Gừng xứ Nghệ là tập chân dung 20 nhân vật văn hóa có nhiều đóng góp trong học thuật thuộc vùng đất Nghệ An, Hà Tĩnh. Buổi ra mắt cuốn sách nghiên cứu văn học theo hướng nhân học văn hóa của PGS.TS Đỗ Lai Thúy diễn ra sáng 8/4 tại không gian cà phê sách Trung Nguyên Legend, 52, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Nhân học văn hóa hay còn gọi nhân học văn hóa xã hội thuộc ngành Nhân học học thuật. Nhà nghiên cứu nhân học văn hóa tập trung vào các khuôn mẫu, hệ thống tín ngưỡng, tổ chức xã hội và thực hành văn hóa; sử dụng các lí thuyết và phương pháp nhân học để nghiên cứu văn hóa. Nhân học văn hóa không chú trọng kết quả mà chú trọng đến quá trình. Và nghiên cứu văn học theo hướng nhân học văn hóa là một hướng nghiên cứu độc đáo, thú vị. Gừng xứ Nghệ của PGS.TS Đỗ Lai Thúy là một cuốn sách theo hướng nghiên cứu này.
Cuốn sách "Gừng xứ Nghệ"
Xứ Nghệ (gồm Nghệ An, Hà Tĩnh) là vùng đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt. Nơi đây cũng là chiến địa, đất lưu đày của những dòng họ phạm tội với triều đình. Con người sống trong môi trường thiên nhiên và xã hội hoang dã, khắc khổ như vậy lâu dần hình thành nên tính cách Nghệ: bền bỉ kiên cường, bất khuất đến duy ý chí, ham học, ham làm quan... nhưng cũng không kém phần mơ mộng. Đất Nghệ cũng là đất học, là nơi sản sinh ra những danh nhân văn hóa như La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tâm Tuyền, Cao Xuân Huy, Hà Văn Tấn... Bởi vậy, một nhà nghiên cứu nhân học văn hóa như PGS.TS Đỗ Lai Thúy không thể bỏ qua vùng đất này. Gừng xứ Nghệ là tập chân dung 20 nhân vật văn hóa có nhiều đóng góp trong học thuật, thể hiện cách lựa chọn và đặt vấn đề sắc sảo, tinh tế của ông.
Theo PGS.TS Ngô Văn Giá, từng vùng đất, từng xứ sở kết tinh vào những con người cụ thể, bởi thế, mỗi người là sản phẩm của một nền văn hóa mà anh ta thuộc về nhưng đồng thời, anh ta cũng tỏa sáng và đóng góp vào sự phát triển chung của nền văn hóa đó. Hướng tiếp cận văn học từ nhân học văn hóa như cách làm của PGS.TS Đỗ Lai Thúy đòi hỏi người viết phải huy động vốn liếng tri thức học thuật toàn diện, với biên độ rộng mở, đa chiều, thể hiện cá tính riêng của mình. Nhà văn Phùng Văn Khai chia sẻ: “Chất hành giả hay chất thực hành trong đời sống là nét nổi bật trong các tác phẩm của Đỗ Lai Thúy, đặc biệt là ở Gừng xứ Nghệ. Từng câu văn đẹp, mang tầng tầng lớp lớp ý nghĩa đã thể hiện sự nhọc nhằn và công phu của người cầm bút, cũng thể hiện những nỗ lực đáng kể trong việc làm mới công tác nghiên cứu khoa học của ông”.
PGS.TS Đỗ Lai Thúy phát biểu tại buổi ra mắt sách
Không hề có chủ đích, cuốn sách Gừng xứ Nghệ ra đời là sự hạnh ngộ của tác giả, một người xứ Đoài, với những nhân vật văn hóa xứ Nghệ. PGS.TS Đỗ Lai Thúy chia sẻ: “Trên hành trình viết của tôi, tôi chỉ tìm đến những người có vấn đề học thuật, có nhân cách thú vị, có sáng tạo thi/văn cách, chứ không hề xem ông/anh ta quê quán ở đâu. Rồi một lúc nào đó ngoảnh lại, bỗng giật mình, hóa ra mình viết hơi nhiều về người Nghệ. Tôi hay đùa, chắc là kiếp trước tôi là người Nghệ, nên kiếp này phải viết trả nợ”.
Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân nhận định: “Những nhân vật trong Gừng xứ Nghệ, cho dù có thể đã được biết/viết đến nhiều, nhưng dưới cái nhìn nghiêng của Đỗ Lai Thúy, lại cho thấy tầm vóc và cống hiến mới. Và từ những kiến giải riêng dựa trên cơ sở khoa học của ông, các danh nhân văn hóa xứ Nghệ được truy nguyên, phục hồi đúng vị thế của họ”.
Các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu và bạn đọc tham dự buổi ra mắt sách
GS. Trần Đình Sử cho biết: “Cuốn sách Gừng xứ Nghệ, với lối viết khác lạ và thú vị, đã mở ra một con đường để người đọc từng bước tiếp cận và hình dung về những nhân vật văn hóa lớn, những học giả, nhà chính trị, nhà văn hóa nổi tiếng của Việt Nam. Đỗ Lai Thúy viết chân dung một cách đắm đuối say mê, chọn lọc chi tiết cẩn thận và phân tích kĩ lưỡng, men theo trục của kiến trúc học... để làm nổi bật những giá trị tư tưởng đặc sắc. Sự khác biệt nhưng không cố gắng để làm khác một cách bất thường đã thể hiện được sự trưởng thành của người viết. Đây là một cuốn sách hữu ích đối với giới nghiên cứu triết học nói riêng và giới nghiên cứu, phê bình nói chung”.
Đối với các độc giả trẻ, cuốn sách Gừng xứ Nghệ mang đến những tri thức, hiểu biết mới về các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong dòng chảy tư tưởng lịch sử của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là trong thế kỉ 20. Từ đó, khơi gợi niềm tự hào dân tộc, thôi thúc thế hệ trẻ tự tin vững bước, đóng góp cho sự phát triển của nền văn hóa cũng như văn học nghệ thuật nước nhà.
HÀ THY LINH
(Theo: Văn nghệ quân đội online)