DIỄN VĂN KHAI MẠC HỘI THẢO KHOA HỌC
HỮU TƯỚNG PHÙNG THANH HÒA
THÂN THẾ, CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
Nguyễn Kim Loan - Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Thất
Hôm nay, trong không khí trang nghiêm, thành kính, phấn khởi với những thành tựu đã đạt được của Đảng bộ và nhân dân thời gian qua, Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Hội đồng họ Phùng Việt Nam trang trọng tổ chức Hội thảo Khoa học Hữu tướng Phùng Thanh Hòa - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp. Cuộc Hội thảo được các nhà Khoa học Lịch sử; Hội đồng họ Phùng Việt Nam và Ban Quản lý Di tích làng Bùng chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, được đông đảo nhân dân hết sức quan tâm.
Tôi xin gửi đến lời cảm ơn sâu sắc tới các nhà Khoa học Lịch sử, nhà nghiên cứu, nhà văn đã dành thời gian, sự tâm huyết có mặt trong Hội thảo hôm nay.
Kính thưa các vị đại biểu khách quý và toàn thể Hội thảo!
Trong tiến trình dựng nước và giữ nước của cha ông ta suốt hơn 4.000 năm lịch sử, có một vương triều - vương triều Tiền Lý dài trên nửa thế kỷ (544-602) với bốn đời vua: Lý Nam Đế (544-548); Lý Đào Lang Vương (549-555); Triệu Việt Vương (549-571) và Hậu Lý Nam Đế (571-602). Đây cũng là vương triều có đế hiệu đầu tiên với triều nghi văn võ quy củ. Tên nước Vạn Xuân là cột mốc tự hào của Đại Việt xuyên suốt gần mười lăm thế kỷ qua.
Công cuộc giành độc lập dân tộc của Lý Nam Đế gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử xuất sắc như danh nho Tinh Thiều, lão tướng Phạm Tu, hai cha con lão tướng Triệu Túc - Triệu Quang Phục. Trong đó, không thể không nhắc đến Hữu tướng Phùng Thanh Hòa, vị Trạng vật nổi tiếng của làng Bùng, Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội. Ông đã được các triều vua Đinh - Lý - Trần - Lê - Nguyễn nhiều lần sắc phong, vinh danh công trạng, được nhân dân thờ làm Thành hoàng làng tại quê hương Phùng Xá, Thạch Thất. Vùng đất cổ xứ Đoài ngàn năm vang danh có hai vị trạng, đó là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan và Trạng vật Phùng Thanh Hòa.
Theo các tư liệu lịch sử, Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa sinh ngày 12 tháng 11 năm Mậu Thân (528) tại Trang Hồng Vinh, quận Nam Xương, nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Bố là ông Phùng Thủy, mẹ là bà Hoàng Thị Mai. Ông bà ăn ở phúc đức, hiền lành, tư gia sung túc, thường làm việc thiện nên đất trời phù hộ đã sinh ra ngài Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa.
Khi Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Lương giành quyền tự chủ năm Giáp Tý (544) đặt tên nước là Vạn Xuân, xây chùa Trấn Quốc để vững bền gốc nước, Phùng Thanh Hòa sớm theo nghĩa quân, được Lý Nam Đế phong làm Hữu tướng quân, cùng với Tả tướng quân Triệu Quang Phục là những trụ cột của triều đình Vạn Xuân. Thần phả đình Phùng Xá chép: “Khi ngài sinh ra, thiên tư khác lạ, lớn lên thông minh đĩnh ngộ, học một biết mười. Chữ nghĩa văn chương đều giỏi. Ngài lại tinh thông binh thư võ nghệ, cung kiếm đao thương, môn nào cũng giỏi. Không những thế, ngài lại có năng khiếu về âm nhạc, khúc thức, sử dụng đàn sáo rất điêu luyện. Lúc bấy giờ, nước ta bị nhà Lương đô hộ, nhân dân lầm than cực khổ vô cùng. Khi Lý Bí phất cờ khởi nghĩa chống giặc Lương, đánh đuổi Thứ sử Tiêu Tư, chiếm giữ thành Long Biên (544), tuy ngài còn ít tuổi nhưng với tài năng xuất chúng đã đứng dậy chiêu tập nghĩa sĩ trong vùng theo giúp Lý Bí đánh giặc. Khi Lý Nam Đế lên ngôi vua đã phong ngài làm Hữu tướng quân”.
Sau khi đánh thắng giặc Lương, ngài được đức vua phân về đóng giữ vùng Câu Lậu - Giao Châu, nay là Phùng Xá - Thạch Thất. Ngài vốn có tài xem phong thủy đã dừng chân lập ấp An Hoa Trang còn gọi là Phùng Gia Trang nơi sơn cao, thủy tụ giữa hai dòng sông Đáy phía Đông, sông Tích phía Tây, hợp với dãy Sài Sơn, Hoàng Xá tụ dân lập nghiệp, sau được muôn dân yêu kính thờ phụng đến ngày nay.
Từ các nguồn tư liệu lịch sử đều đã cơ bản thống nhất, khẳng định công lao to lớn của Hữu tướng Phùng Thanh Hòa trong triều đình nhà nước Vạn Xuân trong công cuộc đánh đuổi giặc Lương giành độc lập dân tộc. Khi đến với quê hương Phùng Xá, ngài đã có công truyền dạy cho dân chúng những tri thức về canh nông, nghề làm thuốc cứu người, về đạo lý làm người, đặc biệt ngài đã truyền thụ môn võ vật cho nhân dân Phùng Xá. Khi ngài hóa đã được nhân dân xưng tụng suy tôn làm Thành hoàng làng Phùng Xá với danh xưng ông Tổ nghề Võ Vật - ông Trạng Võ Vật. Hữu tướng Phùng Thanh Hòa cũng như các danh thần, danh tướng, danh nhân văn hóa lịch sử của dân tộc luôn sống trong thần tích, truyền thuyết dân gian, đã và đang được tôn vinh xứng đáng, càng cần thiết phải được nghiên cứu sâu sắc hơn nữa, nhằm tri ân thành kính với tiền nhân của chúng ta trong việc góp phần làm phong phú, giàu có thêm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Huyện Thạch Thất thời gian qua đã có những bước phát triển vững chắc, góp phần tạo sự phát triển ổn định toàn diện của thành phố Hà Nội. Từ nền tảng văn hóa cổ truyền được gây dựng, hun đúc từ thuở Trạng Vật, Trạng Bùng chính là nguồn năng lượng dồi dào để Đảng bộ và nhân dân huyện Thạch Thất thêm tự tin vững bước trong công cuộc kiến thiết quê hương đất nước. Chúng ta luôn xác định, để có thể phát triển bền vững và hiệu quả, không thể không khơi dậy các nguồn lực trong nhân dân, nhất là nguồn lực về văn hóa. Huyện Thạch Thất với nhiều di tích văn hóa lịch sử đặc sắc được chăm chút tôn tạo và bảo tồn chính là một nguồn lực lớn, góp phần phát triển toàn diện các mặt văn hóa xã hội mà danh nhân văn hóa quân sự - Hữu tướng Phùng Thanh Hòa là một trong những danh nhân tiêu biểu của quê hương.
Cùng với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, các danh nhân lịch sử như Thám hoa Nguyễn Đăng Đạt; Tiến sĩ Vũ Đình Dung; Tiến sĩ Nguyễn Cảnh Câu; Đại hành khiển phụ quốc Nguyễn Bá Lân… chỉ tính riêng đất Phùng Xá đã có nhiều danh nhân học hành hiển đạt, có công với nước được ghi danh ở Văn chỉ và Võ chỉ của làng. Điều đó cho thấy mạch nguồn văn hóa của Thạch Thất nói chung, Phùng Xá nói riêng đã luôn được hun đúc suốt chiều dài lịch sử.
Đời sống của nhân dân Thạch Thất hiện nay ngày càng được nâng cao trong đó có đời sống văn hóa tinh thần. Đây là một chỉ dấu rất quan trọng trong việc tiến tới xây dựng xã hội văn minh, giàu đẹp. Trong thời đại Hồ Chí Minh, nhân dân ta, đất nước ta, nhất là thế hệ trẻ rất cần được bồi đắp các giá trị từ cội nguồn lịch sử. Những danh nhân lịch sử mãi mãi là tấm gương sáng để cháu con học tập, noi theo.
Với 20 tham luận khoa học về thân thế cuộc đời và sự nghiệp của Hữu tướng Phùng Thanh Hòa của các Nhà khoa học lịch sử, Nhà văn, Nhà nghiên cứu, chắc chắn sẽ phản ánh toàn diện, sâu sắc, sống động, chân thực, khoa học, khách quan thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của ông. Đây sẽ là nguồn cổ vũ động viên lớn lao, dịp giáo dục truyền thống tới các thế hệ trẻ không chỉ của huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, mà còn đối với đất nước Việt Nam yêu quý.
Trên tinh thần ấy, thay mặt lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất, tôi long trọng tuyên bố Khai mạc Hội thảo Khoa học Hữu tướng Phùng Thanh Hòa - Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp.
Xin trân trọng cảm ơn!