CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT
Đêm khuya trong căn nhà gỗ Lý gia trang năm 508.
Trước hương án thờ, hai cành tre non héo rũ rủ xuống nhang án. Tấm bài vị gỗ được khắc còn mới thơm mùi mực. Từ chiều, sau khi chôn cất xong xuôi cho người quá cố, Từ sư phụ đích thân khắc chữ vào chiếc bài vị đặt ngay ngắn trên án thờ. Ba năm trước, tại căn phòng lớn này, cũng đích thân Từ sư phụ khắc những dòng chữ lên bài vị cho trang chủ Lý Cạnh. Mới thế mà Cù Nương đã đột ngột theo chồng xuống suối vàng, bỏ lại ba con thơ dại. Ngày Lý Cạnh mất, Từ sư phụ đã phải vuốt đúng bảy lần đôi mắt họ Lý mới chịu khép lại. Dường như Lý Cạnh có điều gì muốn nói mà không nói được nữa. Trước khi khép mắt, hai giọt lệ ứa ra.
Từ sư phụ thong thả ngồi lên tấm chiếu trước bài vị Cù Nương vừa gõ mõ vừa nhẩm đọc câu kinh đã thuộc từ lâu. Lời kinh đan trong tiếng mõ đều đều siêu sinh tịnh độ.
Trên chiếc tràng kỷ gỗ, trang chủ Lý Khang ngồi im như tượng. Lúc sẩm tối, khi tiễn các họ Đinh, Cù, Triệu, Bạch, Ma, Vững, Giàng, Khái về nhà sau bữa cơm chay, trang chủ chỉ kịp căn dặn đám gia nhân chăm sóc cho Lý Thiện, Lý Bí, Lý Hùng rồi ngài mỏi mệt đã thiếp đi trên kỷ. Chợt tỉnh giấc, chỉ thấy hai ngọn bạch lạp chập chờn nhang án. Phía dưới, Từ sư phụ đều đều gõ mõ tụng kinh.
Không muốn kinh động sư phụ, trang chủ khẽ đi vòng xuống căn nhà gỗ bên dưới, nơi các tiểu điệt Lý Thiện, Lý Bí, Lý Hùng và đứa con nhỏ năm tuổi của ngài được gia nhân đưa về đó sau ngày tang mệt mỏi. Ông khẽ đẩy tấm cửa, bên trong, thấp thoáng ngọn đèn vặn nhỏ, trang chủ giật mình khi thấy trên chiếc giường rải chăn ấm chỉ có ba đứa trẻ. Ông dụi mắt nhìn thật kỹ cũng chỉ có ba. Lý Khang vặn to ngọn đèn điểm mặt từng đứa bỗng thất kinh không thấy đứa cháu ruột Lý Bí đâu. Cứ để nguyên ngọn đèn cháy sáng, trang chủ vội khép lại cánh cửa lật đật trở về gian nhà lớn mặc mấy đứa nhỏ ngủ say sau một ngày đầy biến động.
Trong căn phòng lớn đặt nhang án, Từ sư phụ vẫn đều đều tiếng mõ như không hay biết Lý trang chủ đã quỳ sát bên cạnh, giọng thảng thốt nói:
- Bạch sư phụ! Lý Bí không biết đã đi đâu mất rồi?
Từ sư phụ chợt dừng tay mõ.
- Lý trang chủ! Ngài vừa nói gì?
Trang chủ giọng càng thảng thốt hơn:
- Lý Bí không biết đã đi đâu mất rồi? Ta đã kiểm tra kỹ mà không thấy!
Từ sư phụ vội đứng lên, ôm gọn chiếc mõ tre vào lòng, ra hiệu cho Lý trang chủ đi về phía kỷ gỗ rồi đăm chiêu nói:
- Có lẽ nào? Có lẽ nào tên tiểu tử này lại ra chỗ đó chăng?
Lý trang chủ bồn chồn lao lung mãi mới lắp bắp:
- Không thể nào?… Không thể nào…
Từ sư phụ nhìn hương án chỉ thấy hương khói vẽ lên trần nhà những vệt khói ngoằn ngoèo vô định. Tấm bài vị nước sơn còn mới. Những dòng chữ như mũi dao cứa vào tâm can hai người đàn ông trong đêm lạnh. Ngoài trời sương rơi lộp bộp. Thi thoảng tiếng gió bấc thổi vào cánh cửa khiến chúng rung lên cọt kẹt.
Từ sư phụ nhìn vào màn đêm nói quả quyết:
- Chắc chắn tên tiểu tử chỉ có thể đến đó mà thôi!
Nói đoạn, sư phụ vấn chặt chiếc khăn nơi cổ, quấn thêm hai vòng trùm kín đầu, đặt chiếc mõ vào bị cói tùy thân, thắt đôi giày vải đứng lên nói:
- Chỉ cần lão tăng ra đó. Trang chủ hãy ở nhà bảo toàn đám trẻ, tránh việc cái sảy nảy cái ung. Lý gia đang trong lúc biến động, ngài hãy nghe lời lão tăng.
Lý trang chủ bần thần đáp:
- Mọi việc Lý mỗ xin theo sự sắp đặt của sư phụ.
*
Chân núi Ông Hùm nơi bìa rừng Hắc Lâm đêm đông tịch mịch.
Một khung cảnh dị thường bày ra phía trước ngôi mộ đất. Mấy gộc củi khô bắt lửa cháy liu riu phả ra từng đụn khói. Lửa nhập nhoạng lúc tỏ lúc mờ. Ngay sát đống lửa kề ngôi mộ đất, một thiếu niên chạc bảy tám tuổi cặp mắt mở to nhìn sâu vào ngôi mộ không chớp. Toàn thân cậu bé được quấn trong một lớp vải trắng dày lấm láp đôi chỗ dính vài vệt máu đã xỉn lại. Cậu ngồi im, mắt nhìn sững vào lòng đất như oán hận điều gì. Bên cạnh mộ đất nhỏ, một nấm mộ đã xanh cỏ từ lâu cao tựa ngọn đồi như choán hết chân núi Ông Hùm. Ánh lửa nhập nhoạng, chợt khi cơn gió bấc thổi bùng lên hắt cái bóng của cậu bé trùm lên ngôi mộ đất. Giữa canh khuya, từng vạt sương lòa xòa đậu khắp cành cây ngọn cỏ thi thoảng rỏ xuống lộp bộp. Có giọt sương bị gió thổi táp vào tàn lửa cháy xèo xèo. Cậu bé ngồi im như tượng trước ngôi mộ đất.
Đã khuya lắm, chừng như quá mệt mỏi, cậu gục quỳ sát xuống ngôi mộ thiếp ngất đi. Bỗng đâu, lẫn trong tiếng gió lào xào, trong chờn vờn ánh lửa, một ông hổ vàng bờm trắng dài đến ngót một trượng uốn lượn tấm thân như sóng nhẹ nhàng từ trong rừng Hắc Lâm tiến thẳng tới ngôi mộ đất.
Cậu bé vẫn thiếp ngất chẳng hay biết điều gì đang sắp sửa xảy đến với mình. Ở vùng rừng Hắc Lâm khi ấy, nơi thượng du và cả vùng hạ bạn, không tuần trăng nào, dân chúng trong vùng không phải nộp mạng cho các ông hùm ở nơi đây.
Thật khác thường, trong ánh lửa giờ chỉ còn leo lét hắt ra những chùm sáng yếu ớt nơi chân mộ đất, ông hổ vàng khổng lồ to bằng hai con trâu mộng bỗng trườn thấp xuống rồi quỳ hẳn sát ngôi mộ. Hai sải chân móng vuốt được thu giấu ẩn tàng trong đám lông mịn như nhung xoãi thẳng về phía trước. Ông hổ khẽ lúc lắc chiếc bờm khoang trắng rũ rũ những hạt sương bám trên đó rồi đặt chiếc đầu khổng lồ lên hai sải chân chỉ cách cậu bé ba bốn thước. Trong ánh lửa xập xòe lúc mờ lúc lịm hẳn đi, hai giọt nước mắt hổ vàng se sẽ rịn ra, chảy qua hàng râu cọp trắng xóa rơi xuống đất.
Bên cạnh cậu bé đã thiếp ngủ từ lâu.
Trên con đường đất dẫn tới chân núi Ông Hùm, vừa rảo bước dưới trời khuya lạnh, Từ sư phụ vừa ngẫm ngợi về phỏng đoán của mình. Khi lấp huyệt mộ Cù Nương, ánh mắt của tiểu tử Lý Bí đã rực lên rất lạ. Chắc chắn với cá tính khác thường, tên tiểu tử đã tự một mình đến bên mộ mẹ. Từ lâu lão tăng đã linh cảm một điều gì đó rất đặc biệt của Lý Bí. Người cha Lý Cạnh mất khi cậu mới tròn bốn tuổi khi ấy chỉ bặm môi không khóc. Bốn tuổi đã tự mình chống cây gậy tre đi lùi trước linh cữu người cha suốt chặng đường dài không hề vấp ngã. Buổi sáng, khi chôn người đã khuất nơi huyệt mộ, sư phụ đã linh cảm điều gì ghê gớm khi thấy mộ huyệt đám tráng đinh đào bới chẳng được bao lăm hôm trước chỉ qua một đêm đã sâu hoắm một cách khác thường. Xung quanh đầy vết chân cọp càng khiến mọi người lo lắng. Duy chỉ Lý Bí không tỏ vẻ gì sợ hãi, cậu còn nhìn thẳng vết chân cọp in hằn vẻ mặt thoáng đanh lại.
Cứ thế, vừa miên man suy nghĩ, đôi chân sư phụ vừa thoăn thoắt ngược đêm đông về phía núi Ông Hùm.
Còn cách vài chục bước chân, sư phụ giật mình kinh động mấy lần dụi mắt nhìn cảnh tượng phía trước. Trong ánh lửa leo lét yếu ớt thi thoảng gặp gió khẽ bùng lên, một hình ảnh phi phàm như không có thực đập vào mắt vị sư trụ trì hương Cổ Pháp. Dưới chân ngôi mộ đất, Lý Bí đã ngất thiếp gục hẳn xuống ngôi mộ. Ngay sát bên cạnh, một ông hùm bằng xương bằng thịt to lớn dị thường nằm phủ phục như đang canh giữ cậu chủ nhỏ. Không chút sợ hãi, sư phụ khẽ khàng tiến đến sát đống lửa lặng lẽ quỳ xuống giở bị cói lấy chiếc mõ thân thuộc luôn theo sát bên mình đều đều gõ miệng lẩm nhẩm đọc kinh. Càng kỳ lạ, ông hổ vàng nằm im không động cựa, chỉ cặp mắt bắt lửa xanh lét chập chờn như có giọt nước lăn ra. Rất lâu sau, trong tiếng mõ lốc cốc, ông hổ vàng từ từ ngấc đầu lên, thu hai sải chân đứng dậy, vặn tấm thân cuồn cuộn như sóng chậm rãi bước ngược vào rừng tối thẫm. Ông hổ vàng đi được một lúc, cậu bé gục bên nấm mộ mới chợt thức giấc. Cảm giác được tiếng mõ cốc… cốc… cốc… đều đều quen thuộc, cậu mở mắt quay sang nhìn đống lửa chỉ thấy Từ sư phụ vừa gõ mõ vừa chậm rãi đọc kinh.
CÂU CHUYỆN THỨ HAI
Hồ Điển Triệt giữa năm 546.
Luôn nửa tháng ròng trời mưa lớn, nước ở ba sông Câu Giang, Thao Giang, Lô Giang đổ vào khiến lòng hồ rộng mênh mông tưởng chừng bất tận.
Sau trận huyết chiến trong đêm mưa gió với thủy quân Trần Bá Tiên, binh tướng thủy bộ Vạn Xuân mười phần tan vỡ mất bảy tám phần. Tả tướng Triệu Quang Phục cùng các đô tướng liều chết giữ quân doanh. Lớp thuyền này vỡ đắm, lớp khác nhất tề lao tới bịt kín cửa khẩu dẫn vào đại doanh. Giặc Lương cậy có “thần chông” cứ húc bừa lại cấp tập vung cần máy bắn đá đánh đắm thuyền Vạn Xuân vô số.
Thấy tình hình nguy ngập, hai tướng Điền Công, Điền Thái vào trong tướng phủ thỉnh đức vua chạy giặc. Từ nửa đêm, khi nghe tiếng trống trận thúc ầm ầm trong mưa gió gào thét, đức vua mấy lần gạn hỏi song Điền Công, Điền Thái chỉ nói là binh ta đang tập trận. Tới khi hai tướng khẩn thiết mời đức vua lên xe, hoàng thượng mới quở mắng:
- Giặc đánh tới từ chập tối, nay các ngươi chống đỡ không nổi mới để trẫm biết còn ra thể thống gì? Trẫm không đi đâu cả. Trẫm thề tử chiến với Lương tặc ở đây.
Các tướng khóc lóc khuyên can mãi, lại thấy bốn bề sấm sét kinh thiên động địa, tiếng hò hét kéo tới rất gần vua mới để các tướng dìu lên xe chạy về con đường rừng lầy lội tới động Khuất Lão. Phía sau, trống trận bốn phía rộ lên trong tiếng sấm ì ầm.
Luôn nửa tháng liền, đức vua trong động Khuất Lão ốm sốt triền miên, mỗi ngày hoàng thượng chỉ dùng nửa bát cháo trắng. Có khi ngài ngồi im cả ngày không nói một câu. Khi biết tin quân sư bỏ mình vì nước được các tộc trưởng đưa thi thể về Cổ Pháp theo di nguyện, quốc chủ Vạn Xuân khóc rống lên thảm thiết rồi cứ thế ngất đi. Từ hai hốc mắt đã lòa rịn ra máu đỏ khiến các tướng càng thương cảm. Điền Công, Điền Thái theo hầu vua từ ngày còn ở Cửu Đức tới buổi lập quốc đô Vạn Xuân rồi bôn ba chạy giặc ròng rã gần hai năm không lúc nào dời càng hiểu thấu nỗi lòng thương dân như trời biển của đức vua. Vốn xuất thân cửa phật chán ghét binh đao mà cuối cùng vua luôn phải chứng kiến cảnh đầu rơi máu chảy. Thật quá sức chịu đựng với một con người bản tính ôn hòa nhu thuận như đức vua.
Tới ngày thứ mười sáu, đột nhiên vua cho gọi Điền Công vào bảo:
- Ngươi cho mời Tả, Hữu tướng quân tới gặp trẫm!
Điền Công thấy giọng vua đã yếu chỉ chực khóc vâng dạ cho người gấp đi mời hai vị tướng quân.
Khi hai vị tướng đã tới bên chiếc giường gỗ đơn sơ, Điền Thái đỡ vua từ từ ngồi dậy.
Tả, Hữu tướng quân quỳ xuống xúc động nói:
- Chúng thần xin thỉnh an hoàng thượng!
Hai vị tướng trẻ sớm được gần vua từ những ngày đầu giương cao cờ nghĩa rất hiểu tính tình giản phác của hoàng thượng. Lại trong tình thế ngặt nghèo, sức khỏe của đức vua không được tốt nên hai tướng nói chỉ vừa đủ nghe.
Quốc chủ Vạn Xuân chậm rãi nói:
- Triệu tướng quân! Phùng tướng quân! Các ngươi theo trẫm đánh giặc lập quốc vào sinh ra tử đến hôm nay khiến trẫm thật cảm động. Các bậc huynh trưởng, tướng sĩ con dân Vạn Xuân nhiều người đã bỏ mình vì nước khiến trẫm thật đớn đau. Nay binh tướng ta đại thế đã mất, song quốc thống Vạn Xuân không thể nào mất được. Ta biết mình cũng chẳng được bao lâu nữa, có mấy lời nói với hai khanh.
Nói đến đó đức vua chợt dừng lời. Hai hốc mắt lại ri rỉ máu. Đều là chiến tướng trên chiến trường mà Tả, Hữu tướng quân khuôn mặt đã đẫm lệ từ lúc nào.
Đức vua lại nói:
- Các ngươi đều vũ dũng, chinh chiến sa trường luôn là tấm gương cho sĩ tốt, là trụ cột của Vạn Xuân. Nay theo trẫm đến bước đường này cũng là trung nghĩa hiếm thấy. Trẫm đã suy nghĩ kỹ, binh giặc đang cường, chủ tướng của chúng là bậc gian hùng, quân ta nếu không có kế sách lâu dài sẽ chỉ chuốc thêm thất bại. Xương máu sĩ tốt bách tính Vạn Xuân không thể phung phí bừa bãi được. Nay trẫm lệnh hai tướng hãy đem quân bản bộ về đất của mình, chiêu tập hiền sĩ bốn phương, kiên trì mưu đại nghiệp. Các ngươi còn trẻ mới là chỗ trông cậy của bách tính Vạn Xuân. Nay trẫm ủy thác việc lớn cho hai ngươi, chớ được phụ lòng trẫm.
Đức vua vừa nói đến đó, Tả, Hữu tướng quân vội dập đầu nói:
- Chúng thần ngàn lần không dám! Chúng thần thà chết nguyện theo hoàng thượng!
Hai hốc mắt của vua lại ri rỉ máu. Ngài xúc động nói:
- Hai tướng bất tất phải theo lối ngu trung! Trẫm đây vì nước, vì anh linh chí hướng của các vị trọng thần đã bỏ mình, vì bách tính lầm than dưới vó ngựa Lương tặc mà mệnh lệnh các ngươi, chứ riêng trẫm đâu dám phiền đến người khác. Lẽ nào các ngươi không hiểu lòng trẫm hay sao?
Hai tướng Triệu - Phùng đẫm lệ xa xót nhìn quốc chủ mới ngày nào uy nghi cân quắc nơi điện Vạn Thọ nay đã xọp đi mà vẫn phải trĩu nặng ưu tư việc nước mất còn.
Hai tướng quỳ sụp xuống nói trong nước mắt:
- Chúng thần xin lĩnh mệnh!
Sau buổi để nhị vị Tả, Hữu tướng quân gạt nước mắt dời động Khuất Lão, quốc chủ Vạn Xuân sai hai tùy tướng Điền Công, Điền Thái khuyên bảo các binh sĩ theo hầu giá hãy trở về quê cũ còn cấp cho bạc trắng. Các tướng cùng các vị tộc trưởng khóc xin thế nào đức vua đều gạt đi. Khi ngài biết được phía tây động trên đỉnh núi Du Lâm có ngôi cổ miếu không biết dựng từ bao giờ, đức vua sai Điền Công, Điền Thái sửa soạn lại ngôi miếu, cho dựng căn nhà gỗ nhỏ để ngài lên dâng hương niệm phật. Cũng từ ấy, đức vua hoàn toàn dùng đồ chay, chuyên tâm niệm kinh phật, tuyệt không bao giờ nhắc đến việc quân, việc nước nữa.
Đức vua lên núi tu hành được hai năm, vào một đêm trăng lạnh, từ chiều đức vua đuổi thế nào Điền Công, Điền Thái cũng nhất định không chịu rời. Hai người lặng lẽ nhóm lửa bên ngoài cổ miếu. Luôn nửa tháng trước, anh em họ Điền phát hiện quanh miếu có nhiều dấu chân hổ lớn, cánh rừng quanh đỉnh núi chim chóc muông thú đột nhiên vắng lặng, đoán chắc có ông kễnh nơi rừng thẳm đang mò mẫm săn mồi nên rất lo cho sự an toàn của vua.
Đêm càng khuya, sương càng xuống lạnh. Từng giọt sương thẫm ướt lá cây rừng rơi tí tách, có giọt bắn vào tàn lửa lèo xèo. Đức vua suốt từ chiều ngồi quay mặt vào vách đá không nói nửa lời mặc Điền Công, Điền Thái khóc lóc thế nào vua cũng không đụng tới chút đồ chay khiến chúng dần nguội ngắt.
Đống lửa dần tàn, gộc củi tàn tro u uẩn. Điền Công, Điền Thái sau cả ngày khóc lóc đã thiếp giấc trên manh chiếu kề sát đống lửa. Bỗng từ con đường mòn tối thẫm, một cặp mắt cọp khổng lồ xanh lét hiện ra rồi dần dần chuyển động lướt êm ru. Trong ánh lửa lập lòe, hiện hình một ông hổ vàng bờm trắng thân dài hơn trượng nhấp nhô như sóng tiến vào cửa miếu nằm phủ phục ngày sát chỗ vua đang quay mặt vào vách đá thiền định.
Bên ngoài, Điền Công, Điền Thái vẫn thiếp giấc không hề hay biết.
Khi trời mờ sáng, anh em họ Điền giật mình choàng dậy cũng là lúc lửa đã tàn chỉ còn tro ấm, cả hai vội vào tìm vua chỉ thấy miếu trống không, chiếc giường gỗ kề vách đá tịnh không bóng người. Cả hai kinh hãi chạy tìm khắp nơi chẳng thấy vua đâu chỉ chi chít dấu chân hổ lớn như chiếc đấu hãy còn rất mới.
*
Tin quốc chủ Vạn Xuân nửa đêm được ông hổ vàng mang đi mất bay về quân doanh Dạ Trạch. Triệu Quang Phục bưng mặt khóc rống lên thảm thiết. Luôn hai năm ròng không một phút ngưng nghỉ, Triệu tướng quân bí mật thu thập lương thảo, chiêu mộ tráng đinh, tìm kiếm người tài giỏi khắp vùng về quân doanh Dạ Trạch bàn kế đánh giặc. Triệu tướng vẫn đang định công việc thêm thành tựu sẽ cho người tới động Khuất Lão bẩm báo xin ý chỉ vua. Nào ngờ đức vua đột ngột theo hổ vàng biến mất để lại khoảng trống mênh mông trong lòng Triệu tướng. Ngày trước, Triệu tướng từng nghe sư phụ kể chuyện, khi thân mẫu đức vua mất, ngài mới bảy tuổi đã nửa đêm một mình ra mộ than khóc, lúc thiếp đi điều kỳ lạ đã xảy ra. Một ông hổ vàng bờm trắng thân dài hơn trượng nằm phủ phục nước mắt chảy ra ướt đầm vạt cỏ như có ý canh giữ cho người con hiếu nghĩa bên mộ mẹ. Khi trời gần sáng, lúc đám gia nhân chuẩn bị tìm tới, ông hổ vàng lặng lẽ dời bỏ vào rừng. Hay chăng chính ông hổ ấy đã tới đón đức vua về nơi rừng núi theo tâm nguyện của ngài? Đúng là ở đời có không biết bao điều bí ẩn.
Theo Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI