(Thứ ba, 17/09/2024, 10:30 GMT+7)
Các nhà văn dù sinh ra và lớn lên trên quê hương miền Trung, hay chỉ đi qua mảnh đất này thôi, cũng đều "giật mình" với những trận gió Lào khô nóng mùa hè ở đây. Bằng sự rung động của cảm xúc cùng tài năng diễn đạt ngôn từ, họ đã làm cho gió Lào trở nên sống động, dữ dội, và đôi khi cũng thật… dễ thương.
 
"Ôi gió Lào ơi! Ngươi đừng thổi nữa/ Những ruộng đói mùa, những đồng đói cỏ/ Những đồi sim không đủ quả nuôi người". Đây là những câu thơ trong bài "Kết nạp Đảng trên quê mẹ" của nhà thơ Chế Lan Viên được trích dẫn nhiều nhất khi nói về gió Lào. Bài thơ lấy cảm hứng từ chính việc tác giả được đứng vào hàng ngũ của Đảng năm 1949 tại quê nhà Quảng Trị. Thời kỳ đó, quê hương đang gian khó: "Cuộc sống gian lao ít tiếng nói cười/ Chỉ tiếng gió mù trời chen tiếng súng / Của đồn giặc mấy năm trời chiếm đóng". Và hình tượng gió Lào trong thơ ông vừa là cái thực, nhưng cũng hoán dụ cho một nỗi lầm than. Chính bởi thế nên nhà thơ đã nhân cách hóa ngọn gió và gọi là "ngươi" cùng tiếng cầu xin "đừng thổi nữa".
 
Những ruộng lúa, đồng cỏ, đồi sim thường được mường tượng đến khung cảnh tốt tươi, bạt ngàn, trù phú, song ở đây chúng lại được diễn tả ngược lại. Điều này là một dụng ý nghệ thuật. Gió Lào sau khi vượt qua núi tạo hiệu ứng phơn, đặc trưng khô nóng và nó làm cho hệ sinh vật ở đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự ảnh hưởng này chủ yếu xảy ra ở các tỉnh miền Trung nước ta. Thế nên vào thời kỳ chiến tranh, các nhà văn khi được thực tế vào khu Bốn (cách gọi đơn vị hành chính - quân sự ở vùng Bắc Trung Bộ từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế) đều ớn sợ loại gió này.
 
Đến như nhà văn Nguyễn Tuân, cây bút ký hàng đầu, người luôn lang bạt kỳ hồ mà còn khiếp sợ trong tùy bút "Gió Lào" viết năm 1947 khi vào Nghệ An. Nhà văn cũng ví von ngọn gió giống như một thực thể sống: "Tháng tư âm lịch, gió Lào đêm ngày nối tiếp kêu gào như sinh vật bị cắt cổ họng. Có lúc gió rống lên như đàn chó già sủa bóng. Bị lục địa xua rượt từ Tràng Sơn thốc ra bể Đông, gió chạy một chiều rất nhanh rất bạo qua một cái tỉnh vắng rộng".
 


Gió Lào để lại dấu ấn trong nhiều tác phẩm văn chương
 
Nguyễn Tuân là nhà văn quan sát kỹ và miêu tả chi tiết, dĩ nhiên, ông không thể bỏ qua trường hợp gió Lào: "Gió cứ một điệu ù ù thổi từ đất ra biển, không một phút nào ngoảnh cổ lại. Cái điều ác hại nhất là gió lại nóng hơn cả nắng lóe, bực bội hơn cả mùa hè. Đất ùn chướng lũy, uất lên với nhiệt độ gió Lào, mất dần từng chút sình ướt mịn nhuyễn của bản thể, cho đến mực không toát lấy được một giọt mồ hôi. Trên gạch rụng, rêu chết dần". Càng đọc, càng thấy Nguyễn Tuân đẩy người đọc vào thế dồn nén cùng con chữ: "Trước mắt quanh mình, trời đất quấy tro nóng. Áp lực không trung đè mình xuống, cấu nghẹt cuống hô hấp. Khí trời ong ong, khí người ráo kiệt".
 
Và đến câu sau đây mới thấy sự hóm hỉnh, chịu chơi của bậc thầy bút ký: "Chao ôi còn thứ giống đực giống cái nào dám nghĩ đến nhau lúc gió Lào đang về này! Tiếng thương nhau mà kêu lên bây giờ chỉ là một giọng khàn cố đẩy ra khỏi hầu rất khó mà qua được cổ bóng". Nóng đến mức đàn ông đàn bà không thèm hơi nhau thì thật đúng là một ví von tinh quái, trần tục mà cũng rất thực tế.
 
Khi đang đứng trong gió Lào ở xứ Nghệ, nhà văn Nguyễn Tuân cũng có một nhắc nhớ về miền quê Quảng Trị: "Nói thêm về cái buồn rợn của gió đang cấp bức lên đường, đang chui bừa qua những dãy phố gạch không một cái nào còn cửa mà ngăn mà đóng, một anh bạn diễn viên kể lại rằng thường niên trong vùng Quảng Trị, xưa kia có những người mẹ hễ thấy gió Lào nổi về là ôm chầm lấy con mình mà khóc, khóc như con chết, khóc như gào thi với gió độc. Gió từ nẻo lưng đèo ùa về đưa tiếng khóc đàn bà qua những cồn cát trắng, trắng đến mực ngao ngán, qua những rú xanh truông cằn trên đó còn phất phơ cái ú ớ mê tín ma Hời".
 
Một cây bút ký tài hoa xuất sắc khác là Hoàng Phủ Ngọc Tường chắc hẳn không thể không miêu tả về ngọn gió chướng quê nhà. Trong bút ký "Hành lang của người và gió", ông viết: "Chiếc xe lam ì ạch vượt đèo Ba Dốc. Gió Nam tấp vào mặt tôi từng chiếc lưỡi nóng bỏng, như thể đâu đó giữa không trung, những con quái vật thời tiền sử đang phun lửa xuống mảnh đất khô khốc vùng hỏa tuyến. Gió tràn qua những ngôi làng đất bazan vùng Gio Linh, dấy lên những đám bụi đỏ mịt mùng. Dưới sức thiêu đốt của gió, tre già nổ ran như tiếng súng giao tranh trải khắp một vùng mênh mông dưới chân Dốc Miếu".
 
Trong nhàn đàm "Người kéo cờ", nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường kể lại chuyện khi ông phải kéo cờ Mặt trận ở phía nam cầu Bến Hải. Lần ấy, chính ông đã phải "chiến đấu" với gió Lào và suýt chút nữa "bị thua", không hoàn thành nhiệm vụ: "Nhiệm vụ treo cờ của tôi đến đây xem như hoàn tất nếu không có một sự kiện chết người chợt xảy ra, là... gió Nam! Nói tóm gọn, không có lá cờ nào cỡ gần 100 m2 chịu nổi sức hoành hành của gió Lào vào thời điểm này. Chỉ trong một buổi sáng, gió đã xé tan của tôi hai lá cờ mà với tôi lúc này quý hơn sinh mạng.
 
Tôi nhảy nhờ xe ra cầu Bến Hải, thấy lá cờ Giải phóng đang phần phật như sóng biển trên cột cờ Nam vĩ tuyến bèn hối hả hạ lá cờ xuống để tránh gió, và nhờ đồn biên phòng ở phía Bắc ra hiệu, tôi sẽ kéo cờ lên mỗi lúc có đoàn xe quan trọng sắp tiến qua cầu. Trừ một vài V.I.P của phía ta, như Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, còn tất cả nhân vật khác tôi đều xin "thông cảm", để giành cờ cho ngoại giao đoàn.
 
Cứ kéo lên kéo xuống lia lịa như vậy, mệt thật, nhưng cũng không có cách nào khác. Còi hiệu rít lên, và điện thoại báo đoàn xe ngoại giao sắp đến. Tôi vội vã kéo cờ lên. Bất ngờ gió Nam bỗng giật như cơn bão. Dù tôi ráng hết sức, lá cờ vẫn chỉ nhích lên từng chút một, có lúc nó nặng như một tảng đá, có lúc tôi thấy chân mình bị nhấc khỏi mặt đất".
 
Với nhà văn Xuân Đức thì ngọn gió đặc trưng của quê nhà Quảng Trị đã gắn vào đời ông một biệt danh, người ta gọi ông là "nhà văn miền Cửa gió". Điều này là bởi tiểu thuyết đầu tay của ông có tên "Cửa gió". Cuốn sách này đã đoạt ngay giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982 khi mới in xong tập 1. Còn tập 2 của "Cửa gió" phải đến năm 1984 mới in. Đây có lẽ là trường hợp đặc biệt, độc đáo trong văn chương.
 
"Cửa gió" kể về thời kỳ chiến tranh khốc liệt ở miền giới tuyến Vĩnh Linh, nơi nhà văn sinh sống và tham gia chiến đấu. Chính vì thế mà tiểu thuyết sống động, chân thực. Ở đây, chúng tôi không trích dẫn tác phẩm này vì dù sao tiểu thuyết vẫn là một thể loại thuộc văn chương hư cấu. Thế nên để nói lên sự chân thực, không gì bằng trích một đoạn trong cuốn hồi ký chưa xuất bản có tên "Nửa đêm thức dậy", đây là cuốn sách mà nhà văn Xuân Đức đang viết dang dở thì bất ngờ đột quỵ và từ biệt bạn đọc. Đoạn nhà văn miêu tả về cảnh cháy nhà bởi ngọn gió Lào thật xúc động:
 
"Vợ tôi, càng làm ruộng càng đói, có cất lên được một ngôi nhà gỗ, thì đến một đêm gió Lào năm 1979 đã cháy rụi thành than. […] Khi căn nhà tôi bốc cháy, gió Lào thổi cấp sáu, cấp bảy, vì có lửa lớn nên gió xoáy vào có lẽ phải đến cấp tám. Từng mảng tranh lợp bứt ra mang theo từng khối lửa bay vèo vèo. Mẹ vợ tôi già cả. May mắn lắm bế được đứa cháu trong nôi chạy ra ngoài. Con trai đầu và con gái thứ cũng chạy thoát được với độc nhất chiếc quần lót trên người. Hai vợ chồng tôi cắn răng giật từng mái tranh nơi cầu nối giữa nhà bếp với nhà trên với hy vọng cắt đôi ngọn lửa. Thật là vô nghĩa. Làng xóm đổ dồn đến nhưng chỉ để đứng nhìn, rồi sau đó họ bủa ra chạy cấp cứu những nhà hàng xóm. Không còn một chút gì trong nhà không biến thành than. Cả cái chuồng bồ câu ở ngoài góc sân cũng bị trùm lửa. Bồ câu hoảng loạn bay ra, nhưng chỉ duy nhất một con thoát nạn còn lại đều bị nướng chín. Nhưng hai vợ chồng tôi không khóc. Tôi ôm chặt lấy vai vợ, cố gằn từng tiếng: Đừng khóc... Ta sẽ làm lại... Không chết đâu...".
 
Trong những năm 1969 - 1970, nhà thơ Xuân Quỳnh đi vào thực tế tại tuyến lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh và nữ sĩ đã phải trải qua những đợt gió Nam khủng khiếp. Trong "Ghi chép về Vĩnh Linh", đoạn nói về đợt máy bay B52 thả trúng hầm địa đạo, bà đã miêu tả cảnh ngột ngạt: "Đứa con anh hai tuổi ngồi trong hầm lâu quá, nó ngạt thở cứ kêu "ba ơi ba". Anh lấy nước trong hầm dấp cho nó, nó vẫn không thở được. Hầm rộng và sáng nhưng khi nó đánh, gió Nam tạt vào khói mù mịt chả ai trông thấy ai".
 
Ngoài khắc họa chân thực chiến tranh, Xuân Quỳnh cũng sáng tác nhiều thơ về vùng đất khốc liệt mà tiêu biểu là bài "Gió Lào cát trắng" viết năm 1969, sau này lấy làm tên chung cho tập thơ xuất bản năm 1974. Bài thơ là nỗi lòng của nữ sĩ coi vùng đất giới tuyến như quê hương của mình: "Ngọn gió Lào cát trắng của đời tôi/ Tôi của cát của gió Lào khắc nghiệt/ Trong gió nóng những trưa hè ngột ngạt/ Mẹ ru tôi hạt cát sạn hàm răng/ Vừa lớn khôn tôi đã biết đào hầm/ Dưới bom đạn gió Lào vẫn thổi".
 
Theo Hoàng Công Danh / Báo Công an nhân dân