Bạn đọc đã biết chuyện tình bạn giữa nhà văn Xuân Đài và nhà văn Phùng Quán qua cuốn sách Phùng Quán & Tôi (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020) - tác phẩm cuối cùng của Xuân Đài. Phùng Quán đã rời “cõi tạm” năm 1995 rồi về yên nghỉ trên ngọn đồi quê hương mình (phường Thủy Dương, Thành phố Huế); còn Xuân Đài, đến nay mới “đi theo” bạn, thoát khỏi “Tuổi già phiền muộn” như tên một tiểu thuyết chưa in của ông!
Nhờ thông tin từ Phan Thúy Hà, người đã giúp tu chỉnh, rồi lo in và phát hành cuốn Phùng Quán & Tôi, tôi mới biết Xuân Đài qua đời trong một hoàn cảnh khá buồn tại quê nhà, làng Xa Lang, xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Làng quê tôi và quê Xuân Đài ở hai bên dòng sông Phố, nhưng mãi nhiều năm về sau, khi anh gửi in một số truyện ngắn trên Tạp chí Sông Hương, tôi mới có nhiều dịp gặp anh, mới biết anh từng viết truyện dài Tuổi nhỏ Hoàng Văn Thụ (NXB Kim Đồng in năm 1967 và đã tái bản nhiều lần).
Tôi viết Xuân Đài “đi theo” Phùng Quán là do từ thời trẻ, nhờ kết bạn với Phùng Quán khi ông đã nổi danh với tác phẩm Vượt Côn Đảo, Xuân Đài mới vượt qua những năm gian khó thuở “vào đời”, quyết theo nghiệp văn chương và báo chí, rồi có tác phẩm đầu tay về nhà cách mạng tiền bối Hoàng Văn Thụ. Và sau khi Phùng Quán có Tuổi thơ dữ dội thì Xuân Đài có Tuổi thơ kiếm sống… Theo tác giả Huy Thắng (trong bài Xuân Đài và niềm tin vào giá trị con người công bố năm 2005 tại trang Hội ngộ văn chương) Xuân Đài là sinh viên lớp báo chí khóa đầu tiên ở miền Bắc với Trần Hoài Dương, Hoàng Quốc Hải, Bùi Bình Thi, Phan Thị Thanh Nhàn…, những cây bút trẻ về sau đều nổi tiếng! Còn Xuân Đài, sau khóa học, về làm báo Việt Nam Độc lập, khu Tự trị Việt Bắc, rồi Tạp chí Dân tộc của Ủy ban dân tộc Trung ương; sau về Đài Tiếng nói Việt Nam… Cũng theo tác giả Huy Thắng, người bạn thân với Xuân Đài trên nửa thế kỷ, dấu ấn Xuân Đài để lại trong văn chương là truyện ngắn: “Trong mấy năm ông đã xuất bản hai tập truyện ngắn có tên là Ba người trong hẻm Đuôi Voi và Hai người đàn ông và một người đàn bà ở phố Hàng Đào. Đây là những tập truyện ngắn mang phong cách riêng khó lẫn của Xuân Đài. Có truyện được nhà xuất bản bên Pháp dịch và in lại. Trong tất cả các truyện ngắn của mình, Xuân Đài nhất quán một phong cách, không né tránh những thân phận nghiệt ngã của con người và những vấn đề nhức nhối còn đang diễn ra trong xã hội, đặc biệt là những phận người sau cuộc chiến mà không ít người viết ngần ngại không dám đề cập nói ra, sợ đụng chạm. Ngòi bút của ông như đã dám đi đến tận cùng mọi ngóc ngách thân phận mà thường là không mấy bình an. Bây giờ người ta luôn nói đến những vấn đề lớn lao mà thường quên mất rằng, cái cốt lõi của sự lớn lao đó chính là sự tử tế cần phải có nơi mỗi con người...”
Khi nói đến “nhân cách” của Xuân Đài, Huy Thắng kể cho chúng ta nghe câu chuyện nhiều người chưa biết: “… Chợt nhớ đến một lần trên truyền hình phát chương trình Lục lạc vàng, tôi hơi bất ngờ khi thấy xướng tên nhà văn Lê Xuân Đài là người đã tặng bà con nông dân nghèo ở địa chỉ thuộc xã Xuân Thành, huyện Yên Thành - Nghệ An một đôi bò giống nhằm góp phần giúp bà con có phương tiện sản xuất. Cũng đâu ít, cả mấy chục triệu đồng. Số tiền là nhỏ, thậm chí là rất nhỏ so với tài sản của những đại gia hoặc nhiều quan chức… nhưng tôi biết Xuân Đài nghèo, tuổi cao rồi, lương hưu như thế, sức khoẻ yếu, bệnh tật, nhất là tiền sử tim mạch đòi hỏi tốn kém thuốc thang. Tôi thắc mắc, ông cũng không dư dả gì sao không biết dành tiền lo tuổi già. Hay ông muốn nổi tiếng? Đến đây thì Xuân Đài bỗng nổi nóng, tìm điện thoại rồi to tiếng với ai đó. Thì ra là gọi cho cô phóng viên, học trò cũ của ông hiện đang làm ở đài truyền hình. Lại một lần nữa cô học trò chịu trận cơn bực bội của thầy. Cô biết mình sai vì khi đưa tiền, ông đã rất cẩn thận dặn đi dặn lại không được nêu tên; vậy mà cô không theo yêu cầu của ông [...] Làm việc thiện mà cốt chỉ đánh bóng tên tuổi hay nhằm quảng cáo thương hiệu buôn bán của mình thì chỉ là một trò lố bịch…”
Nói đến nhân cách Xuân Đài, xin dẫn một chi tiết Xuân Đải kể lại trong cuốn Phùng Quán & Tôi. Đó là khi anh đến thăm chị Bội Trâm, vợ nhà thơ Phùng Quán tại khu chung cư làng Hữu Tiệp, trước bàn thờ nhà văn Phùng Quán, Xuân Đài “nói đùa, bao giờ tôi chết, bà xếp tôi cạnh Phùng Quán nhé. Chị cười: Thế nào tôi cũng chết trước ông”. Quả đúng như vậy. Còn điều Xuân Đài “làm thật” tại căn phòng anh ở Tp. Hồ Chí Minh thì chị Bội Trâm không biết. Xuân Đài kể: “Trên bàn thờ nhà tôi, ngoài anh Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Phùng Quán, Tuân Nguyễn, Nguyễn Đình Thơ, bây giờ có thêm nhà giáo Vũ Bội Trâm. Ai đến thăm tôi, cũng đều thắp nhang cho những người anh, người bạn một thời lận đận…” (Trích sách đã dẫn) Một cô giáo từng dạy văn tại Đại học Sài Gòn vừa cho tôi biết: Cô đã 2 lần dự lễ giỗ Tuân Nguyễn và Trần Đức Thảo tại nhà anh Xuân Đài!
Một nhân cách không khác chi Phùng Quán, chung thủy, tận tình với những số phận bất hạnh và hào phóng, không tính thiệt hơn với những con người thua thiệt. Và nay, cuối đời, Xuân Đài đã chọn “đi theo” Phùng Quán, về yên nghỉ tại quê hương.
Có điều khác, Phùng Quán là nhà văn được nhiều người mến mộ, nên khi đưa di hài Phùng Quán về quê, theo lời kêu gọi của nhà thơ Ngô Minh, bạn đọc khắp nơi đã ủng hộ hàng trăm triệu xây nên khu mộ bề thế cho cả chị Bội Trâm ở ngọn đồi bên con đường nay mang tên Phùng Quán. Còn Xuân Đài, cuối năm 2021, về quê lặng lẽ, khi biết mình “sức cùng lực tận”, không muốn làm người “cháu họ” mang gánh nặng, nếu ông qua đời tại nhà trọ ở Đồng Nai. Và đêm 16/2, Xuân Đài đã đột ngột chia tay tất cả trong căn nhà nhỏ vừa xây ở quê nhà mấy tháng trước, không có vợ con, người thân bên cạnh! Theo quy chế của địa phương, chỉ một ngày sau, bà con làng xóm xã Sơn Tân đã tiễn ông ra chân dẫy Thiên Nhẫn. Kể ra, gần chạm tuổi “cửu tuần” và ốm yếu như Xuân Đài, dễ có mấy ai chọn được cách rời bỏ “Tuổi già phiền muộn” một cách có thể nói là nhẹ nhàng tại quê nhà như Xuân Đài. (Về năm sinh Xuân Đài, trang trieuxuan.info ghi là năm 1936 – Nhà văn Triệu Xuân từng là người biên tập cuốn truyện Hai người đàn ông và người đàn bà ở phố Hàng Đào của Xuân Đài khi ông còn công tác ở NXB Văn học. Nhưng trên cuốn Tự truyện in năm 2013 và cuốn Phùng Quán & Tôi ghi năm sinh Xuân Đài là 1934… Theo tôi, năm sinh Xuân Đài ghi 1934 là đúng. Phùng Quán sinh năm 1932, chỉ hơn Xuân Đài 2 tuổi, nên khi về học lớp Thiếu sinh quân gần quê Xuân Đài, hai người đã kết bạn với nhau…)
Tôi nhắc “Tuổi già phiền muộn” vì trên trang bìa 4 cuốn tự truyện Tuổi thơ kiếm sống của Xuân Đài (NXB Kim Đồng in năm 2013) mà Xuân Đài tặng tôi, có công bố hai tiểu thuyết “đang in” và “sắp in” (Tuổi già phiền muộn và Ngõ nhỏ tình người). Trong lần trò chuyện với Xuân Đài khi ông còn ở trong một chung cư quận 5, Tp. Hồ Chí Minh, Xuân Đài “bình luận” về cuốn tiểu thuyết Biết đâu địa ngục thiên đường của tôi vừa in và nói đại ý: “Mình cũng đang viết dở một cuốn… Không biết có nơi nào chịu in không…”
Tôi đã liên hệ được với người “cháu họ” đang giữ “di sản” của Xuân Đài và nhờ cô tìm hộ… Và biết đâu, khi trang viết này lên báo, sẽ có một NXB thông báo là đang giữ bản thảo chưa in của Xuân Đài! Tôi cũng vừa chuyển thông tin về Xuân Đài cho Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh… Hy vọng nơi yên nghỉ của Xuân Đài ở chân dãy Thiên Nhẫn sẽ được sưởi ấm trong tình quê hương và tình đồng nghiệp của bạn bè gần xa. Còn lúc này, biết đâu Xuân Đài sau thời khắc thoát khỏi “tuổi già phiền muộn” đang “bay” vào Huế, xem sông Hương vừa có đường đi bộ ven bờ thơ mộng ra sao và đàm đạo chuyện đời hơn thua - nhân nghĩa với vợ chồng Phùng Quán trên triền đồi lộng gió ở Thủy Dương …
Nguồn Văn nghệ số 10/2022