Đại tướng Phùng Quang Thanh sinh ngày 2 tháng 2 năm 1949, tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội - một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu anh dũng kiên cường; chỉ huy quyết đoán, linh hoạt, sáng tạo; kiên trì phấn đấu từ một người lính cấp thấp nhất trở thành vị tướng tài tiêu biểu của Quân đội ta với cấp hàm cao nhất. Hơn nửa thế kỷ đứng trong hàng ngũ của Đảng, Đại tướng Phùng Quang Thanh có nhiều công lao, đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế cao cả; cho sự nghiệp phát triển, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam… Đặc biệt, trên cương vị Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong hai nhiệm kỳ, với tư duy nhạy bén, sắc sảo, tầm nhìn chiến lược và kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã cùng Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều quyết sách quan trọng về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân, chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc... Cùng với việc làm tốt chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của Quân đội và nhiều mặt công tác khác. Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn dành nhiều tâm huyết, thời gian và thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”... Để góp phần làm rõ công lao của đồng chí với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của quân đội ta, bài viết tập trung vào chủ đề: Đại tướng Phùng Quang Thanh với công tác đào tạo chiến dịch - chiến lược cho quân đội.
Nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng, của quân đội ta trong hơn 80 năm qua, có thể khẳng định: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quân sự (nói chung), cán bộ cao cấp cho Quân đội (nói riêng) luôn được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng quan tâm, chỉ đạo trong cả khi đất nước có chiến tranh và trong thời bình. Tuy nhiên, ở từng thời điểm lịch sử, từng giai đoạn cách mạng công tác này cũng có những nét đặc thù… Bước vào thế kỷ XXI, những biến động tình hình khu vực và thế giới đã tác động đến “tư duy” bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” của Đảng, của Quân đội; đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu khách quan, cấp thiết về công tác đào tạo cán bộ chiến dịch - chiến lược trong giai đoạn mới, đó là cần đào tạo ra những nhà lãnh đạo, chỉ huy có tầm nhìn chiến lược về chính trị, quân sự, nắm vững đường lối, quan điểm quân sự, quốc phòng của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có khả năng tư duy và hành động để đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy trong các cơ quan, đơn vị chiến dịch, chiến lược, có khả năng phát hiện, đề xuất, tổ chức giải quyết các vấn đề lớn về xây dựng và tác chiến của lực lượng vũ trang hiện nay và mai sau. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được mục tiêu đó, từ Trung ương, Bộ Quốc phòng đến cơ sở đào tạo còn phải tiến hành đồng bộ, khoa học nhiều vấn đề cơ bản, như xác định đối tượng, xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, cũng như phương pháp và cách thức bảo đảm cho quá trình dạy học đạt kết quả tốt.
Trong bối cảnh tình hình như vậy, với trọng trách là Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, lại là người trưởng thành trong thực tiễn chiến đấu, trải qua nhiều chức vụ khác nhau từ cán bộ cấp Trung đội cho đến cấp Sư đoàn, Quân đoàn, Quân khu và lại được đào tạo bài bản ở nhiều học viện, nhà trường quân sự trong và ngoài nước... Đại tướng Phùng Quang Thanh sớm nhận thức đầy đủ ý nghĩa và vai trò quan trọng của công tác này. Vì vậy, đồng chí có nhiều ý kiến chỉ đạo thiết thực, bổ ích với cơ sở đào tạo và tham mưu, đề xuất kịp thời với Đảng, Nhà nước các biện pháp đúng, trúng và hiệu quả để triển khai công tác đào tạo cán bộ chiến dịch - chiến lược phù hợp với đối tượng đào tạo là cán bộ sĩ quan đã và đang giữ chức vụ Sư đoàn trưởng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, thành phố, cán bộ chủ chốt các cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược... đây là đối tượng đã qua nhiều cấp đào tạo (kể cả đào tạo cơ bản ở Học viện Quốc phòng), có kinh nghiệm, trí tuệ, là nguồn phát triển cán bộ chủ chốt lãnh đạo và xây dựng Quân đội lâu dài… Đồng thời, để tạo điều kiện tốt nhất cho cơ sở đào tạo hoàn thành nhiệm vụ, Tổng Tham mưu trưởng Phùng Quang Thanh còn quan tâm, giúp đỡ cơ sở đào tạo chuẩn bị bồi dưỡng giảng viên, biên soạn tài liệu, giáo án giảng dạy, nơi ăn ở, sinh hoạt và cơ sở vật chất, giảng đường, cũng như chỉ đạo các cơ quan chức năng từng bước bổ sung trang thiết bị dạy học cần thiết cho Học viện... Do đó, chỉ sau một thời gian chuẩn bị tích cực về mọi mặt nhằm thực hiện được nhiệm vụ chuyển đổi mục tiêu đào tạo từ chiến thuật, chiến dịch sang chiến dịch - chiến lược, ngày 10 tháng 9 năm 2001, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trực tiếp dự Lễ Khai giảng khóa 1 đào tạo Chiến dịch - chiến lược và một số lớp Chỉ huy - Tham mưu, Cao học Khoa học quân sự của Học viện Quốc phòng và phát biểu chỉ đạo. Việc Khóa 1 đào tạo Chiến dịch - chiến lược được mở đúng kế hoạch là một cố gắng lớn của Học viện, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự chỉ đạo, giúp đỡ rất kịp thời, hiệu quả của các cơ quan Bộ Quốc phòng, trong đó có vai trò quan trọng của Tổng Tham mưu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh.
Sau khi Khóa 1 đào tạo Chiến dịch - chiến lược kết thúc, Tổng Tham mưu trưởng Phùng Quang Thanh đã kịp thời chỉ đạo nhà trường đánh giá rút kinh nghiệm toàn diện, phát huy thành tích đạt được, tiếp tục điều chỉnh, bổ sung chương trình, nội dung huấn luyện sát thực tế và cập nhật với tình hình mới. Nhất là, phương pháp dạy và học cũng được Học viện Quốc phòng rút kinh nghiệm nghiêm túc, đổi mới cho phù hợp với từng đối tượng học viên nhằm phát huy tối đa tính chủ động, tích cực, tự giác, sáng tạo của người học, phát triển tư duy nghiên cứu ở tầm vĩ mô, dành 60-70% quỹ thời gian cho tự học, tự nghiên cứu; vận dụng phương pháp gợi mở, hướng dẫn nghiên cứu, giúp người học nắm vững quy luật, bản chất, biết liên hệ thực tiễn sâu sắc, phê phán và dự báo khoa học cao… Trên cơ sở đó, ngày 11 tháng 9 năm 2003, Học viện Quốc phòng tổ chức Lễ Khai giảng Khóa 2 đào tạo Chiến dịch - chiến lược và một số lớp quân sự. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cơ sở đào tạo hoàn thành tốt nhiện vụ, ngày 18 tháng 7 năm 2003, Thượng tướng Phùng Quang Thanh thay mặt Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 673/QĐ-TM về Tổ chức biên chế Học viện Quốc phòng. Đây là một quyết định quan trọng để Học viện Quốc phòng tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện - đào tạo và nghiên cứu khoa học lên một bước mới; cũng như điều chỉnh tổ chức, biên chế các cơ quan, khoa, hệ của Học viện cho phù hợp với nhiệm vụ lấy đào tạo chiến dịch - chiến lược và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh là chủ yếu...
Mặt khác, để giúp Học viện Quốc phòng chuẩn bị tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng, năm 2004, Thượng tướng Phùng Quang Thanh cùng một số cán bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị đã xuống trực tiếp làm việc với Học viện về vấn đề hợp tác đào tạo quốc tế. Kết luận của Tổng Tham mưu trưởng theo Thông báo số 24/TB-KL là “khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện để cuối năm 2005 có thể đón nhận được 20-25 học viên quốc tế đến học; từ sau năm 2007 trở đi có thể đón nhận được tất cả các nước có nhu cầu học tập ở Học viện Quốc phòng”. Tiếp đó, đồng chí đã phê duyệt tờ trình số 673/TTr-VP của Học viện Quốc phòng gửi Bộ Tổng Tham mưu xin duyệt địa điểm xây dựng Hệ Quốc tế trong khu vực Học viện và cho ý kiến về công tác chuẩn bị chương trình kế hoạch huấn luyện, dự kiến xây dựng nội dung, chương trình khung về đào tạo học viên quốc tế của Học viện Quốc phòng... Từ đó đến năm 2006, trên cương vị là người đứng đầu Bộ Tổng Tham mưu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phùng Quang Thanh luôn giành sự quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ cấp chiến dịch - chiến lược; đồng chí tích cực chỉ đạo, giúp đỡ cơ sở đào tạo hoàn thành nhiệm vụ tạo nguồn cán bộ quân sự cho Đảng, cho Quân đội.
Đặc biệt, thời gian Đại tướng Phùng Quang Thanh làm Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (2006-2016) là quãng thời gian đầy ắp các sự kiện, các biến động (khó đoán định trước) của tình hình khu vực và thế giới. Đó cũng là giai đoạn rất quan trọng của công tác đào tạo cán bộ chiến dịch - chiến lược cho Quân đội ta nhằm giữ vững môi trường hòa bình, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Trên cương vị mới, mặc dù công việc bộn bề, nhưng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh vẫn giành sự chỉ đạo trực tiếp đối với Học viện Quốc phòng, quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo cán bộ chiến dịch - chiến lược và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh. Đại tướng Phùng Quang Thanh còn trực tiếp tham gia giảng dạy và trao đổi với học viên nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước như: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc; Quan điểm của Đảng ta về quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; Tăng cường xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong thời kỳ mới... cho các lớp đào tạo chiến dịch, chiến lược và các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh đối tượng 1. Các bài giảng, bài nói và kết luận của Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn hấp dẫn người nghe bởi tính thời sự cao, tư duy chiến lược sắc sảo, hàm chứa những tư tưởng sâu sắc, có giá trị lý luận và thực tiễn đối với việc chỉ đạo, định hướng tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với Quân đội và là những kinh nghiệm quý được đúc kết từ sự trải nghiệm, tích lũy của Đại tướng trong suốt cuộc đời binh nghiệp, nhất là kinh nghiệm của Bộ trưởng trong lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chiến dịch chiến lược trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Đại tướng Phùng Quang Thanh luôn chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác đối ngoại quân sự của Học viện Quốc phòng phát triển nhanh cả bề rộng và chiều sâu, bằng các hoạt động cụ thể, như: Cử cán bộ tham gia các cuộc hội thảo quốc tế về những nội dung có liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, quân sự dưới các hình thức khác nhau khi được Bộ Quốc phòng giao; Cử cán bộ tham gia học tập ngắn hạn ở các tổ chức quốc tế, Học viện Quốc phòng của một số nước trên thế giới và khu vực, khi thấy những nội dung chương trình phù hợp và trong khuôn khổ cho phép của Nhà nước; Tổ chức các đoàn cán bộ, giảng viên và học viên đi tham quan nghiên cứu ở một số nước trên thế giới và khu vực; Đón tiếp, làm việc và trao đổi với các đoàn quân sự, đoàn Học viện Quốc phòng các nước trên thế giới theo kế hoạch của Nhà nước được Bộ Quốc phòng giao cho Học viện; đồng thời, đồng chí còn quan tâm giúp đỡ Học viện Quốc phòng rất nhiều trong việc cải tạo nâng cấp và xây dựng giảng đường, hội trường, phòng học và thư viện theo hướng “thông minh” “đa dụng” để nâng cao hiệu quả giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện Quốc phòng...
Nhìn vào đội ngũ cán bộ chiến dịch - chiến lược đã tốt nghiệp và hiện đang nắm giữ những trọng trách quan trọng trong Bộ Quốc phòng, trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước khẳng định tầm nhìn xa, trông rộng, tư duy chiến lược sắc sảo của Đại tướng Phùng Quang Thanh trong việc chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài quân sự cho đất nước, cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của Quân đội ta. Đặc biệt, mỗi khi nói về sự phát triển, lớn mạnh toàn diện của Học viện Quốc phòng trong những năm qua, nói về đội ngũ những thế hệ đã xây đắp cơ sở nền tảng vững chắc để Học viện Quốc phòng ngày càng chính quy, tiên tiến, mẫu mực, xứng đáng với tám chữ vàng “Trung thành, tận tụy, đoàn kết, sáng tạo”, xứng đáng là Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới và phát triển bền vững, từng bước tiếp cận công nghệ 4.0, tiến tới trở thành Học viện thông minh và thực sự là trung tâm giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học quân sự, quốc phòng hàng đầu của Quân đội và của Quốc gia, có uy tín cao trong khu vực và quốc tế... thì không thể nào quên được sự lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cũng như công sức của bao thế hệ đi trước đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ gắn bó nhiều năm với Học viện; trân trọng và biết ơn sự chăm lo, động viên, giúp đỡ về nhiều mặt của các cơ quan, ban ngành và các đơn vị trong toàn quân, nhất là cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, trong đó có sự đóng góp rất thiết thực và hiệu quả của Đại tướng Phùng Quang Thanh.
Thượng tướng - PGS. TS Trần Việt Khoa
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương
Giám đốc Học viện Quốc phòng