(Chủ nhật, 05/09/2021, 10:17 GMT+7)

 

HAI VỊ QUAN THÁI GIÁM
VÙNG ĐẤT YÊN DŨNG - BẮC GIANG

 

Nhà nghiên cứu Phạm Triệu Phùng

 
   Trong lịch sử các vị quan Thái giám nổi tiếng ở Việt Nam thời phong kiến, trước tiên phải kể đến Thái úy Lý Thường Kiệt với những võ công hiển hách phạt Tống bình Chiêm. Ông là trọng thần số một của nhà Lý. Ông cũng là danh tướng bách chiến bách thắng với nghệ thuật quân sự Tiên phát chế nhân cầm quân đánh thẳng vào đất địch khiến nhà Tống hoảng loạn. Với đặc trưng của các chế độ phong kiến Việt Nam, các quan Thái giám mọi triều đại về cơ bản đều hoàn thành vị trí, vai trò lịch sử của mình, không có những hoạn quan soán quyền đoạt vị gây ra những tội ác lịch sử như các triều đại phong kiến phương Bắc. Điều đặc biệt ở chỗ, đã có một số vị quan Thái giám Việt Nam hiển lộ tài năng xuất chúng của mình và được các bậc minh quân tin dùng đã tạo dựng huân nghiệp rực rỡ. Điều này vừa là đặc sắc vừa là khác biệt với lịch sử Trung Quốc. Tiêu biểu phải kể đến Thái úy Lý Thường Kiệt, Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận, Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc và Tả quân Lê Văn Duyệt. Riêng trên vùng đất Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã có tới hai vị quan Thái giám rất nổi tiếng, đó là Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận, Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc. Đây cũng là một điều đặc biệt của lịch sử, một nét đặc sắc của vùng đất Yên Dũng, Bắc Giang.
   Vùng đất Yên Dũng, Bắc Giang là vùng đất địa linh nhân kiệt với những văn thần và võ tướng nổi danh trong lịch sử riêng trong các kỳ thi đã hiển đạt 35 vị Tiến sĩ nổi tiếng như Nguyễn Viết Chất, Quách Nhẫn, Đào Toàn Bân, Đào Sư Tích, Thân Nhân Trung, Nguyễn Lễ Kính, Ngô Văn Cảnh, Thân Nhân Vũ, Lê Đức Trung, Thân Cảnh Vân, Phạm Túc Minh, Thân Nhân Tín, Nguyễn Thuấn, Nguyễn Văn Hiến, Đào Thục Viện, Đỗ Hoàng, Đỗ Văn Quýnh, Doãn Đại Hiệu, Đỗ Đồng Dần, Nguyễn Nhân Kiền, Lê Trưng, Nguyễn Nghĩa Lập, Ninh Triết, Nguyễn Duy Năng, Hoàng Công Phụ, Thân Khuê, Trần Đăng Tuyển, Thân Toàn, Chu Danh Tể, Nguyễn Danh Vọng, Ngô Uông, Thân Duệ, Thân Hành, Lê Thịnh, Từ Trọng Đĩnh.
   Không chỉ nổi tiếng ở hiền tài khoa cử mà các nhân tài võ lược cũng rất đông đảo. Tiêu biểu phải kể đến: Hoa Quận công, Chu Văn Sầm, Vũ Đức Trọng, Vũ Hữu Râm, Vũ Trí Hanh, Vũ Trí Trung, Vũ Trí Thân, Vũ Trí Nhàn, Vũ Trí Hiển, Vũ Trí Vượng, Thân Công Tài, Lê Tướng công, Phùng Đức Nhuận, Dương Quốc Cơ, Hoàng Ngũ Phúc, Hoàng Đình Bảo, Hoàng Đình Phú, Hoàng Đình Quán, Thân Đức Luận, Thân Đắc Thọ, Nguyễn Đình Khuê, Bá Cáu, Cả Huỳnh, Nguyễn Văn Hòe, Nguyễn Khắc Nhu, Ninh Văn Phan, Nguyễn Đình Xương.
   Từ thời thượng cổ, Yên Dũng đã được sử sách ghi nhận là vùng đất có nhiều hiền tài văn võ nối nhau xuất hiện. Văn thì khởi nguồn từ thời Lý, tiếp đến các danh thần như Đào Toàn Bân, Đào Sư Tích và đặc biệt là Thân Nhân Trung nổi tiếng với câu Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Võ đã sớm nổi tiếng từ thời các tướng theo Hai Bà Trưng đánh giặc nhà Hán và đặc biệt sau này Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc một danh tướng trụ cột triều Lê - Trịnh. Công thương nổi tiếng có Hán Quận công Thân Công Tài. Nữ nhi có Thánh Thiên Công chúa, Bảo Nương, Ngọc Nương. Tất cả dường như đều do khí thiêng của đất rồng, đất phượng, bắt nguồn từ đạo lý cha Rồng, mẹ Tiên mà có. Yên Dũng xưa đến hôm nay vẫn là mạch đất linh thiêng khởi phát hiền tài.
   Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến hai nhân vật đặc biệt đều là quan Thái giám mà uy đức và công trạng người trước người sau đều được các triều đại vua chúa, dân chúng tôn trọng, kính thờ. Đó là Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận và Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc. Hai ông đều được sinh ra trên vùng đất lịch sử Yên Dũng. Phùng Đức Nhuận sinh năm 1673 tại Nội Hoàng, ông mất năm 1731 thọ 59 tuổi. Lăng mộ được vua Lê, chúa Trịnh cho an táng tại quê hương. Hoàng Ngũ Phúc sinh năm 1713 tại Phụng Công, ông mất năm 1776 thọ 64 tuổi. Lăng mộ được vua Lê chúa Trịnh an táng tại quê hương.
 

   Về Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận 

 
   Theo sách Yên Dũng - Miền đất địa linh nhân kiệt ở phần Nhân tài võ lược có chép về Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận như sau: “Phùng Đức Nhuận, người Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Là vị quan triều Lê, thế kỷ XVIII. 
Đương thời, ông được phong đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, làm quan hầu cận ở cung đoài, giữ chức phó chi hình phiên, thì nội giám, tư lễ giám. Sau được tặng phong chức tổng thái giám, tước xác lộc hầu. Khi mất thụy là Đoan trực phủ giám, mất năm 1931. 
   Trong triều ông phục vụ giúp việc nhà chúa, chúa Trịnh được bổng lộc nhiều. Tiền của ông có, đem về cho dân Nội, Trung, Chiền ở Nội Hoàng tu sửa chùa và đình, đồng thời ông cũng xây cho mình một nơi yên nghỉ ở xã này, gọi là chi và lăng mộ Phùng Tướng công. 
   Bia chùa Phúc Nghiêm ở Nội Hoàng có viết: 
   “...Xưa chùa Phúc Nghiêm, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng xứng là danh thắng ở trời Nam. Một danh lam nổi tiếng ở Bắc. Tuy cửa thiền được mở kiến tạo trên dưới, khang trang cho nên phải làm cho nền nhân thật vững chắc. Như thế mới mong được lâu bền và trở thành nơi cổ áng trong thế gian này. Muốn cho phong tục nơi thôn dã tránh bị phai mờ tất phải giữ nguyên nếp cũ, nhất nhất không được thay mới. Muốn tiếp đãi người có công đức lớn lao, tài giỏi, phải làm sao đây? Nay ở thôn Chiền xã nhà có vị quan đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu thị nội gián từ lễ giám, đồng tri giám sự xác lộc hầu. Ông là người họ Phùng, người thôn Chiền, được vâng mệnh hầu hạ trong cung cấm, lòng luôn nghĩ đến làm việc thiện vì mọi người đã đem tiền của ban giúp đỡ cho mọi người.
   Kinh dịch có câu rằng: Chăm lo bồi đắp làm việc phúc thiên há chẳng phải để gương cho muôn đời sau noi theo sao.
Ông phát gia tài để mời thợ về sữa chữa điện thờ, hành lang, nhà chùa thêm phần quy mô, luân chuyển từ gỗ sang đá, trong ngoài phép tắc đều được lập định rõ ràng… Đến nay chùa tháp tầng tầng lớp lớp mọc thật nguy nga. Nhìn vào đó lòng ta há chẳng cung kính sao. Nhìn khung cảnh ấy thật như nơi thiền viện nguy nga lộng lẫy mà có đủ để xua tan đi bụi trần của cõi trần. Nhìn vào nền móng vững vàng đó con người phải sớm tu chỉnh lòng hiếu, lòng trung, giữ gìn tấm lòng son sắt của mình mà truyền lại mãi về sau. Cái công lao và cái đạo đức ấy nếu không đủ thể hiện ra ngoài thì trong lòng cũng cảm thấy không được thư thái khoan dung. Thân mình cảm thấy có lỗi lầm mà lời phát ngôn có thể truyền giáo dạy được ai đây?… Việc Tướng công lấy bản thân mình lo lắng tích chứa làm điều thiện ắt hẳn sẽ được hưởng điều phúc. Cho nên không tranh luận nữa, bậc quân tử hãy vui với đạo mà làm điều thiện giúp người. Cho nên liền chọn loại đá quý ghi chép thật rõ ràng để lưu truyền việc đó đến mãi mãi về sau”. 
   Ở bia đình Chiền có khắc rằng: “Phùng Tướng công là viên quan trọng yếu của triều đình. Nhờ gặp được bậc vua hiền, tựa như cá gặp nước, như rồng gặp mây, thả sức thể hiện tài trí mà đức hạnh ngày nay càng được tôn quý. Bổng lộc tốt đẹp ngày càng nhiều thêm. Kính cẩn phụng thờ thần, nên đã chuẩn bị lễ nghi phụng thờ như con trẻ đến những người già cả thì miễn trừ công việc, thu thuế nhẹ, trừ bỏ những điều nhũng nhiễu cuộc sống của dân, mang ân ban cho dân. Việc ấy tựa như đem đến sự sống cho những nơi hoang tàn thêm phát triển. Những người cảm mến công đức của ông thật đông, đức hạnh của ông cảm động sâu sắc đến mọi người”.
   Lại có bài minh ca ngợi rằng:

Lòng bao dung độ lượng lớn bao thay
Ấy là công đức Tướng công đây
Lòng nhân lưu mãi cùng trời đất
Quê nhà ghi tạc nghĩa ân này.

(Theo Nguyễn Văn Phong trong bài “Xác lộc hầu Phùng Đức Nhuận và từ chỉ họ Phùng”).

   Từ những nhìn nhận, đánh giá của các nhà khoa học lịch sử qua văn bia, từ chỉ và Lăng mộ, đặc biệt là sự lưu truyền trong dân gian về vị quan Thái giám Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận, chúng ta có thể khẳng định ông đã phục vụ dưới các triều vua Lê Hy Tông (1675-1705); Lê Dụ Tông (1706-1729); Lê Duy Phường (1729-1732) tương đương với các triều  chúa Trịnh Căn (1682-1709); Trịnh Cương (1709-1729); Trịnh Giang (1729-1740). Điều khả thủ này đã cho thấy sự tin tưởng tuyệt đối của các vua Lê, chúa Trịnh đối với quan Thái giám Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận.
   Phùng Đức Nhuận tự cung và làm Thái giám trong phủ chúa Trịnh từ khá sớm, khi mới hơn mười tuổi. Với sự thông minh đoan chính của mình, lại luôn học hỏi cầu tiến, Phùng Đức Nhuận sớm được chúa Trịnh Căn rất tin dùng. Quan hệ khi ấy giữa chúa Trịnh Căn và vua Lê Hy Tông khá đầm ấm. Chúa Trịnh rất mực cung phụng vua Lê đặc biệt trong lễ nghi triều chính khiến Lê Hy Tông phần nào cảm thấy được trọng vọng. Để có được điều này có công rất lớn của các vị Thái giám trong đó có Phùng Đức Nhuận. Ông cho rằng đã theo lời của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm Giữ chùa ăn oản tất phải thực lòng cung kính cho đám sĩ phu trong cả nước nhìn vào. Huống hồ khi ấy, phía Nam có nhà Nguyễn, phía Bắc có nhà Mạc đang nắm giữ binh hùng tướng mạnh nhe nanh múa vuốt nếu quá khinh nhờn vua Lê ắt hai nhà kia có cớ động binh. Thấy được sự can gián sâu xa của Phùng Đức Nhuận, chúa Trịnh Căn thấy được tấm lòng trung nghĩa, suy nghĩ sâu xa của họ Phùng nên rất tin tưởng nghe theo.
Tiếp đến đời vua Lê Dụ Tông và chúa Trịnh Cương thì quan Thái giám Phùng Đức Nhuận càng được tin dùng. Ông từng bước được bổ nhiệm là Thiếu giám (Tòng ngũ phẩm); Đồng trị giám sự (Chánh ngũ phẩm); Thiếu Thái giám (Tòng tứ phẩm); Thái giám (Chánh tứ phẩm); Đô Thái giám (Tòng tam phẩm); Tổng Thái giám (Chánh tam phẩm) quyền lực đã lên đến tột đỉnh trong Giám ban, tước lộc chỉ kém quan Thượng thư đầu triều một bậc nhưng thực quyền thân cận với vua Lê, chúa Trịnh thì hơn hẳn các bậc đại quan khác trong triều.
   Trong bối cảnh đó, việc gìn giữ bản thân và giúp chúa Trịnh điều hành công việc, nhất là lựa chọn người có tài đức để bổ dụng là vấn đề sống còn với Tổng Thái giám Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận. Ông không chỉ chí công vô tư mà còn luôn biết nhìn xa trông rộng khiến quan lại trong triều đình luôn tâm phục khẩu phục. Theo quan chế lúc bấy giờ, các vị Thái giám được trực tiếp tham gia chính sự và trong Giám ban, Tổng Thái giám giúp triều đình quản lý ngân khố, định việc thu thuế, thanh quyết toán mọi chi tiêu trong cung đình, phụ trách các việc thương mại với người nước ngoài và xem xét đề bạt, bổ dụng quan lại trong triều ngoài nội. Chính chế định này xác quyết quyền lực cực lớn với Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận và trên cương vị Tổng Thái giám nhiều năm, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
   Bằng chứng hiển nhiên sự tài năng công chính của Tổng Thái giám Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận là, mặc dù chi tiêu rất chặt chẽ, tiết kiệm, hai bậc minh chúa Trịnh Căn và Trịnh Cương đã nhiều lần thưởng bổng lộc rất hậu hĩnh cho quan Tổng Thái giám họ Phùng. Các vị chúa càng nể phục họ Phùng khi toàn bộ bổng lộc được nhà chúa ban thưởng ông đều đem về quê phát tâm công đức vào việc tôn tạo đình chùa, phát chẩn cho dân chúng khi thiếu đói, chuộc thuế cho những họ cùng đinh ở Nội Hoàng đến nay sử sách vẫn còn ghi chép rõ ràng.
   Càng làm những việc thiện đức như vậy, vua Lê chúa Trịnh càng yêu quý tôn trọng Tổng Thái giám Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận. Theo quy chế thời Lê Trịnh và cả các triều đại sau, các Thái giám dù chức vụ lớn đến mấy thường rất ít khi được dời cung về quê hương chứ đừng nói tới việc đem của cải bổng lộc để dựng đình chùa. Nhất là việc hậu phần khi mất đi tuyệt đối được quy hoạch ở một khu đất hẻo lánh nơi góc khuất trong kinh thành. Thế mà một điều đặc biệt đã xảy ra, một đặc ân lớn lao cổ kim hiếm thấy. Đó là việc Tổng Thái giám Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận không chỉ lúc còn sống đã được vua Lê chúa Trịnh ban đặc ân cho phép đem của cải bổng lộc về góp phần xây dựng đình đền chùa miếu ở quê hương mà đến khi quan ngài mất đi còn được tấn thêm tước lộc, cho đem về quê xây Lăng mộ, từ chỉ rất khang trang. Điều này dường như là độc nhất vô nhị trong thời kỳ vua Lê chúa Trịnh.
   Từ những ân điển đặc biệt ấy, chúng ta thấy rằng Tổng Thái giám Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận phải có những công tích thật đặc biệt với triều Lê - Trịnh, nhất là những đóng góp về võ lược của ông. Với các triều đại phong kiến, việc quy luận công tích thường tập trung cho các vị bề trên, nhất là đối với các chúa Trịnh đều như vậy nên các sử sách có thể ít chép tới công trạng đến bậc Thái giám nhưng với các vị chúa xuất sắc như Trịnh Căn, Trịnh Cương luôn biết cách trực tiếp ban thưởng cho những người có công mà trong đó Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận là một ví dụ điển hình.
   Tương truyền trong dân gian, chính Tổng Thái giám Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận là người đã tiến cử và dìu dắt Tả Thiếu giám Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc, người cùng quê hương Yên Dũng vào cung hầu hạ chúa Trịnh và sau này nhờ vào tài năng bẩm sinh của mình, Hoàng Ngũ Phúc đã trở thành vị tướng tài giỏi, một trụ cột, vị Quốc lão uy danh vang vọng trong triều Lê - Trịnh với những võ công đã được ghi vào sử sách. Đây không chỉ là công lớn của quan Tổng Thái giám họ Phùng mà còn là cái duyên hiếm thấy giữa họ Phùng và họ Hoàng trên vùng đất Yên Dũng địa linh nhân kiệt vậy.
 

   Về Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc

   Ông sinh năm 1713 ở xã Phụng Công, huyện Yên Dũng, trấn Kinh Bắc trong một gia đình làm nghề nông. Tục truyền: là học trò của Dương Quốc Cơ Quận công, người xã Vân Cốc (nay là xã Vân Trung) về các việc binh pháp, quân cơ… ở hàng số 1.
Ông là người tài giỏi về văn và về võ, sớm được tuyển dụng. Năm 1740, được phong làm Tả thiếu giám, tước Việp Trung hầu, sau thăng đến Nội sai hình phiên.
   Cuộc đời làm quan của ông là cuộc đời “Nam chinh Bắc chiến” bảo vệ vương quyền nhà Lê ở giữa đến cuối thế kỷ XVIII. Đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân ở Bắc Trung Kỳ và đánh lại chúa Nguyễn ở đàng trong, rất có công với nhà Lê, là bậc đại trung, đại nghĩa với triều Lê lúc bấy giờ.
   Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: 
   “Tháng hai (năm 1743), cho Tả thiếu giám Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc làm đốc lĩnh đạo kỳ binh. Hoàng Ngũ Phúc dâng lên 12 điều về binh pháp và được chúa Trịnh Doanh chấp thuận sai đưa ra thi hành. Nhân đem binh pháp ấy hiểu thị cho thống tướng đào chính binh là Hoàng Công Kỳ”.
   Do được chúa Trịnh tin dùng nên ông được nhà chúa cử đi dẹp cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu vào năm 1744 ở Đồ Sơn, Thọ Xương, Kinh Bắc. Đánh Trần Đình Miêu ở vùng Hiệp Hòa, Vĩnh Yên. Cuối năm 1744, Hoàng Ngũ Phúc đánh tan Nguyễn Hữu Cầu ở Thị Cầu, được chúa Trịnh phong cho làm thống lĩnh Bắc Lộ, cai quản Kinh Bắc.
Đến năm 1745, đánh tan quân tàn dư nhà Mạc ở Thái Nguyên, thu lại trấn thành.
   Năm 1750, Hoàng Ngũ Phúc cùng Phạm Đình Trọng đại phá Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất ở miền Đông Nam. Buộc hai vị ấy bỏ chạy vào Thanh Hóa, Nghệ An. Tháng 11 năm 1750 theo chúa Trịnh chinh phạt miền Tây. Hoàng Ngũ Phúc được giao quyền quân vụ coi quân binh.
   Năm 1767, chúa Trịnh Doanh mất, chúa Trịnh Sâm nối ngôi Chúa. Lê Duy Mật nổi lên ở miền Thanh Nghệ chống lại. Chúa cùng Hoàng Ngũ Phúc bàn mưu dẹp loạn ấy.
   Tới năm 1774, Hoàng Ngũ Phúc 62 tuổi, xin về hưu, chúa đồng ý phong cho làm Quốc lão. Nhưng chưa kịp nghỉ, chúa Trịnh làm lại đặc phong cho làm Bình Nam Thượng Tướng quân, thống lĩnh toàn quân sỹ bắc và thủy binh Thanh - Nghệ vào Nam đánh chúa Nguyễn. Quân nhà Nguyễn ở Phú Xuân xin hàng. Tháng 5 năm 1775, Hoàng Ngũ Phúc đem quân đánh vào Quảng Nam thắng trận.
   Trong thời gian này, ở Nam nổi lên cuộc nổi dậy của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ chống lại chúa Nguyễn. Hoàng Ngũ Phúc sau khi bắt được mẹ và vợ chúa Nguyễn Phúc Thuần rồi cho quân đánh Nguyễn Nhạc ở Quảng Nam. Quân của Nguyễn Nhạc thua to, chạy trốn. Còn Nguyễn Nhạc sai người cùng đảng, xin dâng voi ngựa, vàng ngọc và dâng đất ba phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên để hàng và xin làm tiền khu cho đại quân để đánh dẹp Gia Định. Việp Quận công nhận và trao cho chức Hàm Tây Sơn trại trưởng hiệu Tráng Tiết Tướng quân.
   Tháng 7 (Việp Công) tiến quân đến đóng quân ở Châu Ô, huyện Bình Sơn. Nguyễn Nhạc sai người đến tạ ơn, dâng tờ tâu và tờ khai. Lại xin ban khôi giáp (tức mũ và giáp ra trận) và tiến cử em là Nguyễn Văn Bình (tức Nguyễn Huệ). Việp Công lại ban mũ và áo chiến cho Văn Bình làm tiên Phong Tướng quân.
   Trong bài “Thân thế sự nghiệp của Hoàng Ngũ Phúc” của Tiến sĩ sử học Khổng Đức Thiên cũng có ghi:
   “Tháng 8 năm 1775, Hoàng Ngũ Phúc tiến quân đến đóng ở Châu Ô, huyện Bình Sơn. Nguyễn Nhạc sai người đến tạ ơn, xin ban khôi giáp, tiến cử Nguyễn Huệ. Hoàng Ngũ Phúc ban cho mũ áo, cho Nguyễn Huệ làm Tiên phong tướng quân, theo Nguyễn Nhạc vào Nam đánh giặc. 
   Trong bài “Hậu duệ họ Hoàng Đình Phụng Công” viết về Hoàng Ngũ Phúc của Hoàng Văn Thư in ở quyển “Thượng Tướng quân Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc” do viện nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) xuất bản năm 2011 có viết: 
   “Ngày 25 tháng 4 năm 1775, Nguyễn Nhạc sai thuộc hạ đem thư và voi ngựa, vàng ngọc đến dinh Quảng Nam xin hàng. Xin nộp đất ba phủ là Quảng Ngãi, Quy Nhơn và Phú Yên. Khẩn khoản xin tâu cho làm tiểu tướng, làm tiền khu cho đại tướng đi đánh Gia Định, Hà Tiên. Thái Công (Hoàng Ngũ Phúc) sai người làm hiểu dụ, đại lược nói về lý và thế để dụ Nhạc tìm cách giết bọn gian ác là Tập Đình hàu và Lý Tướng, đệ lên dâng công thì sẽ lập tức ban sắc cho cầm quân, quyết nhiên không tiếc gì hết, dụ này giao cho tán lý Vũ Tín đem về. 
   Ngày 2 tháng 5, Nguyễn Nhạc lại sai thuộc hạ là Phạm Văn Tuế đem thư đến dinh Quảng Nam dâng 2 con voi, 5 con ngựa, một đoạn hương Kỳ Nam, xin ban cho sắc mệnh và binh phù để được làm tiền khu cho địa quân lập công nơi biên giới. Thái Công nhận lễ và dụ rằng: “Nguyễn Văn Nhạc đã có lòng quy thuận. Bản đạo được quyền tùy nghi trao chức, cho làm Tráng Tiết tướng quân, Tây Sơn hiệu trưởng, cho nên được nhờ oai trời thì hành hiệu lệnh ở sơn trại chỉ huy quân đội mạnh đi đánh giặc.  Bản đạo cũng liền ngày đem quân đến gần đấy. Sau này tướng quân có việc khẩn cấp, lập tức đến báo để tiên chỉ bảo”. 
   Ngày 26 tháng 6, Nguyễn Văn Nhạc sai thuộc hạ là Đỗ Phú Tuấn, Phan Văn Tuế đến dinh Quảng Nam dâng hai con voi đực, 10 con ngựa, 2 hốt vàng, 10 hốt bạc, 1 tấn đoạn hoa và đợi sắc mệnh. Thái Công trả lại vàng bạc, sai quan từ hàn tùy nghi làm sắc, sai nha hiệu Dục Phương Bá, tự thừa Nguyễn Hữu Chỉnh cùng đem cờ, ấn, chiêng, trống mũ áo đến trại Tây Sơn ban cho Nguyễn Văn Nhạc.
   Ngày 15 tháng 7, Nguyễn Văn Nhạc đã nhận sắc mệnh sai thuộc hạ làm 2 bản tấu và khải tạ ơn. Lại sai Nguyễn Văn Yển theo sứ giả đệ đến nơi đóng quân trình nộp và dâng ba phủ Quảng Ngãi, Phú Yên, Quy Nhơn. Lại xin ban cho 1 bộ mũ áo giáp.
Ngày 21 tháng 7, Dục Phượng Bá đem Nguyễn Văn Yển từ Tây Sơn trở về, trình nộp các bản tạ ơn của Nguyễn Văn Nhạc: “Tôi sinh ở miền biên giới xa xôi, vào vùng hẻo lánh, lòng thành hướng theo bóng mặt trời, không bao giờ nguôi. Vừa rồi vì Phúc Loan (Trương Phúc Loan nhà Nguyễn) chuyên quyền, kỷ cương đảo ngược. Phía Đông, phía Tây đều nổi lên làm loạn. Tôi thừa thời xướng nghĩa, họp các người hào kiệt trong làng, định cứu vớt dân một phương này. Từ khi nghe quân Vua qua núi Hải Vân, lập tức nhiều lần sai người tới xưng thần nộp lễ. Được thượng tướng quân quốc lão Việp Công biết cho lòng trung thành. Thượng tuần tháng ấy, cho Dục Phượng Bá, Bằng Vũ đến trại Sơn Tây trao cho một đạo sắc phong làm Tráng Tiết tướng quân, mũ đơn điệp, áo phú hậu, mỗi thứ một cái và cờ trống ấn gươm để tôi được dâng sức khó nhọc. Tôi lậy nhận và khôn xiết sợ hãi. Đáng lẽ phải tự mình chỉnh đốn hành trang đến cửa khuyết mà bái lậy ơn trời. Nhưng vì Gia Định chưa dẹp yên, tôi xin khoan cho kỳ hạn, tôi sẽ nhận quân bộ thuộc bản trại làm quân tiền khu cho quân nhà vua dẹp tan đánh giặc, thu lại đất cũ. Khiến cho quân biên giới đều thấm nhuần giáo hóa của nhà vua. Sau khi thanh bình tôi xin thân đến cửa khuyết ngửa trông mặt trời. Đấy là nguyện vọng của tôi”. 
   Hoàng Ngũ Phúc nhận thư, lại cho Nhạc một bộ mũ áo ra trận và hiểu dụ rằng: 
   “Nay tiếp người sai đến, đem đệ các biểu trần tạ ơn tình lễ, ý tứ rất chu đáo. Bản đạo vâng mệnh Hoàng Vương đem quân vào Nam, chính là để cứu vớt nhân dân thu phục đất đai. Nay tướng quân đã quy thuận triều đình, hiến dâng ba phủ là Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên. Lại xin làm tiền khu cho đại quân tiến đánh Gia Định. Chí và nghĩa thật đáng khen, Bản đạo lập tức chuyển đạt, chắc sẽ được soi xét đến. Còn các phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên nay đã dâng làm nơi thuộc triều đình. Bản đạo sẽ một phen đi kinh lược, cho thỏa lòng dân mong muốn. Nhưng nay dân định sơn trại Quy Nhơn, Phú Yên nhiều người tòng quân. Tướng quân cũng đương sắp ra trận, nếu đại quân vào cõi, thì việc cơm nước, tiếp đón lương thực chẳng khỏi phiền. Nay có mũ trận, áo trận nhân tiện ban cho để tướng quân mặc khi ra trận. Lại lính tiền bộ của tướng quân qua núi Thạch Bài, tiến đến đất Bình Khang. Lập tức nhân cơ hội đắc thắng, tiến thắng đến Gia Định, chỉ cần mang lương một tháng, cũng có thể đến nơi được. Đã đến Gia Định tức là đất giàu có, gần đây buôn bán không lưu thông, lúa thóc còn đó đầy rẫy. Quân sỹ đi đấy, lo gì thiếu ăn, mà còn xin thêm lương một tháng. Nếu đến địa phương ấy, còn có chỗ thiếu thốn, nên trình bảo ngay”. 
   Lại chiếu trong lời của Tướng quân có nói: “Em út Tướng quân là Nguyễn Văn Bình (tức Nguyễn Huệ) đem sức khỏe gắng công khó nhọc, nhiều lần đánh phá các tướng trấn giữ, chiếm được 12 đền lũy, đuổi thẳng đến Bình Khang, công ấy đáng khen. Bản đạo nhân tiện cấp cho một đạo chứng chỉ tạm giao Nguyên Văn Bình làm Tây Sơn hiệu Tiền Phong Tướng quân. Giao cho người phải đến đưa về để tỏ sự khuyến khích”.
Sau đó Hoàng Ngũ Phúc cho quân trở về Bắc. Về đến Nghệ An, bệnh nặng, mất vào ngày 17 tháng Giêng năm 1776, Trịnh Sâm thương khóc mãi không nguôi.
   Qua các tư liệu trên, rõ ràng Hoàng Ngũ Phúc đã thu phục được ba anh em Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ. Phong chức tước, ấn, kiếm, mũ áo cho họ và cử họ đi vào nam bình định tiếc thay vì ông ốm nặng ở Quảng Ngãi phải quay ra.
Quân của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ vào Nam Bộ là vào với danh nghĩa quân nhà Lê. Sau theo lệnh của Hoàng Ngũ Phúc và là quân của nhà Lê. Ba anh em Tây Sơn ở Nam Bộ đã đánh chúa Nguyễn chạy ra biển, thắng quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút - đồng bằng sông Cửu Long, giải phóng đất đai đến tận Hà Tiên. Chiến công đó thuộc về nhà Lê chứ chưa phải của nhà Tây Sơn. Bởi vì lúc đó Nguyễn Huệ chưa lên ngôi Hoàng đế (1799 mới lên ngôi). Như thế việc thống nhất đất nước ta đã hoàn thành từ thời Hoàng Ngũ Phúc. Lẽ ra, sau khi thu phục giang sơn như thế, anh em Tây Sơn phải báo cáo triều đình nhà Lê ngay mới đúng. Hay vì xa xôi cách trở... mà chưa báo được thì xảy ra việc đánh quân xâm lược nhà Thanh vào nước ta. Nhà Lê sụp đổ, nhà Tây Sơn thay thế, mà công Hoàng Ngũ Phúc ở Nam Bộ không ai không biết tới. Người đời chỉ thấy Hoàng Ngũ Phúc cả đời chỉ đi dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân, mà không thấy cái công mở nước về phía Nam của ông, thế là không công bằng.

*
*    *

   Từ thân thế cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Thái giám Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận và Tả Thiếu Thái giám Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc đã cho ta thấy một bài học lịch sử đáng ghi nhận. Đó là: Nếu đã là người có chí, có tài, có đức, dẫu có xuất thân làm thái giám vẫn hoàn toàn có thể kiên trì vươn lên trở thành những vị tướng tài, những vị quan giỏi được các triều đại vua chúa nể vì và trọng dụng. Con đường tiến tới vinh quang trước hết phải ở sự kiên trì, nhẫn lại, từng bước vượt qua mọi trở ngại, kể cả đớn đau vô bờ bến về thể xác và tinh thần, có những ngưỡng chỉ là bậc phi phàm mới vượt qua được mà cao nhất là sự vượt qua chính bản thân mình để cống hiến những điều ích quốc lợi dân.
   Cuộc đời và sự nghiệp của hai vị quan thái giám: Tổng Thái giám Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận và Tả Thiếu Thái giám Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc thật đáng để cho hậu thế đời sau học tập.
   Sau đây là một số hình ảnh:





 

 



 

Họ Phùng Việt Nam
Nhà nghiên cứu Phạm Triệu Phùng