Ngày 27 tháng 3 năm 2022, tại Khu di tích Đền thờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - Phùng Xá - Thạch Thất - Hà Nội, Hội đồng họ Phùng Việt Nam cùng gia đình Trung tướng Phùng Khắc Đăng đã trao tặng 02 tủ đựng sách và 16 thùng sách (gồm 311 cuốn sách các thể loại, trị giá 98.834.000 đồng) cho Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Trạng Bùng Khắc Khoan.
Dự lễ có: Trung tướng Phùng Khắc Đăng - Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam; TS. Phùng Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam; nhà văn Phùng Văn Khai - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tổng Thư ký Hội đồng họ Phùng Việt Nam; TS. Phùng Lực và ông Phùng Hệ - thành viên Hội đồng họ Phùng Việt Nam; Chánh và Phó Chánh Văn phòng Hội đồng họ Phùng Việt Nam cùng toàn thể Văn phòng Hội đồng họ Phùng Việt Nam, Câu lạc bộ Tuổi trẻ họ Phùng Việt Nam.
Về phía khách mời dự có: nhà văn Nguyễn Trí Huân - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Nguyễn Bảo - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội; nhà văn Ngô Vĩnh Bình - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội; PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam; nhà thơ Hồng Thanh Quang - nguyên Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết; nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn; ông Nguyễn Doãn Thuận - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây; ông Nguyễn Đăng Lãm - nguyên Bí thư Huyện ủy Thạch Thất; ông Nguyễn Văn Mai - Bí thư Đảng ủy xã Phùng Xá; ông Nguyễn Ngọc Nam - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phùng Xá; đại diện Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học xã Phùng Xá, Chi ủy Chi bộ và Chính quyền thôn; Ban Quản lý Khu di tích; đại diện họ Phùng ở Giao Thủy Nam Định; cùng các trai, gái, dâu, rể họ Phùng thôn Bùng, xã Phùng Xá và trong Câu lạc bộ Tuổi trẻ họ Phùng Việt Nam cùng dự.
TS. Phùng Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam trình bày diễn văn khai mạc trước Ban tam bảo nhà thờ về báo cáo công trạng, tóm tắt lịch sử cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Cụ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan trước quan khách cùng các con cháu. Sau đó, các vị đại biểu dự hội nghị gồm Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Chủ tịch Hội đồng họ Phùng Việt Nam; ông Nguyễn Doãn Thuận - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây; TS. Phùng Thảo - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng họ Phùng Việt Nam; ông Nguyễn Đăng Lãm - nguyên Bí thư Huyện ủy Thạch Thất; nhà văn Nguyễn Trí Huân - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; TS. Phùng Lực, thành viên Hội đồng họ Phùng Việt Nam lên cắt băng trao tặng 02 tủ đựng sách và 16 thùng sách cho Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.
Sinh thời, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan là danh nhân văn hóa, gương mặt lớn nhất tiêu biểu cho lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam - người có học vấn sâu rộng, có cuộc sống hết sức lão thực, dân dã, gần gũi với dân, với công việc đồng áng nông trang, được dân phong và triều đình Nhà Minh phong Trạng (Lưỡng Quốc Trạng Nguyên). Trí tuệ, tài năng, phong độ, võ nghệ, văn chương, nhà quân sự tài ba, nhà ngoại giao xuất chúng, một con người ngoại hạng lững lẫy nhất trời Nam, người đã trở thành niềm tự hào huyền thoại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XVI-XVII. Việc trao tặng sách cho tủ sách tại Khu di tích Đền thờ Trạng Bùng Khắc Khoan là thể hiện tấm lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân đã có công lao rất lớn với dân với nước, đồng thời góp phần tôn tạo, giữ gìn và bảo vệ những giá trị di tích văn hóa lịch sử, di tích danh nhân của cha ông chúng ta để lại.
Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan từng bày tỏ trong các trang áng văn thơ để lại “Kế sinh nhai cất chữ trong nhà sách là của quý/ Văn chương phải sắc bén/ Bút phải dùng tươi sáng vẻ vang cho đất nước/ Thơ không phải là thứ láu lưỡi trong tiếng sáo/ Hạ bút làm cho mưa gió phải động/ Thơ thành khiến quỷ thần kinh sợ…” Cụ sinh năm Mậu Tý 1528, mất năm Quý Sửu 1613 tại quê hương làng Bùng, Phùng Xá. Đỗ Tiến sĩ năm Canh Thìn 1580, Cụ là một vị quan thanh liêm, tài cao vọng trọng, được “Vua Lê - chúa Trịnh” hết sức tin dùng trong nhiều lĩnh vực: Quân sự, Chính trị, Ngoại giao, Văn hóa, Giáo dục. Ở lĩnh vực nào Cụ cũng để lại những dấu ấn đặc sắc.Đương thời và hậu thế đều đánh giá Cụ là bậc hiền tài.
Hai lần vâng mệnh Vua đi sứ Trung Quốc, bằng tài năng trí tuệ, mà nổi trội là thơ ca của mình Cụ đã khiến cho hoàng đế Trung Quốc, các vị đại thần triều Minh, Sứ thần Nhật Bản, Triều Tiên phải nể trọng và cho khắc in thơ phú của Cụ truyền khắp nước Trung Quốc. Phụng mệnh đi sứ dù tuổi đã ngoài 70 nhưng với tài biện bạch quang minh chính trị hoàn thành sứ mệnh Vua giao, Cụ đã làm mạnh mẽ thể chế trong nước ta lúc bấy giờ. Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan nổi tiếng về văn học, hiểu thông cả thuật số, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đi Sứ về nước được thăng chức Tả Thị Lang Bộ Lại (khi đó đã ngoài 70), sau thăng chức Thượng Thư Bộ Công; năm thứ 3 (1602) được thăng Thượng Thư Bộ Hộ. Cụ có công truyền bá nghề thủ công, dạy cho dân nghề dệt vải lượt, cách trồng ngô - đỗ và đưa giống về, dạy dân cày bừa khai mương tiêu nước thúc đẩy nông nghiệp phát triển; 80 tuổi mới nghỉ hưu về quê dạy dân trồng trọt, làm thủy lợi, dạy chữ nghĩa luyện tập văn chương; đem trí tuệ, tiền tài, công đức xây dựng hai cầu “Nguyệt Tiên Kiều - Nhật Tiên Kiều” ở chùa Thầy; một nhà ngoại giao lớn trong hai lần đi Sứ lẫy lừng của Cụ đã để lại bài học sâu sắc cho mọi thời đại; Cụ sống luôn mẫu mực, liêm chính, cương trực, vì dân vì nước. Cụ là nhà văn, nhà thơ, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà kinh tế chính trị lớn vượt tầm thời đại; Cụ mất ngày 24 tháng 9 năm Quý Sửu 1613. Mộ táng cách nhà thờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan trên 300m.
Với tấm lòng thành kính trước bậc tiền nhân, nhằm góp phần bảo tồn nền văn hóa của dân tộc, Hội đồng họ Phùng Việt Nam, gia đình Trung tướng Phùng Khắc Đăng cùng các con cháu họ Phùng trong cả nước đã tổ chức thực hiện việc chuyển thể trao tặng cho Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Đền thờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan 16 thùng sách, với tổng 311 cuốn sách, trị giá là 98.834.000 đồng. Đây là một việc làm hết sức ý nghĩa, trân trọng để xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa vật thể Di tích lịch sử văn hóa Danh nhân nhà thờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - một địa chỉ văn hóa đáng tin cậy điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở thành phố Hà Nội nghìn năm văn hiến.
(Th.S Phùng Quang Trung, nguyên Trưởng phòng Văn học thuộc Bộ VHTTDL,
Chánh Văn phòng Hội đồng Họ Phùng Việt Nam, lược ghi).
Sau đây là một số hình ảnh: