(Thứ tư, 27/11/2024, 07:28 GMT+7)
Năm 2024 này, nhà sử học Hán Nôm Việt Nam tròn 80 tuổi. Tuy tuổi ông đã ở hàng "nhân sinh thất thập cổ lai hy", nhưng ông vẫn ngày đêm miệt mài cống hiến, đóng góp về biên tập nghiên cứu sử học, Hán nôm cho nước nhà.
 
Với số lượng khủng là 54 đầu sách biên tập đồng tác giả, ông còn có 13 đầu sách riêng, do chính ông viết và biên tập.
 
Các tác phẩm chính của ông là những kiến thức, kho báu về sử học của Việt Nam: Các bậc nam quốc triều Lê, Bên lề chính sử, Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam...
 
Không chỉ là nhà sử học - Hán Nôm trong nhóm hàng đầu của Việt Nam, ông còn là một nhà thơ với một Trái tim đồng điệu (tên một cuốn thơ gồm 117 bài thơ của Tiến sĩ). Ngoài những tác phẩm đồ sộ về sử học, ông còn là người cống hiến cho đời hàng trăm tiểu luận, biên khảo lịch sử xã hội và văn chương.


Tiến sĩ Đinh Công Vỹ cùng tác giả thăm đền thờ Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan
 
Chính ông là người giúp UBND và phòng Văn hóa thị xã Sơn Tây hoàn thành cuộc Hội thảo Khoa học ở thành cổ Sơn Tây năm 2002 một cách xuất sắc. Và cuốn sách Di tích Thành cổ Sơn Tây đã ra đời từ đây.
 
Quả là:

Trí tuệ xứng danh nhà sử học
Tài hoa đáng mặt khách văn chương

(Tác giả: Thi sĩ Hoài Yên)
 
Những tham luận và hội thảo khoa học về các danh nhân của dải đất hình chữ S của ông được người đời kính nể và ngưỡng mộ.

Ông không chỉ tinh thông sử sách Việt Nam và Trung Quốc mà còn là người thông hiểu Hán Nôm.
 
Có nhà thơ đã từng nói: "Thơ tình phải nói đến Xuân Diệu, thơ hương đồng gió nội chân quê phải nói đến Nguyễn Bính. Còn nói đến tình sử Việt Nam: Vén bức màn ảm đạm ngàn năm trong cung cấm mọi triều đại, phải nói đến Đinh Công Vỹ".


 
Ông vừa là người sáng tác vừa là người dịch thơ, tự phiên âm. Những bài thơ Đường luật, thơ lục bát, trường thi về quê hương đất nước, lịch sử Việt Nam, các địa danh, danh nhân đất Việt... của ông thật sâu sắc và độc đáo.
 
"Đa khang, thông thái, tinh tường", nhà sử học uyên bác Đinh Công Vỹ còn là một nghệ sĩ, nhà thơ đa tài có cách sống thanh đạm, giản dị và vô cùng khiêm tốn. Ông hiền từ, cần mẫn, lặng lẽ cống hiến cho đời những tác phẩm khổng lồ. Ông là niềm tự hào không chỉ của "xứ Đoài mây trắng" mà còn là niềm tự hào của nền sử học nước ta!
 
Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2024
 
PHÙNG TRANG NHUNG