(Thứ bảy, 11/11/2023, 06:02 GMT+7)

Trong sự nghiệp cách mạng, với tài năng và nhân cách đặc biệt của mình, Hồ Chủ tịch đã thu hút rất nhiều nhân sĩ trí thức, người có tài năng và tâm huyết đi theo để phục vụ đất nước. Đó là điều rất đặc biệt nhưng vô cùng giản dị mà thời gian trôi qua chúng ta càng thấy được giá trị đích thực tỏa sáng từ một con người vĩ đại - Hồ Chí Minh.

Đối với dòng họ Phùng, trong thời đại Hồ Chí Minh có nhiều người con như thế mà tiêu biểu phải kể đến ba trường hợp đặc biệt, trước sau đều gắn bó với Bác Hồ, một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đó là bác sĩ Phùng Văn Cung (1909-1987) - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - Phó Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Thượng tướng Phùng Thế Tài (1920-2014) - nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Đại tá anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu (1929-2021). Đây là ba con người đặc biệt của họ Phùng đã cống hiến toàn bộ cuộc đời mình cho cách mạng, gắn bó sâu sắc với Hồ Chủ tịch.

Bác sĩ Phùng Văn Cung là một trong những trí thức tiêu biểu của cách mạng miền Nam quê ở Vĩnh Long, nơi có những tên tuổi như Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Trần Đại Nghĩa… Ông tốt nghiệp Đại học Y - Dược Đông Dương năm 1937. Năm 1945, bác sĩ Phùng Văn Cung tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Sa Đéc. Tiếp đó, ông cùng các nhân sĩ trí thức nổi tiếng lên chiến khu kháng chiến, để lại tất cả nhà cửa, điều kiện sống giàu sang ở Sài Gòn, cùng người vợ là bà Lê Thoại Chi ra chiến khu Tây Ninh theo chỉ đạo của Đảng, chuẩn bị thành lập Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1959. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ gian khổ, bác sĩ Phùng Văn Cung đảm đương cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam; Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ông là một chính khách tiêu biểu và rất có uy tín của Mặt trận.

Năm 1969, nhận lời mời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định cử đoàn đại biểu do bác sĩ Phùng Văn Cung đứng đầu ra thăm miền Bắc, thăm Hồ Chủ tịch trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam đang ở vào giai đoạn gay go nhất. Hàng chục nhà báo, phóng viên phát thanh và truyền hình trong và ngoài nước đã ghi lại những hình ảnh chứa chan tình nghĩa Nam - Bắc một nhà. Suốt trong thời gian ở Thủ đô Hà Nội, đoàn của bác sĩ Phùng Văn Cung đã nhiều lần được Hồ Chủ tịch tiếp đón thân mật. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng; Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn; Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh; Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tỉnh thành nồng hậu đón tiếp đoàn đại biểu miền Nam anh hùng. Đó là những thời khắc đặc biệt để lại ấn tượng sâu sắc với bác sĩ Phùng Văn Cung.

Sau này, khi trở về miền Nam công tác, bác sĩ Phùng Văn Cung càng thấm thía tấm lòng của người miền Bắc, tình yêu thương vô hạn của Hồ Chủ tịch với đồng bào và chiến sĩ miền Nam. Cũng năm đó, Bác Hồ mất, để lại vô vàn tiếc thương cho đồng bào cả nước trong đó có đồng bào miền Nam đang chờ đón Bác vào thăm như lời hứa của Người.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bác sĩ Phùng Văn Cung trên các cương vị của mình đều có những đóng góp xuất sắc cho Đảng, cho dân tộc đều từ tấm lòng hướng tới Hồ Chủ tịch kính yêu. Cuộc đời ông có thể nói rằng hy sinh rất nhiều, từ tinh thần đến vật chất cho cách mạng. Ông là một trí thức đặc biệt trong thời đại Hồ Chí Minh.

Người họ Phùng thứ hai cũng rất đặc biệt, đó là Thượng tướng Phùng Thế Tài. Ông tham gia cách mạng từ rất sớm, được cử làm cận vệ cho Hồ Chủ tịch từ năm 1940. Kể từ đó, Phùng Thế Tài gắn bó chặt chẽ với Hồ Chủ tịch. Ông từ cậu bé lưu lạc nơi đất khách quê người trở thành vị Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Nhiều năm làm chiến sĩ cận vệ bảo vệ Hồ Chủ tịch, Phùng Thế Tài đã được Bác Hồ rèn luyện, trưởng thành vượt bậc. Trong những thời khắc lịch sử quan trọng nhất, Phùng Thế Tài bằng tài năng và trí tuệ của mình, đã có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ông đảm đương cương vị các Trung đoàn trưởng chủ lực đầu tiên của Quân đội ta và tham gia chỉ huy Mặt trận Hà Nội đánh thực dân Pháp. Với tư duy quân sự sâu sắc và sự quyết đoán, mưu trí, gan dạ hiếm thấy, ông đã cùng cán bộ chiến sĩ Mặt trận Hà Nội bảo vệ thành công Trung ương Đảng và Bác Hồ rút lên chiến khu kháng chiến.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Phùng Thế Tài cùng các đồng chí được Hồ Chủ tịch giao nhiệm vụ chuẩn bị mọi mặt để đánh thắng B.52 của địch. Đây là dự đoán thiên tài của Bác Hồ cũng là phương lược chuẩn bị xuất sắc của người cận vệ bầu trời Tổ quốc Phùng Thế Tài. Quân và dân ta đã chiến đấu và lập công xuất sắc, đánh tan tham vọng của đế quốc Mỹ, tạo nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972.

Sau này, cũng chính Phùng Thế Tài là người tham gia chỉ đạo việc tang lễ cho Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã gắn bó với Bác Hồ tận tới khi Người nhắm mắt.

Người thứ ba gắn bó sâu sắc, nhiều lần được gặp gỡ, trò chuyện, được Hồ Chủ tịch trực tiếp gắn danh hiệu Anh hùng, đó là Đại tá Phùng Văn Khầu.

Phùng Văn Khầu là người con dân tộc Nùng, trưởng thành từ cậu bé mồ côi cha mẹ, mù chữ, phải đi ở nuôi thân nơi xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Tiếp đó được giác ngộ cách mạng, vào bộ đội, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, có mặt ở tuyến đầu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lập công xuất sắc, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1955.

Cuộc đời anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu có nhiều điều đặc biệt, mà điều đặc biệt nhất là ông vinh dự nhiều lần được trực tiếp gặp Bác Hồ. Từ lần đầu tiên Bác Hồ gắn lên ngực người con dân tộc Nùng chiếc huy hiệu Điện Biên, năm 1955 tới lần cuối cùng Phùng Văn Khầu được tới thăm Bác khi Bác Hồ đã mê man trên giường bệnh năm 1969 là những cảm xúc không thể nào quên theo ông suốt cuộc đời.

Với 92 tuổi đời, gần 70 năm tuổi Đảng, người anh hùng Điện Biên bằng toàn bộ cuộc đời mình đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trở thành một tấm gương sáng để các thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo.

Trong một buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Pháo binh nhân dịp gặp mặt báo chí, văn nghệ sĩ trong quân đội, với tư cách nhà văn, tôi hứa sẽ viết một cuốn sách nhỏ về anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu. Viết xong bản thảo, tôi trực tiếp đưa cho anh hùng Phùng Văn Khầu đọc, chỉnh sửa những chi tiết theo sự thực lịch sử. Người anh hùng không chỉnh sửa nhiều và hoàn toàn nhất trí với cách thể hiện của nhà văn. Sách tập trung khai thác những câu chuyện về các lần gặp mặt của anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu với Bác Hồ. Có những câu chuyện về Bác được người anh hùng Điện Biên tự viết tay rất cẩn thận, khoa học.

Nhân dân ta, đất nước ta luôn tự hào có những người anh hùng được sinh ra từ lầm than cơ cực, đói nghèo, mà hết sức kiên cường theo Đảng, theo Bác Hồ, tự cứu chính cuộc đời mình, tự làm nên chiến thắng, góp phần tạo những dấu mốc lịch sử vẻ vang cho dân tộc ta.

Chặng đường cách mạng phía trước của chúng ta sẽ còn không ít gian lao, thử thách, nhưng chắc chắn, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với lòng biết ơn vô hạn về công lao của Bác Hồ, trong đó có những tấm gương tiêu biểu như ba vị họ Phùng, chắc chắn thế hệ trẻ sẽ vững bước trưởng thành, gánh vác trọng trách mà cha ông đã trao truyền, tin tưởng.

Là thế hệ đi sau các bậc tiền bối cách mạng bác sĩ Phùng Văn Cung, Thượng tướng Phùng Thế Tài và anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu, chúng tôi vô cùng xúc động khi nghiên cứu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của các ông. Cuộc đời của ba vị họ Phùng nêu trên rất xứng đáng viết thành tiểu thuyết, để bạn đọc có thêm góc nhìn thú vị về ba người con ưu tú họ Phùng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Theo NHÀ VĂN PHÙNG VĂN KHAI