Đạo diễn Đặng Nhật Minh với những tác phẩm điện ảnh mang đậm phong vị văn hóa Việt Nam, đã được tôn vinh bằng Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh ở tuổi 85 - Ảnh: Hòa Nguyễn
Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội vào chiều 6/10 tại Hà Nội, thì đêm 6/10 tại TP.HCM khai mạc tháng phim Đặng Nhật Minh “Bao giờ cho đến tháng mười” được sự hưởng ứng của đông đảo khán giả trẻ đô thị phương Nam.
Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội là hạng mục quan trọng nhất của Giải thưởng Bùi Xuân Phái, gọi tên đạo diễn Đặng Nhật Minh tiếp nối những nhân vật gắn bó Hà Nội như Nguyễn Vinh Phúc, Tô Hoài, Phan Huy Lê, Giang Quân, Phú Quang, Hồng Đăng, Trần Văn Thủy...
Hội đồng giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái năm nay gồm nhà thơ Bằng Việt, nhà Sử học Dương Trung Quốc, nhà báo Hồ Quang Lợi, nhà báo Ngô Hà Thái, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính và nhà báo Lê Xuân Thành.
Tại lễ trao giải, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã xúc động đọc lại mấy câu thơ của thầy giáo Khang trong bộ phim “Bao giờ cho đến tháng mười” ghi dấu khó quên trên hành trình sáng tạo cá nhân: “Bao giờ cho đến tháng mười/ Lúa chín trên cánh đồng giông bão/ Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi/ Những mất mát, hy sinh, chịu đựng, khổ đau/ Khi trời thu vẫn xanh mãi trên đầu”.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh ngày 11/5/1938 tại Huế. Đạo diễn Đặng Nhật Minh là con trai của giáo sư y học Đặng Văn Ngữ (1910-1967). Đạo diễn Đặng Nhật Minh vào nghề điện ảnh với tư cách một phiên dịch và làm đạo diễn bộ phim tài liệu đầu tiên “Theo chân người địa chất” vào năm 1965.
Tác phẩm điện ảnh đầu tiên của đạo diễn Đặng Nhật Minh là bộ phim “Những ngôi sao biển” dựa theo kịch bản Nguyễn Khắc Phục, không có mấy tiếng vang. Sự nghiệp Đặng Nhật Minh chỉ thực sự chuyển động tích cực với bộ phim “Thị xã trong tầm tay” sản xuất năm 1982. Những bộ phim sau đó như “Bao giờ cho đến tháng mười” (1985) “Cô gái trên sông” (1987) “Chỉ một người còn sống” (1989) “Trở về” (1994) “Thương nhớ đồng quê” (1995) “Hà Nội mùa đông 46” (1997) “Mùa ổi” (2001) “Đừng đốt” (2009) khẳng định tầm vóc đạo diễn bậc thầy của Đặng Nhật Minh.
Năm 2022, dù đã ở tuổi 84, đạo diễn Đặng Nhật Minh vẫn hoàn thành và công bố bộ phim “Hoa nhài” thể hiện cốt cách người Hà Nội. Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ: “Hà Nội thân thương với tôi như một người ruột thịt. Là người gốc Huế, nhưng chẳng khi nào tôi phân chia trong mình có bao nhiêu phần Huế, bao nhiêu phần Hà Nội. Với Huế, tôi chỉ sống những năm tháng tuổi thơ. Trong khi những năm tháng trưởng thành cho đến nay, tôi gắn bó với Hà Nội. Hà Nội đã hình thành nên con người nghệ sĩ của tôi - một người làm điện ảnh cho đến hôm nay đều bởi Hà Nội”.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội - Ảnh: Hòa Nguyễn
Hội đồng giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái cho rằng, dễ thấy có một lịch sử Hà Nội vừa hoài niệm, vừa hiện thực, vừa dữ dội, vừa bình yên qua những thước phim của Đặng Nhật Minh, mà rất nhiều trong số đó bắt nguồn từ tác phẩm văn học của ông, được ông tự chuyển thể kịch bản và đạo diễn. Thế nhưng, ông lại tiết lộ mình không có ý thức hay bất cứ chủ đích nào để phản ánh các giai đoạn thăng trầm của lịch sử Hà Nội. Ông coi đó là một duyên số với Hà Nội, với đề tài Hà Nội.
Ở chiều sâu, những bộ phim như “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Mùa ổi”, “Hoa nhài”, cùng với cả “Đừng đốt”, “Trở về”, đạo diễn Đặng Nhật Minh đặc biệt chú trọng tiếp cận số phận của từng con người, đi vào bên trong tâm tính, phẩm giá của người Hà Nội.
Điển hình là Loan trong “Trở về”, một cô gái Hà Nội biết giữ mình, không để vật chất cám dỗ trong bối cảnh xã hội chuyển mình sang nền kinh tế thị trường. Đặc biệt còn là hình ảnh của nữ liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm trong “Đừng đốt”, một người con gái Hà Nội mang trong mình những vẻ đẹp của một tâm hồn nhạy cảm, trong sáng và yêu cái đẹp. Tâm hồn Hà Nội của Đặng Thùy Trâm được khắc họa đậm nét với những rung động tinh tế cùng với những tình cảm đặc biệt dành cho gia đình, đồng chí, đồng đội trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh.
Với Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội, đạo diễn Đặng Nhật Minh thổ lộ: “Quả thật, nếu nhìn lại Hà Nội từ quá khứ cho tới hiện tại, tôi đều có những tác phẩm điện ảnh nói về một số giai đoạn nhất định. Để lý giải sự tình cờ này chỉ có thể nói một điều. Đó là vì tôi đã gắn bó máu thịt với số phận của thành phố này. Nếu tôi sống mà không gắn bó với những biến động, với số phận của thành phố chắc chắn không thể có được chuỗi những bộ phim về Hà Nội như thế.
Dù là người Hà Nội gốc, hay là người Hà Nội nhập cư đều mang trong mình tính nhân văn, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hà Nội có thể thay đổi trong mọi thời cuộc biến động nhưng luôn có một mạch chảy bên trong con người Hà Nội, đó là tính nhân văn”.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1993. Ông từng làm Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam từ năm 1989 đến năm 2000.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2007. Đồng thời, ông cũng được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2016 và được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật của Pháp năm 2022.
Theo TUY HÒA / Báo NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM