(Thứ ba, 17/05/2022, 07:23 GMT+7)

Nghiệp văn của Phùng Văn Khai bắt đầu bằng truyện ngắn. Truyện của Khai có tính chất cổ điển, cốt truyện rõ ràng, kể tả rành mạch như truyện Ma Văn Kháng. Ngòi bút của Phùng Văn Khai nổi lên hai giọng điệu, hai chủ âm, hai hệ thống hình tượng. Một là giọng điệu trữ tình đằm thắm của vùng quê Hưng Yên của anh. Nơi có câu chuyện tình nổi tiếng, thiên cổ kỳ văn, của Tiên Dung và Chử Đồng Tử, có Đoàn Thị Điểm, Chu Mạnh Trinh, hai nhà thơ trữ tình nổi tiếng. Hai là giọng điệu hào sảng, phá cách và phá chấp, pha chút anh hùng thảo dã Lương Sơn Bạc. Hai giọng điệu này tưởng như đối lập nhau, tương khắc, nhưng lại hòa quyện nhau, tôn nhau lên, tương sinh. Tôi còn nhớ truyện ngắn cũng là đầu tiên đọc Phùng Văn Khai, Hồn quỳnh, gây ấn tượng mạnh trên Tạp chí Văn nghệ quân đội. Đã đành đây là một truyện ngắn hay, nhưng đáng nói hơn nó ẩn chứa những yếu tố dự báo cho đời văn học của Phùng Văn Khai. Đó là anh sẽ trở thành một nhà viết tiểu thuyết lịch sử giàu tâm huyết và nhiều thành công như bây giờ. Tác giả của những bộ tiểu thuyết như Phùng Vương, Ngô Vương, Nam Đế Vạn Xuân, Triệu Vương phục quốc, Lý Đào Lang Vương, Lý Phật Tử định quốc, đều viết về các anh hùng dân tộc, các hoàng đế, quân vương đánh giặc trị quốc nổi tiếng của Đại Việt ta trong tiến trình lịch sử (Lời giới thiệu của PGS.TS Đỗ Lai Thúy).


Nhà văn Phùng Văn Khai


VŨ KHÚC DU LONG

Căn nhà tuyệt đẹp nằm ngay đầu phố có vườn hoa và tháp nước từ thời Pháp. Trăm năm máu lửa nát đá tan vàng. Cái còn lại dường như vẫn ẩn chìm nhắc nhở. Ngôi nhà hơn trăm tuổi nay là mái văn chương của lớp tân văn.

Hàng tuần, ông lão phóng xe máy đến đây. Chiếc Honda từ thời nảo thời nào vẫn phải đạp bằng chân song nó luôn chiều lão. Vòm nhãn cổ đan xen hoa đại. Ngày khánh thành, quan tổng đốc Hà Nội đã cho xe về tận xứ nhãn triệu lên bốn cây giống quý theo ngả sông Hồng từ bến Dạ Trạch lên đây. Tuổi nhà đến đâu tuổi cây đến đấy cũng là duyên cách tự nhiên. Cây dần che phủ trùm bóng lên nhà, cành cội đan xen. Lũ sóc nâu đuôi dài bốn mùa vân du trong vòm lá cành rậm rịt.

Lão Đặng đã trên chín mươi, tinh tường, minh mẫn và nhanh nhẹn. Người gác cổng vốn lính chiến Tây Nam, sau ra Bắc chống Tàu nổi tiếng khe khắt mỗi khi cho người ra vào cơ quan, nhưng luôn mau chóng tươi cười tới dắt xe cho ông cụ, còn đứng nghiêm chào:

“Em chào thủ trưởng! Anh Phùng đang đợi thủ trưởng trên phòng”.

Ông lão thong thả bước trên những bậc cầu thang gỗ đen bóng.

Căn phòng cơ man là sách. Ấm trà sực nức hương thơm. Bên ngoài cửa sổ, đôi sóc nâu đuôi dài cong vút nô giỡn trên cành nhãn.

Lão Đặng từ từ mở tập bản thảo dày dặn trên bàn.

“Cậu Phùng! Nhất vương phục quốc. Tam đế đồng quy. Bộ sách lịch sử của cậu quả khai thông long mạch một vương triều. Cậu Phùng có tâm lắm!”

Vị trung niên thong thả đáp:

“Bác Đặng quá khen! Huân công của tiền nhân, lẽ nào phải mãi khuất chìm như cát sỏi. Hơn hai mươi năm theo các thầy tìm về cội nguồn lịch sử, hậu nhân tự thấy mình phải có trách nhiệm với tiền nhân”.

Lão Đặng gật gù:

“Cao hơn trách nhiệm mỗi cá nhân, đó là vóc nước. Chính là hình hài máu thịt Đại Việt - Hồng Bàng. Vũ khúc du long. Chỉ có lịch sử tường minh mới đủ tư cách cấp căn cước cho từng dân tộc”.

Vị trung niên mỉm cười nhìn lão Đặng.

“Vũ khúc du long. Đường đi ẩn hiện của rồng. Nổi chìm bão lửa. Muôn nỗi gió táp mưa sa. Oan khiên ngậm bóng trăm năm mà tĩnh lặng như nước hồ thu buổi sớm. Bác Đặng! Bác chính là hiện hình của vũ khúc du long”.

*

Kinh thành Huế, những ngày tháng Bảy oi ả năm 1945.

Đường phố nhỏ hẹp bức bối. Tiếng chân rầm rập của hiến binh Nhật như búa đập đinh chốc chốc lại rộ lên. Người Pháp xảo quyệt hung hăng ngày trước bây giờ lặng thinh rút đi, chỉ còn vài vị bác sĩ, nhà buôn, thầy giáo, kỹ sư dồn cả vào nhà thờ cuối phố.

Bóng những chiếc xe ngựa chạy lóc cóc ẩn hiện chập chờn.

Vài tốp học sinh, thanh niên không biết từ đâu ào ra đường, vừa đi vừa hát rồi mất hút nơi cổng trường Quốc học.

Tại văn phòng quốc trưởng nơi đầu thành nội luôn mấy hôm, hết người Pháp đến người Nhật tới lui đề nghị, yêu sách, tư vấn, xin xỏ khiến ngài Đổng lý mệt nhoài. Gớm thay lũ ngoại quốc da trắng, da vàng, mới hôm trước nổ súng bắn giết nhau, hôm sau đã lại bắt tay xì xồ thân mật.

Từ sớm, ngài đã dặn cậu trợ lý văn phòng:

“Hôm nay ta không tiếp khách Tây, Nhật gì cả. Hãy để chúng tự giải quyết với nhau. Bọn chúng hỏi thì trả lời ta vào hầu Hoàng thượng”.

Viên trợ lý cúi gập người vâng dạ.

Ngài Đổng lý vừa khuất vào bên trong, đã xuất hiện ba thanh niên mặc đồng phục Quốc học tiến vào. Vẻ mặt ai nấy đều trang nghiêm rắn rỏi. Một cậu vẻ lớn tuổi thắt bên hông bao súng kín mít. Viên trợ lý văn phòng vội đứng lên nói to như muốn chặn toán thanh niên lại:

“Các cậu học sinh kia! Đã nghỉ hè rồi còn đến đây làm gì? Mau đi chỗ khác chơi”.

Ba thanh niên đã vào hẳn trong phòng. Cậu đeo bao súng nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát:

“Xin ngài giúp chúng tôi gặp ngài Đổng lý. Chúng tôi đại diện cho Việt Minh có việc khẩn phải thương thảo với ngài ấy”.

Viên trợ lý sững người. Thời gian gần đây, rộ tin đồn Việt Minh đã ém quân đầy thành nội.

Còn chưa kịp phản ứng, cửa bên trong đã xịch mở.

Ngài Đổng lý đột ngột bước ra.

“Là tôi đây! Các cậu có chuyện gì?”

Vị Đổng lý già tiến về phía các đại diện Việt Minh, bỗng sững người nhìn cậu đeo bao súng:

“Cậu Đặng? Sao cậu vẫn còn ở đây? Cậu...”

Người thanh niên tiến lên, cúi người chào ngài Đổng lý:

“Bác Hoàng! Con không về theo cha con được. Nay việc đã gấp rồi. Tổ chức phân công con đến gặp bác bàn việc treo cờ. Khi có mệnh lệnh của Việt Minh treo cờ đỏ sao vàng, mong bác nói với anh em binh lính giúp”.

Vị Đổng lý văn phòng quốc trưởng chợt hiểu ngay mọi việc.

“Cậu Đặng! Việc này tôi không quyết được. Để tôi trình quốc trưởng. Các cậu hãy đi đi”.

*

Thềm Ngọ Môn, mờ sáng ngày mùa thu tháng Tám.

Đêm hôm trước, hơn hai mươi hiến binh Nhật săn đuổi bốn người Pháp tại đây. Cuộc đấu súng đã diễn ra, sáu xác người vẫn còn loang máu ri rỉ được kéo về một góc.

Tốp hiến binh vẻ mặt đằng đằng sát khí đứng án ngữ canh giữ hiện trường.

Từ phía nhà thờ góc phố, sáu, bảy người Pháp dẫn đầu là một linh mục bước về phía Ngọ Môn.

Một hồi kèn rộ lên, từ phía văn phòng quốc trưởng, sáu mươi binh sĩ bảo vệ Ngọ Môn chia hình vòng cung tới áp sát kỳ đài.

Không biết từ lúc nào, ba thanh niên hôm trước từng vào văn phòng gặp Đổng lý đã xuất hiện. Khác là hôm nay áo đóng thùng chỉnh tề, đầu đội mũ ca nô có ngôi sao vàng lấp lánh. Lưng đều khoác khẩu súng trường. Dây đai súng trước ngực còn mới cứng.

Cậu chỉ huy hông dắt bao súng ngắn. Chiếc báng súng ánh thép đen thẫm thập thò. Hai tay bưng một thùng gỗ khá lớn.

Không khí vô cùng căng thẳng.

Một vài tiếng súng nổ đoàng giữa thinh không.

Vị linh mục dẫn toán người đã áp sát kỳ đài.

Tốp hiến binh Nhật đồng loạt chìa súng về phía đó.

Sáu mươi binh sĩ đứng quây thành một vòng tròn. Súng dựng sát bên mình đều tăm tắp chờ lệnh.

Giữa kỳ đài, bỗng cậu thanh niên đặt cạch thùng gỗ xuống.

Nắp thùng gỗ bật tung.

Mọi người dõi mắt nhìn vào.

Tiếng lên đạn lách cách.

Trời đất! Lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn hiện ra.

Đám người linh mục, đám hiến binh bất ngờ hực lên, trố mắt, tay rê nòng súng.

Người thanh niên giữa kỳ đài nhanh như chớp xoay người về phía chiếc cột lớn, toan tháo dây hạ lá cờ quẻ Ly của triều đình xuống.

“Đoàng!” Một tiếng súng nổ vang lên. Viên đạn ghém găm ngay sát bàn tay cậu thanh niên.

Một tiếng quát của tên chỉ huy binh sĩ triều đình:

“Ai cho phép nhà ngươi hạ cờ? Ngươi muốn chết sao?”

Người thanh niên nói dõng dạc trong khói súng còn chưa tan hết:

“Hỡi anh em binh sĩ! Nước nhà độc lập rồi. Dân ta phải treo cờ cách mạng. Hôm trước đại diện Việt Minh đã xin phép Đổng lý Hoàng”.

Viên chỉ huy binh sĩ lại quát to:

“Lệnh của Đổng lý đâu? Sao ta không biết?”

Người thanh niên vừa kiên quyết đưa tay tháo dây hạ cờ vừa nói cứng:

“Đổng lý Hoàng đã có lệnh vua rồi. Ngài đang đến đó”.

“Đoàng!”

Một phát súng lại vang lên. Lần này là nhắm thẳng vào người thanh niên giữa kỳ đài.

May mà viên đạn không trúng đích.

Bỗng có tiếng xe ô tô rồi một chiếc xe đen bóng xịch đến.

Đám binh sĩ đã nhận ra người xuống xe chính là Đổng lý Hoàng.

Ngài bước về phía toán lính, rút ra một tờ giấy màu vàng, giơ lên trước mặt tên chỉ huy:

“Đội trưởng Hổ, ngài quốc trưởng ngự thuận cho việc hạ cờ rồi”.

Viên chỉ huy thất sắc quỳ ngay xuống:

“Hạ quan biết tội!”

Lá cờ sắc đen rộng lớn như cánh buồm từ từ hạ xuống. Lá cờ đỏ sao vàng dài rộng từ từ được kéo lên.

Khi lá cờ đỏ đang đà vươn lên giữa lưng chừng, bỗng đoàng, đoàng súng nổ.

Phía đám hiến binh, một tên ra dáng chỉ huy sấn sổ bước lên hét to:

“Hoàng Đổng lý! Không được treo cờ Việt Minh. Phải treo cờ của Nhật hoàng!”

Phía đám người linh mục, một người cao lớn bước ra:

“Ta chính là Đại tá Pie mới nhậm chức Phụ tá Cao ủy Đông Dương, đặc trách binh vụ Tam kỳ. Đã hạ cờ An Nam rồi phải tức tốc treo cờ Đại quốc bảo hộ”.

Thì ra hai tiếng súng thị uy là từ phía Nhật, Pháp bắn ra.

Hai cậu thanh niên trên kỳ đài bất chấp súng vừa nổ, mặc kệ hai bên cãi cọ nhau, vẫn điềm nhiên ưỡn ngực bồng súng dưới chân cột cờ phần phật gió.

Đổng lý Hoàng bước thẳng tới trước mặt đám hiến binh và linh mục, tay cầm tờ lệnh màu vàng.

“Các ngài hãy về đi! Đây là ý chỉ của quốc trưởng cũng là việc của nước tôi. Mong các ngài tuân thủ”.

Tên chỉ huy hiến binh quay ngoắt súng chĩa về phía Đổng lý Hoàng:

“Ngài Đổng lý! Ngài đã theo Việt Minh sao?”

Vị linh mục cũng sấn tới trỏ tay vào Đổng lý Hoàng:

“Ông Hoàng! Ông đã quên Đại quốc rồi ư? Bổng lộc của ông đều là do người Pháp cấp đó”.

Thấy có người chĩa súng vào Đổng lý, lập tức mấy chục tay súng rầm rập chạy đến, quây bọn hiến binh và linh mục vào giữa.

Bỗng cửa kính chiếc xe đen từ từ hạ xuống. Tiếng trầm ấm, rõ ràng vang lên khiến mọi người không khỏi giật mình.

“Giờ này mà các vị vẫn còn muốn bắn giết nhau ư? Hãy mau bỏ súng xuống trở về cố quốc may ra còn kịp. Ta cũng đã mệt mỏi lắm rồi!”

“Hoàng thượng! Hoàng thượng!” - Người tứ phía kêu lên.

Chiếc xe đen chở theo Đổng lý Hoàng từ từ chuyển bánh.

Lá cờ đỏ sao vàng rộng lớn đã phần phật bay trên đỉnh Ngọ Môn.

*

Mặt trận Đường số 6 đầu những năm năm mươi.

Sau những trận tao ngộ chiến với quân Pháp liều chết tiến lên vùng biên giới phía Bắc hòng tạo lập những cứ điểm kiên cố hút lực lượng bộ đội Việt Minh non trẻ hòng làm suy kiệt khả năng quân sự của đối phương, người Pháp khá đắc ý với nước cờ táo bạo này. Cậy vào các đoàn xe có sự yểm trợ của thiết xa, trên trời còn có cả trực thăng gầm ghè soi mói nên người Pháp thay vì chuyển quân và khí tài chiến cụ nhỏ giọt đã ồ ạt lập những đoàn xe lớn bất chấp đường đèo hiểm trở, ra sức tiến binh. Từ khi Trung đoàn trưởng Đặng nhận nhiệm vụ đánh trận trên tuyến Đường số 6 đã đích thân đêm ngày cùng đội trinh sát bám mặt đường, điều nghiên tổ chức mai phục. Từ ngày rời kinh thành Huế vào chiến khu Hướng Hóa rồi được lệnh trở ra Bắc nhận chức Trung đoàn trưởng chỉ sau vài trận, họ Đặng đã nổi danh với biệt hiệu Hùm xám Đường số 6 do chính bọn quan tướng người Pháp công khai nhắc về ông. Ba trận mai phục diệt hơn hai trăm xe pháo của người Pháp, bắt sống binh tướng vô số kể mà trận sau đều hiểm hóc hơn trận trước khiến chóp bu Pháp ở Hà Nội và Đông Dương phải điên đầu, liên tiếp tung hàng loạt biệt kích tìm mọi cách lấy đầu Hùm xám Đường số 6. Đã nhiều lần cấp trên của ông phải tìm cách hạn chế bớt sự quyết liệt đến quyết tử của Trung đoàn trưởng Đặng. Cũng thời gian đó, thế cục mới hình thành nơi lòng chảo Mường Thanh vùng Tây Bắc sau một loạt trận đánh lừng danh của Hùm xám Đường số 6, chấn động nhất là trận cao nguyên Mộc Châu đã chia cắt hoàn toàn chiến trường định sẵn của người Pháp, khiến những quan tướng viễn chinh cáo già cũng chỉ biết văng tục trong mỗi lần quyết đấu với họ Đặng. Ít ai biết địch thủ của người Pháp khi đó mới vừa ba mươi tuổi.

Song chiến tranh có những điều đặc biệt thật không theo một kịch bản nào.

Những tưởng Trung đoàn trưởng Đặng với chiến công và nhãn lược quân sự hiếm có của mình sẽ trở thành hổ tướng trong trận quyết đấu nơi lòng chảo Mường Thanh thì thật bất ngờ, ông được điều động rời khỏi quân doanh trong sự nuối tiếc có phần bí ẩn.

Điều này khi ấy đã không có một lời giải thích nào.

Về phía họ Đặng, ông chỉ lặng lẽ chấp hành mệnh lệnh và sau này là dồn tâm tư vào việc viết sách với một văn phong khoáng đạt mà không bao giờ nhắc tới sự bất thường. Càng về sau càng tốn nhiều giấy mực, nhưng tấm lòng trung nghĩa và tâm huyết của họ Đặng vẫn luôn theo cách mạng tới tận hôm nay.

*

Trong chén trà, hương hoa đại thoảng nhẹ miên man lãng đãng, tập bản thảo dày cộp thong thả được lật giở từng trang, từng trang. Có những trang đã ố vàng nước thời gian. Có trang màu mực còn thơm mới như vừa rời ngọn bút. Họ Phùng đọc tới đâu, vẻ mặt lộ rõ sự thâm nghiêm kính cẩn tới đấy, như những buổi bắt gặp sắc phong các triều đại khi ông dồn tâm sức cho bộ sách lịch sử một vương triều. Ông rất hiểu tâm can vị lão trượng cả đời vị quốc, đến lúc lá chuyển vàng đung đưa trước gió vẫn còn đau đáu nỗi đời, cân nhắc từng câu từng chữ trước khi chuyển cho mai hậu.

Vị lão trượng lại tấm tắc nhắc lại câu khi vừa mới đến:

 “Nhất vương phục quốc. Tam đế đồng quy. Bộ sách lịch sử của cậu quả khai thông long mạch một vương triều”.

Họ Phùng xúc động nói:

“Bác Đặng! Vũ khúc du long. Đường đi nước bước cũng là định mệnh của rồng, cơ hồ không dễ gì nắm bắt càng không thể nào biết trước được. Song bác tâm trí an vững như nước hồ thu đã dùng toàn bộ cuộc đời mình làm gương quả là hiếm có. Sau này, khi viết xong bộ sử về nhị vị nữ vương nhất định tôi sẽ dành tâm sức viết vài trăm trang về bác”.

“Cậu Phùng! Cậu không cần tốn công như thế! Với tôi, mọi thứ đã định cả rồi. Kể từ khi hạ lá cờ triều trước xuống chân Ngọ Môn rồi kéo lá cờ đỏ sao vàng lên đỉnh cột, tôi đã biết được số phận của mình. Sử sách hãy để dành cho những gì lớn lao hơn”.

Vị trung niên thong thả đáp:

“Hậu nhân xin vâng lời. Thôi đành để vũ khúc du long mãi là sương khói vậy”.

*

Ba tuần sau, trong lúc đỉnh điểm đại dịch Covid, trưởng lão Đặng quy tiên. Đám tang vô cùng lặng lẽ. Nhưng trong lòng biết bao người đang sống vẫn vô cùng kính trọng ông. Rất nhiều vị tướng quân dày dặn chiến trường đều kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ tới người vừa khuất. Trong cảm thức những câu chuyện cuộc đời như là huyền thoại của trưởng lão Đặng, chuyện này đã được tác giả viết lên.
 

TẤM BIA CHÙA JORIN-JI

Góc phố thủ đô Tokyo đêm khuya cuối năm 1908.

Trời mưa tuyết lớn, gió đêm hoang lạnh. Dãy phố nhập nhoạng ánh đèn đường loang lổ tuyết bay. Những vũng nước đọng đen sì, thi thoảng bóng con chuột già hôi hám thập thò miệng cống. Trên con đường ngập rác, phía bên lề, một bóng người loạng choạng cố nhoài về phía ánh đèn đằng trước. Bỗng chiếc bóng lảo đảo rồi đổ sụm xuống. Từng đợt gió tuyết thông thốc thổi trùm lên.

Phía góc đường, lóc cóc chiếc xe ngựa mui trùm đen thẫm, dập dềnh cô độc. Người đánh xe căng mắt nhìn về phía ánh đèn cuối phố nhập nhoạng ma trơi. Bất giác, bánh xe vấp vào hòn đá, chiếc xe nảy lên nghiêng về một phía. Bỗng trong xe có tiếng đàn ông thảng thốt vọng ra:

“Bác Chen! Hình như có người vừa gục xuống chỗ ánh đèn. Ta hãy mau tới đó”.

Người phu ngựa lặng lẽ đáp vâng gọn nhỏ rồi ra roi thúc xe ngựa tiến lên.

Người gục ven đường là một thanh niên gầy gò, khuôn mặt tái nhợt lạnh toát. Hơi thở yếu đến mức người đánh xe phải hai lần đặt tay lên mũi mới cảm nhận được.

Đích thân người đàn ông trong xe bước xuống xem xét rồi cứ thế bế thẳng lên xe.

Chiếc xe lại lóc cóc lên đường.

Hơi ấm trong lòng xe khiến cậu thanh niên từ từ tỉnh lại.

Dường như đã ý thức được hoàn cảnh của mình, cậu thanh niên khẽ mở mắt quan sát một lượt rồi yếu ớt hỏi:

“Các người bắt tôi đi đâu?”

Người đàn ông chăm chú nhìn, gật gật đầu nói:

“Cậu tỉnh rồi. Hãy yên tâm nghỉ ngơi thêm. Tôi là bác sĩ, không phải cảnh sát. Giờ này đang mưa tuyết, chẳng có cảnh sát nào đâu”.

Ánh mắt người thanh niên dịu xuống. Anh hiểu mình đã may mắn gặp một ân nhân.

*

Khu vườn rộng của gia đình bác sĩ Asaba Sakitaro nằm sát bờ tường ngôi chùa cổ Jorin-Ji với vô số cây tùng cổ thụ. Vùng đất Sizuoka nổi tiếng cổ kính với hơn vạn cây tùng cổ thụ vài trăm năm tuổi và chùa cổ Jorin-Ji trên một nghìn năm. Tương truyền, chính hoàng thái tử thời đức vua Kawa đã sớm xin vua cha cho phép dời ngôi thái tử, đến dựng chùa Jorin-Ji để tu tập. Vua cha nổi trận lôi đình đuổi thẳng kẻ dám từ bỏ vị trí trọng yếu của triều đình. Mãi sau về già, vua mới hối hận cho gọi con vào diện kiến, lúc này thái tử đã là một đại tông sư danh tiếng. Câu chuyện như một huyền thoại nghìn năm phủ bóng cổ tự, cổ tùng xứ Sizuoka.

Trên chiếc bàn gỗ thô mộc chính giữa khu vườn, hai tách trà nghi ngút tỏa hương thơm. Sau mấy hôm tuyết rơi, trời đột nhiên hửng nắng. Nắng trong vườn làng Asaba ánh xanh sắc cổ tùng.

Chàng thanh niên thần sắc đã khác hẳn buổi đêm mới đến. Sau bốn ngày tĩnh dưỡng, dưới sự chăm sóc đặc biệt của bác sĩ Asaba và quản gia Chen, người thanh niên đã hoàn toàn bình phục.

Nâng tách trà trong khu vườn nắng xanh ngọc bích, chàng trai xúc động nói:

“Xin đa tạ ân nhân đã cứu lúc ngặt nghèo. Ơn này mong sớm sẽ có ngày báo đáp”.

Vị bác sĩ thong thả đặt chiếc kính trắng gọng vàng xuống, tay cầm tách trà nhấp một ngụm rồi nói:

“Chuyện phải như thế mà. Cậu ở Việt Nam sang đã lâu chưa?”

Hôm trước, khi về đây, cậu thanh niên đã tạm đưa giấy tờ tùy thân cho quản gia Chen. Phùng Đông - Vân Nam - Thanh quốc - Du học sinh.

Cậu thanh niên thoáng chau mày hỏi:

“Tại sao ngài biết tôi từ Việt Nam sang?”

“Ồ! Nhìn là tôi biết mà. Các du học sinh Trung Quốc thường ở trong khu phố Tàu riêng biệt. Họ không phải ra đường khi trời mưa tuyết”.

Chàng thanh niên cắn chặt răng:

“Đều là do Chính phủ của Thiên hoàng”.

Vị bác sĩ nghiêm trang hỏi:

“Cậu năm nay bao nhiêu tuổi?”

“Thưa ngài, tôi hai mươi hai, từ Việt Nam đến học đã ba năm”.

Vị bác sĩ lại gật gật đầu:

“Vậy cậu thuộc lứa đầu Đông Du theo chủ trương của Phan tiên sinh. Cá nhân tôi rất khâm phục Phan tiên sinh, khâm phục các cậu”.

Người thanh niên nhìn bác sĩ Asaba. Tròng kính cận hiếm khi rời đôi mắt. Hai bàn tay thanh thoát như vũ nữ. Và đặc biệt, mỗi câu nói đều như sẻ chia tri thức, kết nối tình thân thiết bao la.

Suy nghĩ một lát, chàng thanh niên nghiêm trang nói:

“Nước tôi mất chủ quyền, dân tôi không có tự do, lại nghèo khổ tối tăm, nên chúng tôi mới phải rời cố quốc mượn danh người Trung Quốc sang nước ngoài học tập. Ai cũng cố sức học thành tài để sớm trở về Tổ quốc đặng chung vai gánh vác việc nước, giúp nhân dân bớt lầm than đói khổ. Việc học chưa thành, đột nhiên Chính phủ Nhật hoàng nghe lời xúc xiểm của người Pháp trục xuất chúng tôi. Ở xứ sở Thiên hoàng còn đảo điên như thế, người Việt Nam chúng tôi biết tìm công lý ở đâu, biết nhờ cậy vào đâu?”

Vị bác sĩ im lặng lắng nghe, không thể nào tin đó là lời nói của chàng trai hai mươi hai tuổi.

Bác sĩ Asaba xúc động nói:

“Cậu Phùng! Cậu quả là người ái quốc. Cụ Phan có được lứa thanh niên hiểu biết, dám hy sinh như các cậu, lo gì việc lớn không thành”.

Chàng thanh niên bỗng nhìn ra xa, giọng nhuốm vẻ quan hoài bi phẫn:

“Tôi rời nước đã ba năm. Gia sản giờ đây cũng đã tiêu tán hết. Bạn thân tôi, Trần Đông Phong, hai tuần trước treo cổ tuẫn tiết ở gốc cổ tùng thư viện Đông Văn, các báo đưa tin hẳn ngài đã biết. Bản thân tôi đã phải đến bước đường xin ăn từng bữa, may mà gặp được ngài cứu giúp, không thời chưa biết ra sao. Cụ Phan hiện đang gặp khốn do giới chức bủa vây, chưa biết bao giờ mới xong kiếp nạn...”

Bác sĩ Asaba như thấu hiểu cơ tâm người trẻ tuổi, ngài đứng dậy, đặt đôi tay thanh thoát lên vai chàng trai họ Phùng:

“Cậu Phùng! Cậu còn trẻ đã phải bôn ba sóng gió thế này thực là ông trời sớm thử lòng kẻ sĩ. Ta cũng đã đọc kỹ lá thư hai vạn chữ của Phan tiên sinh gửi ngài Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Thiên hoàng. Lòng ta buốt nhói từng chữ, từng câu của Phan tiên sinh: “Cớ sao Chính phủ Thiên hoàng vô cớ nhục mạ, trục xuất người da vàng đồng chủng tộc mà cúi luồn, vâng nước phụng thờ người Âu Mỹ khác máu mủ giống nòi. Lẽ nào đạo lý Thiên hoàng lại hạ thấp giống mình như thế...”

Nói đến đó, vị bác sĩ nghẹn đi.

Hai tách trà nguội đắng hầu như còn nguyên vẹn.

*

Luôn mấy hôm, tại căn nhà lớn của bác sĩ Asaba có khá nhiều nhóm người đến chuyên chở đồ đi. Toàn là những thứ nếu không phải cổ vật lâu năm thì cũng là những thức đồ sang trọng. Cứ nhìn vào mắt lão quản gia Chen là biết. Lão ngẩn ngơ như mất hồn khi nhìn từng bức tranh quý, bình gốm nạm bạc, đồ gỗ mạ vàng gia bảo, cả một số máy khám chữa bệnh, không hiểu sao bỗng bị chủ nhân gọi người tới bán đi.

Duy thư phòng nhỏ chứa đầy sách của ngôi nhà là đám người mua đồ không đặt chân tới.

Mặc dù ngày nào cũng vùi đầu trong thư phòng nhỏ, nơi có đủ thứ sách quý mà có nằm mơ, thanh niên họ Phùng cũng không dám nghĩ tới. Ngay cả tàng thư Đông Văn các, nơi tụ tập của hội Đông Du, các đầu sách quý e rằng cũng thua sút nơi đây.

Khi đồ đạc quý giá trong ngôi nhà lớn đã vợi đi đến bảy, tám phần, cũng là lúc bác sĩ Asaba cho mời họ Phùng xuống phòng khách.

Vị bác sĩ ăn mặc chỉnh tề dường như chuẩn bị lên đường.

“Cậu Phùng! Cậu xem cái này trước đi đã”.

Thư của Phan tiên sinh!

Như có một luồng điện chạy dọc cơ thể, họ Phùng trang trọng mở thư ra đọc.

Gương mặt đầy biểu cảm, chàng thanh niên xúc động hỏi:

“Thì ra ngài đã sớm quen biết với Hội trưởng của chúng tôi. Lá thư cầu viện này quả đã làm khó cho ngài”.

Bác sĩ Asaga gỡ tròng kính xuống:

“Phan tiên sinh cần tiền để đưa anh em về nước. Tôi cũng có trách nhiệm một phần. Tôi sẽ làm hết sức để giúp Phan tiên sinh”.

Người thanh niên chợt như choàng tỉnh. Số tiền cầu viện trong thư là rất lớn. Thảo nào luôn mấy hôm nay, bao nhiêu đồ đạc quý giá trong căn nhà đã phải bán đi. Đầu óc họ Phùng lại chợt nhói lên. Khi nhóm Đông Du đầu tiên đến Nhật, đã có nhiều ý kiến gay gắt về việc học rải đều các ngành thay vì chuyên chú quân sự vũ trang. Chính cụ Phan đã nhiều đêm mất ngủ mới tạm thời đồng ý. Nghe đâu, chủ thuyết từ cầu viện vũ khí, khí tài chiến cụ sang cầu học để nắm vững nền tảng kỹ trị toàn diện chính là của một vị bác sĩ, bạn thân của Bá tước Suky - người rất có quyền lực ở Tokyo, cũng là người bảo lãnh hội Đông Du. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm thanh niên ưu tú hội Đông Du qua thực học mới nhận thấy phương lược của vị bác sĩ chưa biết mặt kia là chí lý.

Thanh niên họ Phùng nhìn thẳng vào bác sĩ Asaga:

“Thì ra chủ trương cầu học không cầu viện của hội Đông Du khởi phát chính từ ngài. Ngài đúng là ân nhân của đất nước chúng tôi”.

Bác sĩ Asaga khiêm nhường nói:

“Cậu Phùng! Chỉ là một ý kiến nhỏ theo tập quán chuyên môn của ta, nào có đáng gì. Cái quan trọng là Phan tiên sinh đã cảm nhận được xu thế thời đại là hướng tới văn minh, phồn thịnh. Có điều, không phải ai cũng nghĩ giống chúng ta”.

Họ Phùng run giọng nói:

“Thưa ngài Asaba! Ngài bán cả gia sản viện trợ hết cho chúng tôi. Mai này còn đâu máy móc để ngài hành nghề nữa?”

Vị bác sĩ cười hiền:

“Cậu biết đấy! Tôi đã cố hết sức mình. Tất cả được gần một nghìn bảy trăm yên. Hôm nay tôi sẽ đến gặp và biếu hết cho cụ Phan. Chỉ tiếc rằng không gắng thêm được nữa…”

Khi chiếc xe ngựa đã khuất xa con đường đất đỏ in bóng dãy cổ tùng, người thanh niên họ Phùng vẫn còn bần thần mãi.

*

Bốn năm sau.

Khi viết câu cuối cùng bằng chữ quốc ngữ từ bản dịch do bác sĩ Asaba đối sánh kỹ lưỡng từng chữ một từ hai bản cổ văn chép trên giấy ngự dụng Minh triều cách đây đã trên 400 năm, Phùng Đông kính cẩn đặt trên chiếc bàn gỗ mộc đơn sơ trong phòng khách, giờ đã trở nên rộng mênh mông từ ngày Chính phủ Nhật hoàng khép tội bác sĩ lén bảo trợ hội Đông Du. Bác sĩ Asaba thời gian gần đây rất yếu. Bệnh cũ tái phát, lại thêm máy móc thuốc men thiếu thốn, đến cả mấy nữ y tá ngày trước theo ông cũng đã rời đi theo lệnh cấm của Chính phủ nên căn nhà rộng lớn giờ chỉ còn ba người đàn ông cặm cụi. Cũng may có công việc cuốn đi.

Sau lần lên Tokyo gặp gỡ cụ Phan trở về bị Chính phủ cấm ngặt hành nghề, lại quản thúc luôn tại tư gia, bác sĩ Asaba không hề phản kháng mà lập tức tìm niềm vui mới cho mình bằng biên khảo cổ văn. Lúc đó, vị bác sĩ mới lục lại gia phả, đọc kỹ, tra cứu vô số sắc phong, trước tác của dòng họ Asaba lừng lẫy mấy trăm năm hầu vua kiến quốc. Đúng là duyên trời run rủi, Phùng Đông trước khi Đông Du đã ngót hai mươi năm được tộc trưởng Phùng gia xứ Đoài cho theo nghề bút mực. Cả vùng Sài Sơn, Thạch Thất, Câu Lậu hơn trăm dặm nức tiếng cụ Nghè Phùng Hoạt chính là ông nội của du học sinh Phùng Đông nơi xứ Phù Tang.

Đúng là trong họa có phúc. Như bóng với hình, suốt gần bốn năm trời, một già một trẻ, không kể ngày đêm đã đem hết sở học, chữ nghĩa của mình biên soạn lại những bức cổ thư, bản văn, bài thơ, câu xướng họa, tụng phê của các bậc sứ thần Nhật Bản và Đại Việt, trong đó đặc sắc nhất là trước tác thù ứng của hai cụ viễn tổ Asaba Zebo và Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.

Nhiều lúc, bác sĩ Asaba bảo với họ Phùng:

“Cậu Phùng! Mối lương duyên này, chính là các cụ tổ vun vén cho tôi và cậu”.

Phùng Đông rơm rớm nói:

“Ngài Asaba! Đúng là một mối duyên trời. Không ngờ từ xa xưa các cụ đã sớm nhìn thấu đại cuộc, thành tâm gắn kết, xiển dương văn hóa, yêu chuộng hòa bình, trọng thi lân bang đến vậy. Âu cũng là để con cháu sau này gắng sức noi theo”.

Vị bác sĩ ôm chàng thanh niên họ Phùng vào lòng. Mái tóc trắng lòa xòa rung lên nhè nhẹ.

Biên soạn, chỉnh dịch xong số cổ thư cũng là lúc bệnh tình của bác sĩ Asaba chuyển nặng.

Biết mình khó lòng qua khỏi, vị bác sĩ cho gọi họ Phùng và quản gia Chen:

“Bác Chen! Di chúc tôi đã gửi chỗ luật sư Beto. Tôi mất đi, một nửa căn nhà, nửa khu vườn xin biếu bác”.

Người quản gia trung thành đứng im như tượng. Đôi giọt nước mắt già nua bất giác rịn ra.

“Cậu Phùng! Tôi còn nợ cậu chuyến về cố quốc thăm đền quan Trạng Phùng. Tôi không có đủ thời gian, cậu hãy thông cảm cho tôi”.

Người thanh niên họ Phùng cố ngăn nước mắt, xúc động nói:

“Ngài sẽ mau khỏe thôi. Phan tiên sinh vẫn còn hẹn với ngài”.

“Ồ! Phan tiên sinh? Thật tiếc là không được chứng kiến ngày ngài ấy phục hưng đất nước. Hãy gửi lời chào ngài ấy cho tôi”.

Chàng thanh niên họ Phùng không kìm được nước mắt.

“Trước mắt, cậu hãy ở lại đây. Di chúc tôi đã đề tặng cậu nửa căn nhà và toàn bộ thư viện Asaba. Hãy thay tôi đợi Phan tiên sinh trở lại”.

Chàng trai trẻ tuổi lặng lẽ gật đầu.

*

Mười năm sau...

Trên bước đường bôn ba làm cách mạng, chí sĩ họ Phan đã vượt qua hàng vạn chông gai, giáp mặt vô số kẻ thù, nhưng ông trời cũng ban cho ngài biết bao người bạn tốt. Khi kiểm điểm lại những tấm lòng tri kỷ trên đất Nhật, chí sĩ họ Phan day dứt và cảm động nhất trước sự chí thành, chí nghĩa của bác sĩ Asaba. Khi trong lúc hiểm nguy, bị Chính phủ Nhật hoàng trục xuất, hàng trăm thanh niên Đông Du đứng trước bước ngoặt tha hương, vô thừa nhận, chính số tiền từ gia sản của bác sĩ Asaba đã cứu cánh cho hội Đông Du và cá nhân chí sĩ họ Phan.

Sợ rằng mình tuổi tác không vượt bể băng rừng được nữa, hơn mười năm sau ngày rời nước Nhật, đích thân chí sĩ họ Phan tới làng Asaba bày tỏ nguyện vọng được dựng một tấm bia biểu thị sự tri ân của hội Đông Du với bác sĩ Asaba trong chùa Jorin-Ji, nơi suốt cuộc đời cậu bé - bác sĩ Asaba tới đọc kinh niệm Phật.
Tấm bia được dựng với số tiền của cụ Phan và sự ủng hộ hết lòng của dân làng Asaba cùng sư trụ trì chùa Jorin-Ji. Đặc biệt, điều cụ Phan không ngờ, người nhiệt thành hăng hái nhất lại là một người Việt Nam mang dòng máu họ Phùng. Chàng trai họ Phùng này chính là lứa thanh niên Đông Du đầu tiên do cụ Phan và cụ Tăng Bạt Hổ đưa sang từ gần hai mươi năm trước. Mái tóc người thanh niên Đông Du ngày nào xanh nhưng nhức giờ đã bạc đến non nửa khiến cụ Phan càng muôn nỗi ưu tư.

Tấm bia được dựng lên. Thấm thoắt đã trăm năm có lẻ.

Không biết bây giờ, tập bản thảo cổ văn của ngài Asaba và vị họ Phùng dày công soạn dịch lưu lạc ở nơi đâu?

 

 NGƯỜI LÍNH DA ĐEN

Làng ven sông. Nước chảy lơ thơ như lụa mỏng. Khói chiều lẫn vào mây trắng bồng bềnh trôi vô định. Nơi bãi sông, lau lách trùm lên phủ kín con đò gỗ khẳng khiu. Phía xa, cây cầu Bắc Ngạn cong vút như lưỡi kiếm vươn qua sông Lục. Kiếm khí cầu Bắc Ngạn đỏ hồng bờ bãi buổi chiều tà.

Cụ lão Ngân Thương thong thả đi về phía vạt rừng Đông Lâm, nơi có mộ phần năm mươi tư lão ông quây quần hướng ra sông Lục. Theo lời thề nước, cuối cùng, họ hẹn nhau quần tụ nơi đây, như ngày xưa, trai tráng tổng Trà Lâm vác dao quắm vào rừng Đông Lâm chém cây thề theo cụ Hoàng kháng Pháp.

Bên mộ phần người quá cố, cụ lão Ngân Thương lặng lẽ đặt lên một cây cúc vàng nhỏ chúm chím nụ hoa. Loại cúc này là đặc sản dùng cho dịp Tết chỉ có ở bãi bồi sông Lục. Dân thường để cả cây đặt vào bát sứ gắn sẵn trên mộ.

Tấm bia giản dị hiện rõ ràng từng nét chữ đơn sơ.

“Phùng Liêm (1917-1983)”

Ba nén hương thơm tỏa làn khói mỏng.

Bà cụ rì rầm bên ngôi mộ nhỏ.

Mới đó mà đã mấy chục năm rồi...

*

Tổng Trà Lâm là bán đảo án ngữ phía nam sông Lục, nơi ba khúc quanh ôm ấp triền rừng Đông Lâm. Tương truyền từ triều Trần, binh tướng của Phạm Ngũ Lão trong hai lần huyết chiến giặc Nguyên - Mông đều cho đặt phục binh nơi rừng rậm Đông Lâm trước khi rút qua sông Lục xuôi về Vạn Kiếp hội quân cùng chủ tướng. Đại binh lui rồi, Phạm Ngũ Lão vẫn cho cắm cây cờ đại thêu ba chữ lớn “Phạm Điện súy” phía bờ nam sông Lục khiến cả tuần sau giặc không dám vượt sông. Danh tiếng Phạm Điện súy ngày đó lớn tới mức giặc nghe tên ông đã hãi sợ không dám tiến. Sau này, ngay sát bến đò bìa rừng Đông Lâm, dân chúng lập miếu thờ vị tướng quân họ Phạm bằng đá xanh.

Ngày giặc Pháp tuyên tội bêu đầu cụ Hoàng, cả tổng Trà Lâm như có đại tang.

Ba mươi sáu nghĩa binh tổng Trà Lâm mấy mươi năm theo cụ Hoàng còn sống trở về vẻn vẹn ba người. Họ lặng lẽ ở trong rừng Đông Lâm cho đến khi mặt trận Việt Minh mới mất.

Nhưng tấm lòng trung can nghĩa đảm của họ đã kịp truyền sang các du kích Việt Minh.

Thực dân Pháp cáo già khi nhận biết vùng bán đảo Trà Lâm là nơi đất thiêng tụ nghĩa đã cho lập tới ba bốt đồn kiên cố.

Phía bên kia bờ nam, là quân doanh của tên đại úy da đen De Făng khét tiếng với năm chiếc ca nô ngày đêm quần thảo dọc sông Lục khiến dòng sông hiền hòa luôn sôi sùng sục.

Lửa đã cháy khắp triền sông.

Máu đã loang bốn mặt tổng Trà Lâm, dọc bến đò, bãi chợ.

Đám trai tổng Trà Lâm lại vào rừng. Bên cạnh con dao quắm, còn có thêm súng trường, súng lục. Đặc biệt, còn có thêm những lá cờ đỏ sao vàng khi cuộn nhỏ nhét trong báng súng, khi bung ra tỏa rạng vạt rừng.

Từ những ánh sao vàng ấy, đã thổi bùng ngọn lửa đốt quân cướp nước. Hai lần các đồn bốt ở Trà Lâm bốc cháy. Mười hai xác tây đen, tây trắng trộn vào nhau.

Đại úy De Făng lồng lộn. Hai chiếc ca nô bị đánh chìm, bản thân De Făng bảy lần chết hụt.

Trong đội du kích tổng Trà Lâm lừng danh, người quả cảm nhất là đội trưởng Phùng Liêm, con trai của một trong ba nghĩa binh của cụ Hoàng còn sống trở về làng.

Cách mạng Tháng Tám bùng lên. Những lá cờ đỏ sao vàng không còn phải lấp ló trong rừng Đông Lâm mà phần phật bay giữa sân đình Trà Lâm trong muôn vàn tiếng reo mừng độc lập.

Ngày vui sao ngắn? Pháp bội ước! Súng nổ khắp nơi.

Vâng lệnh Cụ Hồ, đội trưởng du kích tổng Trà Lâm dẫn hai mươi sáu du kích quả cảm nhất lên chiến khu Việt Bắc.

Đêm, mặt sông Lục loang trăng lạnh. Gió ù ụ thổi lạnh vai người. Khi bước xuống đò, đội trưởng Phùng mới hay tin vợ vừa hạ sinh cậu con trai.

Vuốt cơn gió táp, họ Phùng rơi nước mắt dặn người ở lại chuyển tin đặt tên con là Trí.

Ngày đón mừng người chiến sĩ Điện Biên chiến thắng trở về, cả tổng Trà Lâm vui như mở hội. Trong hai mươi sáu chiến sĩ Điện Biên tổng Trà Lâm đã có tới mười bảy người nằm lại lòng chảo Mường Thanh. Chín người còn lại có đến tám thương binh. Duy Phùng Liêm nay đã là Đại đội trưởng lừng danh dũng sĩ Đồi A1 lại lành lặn lạ kỳ. Đúng là bom đạn tránh người. Âu cũng là hồng phúc của Phùng gia.

Người dũng sĩ Điện Biên bất ngờ và vô cùng xúc động trước sự đón chào nồng nhiệt của chính quyền và nhân dân tổng Trà Lâm nay đã được đặt tên mới là Tiên Phong, trùng với tên Đại đoàn Quân Tiên Phong mà ông là Đại đội trưởng nổi danh khắp Đại đoàn.

Càng bất ngờ hơn khi suốt buổi sáng tưng bừng ấy, không hề thấy bóng dáng người vợ và đứa con bảy tuổi chưa biết mặt.

Người dũng sĩ lòng như lửa đốt.

Hay ở nhà đã xảy ra biến cố gì?

Tan lễ, người chiến sĩ Điện Biên trở về nhà.

Đây rồi! Vẫn ngõ nhỏ xưa, đôi bờ lũy tre ken dày ăn một mạch xuống sát bến đò sông Lục.

Hàng cau cao lêu nghêu vươn thẳng lên trời trong nắng xanh đầu thu.

Cánh cổng khép hờ.

Trong nhà im lìm không một tiếng động.

Linh cảm có điều gì khác lạ. Người lính Điện Biên bước vào. Bên trong, cánh cửa vẫn đang mở.

Trên chiếc tràng kỷ đen bóng như sừng là vị trưởng họ Phùng, gương mặt chữ điền vuông vức. Chòm râu trắng rậm dày im phắc. Phía góc nhà, bóng một người phụ nữ run run.

Người chiến sĩ Điện Biên bước vào trong.

Trên ban thờ, ba nén hương cháy đỏ.

Người phụ nữ run run quỳ xuống.

Sau vài giây trấn tĩnh, Phùng Liêm quỳ xuống trước vị trưởng tộc họ Phùng.

“Lạy chú! Cháu đã trở về...”

Vị tộc trưởng nhìn thẳng vào người đang quỳ, chậm rãi nói:

“Liêm! Ta đang đợi con đây!”

Không gian như đông đặc.

Vị trưởng họ nói, giọng như có ai bóp nghẹt:

“Hai con... ngồi cả lại đây. Hòa bình rồi... Ta cũng đã già rồi... Trước khi trao lại chức trưởng họ cho con, ta muốn con hứa với họ Phùng một điều...”

Hai người ngồi bên vị tộc trưởng. Thật gần. Máu mủ ruột rà. Thật xa. Chân trời góc bể. Nước mắt nấc nghẹn. Bàn tay bóp nghẹt. Có lúc là ngưng thở. Có lúc như tiếng sét nổ trên đầu. Trống hoác. Bầm đen...

Giọng vị tộc trưởng họ Phùng như dao chém đá:

“Con Thương không có tội! Tất cả đều tại chiến tranh”.

Chiến tranh ư?

Vị tộc trưởng nói như van:

“Phùng tộc ta đã họp. Đã chấp nhận đứa bé. Suốt mấy năm kháng chiến, tộc ta đã cấm vợ con nói rõ sự tình. Nay con về, mọi chuyện ta nói rõ để con hay”.

Người lính Điện Biên ngồi im như chết.

Người phụ nữ bưng mặt, gục đầu.

Bỗng ngoài sân, có tiếng trẻ con đuổi nhau thuỳnh thuỵch. Ba đứa trẻ xoắn lấy nhau. Bé gái hàng xóm chừng mười tuổi, cao hơn cậu bé đang cởi trần tám tuổi, cố che chắn cho một bé trai màu da đen tóc xoăn rất lạ. Bé da đen chừng bốn, năm tuổi ngộ nghĩnh, trên tay cầm con búp bê tóc xoăn vàng.

Tranh giành một hồi, ba đứa trẻ lại chạy biến đi.

Người phụ nữ bỗng dưng quỳ sụp xuống:

“Lạy mình! Tôi có tội với mình. Nay mình rõ rồi. Biết rõ chuyện rồi. Tôi quyết chí tôi đi”.

Vị trưởng họ ngồi im như tượng.

Dường như ngay lập tức, người chiến sĩ Điện Biên quỳ sát vợ, nấc lên:

“Mình ơi...”

Rồi gục xuống...

Một khoảng thời gian dài, người chiến sĩ Điện Biên im lặng như tảng đá. Ngoài công việc xã đội trưởng, anh hay tìm ra bến sông Lục, nơi vẫn còn một góc lô cốt sần sùi mà du kích đặt mìn phá hồi trước giờ đã sụm nghiêng xuống lòng sông. Vụ nổ mìn làm banh xác tên đại úy De Făng da đen khét tiếng đã nhiều lần càn quét, hãm hiếp đàn bà con gái tổng Trà Lâm. Trong một lần cứu bé gái mười lăm tuổi khỏi tay tên đại úy, nữ du kích Ngân Thương đã phải trả giá bằng nỗi nhục thiên thu.

Em bé da đen lớn lên, vô cùng thông minh, nhạy cảm. Có những lúc nó ôm chặt mẹ. Có những khi nó đứng một mình nơi chiếc lô cốt đổ soi bóng xuống lòng sông.

Người vợ sinh thêm một bé trai. Trong mỗi bức ảnh cả nhà chụp ngày lễ Tết, theo thứ tự, em bé da đen luôn đứng vào chính giữa. Cậu lúc nào cũng nở một nụ cười.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt. Tổng Trà Lâm - xã Tiên Phong lại tiễn những người trai trẻ lên đường.

Trong hai đợt giao quân liên tiếp, xã đội trưởng họ Phùng đã phải tiễn hai đứa con trai lên đường.

Suốt đêm hôm trước, ông bà Phùng Liêm - Ngân Thương không ngủ.

Người đàn ông nói với vợ:

“Về lý về tình, đều nên giữ con ở lại”.

“Không! Nó đã lớn rồi. Phận làm trai phải trả nợ non sông”.

“Non sông ư? Nó mới mười bảy tuổi. Tôi... không nỡ”.

“Ông đừng nói thế, tội nghiệp! Một nửa dòng máu nó là của sông núi nơi đây. Tâm hồn nó thuộc về đất Trà Lâm nuôi dưỡng nó”.

Người đàn ông im lặng.

Hòa bình còn chưa đến, đã hai tấm giấy báo tử sém lửa dội về như sét giữa trời quang.

Hai anh em còn chưa có tấm ảnh chụp riêng. Đành cắt từ tấm ảnh chung để đặt lên ban thờ khói hương vấn vít.

*

Sau giải phóng, như bao vùng quê khác, tổng Trà Lâm - xã Tiên Phong triền miên đói nghèo, chạy ăn từng bữa toát mồ hôi.

Rồi biên cương phía Bắc lại rộ tiếng súng nổ. Trai tráng lại lên đường. Lại những tấm giấy báo tử ố vàng bay về vùng đất ven sông.

Cậu út Phùng Khang, thật bất ngờ, nằng nặc xung phong vào bộ đội.

Phùng Khang, trong ba năm, đã là một đại đội trưởng quả cảm trong đội hình phòng thủ điểm cao ở biên cương.

Khi cuộc chiến còn căng thẳng, người cha mất, tiểu đoàn trưởng họ Phùng không về được, chỉ biết nén nỗi đau thật chặt ở trong lòng. Từ vị trí người con út, anh hiểu mình giờ đây đã phải gánh thêm trọng trách tộc trưởng họ Phùng tổng Trà Lâm.

Nỗi đau và công việc lại dồn lên đôi vai người mẹ.

Rồi mọi thứ dần bình yên. Đất nước ngày đổi mới sau bao năm đạn bom, gai mật. Tổng Trà Lâm - xã Tiên Phong vẫn riêng một nét thanh bình. Trai làng không vào chiến trận mà tỏa đi gánh vác việc muôn nơi. Đất cổ Trà Lâm vốn gắn liền với những danh sư, nho sĩ, thầy thuốc, thầy đồ xưa vang bóng thì nay vẫn nở rạng anh tài. Những nhà khoa học, doanh nhân, nghệ nhân với thành tựu của mình đang làm rạng rỡ vùng đất cổ.

Biên cương phía Bắc trở lại bình thường, rồi thông thương hai nước cũng là lúc Đại tá, Sư trưởng Phùng Khang nghỉ hưu trở về vùng đất ven sông.

Theo nguyện vọng của mẹ cha, Đại tá Phùng Khang dành bốn năm lặn lội khắp các vùng chiến trường phía Nam tìm hài cốt hai người anh liệt sĩ. Ơn tổ tiên phù trợ, ơn đồng đội thơm thảo nghĩa tình, hai người con tổng Trà Lâm được trở về với bến sông xưa.

Thêm hai tấm bia được dựng lên.

“Phùng Trí (1946-1968)”

“Phùng An (1950-1969)”

Trong những di ảnh liệt sĩ tại nghĩa trang xã Tiên Phong, có duy nhất một tấm hình người lính mang họ Phùng với màu da đen, tóc xoăn, đôi mắt sáng nhìn thẳng về phía trước.

Người mẹ bao giờ cũng dừng lại lâu hơn như muốn trò chuyện mãi với đứa con đặc biệt của mình.

Chiều nay cũng vậy, sau khi rời vạt rừng Đông Lâm, nơi có năm mươi tư mộ phần lão ông quây quần hướng ra sông Lục, chỗ họ cất lời thề trước khi cầm súng theo Việt Minh, tiếp đó chia nhau lên chiến khu theo lệnh Cụ Hồ, và bây giờ lại hẹn nhau ở đây. Cụ bà Ngân Thương thong thả bước đến khu nghĩa trang liệt sĩ cách đó hơn trăm mét. Nơi này, bên nấm mộ các liệt sĩ, trong đó có hai người con máu thịt của mình, đã đợi sẵn vị Đại tá họ Phùng cùng đồng đội của ông. Những đôi mắt chừng như ướt nước khi nhìn vào mắt người lính trẻ tuổi da đen trong di ảnh.