(Thứ tư, 10/08/2022, 09:58 GMT+7)

Trong thời gian vừa qua, Tiến sĩ - Thượng tá Phùng Mạnh Cường đã phấn đấu học tập và trưởng thành trong Học viện Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Là người con vùng đất Cửa Lò - Nghệ An, nơi quê hương của Đô đốc Phùng Phúc Kiều, một danh nhân họ Phùng, một danh thần có công với nước. Hiện nay, các nhánh họ Phùng Cửa Lò - Nghệ An rất đoàn kết và phát huy tốt truyền thống của họ Phùng Việt Nam, họ Phùng Cửa Lò đã trùng tu tôn tạo Khu đền thờ danh nhân Phùng Phúc Kiều. Tiến sĩ - Thượng tá Phùng Mạnh Cường luôn ý thức sâu sắc truyền thống quê hương nguồn cội, đã thực hiện tốt sự phân công của Hội đồng họ Phùng Việt Nam tham dự và viết các tham luận khoa học, bài viết về các danh nhân, danh thần họ Phùng trong tiến trình lịch sử. Website Họ Phùng Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết và một số hình ảnh của anh.



TIẾN SĨ - THƯỢNG TÁ PHÙNG MẠNH CƯỜNG

Ngày sinh: 26/1/1978
Quê quán: phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An
Ngày nhập ngũ: 1/10/1996
Cấp bậc: Thượng tá
Chức vụ: Chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế Quân sự Mác-Lênin, Khoa Kinh tế Chính trị, Học viện Chính trị
Trình độ: Tiến sĩ (2018)
Vợ: Đinh Thị Lan Hương (1978); cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Cầu Giấy, Hà Nội
Con: Phùng Phương Linh (2006) và Phùng Quỳnh Anh (2012); học sinh














 
 
XÁC LỘC HẦU  PHÙNG ĐỨC NHUẬN TRONG PHỦ CHÚA, CUNG VUA - GÓC NHÌN HẬU THẾ
 
Tiến sĩ - Thượng tá Phùng Mạnh Cường

Mặc dù là một vị đại quan có công lao to lớn thời Vua Lê - Chúa Trịnh - thời kỳ khác biệt trong lịch sử dân tộc nhưng hiện không có nhiều sử liệu ghi chép về Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận. Tuy nhiên những sử liệu hiện có cũng đủ để làm toát lên hình ảnh một bậc đại quan phẩm hạnh, đức độ và tài năng, có công lao to lớn trong cân bằng quyền lực giữa Vua Lê - Chúa Trịnh, giữ cho cương thường đạo lý lễ giáo phong kiến được yên ổn, giữ cho càn khôn nhật nguyệt khỏi đổ trong một thời kỳ rối ren của lịch sử dân tộc. Chẳng phải đó là có công lao to lớn của Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận đóng góp cho triều cương thời vua - chúa cùng song tồn hay sao.

Đôi dòng về Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận

Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận là vị Tổng Thái giám đứng đầu Giám ban thời Vua Lê - Chúa Trịnh. Sách Yên Dũng - Miền đất địa linh nhân kiệt  phần Nhân tài võ lược có ghi: “Phùng Đức Nhuận, người Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Là vị quan triều Lê, thế kỷ XVIII”. Phùng Đức Nhuận sinh năm Quý Sửu (1673, đời vua Lê Gia Tông), mất ngày 26 tháng 7 năm Tân Hợi (1731, đời vua Lê Duy Phường), hưởng thọ 59 tuổi. Phần mộ được Chúa Trịnh cho an táng tại xứ Rừng Ma, nay thuộc xã Nội Hoàng, Huyện Yên Dũng, Tỉnh Bắc Giang. Đương thời, ông được phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, làm quan hầu cận ở cung Đoài, giữ chức Phó chi hình phiên, Thị nội giám, Tư lễ giám. Sau được phong chức Tổng Thái giám, tước Xác Lộc hầu. Khi mất, trong văn bia niên hiệu Vĩnh Khánh nguyên niên dựng năm 1729 có ghi công trạng của ông: “Là vị quan trọng yếu của triều đình, giữ chức Tri thị nội thư, Tả lại phiên, Thị nội giám, Tư lễ giám, kiêm Tổng Thái giám, Xác Lộc hầu Phùng Lệnh công”. Cũng có tài liệu Hán Nôm ghi ông là Tổng Thái giám các đời vua Lê Hy Tông, Lê Dụ Tông, Lê Thuần Tông và là người được các đời vua Lê, chúa Trịnh rất tin dùng. Ở vị trí Tổng Thái giám, Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận có quyền lực đã lên đến tột đỉnh trong Giám ban, tước lộc chỉ kém quan Thượng thư đầu triều một bậc nhưng thực quyền thân cận với vua Lê, chúa Trịnh thì hơn hẳn các bậc đại quan khác trong triều đình.

Nói về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và công lao cống hiến của Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận có lẽ cần nhiều thời gian sưu tầm, tập hợp sử liệu và cũng cần rất nhiều công sức nghiên cứu công phu của các viện nghiên cứu, các nhà sử học, các nhà khoa học… Tuy nhiên, với tư cách là hậu thế và với góc nhìn hiện tại, với tư cách là con cháu Phùng tộc, bản thân tôi xin tham gia luận bàn một vài khía cạnh về tiền nhân Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận để cùng suy ngẫm.

Công đức Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận và góc nhìn hậu thế

Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận - một vị quan tài, đức của dòng họ, đóng góp một phần quan trọng trong hình thành truyền thống của Họ Phùng và định hình lịch sử dân tộc trong giai đoạn đặc biệt rối ren Vua Lê - Chúa Trịnh. Trong chiều dài lịch sử đất nước, ở các thời điểm nguy nan nhất, khó khăn nhất luôn xuất hiện những vị vua, quan, tướng lĩnh họ Phùng danh tiếng, với tài năng, trí tuệ, đức độ của mình đã tạo nên những bước ngoặt cho nền độc lập nước nhà, góp phần kiến tạo nền quân chủ và bảo vệ dân tộc trước sự xâm lăng của kẻ thù từ Phương Bắc. Từ thời hai bà Trưng cho đến lịch sử cận, hiện đại nhiều bậc anh hùng họ Phùng luôn xuất hiện như nữ tướng Phùng Thị Chính thời hai bà Trưng; Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa thời Lý Bí; Bố cái đại vương Phùng Hưng; Quan thái phó lưỡng triều Phùng Tá Chu đời nhà Lý, nhà Trần; Hộ bộ Thượng thư Phùng Khắc Khoan thời triều Lê - Trịnh; Đô đốc Thượng tướng quân Phùng Phúc Kiều; Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận… Rõ ràng lịch sử đã ghi nhận công đức to lớn của Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận dưới thời Vua Lê - Chúa Trịnh như một minh chứng về sự đóng góp liên tục của truyền thống Phùng tộc đối với vận mệnh và lịch sử dân tộc Việt Nam.

Phẩm đức, tài hoa trong xã hội phong kiến cha truyền con nối đầy rẫy những định kiến không dễ dàng được trọng dụng. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận được trọng dụng trong cả cung vua, phủ chúa. Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận còn nhận được sự sủng ái đặc biệt của hai đời chúa Trịnh là Trịnh Căn và Trịnh Cương. Chắc chắn rằng phải là một nhân cách, một trí tuệ nhạy cảm về chính trị, có nhãn quan chính trị nhạy bén, sâu sắc mới có thể “chiều lòng” được cả vua Lê và chúa Trịnh. Tuy nhiên, sự “chiều lòng” ở đây không phải thể hiện là một ông quan nịnh hót như mẫu hình của một hoạn quan truyền thống trong xã hội phong kiến mà là sự khéo léo về chính trị, sự sắc bén về trí tuệ, đủ đức và tín để “tham mưu” cho vua Lê, chúa Trịnh đưa ra các quyết sách quản lý, dùng người hợp lý, nhờ đó duy trì được chế độ quân chủ trong thời gian dài, cũng nhờ đó đất nước có sự ổn định nhất định. Hơn nữa trong bối cảnh chính trị rối ren, lòng dân không thuận, ngọn cờ “Phù Lê, diệt Trịnh” nổi lên khắp nơi. Trong tình cảnh đó, việc giữ được cân bằng quyền lực, đồng thời giữ yên cho ngôi vua nhằm củng cố, giữ yên lòng dân và giúp cho phủ chúa tồn tại song hành và phát huy quyền lực đòi hỏi phải là người có tài năng, đức độ xuất chúng, đủ để cả vua, cả chúa đều tin dùng.

Lưu danh sử sách chắc hẳn phải là con người có công trạng nhưng lại yêu nước, thương dân, dù làm quan phẩm tước gì vẫn không thể rời xa quê hương bản quán. Từ những sử liệu về Phùng Đức Nhuận, hậu thế có thể khẳng định rằng tiếng nói, tài trí, đức hạnh thể hiện trong các bức tấu trình của ông với vua Lê - chúa Trịnh đều xuất phát từ lợi ích của triều đình, của nhân dân, ông sống đúng như câu ca dao: “Thương dân, dân lập đền thờ”. Bia đình Chiền khắc ghi công đức, tài năng, đức độ của Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận rằng: “Phùng Tướng công là viên quan trọng yếu của triều đình. Nhờ gặp được bậc vua hiền, tựa như cá gặp nước, như rồng gặp mây, thả sức thể hiện tài trí mà đức hạnh ngày nay càng được tôn quý. Bổng lộc tốt đẹp ngày càng nhiều thêm. Kính cẩn phụng thờ thần, nên đã chuẩn bị lễ nghi phụng thờ như con trẻ đến những người già cả thì miễn trừ công việc, thu thuế nhẹ, trừ bỏ những điều nhũng nhiễu cuộc sống của dân, mang ân ban cho dân. Việc ấy tựa như đem đến sự sống cho những nơi hoang tàn thêm phát triển. Những người cảm mến công đức của ông thật đông, đức hạnh của ông cảm động sâu sắc đến mọi người”.

Với tư cách là vị đại quan đứng đầu Giám ban (Tổng Thái giám) Phùng Đức Nhuận đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Tổng Thái Giám là chức vị do Chúa Trịnh Cương lập nên nhằm quản lý, điều phối quan hệ và cân bằng quyền lực giữa Phủ Chúa và Cung Vua. Tổng Thái Giám có vai trò quản lý ngân khố, định việc thu thuế, thanh quyết toán chi tiêu ở cung đình, phụ trách giao thương với ngoại bang. Giám Ban còn có vai trò to lớn trong xem xét việc đề bạt, bổ dụng chức quan trong Cung Vua - Phủ Chúa.  Với trọng trách đó, việc gìn giữ phẩm hạnh bản thân và giúp chúa Trịnh điều hành công việc, nhất là lựa chọn người có tài đức để bổ dụng là vấn đề sống còn. Ở một vị trí quyền lực luôn va chạm với những vấn đề nhạy cảm cả về chính trị lẫn kinh tế, ngân khố như vậy nếu không phải là vị đại quan thanh liêm, đức hạnh chắc hẳn sẽ là một tổn thất lớn cho triều cương và vận mệnh dân tộc. Chính vì vậy, hậu thế không chỉ nhìn thấy ở Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận hình ảnh một vị đại quan thanh liêm, chính trực, trung quân, ái quốc, thương dân mà còn là một bậc hiền tài với nhãn quan chính trị sắc sảo, không bị chi phối bởi tình cảm hay lợi ích cá nhân trong phát hiện, tiến cử người tài cho triều chính. Lịch sử giai đoạn này chứng minh có một vị võ quan tài năng quê hương Yên Dũng được Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận tiến cử, được chúa Trịnh tin dùng là Hoàng Ngũ Phúc. Nhờ tài năng quân sự nổi bật và công lao to lớn, Hoàng Ngũ Phúc đã được phong là Tả Thiếu Giám, Việp Quận Công. Ông là võ tướng tài ba, có công giúp nhà Lê - Trịnh đàn áp thắng lợi các cuộc khởi nghĩa nông dân, đánh bại các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, thu phục anh em Nguyễn Nhạc ở miền Trung, củng cố thế lực của triều Lê-Trịnh ở Đàng Ngoài… Phải chăng người tài thực sự chính là có tài phát hiện ra người tài để tiến cử cho triều đình phò chúa, giúp vua, an thiên hạ - công lao đó trong thời Vua Lê - Chúa Trịnh há chẳng phải là của Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận sao. Xét cho cùng thời nào cũng thế, ngay cả bây giờ để sự nghiệp cách mạng của Đảng thành công phải làm tốt công tác phát hiện, tiến cử, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm được đội ngũ những người đủ tài, đức. Vai trò đó chính là trọng trách mang tính lịch sử của cơ quan và người đứng đầu việc quản lý, bổ nhiệm, sử dụng con người ở thời trước và cán bộ ở thời nay.

Thay lời kết!

Có thể khẳng định rằng đời nào lịch sử cũng cần người tài, đức vẹn toàn để chấn hưng dân tộc. Thật đáng tự hào trong dòng chảy đầy thăng trầm của lịch sử Việt Nam luôn có những vị vua, văn quan, võ tướng, những bậc anh hùng đa mưu, túc trí, dũng mãnh hơn người là những người con họ Phùng. Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận là một trong những đại quan họ Phùng như thế. Đức hạnh, trí tuệ, tài năng của Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận được lịch sử ghi nhận, trở thành một phần lịch sử dân tộc và là niềm tự hào của hậu thế họ Phùng hôm nay và mãi mãi về sau. Nối tiếp mạch nguồn truyền thống Phùng tộc, hy vọng rằng trong thời đại Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ tiếp tục có những người con họ Phùng có những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp chấn hưng đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với truyền thống Phùng tộc và các bậc tiền nhân họ Phùng.