(Thứ hai, 11/04/2022, 06:54 GMT+7)

Ngày 10 tháng 4 năm 2022, Hội đồng họ Phùng Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý di sản Danh thần Phùng Tá Chu đã dâng hương kính lễ “Hưng Nhân Đại Vương Thái phó Lưỡng triều Lý - Trần, Phùng Tá Chu (1192-1241)” tại Đền Cao (thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) nhân ngày giỗ 10 tháng 3 Âm lịch của Ông. Dự có: Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam; TS. Phùng Quốc Hiển - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Cố vấn Hội đồng họ Phùng Việt Nam; TS. Phùng Thảo - Phó Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam, các ông Ủy viên thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam (nhà văn Phùng Văn Khai, doanh nhân Phùng Hệ, TS. doanh nhân Phùng Lực); ThS. Phùng Quang Trung - Chánh Văn phòng Hội đồng họ Phùng Việt Nam; ông Phùng Thế Anh - Chủ tịch Câu lạc bộ Tuổi trẻ họ Phùng Việt Nam; đại diện Ban Quản lý di sản, các quý phu nhân, các trai, gái, dâu, rể, con, cháu dòng họ Phùng gia và nhân dân địa phương.

Danh thần Phùng Tá Chu là con trai Đạo sĩ, Tả nhai tài năng Phùng Tá Thang thời Lý - Trần, ông sinh năm 1192 ở làng Mẽ (Hưng Nhân, Hưng Hà, Thái Bình). Ông làm quan cao đến bậc Tam Công (Thái sư, Thái phó, Thái bảo) hai triều Lý - Trần là người nổi danh trong lịch sử Việt Nam. Triều Lý được phong Nội Điện Trực năm 1211, Chiêu Thảo Sứ năm 1216, Thái phó đời vua Lý Huệ Tông. Triều Trần được phong Phụ Quốc Thái phó quyền Tri phủ Nghệ An năm 1220, Hưng Nhân Vương Thái phó năm 1230, Nội Hầu Hưng Nhân Vương năm Giáp Ngọ thứ 3, Hưng Nhân Đại Vương năm 1236, Nhập Nội Thái phó năm 1239. Ông đã đem hết “kinh bang tế thế” cùng vua quan nhà Lý - Trần giữ bình yên xã tắc, ông là người có công đặt nền móng xây dựng mở nghiệp nhà Trần, vua Trần đã phong ông làm “Phụ Quốc Thái phó, Hưng Nhân Đại Vương, Đệ Nhất Công Thần”, cả triều đại phong kiến coi ông là “Đệ Nhất Phúc Thần, Phù Chính Tả Đại Vương”, ông có tầm ảnh hưởng rất lớn cả trong hai triều Lý -Trần, là bậc khai quốc công thần và đặt nền móng xây dựng nền hành chính, tư pháp, giáo dục, quân sự, kiến trúc, ở mảng nào cũng có thành tựu để lại cho đời sau. Ông xứng đáng là “Danh nhân Lịch sử - Chính trị - Văn hóa lớn” của dân tộc Việt Nam. Ông mất năm 1241, mộ táng tại Đồi Cao (Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội), đây là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có quần thể tâm linh (chùa Cao, đền Cao, nơi có ang nước, tụ thủy, tụ linh, tụ lộc). Mặt lăng mộ nhìn hướng Nam, hướng của “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” hướng của trí tuệ, mát mẻ, siêu thoát, vạn vật sinh sôi nảy nở, nhân văn. Nơi đây không gian thoáng đãng, vượng khí phủ đầy, quanh năm vi vu gió núi, mây trời.


Sinh thời, Phùng Tá Chu làm quan Nội hầu, sau làm quan Thái phó Lưỡng triều Lý - Trần (ba chức được gọi là tam công hoặc tam thái, chức vụ chỉ đứng sau vua, đứng đầu triều, giúp đỡ nhà vua, điều hòa âm dương, tiến cử người hay, loại bỏ người dở, để mưu toan chính trị). Thái phó Phùng Tá Chu là một trong những nhân vật lịch sử tiêu biểu, một nhân vật đặc biệt của một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Nhân dân làng Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội phối thờ ông cùng với Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng ở đình Quảng Bá; từ xa xưa tại Xuân Trạch, Hạ Khê, tổng Phù Long (nay là Nam Cường, Nam Đàn, Nghệ An) có đền thờ họ Phùng; trong đền có thờ Phùng Tá Chu; nhân dân làng Mẽ (Hưng Nhân, Hưng Hà, Thái Bình) lập miếu tôn thờ ông làm Thành Hoàng làng. Ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, chính quyền đặt đường phố mang tên Phùng Tá Chu. Từ bao đời nay, con cháu hậu duệ Thái phó Lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu ở Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) và thôn Bích Chu (An Toàn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) thờ phụng trông coi lăng mộ ông cho đến ngày nay.
 

Phùng Tá Chu là một con người khẳng khái quyết đoán, dám vượt qua những định kiến của Nho giáo mà người sống đương thời với ông không dễ vượt qua đó là “tôi trung không thờ hai vua”. Trăn trở dằn vặt song ông đã vượt lên chính mình, ông cho rằng đã phò vua giúp nước thì không ăn ở hai lòng, nhưng vua đã hèn hạ, triều đình có dấu hiệu suy tàn, đồi bại, bê trễ việc chăm dân để muôn dân lâm vào cảnh lầm than, khổ ải, do vậy dù ăn lộc nhà Lý ông không thể nhắm mắt trước sinh mạng của nhân dân, sự tồn vong của quốc gia dân tộc. Có lẽ tư tưởng “dân vi bản” đã ngấm vào ông và nó đã trỗi dậy mạnh mẽ giúp ông chọn nhà Trần và quyết giúp nhà Trần dựng xây cơ nghiệp. Dù không sống cùng thời với ông nhưng chúng ta hiểu được quyết định này của ông là một quyết định khó khăn nhất, trăn trở nhất nhưng cũng thừa nhận đây là một quyết định khẳng khái nhất, hợp thời cuộc và hợp lòng người nhất. Một quyết định mà hậu thế đã bàn luận rất nhiều nhưng đều cho rằng ông là người tài, có tâm và có tầm với đất nước, vì sự trường tồn của quốc gia dân tộc sẵn sàng chấp nhận lời chê cười, để hậu thế phán xét đúng sai. Phùng Tá Chu là một con người có tầm hiểu biết sâu rộng nhưng vượt lên nó là khả năng ứng biến tài ba, ở ông ta có thể dẫn dụ ra nhiều điểm đáng phục, chỉ riêng việc ông bằng sự am hiểu sử ta, sử nước ngoài ứng biến một cách cực kỳ khéo léo; nếu dùng ngôn từ của thời hiện đại, đó là nghệ thuật đánh vào lòng người thật sắc sảo tinh vi. Ông đã trả lời rất khôn ngoan khi vua hỏi việc chọn người kế vị, xin dẫn ra một việc mà trong Đại Việt sử ký toàn thư do nhà sử học Ngô Sỹ Liên ghi lại: “Các quan lúc bấy giờ không ai nghĩ đến xã tắc để cho Phùng Tá Chu viện dẫn Lữ hậu và Vũ hậu làm ra có việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho nhà Trần thế là có tội với nhà Lý”. Nhà vua rất tin dùng Phùng Tá Chu, coi Phùng Tá Chu là một người tài nên mới hỏi khi quyết định một việc đại sự. Đến khi Lý Chiêu Hoàng tuyên chiếu nhường ngôi cho chồng, một cuộc chuyển giao quyền lực của quốc gia thông qua nội bộ gia đình một cách êm thấm không để xảy ra nạn binh đao chắc chắn trong đó có mưu lược thần kỳ của quan Thái phó Phùng Tá Chu. Phùng Tá Chu như người đời biết đến ông còn được nhà Trần tin tưởng trông coi việc xây dựng hành cung Tức Mạc - Nam Định; 5 hành cung ở Thanh Hóa. Ngày nay, nơi thờ tự các vua Trần ở Tức Mạc - Nam Định đã được tôn tạo trên nền xưa. Điều ấy càng khẳng định ông là người có tài trong kiến trúc và thuật phong thủy. Trong kiến trúc đã để lại những công trình mang dấu ấn lịch sử cho đời sau. Ông cũng được người đời biết đến như một người đề xướng xây dựng lễ nghi triều chính, đặt nền móng cho việc thi cử chọn người tài của triều Trần. Ngôi mộ ông táng ở Đền Cao Tây Đằng đến nay vẫn được nhân dân tôn tạo và hương khói. Phùng Tá Chu xứng đáng là một danh thần, một trí thức lớn, một kiến trúc sư có tài theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ông sống mãi với đất trời và nhân dân Đại Việt anh hùng…
 
Thời gian qua, Hội đồng Họ Phùng Việt Nam phối hợp đồng thuận với các Cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ban ngành đoàn thể, Ban Quản lý Di sản, các mạnh thường quân trong Thường trực Hội đồng Họ Phùng Việt Nam, Công ty CP Đầu tư bất động sản Đức Minh, thôn Bích Chu (An Tường, Vĩnh Tường), cùng con cháu họ Phùng chi tộc Chu Minh, chi tộc Tây Đằng ở địa phương đã phát tâm công đức “Trùng tu, tôn tạo khu Lăng Mộ và Đền thờ danh thần Thái Phó Lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu” thành công trên Đồi Cao - Tây Đằng, nơi quan Thái phó Lưỡng triều Lý - Trần Phùng Tá Chu yên giấc ngàn thu.
 

Cuộc họp có đầy đủ các thành viên trong Ban Lãnh đạo do Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng Họ Phùng Việt Nam chủ trì đã họp bàn: Dự kiến tổ chức Đại hội lần thứ II họ Phùng Việt Nam vào dịp mùa thu năm 2023 tại Hà Nội, địa điểm tổ chức do Hội đồng quyết định, Đại hội sẽ thông qua “Báo cáo Tổng kết 5 năm (2018-2023), phương hướng nhiệm vụ (2023-2028); Báo cáo Tài chính nhiệm kỳ I, Báo cáo Sửa đổi quy ước hoạt động của Hội đồng; chuẩn bị nhân sự Hội đồng khóa II, nhân sự Ban Cố vấn khóa II; Nhất trí lựa chọn tặng Bảng vàng vinh danh, tặng Bằng khen cho những người con ưu tú có công đóng góp tích cực duy trì truyền thống tốt đẹp của dòng tộc Phùng gia; dự kiến thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Vận động tài trợ xây dựng quỹ và kinh phí phục vụ Đại hội”. Đề nghị xây dựng nguồn Quỹ của Hội đồng Họ Phùng Việt Nam (thông qua vận động các nhà hảo tâm tài trợ, dự thảo góp tâm quỹ tiền thường niên/người/xuất đinh họ Phùng trên cả nước, đóng góp theo quy định các ngành/nhánh chi họ Phùng ở các tỉnh/thành phố/vùng miền. Quỹ của Hội đồng Họ Phùng Việt Nam minh bạch công khai (tài khoản chỉ có một); Đề nghị Công ty của ông Phùng Lực giúp chuyên môn cho Hội đồng Họ Phùng Việt Nam một Kế toán; Đề nghị Công ty của ông Phùng Hệ giúp chuyên môn cho Hội đồng Họ Phùng Việt Nam một Thủ quỹ; Đề nghị Văn phòng phối hợp với các Ban “Thông tin - Tuyên truyền - Đối ngoại”, “Lịch sử dòng họ”, “Kế hoạch - Tài chính”, Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phùng Việt Nam, Câu lạc bộ Tuổi trẻ họ Phùng Việt Nam, các Hội đồng họ Phùng địa phương (tỉnh/thành phố, huyện/quận/thị xã và các Chi họ) tiếp tục củng cố tổ chức và duy trì hoạt động hiệu quả.
 

Các Thành viên Hội đồng Họ Phùng Việt Nam đã đóng góp tỉ mỉ vào dự thảo “Quy ước hoạt động của Văn phòng Hội đồng họ Phùng Việt Nam” trình. Chủ tịch Hội đồng Họ Phùng Việt Nam - Trung tướng Phùng Khắc Đăng kết luận yêu cầu Văn phòng tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị, lấy ý kiến bằng văn bản của đại diện (họ Phùng phía Nam, vùng miền Trung - Tây Nguyên) rồi hoàn chỉnh trình Chủ tịch Hội đồng Họ Phùng Việt Nam ký ban hành và tổ chức thực hiện. Hội nghị của Hội đồng Họ Phùng Việt Nam định kỳ họp bàn quyết nhiều việc quan trọng đã thành công tốt đẹp.
 

(ThS. Phùng Quang Trung, nguyên Trưởng phòng Văn học Bộ VHTTDL,
Chánh Văn phòng Hội Đồng họ Phùng Việt Nam, lược ghi, ngày 11/4/2022)

Sau đây là một số hình ảnh: