(Thứ hai, 18/09/2023, 09:02 GMT+7)

Các vị tướng quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trải mấy cuộc trường chinh kháng chiến, kiến quốc sao quá đỗi gần gũi, bình dị, bao dung. Có nhiều vị tướng trong đó có các vị tướng quê Hưng Yên theo Bác Hồ từ thời lập nước. Họ trưởng thành cùng với sự trưởng thành của Đảng ta, Quân đội ta, sự chở che đùm bọc của nhân dân anh hùng với biết bao võ công, với nền văn hiến dồn đúc từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Tính từ năm 1948, khi Hồ Chủ tịch phong tướng lần đầu tiên Hưng Yên đã vinh dự có Trung tướng Nguyễn Bình. Tính đến nay, Hưng Yên có trên một trăm vị tướng gồm 1 Đại tướng: Nguyễn Quyết); Các Thượng tướng: Hoàng Minh Thảo, Đặng Vũ Hiệp, Phạm Thanh Ngân, Lê Quang Hòa, Nguyễn Trọng Xuyên, Hoàng Xuân Chiến, và trên một trăm Trung tướng, Thiếu tướng.


Nhà văn Phùng Văn Khai cùng cán bộ, phóng viên truyền hình Hưng Yên tại cây đa Sài Thị,
nơi thành lập chi bộ đầu tiên của tỉnh Hưng Yên

Đối với các vị tướng quê Hưng Yên trước tiên phải nhắc đến Trung tướng Nguyễn Bình. Ông sinh năm 1908 tại Giai Phạm, Yên Mỹ. Cuộc đời Trung tướng Nguyễn Bình đậm chất huyền thoại. Sớm theo Bác Hồ từ trước Cách mạng tháng Tám, nổi tiếng với cách đánh du kích táo bạo, bất ngờ, gây kinh hoàng cho thực dân Pháp và bè lũ tay sai, tướng Nguyễn Bình là một vị tướng đặc biệt của quân đội ta. Trước hết là tài xây dựng lực lượng cách mạng tại quê hương, Nguyễn Bình chỉ huy tổ chức du kích táo bạo tập kích đồn Bần giành thắng lợi lớn (12/3/1945) “Trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ". Sau là thành lập chiến khu Trần Hưng Đạo (Hải Phòng, Quảng Ninh, một phần Hải Dương) là căn cứ địa có ý nghĩa và tầm quan trọng trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, tháng 9 năm 1945 đã tổ chức bắt được 2 tàu của Pháp trở thành 2 tàu của ta, là những con tàu đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Khi Bình Xuyên gây nhiễu loạn ở Sài Gòn Gia Định, tướng Nguyễn Bình được Bác Hồ giao vào chỉ huy xây dựng lực lượng và dẹp loạn. Với nghệ thuật chỉ huy điêu luyện, ông đã ổn định tình hình, thành lập được ban công tác nội Thành - sau phát triển thành biệt động Sài Gòn, đưa chiến tranh du kích vào nội thành, đóng góp to lớn về nhiều mặt trong chiến thắng chung của toàn dân tộc.

Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong cấp tướng cho quân đội quốc gia đầu tiên có 11 người, trong đó: Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Trung Tướng Nguyễn Bình và 9 Thiếu tướng khác, ông là tướng cao thứ 2 của quân đội năm 1948.


Đại tướng Nguyễn Quyết

Vùng đất Hưng Yên tự hào sinh ra một vị Đại tướng - đó là Đại tướng Nguyễn Quyết. Ông sinh năm 1922, quê xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, ông trưởng thành từ phong trào cách mạng tại Hưng Yên. Năm 1945, là Bí thư Thành uỷ Hà Nội, lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội. Sau đó, ông được cử vào hoạt động ở nơi khó khăn, gian khổ nhất là Liên khu 5. Sau khi hòa bình lập lại, ông được điều về Quân khu 3, xây dựng quân khu làm giàu đánh thắng, vươn ra biển đảo, mở rộng đất đai, bảo vệ chủ quyền, có giá trị chiến lược tới ngày nay. Từ năm 1987 đến năm 1991, ông là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Ở những dịp lễ kỷ niệm lớn của đất nước, quân đội, thành phố Hà Nội và Hưng Yên, khi tiếp xúc với Đại tướng Nguyễn Quyết, chúng tôi luôn cảm nhận được một trái tim lớn, một tấm lòng son sắt, một ý chí kiên cường nơi con người ông, và từ đó đã luôn nhìn nhận ông với một lăng kính trọn vẹn và ấm áp. Tôi luôn có cảm nghĩ ông như một con đường làng xanh mát bóng cây mà mọi người, vạn vật hàng ngày bước trên đó. Đường làng thiết thân, máu thịt, còn là lẽ sống niềm tin để chúng ta bước ra cuộc đời dài rộng bên ngoài. Vị Đại tướng quê Hưng Yên là con người như vậy, luôn thành tâm, luôn hướng về những gì sâu sắc, lớn lao.


Thượng tướng Hoàng Minh Thảo

Hưng Yên rất tự hào có Thượng Tướng - Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Minh Thảo. Ông sinh năm 1923, quê xã Bảo Khuê, huyện Kim Động, người mà mới 24 tuổi (năm 1947) đã giữ chức Tư lệnh Liên khu 3. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên - một chiến dịch mẫu mực về nghệ thuật quân sự, làm cho chế độ ngụy quyền choáng váng mất tinh thần, dẫn đến sự sụp đổ không gì cứu vãn, góp phần quyết định đến Đại thắng mùa xuân 1975.

Những lần trò chuyện với Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, chúng tôi vô cùng khâm phục ý chí và nghị lực vươn lên của ông. Trong các trận đánh lớn nhỏ, dù ở cương vị nào, Hoàng Minh Thảo cũng cân nhắc hết sức kỹ lưỡng để giảm thiểu máu xương bộ đội. Ta càng hiểu rõ sự chiến thắng của quân đội ta là tất yếu.

Các vị tướng quê Hưng Yên cùng đồng chí đồng đội luôn ý thức sâu sắc trong mỗi thời khắc lịch sử bước ngoặt, không chỉ đối với các lực lượng vũ trang nhân dân, Bác Hồ mới có những lời căn dặn. Nhưng có thể khẳng định, những lời sâu sắc nhất, Bác luôn dành tặng Quân đội ta. Từ những lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn thấm nhuần và thực hiện với tinh thần cao nhất. Có rất nhiều khoảnh khắc, hình ảnh đã trở thành biểu tượng thể hiện phẩm chất anh hùng cách mạng của cán bộ, chiến sĩ toàn quân từ những lời dạy thiết thân của Bác Hồ. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp, thực hiện ý nguyện của nhân dân, tâm nguyện của Bác Hồ, lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô ra đời là minh chứng rõ ràng nhất. Rất nhiều chiến công vang dội đã trở thành niềm tự hào của mỗi cán bộ, chiến sĩ, nhân dân. Chiến công của đội quân cách mạng dưới sự lãnh đạo và rèn luyện của Đảng, của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là những chiến công lịch sử.


Nhà văn Phùng Văn Khai cùng cán bộ, phóng viên truyền hình Hưng Yên làm việc tại xã Thuần Hưng

Khi trực tiếp cầm súng chiến đấu cũng như khi đã đảm đương các cương vị, trọng trách trong điều kiện đất nước hòa bình, các vị tướng, mỗi người chiến sĩ quê Hưng Yên luôn cùng đồng chí đồng đội khắc ghi hình ảnh ngày 19 tháng 9 năm 1954, trên đường Đại đoàn Quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô, tại Đền Hùng, Bác Hồ đã gặp gỡ những chiến sĩ vừa làm nên chiến thắng Điện Biên lịch sử. Bên thềm mái đình cổ rêu phong, Người căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Chính điều này đã cho sức mạnh và niềm tin lớn đối với mỗi người chiến sĩ trong đó có người chiến sĩ và các vị tướng quê Hưng Yên.

Lời Bác dạy không chỉ đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân mà còn đối với toàn Đảng ta, nhân dân ta. Ngày nay, khi đất nước hòa bình, thống nhất, khi những thành tựu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng được khẳng định, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, suy ngẫm lời Bác, chúng ta càng thấm thía tâm huyết của Người đối với đất nước, dân tộc, nhân dân, nhất là đối với người chiến sĩ.

Thực hiện lời dạy của Người, không riêng gì các vị tướng quê Hưng Yên mà lớp lớp cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn phát huy cao độ phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, không quản ngại hy sinh gian khổ. Ngay sau chiến tranh, vừa nắm chắc tay súng, bộ đội lại sát cánh cùng nhân dân tham gia khôi phục, xây dựng nền kinh tế, cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhiều tấm gương sáng của các tập thể, cá nhân trong toàn quân trong đó có lực lượng vũ trang Hưng Yên đã và đang góp phần viết tiếp trang sử vẻ vang. Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình hôm nay đã và đang khẳng định bản lĩnh của mình, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, tạo nên những giá trị mới rất đáng quý.


Nhà văn Phùng Văn Khai cùng cán bộ, phóng viên truyền hình Hưng Yên tại di tích Sài Thị,
nơi thành lập chi bộ đầu tiên của tỉnh Hưng Yên

Đó cũng là những niềm vui bình dị, ý chí phấn đấu trong từng công việc, dù nhỏ nhất của các vị tướng quê Hưng Yên trong các cương vị công tác của mình.

Trái tim các vị tướng trận quê Hưng Yên, những góc sâu đậm nhất chắc chắn luôn dành cho đồng đội. Khi nhớ lại những trận chiến đấu, đứng trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, các vị tướng đã khóc. Nước mắt của các vị tướng trận như có cả sắc máu của đồng đội, hàng ngàn, hàng vạn người đã không trở về nữa sau chiến tranh. Chính họ mới xứng đáng được ngợi ca nhất, được tôn vinh nhất, không chỉ riêng ở những ngày Lễ kỷ niệm, mà là trong tất cả mọi ngày thanh bình của cuộc sống chúng ta hôm nay.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI