(Thứ ba, 20/06/2023, 04:46 GMT+7)
Tác giả Phùng Khắc Đăng là Trung tướng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ông sinh năm 1945, quê quán: Thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Về hưu ông tham gia các công việc dòng tộc, các công tác xã hội và đặc biệt là dành thời gian cho việc sáng tác thơ. Với tinh thần yêu thơ truyền thống, ông xem việc sáng tác thơ như là một niềm vui, niềm yêu thích ở tuổi già. Văn chương phương Nam trân trọng giới thiệu chùm thơ thất ngôn và tứ tuyệt vừa sáng tác, viết về các danh sĩ từ Nguyễn Thị Lộ, Hồ Xuân Hương đến Phùng Quán... của ông đến với bạn đọc.
 
(Phùng Hiệu chọn và giới thiệu)
 

Trung tướng Phùng Khắc Đăng
 
 
Hồ Xuân Hương
 
Chúa tể thơ Nôm nhõn mỗi bà
Người  đời kính trọng bậc văn hoa
Tao nhân muốn viết lo nghiên cạn
Mặc khách toan ghi sợ bút tà
Phú giỏi nhiều tay mong diện kiến  
Thi tài lắm kẻ muốn lân La
Bây giờ cách trở ngàn trùng thẳm
Lịch sử nghìn năm chẳng xóa nhòa 
 
26/5/2023
 
 
Nguyễn Thị Lộ
 
Đối đáp văn chương với Đại Khoa
Lân La tính chuyện phải tìm bà
Nên duyên tuyệt đẹp gian thần ghét
Ác độc bày mưu hại cả nhà.
 
 
Phùng Quán
 
Nổi tiếng Hà thành với chữ C
Thơ chui, rượu chịu, trộm Ngư - hề
Văn chương nếm trải bao cay đắng
Giấy trắng lòng son quyết giữ lề.
 
Tháng 5/2023
 
 
Trâu vàng
 
Tiếng vọng chuông đồng tới Bắc phương
Trâu vàng tưởng mẹ quyết tìm đường
Dâm đàm biệt tiếng tìm không thấy
Giẫm nát rừng lim, lõm “mặt gương” (*).
 
 
Kỷ niệm ngày nhập ngũ
 
Ngót sáu mươi năm một chặng đường
Nằm gai nếm mật tóc pha sương
Vào nơi chiến trận - thừa gian khổ
Tới chốn bình yên - thực  khó lường
Tự nhắc tâm trong - trừ  bạo ngược
Luôn rèn chí  vững - nối  yêu thương
Đời luôn trải thảm cho người tới
Nếu biết bền gan với trí cường.

27/5/1965 - 27/5/2023


Chú thích (*)
 
1. Thế kỷ 9-10, cụ Dương Không Lộ được mời sang chữa bệnh cho vua Tống. Khỏi bệnh vua vui lắm ban thưởng cho Không Lộ Thiền sư của quý. Không Lộ chỉ lấy một ít đồng đen về đúc chuông.
 
Chuông đúc song đánh lên, tiếng vọng sang tận nước Tàu, Trâu vàng ở Hồ Tây Trung Quốc nghe chuông tưởng mẹ gọi nên chạy sang. Đến Khu Dâm Đàm thì mất tiếng, không thấy mẹ, trâu vàng hung hãn phá nát rừng Lim, quậy phá làm cả vùng đất tung tóe thành một cái hố to tướng sau này dân gọi là hồ Dâm đàm. Có lẽ vì chuyện Trâu Vàng từ Hồ Tây TQ chạy sang nên vì tích đó mà dân gọi là Hồ Tây. Chuông sau đó được ném xuống Hồ vì sợ đánh lên gây tai họa.
 
Hiện nay phủ Tây Hồ vẫn còn đền thờ Kim Ngưu.
 
2. Hồ Tây người pháp gọi Hồ Tây như mặt gương lớn. Thơ ta: mặt gương Tây Hồ.