã Hồng Nam, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.


Nữ văn  Lý Thị Trung
 
Năm 1986, bà cùng với Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội sáng lập báo Phụ nữ Thủ đô. Nghề “tân văn”(báo chí) không cản trở nghiệp văn của nữ văn sĩ Lý Thị Trung khi trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1985 (đồng thời là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội). Sáng tác của nhà văn Lý Thị Trung chủ yếu là văn xuôi, đã xuất bản 2 tiểu thuyết, 2 tập truyện ngắn, 2 tập truyện ký và 3 tập thơ. Một tuyển tập Thơ văn Lý Thị Trung (2009) biểu trưng cho tinh túy 40 năm của một đời văn (1974-2013). Bút danh Lý Thị Trung được bà tiết lộ: “Lý” là họ của Hoàng đế Lý Chiêu Hoàng, “Thị Trung” là tên làng quê của thân mẫu ở Bắc Ninh.
 
Sáng tác của nhà văn Lý Thị Trung có sắc màu gì? Trên văn đàn, nhà văn Lý Thị Trung luôn ở một vị trí khiêm tốn. Nhưng ai quan tâm và đọc văn của nữ văn sĩ sẽ nhận ra một hành xử chữ nghĩa hết sức ưu ái và nhân văn - tác giả là người có ý thức và biết cách chắt chiu vẻ đẹp của đời, của người, của tạo vật thiên nhiên. Tiểu thuyết Màu thiên thanh nhận Giải thưởng của Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1982. Màu thiên thanh là màu da trời trên thinh không. Con người sống đẹp cũng ánh lên như màu thiên thanh. Nếu có gặp buồn đau, rơi nước mắt thì họ cũng dùng nụ cười để khỏa lấp, thuần hóa nỗi đau như nhân vật bà Thúy trong truyện ngắn Nụ cười thánh thiện (in trong Tuyển văn tác giả nữ Việt Nam, NXB Phụ nữ, 2001). Đây là một truyện ngắn hay, đượm phong vị cổ điển của văn chương. Nhân vật bà Thúy có chồng và con trai duy nhất đều là Liệt sĩ. Bà đã biết bao lần vượt khó một mình với tinh thần của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới “anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”. Mỗi khi làm việc thiện, bà cụ Thúy lại có nụ cười tỏa nắng, nụ cười thánh thiện, khác nào một “bà Tiên trong cõi thế”.
 
5. LÊ GIANG (SN 1930). Tên khai sinh Trần Thị Kim; quê quán: Thành phố Cà Mau. Lê Giang trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1977, là một kiểu nhà văn dấn thân, thực hành phương châm “đi - đọc - viết”.


Nữ văn sĩ Lê Giang với đồng bào dân tộc ở tỉnh Cao Bằng - Ảnh: Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ
 
Trước hết, Lê Giang là một nhà thơ, tuy tác phẩm thơ ra mắt không nhiều (chỉ có bốn tập: Phím đàn xanh, Bông vạn thọ, Ơi anh chàng hát rong, Thơ Lê Giang). Thơ của nữ thi sĩ giàu chất đời, giàu tình người, không màu mè, đạt tới phẩm chất "“cái đẹp là sự giản dị”. Thơ thường được chắt ra từ một tâm hồn lãng mạn, đắm đuối với đời, với người - nó như là chân tủy của tình yêu và tình nhĩa vợ chồng tao khang với nhạc sĩ Lư Nhất Vũ được giới văn nghệ sĩ tôn lên là một đôi "song kiếm hợp bích". Mười tập ký (dưới hình thức tạp văn) thể hiện bề dày trải nghiệm sống và trải nhiệm văn hóa của nhà văn. Tập tạp văn mới nhất Khói bếp chưa tan (2021) trình làng văn khi nữ văn sỹ 91 tuổi, hàm lượng văn hoá giúp chữ chuyên chở nghĩa sâu sắc.
 
Lao động nghệ thuật của nhà văn Lê Giang còn thể hiện ở công phu sưu tầm biên soạn vốn văn hóa dân gian (folklore). Hơn 10 đầu sách sưu tầm, biên soạn và 2 công trình chuyên khảo của nữ sĩ Lê Giang tập trung phục dựng văn hóa truyền thống Việt Nam và Nam Bộ, như ai đó nói, đủ xây dựng một bảo tàng văn hóa tư nhân với những công trình tiêu biểu về vốn văn hóa dân tộc và vùng miền (Bộ hành với ca dao, Hò trong dân ca người Việt, Hát ru Việt Nam, Lý trong dân ca người Việt, Dân ca Bến Tre, Dân ca Kiên Giang, Dân ca Cửu Long, Dân ca Hậu Giang, Dân ca Sông Bé, Dân ca Đồng Tháp, Dân ca Bình Dương, Dân ca Long An, Dân ca Trà Vinh, Tìm hiểu dân ca Nam Bộ, Dân ca người Việt ở Nam Bộ,...). Nữ văn sĩ Lê Giang đã sống qua hai thế kỷ, đã cống hiến hết sức mình cho văn chương, văn hóa - đó cũng là một ân huệ của thời gian.
 
Theo Nhà văn BÙI VIỆT THẮNG / Tri Thức và Cuộc sống