(Thứ ba, 27/02/2018, 10:39 GMT+7)

Tiến sĩ Phùng Thảo



Nữ thần tướng Phùng Thị Chính năm 40 sau Công nguyên([1]).
Quê quán: Thôn Thanh Lãm, xã Phú Lương, huyện Thanh Oai và thôn Phú Nghĩa (tục gọi Kẻ Sớm nay thuộc xã Phú Đông, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây) thành phố Hà Nội. Phùng Thị Chính con quan lạc Hầu Phùng Văn Bổng và bà Phùng ThịTuyết.
Tại quê hương có miếu và đình thờ bà Phùng Thị Chính.
Thần tích ở miếu và đình chép rằng:Bà Phùng Thị Chính người quận Giao Chỉ, là cháu gọi bà Man Thiện bằng dì (bà Man Thiện là thân mẫu Hai Bà Trưng. Năm 12 tuổi, bà Phùng Thị Chính mồ côi mẹ phải ở với dì. Phùng Thị Chính kết duyên với Đinh Lượng (Đinh Lượng gọi Thi Sách bằng cậu), Đinh Lượng là bộ tướng của Thi Sách. Cuộc khởi nghĩa do Thi Sách chuẩn bị, Đinh Lượng là trợ thủ đắc lực và tin cậy của Thi Sách, khởi xướng bị bại lộ, cả hai cậu cháu cùng nhiều tướng lĩnh bị Tô Định sát hại.
Thù chồng, nợ nước, mặc dù khi đó đang mang thai, nhưng Phùng Thị Chính vẫn tham gia đạo quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và trở thành danh tướng xuất sắc, một trinh sát mưu trí, dũng cảm, có tài, xuất quỷ nhập thần, lai vô ảnh khứ vô hình, tâm đắc của Hai Bà Trưng. Đánh đuổi được Tô Định, Bà Trưng Trắc lên ngôi vua, Phùng Thị Chính xin Hai Bà Trưng lui về quê Tuấn Xuyên, nay thuộc xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây nuôi con, nhưng đứa bé do sinh ra ở giữa chiến trường đẫm máu, không có điều kiện chăm sóc ngay từ đầu, nên mặc dù hết lòng chăm sóc, bà Phùng Thị Chính cũng không thể nuôi được con.
Nén đau thương, bà Phùng Thị Chính đã xây dựng vùng Tuấn Xuyên thành căn cứ kháng chiến, gồm quân chính quy, các đội dân binh được trang bị vũ khí và được thường xuyên luyện tập, tham gia sản xuất, tích trữ lương thực sẵn sàng chiến đấu.
Tháng 4 năm 42, Hán Vũ Đế sai Mã Viện đem quân sang xâm lược nước ta. Mùa xuân năm 43, Mã Viện bố trí một cánh quân ở Lạng Sơn làm nghi binh, còn Y đích thân dẫn đại quân theo hướng Đông, chia làm hai cánh thủy bộ đột nhập vào cửa sông Bạch Đằng tiến về Mê Linh đánh thành Cổ Loa. Mã Viện bị thua trận ở Cổ Loa phải lui quân về Lãng Bạc (nay là Tiên Du, Từ Sơn, Bắc Ninh), Hai Bà Trưng đưa đại quân đến đánh, tại đây quân của Hai Bà Trưng đã thua trận, phải lui về Cấm Khê. Trong trận quyết chiến, Bà Trưng Trắc hy sinh, Bà Trưng Nhị tuẫn tiết. Quân đội tan tác.
Tướng giặc là Hồ Điển tham gia trong đội quân của Mã Viện đã bị Phùng Thị Chính đánh bại năm 40 biết được nơi đóng quân của Phùng Thị Chính đã đem quân đến vây bắt, Bà Chính đã chạy về quê xuống sông tuẫn tiết.
Nhân dân hai thôn Thanh Lãm và Phú Nghĩa làm lễ phục hồn cho bà và xây miếu thờ bà. Tôn bà Phùng Thị Chính làm Thành Hoàng thờ tại miếu và đình làng đến ngày nay. Hiện nay ở đình Phú Nghĩa có long ngai cổ, câu đối cổ, bài vị cổ, có sắc chỉ:
Phùng Thị Chính. Nội tướng quân Trung Lương, Tướng Trung Đẳng thần linh vị.
Còn bài thơ cổ như sau:
Trung dữ quân hè, nghĩa dữ phu
Khả xưng danh tiết lại xuân thu
Phùng Nương tuy tự danh như tại
Từ miếu lưu truyền ngã quốc chu.
Tạm dịch như sau:
Trung với vua, vẹn nghĩa cùng chồng,
Tiếng thơm còn mãi với non sông
Nàng Phùng tuy mất, danh còn đó,
Đền miếu lưu truyền với núi sông.
 
Hai nữ tướng Phùng Thị Tú và Phùng Thị Huyền, năm 40 sau Công nguyên([2])
Dưới thời Bắc thuộc lần thứ nhất, thời Đông Hán, ở trại Vân Thủy thuộc đất Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vợ chồng ông Phùng Liệt và bà Phạm Thị Tư sinh hai gái là: Phùng Thị Tú và Phùng Thị Huyền. Khi hai ả trưởng thành là lúc giặc Đông Hán cướp của giết người, cuộc sống của nhân dân ta rất lầm than. Được tin Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ở Hát Môn, cả hai ả Tú và ả Huyền tập hợp lực lượng tụ nghĩa với Hai Bà Trưng. Ả Tú và ả Huyền giỏi võ nghệ, tài điều binh, khiển tướng, cả hai ả được Hai Bà Trưng giao chỉ huy một đội quân đánh chiếm 65 thành trì của giặc Đông Hán. Khởi nghĩa thắng lợi, bà Trưng Trắc lên ngôi vua, hai ả tiếp tục phục vụ trong quân đội. Đầu năm 42, Mã Viện đem quân sang cướp nước Việt, hai ả đã tham gia chiến đấu ở Lãng Bạc, trong cuộc chiến ở Cấm Khê, cả hai bà đã anh dũng hy sinh vào ngày 2 tháng chạp. Thương tiếc và cảm phục tài năng, lòng dũng cảm của hai ả, dân làng đã lập đền thờ hai ả tại trại Vân Thủy. Do hiện tượng sông Hồng lở, dân làng phải chạy lở, Trại Vân Thủy di dời từ Tả Ngạn sông Hồng sang Hữu ngạn sông Hồng, lập ra sáu xóm, sau này thành các làng Vĩnh Phúc, Vĩnh Thọ, Vĩnh Khang, Vĩnh Ninh, Vĩnh Thuận, Vĩnh Lộc. Sáu làng trên hiện nay hợp thành hai xã: Vân Nam, Vân Phúc thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Hiện nay các làng đều thờ hai bà ở đền làng.
 
Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa - Thế kỷ VI (544)([3])
“Phùng Thanh Hòa sinh ngày 12 tháng 11 năm Mậu Thân (tức ngày 8/12/528) ở trang Hồng Vinh, quận Nam Xương nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Bố là Phùng Thủy, mẹ là Hoàng Thị Mai. Ông bà ăn ở phúc đức, hiền lành, gia tư thuộc hạng trung lưu, hay làm việc thiện nên được thiên thần phù hộ sinh ra ngài” (Thần phả đình làng Phùng Xá, Thạch Thất, do Tiến sĩ Nguyễn Bính thế kỷ 17 soạn). Khi ngài sinh ra thiên tư khác lạ, lớn lên thông minh học một biết mười. Ngoài việc học chữ nghĩa văn chương, Ngài lại học binh thư võ nghệ, cung kiếm môn nào cũng giỏi. Không những thế, Ngài có năng khiếu về âm nhạc, đàn sáo. Thời bấy giờ nước ta bị nhà Nam Lương đô hộ. Đời sống nhân dân lầm than cực khổ. Năm Tân Dậu (541) Lý Bí phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Lương, đuổi được thứ sứ Tiêu Tư, chiếm giữ thành Long Biên. Phùng Thanh Hòa triệu tập nghĩa sĩ trong vùng đứng lên hưởng ứng. Tháng Giêng năm Giáp Tý (544) Lý Bí lên ngôi vua tức Lý Nam Đế, lập ra nước Vạn Xuân, lấy phiên hiệu là Thiên Đức. Quân nhà Lương lại cho Dương Phiêu và Trần Bá Tiên đem quân sang đánh trả thù. Vua Lý Nam Đế bị vây hãm ở thành Gia Ninh. Thế giặc rất mạnh, ngày 11 tháng 8 năm Bính Dần (546) Phùng Thanh Hòa được vua Lý Nam Đế phong Hữu tướng quân, ông đem quân giải vây, cứu vua Lý cùng Tả tướng quân Triệu Quang Phục ở hồ Điển Triệt.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “… Mùa thu tháng Tám, vua Lý Bí cùng các tướng đem 2 vạn quân từ trong đất lão ra đóng ở hồ Điển Triệt, đóng nhiều thuyền bè chật kín cả mặt hồ. Quân lương sợ không giám tiến vào”.
 “… vua thoát khỏi vòng vây rút về động Khuất Lão”. Tháng 4 năm 548 vua lý Nam Đế qua đời. Triệu Quang Phục rút về căn cứ Dạ Trạch - Hưng Yên, xưng là Triệu Việt Vương. Phùng Thanh Hòa lui về lập nghiệp ở An Hoa Trang, nơi có phong cảnh hữu tình, là miền đất linh thiêng, nhân dân hiếu thuận.
An Hoa cổ truyền lưu hiệu
Phùng Xá tân thừa cải Việt danh.
Sau 2 năm, ngài chiêu tập dân ở các vùng lập ấp, mở mang làng xóm, lấy vợ sinh con, rồi hóa ở Phùng Xá vào ngày 15/8 năm Kỷ Tỵ (22/9/549). Nơi ở của Ngài hiện nay, là đình làng, tại đình có bài vị, sắc phong, câu đối, hoành phi, kiệu, tán vọng thờ ngài.
“Tích nhật An Hoa kim Phùng Xá
Công minh Tiền Lý hiển lê Thì”.
“Phụ Tiền Lý, kiến độc lập kỳ - thống nhất sơn hà tôn đế quốc
Chuẩn Phùng thôn, vi phụng tự sở - thiên thu miếu mạo phúc cư dân”.
Đặc biệt, còn giữ được cuốn thư bằng gỗ sơn son thếp vàng có từ lâu khắc bằng bài thơ ngũ ngôn chữ Hán như sau:

Phiên âm
Anh linh trường hách hách
Chính khí tự nguy nguy
Ba cổn chương thần hóa
Sơn hà kỷ thánh uy
Công minh Tiền Lý sử
Tích hiển Hậu Lê thì
Phúc tái đồng thiên địa
Hồng ân vạn cổ thùy.
Lược dịch
Trong sang anh linh mãi
Chính trực khí tiết sang
Sóng nước thần làm được
Non sông rạng ngời uy
Công lớn thời Tiền Lý
Thời hậu Lê càng hiền rõ
Cùng đất trời phúc mãi
Muôn đời ghi ânsâu.

 

   











Vị Vua Lớn - Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Thế kỷ VIII(766 - 791)
Phùng Hưng xuất thân từ dòng dõi hào kiệt, đời đời làm châu mục đất Đường Lâm.
Cụ tổ 7 đời của Bố Cái Đại Vương - Phùng Hưng là cụ Phùng Trí Cái - Quan châu mục Đường Lâm, cụ từng được vời vào trong cung nhà Đường cao tổ đời Đường Vũ Đức (618-626) dự yến tiệc. Vì cụ có tâm đức và được nhân dân yêu mến nên vua Đường đã tìm mọi cách dụ dỗ, lôi kéo Phùng Trí Cái vào làm quan trong nội các nhà Đường. Cụ đã từ chối bằng cách từ quan về trí sĩ tại quê hương Đường Lâm. Cụ đã mở mang điền trang, hướng dẫn nhân dân khai điền, canh tác sản xuất, phòng chống thiên tai lũ lụt, tiêu diệt thú dữ, bảo vệ mùa màng, xây dựng cuộc sống yên lành cho dân.
Thân phụ Bố Cái Đại Vương là Phùng Hạp Khanh, thân mẫu là người họ Sử, Phùng Hạp Khanh là cháu đời thứ 6 của cụ Phùng Trí Cái. Vào năm 722 Nhâm Tuất đời Đường Khai Nguyên, Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế) phất cờ khởi nghiã chống lại ách đô hộ nhà Đường, Phùng Hạp Khanh chiêu mộ quân sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan sau khi bị dập tắt, Phùng Hạp Khanh đã trở về quê hương Đường Lâm mở mang điền trang, thái ấp, ông trở lên giàu có. Trong nhà nuôi nô tỳ có đến hàng nghìn người. Trong cuộc sống đời thường ông luôn giúp đỡ người nghèo khó, bảo vệ dân làng. Toàn dân thái ấp Đường Lâm và các vùng xung quanh ai cũng yêu quý, tin tưởng vào Phùng Hạp Khanh. Khi ông mất về trời, Phùng Hạp Khanh luôn là điểm tựa tinh thần cho nhân dân Đường Lâm và các vùng xung quanh.
Phùng Hưng có hai người em trai đồng sinh là Phùng Hải và Phùng Dĩnh. Ba anh em Phùng Hưng, Phùng Hải và Phùng Dĩnh có tư chất thông minh, sức khỏe hơn người. Phùng Hưng càng lớn, càng thể hiện là người xuất chúng, có sức khỏe phi thường. Ông có thể cầm hai sừng của hai con trâu mộng đẩy chúng ra khi hai con đang hùng hổ lao vào húc nhau. Tài trí mưu sâu của Phùng Hưng có thể đâm chết hổ. Phùng Hải, Phùng Dĩnh có sức khỏe vác chảo lớn chạy hàng cây số. Thuở nhỏ ba anh em đã được cha dạy võ nghệ, giáo dục ý chí đánh đuổi giặc xâm lược giải phóng quê hương. Thời bấy giờ nước ta dưới ách đô hộ nhà Đường, Cao Chính Bình là quan cai trị dân ta, chúng đàn áp, bóc lột, vơ vét của cải dân lành không từ một thủ đoạn nào. Đứng trước cảnh mất nước, nhà tan, anh em Phùng Hưng đứng lên phất cờ khởi nghĩa, chiêu mộ nghĩa binh. Lời kêu gọi của Phùng Hưng đã đi đúng nguyện vọng của quần chúng, số người hưởng ứng, theo ủng hộ khởi nghĩa mỗi ngày một đông, ước tới hàng vạn người, có cả mưu sĩ và tướng tài như Đỗ Anh Hàn, Bồ Phá Cần cuộc khởi nghĩa kéo dài trong nhiều năm, gây khó khăn cho chính quyền của Cao Chính Bình.
Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng là Đô Bảo, Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng. Năm Tân Mùi 791, Phùng Hưng cùng các tướng lĩnh đem quân vây đánh thành Tống Bình. Quân của Phùng Hưng chia làm 5 đạo do các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ Anh Hàn, Bồ Phá Cần và chủ tướng Phùng Hưng tiến công vây thành. Cao Chính Bình đem quân ra chống cự. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, quân địch chết nhiều, Cao Chính Bình vào trong thành cố thủ, lo sợ cuối cùng ốm chết. Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì vào phủ Đô hộ, coi chính sự đất nước được 7 năm thì mất. Sau khi mất, con trai ông là Phùng An lên nối ngôi, An nối nghiệp được hai năm thì chính quyền lại rơi vào tay giặc. Nền tự chủ vừa mới xây dựng chỉ tồn tại được chín năm. Trong công trình Việt giám thông khảo tổng luận, sử thần Lê Tung gọi Phùng Hưng là “Phùng Bố Cái”, nghĩa của “Bố” chính là: Vua (Bua - Bố) và “Cái” là: Lớn. “Bố Cái” tiếng Nôm là “Vua Lớn” tương đồng với “Đại Vương” trong tiếng Hán Việt. Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi là: “Dân chúng tôn (Phùng) Hưng làm Bố Cái Đại Vương” (chứ không phải là: con Phùng Hưng tôn xưng cha). Việc Phùng Hưng được dân chúng suy tôn là “Vua Lớn”, còn thấy rõ trong câu sử bút sau đây: “Vương thường hiển linh, dân cho là thần, mới làm đền thờ ở phía Tây phủ đô hộ, tuế thời cúng tế”. Sử cũ còn ghi chép rõ: Ngôi đền thờ ấy, trên đất Hà Nội thời tiền Thăng Long, đến thời Lê, thuộc đất “phường Thịnh Quang”.
Phùng Hưng mất rồi rất hiển linh, thường hiện hình trong dân gian, giúp dân trong lúc hoạn nạn. Dân làng lập miếu thờ tự ông ở Đường Lâm. Phùng Hưng hiển linh giúp Ngô Quyền đánh thắng giặc ở sông Bạch Đằng. Ngô Quyền cho lập đền thờ ông. Ở nhiều nơi như: Quảng Bá, Triều Khúc, Kim Mã, Hoàng Cầu, Đại Ứng, Phương Trung, Hoạch An, xã Gia Thanh, Gia Viễn - Ninh Bình nhân dân đã lập đền thờ để tưởng nhớ đức thánh Phùng Hưng. Hiện nay lăng mộ của Phùng Hưng ở đầu phố Giảng Võ (cạnh bến xe Kim Mã, phường Cát Linh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) được chính quyền thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Tây và nhân dân xung quanh vùng xây dựng khang trang, hương khói quanh năm tưởng nhớ Bố Cái Đại Vương vị “Vua Lớn” của đất nước. Ở thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hải Dương, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thừa Thiên - Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa và nhiều địa phương trong cả nước đặt tên phố, tên đường, tên xã, tên phường, tên trường học Phùng Hưng để giáo dục truyền thống tốt đẹp của cha ông và ghi nhớ công ơn người anh Hùng dân tộc.
 
Tả nhai - Phùng Tá Thang - Thế kỷ XIII
Có ý kiến cho rằng, Phùng Tá Thang quê ở xã Hưng Xá, nay thuộc thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, có ý kiến lại cho quê ông ở Lý Nhân (Hà Nam), sau dời sang Mỹ Xá - Thái Bình, lại có ý kiến cho rằng: Quê ông ở Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội. Ông là người đứng đầu Phật giáo thời Trần Thái Tông (1225-1258). Ông là trí thức xuất sắc dưới triều Lý - Trần, có công đóng góp vào quá trình hình thành giáo phái Trúc Lâm. Trần Thái Tông là học trò của Phùng Tá Thang về giáo lý đạo Phật. Phùng Tá Thang được vua Trần phong tước Tả Nhai, phẩm cao nhất của Tăng đạo. Ông là cha đẻ Phùng Tá Chu, người đã có công giáo dục, hình thành nhân cách, tài năng, trí tuệ và đức độ của nhân vật lịch sử lớn Phùng Tá Chu - Người đã có công lớn giúp nhà Trần thành công trong buổi đầu dựng nghiệp.
 
Thái phó lưỡng triều Lý - Trần, Phùng Tá Chu - Thế kỷ XIII
Phùng Tá Chu là con trai Đạo sĩ, Tả nhai tài năng Phùng Tá Thang thời Lý - Trần, Phùng Tá Chu sinh năm 1192 ở làng Mẽ, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông mất năm 1241, mộ táng tại đồi Cao, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, đây là vùng đất địa linh, có quần thể tâm linh: Chùa Cao, đền Cao, nơi có ang nước, nơi tụ thủy, tụ linh, tụ lộc. Mặt lăng mộ nhìn hướng Nam, hướng của “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” hướng của trí tuệ, mát mẻ, siêu thoát, vạn vật sinh sôi nảy nở, nơi Tản Viên sơn Thánh trở thành Đệ nhất thượng đẳng tối linh thần, đứng đầu trong “tứ bất tử” của trời Nam. Nơi đây không gian thoáng đãng, vượng khí phủ đầy, quanh năm vi vu gió núi, mây trời, nơi quan Thái phó lưỡng triều Phùng Tá Chu yên giấc ngàn thu.
Sinh thời Phùng Tá Chu làm quan Nội hầu, sau làm quan Thái phó lưỡng triều Lý - Trần (ba chức thái sư, thái phó, thái bảo được gọi là tam công hoặc tam thái, chức vụ chỉ đứng sau vua, đứng đầu triều, giúp đỡ nhà vua, điều hòa âm dương, tiến cử người hay, loại bỏ người dở, để mưu toan chính trị). Ông đã đem hết tài “kinh bang tế thế” để cùng vua quan nhà Lý - Trần giữ bình yên xã tắc. Ông là người có công đặt nền móng xây dựng, mở nghiệp nhà Trần. Vua Trần đã phong ông làm “Phụ quốc Thái phó”, “Hưng nhân đại vương”, “Đệ nhất công thần”; các triều đại phong kiến coi ông là “Đệ nhất phúc thần”.
Thái phó Phùng Tá Chu là một trong những nhân vật lịch sử tiêu biểu, một nhân vật đặc biệt của một giai đoạn lịch sử đặc biệt, ông có tầm ảnh hưởng rất lớn trong cả hai triều Lý - Trần, ông có nhiều công lao đóng góp cho việc khởi dựng triều Trần, là bậc khai quốc công thần của nhà Trần, là người đặt nền móng xây dựng nền hành chính, tư pháp, giáo dục, quân sự, ở mảng nào cũng có thành tựu để lại cho đời sau suy ngẫm và học tập. Nhân dân làng Quảng Bá, quận Tây Hồ thành phố Hà Nội phối thờ ông cùng với Bố Cái Đại Vương ở đình Quảng Bá; từ xa xưa tại làng Xuân Trạch xã Hạ Khê tổng Phù Long, nay là xã Nam Cường, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An có đền thờ họ Phùng trong đền có thờ Phùng Tá Chu; nhân dân làng Mẽ thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình lập miếu tôn thờ ông làm thần thành hoàng. Ở thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền thành phố đã đặt tên một đường phố mang tên Phùng Tá Chu tại phường An Lạc A, quận Bình Tân. Từ bao đời nay, con cháu hậu duệ Thái phó Phùng Tá Chu ở thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội và thôn Bích Chu, xã An Toàn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc thờ phụng, trông coi lăng mộ.
 
Phùng Thế Kỳ - Thế kỷ XIV
Cuối thế kỷ XIV, Hồ Quý Ly lấn lướt, có kế hoạch tiếm quyền nhà Trần, phò mã đô úy Phùng Thế Kỳ con rể vua Trần Thuận Tông, có ý định “phù Trần diệt Hồ”, việc không thành ông đã cùng vợ là công chúa Thiên Hương và những người thân tín bỏ kinh thành về khai hoang, mở đất, lập làng Hổ Đội. Phùng Thế Kỳ quê gốc làng Đồng Bảng, huyện Minh Nghĩa, đạo Sơn Tây, ông là cháu thứ 12 của Phùng Đỗ.
Phùng Đỗ là danh tướng thời Lý Thái Tông. Khi đó, ở Cao Bằng có loạn, vua Lý Thái Tông sai Phùng Đỗ dẹp loạn, Tướng quân Phùng Đỗ đem quân đánh thẳng vào động Ma Sa, sào huyệt của quân giặc, bắt được tướng giặc. Chiến công của Phùng Đỗ đã giữ yên được biên ải, ông được triều đình ban thưởng. Khi mất ông được phong thần, ở đình làng Hổ Đội thờ ông có đôi câu đối:
Nhất trận Ma Sa kinh phá phủ
Thiên thu Hổ Đội thượng dư uy
Nghĩa là, một trận đánh đã phá tận vào huyệt Ma Sa của giặc, chúng phải kinh sợ. Nghìn năm sau uy danh vẫn còn ở đất Hổ Đội.
Phùng Thế Kỳ là cháu tướng quân Phùng Đỗ, ông tài kiêm văn võ, được vua Trần Thuận Tông gả công chúa Thiên Hương, phong làm phò mã đô úy, giữ chức chiêu thảo An phủ sứ. Năm 1398, Hồ Quý Ly bức vua Trần Thuận Tông nhường ngôi cho con là Trần Thiếu Đế còn nhỏ tuổi. Năm 1400 tìm cớ giết vua Trần Thuận Tông, phế bỏ Thiếu Đế, tự lập làm vua. Thấy họ Hồ làm việc bạo nghịch, Phùng Thế Kỳ chiêu mộ những người có ý chống nhà Hồ lập đạo quân tinh nhuệ lấy tên là Hổ Bôn chống lại nhà Hồ. Phùng Thế Kỳ đem đạo quân Hổ Bôn thủ hiểm vùng tả ngạn sông Đà, lo thanh viện cho tướng Trần Khát Chân ở kinh thành. Việc bại lộ, Trần Khát Chân bị hại, Phùng Thế Kỳ đã liên kết cùng phò mã Vũ Uy, công chúa Thiên Hương làm cuộc di dân, đem theo 12 dòng họ và những người thân tín tới vùng đất huyện Phụ Dực để mở đất lập thành, nuôi chí phù Trần.
Khi hai ông bà mất, dân làng Hổ Đội tôn làm thành hoàng.Vì ông bà không có con nên ở làng Hổ Đội ngày nay không có người họ Phùng.
 
Quan Hành khiển Phùng Sĩ Chu - Thế kỷ XIII (1289)
Căn cứ lí lịch di tích nhà thờ họ Phùng Đại Tôn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An và theo Gia phả họ Phùng ở làng Xuân Trạch, xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nhà thờ họ Phùng Đại Tôn thờ tiên tổ và hậu duệ họ Phùng - một dòng họ có nhiều danh tướng, lương thần, công hầu kế thế có công với dân với nước được nhân dân lập đền thờ và con cháu xây dựng nhà thờ để quanh năm hương khói thờ phụng. Dòng họ Phùng ở xã Nam Cường là nơi khởi nguồn của các nhánh họ Phùng ở tỉnh Nghệ An như: Thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Yên Thành, huyện Thanh Chương… và một số tỉnh khác như Bắc Giang, Hà Tĩnh. Theo Gia phả của dòng họ, Phùng Sĩ Chu làm quan Hành Khiển thời Trần (thế kỷ XIII - 1289), ông là viễn tổ họ Phùng ở Nam Đàn. Hậu duệ của ông gồm những người con có công với dân với nước như: Lê triều khai quốc công thần Dĩ Quận công Phùng Bá Lộc, Đề đốc thập vệ quân Phùng Bá Ngự, Thiếu bảo Lễ quận công Phùng Bá Đạt, Đông quận công Phùng Bá Nghị, Phùng Viết Đán. Hiện nay ba nhà thờ họ Phùng ở làng Xuân Trạch, xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, nhà thờ họ Phùng ở xã Nghi Thu, thị xã Cửa Lò, nhà thờ họ Phùng ở xã Phú Thành, huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An đã được UBND tỉnh cấp bằng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đại việt sử ký toàn thưcó ghi:
“Sĩ Chu người xã Cổ Liễu, Trà Hương. Khi người Nguyênsang, vua sai Sĩ Chu bói. Sĩ Chu đoán rằng:
“Thế nào cũng đại thắng”. Vua mừng bảo: “Nếu đúng như lời đoán, sẽ có trọng thưởng”. Giặc yên vua nói: “Thiên tử không có nói đùa”. Do đấy có lệnh này. Sĩ Chu là người trung hiếu, có tài văn nghệ, làm quan đến Thiếu phó, hiệu là Tốn Trai tiên sinh”.
 
Thị lang Bộ lễ Phùng Nhậm - Thế kỷ XV (1428). 
Từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, học một biết mười, có tài tranh biện. Tự cho mình sinh bất phùng thời nên không dự các kỳ thi cuối Trần và thời nhà Hồ. Nghe lời hiệu triệu của Lê Lợi, Phùng Nhậm về doanh Bồ Đề ra mắt Bình Định Vương, được tiếp đãi trọng thị, ông cùng Bùi Quốc Hưng giúp việc Nguyễn Trãi. Năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi, ông được phong chức Thị lang bộ Lễ và ở cương vị này đến cuối đời.
 
Giám nghị đại phu - Tả đô đốc Phùng Tiến Đạt - Thế kỷ XV.
Là con trai Thị lang Phùng Nhậm. Từ nhỏ, ông được dạy dỗ chu đáo. Năm Kỷ Dậu, Thuận Thiên thứ 2 (1429), ông vào học trường Quốc Tử Giám, được liệt vào hạng Thượng xá nhân, hưởng học bổng loại cao nhất. Năm Thuận Thiên thứ 6 (1433), đứng đầu trong số các giám sinh khoa Hoành từ, được cử làm Xá nhân ở bộ Lễ.
Lê Thái Tông lên ngôi, ông được chuyển làm Tả Môn hạ sảnh, đứng đầu Tả ty, chức Tả Thị lang, ít lâu sau chuyển ra ngoài trấn giữ chức Tri Tây đạo quân dân ba tịch, bao quát cả vùng phía tây kinh lộ. Thời ấy, xứ Đoài liên tiếp được mùa, mọi tô thuế, phú liễm dâng nộp triều đình chu tất. Phùng Tiến Đạt được điều về kinh làm Gián nghị đại phu. Năm Thái Hòa thứ 9 (1451), được phong chức Thẩm hình viện sự đồng tri cùng một số người đi sứ nhà Minh.
Năm Quang Thuận thứ nhất (1460), Lê Thánh Tông (Tư Thành) lên ngôi hoàng đế, ông thành Quốc trượng, được “vinh phong” Tả đô đốc. Tất cả các án từ các nha môn trong cung ngoài trấn nộp về chính đường ông đều hội thẩm công đồng bàn xét kỹ, quyết đoán công bằng. Khi Thánh Tông ban luật Hồng Đức, Thẩm hình viện sự Phùng Tiến Đạt soi đọc từng điều, từng chữ rồi viết thành sớ trình vua quyết đáp, được vua khen: “Nghiêm cẩn”.
 
Hoàng hậu Phùng Thị Thục Giang - Thế kỷ XV
(Con gái Giám nghị đại phu Phùng Văn Đạt)
Phùng Thị Thục Giang là con gái Giám nghị đại phu Phùng Tiến Đạt, cháu gái gọi Thị lang bộ Lễ Phùng Nhậm là ông nội. Khi còn trẻ, Phùng Thị Thục Giang “hương trời sắc nước”. Bà sinh ngày Bính Tý tháng 7 năm Thái Hòa Giáp Tý (1444) ở lộ Hóa Châu, trong lúc cha bà làm quan ở đó. Năm 17 tuổi được tuyển vào cung hầu vua Lê Thánh Tông. Vua Lê đã đổi tên bà là Diệm Quý, khi bà sinh Kiến Vương Tân thì được phong Sùng Viên, đứng đầu hàng phi. Bà mắc bệnh nặng, tháng 12 ngày Bính Tuất năm Hồng Đức thứ 20 (1489) bà mất, thọ 46 tuổi. Năm Hồng Thuận thứ nhất (1506) Lê Tương Dực cháu nội bà lên ngôi vua, truy tôn bà là Như Huy Tích quang Hoàng Thái hậu, đưa bà về thờ ở Thái miếu. Từ xa xưa Lê Quý Đôn đã viết về bà gọi là hoàng hậu.
Ở làng Mỹ Xá có bốn ông vua Lê:
+ Lê Tương Dực gọi bà Phùng Thị Thục Giang là bà nội.
+ Lê Tương Dực không có con, nên triều đình đã đưa LêY, gọi Tương Dực là chú ruột (con trai anh ruột) lên làm vua gọi là vua Lê Chiêu Tông.
+ Mạc Đăng Dung đưa em trai Lê Chiêu Tông là Lê Xuân gọi là Cung Hoàng lên làm vua.
+ Vị vua thứ tư là Lê Duy Ninh hiệu là Trang Tông lên làm vua thay Cung Hoàng.
Bốn ông vua này ở làng Mỹ Xá, huyện Hưng Nhân (nay Hưng Hà) là cháu nội, chắt nội, và chít nội bà Phùng Thị Thục Giang. Làng Mỹ Xá là nơi yên nghỉ của bà Phùng Thị Thục Giang. Làng Mỹ Xá hiện nay chỉ có ba họ Trần, Phạm, Nguyễn. Họ Nguyễn chiếm 80% dân số trong làng, nhưng mọi người vẫn nhớ xưa kia làng Mỹ xá có họ Phùng.
 
CÁC NHÀ KHOA BẢNG HỌ PHÙNG THỜI PHONG KIẾN
 
Phùng Đốc - Thế kỷ XV.
Quê gốc: Nguyên Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Ông thi đỗ Hoàng Giáp Tiến sĩ năm Kỷ Mùi 1499, Trường thi: Kinh đô, niên hiệu Cảnh Thống thứ 2, đời vua Lê Hiến Tông. Ông làm quan đến Giám sát ngự sử.
 
Phùng Hữu Hựu - Thế kỷ XVI.
Quê gốc: Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Ông thi đỗ Tiến sĩ năm Quý Mùi 1523, niên hiệu Thống Nguyên thứ 2, đời vua Lê Tung Hoàng. Ông làm quan đến chức Thừa chính sứ, tước Lý Trai bá.
 
Phùng Ông - Thế kỷ XVI.
Quê gốc: Tuấn Xuyên, Vạn Thắng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Ông thi đỗ Tiến sĩ năm Đinh Mùi 1547, trường thi Kinh đô. Niên hiệu Vĩnh Định thứ 1, đời vua Mạc Nguyên Phúc. Ông làm quan đến chức Thừa chính sứ.
 
Phùng Trạm - Thế kỷ XVI.
Quê gốc: Xóm Chiềng, Tân Sỏi, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ông thi đỗ Tiến sĩ năm Giáp Tuất 1574, trường thi Kinh đô. Đời vua Sùng Khang thứ 9 Mạc Hợp Mậu. Ông làm quan đến chức Tự Khanh.
Phùng Khắc Khoan - Thế kỷ XVI.
Quê gốc: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Ông thi đỗ Hoàng giáp Tiến sĩ năm Canh Thìn 1580, trường thi Kinh đô. Năm Quang Hưng thứ 3 đời vua Lê Thế Tông. Ông làm quan đến chức Hộ bộ Thượng thư, kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, hai lần đi sứ nhà Minh.
 
Phùng Thế Triết (Thế Trung) - Thế kỷ XVII.
Quê gốc: Kim Bí, xã Tiên Phong, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Ông thi đỗ Tiến sĩ năm Quý Hợi 1623, trường thi Kinh đô. Niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5, đời vua Lê Thần Tông. Ông làm quan đến chức Hiến sát sứ.
 
Phùng Viết Tu - Thế kỷ XVII.
Quê gốc: Tân Quang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông thi đỗ Hoàng giáp Tiến sĩ năm Nhâm Thìn 1652, trường thi Kinh đô. Niên hiệu Khánh Đức thứ tư, đời vua Lê Thần tông. Ông làm quan đến chức Thiêm đô Ngự sử.
 
Phùng Bá Kỳ - Thế kỷ XVIII.
Quê gốc: Thôn Đông, xã Minh Tân, huyện Yên Lạc, thỉnh Vĩnh Phúc. Ông thi đỗ Tiến sĩ năm Ất Mùi 1715. Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11, đời vua Lê Dụ Tông. Ông làm quan đến chức Thự tham chính Nghệ An.
 
Phùng Xuất Nghĩa - Thế kỷ XIX.
Quê quán: Làng Trích Sài, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Ngày 1 tháng 10 năm Quý Dậu, Tự Đức thứ 26 (20/11/1873),quân Pháp do Francis Garner đánh chiếm thành Hà Nội, sau đó lấn ra phủ Hoài Đức, huyện Từ Liêm, huyện Gia Lâm, huyện Thanh Trì của các tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh… Triều đình Huế đã ra lệnh bãi binh, ngăn cấm nhân dân nổi dậy chống Pháp. Mặc cho triều đình đầu hàng, nhân dân các huyện giáp ranh với Hà Nội vẫn tập hợp lực lượng, tự trang bị vũ khí, thành lập các đội nghĩa binh chống Pháp ở khắp nơi. Phùng Xuất Nghĩa được cụ đồ Tịch ở làng Cổ Nhuế giúp đỡ đã đứng ra thành lập Nghĩa hội, tuyên truyền phát động nhân dân đứng lên đánh Pháp. Ông vốn là người ngao du rộng, được nhiều thân hào, thân sĩ trong vùng kính trọng nên vừa xướng nghĩa đã có đông đảo người yêu nước gồm các nhà nho, người lao động, dân buôn bán, thợ thủ công, làm công cho Pháp các làng Trích Sài, Quán La, Võng Thị, Bưởi, Nghi Tàm ven Hồ Tây tham gia. Phùng Xuất Nghĩa tuyển chọn những người khỏe mạnh hăng hái vào đội nghĩa quân. Nghĩa quân tự trang bị vũ khí bằng dáo mác, gậy gộc, súng kíp. Những người còn lại chuyên lo việc điều tra tin tức của địch báo cho quan quân phe chủ chiến, quyên góp tiền bạc, lương thực ủng hộ nghĩa quân. Phùng Xuất Nghĩa tổ chức lễ Tế cờ long trọng ở gò Ngũ Nhạc trong làng Trích Sài giáp ranh với làng Cổ Nhuế, có đông đảo nhân dân vùng Hồ Tây tham dự rồi dẫn quân đi tìm giặc Pháp để tiêu diệt.* (Theo Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trần Quốc Vượng chủ biên, NXB QĐND).
Do lực lượng của ông ít, vũ khí thô sơ, nên đội quân của Phùng Xuất Nghĩa chủ yếu tập kích các đồn giặc vào ban đêm, phục kích các cánh quân đi càn, đi tuần tiễu. Ông chỉ huy đánh các kho vũ khí quân lương, cướp thuyền của bọn công giáo phản động chở lương thực, thực phẩm tiếp tế cho quân Pháp. Những hoạt động quân sự, tình báo của Phùng Xuất Nghĩa gây cho quân Pháp nhiều tổn thất, nhiều lần giặc Pháp tung quân đi đánh song đều bị ông đánh cho thất bại. Giặc Pháp thuyết phục dụ dỗ ông theo chúng, ông khảng khái từ chối. Chúng đã bắt được ông tra tấn cực kỳ dã man, Phùng Xuất Nghĩa đã hy sinh. Nhân dân vùng Hồ Tây vô cùng thương xót và kính trọng. Nhiều gia đình đã lập bàn thờ ông và lưu truyền sự tích anh hung của ông đến mãi ngày nay. (Sách 284 Anh hùng hào kiệt của Việt Nam, NXB CAND, Vũ Thanh Sơn, 2009).
Tham tri Phùng Duy Cần - Thế kỷ XIX([4]).
Sinh năm 1890, quê làng Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (tài liệu Toàn quyền Đông Dương viết, quê ông ở Hạ Từ, Hà Tĩnh). Ông học chữ Hán, tự học chữ Pháp, năm 25 tuổi đậu Tú Tài khoa Ất Mão (1915, Duy Tân thứ 9). Hoạn lộ của ông bắt đầu từ một người thợ ở bộ Công (1910). Ông đã trải qua các chức Thừa phái (1912), Tư vụ (1917), Viên ngoại (1924, Tri phủ (1926), Quản Đạo KonTum (1928), Án sát Bình Thuận (1930), Tá Lý (1933) rồi Thị lang bộ Công, Quản Đạo Gia Lai (1934). 5 năm sau ông lại được rút về Huế làm Thị lang bộ Hình, ít lâu sau lại chuyển qua Tham tri bộ Lại (1939), rồi bộ Lễ, bộ Công (1942). Nhờ vốn kiến thức tự học về kiến trúc xây dựng ông đã được bộ Công tín nhiệm giao cho ông tổ chức tu sửa, xây dựng nhiều công trình lớn của triều đình Huế như: Trường Hậu Bổ xây dựng trên mảnh đất Nha Thương Bạc xưa (nơi tọa lạc Nhà hát Hưng Đạo ngàynay), Trường Quốc Tử Giám (Nhà Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Thừa Thiên Huế ngày nay), Viện Cơ Mật (Trụ sở Trung tâm bảo tồn Cố đô di tích (TTBTDT) - Cố đô Huế ngày nay, Cung Trường Sanh (từ 1915 đến 1919), ông trực tiếp chỉ huy công trường xây dựng Lăng Vạn Vạn (thân mẫu vua Khải Định) ở An Cựu và Lăng Khải Định ở Châu Ê (1919-1926). Trong thời gian làm Quản Đạo ở Tây Nguyên ông đã có công mở rộng đô thị và thành lập nhiều làng ở KonTum và Pleiku. Ba lần đóng góp vào cuộc thám hiểm chống lại các cuộc khởi nghĩa năm 1929. Phái đoàn chính phủ An Nam thực hiện chuyến đi kiểm soát các khu vực chiến lược (đường số 14) vào tháng 3 năm 1940. Tham tri Phùng Duy Cần là cha đẻ của ông Phùng Duy Phiên, Vụ trưởng Vụ Thể thao Quốc phòng thuộc Ủy ban Thể thao Quốc gia (1962);Ông cũng là cha đẻ của Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học - nghệ thuật châu Âu (Điêu khắc), Tiến sĩ y học ở Paris (Nha khoa).
Năm 1955, Điềm Phùng Thị nghiên cứu bản đồ Tây Nguyên chuẩn bị thăm chốn cũ - nơi bà đã theo cha khi ông làm Quản đạo ở Gia Lai và KonTum (1928-1934), bà đã tìm thấy một buôn làng còn giữ tên Play Kần do dân địa phương đặt để nhớ cụ thân sinh bà.

  

THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH  

Nối tiếp truyền thống các bậc tiền nhân, họ Phùng Việt Nam kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, các thế hệ người họ Phùng Việt đã đồng hành cùng bách họ Việt Nam tham gia cuộc cách mạng vì độc lập dân tộc, giải phóng quê hương đất nước, xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Nhiều thế hệ người họ Phùng đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc để bảo vệ độc lập tự do, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hạnh phúc của nhân dân. Nhiều người họ Phùng không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, gian khổ đạt nhiều thành tích trong lao động, công tác và học tập được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở các vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Trong bài viết này, như đã nói ở trên, chưa có đủ thông tin để ghi lại đầy đủ các sự kiện, các tập thể và cá nhân họ Phùng mà bạn đọc mong muốn. Đồng thời trong quá trình biên tập có nhiều khó khăn, không tránh khỏi thiếu sót, trân trọng kính mong bạn đọc thông cảm.
 

ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ
TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 
Phùng Quang Thanh.
Năm sinh: 2/2/1949.
Quê quán: xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc thành phố Hà Nội).
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ba khóa IX, X, XI (2001-2016).
Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hai khóa X và XI (2006-2016).

 

ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 
Phùng Hữu Phú.
- Năm sinh: 9/8/1948.
- Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Quê quán: xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hai khóa IX, X (2001-2011).
 
Phùng Quốc Hiển.
- Năm sinh: 6/4/1958.
- Quê quán: xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X, XI, XII (2006-2020).
 
Phùng Thanh Kiểm.
- Năm sinh: 1958.
- Quê quán: xã Thiện Long, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.
- Dân tộc: Nùng.
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI (2012-2016).
 
Phùng Xuân Nhạ.
- Năm sinh: 3 tháng 6 năm 1963.
- Quê quán: thôn Hạ Cát, xã Tống Phan, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI (dự khuyết), XII (2011-2020).
 

LÃNH ĐẠO QUỐC HỘI, CHÍNH PHỦ.

 
Bác sĩ Phùng Văn Cung.
Năm sinh: 15/5/1909.
Quê quán: làng Tân An, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay là phường 9, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).
Phùng Văn Cung sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân có mức sống trung bình. Cha là Phùng Văn Thân, một nông dân có học thức, sống hòa nhập với cộng đồng nhà nông được bà con xóm phố kính nể và quý mến. Mẹ là Nguyễn Thị Lới, là cô gái xinh đẹp, giỏi nội trợ, đảm đang, quán xuyến gia đình, bà là người gốc miền Trung, chịu ảnh hưởng nho giáo, chăm sóc dạy con biết lễ nghĩa, hiếu thảo, làm việc có ích cho xã hội và đất nước. Phùng Văn Cung sớm thoát li gia đình, là học sinh giỏi xuất sắc ở các cấp, ông Năm Cung được hưởng học bổng từ bậc trung học đến đại học, thi đỗ Đại học Y khoa Hà Nội. Vợ ông, bà Lê Thoại Chi, sinh năm 1913, quê ở Cái Tầu, Sa Đéc, con gái một gia đình giàu có. Sau khi kết hôn, bà tự nguyện theo chồng ra Hà Nội chăm sóc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chồng yên tâm học tập thành tài. Ông tốt nghiệp bác sĩ năm 1937, ở tuổi hai mươi tám (thời đó, những con nhà bình dân không dễ gì theo học Đại học Y khoa suôn sẻ, nếu không được sự giúp đỡ che chở của người nhà có thế lực và giàu có).
+ Tháng 8/1945 ông tham gia hoạt động cách mạng, cướp chính quyền tại quê hương Sa Đéc.
+ Được ông Nguyễn Văn Linh, Bí thư Xứ ủy mời ra chiến khu, tháng 9 năm 1959, ông rời bỏ thành phố Sài Gòn bí mật đưa cả gia đình vào chiến khu miền Đông hoạt động cách mạng đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Ông là trí thức Sài Gòn đầu tiên đến căn cứ cách mạng bí mật, nằm giữ vùng rừng thiêng nước độc, ông đã cùng các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy tham gia dự thảo Chương trình 10 điểm lời hiệu triệu nhân dân miền Nam đứng lên giành lấy chính quyền.
+ Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tuyên bố thành lập, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương lâm thời Măt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
+ Năm 1962, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã bầu bác sĩ Phùng Văn Cung làm Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
+ Tháng 3/1969, bác sĩ Phùng Văn Cung làm Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội Hồng thập tự Giải phóng miền Nam Việt Nam, làm Trưởng phái đoàn của quân dân miền Nam ra thăm miền Bắc theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân miền Nam.
+ Ngày 6/6/1969, Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam họp đã bầu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Bác sĩ Phùng Văn Cung được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Khen thưởng:
+ Huân chương Độc lập hạng Nhất.
+ Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
+ Huân chương Kháng chiến Giải phóng hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba.
+ Nhà nước Hung-ga-ri đã tặng ông Huân chương vì sự nghiệp phong trào hòa bình thế giới.
 
Luật sư Phùng Văn Tửu
- Năm sinh 22/7/1923.
- Quê quán: xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. 
- Tham gia hoạt động cách mạng năm 8/1945; vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 12 năm 1946.
- Chức vụ:
+ Năm 1979, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.
+ Tháng 5 năm 1981, Đại biểu Quốc hội khóa 7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
+ Tháng 6 năm 1987 Đại biểu Quốc hội khóa 8, Phó chủ tịch Quốc hội.
+ Năm 1987-1992, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam; tháng 9 năm 1992, Phó chủ tịch Quốc hội.
+ Tháng 9 năm 1992, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Đảng đoàn Quốc.
- Khen thưởng:
+ Ngày 5 tháng 11/2011, Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
+ Huân chương Độc lập hạng Ba.
+ Huân chương Kháng chiến Chống Pháp hạng Nhì.
+ Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
- Ông mất ngày 17/7/1997 khi còn đương nhiệm. An táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
 
Tiến sĩ Phùng Quốc Hiển.
- Năm sinh: 6/4/1958.
- Quê quán: xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
- Đảng viên: 20/10/1986.
- Chức vụ: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công sản Việt Nam các khóa: X, XI, XII; Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Tại kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII (2011-2016) đã bầu ông làm Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam;
- Tại kỳ họp 1, Quốc hội khóa XIV (2016-2020) đã bầu ông làm Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.

 


[1]Theo thần tích thôn Thanh Lãm và thôn Phú Nghĩa.
- Chân dung nữ anh hùng Việt Nam các thời đại. Nxb Lao động - Hà Nội - 2009.
- Danh thần danh nhân họ Phùng đất Việt. Tập 1 - Nxb Văn hóa Thông tin năm 2009
[2]Chân dung nữ tướng anh hùng Việt Nam các thời đại. Nxb Lao động - Hà  Nội - 2009.
- Danh thần danh nhân họ Phùng đất Việt tập 1 - Nxb Văn hóa Thông tin - 2009
[3]- Đại Việt Sử ký Toàn thư, tập 1 trang 253-254, Nxb Khoa học Xã hội - Hà Nội - 1998.
- Bia đình làng Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội.
[4]Chính phủ chung của Đông Dương, dịch vụ thông tin, chủ quyền và tôn giáo Đông Dương. Hồ sơ theo thứ tự chữ cái, Hà Nội, IDEO, 1943.


(Còn tiếp)

Họ Phùng Việt Nam