(Thứ năm, 21/04/2022, 01:21 GMT+7)

Phùng Quốc Hiển là một cây bút mới xuất hiện. Văn phong chững chạc. Mạch truyện dồi dào, phản ánh khá đa dạng các vấn đề trong xã hội đã tạo lập sự tươi tắn và sum suê trong tập sách. Có cảm giác, Phùng Quốc Hiển đã dồn nén, tích lũy văn nghiệp từ lâu đến bây giờ mới bung nở. Một số truyện ngắn in trên Văn nghệ quân đội gần đây đã cho thấy nội lực tiềm tàng của một cây bút họ Phùng cũng là đóng góp đáng kể của Phùng Quốc Hiển ở một chặng đường đầu tiên trên những trang văn.


ÔNG LÃO ĐÁNH RỌ TÔM TRÊN HỒ THÁC BÀ

“Kỷ niệm chìm sâu đáy mắt”
(Lời một bài hát)

Mặt trời xuống núi, hắt những tia nắng sẫm màu lên khuôn mặt khắc khổ của ông Bảy; bóng ông cùng với những chiếc rọ tôm trên vai trông như một gã khổng lồ đi chậm chạp dưới chân núi Cao Biền. Thoáng thấy Bình đang thả lưới trên hồ, ông Bảy cất tiếng hú khàn khàn báo hiệu sự có mặt và gọi với:

- Nửa đêm được chú cá nào kha khá làm con nhắm rượu nhé. Lão có rượu đây, uống rượu mãi với tôm cũng chán, dạo này tôm gầy nên tanh lắm.

Không đợi trả lời, ông lão đã lặng lẽ bước khuất sau bụi cỏ gai rậm rạp bên hồ. Bình ái ngại nhìn theo, tuy là một già, một trẻ, nhưng ông lão vẫn coi anh như người bạn chài lưới. Mỗi ngày, Bình đều cảm thấy tuổi tác thời gian lấy dần đi sự nhanh nhẹn của ông lão. Tuy quen đã lâu, anh vẫn thắc mắc nhưng không dám hỏi, sợ chạm vào nỗi đau của ông. Nghèo như anh làm công nhân lâm trường không đủ nuôi năm miệng ăn mới phải bươn chải ở chốn sông nước. Còn ông, con cái đều khá giả, thằng con trai ông cũng xấp xỉ tuổi anh, nhưng có nhà to nhất phố huyện sao lại để bố vất vả vậy? Bình chép miệng, cuộc đời đen bạc vậy đấy!

Thả xong tấm lưới cuối cùng, trời cũng vừa sập tối. Bình ghé thuyền vào bờ kiếm củi nhóm lửa. Cũng như mọi lần, anh đợi ông lão đặt xong rọ tôm quay về là hai bác cháu lại hàn huyên đủ thứ chuyện trên đời. Đêm trời yên tĩnh, hơi tối sẫm báo hiệu có sự thay đổi về thời tiết. Xa xa thấp thoáng ánh đèn của những thuyền câu đêm lúc ẩn, lúc hiện, sau những đảo nhỏ càng làm cho đêm hồ Thác Bà lặng lẽ và bí ẩn. Gió từ hồ thổi vào không làm dịu cái nóng từ hơi đất phả lên. Trời đất kiểu này sẽ đánh được nhiều cá hơn. Bình nghĩ vậy. Bỗng một bàn tay lạnh ngắt sờ vào gáy làm Bình giật thót mình quay lại. Ông Bảy đã đứng sau từ bao giờ.

- Bố làm con hết cả hồn, sao bố đặt rọ lâu vậy? - Bình hỏi.

- Chà, chà… Hôm nay sao nước lạnh quá vậy… Lão thấy ghê ghê…

- Con vẫn thấy thế, có gì khác đâu?

- Anh khác, lão khác, hừ… Lão cả đời sống với sông nước mà sợ nước là ông trời muốn gọi lão đi rồi đây… Này, uống đi cho ấm bụng.

Ông lão rót rượu vào nắp bi đông đưa cho Bình.

- Chà… Rượu của bố ngon thật… ăn đứt rượu quán Ngọc “trố” đầu phố, tăng này phải hàng chục ngàn một lít chứ chả bỡn.

Men rượu làm Bình mạnh dạn hẳn lên, ý nghĩ ban đầu về ông lão làm anh bật lên câu hỏi đã kìm từ lâu:

- Thằng cả Đông giàu như vậy mà để bố lụi cụi sông nước kiếm ăn vậy sao?

- Hầy… Anh đừng nghĩ oan cho nó, thằng cả nhà này tính lầm lì, ít nói, nhưng là đứa sống có tâm, thương bố, thương em… Chuyện sông nước của lão nó không cản được phải chịu thôi. Mà lão một ngày không đi ra hồ một lần là đứng ngồi không yên. Anh không phải là người vùng này phải không? - Ông lão bất chợt hỏi Bình.
- Vâng! Con là người Phủ Lý lên trên này làm công nhân lâm trường từ năm bảy sáu.

- Ừ. Anh lên đã có cái hồ này rồi. Anh chẳng biết cũng phải. Nhiều lúc lão ghê sợ sự yên tĩnh, lặng lẽ này vì nó đã kéo đi tất cả kỷ niệm một thời trai trẻ của lão. Anh đã bao giờ vượt thác chưa? - Ông lão bỗng hỏi.

- Xì… thác con còn chưa thấy bao giờ nói chi là vượt.

- Làm trai mà chưa vượt thác, xuống ghềnh thì chưa phải từng trải.

Dưới ánh lửa bập bùng, đôi mắt mờ đục của ông lão bỗng trở nên lấp lánh một niềm kiêu hãnh, giọng kể của ông lão cuốn hút Bình vào câu chuyện của một thời…

*

Phủ Bình vốn được coi là một vùng địa linh, nhân kiệt, đất đai màu mỡ, lại có thế non cao, sông lượn quần tụ như rồng quấn, hổ ngồi, sinh khí mạnh mẽ, đời nào cũng có anh hùng mại khách nổi tiếng, nơi đây đã in dấu những vết chân của Tướng quân Trần Nhật Duật, Gia Quốc công Vũ Văn Mật… Phủ Bình vừa giàu, lại có nhiều sản vật quý hiếm như ngọc quý, ngà voi, gỗ mun, gạo thơm, cam ngọt… Nó như cục nam châm hút người bốn phương và những tay lái buôn sừng sỏ ở các miền mò đến. Ngày cũng như đêm, trên bến dưới thuyền, chợ phủ lúc nào cũng tấp nập kẻ buôn người bán. Những tay lái buôn sạt nghiệp ở mạn sông Thao, sông Đà về đây làm ăn một vài mùa thì ruột tượng cũng kha khá bạc nén. Nhưng có lẽ làm ăn phát đạt nhất phải là những tay lái gỗ. Gỗ quý thuộc loại tứ thiết đinh, lim, sến, táu… từ các dãy núi dọc chiều sông Chảy, từ Lục Yên châu đóng thành những bè lớn đổ về neo ở bến chợ phủ chuẩn bị về xuôi thành bạc, thành vàng chảy vào túi các tay lái gỗ.

Tuy nhiên, buôn bè trên sông nước chẳng dễ nhằn, lơ mơ là mất mạng như chơi. Chuyện đời nhiều khi miếng ăn đến miệng còn bị mất huống hồ lại là buôn bè. Những bè gỗ nằm ở dưới bến chợ phủ, muốn trở về xuôi phải vượt qua đoạn Thác Bà, rồi đến Thác Ông; nói đến Thác Bà thì những tay lái bè, chở bè lão luyện nhất cũng phải ớn lạnh xương sống. Thác Bà có độ dốc lớn, nước chảy vừa mạnh vừa xiết, dọc hai bên bờ có rất nhiều đá ngầm làm thu hẹp luồng nước mà thuyền bè có thể đi qua; tiếng nước réo kinh người đập vào các tảng đá ngầm tạo bọt tung trắng xóa; đáng sợ là ở cuối thác có một tảng đá ngầm to nhất nằm giữa dòng chảy thò đầu lấp lửng trên mặt nước, nó như đón sẵn để xé toang các bè mảng từ trên đỉnh thác lao xuống. Muốn vượt qua thác, người đứng mũi lái bè phải là một tay lão luyện, dũng cảm, thông thuộc luồng lạch, khi bè lao xuống thác phải dùng sào đẩy vào các hòn đá ngầm để lái bè đi đúng hướng, đến cuối thác cả chiếc bè xục xuống nước và chìm nghỉm, sau đó bất ngờ trồi ngược lên và ngay lập tức phía trước hiện ra hòn đá ngầm to nhất, người lái bè chỉ có một cái chớp mắt định thần để chọc sào vào hòn đá, lái dãy bè lượn qua êm ả xuôi dòng. Nếu chọc sào trượt thì ngay lập tức cả dãy bè sẽ bị hòn đá xé nát và hất tung lên, người lái bè chỉ còn là cái xác tìm thấy ở Thác Ông nằm ở đoạn sông dưới Thác Bà.

Ngay bờ Thác Bà giữa một vùng rừng núi âm u có một ngôi đền nhỏ rất linh thiêng. Ngôi đền thờ một người đàn bà, tương truyền rằng ngày xưa, có một vợ chồng nhà nọ rất nghèo, quanh năm kiếm ăn ở ven sông Chảy, lúc lên rừng kiếm củi, khi xuống sông đánh cá, tuy nghèo nhưng họ rất thương yêu nhau. Một ngày kia, người chồng vớt củi bên sông chẳng may chết đuối, người vợ đợi mãi không thấy chồng về liền đi dọc sông tìm kiếm, vừa khóc vừa gọi ngày này qua ngày khác, đến khi kiệt sức gục xuống không bao giờ dậy được nữa, mái tóc xõa xuống bờ sông, nước mắt của người đàn bà chảy xuống dòng sông, cùng với tiếng gào thét gọi chồng đã biến cả đoạn sông thành thác, người ta gọi là Thác Bà. Tiếng khóc bi ai của vợ làm xác của người đàn ông không trôi đi được cũng biến thành thác, gọi là Thác Ông. Thác Ông và Thác Bà ở bên nhau trở thành huyền thoại về tình cảm vợ chồng nơi bến nước, sống chết bên nhau không thể chia lìa. Dân quanh vùng lập đền thờ quanh năm hương khói ghi tạc tưởng nhớ mối tình chung thủy.

Từ đó, mỗi khi vượt thác, để cầu mong sự phù hộ, che chở, các tay lái bè đều sắm lễ vật đến cầu tại đền Bà, đốt vàng hương rắc xuống sông và xin quẻ, nếu được thần thác chấp thuận “nhất âm, nhất dương”, họ mới dám thuê người chở bè vượt thác.

Cả vùng ai cũng biết ở đằng sau đền Bà có một gia đình sống gắn bó với ngôi đền và dòng thác hung dữ qua nhiều đời. Họ sống bằng hưởng lộc của đền và chở bè thuê vượt thác. Con của họ mỗi đời thường độc đinh, chỉ có một con trai, nhưng họ đều là những người dũng cảm, giỏi nghề sông nước, từ tấm bé đã lặn ngụp và được truyền dạy cách chở bè vượt thác. Cậu bé Bảy được sinh ra ở gia đình đó. Khi mười lăm tuổi cậu đã là con cá kình của dòng sông Chảy, đã được cha giao đưa những chuyến bè vượt thác. Có lẽ, cuộc đời cậu sẽ gắn bó với Thác Bà như cha ông nếu không có một buổi chiều định mệnh, cha bắt cậu tới nhà người bạn chài có ý kết nghĩa thông gia, chuyến đi này cũng có nghĩa như một lễ “vấn danh” và để đôi trẻ biết mặt nhau.

Chỉ khổ cho cậu, quanh năm quần cụt, cởi trần lặn lội sông nước, nay phải gò bó trong bộ áo the, khăn xếp đi mượn, cậu càng lúng túng khi chiếc khăn xếp quá rộng cứ sụp xuống mặt, trong khi hai tay của cậu đang phải ôm khư khư chai rượu và bu gà trống thiến. Đến giữa sân chưa kịp chào hỏi chủ nhà, cậu đã ngã oạch xuống làm chai rượu và bu gà lăn lông lốc. Tiếng gà kêu quang quác, những tràng cười của mọi người xung quanh khiến cậu xấu hổ vùng bỏ chạy, mặc cho bố gọi lại thế nào cũng không được. Chạy đến bến sông, cậu chạy ào xuống, bơi một mạch sang sông. Vừa buồn vừa xấu hổ, cậu ngồi mãi nhìn dòng nước trong xanh êm đềm và tự hỏi con sông chảy về đâu.

Rồi cậu ngủ thiếp đi lúc nào không biết, cho đến lúc có người lay, cậu mới giật mình tỉnh dậy. Đứng trước mặt là một chàng trai chỉ hơn cậu một, hai tuổi gì đó, mặc bộ quần áo của Vệ quốc đoàn đã sờn, với xanh tuya to thắt ngang bụng, trên tay cầm khẩu súng trường mút cơ tông. Vừa tươi cười, chàng trai vừa hỏi: “Này cậu bé, cậu ở vùng này phải không? Có thể giúp tớ một chiếc thuyền hay bè mảng gì để vượt sông được không?” Tuy tự ái vì bị gọi là “cậu bé”, song trước vẻ oai phong trong bộ quân phục, khiến cậu cũng muốn được như chàng trai, và để thể hiện mình không phải là một chú nhóc, cậu đã xăng xái đi tìm mảng, cùng với kinh nghiệm sông nước của mình, cậu đã giúp cho cả trung đội Vệ quốc quân vượt sông Chảy hành quân về Lục Yên châu.

Lúc chia tay, cậu chợt nảy ra ý định xin được đi theo đoàn quân, nhưng người chỉ huy sau này cậu mới biết đó là trung đội trưởng tên Trí, người Hà Nội cứ vỗ mãi vào lưng cậu khen: “Khá lắm, khá lắm, chúng tớ rất cần những người giỏi sông nước, nhưng cậu còn ít tuổi, lại chưa được sự đồng ý của cha mẹ, tớ không thể nhận cậu”.

Còn chàng trai tên Phúc mà cậu gặp đầu tiên khi tìm phương tiện vượt sông cứ cảm ơn rối rít, nhưng vẫn nháy mắt tinh nghịch trêu cậu: “Về ăn thêm cơm cho lớn hơn chút nữa, lúc đó tìm tớ, tớ sẽ nói với cấp chỉ huy nhận cậu”.

Nhìn theo đoàn quân đi xa dần mà đôi chân cứ nặng trĩu, cậu không muốn trở về để rồi lại bị bố kéo đi hỏi vợ. Nghĩ lại cái cảnh bị ngã và bị cười chê, cùng với dáng vẻ oai phong của những người lính trẻ, thực sự là lực hút để cậu chạy theo đoàn quân và năn nỉ bằng được.

Cuối cùng sau hai ngày đi bộ lẽo đẽo theo trung đội của anh Trí, khi đến nơi tập kết ở làng Khánh Thiện, huyện Lục Yên, cậu đã được anh Trí dẫn lên gặp tiểu đoàn trưởng Lập để xin cho cậu vào Vệ quốc đoàn. Thế là cậu được chấp nhận và trở thành chiến sĩ trẻ nhất của Trung đoàn 165, và Phúc cũng trở thành người bạn chiến đấu trải qua cuộc chiến tranh gian khổ. Cậu đã đi qua các chiến dịch Sông Thao, chiến dịch giải phóng Nghĩa Lộ, rồi tham gia chiến dịch Điện Biên. Trong chiến tranh chẳng ai tránh được bom đạn, chỉ có bom đạn tránh né người mà thôi, bị thương thì nhiều nhưng cậu và Phúc vẫn còn sống cho đến ngày giải phóng miền Bắc.

*

Từ ngày bỏ nhà ra đi, cậu không viết một bức thư, chẳng ai biết cậu còn sống hay đã chết, cậu được về thăm nhà lần đầu tiên sau bao năm xa cách, cậu muốn để mọi người phải ngạc nhiên và bất ngờ; khi đi cậu chỉ là một chú bé, bây giờ đã là một chàng trai, một quân nhân từng trải trận mạc, với chức vụ trung đội trưởng. Bố mẹ cậu mừng khôn xiết vì tưởng không bao giờ còn gặp lại con nữa. Bố cậu cứ đứng chết lặng ngắm con trong bộ quân phục mà cả đời ông không bao giờ nghĩ con mình có được, mẹ cậu thì cứ ôm cậu mà khóc, bà tưởng dòng sông Chảy đã cướp đi đứa con yêu quý của bà.

Chỉ được nghỉ một ngày, hôm sau bố mẹ cậu đã nêu lại chuyện cậu phải lấy vợ: “Cái con bé bố mẹ định nhắm cho con nó vẫn chưa lấy ai và vẫn có ý chờ đợi con”. Nhựa sống của một chàng trai cùng với trí tò mò muốn được nhìn thấy người con gái chưa biết mặt thôi thúc cậu tự mình tìm đến với cô ấy. Bảy thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của Hiên, người con gái mang tên bến sông quê hương. Cậu đã cảm ơn ông trời vẫn sắp đặt cho mình một mối lương duyên suýt nữa đã chối bỏ. Lúc này, bố mẹ Hiên không ở bến nữa mà đã chuyển về Đông Lý quê gốc.

Đám cưới được tổ chức trong sự vui mừng của hai gia đình, lần lượt thằng Đông, cái Lý ra đời và cậu cũng được phục viên trở về với dòng sông quê hương, nơi có vợ, có con và cả gia đình. Cuộc đời cậu đã cảm thấy mãn nguyện. Ngày ngày lại chống sào vượt thác, chị buôn bán ở bến sông, cuộc đời tưởng như vậy mà cuộn trôi như con sông Chảy đủ hết những ghềnh thác, những tiếng gào thét, đôi lúc êm ả trôi về biển rộng. Nhưng rồi cũng như bao bạn bè khác, trai thời loạn với những cuộc chiến đã lại kéo cậu khỏi vòng tay của vợ, hơi ấm của các con để một lần nữa cầm súng ra trận.

Ngày ra đi, Bảy chìm trong mái tóc thơm ngát của vợ. Cậu chẳng thể nào quên được tiếng gọi của vợ và tiếng khóc gọi cha của hai đứa trẻ, là một người lính đã từng trải trận mạc, biết có thể chẳng còn được gặp lại vợ con, nhưng sao lần chia tay này vẫn nặng nề khôn tả. Cậu vẫn không sao quên được trách nhiệm làm cha, làm chồng của mình. Nếu cậu ra đi thì vợ con sẽ ra sao? Nhưng vợ con, bố mẹ sẽ nghĩ gì khi cậu buông súng. Cũng như một người vượt thác, nếu buông sào nghĩa là không tồn tại, dòng thác đó sẽ quấn anh đi, sẽ nhấn chìm anh xuống đáy của biển nước mênh mông.

Thật lạ kỳ, một lần nữa bom đạn đã buông tha cậu, mười năm chinh chiến qua bao chiến dịch, qua bao lần cái chết cận kề, nhưng cậu vẫn là những người còn lại của cuộc chiến. Cảm giác háo hức, trọn vẹn được quay về với vợ con đã thôi thúc cậu từ bỏ tất cả để quay về với quê hương, với người vợ và hai đứa con đang ngóng trông bên bờ sông Chảy. Cậu lại được ngập chìm trong mái tóc của vợ, được ôm ghì những đứa con yêu thương, được vẫy vùng trên dòng thác dữ. Tất cả, tất cả đang chờ và cậu cảm thấy mình hạnh phúc tột cùng, mình may mắn hơn bao đồng đội đã nằm xuống mà không bao giờ có được những phút giây hạnh phúc thế.

Nhưng cuộc đời cũng như dòng sông có khúc quanh, khúc chảy, có lên thác, xuống ghềnh, chẳng ai đoán trước được điều gì; những lúc êm đềm nhất cũng là lúc phía trước có thác ghềnh. Cuộc đời ai cũng vậy, những lúc cậu tưởng hạnh phúc nhất thì trái lại là lúc phải đối mặt với những đớn đau. Khoác ba lô về đến quê hương, cậu hãi hùng khi dòng thác dữ biến mất, làng xóm và cả chợ phủ huyên náo, ồn ào nay chỉ còn lại mênh mông trời nước, với một sự yên lặng đến tột cùng. Những người yêu sự mênh mông trời nước có thể coi đây là thiên đường, thì với cậu nó chỉ còn là sự trống vắng đến ghê người. Gia đình, vợ con đâu, biết hỏi ai giữa trời đất mênh mông? Thủy điện Thác Bà với sức mạnh của nó đã nhấn chìm tất cả kỷ niệm, quê hương cậu dưới biển nước. Cả một tháng sau đó, cậu mới tìm thấy thằng Đông, cái Lý ở nơi định cư mới tại huyện Văn Yên. Nhìn hai đứa con ngơ ngác, hỏi đến mẹ chúng chỉ khóc mà nói mẹ đã đi sao bố không về. Trước khi ra đi mẹ dặn hãy để mẹ ở lại trong lòng hồ và mẹ đợi bố về, rồi những ngày sau đó, ba bố con anh lại dắt nhau về sống ở bên hồ, ngoài mục đích mưu sinh còn vì mối nhân duyên, nỗi niềm đối với người vợ còn nằm dưới đáy nước…

Thời gian cứ trôi đi, cuộc sống vẫn đâm chồi nảy lộc. Cậu lính phục viên ngày nào bây giờ đã là ông lão. Con cháu ông đã vương trưởng đầy đàn, làm ăn thịnh vượng, nhưng với ông Thác Bà, sông Chảy và người vợ thảo hiền đã là máu thịt. Sự biến mất của dòng thác, sự ra đi của người vợ đã đem theo tất cả những kỷ niệm của ông một thời trai trẻ.

*

Bình lặng nghe câu chuyện của ông Bảy, như nghe một chuyện cổ tích thời hiện đại. Qua câu chuyện của ông, anh mới chợt hiểu vì sao ông lão ngày nào cũng ra hồ; chắc ông muốn tìm lại những kỷ niệm xưa đã chìm sâu đáy nước.

Tiếng ông Bảy đều đều, như một lời ru làm Bình ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Chỉ khi những cơn gió lạnh từ hồ ùa đến mới làm anh bừng tỉnh. Bếp lửa đã tàn, còn ông lão thì không thấy đâu, Bình tưởng ông đi thu rọ tôm, nhưng đến khi thu lưới lên Bình vẫn không thấy ông lão. Bình gọi mãi mà vẫn không có tiếng trả lời. Anh liền chạy dọc bờ hồ, tìm các gốc cây, bụi cỏ ven bờ vẫn thấy còn nguyên các rọ tôm, chưa ai đi thu. Bình hoảng hốt thực sự, linh tính báo cho anh biết có điềm không hay đến với ông lão. Bình bỏ cả thuyền, cả lưới chạy về thị trấn tìm Đông. Khi hay tin, Đông cùng Bình tiếp tục quay lại tìm ông lão, nhưng rồi vẫn không thấy.

Trong ánh chiều mây núi vần vũ, chợt nhớ những điều ông lão nói về nỗi nhớ thương người vợ, đến bến sông Hiên, Bình nói với Đông: “Hãy đi tìm ông lão ở bến Hiên”. Và dự cảm của Bình đã trở thành sự thật, khi tìm thấy thì ông Bảy đã lưng dựa vào cây sung gù bên bến sông, khuôn mặt hướng về cõi xa xăm. Ông đã tìm thấy bà và họ đã đi vào cõi vĩnh hằng như một minh chứng về tình yêu bất hủ…

Kỷ kiệm 60 năm ngày
Toàn quốc kháng chiến
(19/12/1946 - 19/12/2006)

PHIÊN CHỢ TẾT

Trong cái rét ngọt cuối đông, mặt trời chiếu những tia nắng yếu ớt xuyên qua màn sương mỏng lãng đãng trôi. Rừng đào trên đèo Mận sắp bung hoa báo hiệu mùa xuân đang đến. Tết đã cận kề. Hoàng Mộc hít một hơi dài thấy lâng lâng trong lòng khi nghĩ tới sẽ gặp Sa, người con gái anh thầm yêu ở phiên chợ cuối năm. Với người Tày, phiên này quan trọng lắm. Không chỉ là phiên chợ cuối cùng để kiếm thêm chút thu nhập, dành mua cho người già vài thứ quà năm mới, trẻ nhỏ bộ quần áo và những thứ không thể thiếu của một cái Tết. Chợ cuối năm cũng là dịp bạn già gặp nhau bên chén rượu, ôn lại kỷ niệm thời trai trẻ, nếu không đến cũng có thể là sang năm đi xa mãi mãi. Chợ cuối năm là dịp hiếm để trai gái các bản gặp nhau không phải hẹn, mời nhau miếng trầu làm quen, tặng nhau cái lược, tấm gương, chiếc khăn, chuỗi xà tích để hẹn ước và không thể thiếu điệu hát si, hát lượn, cùng tiếng sáo tỏ tình trầm bổng của chàng trai, cô gái trao gửi nỗi niềm.

 Đứng trên đèo Mận đã nhìn thấy chợ. Chợ vẫn còn xa. Đèo dài và khó đi. Nhưng với sức trẻ chả nghĩa lý gì với Mộc. Đèo núi gắn với anh như con chim với bầu trời. Nhiều lúc đi ở đất bằng Mộc cứ cảm thấy chống chếnh, được leo đồi, vượt núi, nhảy thoăn thoắt trên các tảng đá mới tạo được cảm giác mạnh với Mộc. Đi chợ với hai sọt cam sành trĩu nặng hai đầu đòn gánh không làm chậm được đôi chân rắn chắc của Mộc. Hôm nay Sa sẽ mặc gì? Mộc nghĩ, có lẽ là cái áo cổ tròn màu thanh thiên, ôm lấy eo làm tôn lên cái dáng thon thả của Sa. Nhưng Mộc thích nhất cái váy chàm Sa mặc để lộ bắp chân trắng hồng, luôn khiến Mộc bồn chồn. Mộc đã quyết phiên chợ này sẽ tìm gặp bằng được Sa để thổ lộ nỗi lòng. Những suy nghĩ háo hức làm con đường như ngắn lại.

Chả mấy chốc chợ châu đã hiện ra với sự náo nhiệt hơn những phiên chợ thường, người đông đúc đủ các màu sắc. Áo chàm của người Tày, người Nùng, áo thêu với những tua đỏ của người Dao, xen với áo nâu của người kinh từ Phủ Bình lên buôn bán. Tiếng chào mời, hỏi thăm, trêu đùa, hò hát tạo lên bầu không khí khó tả, huyên náo nhưng không làm ai cảm thấy khó chịu, mà còn bị mê hoặc, níu kéo mọi người đi từ hàng này sang hàng khác. Bắt mắt nhất là dãy sọt cam sành nổi tiếng của châu, chín mọng, ngọt mát. Rồi khoai nương củ to, đồ lên ăn rất bùi mang hương vị của nương đồi. Hàng măng đủ loại cả tươi lẫn khô, từ măng củ, măng lưỡi lợn, măng áo tơi, măng giang được hầm với chân giò lợn là món ăn khó quên của ngày Tết, các chú lợn đen mõm nhọn đã đợi sẵn, với đủ loại lợn to làm cỗ, lợn nhỏ làm canh mời khách. Tết đến mâm cơm đãi khách không thể thiếu món gà trống thiến. Gà thiến thường nuôi ít nhất hai năm bằng ngô, lúa, gà béo, lông dài mượt như lông công, mỡ dày và thơm. Nhà khấm khá ở châu phải có đàn gà thiến trên vườn và cá bỗng dưới ao. Gà thiến là lễ vật không thể thiếu của các đám ăn hỏi trong vùng.

Mộc đặt hai sọt cam xuống đất, mong có người hỏi để anh bán dù đắt, dù rẻ, miễn là nhanh để anh còn đi tìm Sa. Chưa bán được hàng con mắt anh đã len lỏi trong rừng người, hy vọng nhìn thấy Sa. Tai Mộc ghểnh lên hướng về khu đất cuối chợ, nơi đám con trai con gái đang tụ tập. Hôm nay, Mộc cảm thấy vô duyên vì chẳng ai hỏi mua cam. Càng ngồi lâu, lòng Mộc càng như lửa đốt. Anh sợ tan chợ Sa sẽ về, anh không được gặp. Anh định gửi hai sọt cam đi tìm Sa. Thọc tay vào túi đếm chỉ có vài trinh lẻ chẳng đủ mua vài con chỉ năm màu mà các cô gái thường thích để tặng Sa. Chẳng bán được cam thì chẳng có quà gì cho Sa cả. Nghĩ tới làm cho Mộc xấu hổ.

Đang lung mung tiến thoái lưỡng nan, bỗng có tiếng ồn ào ở đầu chợ, tiếng đấm đá, đuổi nhau huỳnh huỵch. Đám người đi chợ cứ chạy dạt ra, rồi lại xoay tròn như cơn lốc xung quanh hai người đang đánh nhau. Chẳng mấy chốc cơn lốc đã đến trước mặt Mộc, anh thấy một chàng thanh niên đang cố chống đỡ những cú đấm đá liên hồi của một gã đàn ông lực lưỡng. Bị dồn vào thế bí, anh ta nhảy phải vọt qua hai sọt cam của Mộc, cố lẩn vào đám đông chạy trốn. Gã đàn ông tức tối vì mất con mồi, lại vướng hai sọt cam, liền điên tiết đá vung lên làm những quả cam tung tóe khắp nơi. Chưa hả dạ, gã dùng chân xéo nát sọt cam còn lại. Đang bứt rứt trong lòng, lại bị gã đàn ông vô cớ làm hỏng hai sọt cam, Mộc đứng phắt dậy, xông tới định giữ tay gã đàn ông bắt đền hai sọt cam. Gã đàn ông quay phắt lại, mắt trợn ngược như hai hòn bi ve nhìn Mộc, quai hàm gã bạnh ra, nghiến răng ken két hỏi Mộc với cái giọng lơ lớ: May có biêt ngộ la ai khôn? Không đợi Mộc trả lời, hắn dùng cạnh tay chém vào dưới mang tai anh, đồng thời tung ra một cú đấm móc ngược vào ức. Mộc liền thu mình, né người tránh được hai cú đánh hiểm hóc của gã. Anh xoay người đá ngược lên quai hàm gã. Cú đá của anh chưa tới thì chân anh bị đôi tay gã khóa lại, buộc Mộc phải lộn vòng gỡ đòn và đứng vào thế trực diện với gã. Bất ngờ gã nhảy lên hét một tiếng lớn, hai tay vỗ mạnh vào đùi, hai chân giẫm mạnh xuống đất, các cơ bắp của gã bỗng nổi lên cuồn cuộn, trông gã như bức tường thành trước Mộc. Thấy gã có vẻ chậm chạp, chớp thời cơ, Mộc ra một loạt đòn vào cơ thể gã, nhưng anh cảm giác như đấm vào tấm phản lim. Nhanh như chớp, gã phản đòn bằng một cú đấm trực diện vào mặt khiến anh không kịp tránh, kèm theo một cú đá quét khiến Mộc bật ngửa ngã vào giữa đám đông. Anh ngất đi không biết trời đất gì nữa…

Tỉnh dậy anh thấy mình đang dựa vào cây lát dưới chân đèo Mận, xung quanh ba bốn thanh niên. Một người hỏi: Cậu tỉnh rồi à? Bọn tớ vừa cản, vừa vác cậu chạy mới ra được đây. Cám ơn cậu sáng nay đánh gã để tớ chạy thoát. Cậu khá lắm, nhưng chưa phải là đối thủ của Tắc Coong?

Mộc nhận ra người hỏi anh là chàng thanh niên chạy trốn qua hàng của anh. Mộc phì ngụm máu ra khỏi miệng hỏi: Cậu tên gì? Tắc Coong là ai? Tớ tên Cống, còn Tắc Coong là thằng khách bán đồ sứ ở chợ, lang bạt từ bên Tàu sang. Nó rất giàu, nhờ đút lót thân quen với tri châu nên được bợ đỡ. Nó giỏi võ nên làm càn, hay bắt nạt người đi chợ. Sáng nay tớ mang khoai đi chợ bán, nó đuổi không cho ngồi gần hàng của nó. Tớ đánh nhau với nó nhưng không lại phải chạy. Mẹ kiếp! Cái thằng khách này không ai trị nổi nó. Nhà cậu ở bản Lĩnh phải không? Để chúng tớ dìu cậu về.

Mộc cố nhịn đau tập tễnh vịn vai các thanh niên về nhà. Mộc mừng thầm không có Sa ở đấy chứng kiến anh bị đánh ngã.

Mộc mất một cái Tết chẳng đi đâu được phải ở nhà dưỡng thương. Mẹ Mộc kêu trời vì con bị đánh đau. Bố chả nói gì, với ông thanh niên đánh đấm nhau là chuyện thường, nhất là tranh gái. Ngày trẻ ông cũng thế, học võ để tự vệ, nhưng cũng phải tỉ thí mới biết cao thấp, nhất là làm oai với gái, nên ông chẳng hỏi lý do làm sao con bị đánh chỉ lẳng lặng lên rừng tìm lá thuốc về đắp cho Mộc. Sức khỏe tạm ổn, Mộc lò dò đi xuống cầu thang nhà sàn. Việc đầu tiên muốn đi tìm Sa. Nhưng biết tìm đâu? Chẳng biết Sa ở bản nào, chỉ nhìn thấy Sa một lần ở chợ Phiên, đã làm anh mất ăn, mất ngủ. Nếu muốn gặp phải đợi phiên chợ cuối năm. Lúc đó Sa đã có ai chưa, hay đã lấy chàng trai nào rồi? Chỉ mới nghĩ vậy đã làm Mộc bốc hỏa lên đầu, càng căm thằng Tắc Coong làm mất mối lương duyên. Lúc này có Cống ở đây thì hay biết mấy. Hai người đều có mối thù với thằng Coong.

Đang nghĩ mung lung thì Cống đến. Mộc nói ý định với Cống. Cậu ta đồng ý không do dự, nhưng bảo kể cả Mộc và Cống hợp sức lại cũng chưa thể địch lại thằng Coong, cần có thầy dạy võ. Cống nói chỉ có già bản là người giỏi võ. Đã từng đánh nhau với Phỉ Tàu sang ăn cướp nhiều phen, chắc già biết cách trị thằng Coong. Nói vậy Mộc liền bắt đôi gà, xúc túi gạo nếp, cầm chai rượu cùng Cống đến nhà già bản.

Nghe Mộc kể sự tình, già làng cười ha hả: Đúng là trai trẻ, có chí khí nhưng ngựa non háu đá, các cháu chưa đủ sức chọi với tay Coong đâu, ta biết nó giỏi võ tàu, được luyện tập công phu, khi đã vận công thì đánh hạ nó không phải dễ. Nhưng võ tàu không phải không có điểm yếu, vẫn trị được. Ta dạy cho các cháu nhưng không phải để trả thù, mà để tự vệ, giữ gìn làng bản. Nếu có gặp chuyện bất bình cần giúp đỡ, trước hết phải dùng lý, dùng mưu, hết cách mới dùng đến võ.

Hàng tháng vào dịp trăng sáng, Mộc và Cống đều được chỉ bảo các thế đánh, đường quyền, sử dụng binh khí như đao, kiếm và vũ khí gắn bó với cuộc sống hàng ngày của người Tày như đòn sóc, đòn gánh, dao phát, dao tay. Ngày qua ngày, Mộc và Cống miệt mài luyện tập. Mộc rất sốt ruột vì không thấy già bản chỉ cách trị thằng Coong nhưng không dám hỏi sợ mắng tính không kiên trì. Đùn đẩy nhau mãi, một hôm thấy già bản vui, Mộc đánh bạo hỏi. Già hỏi lại: Vậy cháu chưa rút ra được gì sau mấy tháng ta chỉ bảo à? Kẻ thua là kẻ vào trận chuẩn bị chưa tốt, chưa nắm được điểm mạnh, điểm yếu của đối phương đã xông vào đánh. Cũng như cháu vậy, tuy có chút võ vẽ nhưng chưa đủ để tỉ thí, lại để thằng Coong vận được công, phát huy lợi thế về tầm vóc thì khó địch được nó. Mộc chợt hiểu ra, anh  thầm chuẩn bị để có thể đối phó lại nếu phải gặp thằng Coong, nhưng cũng nhớ lời thầy học võ không phải để trả thù.

 Rồi Tết đến, anh rủ Cống cùng đi phiên chợ cuối năm, gánh theo mấy sọt cam của nhà đi bán. Mộc quyết gặp bằng được Sa để tỏ rõ lòng mình. Có Cống cùng đi làm anh tự tin thêm. Đến đầu chợ không khí rộn rịp càng làm hai chàng trai phấn chấn, hòa vào dòng người Mộc và Cống đang tìm chỗ bán, chợt nghe tiếng ngựa thở phì phì phía sau. Ngoảnh lại, Mộc không tin vào mắt mình nữa, người ngồi trên ngựa chở theo hai sọt khoai nương chính là Sa, cô ngồi chéo một bên lưng ngựa, đôi chân thon dài đung đưa theo nhịp đi của ngựa, đi ngay bên cạnh là một chàng trai cao to, đội cái mũ nồi, cưỡi trên lưng con ngựa bờm nâu, hai người vừa đi vừa nói cười vui vẻ, xem chừng tình cảm rất thân thiết. Nhìn cảnh đó, Mộc cảm thấy hai sọt cam nặng như ngàn cân, anh chỉ muốn quăng đi và ngồi bệt xuống đất. Nỗi tức giận thằng Coong chợt bùng lên, vì nó mà anh mất Sa. Lời già bản dạy anh quên béng. Mộc săm săm gánh cam đi xuống cuối chợ khiến Cống cố gắng gánh cam chạy theo. Mày đi đâu đấy? Cống hỏi, đi tìm thằng Coong để trả cái nợ năm ngoái chứ đi đâu, Mộc trả lời.

Không phải tìm đi đâu xa, hàng đồ sứ và các loại chum vại của thằng Coong bày bán ngay trước nhà. Mộc dằn mạnh hai sọt cam làm đổ mấy cái bình sứ. Nghe tiếng loảng xoảng, thằng Coong từ trong nhà hớt hải chạy ra, gã quát lên đòi bắt đền. Gã há hốc mồm khi thấy tay thanh niên mặt non choẹt dám gây sự với gã và bỗng nhận ra người đứng trước mặt mình là ai. Nhanh như con cọp, hắn nhảy phắt qua đám đồ sứ đổ liểng xiểng. Chỉ đợi có vậy, không để chân hắn chạm đất, Mộc vớ đòn gánh phang tới tấp vào hai cẳng chân gã. Tắc Coong cố lùi để né tránh, Mộc sáp vào đánh. Cống thấy vậy cũng lao vào hỗ trợ làm thằng Coong trở tay không kịp. Đúng lúc Coong đang lúng túng, Mộc chống đòn gánh song phi thẳng vào ngực gã, Coong mất thế ngã bổ chửng vào đám đồ sứ, máu me be bét. Biết không địch lại cả hai, hắn cố chạy về dinh tri châu cầu cứu. Hai thanh niên hăng máu đuổi riết đằng sau. Đến cổng dinh tri châu, thằng Coong chui tụt vào. Từ trong dinh, như đàn chó trông nhà gặp người lạ, xông ra bốn thằng lính của tri châu lăm lăm súng trên tay. Mộc và Cống sững lại, biết không đọ được với súng đạn, hai người quay đầu chạy, nhưng không kịp. Mộc bị mấy thằng lính bắt được, còn Cống may chạy thoát. Mấy thằng lính lôi xềnh xệch Mộc vào trong, đẩy ngã xuống sân. Lão tri châu đứng trên thềm nhà cầm ba toong chỉ mặt Mộc quát: “Thằng ranh con định làm loạn à? Lính đâu! Nọc ra đánh nhừ đòn cho quan, tống vào lao, mai quan sẽ xử tội nó”.

 Cống chạy thoát về liền báo cho bố mẹ Mộc, năm hết Tết đến, không muốn con ở trong lao, bố mẹ lại phải lợn, gà, quà cáp nhờ trưởng bản xin cho Mộc. Lão tri châu đồng ý thả Mộc hẹn bắt sau Tết một tháng. Mộc phải lên trình diện để lão xử tội và tính toán đền bù cho thằng Coong.

Sau Tết, đúng hẹn, Mộc thất thểu gánh gà, gạo lên trình diện, trong lòng vô cùng chán nản và căm uất cả lão tri châu và thằng Coong. Đến chân đèo Mận gặp Cống đang đợi ở đấy. Cống nói: “Tao biết mày hôm nay lên châu, điềm lành thì ít, điềm dữ thì nhiều, thằng Coong sẽ trả thù, lo lót lão tri châu. Nhẹ thì nó bắt mày đi phu, phạt tiền và bắt đền cho thằng Coong, còn nặng thì chưa biết thế nào. Nghe nói Việt Minh nổi lên ở bên Tuyên mạnh lắm, mấy thằng quan bợ đít Tây sợ phát khiếp. Châu mình ở Mường Văn đã có đội du kích rồi, tao với mày nên trốn vào đấy, gia nhập đội du kích may ra mới trả được cái nợ với lão tri châu và thằng Coong”.

Nghe đến trả được thù và thoát cảnh trớ trêu đang đợi mình ở phía trước, không đắn đo, Mộc đồng ý liền và bảo gà, gạo này để ra mắt đội du kích, còn hơn tống vào cái mồm chó tham lam của lão tri châu. Sau gần một ngày đường trèo đèo, lội suối hai người cũng đến được Mường Văn, đang lò dò ngó trước ngó sau, tìm nhà để hỏi, bỗng hai người giật thót mình khi có tiếng quát: “Đứng lại!”. Từ trong bụi cây nhảy ra mấy người, cầm trong tay đủ loại vũ khí: súng kíp, mã tấu, dao, kiếm. Mộc và Cống định chạy, nhưng hết đường vì đằng sau là một người cưỡi ngựa, đeo kiếm ngang lưng, ngẩng lên nhìn, Mộc tưởng mình mơ, khi người ngồi trên lưng ngựa là Sa, anh có tưởng tượng hết mức cũng không thể nghĩ gặp Sa trong hoàn cảnh trớ trêu này. Mộc và Cống bị Sa và toán người dẫn đến một ngôi nhà sàn ở cuối bản. Từ trên cầu thang đi xuống một thanh niên, Mộc chợt nhận ra đó là chàng trai đi cùng Sa tại phiên chợ cuối năm. Sa xuống ngựa đứng nghiêm trước người thanh niên, rồi nói: “Báo cáo đội trưởng, tiểu đội làm nhiệm vụ cảnh giới đã bắt giữ được hai người đi vào chiến khu, xin ý kiến của đội trưởng”. Chàng thanh niên điềm đạm hỏi Mộc và Cống, hai người kể sự tình và tỏ nguyện vọng Đội du kích. Hai cậu là người đánh nhau với Tắc Coong hôm ở chợ có phải không? Sao anh biết? Thì tớ là người chứng kiến từ đầu đến cuối mà lại. Ngẫm nghĩ một lúc, người thanh niên nói: “Thôi các cậu sẽ ở lại đây, vì đằng nào chúng tớ cũng phải giữ các cậu lại để đảm bảo bí mật. Chúng tớ sẽ cho người điều tra thêm thân nhân các cậu và sẽ bàn trong chỉ huy có cho các cậu tham gia đội không. Trước mắt các cậu sẽ tạm ở với tiểu đội của Sa, cô Sa sẽ bố trí ăn nghỉ và cử người canh chừng hai cậu này, chờ đến khi có lệnh mới”.

Sau ba ngày có lệnh của anh Ngân đội trưởng, tên người thanh niên, đồng ý cho Mộc và Cống tham gia đội, ở luôn tiểu đội do Sa làm tiểu đội trưởng và trong tổ ba người do một chàng trai thấp bé, ít nói tên Liên làm tổ trưởng. Mộc được giao một khẩu súng kíp của người Dao, nòng dài thườn thượt, có cái báng cầm tay khoằm khoằm, mỗi khi chuẩn bị bắn phải tọng thuốc súng vào nòng, rồi đến đạn ghém. Khi bắn cái lẫy súng bập đánh chát một cái vào cái lông ngỗng chứa thuốc bắn tia lửa bắt theo lông ngỗng vào thuốc súng, thuốc nổ, đạn ghém bắn ra như cái nia. Mỗi lần bắn Mộc chỉ có thể ước lượng mục tiêu, chứ chẳng có thước ngắm, bóp cò phải nghe tiếng tạch, rồi xèo, mới đùng, nếu không nổ lại phải lắp lại lông ngỗng. Thuốc súng mà ẩm, đối phương xông tới thì chỉ có nước vứt súng mà đánh nhau tay bo. Thà như thằng Cống được phát thanh long đao lấy ở trong đình còn tiện hơn. Tổ trưởng Liên khá hơn cả có khẩu pặc khoọc để trong bao da có dây đeo vắt qua vai rất oai, nhưng do vóc người thấp bé nên khẩu súng cứ lạch cạch tận kheo chân. Mộc nghĩ phải giao cho mình mới đúng vì Mộc to cao mới tương xứng với khẩu súng, nhưng là lính mới anh không dám ho he.

 Suốt ngày Mộc và Cống tham gia luyện tập, tuần tra canh gác, buổi tối anh em chỉ bảo lẫn nhau học võ, vài ngày cả đội lại tập hợp nghe anh Ngân nói chuyện thời sự, phổ biến chính sách, chủ trương của thượng cấp và nhắc nhở, rút kinh nghiệm hoạt động của toàn đội. Ăn uống thì từng tiểu đội tản ra sống với bà con dân bản, có gì ăn nấy. Nếu hôm nào săn bẫy được thú rừng hoặc ruốc được cá thì có chút cải thiện. Nhưng nói chung là kham khổ hơn sống ở nhà, đang sức ăn nên lúc nào Mộc cũng cảm thấy đói, nhiều khi tranh thủ lúc nghỉ phải vặt thêm quả sung, quả vả, lá lẩu để ăn thêm. Cái đói, cái khổ cũng hành hạ Mộc, nhưng được sống trong một môi trường mới lạ, sôi nổi nhưng có kỷ luật, lại được gần Sa và không bị ám ảnh bởi những kìm kẹp của gã tri châu dành cho anh đã làm cho Mộc phấn chấn. Tuổi trẻ luôn thích cái mới, cái lạ, không chịu gò bó, chóng chán và lại chịu sự chỉ huy của Sa dù là người anh yêu. Nhưng với anh, cô chỉ là một người con gái, cần sự che chở của người đàn ông mạnh mẽ như anh. Các bài tập quân sự cứ lặp đi lặp lại, võ vẽ cứ học lẫn nhau không có chiêu nào mới, cùng cái bụng đói khiến tâm trí anh chỉ muốn nổi loạn. Rồi cái gì đến nó sẽ đến. Một hôm đến phiên gác đêm của Mộc, anh ngồi ôm khẩu súng kíp nhìn màn đêm mờ mờ ánh trăng, lặng như tờ, chỉ có tiếng cú rúc trong đêm, thỉnh thoảng nghe tiếng con Hú hò kêu rợn người, các cụ già bảo Hú hò kêu là ma về bắt người. Ngồi lâu, đói bụng Mộc nảy ra ý định phải kiếm cái gì ăn. Chợt nhớ ra buổi chiều đi tuần tra, anh nhìn thấy ven nương của ai đó có nhiều bí ngô, nếu kiếm một quả, bổ ra cho vào ống nứa bánh tẻ, lam lên thơm ngon phải biết. Nhưng bỏ gác là bị kỷ luật. Rồi cái bụng đã chiến thắng cái đầu, không đắn đo Mộc để lại khẩu súng, lẻn lên nương lấy bí, cho vào ống nứa, đốt lửa làm món bí lam. Chẳng mấy chốc món ăn của anh đã tỏa mùi thơm khó tả. Đang đói, miếng bí ngô chín mềm, thơm ngọt quện với mùi nứa bánh tẻ, mùi ai khói đi vào miệng Mộc đến đâu biết đến đấy. Mộc định chỉ ăn một phần còn dành cho Cống và Sa, nhưng sẽ lộ, chẳng khác nào lạy ông con ở bụi này.

Đang tận hưởng thành quả, bỗng Mộc thấy lành lạnh ở mang tai, Mộc định phản ứng thì nghe tiếng phụ nữ quát: Ngồi im, đưa hai tay lên, muốn mất tai thì cứ việc cựa quậy. Mộc nghĩ thoáng trong đầu, chết bỏ mẹ, đúng Sa rồi, ai bắt quả tang thì bắt sao lại là Sa, thật không còn lỗ để mà chui. Hôm sau, toàn tiểu đội họp dưới sự chủ trì của Sa để kiểm điểm Mộc về bốn tội: bỏ gác, bỏ vũ khí, đốt lửa làm lộ vị trí đóng quân của đội và vi phạm chính sách không được lấy của dân. Toàn tội nặng. Phê bình Mộc gay gắt nhất là Sa. Mỗi lời nói của Sa cứ như lưỡi dao chọc vào tim Mộc, càng làm anh xấu hổ. Ai cũng phê phán Mộc, có người muốn anh ra khỏi tiểu đội, có người hài hước nói tại sao tiểu đội trưởng không dùng kiếm của mình cắt luôn tai tại trận để cho Mộc nhớ lần sau khỏi vi phạm. Chỉ mỗi Cống là có ý kiến do Mộc đói quá nên trót vi phạm, mong cả tiểu đội tha thứ cho Mộc. Cuối cùng, cả tiểu đội nhất trí giải Mộc lên đội để cấp trên xử lý. Người dẫn giải Mộc lại là Cống. Lên đến ban chỉ huy đội, gặp đội trưởng Ngân, anh nheo mắt nhìn Mộc hỏi: “Cậu đã gây chuyện gì?”. Cống vội trả lời thay Mộc, kèm thêm lời bào chữa: “Vì nó đói quá anh ạ”. Đội trưởng nghiêm khắc nói, những chiến sĩ cách mạng phải là người có kỷ luật cao nhất và họ không bao giờ được tơ hào đến cái kim, sợi chỉ của nhân dân, các vi phạm kỷ luật của Mộc là rất đáng trách, không thể biện minh vì cái đói được đâu. Cậu phải chịu kỷ luật. Mộc méo mặt nói, anh có thể kỷ luật em thế nào cũng được, nhưng đừng đuổi em khỏi đội.

Thế là Mộc bị giữ lại trên đội với nhiệm vụ hàng ngày lên nương trồng ngô, kiếm củi. Được mấy ngày chưa kịp buồn và ngấm cái án kỷ luật, Mộc được anh Ngân gọi, bảo về ngay tiểu đội có lệnh Tổng khởi nghĩa rồi. Thấy anh Ngân có vẻ cởi mở, Mộc đánh bạo đề nghị, trên này có súng trường xin anh cho em một khẩu, chứ cứ dùng khẩu súng kíp này mà lên đánh nhau với bọn lính của tri châu thì em sợ không ăn thua đâu. Em nghe bố kể đã có cuộc nổi dậy ở Động Lâm, mấy trăm người vác súng kíp lên bao vây dinh tri châu, nó cứ để cho bắn thoải mái từ nửa đêm đến sáng, đạn ria bắn ra vào tường dinh như gãi ghẻ, thậm chí còn rơi xuống chân tường. Đợi đến rõ mặt người, súng trường ở trong dinh nó mới bắn ra, phát nào trúng phát nấy, cầm cự chả được bao lâu, đến khi thủ lĩnh họ Triệu bị nó bắn một phát xuyên qua cái diều ở bướu cổ của ông ta, thế là tan. Đội trưởng bảo Mộc, cậu biết một mà chưa biết mười. Cuộc nổi dậy đó ở châu đã sai lầm do không biết sử dụng sức mạnh đoàn kết. Họ không biết kẻ thù chính là ai. Họ chủ trương chống tri châu để bỏ sưu thuế, nhưng thằng Pháp mới là kẻ cướp nước. Họ lại chưa chọn đúng thời cơ, chưa biết người, biết ta nên đã thất bại. Còn súng thì khẩu súng kíp không vô dụng. Muốn có súng trường thì dịp này là dịp để cậu có súng chiến lợi phẩm thay cho khẩu súng kíp của cậu, hãy về tiểu đội ngay đi, kẻo mất thời cơ.

Sau đó cả đội du kích tập hợp nghe lệnh hành quân để hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành chính quyền châu. Tiểu đội của Sa được đi đầu, lá cờ đỏ sao vàng được giao cho Liên, Mộc và Cống được giao nhiệm vụ cùng Liên cắm lá cờ lên nóc dinh tri châu. Hành quân suốt đêm leo đèo lội suối đến tờ mờ sáng cả đội đã đến châu lỵ, sáng rõ mặt người quần chúng ở các thôn bản đã kéo đến đông kín còn hơn phiên chợ cuối năm, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng thanh la, tiến hô khẩu hiệu ầm ầm, chắc nghe tiếng thì thằng tri châu và lũ lính vỡ mật mà chết.

Có lệnh chiếm dinh tri châu, Liên cầm cờ, cùng Mộc và Cống xông lên trước, Sa chỉ huy tiểu đội yểm trợ tổ cầm cờ của Liên, cùng toàn đội du kích dẫn đầu dòng người bao vây dinh tri châu. Mộc và Cống phá cổng, hỗ trợ cho Liên cắm cờ. Cả đội du kích ùa vào, từng tiểu đội chiếm các vị trí trong dinh mà không gặp sự kháng cự nào cả. Chỉ thấy bàn ghế đổ, giấy tờ bay lung tung, lùng sục một hồi không thấy ai, anh Ngân vào, Sa báo cáo không thấy tri châu đâu. Anh Ngân phán đoán thằng tri châu chắc trốn rồi, nhưng không thể xa, vì tổ trinh sát nói hôm qua nó và bọn lính còn ở đây, đường bộ thì nó không dám đi rồi vì đều qua vùng của ta, chắc mấy thằng này chạy theo đường sông rồi, anh liền ra lệnh cô Sa dẫn ngay tiểu đội dùng ngựa theo đường tắt đuổi theo không cho chúng chạy về dưới xuôi.

Nghe lệnh như cờ gặp gió, Mộc, Cống theo Sa cùng cả tiểu đội lấy ngựa trong chuồng tri châu bỏ lại phi theo đường tắt, mượn thuyền độc mộc đón lõng ở khúc quanh. Đúng như dự đoán mấy chiếc thuyền chở tri châu vừa ló ra, liền bị thuyền độc mộc của tiểu đội du kích xông ra, chặn lại. Chiếc thuyền của Sa đi đầu cùng với đà chảy của dòng nước đâm mạnh vào thuyền của tri châu khiến nó lật úp. Mặc cho thuyền bị lật, các đội viên vẫn bơi bám vào thuyền tri châu để leo lên. Thuyền Mộc đi thứ hai nổ súng thị uy làm đám lính trên các thuyền nhảy đại xuống sông để bơi vào bờ chạy trốn. Trên thuyền chỉ còn lão tri châu, thằng quan kiểm lâm và đám vợ con run như cầy sấy. Mộc nhìn trên thuyền nhưng không thấy Sa đâu, trên mặt sông phía xa thấy Sa đang chới với, chết rồi có lẽ Sa không biết bơi. Không kịp nghĩ ngợi Mộc nhảy ùm xuống bơi đuổi theo để cứu Sa, Cống bơi thuyền độc mộc theo sau hỗ trợ. Vất vả lắm hai người mới đưa được Sa lên thuyền. Sa đã bất tỉnh. Mộc cố hồi sức cho Sa. Đến khi miệng Sa trào nước tỉnh lại, Mộc nằm vật ra như sắp ngất. Anh mừng vì đã cứu được Sa, đây cũng là cơ hội để anh hùng cứu mỹ nhân. Dù rất mệt anh vẫn giành lấy việc dìu Sa, đỡ Sa lên ngựa, rồi cùng anh em dắt giải lão tri châu và thằng quan kiểm lâm, còn đám vợ con thả hết muốn đi đâu thì đi.

Trên đường về, Mộc chỉ nói được mỗi câu, anh lo cho Sa quá, rồi câm như hến. Sa khẽ cười, cám ơn anh. Đến cổng dinh, Mộc nhìn lão tri châu thất thểu đi, trông thật đáng ghét, chẳng còn oai vệ, mặt đỏ như vang khi quát lính nọc anh ra đánh. Nghĩ đến việc đuổi bắt lão, suýt làm cho Sa bị đuối nước, nỗi căm tức dồn nén bấy lâu làm Mộc sôi máu, đá lão một cái làm lão ngã sấp. Anh Ngân từ trong dinh ra đón cả đoàn, Sa đứng nghiêm báo cáo đội trưởng tiểu đội đã hoàn thành nhiệm vụ, bắt được tri châu và tên quan kiểm lâm, còn tụi lính nhảy hết xuống sông chạy trốn, không bắt được chúng. Anh Ngân khen ngợi, rồi ra lệnh điệu hai tên quan vào dinh. Mộc quay lại vẫn thấy gã tri châu nằm sấp, anh quát lên, mày định ăn vạ à. Không thấy lão động cựa gì, Mộc cúi xuống lật lão lên, anh tái mặt nhìn thấy miệng lão đang ộc ra máu, Cống kêu lên có lẽ lão chết rồi. Anh Ngân ra lệnh cấp cứu cho lão, một hồi sau may quá lão tỉnh dậy. Mộc hú hồn, lão mà chết thì anh phải vào đề lao thay gã. Mộc bị anh Ngân phê bình vì tội đánh gã tri châu, anh nói lão tri châu có tội phải đưa ra tòa án cách mạng để xử, không được lấy thù riêng để đánh đập gã, nhưng anh cũng khen ngợi Mộc dũng cảm cứu Sa. Từ sau buổi đó, Sa nhìn anh với ánh mắt khác lạ khiến trái tim anh mách bảo cô đã dành cho anh tình cảm chưa thể nói ra.

Sau khi chính quyền châu được thành lập, anh Ngân là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến của châu. Anh triệu tập toàn đội du kích để giao nhiệm vụ, anh nói: Khởi nghĩa thắng lợi, cách mạng Tháng Tám thành công, nhưng khó khăn mới lại xuất hiện, ở trong Nam Bộ, bọn Pháp theo quân Anh vào giải giáp vũ khí của phát xít Nhật đang gây hấn với âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Ngoài Bắc, bọn quân Tưởng Giới Thạch âm mưu lật đổ chính quyền non trẻ, chúng dung túng cho bọn Quốc dân đảng phá hoại chính quyền. Vừa rồi ở tỉnh lỵ, chúng đã xông vào trụ sở bắt và thủ tiêu một số cán bộ của ta. Phía tây, bọn phỉ đang hoành hành, lực lượng cách mạng ở địa phương còn yếu, cần phải tăng cường, do vậy theo chỉ thị của trên, Đội du kích của chúng ta cần chia làm ba. Tiểu đội do Sa làm tiểu đội trưởng, sẽ mang theo lương thực, vũ khí tham gia vào bộ đội địa phương của tỉnh. Một tiểu đội, cùng với lực lượng cán bộ của châu do tôi làm trưởng đoàn sẽ đi tăng cường giúp đỡ cho địa phương bạn, số còn lại dưới sự lãnh đạo của đồng chí Chủ tịch mới, sẽ do Liên làm tiểu đội trưởng, Cống tiểu đội phó làm nòng cốt và huy động thêm thanh niên để phát triển lực lượng vũ trang của châu.

Thật trùng hợp, ngày xuất quân gia nhập bộ đội địa phương đúng vào phiên chợ Tết. Lễ xuất quân diễn ra trước cửa dinh tri châu, nay đã là trụ sở Ủy ban kháng chiến của châu. Mọi người đi chợ đứng xem lễ tiễn đông như hội. Mười hai đội viên du kích nai nịt gọn gàng, súng khoác trên vai, cưỡi trên lưng ngựa. Đi đầu là Sa với cây kiếm bên hông, nàng không còn ngồi trên lưng ngựa chéo một bên nữa, đôi chân thon thả không còn để trần mà đã được quấn xà cạp. Đi sát bên cạnh là tiểu đội phó Mộc với cây súng trường chiến lợi phẩm, chứ không phải khẩu súng kíp tạch-sì-đùng như anh thường gọi nữa. Đi qua cửa nhà thằng Coong, Mộc liếc nhìn thấy nó trông như con chó mất chủ đứng cụp tai lẫn trong đám đông. Mộc thấy mình đã cứng cáp hơn, không còn là chú thanh niên đi học võ để trả thù vặt. Kẻ thù mà anh phải đối mặt lớn hơn nhiều. Anh nhìn thẳng phía trước thúc ngựa theo hàng quân.
 

ÔNG MẢNH "ĐÙ"

Hôm ấy, ông Mảnh phấn chấn lắm, ông như trẻ lại, ông uống hết mình, đến lúc sương sương ông nói: “Bảy ơi, vui quá, chỉ tiếc không đủ mấy thằng, chỉ có tau với mi, hát đi, hát đi cái bài cũ bọn mình từng hát. Bọn lính tráng của chú không biết hát bài này đâu, có hai thằng mình cũng hát”. Thế là hai ông già ôm nhau mà hát: “Anh đi khai phá miền Tây, rừng núi bao la bừng giấc say...” Tiếng hát rộn lên cho đến khi mặt trời buổi hoàng hôn chìm xuống dãy Trường Sơn.
Ông Mảnh “đù”

Cô văn phòng lâm trường bộ hớt hải chạy xuống trạm xá lâm trường tìm bà Ngà y tá vừa thở vừa nói: “Chị lên văn phòng ngay đi, anh Mảnh đang làm loạn lên ở lâm trường bộ kia kìa”. Bà Ngà bỏ cả ống nghe, tất tả chạy lên: “Chết rồi, ông này lại gây chuyện lớn rồi, khổ quá, chồng ơi là chồng!”

Chưa tới nơi đã nghe tiếng ông Mảnh oang oang: “Tại sao hai tuần nay các anh không cấp dầu cho tụi tui? Máy điện nằm đó thì cả phân xưởng xẻ gần trăm con người ngồi chơi không đó”.

“Kế hoạch xăng dầu quý này đã hết, trên chưa cấp xuống thì tôi lấy gì cấp cho các anh?” - Tiếng giám đốc lâm trường trả lời.

“Thế không có xăng dầu mà tại sao cái xe con của anh vẫn chạy đều đều có dừng ngày nào đâu, xe lâm trường đi chở gỗ đối lưu vẫn chạy?”

“Anh ăn nói cho cẩn thận, không tôi kỷ luật anh đấy!”

“Anh có giỏi thì cứ kỷ luật tui đi, thằng Tư Mảnh này bom đạn chín năm rần rần còn chẳng sợ, sợ chi cái thứ kỷ luật của các anh. Làm giám đốc như anh, lâm trường thiếu vật tư, công nhân thiếu việc làm không lo, giám đốc còn ngồi trên xe con dùng ống nhòm xem công nhân trồng rừng thì ai làm chả được”.

“Anh đừng có công thần, tôi... tôi...”

Rồi có tiếng bàn xô, ghế đổ trong phòng giám đốc lâm trường. Bà Ngà vội bật cửa vào, nhìn thấy ông Mảnh đang túm cổ áo bốn túi của giám đốc mà nhấc ngược lên, khiến chân ông này chới với. Sợ quá bà Ngà vội xông vào giằng tay ông ra khỏi cổ áo giám đốc, miệng lắp bắp: “Xin lỗi anh... xin lỗi giám đốc, nhà tôi nóng quá... Mong anh bỏ qua cho”.

Rồi bà vừa khóc, vừa đẩy, vừa kéo ông ra khỏi cửa. Thấy vợ khóc, ông Mảnh như chùng lại, rồi buồn rầu đi theo bà về nhà. Gần đến nhà, nghĩ đến cảnh bà sẽ giận dỗi trách cứ ông về chuyện gây sự với giám đốc, ông bỗng cảm thấy bức bối, nóng nực mặc dù đang mùa đông. Càng nghĩ ông càng không muốn về nhà lúc này. Ông muốn tìm nơi yên tĩnh để trút nỗi suy tư. Ông liền bảo: “Bà về đi, tôi ra suối kiếm mấy con cá”, rồi ông quay đi. Biết tính ông mỗi khi buồn hay ra suối bắt cá nên bà cũng chẳng giữ.

Chiều về, ông cầm theo xâu cá suối, bảo bà Ngà: “Tối nay, bà làm cho tôi món cá nướng và canh chua. Thằng Ngọ đâu, đạp xe sang bên nông trường chè mời mấy chú bạn bố sang nhậu”. Ông sai thằng con, biết tính bố, thằng bé vội dắt xe đi ngay không nói một lời.

Bà Ngà lụi cụi làm cơm, liếc nhìn ông đang cuốn điếu thuốc rê, với vẻ mặt trầm ngâm. Không hỏi nhưng bà biết những lúc buồn, ông thường suy tư về ký ức của một thời chinh chiến ở chiến trường Liên khu Năm khói lửa, về người vợ là văn công có giọng hát dân ca Nam Trung Bộ ngọt ngào làm say lòng chàng trung đội trưởng cùng quê. Bao chàng cán bộ tiểu đoàn, đại đội mê cô văn công như điếu đổ, nhưng cô vẫn yêu anh, chàng trung đội trưởng dũng cảm, nóng như lửa, nhưng hay ghen. Sau một trận đánh, anh bị thương phải nằm điều trị ở quân y, cô đến thăm và quà tặng cho anh là gói thuốc rê mà anh thích, hát cho anh nghe giai điệu dân ca của quê hương.

Sau lần đó, họ báo cáo tổ chức tác thành cho cả hai nên vợ nên chồng, nhưng rồi họ cũng không còn được gặp nhau. Anh tiếp tục với các trận đánh, chị đi hát cho bộ đội khắp chiến trường, họ như vợ chồng Ngưu Lang - Chức Nữ. Tận đến khi có lệnh ngừng bắn, tập kết ra Bắc, anh mới biết tin chị đã hy sinh trong một chuyến đi phục vụ bộ đội. Anh và chị đã có một đứa con gái, chị không thể chăm sóc con, đã phải gửi về quê ngoại. Anh ân hận mãi vì lúc anh bắt đầu giận chị, hờn ghen khi nghĩ chị không nhớ tới anh, thì cũng là lúc anh biết chị hy sinh và đứa con vẫn không biết nó sống ra sao trong lúc chiến tranh. Anh muốn tại ngũ và được trở về chiến đấu ở mảnh đất Liên khu Năm bất khuất, để tìm lại đứa con và thắp cho chị một nén nhang ở nơi chị đã ngã xuống, nhưng những vết thương của cuộc chiến đã không cho phép anh được toại nguyện. Anh phải ra quân cùng các đồng đội khác tham gia xây dựng các nông lâm trường để phát triển kinh tế ở vùng miền núi heo hút này.

Tối sập, cũng là lúc nghe tiếng cười rổn rảng của các bạn, ông Mảnh vui vẻ hẳn lên: “Vô đi, vô đi, hôm nay phải nhậu cho đã đời nghe!”

“Có gì vui vẻ mà anh chị Tư mời em út nhậu vậy?”, - mấy anh bạn lớn tiếng hỏi.

“Đang rầu thấy mồ, muốn mời mấy chú nhậu cho quên đời”. - Ông Mảnh trả lời.

“Sáng nay, anh của các chú làm loạn trên lâm trường bộ kia kìa. Tôi mà không nhanh lên can thì lớn chuyện rồi” - Bà Ngà vừa lườm ông Mảnh, vừa trả lời thay chồng.

“Chắc lại có việc gì liên quan đến công việc chung mà anh Tư không vừa lòng nên mới làm dữ, chị Tư biết tánh anh rồi, có bao giờ làm ầm ĩ về việc riêng đâu” - Mấy ông bạn nói đỡ cho ông Mảnh.

“Công việc chung nào ông ấy cũng xía vô, thiếu dầu chạy cái máy điện của ông ấy thì ông ấy ngồi chơi. Thiếu dầu là do lâm trường không cấp đủ, chứ có phải tại ông ấy đâu mà ông ấy lại đi gây sự với người ta. Toàn là chuyện gái góa lo việc triều đình, chỉ tổ cho người ta ghét”. Bà Ngà nói.

“Thôi, đâu có đó, nhậu đi mấy chú, nào dô” - Ông Mảnh nói.

“Chu cha, chị Tư dân Bắc mà làm món nhậu hợp tụi em ghê, chắc anh Tư bày cho chị Tư hả?”

“Đâu có, hầu ổng hơn chục năm rồi quen thôi, không hiểu qua đường dạ dày tôi đã chiếm được trái tim của ổng chưa, hay ổng vẫn nhớ người xưa của ổng” - Bà Ngà nói mát.

“Chị Tư ơi, bọn em chứng nhận tình cảm của anh Tư dành cho chị là số dách. Này nhé, khi anh đến với chị, chị chưa ưng vì nghĩ anh đã có vợ con, rồi anh đứng ở cổng trạm xá bao nhiêu tối để làm mồi cho muỗi rừng để chỉ mong gặp được chị. Rồi anh leo núi ngã trẹo cả chân để lấy bằng được dò phong lan tai trâu đẹp nhất tặng chị, và bây giờ thì sao, anh tặng chị ba thằng nhóc nghịch như quỷ sứ còn gì nữa”.

Mọi người cười ồ lên làm bà Ngà ngượng chín cả mặt.

“Nào nào, bọn mình cạn ly này để chúc cho tình cảm của anh chị Tư, dô... dô…” Cả hội hào hứng.

“Chúng mình đang nhậu vui vẻ thế này, không biết đồng đội tụi mình, gia đình chúng mình ở trỏng sống chết ra sao.” Bỗng ông Mảnh trầm ngâm: “Các chú có biết tau ước ao gì không? Tau muốn trẻ lại để được về quê chiến đấu một mất một còn với chúng nó. Chứ ngồi ôm cái máy điện già từ thời cổ lỗ sĩ suốt ngày trục trặc, rồi lúc có dầu, lúc không tau chỉ muốn khùng. Tau nghĩ mấy thằng cha đồng đội tụi mình lại sướng, được đánh đấm, được hít thở không khí ở quê hương. Tau nhớ cánh đồng quê tau quá”.

“Chúng em biết rồi. Cánh đồng quê anh Tư ở Liên khu Năm ‘béc nghéc’, ‘thẻng’ cánh cò bay, ‘treng’ sỏi, dưới đá, ‘ròng tròng’, ‘dẹc dẹc’ quanh năm chả cái con gì mà ăn”.

“Tụi bây, lại trêu tau rồi! Ai chả biết quê tụi bay dân miền Tây màu mỡ, gạo trắng nước trong dễ sống. Quê tau tuy nghèo nhưng tau vẫn thương nhớ khôn nguôi đó tụi bây. Nhưng bây giờ đây là quê mới rồi. Nhanh thật, gần mười bảy, mười tám năm rồi, khi chúng mình là lính tập kết hội quân với mấy đại đoàn từ Điện Biên kéo về xây dựng các nông trường, lâm trường ở vùng Tây Bắc này. Khi đó thật vui, cả vùng này thay đổi từ hồi đó. Rồi các đồng đội chúng mình lại đi chinh chiến, chỉ còn tụi mình mấy thằng thương binh là phải ở lại bám trụ, tuổi trẻ của chúng mình đã dành cho hai quê rồi. Các chú còn nhớ bài hát Trên đường ta đi tới không? Hát đi, hát đi”.

Thế là dàn đồng ca có thêm rượu hỗ trợ đã trở nên bay bổng lạ thường xuyên qua màn đêm giữa rừng núi âm u: “Anh đi khai phá miền Tây, rừng núi bao la bừng giấc say, anh khai đất hoang thành luống cày... Bao năm kháng chiến trường kỳ, lòng vẫn mơ có ngày hôm nay... xưa mang súng gươm đi giết thù, nay lên đường gieo lúa bội thu, năm xưa chiến đấu bên bờ Cửu Long... Năm nay ta hát bên bờ sông Hồng...” Ông Mảnh nhìn đồng đội hát mà rơm rớm nước mắt.

Cuộc vui rồi cũng tàn, kỷ niệm xưa có đẹp bao nhiêu cũng phải dành chỗ cho thực tại. Ba hôm sau, ông Mảnh nhận được thông báo phê bình nghiêm khắc, kèm theo quyết định cắt tiền thưởng quý vì tội gây rối ở lâm trường bộ. Nghe tin, ông phẩy tay cho qua, bà Ngà thì lắc đầu, nhưng nghĩ thế là nhẹ. Nhưng cái máy điện già thì có dầu chạy phành phạch và xưởng cưa đã hoạt động trở lại.

Tưởng thế là giúp cho ông Mảnh một bài học về cách đối nhân xử thế với cấp trên, nhưng chuyện ông gây ra vào dịp đầu năm khi đoàn công tác của tỉnh về xét duyệt hoàn thành kế hoạch, duyệt quyết toán năm của lâm trường mới là một thảm họa. Là đơn vị lớn của ngành lâm nghiệp tỉnh nhà nên đoàn đến làm việc thật hùng hậu. Dẫn đầu là ông Phó chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch tỉnh, oai vệ với cái dáng đi khuỳnh khuỳnh đầy quyền lực, với cái nhìn lướt qua đầu mọi người, những cái bắt tay lỏng toẹt, hờ hững như mất hồn. Rồi tay phó ty lâm nghiệp cao ngổng, với đôi giày côn sơ gin dành cho cấp tá bóng nhoáng, quanh năm chả biết leo rừng là gì. Còn một lô xích xông ban ngành đủ cả: tài chính, ngân hàng, thống kê, thi đua... Nhìn cái bụng to như cái dó mẹ của trưởng đoàn, ông Mảnh bật cười.

Sau ba ngày làm việc, kéo theo khá nhiều lợn gà bị giết. Buổi chiều cuối cùng đoàn công tác kết luận, có mời đầy đủ trưởng các phòng ban, đội sản xuất, phân xưởng, công đoàn, thanh phụ đủ cả. Có khách sộp có khác, nước chè hương loại một thay cho nước vối loãng toẹt. Trên bàn bày đầy bánh kẹo Hải Hà, thuốc lá Điện Biên bao bạc đến đám cưới loại sang cũng không có. Ông Mảnh là đội trưởng phân xưởng cơ điện cũng được mời. Ông trưởng đoàn sau vài lời xã giao, ậm è trịnh trọng kết luận: “Sau mấy ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả, đoàn công tác đã xem xét, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện các chỉ tiêu được giao cho lâm trường, kiểm tra sổ sách kế toán, đánh kết quả tài chính. Đoàn chính thức công nhận lâm trường đã hoàn thành toàn diện xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế, hiệu quả sản xuất được Ủy ban nhân dân tỉnh giao, cụ thể: trồng rừng mới… chăm sóc... tỉa thưa... khai thác gỗ tự nhiên... khai thác gỗ rừng trồng... xẻ gỗ...”

Ông Mảnh ong ong nghe ông trưởng đoàn công bố, nhưng đến đoạn gỗ xẻ thì ông không tin ở tai mình nữa, đạt trên hai ngàn mét khối vượt chỉ tiêu hai mươi phần trăm. Không đủ điện thì làm sao đạt, chứ đừng nói là vượt. Như một phản ứng tự nhiên ông đứng phắt dậy.

“Tui có ý kiến, đồng chí trưởng đoàn công bố các chỉ tiêu khác tui không biết, nên tui không có ý kiến, nhưng riêng về chỉ tiêu gỗ xẻ là không chính xác, cần phải xem lại”.

“Các số liệu đã được các cán bộ trong đoàn xem xét, kiểm tra, đối chiếu với sổ sách không thể sai được”. Ông trưởng đoàn bực bội vì bị ngắt ngang lời, nhưng vẫn quả quyết khẳng định. “Tôi đề nghị các nhóm công tác phụ trách số liệu giải thích vấn đề này”. Nói xong ông ngồi phịch xuống ghế.

Cả phòng họp ồn ào như ong vỡ tổ, giám đốc lâm trường và bà kế toán trưởng toát mồ hôi hột. Các trưởng phòng ban nhìn nhau hốt hoảng, mấy ông đội trưởng há hốc mồm ngạc nhiên không biết chuyện gì đã xảy ra. Phó ty lâm nghiệp trừng trừng nhìn vào ông Mảnh như muốn nuốt sống. Riêng mấy tay cán bộ tài chính, kế hoạch, thống kê trong đoàn khá tự tin, đứng lên giải thích:

“Chúng tôi đã đối chiếu kỹ giữa sổ nhập kho, xuất kho, số tồn kho gỗ xẻ. Số tiền thu về và số tiền còn nợ của người mua đối với số gỗ xẻ đã bán, nên chúng tôi khẳng định số liệu về chỉ tiêu gỗ xẻ là đúng, không thể sai”.

“Ờ, người ta có chuyên môn thì sai làm sao được. Cái ông Mảnh suốt ngày quanh cái máy nổ và xưởng cơ điện, biết gì mà thắc mắc. Thôi để người ta kết luận đi, người ta có chê bai gì đâu, mà mình lại còn vạch áo cho người xem lưng. Nếu hoàn thành kế hoạch toàn diện thì quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi càng cao chứ sao. Thật là rách việc”. Cả phòng họp xôn xao bàn tán.

“Cỗ bàn bày ra hết cả rồi, lại còn tranh cãi với giải thích, nguội hết cả, nhất là cái món thịt chó để nguội ăn chẳng ra cái gì” - Tay trưởng phòng hành chính làu bàu.

“Tui thì học ít, lại chẳng hiểu biết nhiều về chuyện kinh tế, tài chính của các anh, nhưng tui xin hỏi, muốn xẻ được gỗ thì phải có điện, mà cái máy điện của chúng tôi tính ra năm qua đến hơn hai tháng không đủ dầu để chạy, kéo theo cả xưởng xẻ gần trăm con người ngồi chơi, tui chẳng thấy ai xẻ tay cả. Thế các anh lấy mấy con voi của lâm trường xẻ gỗ sao mà hoàn thành vượt mức hai mươi phần trăm sản lượng? Sổ sách à, con số tài chính của các anh là con số chết, không phản ánh thực tế, thống kê ư, thống kê của các anh là sự giả dối trắng trợn nhất, vì nó được nhào nặn, được phát ngôn bởi những người có quyền.” Ông Mảnh nói vừa dứt lời, mấy tay cán bộ tỉnh giật mình, nếu quả đúng vậy thì đúng là có chuyện rồi. Ông trưởng đoàn giật giọng hỏi:

“Có phải thế không đồng chí giám đốc lâm trường, không có điện thì cái xưởng xẻ của các anh lấy gì để chạy máy xẻ? Các anh làm thế nào để có số gỗ xẻ đó? Anh giải thích đi?”

“Dạ... dạ... Đúng là bọn em có vận dụng... Xin được giải thích với các anh sau?” - Giám đốc lâm trường lắp bắp trả lời.

“Vận dụng cái con khỉ gì? Còn giải thích thế nào nữa. Thôi cuộc họp chấm dứt tại đây. Yêu cầu ban giám đốc lâm trường có bản tường trình gửi cho tỉnh về vụ việc này. Giao cho cán bộ các ngành kiểm tra lại số liệu cho chính xác để đánh giá đúng kết quả hoàn thành kế hoạch của lâm trường. Thôi về!”. Ông trưởng đoàn khoát tay và hầm hầm bỏ ra xe. Phó ty lâm nghiệp cũng đi thẳng, không ngoái đầu lại.

“Mời các anh ở lại ăn cơm đã.”Tay trưởng phòng hành chính chạy theo van vỉ.

“Ăn gì mà ăn, thật là mất mặt. Phen này thì cắt hết, cắt hết...” Phó ty lâm nghiệp quát lên. Rồi đóng sầm cửa xe.

Cả lâm trường bộ như có đám ma, ai cũng tiu nghỉu. Giám đốc đứng như trời trồng giữa sân, đám quân các phòng ban chuồn sạch. Các đội trưởng sản xuất đem cái bụng đói mà đi ba bốn cây số về nhà. Tay trưởng phòng hành chính than thân, trách phận: “Đã bảo làm việc lớn đừng có ăn thịt chó, thấy chưa, rủi chưa”. Thật là thảm cảnh chưa từng có xảy ra.

Rồi câu chuyện cũng được làm rõ. Lâm trường do thiếu điện, không có gỗ xẻ để bán theo lệnh của cấp trên. Trong thời buổi vật tư khó khăn, các đơn vị được cung cấp đã có lệnh mua gỗ đã là quý rồi, họ sẵn sàng nhận gỗ tròn thay bằng gỗ xẻ, nhưng hóa đơn, giá cả đều ghi là gỗ xẻ. Thế là lợi cả đôi đường, lâm trường chả cần xẻ, mà vẫn đạt chỉ tiêu, không mất chi phí, lại có lãi, được trích thưởng lớn. Còn đơn vị mua nhanh chóng có gỗ, còn xẻ thì tính sau, chi phí sẽ vào các công trình lúc nào cũng trong tình trạng thiếu vật tư. Chỉ chết mỗi ông nhà nước và dân chúng thôi.

Sau chuyện đó, lâm trường bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ và có biểu hiện gian dối, kèm theo là quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi bị cắt giảm nhiều. Ông giám đốc lâm trường và cô kế toán trưởng bị khiển trách, nhưng quan trọng nhất là cái nồi cơm của các gia đình bị hao đi và Tết này cũng sẽ kém vui. Thế là tội lỗi được đổ lên đầu ông Mảnh, nhưng người phải chịu lời ra tiếng vào lại là bà Ngà, khiến bà chỉ muốn đút nút hai lỗ tai lại. Người ta mỉa bà là ông Mảnh sắp được phong anh hùng, bà là người vinh dự nhất. Có người còn đề nghị xỏ rằng nên đề bạt ông Mảnh thay giám đốc. Đục đến trạm, trạm đến gỗ, bà Ngà lại dằn dỗi với ông. Thằng Ngọ con trai ông đi học về, bỏ cơm vì bị các bạn trêu: “Bố mày là ông Tư “đù”, ông Mảnh “khùng”. Ông Mảnh buồn, chẳng nói gì. Ông ngẫm nghĩ mình đúng, mà sao lại bị cười chê, sao con người quanh ông lại vậy. Tại sao cái ác, cái giả dối lại thịnh hành, lại chiến thắng? Sao họ chỉ nghĩ đến nồi cơm nhà họ mà không nghĩ đến nỗi cơm chung?

Đang miên man nghĩ, ông Mảnh bỗng thấy ồn ào ở cửa, nhìn ra thấy ông Bí thư Đảng ủy, ông Chủ tịch Công đoàn và các chiến hữu bạn ông đang kéo. Tiếng ông Bí thư rổn rảng: “Bà Ngà đâu, ra mà đón khách nhé và có thực phẩm đây, bà làm cho bọn này bữa nhậu, hôm nay uống không say không về”.

“Tư à, ông đừng buồn, hôm nay Đảng ủy họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm thời gian qua, đúng là có sự buông lỏng lãnh đạo, có tư tưởng chạy theo thành tích. Giám đốc cũng tự nhận thấy bị khiển trách là đúng, ông ấy cũng muốn xuống đây gặp ông hôm nay, nhưng còn ngại. Thôi bỏ qua đi, rồi mọi người sẽ hiểu. Hôm nay bọn mình đón Tết sớm”.

Lời Bí thư như cởi tấm lòng, ông Mảnh nghẹn lời không nói được, vẫn còn có nhiều người hiểu được lòng ông. Chỉ cần vậy là đủ. Con người đâu chỉ cần tiền tài, danh vọng. Họ chỉ cần sự tin tưởng, sự tín nhiệm là đủ.

Niềm vui mừng của ông Mảnh không dừng ở đấy khi mấy ngày sau liên tiếp nghe tin thắng trận, rồi quê ông được giải phóng. Đến ngày 30 tháng 4, miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông đã khóc như một đứa trẻ. Ông nhảy cẫng lên và chạy về nhà ôm lấy vợ con trong niềm hân hoan khó tả: “Ngà ơi, các con ơi, các con sắp được trở về quê nội rồi”. Từ hôm ấy, chân tay ông cứ lóng lóng, đi vào đi ra, không làm được việc gì nên hồn. Ông chỉ nghĩ đến việc trở về quê, ông nói với bà Ngà: “Tui phải về quê một chuyến, hai mươi năm xa cách chẳng biết ba má, anh em sống chết ra sao, lại cả con hai nữa, má nó gửi về bên ngoại bấy lâu chả có tin tức gì, còn sống nó cũng hăm hai, hăm ba tuổi rồi. Còn chuyện đi ở sau chuyến này vợ chồng mình bàn sau”.

Sau ngày về quê trở ra Bắc, ông trở nên lặng lẽ hơn. Ông buồn rầu nói với bà Ngà: “Chiến tranh ác liệt quá, hơn cả hồi chín năm, về quê chẳng gặp một ai, cha mẹ mất chẳng biết hồi nào, anh em tứ tán chả biết đi đâu”. Nhiều người ông hỏi, họ chẳng biết ông là ai, con gái thì bặt vô âm tín. Về quê mà như đất lạ, làng mạc xơ xác, chỉ có con sông và ngọn núi là như cũ. Nhưng người cùng chiến đấu với ông cũng chẳng còn ai. Chỉ gặp được cán bộ khu, bộ đội quân quản đang tổ chức lại chính quyền sau giải phóng. Họ bảo rất cần cán bộ từng trải từ các nguồn để xây dựng địa phương, được gọi là: “Nhất trụ, nhì khu, tam tù, tứ kết”. Ông không hiểu, thì được giải thích: Quý nhất là cán bộ trong chiến tranh đã bám trụ trên địa bàn để hoạt động, họ là người nắm tình hình, hiểu cơ sở nhất, nhì là những người ở chiến khu về, thứ ba là cán bộ trung kiên bị địch bắt phải chịu tù đầy, tứ kết là cán bộ tập kết như ông. Họ kỳ vọng ở ông rất nhiều, nhưng ông hiểu vốn liếng kinh nghiệm từ một người nông dân chỉ biết đọc, biết viết rời cây súng, ra Bắc tập kết, được đi học bổ túc công nông hết lớp bảy, qua một lớp công nhân kỹ thuật, tích lũy kinh nghiệm trở thành công nhân có trình độ kỹ thuật bậc Bảy về cơ điện, giữ chức Đội trưởng sản xuất ở một lâm trường lớn đã là một cố gắng. Tích lũy lớn nhất là tính kiên trung, ý thức kỷ luật, tinh thần đấu tranh không biết mệt mỏi cho con đường mà ông đã chọn là hành trang lớn nhất mà ông có. Về quê hương để làm lại từ đầu, là từ bỏ cơ ngơi sau bao năm tích lũy. Đúng là một bài toán khó cho việc đi hay ở.

Mỗi lúc khó khăn, thăng trầm cuộc đời, ông luôn có hai người phụ nữ giúp ông thắp lên ngọn lửa của niềm tin. Một người phụ nữ miền Nam của một thời trai trẻ sống mãi trong lòng ông và người phụ nữ miền Bắc cần cù, chịu đựng với trái nắng, trở trời với các vết thương của chiến tranh và cả tính khí nóng như lửa của ông. Người phụ nữ của cuộc sống hiện tại luôn thể hiện đức hy sinh. Bà nói: “Anh đã hai mươi năm sống trên đất Bắc, đã xây dựng mảnh đất này từ hoang vu, nay đã đổi thay. Có được như hôm nay là bao mồ hôi của những người chiến sĩ như anh. Bây giờ quê hương đã giải phóng, dù anh không con trẻ, dù chưa biết tương lai gia đình sẽ thế nào, anh nên về, tôi và các con sẽ cùng anh đi tiếp con đường, dù có chông gai đến đâu chăng nữa”.

Nửa năm sau, một cuộc chia tay với nơi mà ông gắn bó bao năm. Nó không phải cuộc chia ly từ Nam ra Bắc như hai mươi năm trước, mà là từ Bắc vào Nam. Trên chuyến xe tải cũ kỹ lâm trường bố trí, không phải ông và các đồng đội, mà là ông cùng người vợ và ba đứa con. Tất cả núi rừng lùi lại phía sau, cả những người bạn tri kỷ, những người dân miền núi thật thà chất phác đã bao năm kề vai sát cánh vun đắp cho mảnh đất này, kể cả ông giám đốc đầy ác cảm cũng buồn rầu khi chia tay. Cuộc đời là vậy, mảnh đất nơi ta sống hàng ngày rất đỗi bình thường, nhưng chỉ khi phải xa nó mới cảm thấy thật thân thương, thiêng liêng như máu thịt trong ta.

Ngay sau khi về đến quê, lo chỗ ở cho vợ con tạm ổn, ông mang giấy tờ của hai vợ chồng lên tổ chức tỉnh. Ông trưởng ban tổ chức gợi ý: “Tỉnh đang cần một cán bộ về làm giám đốc nhà máy điện ta vừa tiếp quản, anh có kinh nghiệm về cơ điện nên về đó, còn chị có thể về làm phó bệnh viện thị xã. Hai người đều là đảng viên nên phân công như vậy là hợp lý”. Nghe nói vậy ông trần tình: “Anh biết đấy, tui chỉ là công nhân cơ diện bậc bảy, làm đến chức đội trưởng, khó có thể làm giám đốc một nhà máy điện. Còn vợ chỉ là y tá, làm trạm phó trạm y tế của lâm trường. Nên tui chỉ có thể làm quản đốc một phân xưởng của nhà máy. Còn vợ tôi có thể làm ở bộ phận y tếnhà máy. Ông cán bộ tổ chức ngạc nhiên, vì chức vụ đó có nhiều người muốn mà ông Mảnh lại từ chối. Nhưng nhìn ánh mắt chân thành của ông Mảnh, nên ông hiểu sự chắc chắn của một người từng trải như ông Mảnh, nên ông nói sẽ quan tâm đến nguyện vọng đó.

Vài ngày sau, ông nhận được chức phó giám đốc nhà máy cơ điện của tỉnh, còn bà về phụ trách trạm xá của nhà máy. Nhưng cuộc sống cũng bị đảo lộn từ việc ăn ở của cả gia đình, đến việc đi chợ. Bà Ngà chưa quen với cách chào mời mặc cả của các bà ở chợ, âm ngữ khó nghe bà không hiểu dù bà đã sống với ông Mảnh bao nhiêu năm. Rồi chuyện học hành của lũ trẻ cũng khác, bị lũ bạn trêu chọc làm chúng bực bội về càu nhàu với bà. Lâu mãi cũng quen dần, nhưng phong cách của ông Mảnh thì chẳng thể thay đổi, nhất là ông không quen với cái chức phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, ngồi bàn giấy làm việc với mấy tay kỹ sư. Ông chỉ thích xuống phân xưởng cơ điện làm với công nhân, tay đen thủi đen thui, không ra dáng sếp tý nào, khác hẳn với phong cách của những người quản lý cũ. Gặp những vấn đề vượt kiến thức và kinh nghiệm của ông thì chỉ còn cách đồng tình theo đề nghị của mấy tay kỹ sư, nhất là liên quan đến máy móc của Mỹ, của Nhật, mà máy điện ở nhà máy thì chả có cái nào giống cái máy điện cổ lỗ sĩ ở lâm trường của ông. Càng vậy ông càng ngại cái bàn giấy của mình.

Được hơn một năm, ông lên gặp giám đốc đề nghị đưa tay kỹ sư trưởng phòng kỹ thuật lên thay ông, còn ông xin xuống phân xưởng cơ điện. ông Giám đốc không nghe, và nói: “Anh là đảng viên, còn tay trưởng phòng kỹ thuật tuy là kỹ sư, nhưng không phải đảng viên không thể giữ chức phó giám đốc”.

“Tui là đảng viên nhưng tui chỉ là một công nhân cơ điện, khả năng của tui là điều hành một đội sản xuất. Nếu cố gắng lắm thì là quản đốc một phân xưởng, đằng này các anh giao tui phụ trách kỹ thuật của nhà máy, chẳng khác nào giao cho một trung đội trưởng chỉ huy một tiểu đoàn thì chỉ có nướng quân” - Ông Mảnh nói.

“Là đảng viên, Đảng giao thì đồng chí phải chấp hành, đó là kỷ luật của Đảng.” Ông giám đốc nhắc nhở.

“Thưa anh, cha ông ta nói dụng nhân như dụng mộc, chúng ta là đảng viên, nhưng không có nghĩa là việc gì cũng làm được, nếu có việc chúng ta chưa làm được nên để quần chúng có chuyên môn làm sẽ có lợi hơn. Còn cứ nhiệt tình, không hiểu biết mà cứ làm bừa là có hại đó anh”.

“Thôi ông khỏi phải huấn luyện đường lối cho tui nghe” - Ông giám đốc nói.

“Đâu có, tui đâu có huấn luyện chi. Tui biết anh cũng từ chiến khu về, nhưng thực tình anh em mình đâu có kinh nghiệm quản lý. Anh làm giám đốc có thể chỉ đạo chung, còn tui làm kỹ thuật phải cụ thể, mấy tay kỹ sư báo cáo gì tui cũng đồng ý ráo trọi, thật là kỳ. Thôi anh báo cáo lên trên đưa tui về quản đốc phân xưởng cơ điện, tui cố gắng học hỏi thêm may ra mới có thể hoàn thành nhiệm vụ”.

“Tui chịu ông đấy ông Tư ơi” - Ông giám đốc la lớn.

Nguyện vọng của ông Mảnh rồi cũng được cấp trên chấp nhận. Tay kỹ sư trưởng phòng kỹ thuật lên làm phó giám đốc, còn ông xuống làm quản đốc. Nhận được tin xuống chức mà ông mừng như bắt được vàng. Ông Mảnh nói với bà Ngà: “Anh nặng chỉ có trên năm mươi cân, có cố gắng cũng chỉ gánh được sáu mươi cân và cũng chỉ trên quãng đường ngắn, còn bảo gánh hơn và lại đi dài thì sớm muộn cũng tiêu thôi”. Bà bảo: “Ừ, anh nghĩ phải, cá nhân con người cũng có giới hạn, cái quan trọng nhất là phải biết mình, biết người, biết dừng; cái quan trọng nhất là làm đúng năng lực, làm hết mình, không bao giờ trốn tránh trách nhiệm”. Ông mừng lắm khi bà nói vậy, bà đúng là người bạn tri kỷ trăm năm của ông.

Thế là sự hòa nhập của ông với môi trường mới đã tạm ổn, nhưng ông vẫn canh cánh trong lòng câu chuyện về đứa con gái thất lạc. Hiểu nỗi lòng ông, bà Ngà luôn cùng ông dò tìm, nhưng càng tìm càng chẳng có tin tức gì. Gần hai năm sau giải phóng, một hôm bà Ngà chạy lên phân xưởng gọi ông về nhà. Ông không tin được ở mắt mình, cô gái ngồi trong nhà giống như tạc vợ ông năm xưa, như bà sống lại đã hiện về khiến ông muốn xỉu. Ông không cần hỏi cũng khẳng định đấy là con gái ông. Cô ấy dắt theo một đứa con trai. Cầm tay con mà ông nghẹn lời không nói nên lời. Bà Ngà bình tĩnh hơn hỏi: “Vì sao con tìm được ba má? Cuộc sống của con ra sao?”.

“Thưa ba, thưa dì, khi má con gửi con cho ngoại con mới hai tuổi, lại ốm đau dữ lắm. Nếu theo má chắc con không sống nổi, nên má đành gửi cho ngoại. Rồi má mất khi nào, ở đâu con không biết. Lúc lớn, ngoại kể con mới biết quê mình tố cộng dữ lắm, ba má đều theo kháng chiến nên ngoại bị o ép đành lần hồi vào Sài Gòn sinh sống. Ngoại bán Mỳ Quảng nuôi con, tuy nghèo nhưng ngoại vẫn cho con ăn học đến tú tài bán phần. Nhưng rồi ngoại già đổ bệnh không làm tiếp được, nên con phải nghỉ học làm thay ngoại. Đến quán con ăn thường xuyên có anh lớp trên, chúng con quen thương nhau. Anh đỗ tú tài xong phải vô lính, rồi đi học sĩ quan Đà Lạt, chúng con lấy nhau, bây giờ có một đứa con trai. Sau giải phóng, là đại úy anh phải đi cải tạo ở ngoài Bắc”.

Nghe đến đây ông Mảnh tá hỏa, tưởng đất dưới chân mình sụt xuống. Ông không thể tưởng tượng được trong đám sĩ quan ngụy đưa ra Bắc cải tạo ở gần lâm trường mà ông hay nhìn thấy lại có con rể mình. Ông buột miệng văng: “Thiệt không ngờ được, đụng trận tau bắn bỏ thằng này là cái chắc”. Nhưng ông nghĩ cũng may mình không đụng nó trong chiến tranh. Hoàn cảnh gia đình cũng thật trớ trêu, hai cha con ở hai chiến tuyến, ông tập kết ra Bắc để xây dựng kinh tế, con rể ông cũng ra Bắc nhưng đi cải tạo.

“Con nghĩ kiểu gì nếu ba còn sống chắc cũng về quê tìm con, nhưng hai năm qua gia đình con lu bu quá. Anh nhà con phải đi cải tạo, con cố gắng duy trì lại quán mỳ để có nguồn sống cho hai mẹ con. Nhưng thực phẩm cái gì cũng tem phiếu, nên thu nhập cũng èo uột lắm, chẳng dư giả gì, nên bây giờ mới tạm ổn, con tính kiếm ba, sau đó ra Bắc thăm chồng con, xem ảnh sống chết ra sao” - Con gái ông nói.

“Chết mẹ gì, ba thằng đó tiêu chuẩn còn hơn tụi tau. Bọn tao còn phải nhường đất cho chúng nó tăng gia. Chủ nhật nào tau chả thấy chúng đi chợ mua rau, mua thịt, cả đám có một chú bộ đội coi, có xiềng xích gì, thằng nào cũng khỏe. Tất nhiên cải tạo thì sướng sao bằng ăn bơ, ăn sữa của tụi Mỹ, nhưng mình thực là con người Việt Nam, không phải là lính đánh thuê cho bọn xâm lược. Mi khỏi lo cho hắn, nhưng cũng nên thăm nó sớm để động viên nó cải tạo cho tốt. Ba và dì sẽ đi cùng, nhưng bây giờ hai mẹ con cứ ở đây chơi, mấy bữa nữa tính”.

“Con chào ngoại đi con.” Thằng bé từ nãy giờ đứng nép vào má nghe mọi người nói chuyện, thấy má nó kêu, liền lí nhí trong miệng: “Con chào ngoại”.

“Chu cha, thằng bé ngoan quá đa, lại đây với ngoại.” Ông Mảnh kéo nó vào lòng mà cảm thấy buồn vui lẫn lộn.

Sau chuyến cùng con cháu đi thăm con rể, ông bà cũng vô Sài Gòn xem con gái sống ra sao, thấy cũng tạm ổn, ông Mảnh cảm thấy yên tâm và sống vui vẻ hơn. Được vài năm, hai đứa con trai lớn đã có công ăn việc làm, ông bà cũng đến tuổi nghỉ hưu. Con gái lớn ra gặp ông bà báo tin chồng đã được về, bây giờ ngày phụ vợ bán mỳ, tối chạy xe ôm, cuộc sống khấm khá lên. Ông bà mừng lắm, một hôm ông bảo bà: “Vợ chồng mình đã nghỉ hưu, con cái đã lớn, chỉ còn thằng út đang đi học. Bà biết đấy tui không thể ngồi yên, làm nghề điện thì tôi không đủ sức khỏe để làm, có lẽ tôi kiếm lấy miếng đất ở quê mình làm vườn vui thú tuổi già, khỏe thì làm, yếu thì nghỉ cây nó vẫn mọc. Tui đi kháng chiến từ một người nông dân, hơn bốn mươi năm lăn lộn, biết bao thăng trầm, chiến tranh khốc liệt tui không chết là may, nay được nghỉ thì tiếng gọi của đồng ruộng, tiếng gọi của cha ông lại thôi thúc tui về với cái cầy, cái cuốc”.

Hiểu nỗi lòng và cũng chiều ông, bà gom góp tiền mua mảnh vườn cằn cỗi trên sỏi, dưới đá ven đồi ở quê ông. Rồi dựng căn nhà gỗ nhỏ hai vợ chồng về sống. Căn nhà trên thị xã các con ông ở để đi làm, đi học, thỉnh thoảng chủ nhật mới về chơi. Từ khi có mảnh vườn và căn nhà dưới quê, ông Mảnh như trẻ lại, từ sáng đến tối chẳng kể nắng mưa cứ cặm cụi ngoài vườn. Bà Ngà xót chồng kêu ông nghỉ, nhưng ông cũng chẳng nghe. Đúng là đất là mẹ, sức lao động là cha, dưới bàn tay ông khu vườn cằn cỗi trở nên xanh tươi.

Ông Mảnh hãnh diện lắm, bà Ngà cũng vui ra mặt. Thế là chiến tranh đã lùi lại phía sau, tương lai của cả gia đình đang hướng về phía trước. Nhưng điều ông không ngờ nhất xảy ra chính là lúc yên hàn nhất, chiến tranh vẫn chưa buông tha gia đình ông. Như mọi lần thằng út cứ chủ nhật lại về chơi, rồi lại thồ rau quả lên cho mấy anh em ăn cả tuần, lần này nó lại xăm xắn cầm cuốc ra vườn làm với ông. Nó bổ cuốc xuống lại đúng một quả đạn lép. Quả đạn nổ làm thằng bé ngã vật xuống. Bà là y tá lên băng bó tạm rồi hai vợ chồng đưa thằng út lên viện tỉnh. Rồi lại đưa vào thành phố để chữa cả năm trời. Cứu được thằng bé không chết, nhưng bị thương hỏng một bên mắt. Nó mặc cảm bỏ học về luôn quê sống với ông bà. Thằng út ông cưng nhất, có tiền đồ nhất, lại chịu cực nhất, đó là nỗi buồn chiến tranh mà ông cứ trách mình mãi, sao quả đạn không nổ với ông mà lại nổ với con ông. Lẽ ra ông không nên về quê làm vườn để con ông phải gánh chịu. Nỗi lòng làm cha cứ cắn rứt ông không nguôi. Bà Ngà buồn ra mặt, ít nói hẳn đi, chỉ cặm cụi làm. Thằng út cứ ngồi lỳ trong phòng chẳng ra, càng làm cho ông buồn hơn.

*

Năm tháng cũng trôi đi, vợ chồng con gái lớn làm ăn khấm khá. Anh con rể nghe lời ông khuyên không đi sang Mỹ định cư. Hai đứa con trai lớn lấy vợ ra ở riêng, có công việc làm ổn định. Ông bà có cả cháu nội ngoại, nghĩ cũng là ổn. Nhưng chỉ có thằng út từ ngày bỏ học, suốt ngày lầm lì làm vườn, có lần nó bảo: “Mua cho con mấy con dê giống để con nuôi cho vui”. Thương con ông mua về cho nó, nó vui hẳn lên, ngày ngày đuổi dê lên đồi, tối lùa về. Chẳng mấy chốc đàn dê lên đến hơn ba mươi con, nhưng thằng út thì cứ đen nhem nhẻm.

Cứ thế lần hồi, cả vùng quê ngày một biến đổi đến chóng mặt. Đến ngay các con ông, đứa mua xe ô tô, đứa xây nhà tầng, đứa mở tiệm kinh doanh. Nhưng cuộc sống của ông bà và thằng út chẳng có gì biến đổi, ông bà vẫn làm vườn, nhưng sống dựa vào tiền lương hưu, chỉ có khác là sức khỏe yếu đi, tiền thuốc nhiều hơn tiền ăn. Thằng út phụ ba má, nhưng chủ yếu chăn dê, thu nhập bấp bênh, cuộc đời nó chẳng khác gì ông Tu Vũ, chả có ai làm bạn ngoài đàn dê.

Xót con và nghĩ tới lương lai của thằng út, ông bà bàn cách đi xin việc cho nó. Nhưng cứ nhìn khuôn mặt sẹo nhằng và một bên mắt bị mất của nó thì chẳng ai nhận. Ông bà càng buồn tủi cho đời mình và đứa con tội nghiệp kém may mắn. Đời ông cầm súng ra đi, gian truân từng trải, mong cho cuộc sống được tự do, hạnh phúc, nhưng sao con lại khổ vậy.

Nghĩ mãi, bí quá ông tính cách cuối cùng là đưa thành tích hơn bốn mươi năm theo cách mạng ra xem có được không. Ông chẳng thích khoe công, nhưng vì con ông cũng đành. Một hôm ông đóng thùng, đeo đầy đủ huân huy chương và kéo theo thằng út đến doanh nghiệp gần nhà sắp sửa khai trương, chắc cần bảo vệ, để xin cho thằng út một chân.

Đến cổng nhà máy gặp bảo vệ xin vào gặp giám đốc, mấy tay bảo vệ thấy ông đeo huân chương liền bảo: “Mấy hôm nữa mới khai trương, sao ông đến sớm thế”.

“Không, tui đến xin việc cho thằng con.”

“Xin việc gì? Xin cho ai?” - Đám bảo vệ hỏi.

“Tui xin cho thằng con làm bảo vệ như các chú, nó đây” - Ông trả lời.

Trông thằng út, đám bảo vệ cười ồ: “Xin cho ông có khi còn được, chớ thằng con ông tướng mạo vậy ai người ta nhận, trông ngon như chúng tôi mà còn loại cả đám. Thôi tốt nhất là ông và thằng con quý tử của ông về đi, hơn nữa có cấp trên về họp, nên chẳng có ai tiếp ông đâu”.

“Các chú làm ơn nói giùm với lãnh đạo nhà máy, tôi chỉ xin gặp ít phút thôi hoặc cho tui một cái hẹn để khi các anh ấy rảnh tôi sẽ trình bày cụ thể”.

“Ông già này lằng nhằng quá. Về đi để chúng tôi còn làm việc. Lãnh đạo nhà máy không tiếp ông đâu”.

“Đã báo cáo đâu mà tụi bay biết họ không tiếp” - Ông Mảnh bực tức nói.

Mấy tay bảo vệ định xúm vào đẩy bố con ông Mảnh ra khỏi cổng nhà máy. Ông Mảnh điên tiết gạt tay mấy tay bảo vệ, rồi xuống thế.

“Vào đi các con, để thằng già này xem các con ngon đến mức độ nào. Lâu lắm rồi tau chưa cho thằng nào lỗ mũi ăn trầu” - Ông Mảnh quát.

Đám bảo vệ đang lúng túng chưa biết xử lý ra sao thì có tiếng người nói: “Năm thằng tụi bay không ăn nổi ông già đâu, phải để tau”.

“Chào anh Tư, anh còn ngon nghen, để em út tiếp anh vài chiêu. Em Bảy đây, anh còn nhận ra không?” - Người đàn ông cười ha hả.

“Trời ơi, thằng Bảy, sao mi lại ở đây?” - Ông Mảnh thảng thốt kêu lên.

“Thôi tụi bay về làm việc đi, đây là trung đội trưởng của anh thời chín năm.” Người đàn ông khoát tay nói với mấy tay bảo vệ và tự giới thiệu. “Bây giờ em là tổng giám đốc, hôm nay em từ thành phố lên để bàn khai trương nhà máy của tổng công ty. Đang họp thấy ồn ào quá ra xem có việc gì hay là dân lại khiếu kiện vụ đất đai của nhà máy. Hóa ra anh Tư đang định ra quyền với mấy chú bảo vệ. Thôi vô đây uống nước anh em mình hàn huyên”.

“Chu cha, chú mày làm ăn dữ hè, cơ sở này của chú sao?” - Ông Mảnh hỏi.

“Của tụi em thì đúng hơn, em có cổ phần lớn nhất nên làm tổng giám đốc. Sau giải phóng, em trở lại miền Nam nhưng cũng đì đẹt lắm, nhờ đổi mới em bỏ nhà nước ra ngoài hùn vốn làm ăn với anh em nên cũng phất lên nhanh chóng. Anh Tư thế nào? Sao hôm nay đeo huân huy chương dữ vậy? Nè, có đánh đấm gì thì tháo huân chương ra hãy uýnh chúng nó nghen”.

“Tau vẫn nhì nhằng thế thôi, vì chuyện thằng út cuốc trúng tạc đạn, may chỉ mất một con mắt, nó bỏ học suốt ngày chăn dê. Tau đi xin việc mãi cho hắn mà chẳng được, hôm nay tính liều đeo huân huy chương để đi xin việc cho nó, nhưng cũng chẳng ăn thua gì, xin vào gặp mấy chú, đám bảo vệ cứ đuổi, bực quá nên suýt đánh nhau”.

“Trời ơi anh Tư ơi là anh Tư, thời buổi này mà anh đưa huân huy chương ra thì làm sao chúng nó cho anh vào. Anh cứ đưa mỗi đứa năm chục, tụi nó đưa lên gặp tui ngay”.

“Chú nói vậy tau thà cho con tau đi hót cứt dê còn hơn làm cho các chú. Thôi chào chú tau về đây!” - Ông Mảnh bực tức đứng dậy định bỏ về.

“Em út đùa vậy, anh Tư đã nổi khùng. Chuyện thằng nhỏ, anh yên tâm, chúng em đều là lính nên có chính sách thu hút anh em cựu chiến binh, con em thương binh, liệt sĩ vào làm. Em sẽ sắp cho nó công việc phù hợp. Bây giờ anh ở lại đây nhậu với chúng em, lâu lắm rồi không được uống say với anh Tư như hồi nào. Nhưng trước khi uống hãy bỏ huân huy chương ra, không trông kỳ lắm”.