(Thứ ba, 16/03/2021, 07:11 GMT+7)

   Đặc thù của lịch sử là dù sự kiện của ngày hôm qua nhưng vẫn phải đem lại bài học ý nghĩa cho hôm nay. Với ý nghĩa này thì lịch sử luôn là “lịch sử của đương đại”. Vì vậy, người viết về đề tài lịch sử phải tạo ra một ấn tượng về bài học lịch sử cho độc giả, tức phải tạo ra một bài giáo dục có ích cho độc giả. Soi những vấn đề ấy vào “Triệu Vương phục quốc” (Nxb Văn học, 2020) của Phùng Văn Khai, ta thấy anh đã thành công ở một số phương diện.

   1. Một là, tiểu thuyết chọn thời điểm có ý nghĩa, tức có tính vấn đề. Điều này rất quan trọng, vì nó quyết định nội dung kể (kể cái gì), nhân vật, tình tiết... Muốn vậy nhà văn phải thật hiểu lịch sử, trước hết là để viết sao cho không lặp lại và không đi quá xa so sự thật. “Triệu Vương phục quốc” chọn thời điểm lịch sử mang tính bi tráng rất rõ: sự thắng thế tạm thời của quân xâm lược nhà Lương và quá trình đầy gian lao mà anh dũng của quân dân Vạn Xuân dưới sự lãnh đạo của Triệu Quang Phục giành lại giang sơn.

   Hai là, tiểu thuyết bám sát vào đặc trưng không gian vùng Dạ Trạch (đầm nước) và truyền thống đánh giặc của cha ông là thường đẩy kẻ xâm lược vào thế phải đánh nhau trên sông nước để giành thế chủ động. Tiểu thuyết có nhiều trang rất sinh động về cảnh đánh nhau bằng thuyền trên sông nước như ở Hồi thứ ba (Cửa biển Hoàng Châu, Triệu Đô đốc tử trận...). Tác giả dành nhiều tâm huyết, tâm lực, thời gian để tái hiện những cảnh huyết chiến, cảnh quân ta đánh giặc bằng câu liêm, bằng tên, bằng giáo... 

   Ba là, tiểu thuyết vận dụng phương pháp “huyền sử” (huyền thoại) khá “đắc địa”. Chi tiết Tản Viên Sơn thánh “hiển linh” báo cho Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa vừa đúng thời điểm, vừa mang ý nghĩa: “một vầng hào quang chói sáng rực rỡ, trong tiếng gió xào xạc, một đám mây ngũ sắc trôi thẳng vào cổ tự. Trên đám mây rực sáng ấy, có một vị tiên ông mắt sáng miệng rộng, râu ba chòm chấm ngực trắng như cước...”. “Tiên ông” ấy chính là Tản Viên Sơn thánh xuất hiện đúng vào thời điểm ba quân hoang mang dao động, cũng mang ý nghĩa cuộc nổi dậy được sự ủng hộ, trợ giúp của truyền thống văn hóa lịch sử thì chắc chắn thắng lợi! Hay chi tiết “Trong ánh lửa lập lòe, xuất hiện một ông hổ vàng bờm trắng thân dài hơn trượng đi nhấp nhô như sóng tiến vào cửa miếu nằm phủ phục ngay sát chỗ đức vua đang quay mặt vào vách đá thiền định” đã nói lên rất nhiều về “đức vua” được cả thần linh ngưỡng mộ!

   Bốn là, tác phẩm sử dụng các tình tiết “mưu kế” khá hấp dẫn, gợi được sự tò mò theo dõi ở bạn đọc. Thí dụ chi tiết quân Lương thả “hắc tinh thần sấu” xuống đầm để giết hại dân thường cũng đồng thời để gây hoang mang cho bên ta như một “sáng tạo” cần thiết. Về nội dung ý nghĩa, nó nêu bật ra được cái bản chất dã thú giết người của quân xâm lược; về nghệ thuật, nó tạo ra sự hồi hộp: gây ra những hậu quả gì? cách giải quyết ra sao?

   Năm là, nhà tiểu thuyết đã cố gắng tạo ra sự đa âm hưởng rất quý: có hùng ca, tráng ca, hoan ca, tụng ca và cả bi ca. Tất cả tạo ra bản tổng phổ bi tráng về một thời điểm lịch sử oanh liệt của dân tộc. Điều này góp phần tạo ra sự hân hoan ở người đọc: những trận chiến thắng lẫy lừng, những chiến công xứng đáng... 

   2. Nhìn chung lý luận văn học hiện đại đang đề cao lý thuyết mô hình, coi nhà văn sáng tạo tác phẩm là sáng tạo ra một cuộc sống mới, một thế giới mới. Cuộc sống trong tác phẩm thoát thai từ đời sống nhưng không đồng nhất với đời sống, nó chỉ là mô hình về đời sống. Tác phẩm bắt rễ từ hiện thực nhưng không mô phỏng hiện thực mà tạo ra một mô hình mới về hiện thực. Chính vì thế mà không chỉ văn học, mà nghệ thuật nói chung người ta đều yêu cầu nghệ sĩ sáng tạo theo mình cảm thấy chứ không phải phản ánh cái trông thấy. Có vậy mới tránh sự trùng lặp, mới tạo ra sự đa dạng, phong phú. Vì để viết ra cái cảm thấy thì cả là một kỳ khu, một lao động khó khăn, đòi hỏi phải có vốn sống, có tài năng thật sự. Nghệ sĩ càng cá tính bao nhiêu càng có cơ hội cảm thấy đời sống sắc sảo, khác biệt bấy nhiêu. “Triệu Vương phục quốc” là tiêu biểu cho lối viết từ chỗ thấu hiểu lịch sử để thấu cảm nhân vật, thấu cảm thời đại để “trình bày” lên trang viết. Tác giả là cái cầu nối hai thời đại hôm qua (lịch sử) và hôm nay (đương đại). Tác giả là người có công làm sống lại cái hôm qua ở ngày hôm nay. Thế là rất đáng quý!

   “Triệu Vương phục quốc” giàu chất điện ảnh và dễ chuyển thể vì bản thân nó đã gần như một kịch bản điện ảnh. Nhưng trên hết đây là một tiểu thuyết lịch sử đúng nghĩa là kiến tạo ra một thế giới mới sinh động để chuyển tải một bài học giáo dục về lòng yêu nước, về tinh thần tự hào dân tộc, về ý thức độc lập tự chủ… bằng một hình thức nghệ thuật độc đáo.
 

PGS. TS Nguyễn Thanh Tú