(Thứ năm, 27/01/2022, 09:30 GMT+7)

 
TIẾN SĨ PHÙNG THẢO
NHÀ SỬ HỌ PHÙNG
 

PGS. TS Đỗ Lai Thúy
Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa
 
 

       Trong thực tiễn công tác cũng là cơ duyên, một số thành viên Viện Nhân học Văn hóa đã có dịp hợp tác và tham góp với Hội đồng họ Phùng Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thực hiện các tham luận trong một số Hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử họ Phùng trong tiến trình lịch sử. Các cuộc Hội thảo khoa học đó, có nhiều cuộc đã trở thành sự kiện khoa học trong giới khoa học lịch sử và nhân văn, được dư luận đánh giá cao. Trong những kỳ cuộc Hội thảo này, ngoài Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Chủ tịch hội đồng họ Phùng Việt Nam và nhà văn Phùng Văn Khai, Thường trực Hội đồng họ Phùng, thì chúng tôi rất ấn tượng với Tiến sĩ Phùng Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam, một trong những yếu nhân chủ chốt trong hành trình tổ chức nghiên cứu và biên soạn các công trình về danh nhân họ Phùng Việt Nam trong tiến trình lịch sử.
        Họ Phùng, mặc dù không phải họ lớn hàng đầu, nhưng để lại nhiều dấu mốc chói lọi trong lịch sử dân tộc và trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ thời các vua Hùng dựng nước, đã xuất hiện những nhân vật lịch sử họ Phùng. Đó là Phùng Lực Đại Vương đã lập nhiều công trạng đã được ghi vào sử sách, được các đời sau lập đền thờ. Đó là nữ Thần tướng Phùng Thị Chính, trụ cột giúp Hai Bà Trưng giành độc lập dân tộc, xây dựng triều đình Lĩnh Nam vang dội mấy nghìn năm. Đó là Trạng vật Phùng Thanh Hòa, Hữu tướng quân của Lý Bí - Lý Nam Đế. Ngài cũng là người khuông phò tích cực trong công cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Lương, kiến lập nên nước Vạn Xuân. Lý Nam Đế cũng là người đầu tiên xưng Đế trong lịch sử Việt Nam. Tiếp đến là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Đường. Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng chính là anh hùng giải phóng dân tộc. Tiếp đó là Phùng Tá Chu, người có công rất lớn trong sự chuyển tiếp quyền lực không phải dùng đến binh đao từ nhà Lý sang nhà Trần và góp phần củng cố sự ổn định của nhà Trần trong giai đoạn đầu tiên. Đến thời Lê trung hưng là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, một danh nhân văn hóa, một danh thần triều đại, một nhà thơ, sứ thần và ông tổ nghề làm rạng danh tài trí nước nhà. Tiếp đến còn rất nhiều nhân vật lịch sử họ Phùng từ trung đại như Phùng Phúc Kiều, Phùng Đốc, Phùng Hữu Hiệu, Phùng Ông, Phùng Trạm… cho tới thời hiện đại như Phùng Văn Cung, anh em Phùng Văn Tửu, Phùng Thế Tài, Phùng Văn Khầu, Phùng Quang Thanh...
       Để hệ thống lại một thân tộc, chúng ta cần đến một sơ đồ phả hệ, nhưng đối với một dòng họ có truyền thống kéo dài cả nghìn năm lịch sử không thiếu những đứt gãy gián đoạn của thời cuộc, phải cần đến việc kết nối các điểm sáng. Điểm ở đây là những nhân vật kiệt xuất của dòng họ, nổi lên ở một giai đoạn lịch sử cụ thể và có công lao đóng góp cho đất nước. Từ việc kết nối các điểm sáng này, tức nghiên cứu các trường hợp nhân vật lịch sử cụ thể, nhằm chỉ ra sự kế thừa mang tính chất gián truyền của dòng họ, tìm ra mẫu số chung chảy trong huyết quản họ tộc. Đây đã và đang là cách làm của họ Phùng và của Tiến sĩ Phùng Thảo với tư cách là một trong những người chủ chốt hoạch định, tổ chức các nội dung nghiên cứu, tiến hành Hội thảo và biên soạn, phát hành những bộ sách hết sức công phu.
       Cuốn sách Họ Phùng Việt Nam trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của Tiến sĩ Phùng Thảo, như tên gọi của nó, là một pho lịch sử họ Phùng thông qua các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử, từ buổi đầu dựng nước cho đến thời hiện đại ngày nay. Như đã trình bày ở trên, cách tiếp cận này có chỗ không tránh khỏi tính chất biên niên, thiên về tư liệu với sự tổng hợp từ thực tế. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, đây cũng là phương pháp tốt nhất để thực hiện tập sách theo ý đồ thực chứng bằng phương pháp khoa học lịch sử, góp phần để các thế hệ sau này có được nền tảng nhất định trong tìm hiểu, đánh giá, soi rọi ngọn nguồn dòng họ. Đặc biệt, đến với những bài viết về nhân vật lịch sử họ Phùng tiêu biểu, lại cho thấy hướng giải quyết khả thi trước khó khăn về sự khan hiếm cứ liệu lịch sử. Dường như có thể khái quát quá trình nghiên cứu một nhân vật lịch sử họ Phùng theo quy trình: đầu tiên là nhận diện, tìm tòi phát hiện nhân vật lịch sử trong các tài liệu ghi chép sử và tộc phả; tiếp đến là khám phá, từ dữ kiện sử liệu hạn chế kết hợp với điền dã để mở rộng thêm về nhân vật; và sau cùng là giải mã, từ những kết quả đối sánh đã đạt được để luận suy về vai trò của nhân vật trong bối cảnh lịch sử - văn hóa thời đại. Bố cục tác phẩm của Tiến sĩ Phùng Thảo, do đó, là sự phản ánh của quy trình này.
       Qua toàn bộ các phần của bộ sách, đã chứng minh cách thực hiện vừa trên tinh thần khoa học lịch sử vừa thể hiện sự tri ân sâu nặng với tiền nhân nên nhiều trang viết vừa có văn vừa có sử, một phương pháp mà sinh thời các nhà sử học nổi tiếng như Trần Quốc Vượng, Bùi Duy Tân, Trần Lê Sáng rất tán đồng.
       Phần lớn ghi chép về những nhân vật họ Phùng thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc trong các tài liệu được coi là chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, ĐạiViệt sử lược,Khâm Định Việt sử thông giám cương mục,Đại Nam thực lục… là rất ít ỏi, thậm chí như trường hợp Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa - một trong những yếu nhân của triều đình Lý Nam Đế - là gần như không có. Nhưng đó là giới hạn của việc chép sử (historiography) chứ không phải là giới hạn của bản thân lịch sử. Không có tài liệu thành văn không có nghĩa là không thể nghiên cứu. Bởi đối với một giai đoạn tiền sử hay khuyết sử, không thể áp dụng cứng nhắc phương pháp thực chứng, duy kiện của sử học. Vì vậy, để thám mã và minh định Phùng Thanh Hòa hay Phùng Hưng, buộc phải viện đến những cách tiếp cận khác, tìm về dân gian và huyền thoại, tìm về lịch sử truyền miệng. Điền dã là phương pháp cơ bản của cách tiếp cận này và được Tiến sĩ Phùng Thảo sử dụng triệt để trong tác phẩm của mình. Tác giả bỏ công đi điền dã về các vùng đất, đến với các đình chùa, miếu thờ địa phương để khảo sát văn bia, sắc phong, khai thác và ráp nối những mảnh vỡ truyện kể trong tâm thức nhân dân.
       Đặc biệt, trong tham luận Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Anh hùng giải phóng dân tộc, Tiến sĩ Phùng Thảo đã đi điền dã hàng chục tỉnh thành, tới trên một trăm di tích lịch sử liên quan đến Bố Cái Đại Vương, chụp ảnh và tổng hợp các bản dịch đạo sắc phong qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, từ đó kết hợp với sử liệu để phác lên một bức tranh toàn diện về nhân vật lịch sử họ Phùng đầy oanh liệt này. Trong Hội thảo khoa học Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, các vị chủ trì Hội thảo như nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin thành phố Hà Nội cùng một số nhà khoa học lịch sử hàng đầu đã kinh ngạc và ghi nhận sự công phu của Tiến sĩ Phùng Thảo.
       Trước đó, ở Hội thảo khoa học đầu tiên, Họ Phùng trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước do Ban Liên lạc Họ Phùng Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám năm 2011, Tiến sĩ Phùng Thảo đã lặn lội dành thời gian viết về nhân vật lịch sử Phùng Phúc Kiều của mảnh đất Cửa Lò - Nghệ An rất tâm huyết.
       Trong Hội thảo khoa học Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp, Tiến sĩ Phùng Thảo đã được Ban Liên lạc họ Phùng Việt Nam giao trọng trách chỉ đạo phối hợp với Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất tiến hành tổ chức trọng thể nhân dịp 400 năm ngày mất của Trạng Bùng gây tiếng vang lớn và giá trị giáo dục truyền thống, nhất là với thế hệ trẻ trong và ngoài họ Phùng.
       Trong Hội thảo khoa họcThái phó lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp do Hội đồng họ Phùng Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì - thành phố Hà Nội năm 2017 chủ trì, Tiến sĩ Phùng Thảo không chỉ hoạch định và chỉ đạo tổ chức mà còn viết bài tham luận rất sâu sắc.
       Việc dựng lên và tái hiện chân dung sống động của những nhân vật lịch sử như Phùng Thanh Hòa, Phùng Hưng, Phùng Tá Chu, Phùng Khắc Khoan, Phùng Phúc Kiều… trước đây còn tồn tại nhiều mảng tối khuất lấp, theo tôi, là thành công lớn nhất của cuốn sách này.
       Một điều thú vị cũng là phần quan trọng trong tập sách của Tiến sĩ Phùng Thảo, đó chính là những bài viết công phu như những công trình nghiên cứu về những vị nhân sĩ trí thức, nhân vật lịch sử, tướng lĩnh, người có công với nước mang họ Phùng trong thời đại Hồ Chí Minh.
       Khi chúng tôi tiếp cận với cuốn sách Nhà trí thức Phùng Văn Cung và Cách mạng miền Nam do Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức năm 2013 tại Vĩnh Long đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của ông với bác sĩ Phùng Văn Cung - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - Phó Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Cũng trong khoảng thời gian này, Tiến sĩ Phùng Thảo được Ban Liên lạc họ Phùng Việt Nam phân công, phối hợp tham gia tổ chức cuộc Hội thảo trên, ông đã dày công nghiên cứu tại Thư viện Quốc gia, Cục Lưu trữ Quốc gia và gặp gỡ các nhân chứng liên quan tới bác sĩ Phùng Văn Cung. Trong các cuộc gặp gỡ và ghi chép để viết thành tham luận, chúng tôi rất ấn tượng với cuộc gặp gỡ của Tiến sĩ Phùng Thảo với bác sĩ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Kim Hà - người con dâu hiếu thuận, người đã chăm sóc bác sĩ Phùng Văn Cung tới tận phút cuối cùng. Tham luận của ông và nhà văn - nhà báo Đinh Phong đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong Hội thảo. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, đã đánh giá rất cao sự nhiệt tình, trí tuệ và tâm huyết của Tiến sĩ Phùng Thảo dành cho cuộc Hội thảo.
       Khi Hội đồng họ Phùng Việt Nam quyết định tổ chức thực hiện Hội thảo khoa học Thượng tướng Phùng Thế Tài - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp, nhân 100 năm ngày sinh (1920-2020), Tiến sĩ Phùng Thảo và nhà văn Phùng Văn Khai đã tham mưu cho Hội đồng họ Phùng Việt Nam, xây dựng đề cương, tiến hành các buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam là lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân để tổ chức Hội thảo. Những khó khăn, thách thức trong quá trình tổ chức Hội thảo Thượng tướng Phùng Thế Tài - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp đều được Hội đồng họ Phùng Việt Nam trong đó có Tiến sĩ Phùng Thảo nỗ lực vượt qua. Bản thân tôi (ĐLT), cũng rất hứng thú khi được Hội đồng họ Phùng Việt Nam mời viết tham luận về Thượng tướng Phùng Thế Tài. Tôi đã lựa chọn khoảng thời gian Phùng Thế Tài tham gia bảo vệ Hội nghị trù bị tại Đà Lạt năm 1946 - thời điểm cách mạng đang đứng trước những thử thách mang tính bước ngoặt với sự mưu trí, quả cảm và đóng góp thiết thực của người con họ Phùng với cách mạng. Bản thân Tiến sĩ Phùng Thảo đã đóng góp một tham luận hết sức công phu tại Hội thảo này.
       Đối với Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nhiệm kỳ (2006-2016), người cùng tuổi trâu (1949) với Tiến sĩ Phùng Thảo thì dường như có mối quan hệ đặc biệt. Trong các tập sách về họ Phùng Việt Nam, Tiến sĩ Phùng Thảo đều có bài viết về Đại tướng Phùng Quang Thanh vừa tâm huyết vừa trọng thị đã tạo ra sự cảm mến đặc biệt của bạn đọc dành cho vị Đại tướng anh hùng. Tiến sĩ Phùng Thảo đã nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi với Đại tướng Phùng Quang Thanh và chắp bút viết về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng. Mỗi khi viết xong từng phần, Tiến sĩ Phùng Thảo lại trực tiếp tới trao đổi với Đại tướng, nhất là những phần về tuổi thơ cơ cực và những tháng ngày gian khổ cũng như tình cảm sâu lắng với quê hương. Dường như Tiến sĩ Phùng thảo rất đồng cảm với người con quê hương Thạch Đà - Mê Linh - Hà Nội. Cùng cái tuổi Kỷ Sửu, hai ông từ tấm bé đều gan góc vượt qua từng chặng đường đời gian nan để phấn đấu trưởng thành. Những trang viết về Đại tướng Phùng Quang Thanh là những trang đặc sắc nhất trong tập sách Họ Phùng trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nướccủa Tiến sĩ Phùng Thảo.
       Riêng phần thống kê, khái quát, trích lục những thành tích tiêu biểu của các cành nhánh họ Phùng trên cả nước, các cá nhân đảm đương các chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, các chức danh lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, Ngành trung ương và địa phương, các vị tướng lĩnh, các nhân sĩ trí thức tiêu biểu của họ Phùng trên cả nước đã cho thấy sự công phu và tấm lòng tri ân sâu sắc của Tiến sĩ Phùng Thảo với dòng tộc họ Phùng. Không thể nào ngờ, ở độ tuổi như ông (73 tuổi) lại dày công ghi chép và hệ thống vừa khoa học vừa nghĩa tình đến thế. Cảm động nhất là những tiến sĩ, nhà văn ở độ tuổi 7X, 8X cũng được vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam lứa 4X trân trọng đưa vào tập sách của mình.
Đó cũng là giá trị khoa học và nhân văn của Tiến sĩ Phùng Thảo - nhà sử học học Phùng vậy.
       Họ Phùng Việt Nam, trong hàng nghìn năm lịch sử đã sản sinh ra nhiều anh hùng dân tộc và nhân tài trí thức đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ lẫn xây dựng phát triển đất nước. Còn họ Phùng Việt Nam hiện đại, chỉ trong vòng mười năm, đã cho ra đời hơn chục công trình khoa học dày dặn nghiên cứu về những nhân vật lịch sử dòng họ mình, một con số không hề nhỏ, sánh ngang với một đơn vị nghiên cứu chuyên nghiệp. Phùng Thảo, vốn là Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử, bảo vệ tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Matxcơva Liên Xô năm 1986, với tình yêu sâu sắc dành cho dòng tộc đã cống hiến chuyên môn của mình để góp thêm một cuốn sách vào kho tàng đồ sộ này.
       Đối với Tiến sĩ Phùng Thảo, khi chúng tôi được mời tham gia các cuộc Hội thảo khoa học của dòng họ Phùng, đều nhận thấy tinh thần làm việc chăm chỉ, siêng năng, cầu thị và hết sức khoa học của ông. Ông luôn lắng nghe các ý kiến của người đối thoại, nhất là ý kiến của nhân dân tại các đình đền chùa miếu mà ông đi điền dã. Chính từ kho tàng kiến thức phong phú của nhân dân đã cho ông nền tảng sâu rộng và niềm tin lớn trong các công trình nghiên cứu về họ Phùng của mình.
       Xin được hân hạnh trao gửi cuốn sách đến tay bạn đọc!