(Thứ ba, 26/07/2022, 03:09 GMT+7)

Hoạn giả (eunuch) là một mẫu nhân vật độc đáo và gây tranh cãi trong lịch sử. Lịch sử từ rất sớm đã ghi nhận sự hiện diện của những nhân vật lịch sử kiểu này. Đặc biệt khi họ xuất hiện với vai trò là hoạn quan trong triều đình phong kiến, ban đầu với tư cách là những người bị hoạn thiến được đưa vào hậu cung để hầu hạ và quán xuyến việc quản lý, sau trở thành một thế lực lũng đoạn triều chính. Tuy nhiên, đã có những trường hợp trong lịch sử, hoạn giả đã bước ra khỏi cung kín, tham gia vào các hoạt động quân sự và trở thành một mẫu nhân vật mới - hoạn tướng. Điều này tưởng chừng vô lý và không tương thích, bởi theo quan niệm phổ thông, một người đàn ông khi bị tước bỏ bộ phận sinh dục đồng nghĩa với việc năng lực nam tính của họ bị suy yếu, huống gì nói đến chuyện chiến đấu và lãnh đạo cầm quân? Mặc dù vậy, lịch sử thế giới nói chung, và lịch sử Việt Nam nói riêng, đã cung cấp những bằng chứng không thể chối cãi về mẫu người này. Nhân vật chủ đề của hội thảo - Xác lộc hầu Phùng Đức Nhuận cũng có thể là một ví dụ tiêu biểu cho mẫu nhân vật hoạn tướng, vốn sẽ được làm rõ trong bài viết.

Khi bước đầu xem xét nhân vật hoạn tướng, không thể không truy nguyên về nguồn gốc của nó - một lịch sử khái lược về hoạn giả. Điều ngạc nhiên là, hoạn giả đã xuất hiện rất sớm ngay từ buổi hồng hoang của nền văn minh, và dường như, với vai trò đã được ấn định. Đầu tiên, chúng ta sẽ đi từ từ nguyên học, bản thân từ eunuch trong tiếng Anh xuất phát từ thuật ngữ Hy Lạp cổ đại εὐνοῦχος (eunoukhos). Nhưng định nghĩa chính xác đầu tiên được đưa ra về hoạn giả lại đến từ Ai Cập thế kỷ V, giai đoạn chuyển tiếp từ Cổ đại sang Trung đại. Orion thành Thebes cung cấp hai nghĩa cho từ hoạn giả, với nghĩa thứ nhất, hiển nhiên rất quen thuộc với quan niệm của chúng ta ngày nay, là to tēn eunēn ekhein (canh gác giường ngủ), và nghĩa thứ hai, to eu tou nou ekhein (tâm trí tốt), nghĩa này được Orion lý giải dựa trên việc hoạn giả bị “tước đi khả năng quan hệ” (esterēmenou tou misgesthai) của họ. Do đó, định nghĩa cơ bản về hoạn giả, theo từ điển Cambridge hay bách khoa thư Britannica, đều là chỉ người đàn ông đã bị cắt bỏ bộ phận sinh dục. Từ những liên kết ngôn ngữ trên, ta thấy ngay được sự phản chiếu của vị thế của hoạn giả trong bối cảnh văn hóa - xã hội.


Khu lăng mộ Xác Lộc hầu Phùng Đức Nhuận

Hoạn giả, bởi vậy, trở thành một đối tượng và đề tài nghiên cứu được các nhà sử học lẫn lịch sử văn hóa quan tâm. Một trong những công trình nghiên cứu bao hàm toàn diện hoạn quan trong các nền văn hóa cổ đại lẫn hiện đại từ Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Trung Hoa, vùng Cận Đông, thế giới sơ kỳ Kitô giáo và Hồi giáo là Eunuchs and Castrati: A Cultural History (2001) của tác giả Piotr O. Scholz. The Manly Eunuch: Masculinity, Gender Ambiguity, and Christian ideology in Late Antiquity (2001) của Mathew Kuefler quay trở về vấn đề nam tính và lấp lửng giới ở thời hậu kỳ Cổ đại xoay quanh hoạn quan La Mã.Shaun Tougher là một học giả chuyên nghiên cứu về hoạn quan, hai tác phẩm nổi bật của ông, The Eunuch in Byzantine History and Society (2008) nghiên cứu nối dài về hoạn quan trong lịch sử và xã hội Byzantine (Đông La Mã), và gần đây nhất là The Roman Castrati: Eunuchs in the Roman Empire (2021) là một nghiên cứu sâu về các hoạn quan thời La Mã. Cũng mở rộng thêm về vai trò của hoạn quan ở châu Âu sơ kỳ Hiện đại và xoay quanh vấn đề giới đương đại là Eunuchs and Castrati Disability and Normativity in Early Modern Europe (2019) của Katherine Crawfold. Về hoạn quan ở Trung Quốc, có hai công trình nghiên cứu bằng tiếng Anh tiêu biểu lần lượt là The Eunuchs in the Ming Dynasty (1995) của tác giả Shih-shan Henry Tsai nghiên cứu vai trò của hoạn quan thời nhà Minh và Eunuch and Emperor in the Great Age of Qing Rule (2018) nghiên cứu hoạn quan thời nhà Thanh của Norman. A. Kutcher. Ở trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều tác phẩm nghiên cứu tiêu biểu về hoạn quan trong diễn trình lịch sử thế giới.

Những dấu vết đầu tiên của hoạn giả trong lịch sử, như đã nói, hiện diện ngay từ buổi đầu văn minh. Việc cố ý thiến hoạn để tạo ra hoạn giả đã được ghi chép ở thành phố Lagash, thuộc nền văn minh của người Sumerian, phía Nam Lưỡng Hà, thiên niên kỷ thứ hai trước Công Nguyên [1]. Với đặc tính sinh học (nhân tạo) của mình, hoạn giả được đưa vào cung kín nhằm phục vụ các công việc hầu hạ cẩn mật, làm thị thần cho vua, trông nom, chăm sóc và thậm chí canh gác các thành viên nữ trong gia đình hoàng gia. Lúc này, họ đã trở thành hoạn quan. Sự thiến hoạn trở thành một yêu cầu của công việc, bởi một khi bị hoạn, các hoạn quan sẽ không còn ham muốn đối với phụ nữ.

Các hoạn quan trở nên phổ biến ở đế chế Assyria (850-622 TCN), trong triều đình của các Pharaoh Ai Cập thời vương quốc Ptolemy (305 TCN cho đến thời Cleopatra VII năm 30 TCN). Với các vị vua non trẻ, một số vị hoạn quan có quyền lực còn đóng vai trò nhiếp chính. Các hoàng đế La Mã như Claudius, Nero, Vitelliusvà Titus đã sử dụng hoạn quan như là một cố vấn chính trị trong triều đình, một truyền thống sau này kéo dài cho tới cả Đế quốc Byzantine. Hoạn quan thậm chí còn bước lên vũ đài quyền lực, với minh chứng tiêu biểu là Bagoas đã trở thành tể tướng của các vua Artaxerxes III và Artaxerxes IV nước Ba Tư, thậm chí còn là người nắm quyền lực chính trị đích thực cho tới khi bị vua Darius III sát hại. Không chỉ dừng lại ở chính trị, hoạn giả còn bước vào lãnh địa của đời sống tôn giáo, như một biểu tượng song hành giữa thế quyền và thần quyền, giữa chính trị và tôn giáo. Ở Constantinople, kinh đô của Byzantine, có rất nhiều vị giáo trưởng thực chất là hoạn giả. Còn ở Trung Đông, các hoạn quan cũng phát triển mạnh mẽ ở các trung tâm quyền lực của người Hồi giáo sau năm 750, và với tư cách là một tầng lớp cố vấn, hoạn quan chỉ biến mất khi Đế chế Ottoman kết thúc vào đầu thế kỷ XX.

Ở Á Đông, cụ thể là ở Trung Quốc và Việt Nam, ngoài hoạn quan (宦官),còn có nhiều danh xưng khác để chỉ hoạn quan: thái giám (太監), công công (公公), tự nhân (寺人), yêm nhân (閹人), nội thị (內侍), thị nhân, yêm hoạn, trung quan, nội quan, nội thân, nội giám...Một đặc điểm chung giữa những danh xưng trên, là chúng cũng là những chức vụ được quy ước dành cho hoạn giả trong triều đình. Hoạn quan cũng có một lịch sử lâu đời ở Trung Hoa, với hơn hai nghìn năm tham gia phục vụ các công việc cung đình và triều chính bắt đầu từ thời Tần [2]. Lý do tiên quyết để các hoạn quan được tin dùng là bởi khả năng không thể có con của họ, đồng nghĩa với việc họ không thể có tham vọng tiếm quyền và kiến lập triều đại mới. Tuy nhiên, sự gần gũi với hoàng đế và vương phi, cũng tạo cho các hoạn quan một quyền lực rõ rệt, và những xung đột giữa phe phái hoạn quan và các quan lại Khổng giáo là một hiện tượng phổ biến trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.

Như vậy, vai trò của hoạn quan đã được mở rộng, không còn chỉ bị giới hạn trong việc hậu cung, thay vào đó, nhờ vị thế thân tín tâm phúc của mình, hoạn quan có một ảnh hưởng quan trọng đối với các chủ nhân hoàng gia của họ và nâng cao mình lên trở thành những nhân vật đáng tin cậy và quyền lực. Một số vươn lên trở thành vệ sĩ, cố vấn mật, và thậm chí là quan lại, tướng lĩnh và đô đốc, tức trở thành hoạn tướng.

Có khá nhiều bằng chứng văn bản về các hoạn tướng trong lịch sử [3]. Trong lĩnh vực quân sự, hoạn tướng có thể được mô tả như các thủ quỹ, ghi chép thống kê tiền thưởng, tiền cống nạp và tù bình. Hoặc một số hoạn tướng có thể đảm lãnh nhiệm vụ tình báo cho vua. Đồng thời không thể không kể đến các hoạn tướng chiến đấu, một vài trong số họ vươn tới sự xuất chúng về khả năng chiến đẫu lẫn quản lý, từ những thủ hiến hay quan phủ tỉnh lẻ trở thành những chỉ huy và tướng quân sự. Đến đây, chúng ta đã có một định nghĩa cơ bản về hoạn tướng: một hoạn giả/hoạn quan nắm giữ các vị trí quân sự và tham gia chiến đấu. Để minh định khái niệm này một cách tỏ tường hơn, chúng ta sẽ đi qua một vài ví dụ trong lịch sử.

Một biểu trưng vĩ đại nhất và sớm nhất về hoạn tướng trong lịch sử, đó là Narses (478-573), một trong những đại tướng của hoàng đế Byzantine Justinian I, người cùng với Belisarius góp công lớn cho sự mở rộng lãnh thổ của Đế quốc Byzantine ở thế kỷ VI. Khi nghĩ đến các hoạn quan trong triều đình của Đế quốc La Mã sau này, người ta chỉ thường có thể hình dung họ trong vai trò của họ như các hầu phòng, phục vụ các nhu cầu của hoàng đế và gia tộc hoàng gia trong bối cảnh hạn chế của triều đình. Tuy nhiên, các hoạn quan của triều đình cũng có thể thực hiện các vai trò khác. Từ thế kỷ VI trở đi, họ thậm chí còn thường xuyên hoạt động trong lĩnh vực quân sự, chỉ huy các lực lượng đế quốc. Narses là vị tướng hoạn quan nổi tiếng nhất của Đế quốc La Mã sau này (và cả Đế quốc Byzantine nói chung), người có các chiến dịch chống lại người Goth ở Ý vào thế kỷ VI, thậm chí còn khiến vị tướng nổi tiếng Belisarius phải lu mờ, vì chính Narses là người đã đánh bại người Ostrogoth và khôi phục quyền cai trị trực tiếp của La Mã ở Ý cho Justinian I (527-565), vị hoàng đế nổi tiếng với việc tái chiếm một phần phía tây La Mã, không chỉ Ý mà còn cả Bắc Phi và một phần nhỏ của Tây Ban Nha. Narses đã được giới sử gia cổ đại (Procopius và Agathias) lẫn hiện đại (James Dunlap, Lawrence Fauber) mô tả là một trong những vị tướng vĩ đại nhất trong thời đại của ông, nếu không muốn nói là mọi thời đại.

 

Narses là một ví dụ về một quan hầu phòng (cubicularious) vươn đến một địa vị và danh tiếng vĩ đại. Con đường lập thân của ông cũng tương đối giống với con đường sự nghiệp truyền thống của một hoạn quan La Mã, từ một thủ quỹ và cận vệ (spatharius), đến năm 554 ông nắm chức vụ Đại nội Đại thần (praepositus sacri cubiculi), với vị thế tương đương với quý tộc. Nhưng điều khiến ông khác với tất cả những hoạn quan còn lại, là ông trở thành một hoạn tướng. Công việc liên quan đến quân sự đầu tiên là đàn áp thành công cuộc nổi dậy Nika vào tháng 1 năm 532, nhưng sứ mệnh chính thức đầu tiên thì phải là việc dẫn quân tiếp viện đến Ý vào năm 538. Năm 551 đánh dấu những thành công vang dội nhất của Narses khi quay trở lại Ý, tiêu biểu là trận Taginae vào tháng 6-7 năm 552, khi lực lượng của Narses đánh tan lực lượng Ostrogoth của vua Totila. Sau khi đánh bại quân Goth và tái chiếm địa phận Ý, Narses còn tiếp tục đánh bại lực lượng người Franks xâm lược dưới sự dẫn dắt của anh em Leutharis và Buccillinus. Bên cạnh sự nghiệp quân sự thành công vang dội, Narses còn có một sự nghiệp chính trị (bản thân ông là người cai trị Ý La Mã không chính thức) và cuộc đời viên mãn, khi sống tới 96 tuổi.Điều này tương ứng với nhận định Kathryn Ringrose xem các hoạn quan Byzantine như là “những nhân vật chính trên vũ đài quân sự và chính trị” [4].

Thành công của Narses, được lý giải theo mấy phương diện sau: ông là một vị tướng có khả năng lên kế hoạch tốt; ông có mối quan hệ tốt với các vị tướng khác và binh lính của mình; sự hào phóng và lòng mộ đạo; ông có một nhân cách đáng tin cậy. Điều này thể hiện qua việc ông đã giữ lời tha chết cho những người lính Goth khi họ đầu hàng ở Campsa. Theo quan sát của sử gia Procopius, Narses cũng sắc sảo và tràn đầy năng lượng hơn một vị hoạn quan thông thường. Agathias khẳng định lòng dũng cảm và sự anh hùng của Narses là hoàn toàn đáng kinh ngạc. Procopius bổ sung rằng những người ủng hộ Narses nghĩ rằng ông vừa cho thấy sự quả cảm lẫn trí tuệ hiểu biết. Bởi, không đơn thuần là một vị tướng chỉ huy, Narses cũng đích thân cưỡi ngựa xông pha trận mạc. Ở trường hợp Narses cho thấy một điểm chung khi các hoạn quan được giao nhiệm vụ quân sự là bởi với tư cách là người đàn ông bị hoạn thiến, họ bị cho là không có khả năng trở thành hoàng đế, và do đó không có khả năng soán ngôi tiếm quyền. Họ cũng cho thấy những vấn đề của bản sắc giới; bởi vì chiến tranh vốn là một vai dành cho nam giới, nên nếu một vị hoạn tướng thành công sẽ được ca ngợi nam tính của mình, trong khi những hoạn tướng không thành công có thể bị xem như là nhu nhược và thiên tính nữ. Đây là một vấn đề liên quan đến giới được nhiều học giả và nhà nghiên cứu đương đại lựa chọn nghiên cứu xoay quanh hoạn quan.

Từ hậu kỳ Cổ đại phương Tây, chúng ta sẽ quay trở về với phương Đông. Tại Trung Quốc, thời Minh đánh dấu số lượng hoạn quan vượt mức cũng như sự tham dự sâu của họ vào các hoạt động chính trị và quân sự. Ví dụ ở thời Vạn Lịch (Minh Thần Tông) tại kinh đô có tới hơn 10.000 hoạn quan. Ngoài ra triều đình nhà Minh cũng bắt các phiên thuộc như Mông Cổ, Cao Ly, Đại Việt, Xiêm xung quanh phải triều cống hoạn quan… Những vị hoạn quan tiêu biểu loại này có thể kể đến nhà hàng hải nổi tiếng Trịnh Hòa (1371-1433, vốn là người Hồi) và kiến trúc sư Nguyễn An (mất khoảng 1453, người Việt).

Trong cuộc nội chiến năm 1402-1403 (loạn Tĩnh Nan), có rất nhiều hoạn tướng đã thể hiện năng lực quân sự xuất sắc của mình, cũng như rất nhiều người đã có đóng góp đáng kể cho chiến thắng của Yên vương Chu Đệ (vua Minh Thành Tổ sau này) trong lĩnh vực tình báo. Có thể nói, Minh Thành Tổ đã nhờ cậy rất nhiều vào sự giúp đỡ của các hoạn quan mà đoạt được ngai vàng. Vì vậy, ngay khi lên ngôi, ông đã trọng dụng các hoạn quan để làm đối trọng với các văn quan võ tướng. Các hoạn quan thân tín của hoàng đế bắt đầu được bổ nhiệm vào các chức vụ chỉ huy cấm quân, chỉ huy quân đội, khâm sai triều đình, thậm chí cầm đầu các phái bộ ở nước ngoài. Bắt đầu từ năm 1403, Minh Thành Tổ đã bổ nhiệm rất nhiều hoạn tướng tinh thông về chiến thuật để ứng phó với kẻ thù hiểm độc của mình ở những tỉnh phên giậu biên giới, dọc đường biển và trong những khu vực có nhu cầu quân sự lớn nhất. Tám năm sau, Minh Thành Tổ bổ nhiệm hoạn tướng Mã Tĩnh làm chỉ huy quân sự tỉnh Cam Túc. Cho đến năm 1411 có ít nhất ba hoạn tướng khác được giao nhiệm vụ giám sát binh lính ở nhiều đơn vị khác nhau. Vai trò và chức vụ của các hoạn tướng ngày một được nâng cao, đặc biệt sau khi Minh Thành Tổ qua đời vào năm 1424. Năm 1425, đô đốc Trịnh Hòa được phong là thái thú Nam Kinh, và một tháng sau hoạn tướng Vương An được giao phụ trách Cam Túc.

Cao trào của sự tham dự vào quân đội của thời Minh là thời Minh Vũ Tông và nhóm Bát hổ. Nhóm Bát hổ gồm tám hoạn quan Lưu Cẩn, Mã Vĩnh Thành, Cao Phụng, La Tường, Ngụy Bân, Khâu Tụ, Cốc Đại Dụng và Trương Vĩnhkhông chỉ nắm giữ những chức vụ trọng yếu trong triều đình và còn kiểm soát quân đội cũng như các cơ quan mật vụ Đông Xưởng và Tây Xưởng. Minh Vũ Tông lên ngôi năm 1505, thì ngay đầu năm 1506 ông đã phong cho Lưu Cẩn, thủ lĩnh nhóm Bát hổ làm thống lĩnh Ngũ Đoàn Doanh; Trương Vĩnh thống lĩnh Thần Cơ Doanh; còn Ngụy Bân chỉ huy năm nghìn kỵ mã của Tam Thiên Doanh. Mỗi một hoạn tướng này có 100 hoạn quan làm thuộc cấp. Chỉ trong vòng một năm mà một loạt các hoạn quan đã được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong quân đội. Sự lộng hành của Bát hổ thể hiện ở việc tìm cách bổ nhiệm các thân tín và thân thuộc vào nắm giữ các vị trí trọng yếu trong triều lẫn ngoài nội, hình thành phe cánh mạnh mẽ, lũng đoạn triều đình, đồng thời tiến hành cách chức, các vụ tra tấn và bỏ tù một số đại thần lên tiếng chống lại hay có thái độ không quy phục.

Nhưng rồi cuối cùng Lưu Cẩn đã bị lật đổ bởi một hoạn tướng khác cũng trong nhóm Bát hổ của mình, Trương Vĩnh (1470-1532). Xuất thân từ Bảo Định, nay thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, Trương Vĩnh đi lên từ một hoạn quan và trở thành chỉ huy lực lượng Thần Cơ Doanh vào năm 1506. Năm 1510, Trương Vĩnh được bổ nhiệm làm Tư lệnh tối cao của quân đội và được phái đi để dập tắt cuộc nổi dậy của An Hóa vương Chu Chí Phiên. Khác với Lưu Cẩn, Trương Vĩnh có tài năng chỉ huy quân sự và thao lược nên được Minh Vũ Tông rất tin dùng. Vào tháng 10 năm 1511, Trương Vĩnh đã xin hoàng đế cho phép ông chọn sáu nghìn quân từ đồn trú kinh thành để huấn luyện đặc biệt làm lực lượng trấn áp nội loạn trong giai đoạn khủng hoảng chính trị.Trong chiến dịch ở Ninh Hạ, Trương Vĩnh sử dụng một ấn vàng được làm riêng cho ông để có thể hạ lệnh và thực hiện các kế hoạch quân sự. Khi trở về Kinh Đô, Trương Vĩnh được tôn vinh như là anh hùng dân tộc, và được đích thân vua Minh Vũ Tông mặc áo giáp đón tại Đông An Môn. Tháng 7 năm 1514, Trương Vĩnh được giao nhiệm vụ đem quân trấn ải biên giới phía Bắc nhằm chống lại sự xâm lăng của người Mông Cổ, được bổ nhiệm chức vụ chỉ huy tại Đại Đồng và Tuyên Phủ trấn.Một lần nữa Trương Vĩnh lại đánh bại quân xâm lược và khôi phục lại hòa bình yên ổn cho khu vực. Mặc dù là một vị tướng ra vào trận mạc, nhưng Trương Vĩnh qua đời vì tuổi già trong hòa bình, còn sự nghiệp của ông như một tấm gương phản chiếu rõ nét thăng trầm của một hoạn tướng nhà Minh.

Vậy là chúng ta đã thấy, từ Tây sang Đông, mẫu nhân vật hoạn tướng hiện ra tuy không nhiều nhưng không hề mờ nhạt, trái lại, lại có những điểm sáng xuất chúng. Như một phát hiện thú vị của lịch sử, trong chặng đường xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc, Việt Nam cũng có những hoạn tướng kiệt xuất, thậm chí trở thành những anh hùng dân tộc, đánh dấu những trang sử chói lọi trong lịch sử nước nhà.

Đầu tiên chắc chắn không thể không nhắc đến nhà quân sự, danh tướng nhà Lý - Lý Thường Kiệt (1019-1105). Trong Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi về thân thế của Lý Thường Kiệt như sau:Thường Kiệt người phường Thái Hòa, thành Thăng Long, nối đời làm quan, nhiều mưu lược, có tài làm tướng.Xuất thân từ một gia đình quan lại có gốc gác bền vững, ngay từ nhỏ ông đã thể hiện tố chất và nghị lực, chăm chỉ đào luyện văn võ song toàn, nghiên cứu cả về binh pháp. Theo Việt điện u linh tập, năm 1041, khi mới 22 tuổi, Lý Thường Kiệt đã được sung làm Hoàng môn Chi hậu, một chức hoạn quan theo hầu Lý Thái Tông. Đến năm 1053 khi năm 35 tuổi ông được phong chức Nội thị sảnh Đô tri. Dưới triều Lý Thánh Tông, Thường Kiệt thăng chức Bổng hành quân Hiệu úy, một chức quan võ cao cấp, và rồi Kiểm hiệu Thái bảo. Công trạng của ông bắt đầu bằng việc dẹp loạn người Man ở biên giới Tây Nam vào năm 1061, và rồi theo vua Lý Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành, bắt sống vua Chế Củ vào năm 1069. Oanh liệt và để lại tên tuổi Lý Thường Kiệt trong lịch sử, là chiến dịch đánh phá ba châu Khâm, Ung, Liêm nước Tống (1075-1076), rồi đánh bại cuộc xâm lược Đại Việt của quân Tống do Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy (1075-1077), với đỉnh cao là chiến thắng trận sông Như Nguyệt năm 1077. Ở Lý Thường Kiệt, không chỉ riêng là một hoạn tướng, mà ông còn thể hiện đủ cả những phẩm chất cần có của một vị tướng cầm quân thành công với công nghiệp vĩ đại.



Kế đến là Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc (1713-1776), danh tướng thời Lê trung hưng, người từng đánh dẹp khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài. Hoàng Ngũ Phúc cũng được đánh giá cao bởi tài năng quân sự quyết đoán lẫn nhân cách khiêm tốn, thành thực, biết ứng xử, tiến lui đúng lúc trong cả chiến trường lẫn chính trường. Lý Thường Kiệt và Hoàng Ngũ Phúc, khi so sánh với các hoạn tướng trong lịch sử Trung Quốc, không bị sa vào dã tâm hay tham vọng chính trị lũng đoạn triều chính. Rồi Tả quân Lê Văn Duyệt (1763-1832) một nhân vật chính trị, quân sựxuất sắc đầu nhà Nguyễn, không chỉ với vai trò là một nhà quân sự, một hoạn tướng, mà còn với vai trò là một đại thân với những chính sách trị an và giữ gìn bình yên cho xứ sở.

Và khuất lấp đâu đó trong lịch sử Việt Nam, tại hội thảo này, chúng ta hé lộ bức màn về Xác lộc hầu Phùng Đức Nhuận (1673-1731). Có lẽ, ông là mắt xích giữa Lý Thường Kiệt và Hoàng Ngũ Phúc, mà một khi được nghiên cứu tường tận, sẽ cung cấp thêm rất nhiều những tư liệu mới, và đặc biệt là những kiến giải mới về mẫu nhân vật hoạn tướng trong lịch sử phổ quát nói chung, và lịch sử Việt Nam nói riêng. Có điều, để nghiên cứu Phùng Đức Nhuận, chúng ta sẽ phải bắt đầu từ từ chỉ dòng họ, những dấu vết vật chất còn sót lại và cứ liệu dân gian về vị Tổng thái giám thời Lê trung hưng này. Một công việc tuy khó và vẫn còn bề bộn, nhưng không phải là không có những triển vọng phía trước.

Nhà nghiên cứu PHẠM MINH QUÂN


[1] Xem thêm Maekawa, Kazuya (1980), Animal and human castration in Sumer, Part II: Human castration in the Ur III period. Zinbun [Journal of the Research Institute for Humanistic Studies, Kyoto University], tr.1-56.
[2] Xem thêm Melissa S. Dale, Inside the World of the Eunuch (2018), tr.14 và Victor T. Cheney, A Brief History Of Castration: Second Edition (2006), tr.14.
[3] Xem thêmJulia Assante, “Men Looking At Men: The Homoerotics of Power in the State Arts of Assyria” in trongBeing a Man Negotiating Ancient Constructs of Masculinity,Ilona Zsolnay chủ biên (2017), Routledge, tr.71-73.
[4] Ringrose, K. (2003), The Perfect Servant: Eunuchs and the Social Construction of Gender, tr.128 và tr.132-133.