Tôi và anh Phùng Quang Thanh quý mến nhau đã lâu. Ngày ấy, gia đình tôi và gia đình anh Thanh cùng nhận căn hộ ở nhà A13 khu tập thể quân đội Bắc Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội).
Gia đình anh Thanh ở tầng 1, gia đình tôi ở tầng 3. Anh Thanh làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1). Chị Lộc (vợ anh Thanh) ở nhà trông xe khách gửi, chị còn bán thêm gạo để gia đình có đồng ra đồng vào.
Tôi có hai con. Cháu lớn Lê Viên Lan Hương học lớp 2, cháu nhỏ Lê Viên Hải Nguyên mới 2 tuổi. Vợ dạy ở Học viện Quân y. 5 giờ 30 phút sáng đã phải đi xe tuyến, còn tôi sáng dậy nấu cho con ăn rồi đưa đi học. Hôm các cháu nghỉ học, chị Lộc nói: “Anh Triều cứ để Hương, Nguyên ở nhà em chơi với Huyền (con gái anh Thanh, chị Lộc, lớn hơn Hương 1 tuổi) cho vui, các cháu rất quý mến nhau. Trưa chị Lộc nấu cơm cho hai chị em ăn, rồi ngủ luôn ở nhà bác Lộc. Hương, Nguyên cũng quý bác Thanh, bác Lộc như tình thân. Thi thoảng anh Thanh về, tôi và anh uống nước mạn đàm thế sự...
Tôi quý trọng anh Thanh bởi ở anh một con người sống giản dị, chân thành, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Tôi còn nhớ, khi anh làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, tôi có hai người cháu là Việt và Phong đến tuổi nhập ngũ, được về Trung đoàn 209. Là sư đoàn trưởng, nhưng anh xuống tận nơi vừa kiểm tra đơn vị, vừa xem hai cháu ăn ở, rèn luyện ra sao. Anh động viên các cháu, hướng các cháu theo đường binh nghiệp, nhưng vì cả hai chỉ học hết lớp 7, nên hết nghĩa vụ cả hai đều ra quân...
Đại tá, nhà văn Lê Hải Triều chụp ảnh kỷ niệm với cố Đại tướng Phùng Quang Thanh. Ảnh do tác giả cung cấp
Tôi biết anh Phùng Quang Thanh quê Thạch Đà, Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay thuộc Hà Nội). Anh là con liệt sĩ, bố anh hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khi anh còn nhỏ. Được kế thừa truyền thống gia đình, thừa hưởng lòng dũng cảm, can trường từ người cha đã tôi luyện nên một Phùng Quang Thanh đầy bản lĩnh, tài năng, dũng mãnh trên chiến trường.
Tôi nhớ có lần tôi hỏi về trận đánh trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, anh cười và nói: “Có gì đâu anh Triều”. Nhưng qua các tư liệu và câu chuyện của anh, tôi chắp nối lại. Trong chiến dịch này, anh Phùng Quang Thanh là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, trực tiếp chỉ huy một tiểu đội chốt giữ đồi Không Tên. Trung đội của anh đã đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch, có máy bay và pháo binh yểm trợ; phối hợp hiệp đồng chiến đấu với đơn vị bạn, tiêu diệt gọn một tiểu đoàn dù. Kết thúc Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, anh được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân.
Khi viết cuốn hồi ký “Ký ức đời binh nghiệp” cho Trung tướng Khuất Duy Tiến, đến phần nói về Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971, lúc đó ông làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64, tôi có hỏi ông về anh hùng Phùng Quang Thanh.
Trung tướng Khuất Duy Tiến sôi nổi, khẳng định rằng, nếu không có Trung đội trưởng trẻ tuổi, dũng cảm Phùng Quang Thanh chiến đấu, bảo vệ thì có thể địch đã tấn công, tiêu diệt Ban chỉ huy trung đoàn và chính ông cũng đã hy sinh. Trung tướng Khuất Duy Tiến còn nói thêm, những người lính ở chiến trường luôn coi trọng tính mạng của đồng đội, của chỉ huy cao hơn tính mạng của mình. Những tấm gương hy sinh vì đồng đội, vì Tổ quốc diễn ra hết sức tự nhiên và Phùng Quang Thanh chính là một trong những tấm gương tiêu biểu đó.
Không ai sinh ra chỉ để muốn sau này trở thành anh hùng. Chẳng người mẹ nào muốn con mình hy sinh. Những điều ấy mọi người lính đều biết, nhất là những người lính ở chiến trường, ngày đêm giáp mặt với đạn bom, kề cận với cái chết càng thấu hiểu. Nhưng có những điều thiêng liêng hơn mạng sống của mỗi cá nhân, điều đó thuộc về nhân dân, thuộc về Tổ quốc. Tôi đã nhận thấy ở Đại tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phùng Quang Thanh qua những lần tiếp xúc, những lần trò chuyện, anh đều bộc bạch điều đó. Tôi càng yêu và quý trọng anh...
Trở lại chuyện năm 2005, năm đứa con trai yêu quý Lê Viên Hải Nguyên của tôi đi xa. Ngay hôm sau, tôi thấy chị Lộc đi xe ôm đến nhà tôi sớm, thắp hương cho cháu Hải Nguyên. Chị nói giọng buồn buồn, mắt ngấn lệ: “Hôm qua anh Thanh đi làm về đưa cho em tờ Báo Quân đội nhân dân có đăng tin buồn Nguyên mất, em không cầm được nước mắt. Nguyên ngoan ngoãn, học giỏi, lễ phép, sao ông trời lại bắt cháu đi. Hôm nay, em đến thắp cho cháu nén hương”...
Khi còn công tác, Đại tướng Phùng Quang Thanh được biết đến là người dung dị, gần gũi và rất quan tâm đến công tác hậu phương quân đội. Ảnh: XUÂN NHỊ
Khi đã là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhưng mỗi lần gặp anh Thanh đều hỏi thăm con gái tôi. Tôi nói với anh cháu Hương học giỏi và được kết nạp Đảng trước khi ra trường. Nghe tôi kể, anh rất vui. Ngày 18-9-2008, con gái tôi tổ chức lễ thành hôn. 9 giờ tối hôm trước, Hương vừa ra ngoài cổng bỗng chạy vào nói với tôi: “Bố ơi, bác Thanh, bác Lộc đến!”.
Khi tôi ra đón anh chị, anh Thanh nói: “Mai tổ chức lễ cưới cho cháu, nhưng tôi có việc bận, tối nay vợ chồng tôi đến mừng cho hai cháu trước”.
Tôi hoàn toàn bất ngờ trước tình cảm, sự quan tâm của anh chị dành cho hai con chúng tôi. Anh Thanh, chị Lộc là thế. Giờ đây anh đi xa, nhưng gia đình tôi vẫn luôn nhớ những tình cảm tốt đẹp mà anh chị dành cho chúng tôi.
Đại tá, nhà văn LÊ HẢI TRIỀU (Theo Sự kiện và Nhân chứng / Báo Quân đội nhân dân)