HỮU TƯỚNG QUÂN PHÙNG THANH HÒA
THÀNH HOÀNG LÀNG BÙNG, XÃ PHÙNG XÁ
Nhà văn Nguyễn Hùng Sơn
Mặc dù tần suất xuất hiện tên tuổi của Phùng Thanh Hòa trong các tài liệu chính sử chưa nhiều. Thậm chí là nhỏ nhoi, ít ỏi như một số bài viết về ông đã đề cập. Tuy vậy, trong các tài liệu chính sử chính thống nổi tiếng như: Đại Việt sử ký toàn thư; Đại Việt sử lược; Đại Nam thực lục; Khâm Định Việt sử thông giám cương mục... đều đã nhắc đến tên tuổi và vai trò của ông. Đặc biệt, trong kho tàng văn hóa dân gian, trong đời sống tinh thần, tình cảm của các thế hệ người dân địa phương (Xã Phùng Xá và các vùng lân cận) thì tài danh, đức độ, công lao và uy tín của ông được trân trọng, lưu truyền không hề ít ỏi. Việc người dân làng Bùng tôn thờ ông là Thành Hoàng của làng đã phần nào chứng minh điều ấy.
Cổng làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội
Thần phả đình Phùng Thôn (làng Bùng) xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất ghi rõ: Đại Vương họ Phùng, húy Thanh Hoà, sinh ngày 12 tháng 11 năm Mậu Thân (528) ở trang Hồng Vinh, quận Nam Xương. Nay thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Bố là Phùng Thủy, mẹ là Hoàng Thị Mai. Gia cảnh bố mẹ Ngài ở dạng phong lưu sung túc, thuở nhỏ được bố mẹ chăm sóc dạy dỗ chu đáo, được học hành từ sớm, lại có thiên tư khác lạ, cốt cách hơn người, học một biết mười. Ngoài chữ nghĩa, văn chương, Ngài còn được học binh thư, võ nghệ, cung kiếm, môn nào cũng giỏi. Ngài còn có năng khiếu âm nhạc, đàn sáo điêu luyện.
Về sự nghiệp và công trạng của Ngài, Thần phả đình Phùng Thôn cũng khái quát bối cảnh xã hội đương thời: Sau khi Lý Bí đánh thắng cuộc phản công lần thứ 2 của nhà Lương và quân Chiêm Thành ở phía Nam, đầu năm 544 (Giáp Tý) Lý Bí tuyên bố phế bỏ phiên hiệu nhà Lương, đặt tên nước là Vạn Xuân, lên ngôi Hoàng Đế tự xưng là Nam Việt Đế, đóng đô ở Long Biên. Vua cho xây dựng điện Vạn Thọ, xây chùa Khai Quốc (Trấn Quốc). Với ý nguyện mong muốn đất nước mãi mãi thanh bình yên vui. Để ý nguyện đó được thực hiện thì vua tôi cùng muôn dân phải đồng sức, đồng lòng dựng xây và bảo vệ giang sơn, xã tắc.
Nhưng chỉ được hai năm yên hàn, đầu năm 546 (Bính Dần) nhà Lương lại cất quân xâm lược nhà nước Vạn Xuân. Vua Lý Nam Đế dẫn ba vạn quân chống giặc ở Chu Diên (thuộc địa phận tỉnh Hải Dương và huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên ngày nay) nhưng thế giặc quá mạnh, Lý Nam Đế phải lui quân về giữ thành Gia Ninh (thuộc đất Việt Trì ngày nay). Giặc Lương lại bao vây thành Gia Ninh, sau nhiều tháng cầm cự, đầu năm 547, vua Lý Nam Đế kéo quân về vùng hồ Điển Triệt (Đầm Vạc) Vĩnh Yên ngày nay. Nhận thấy thế giặc mạnh, nhà vua sai sứ giả tìm kiếm hiền tài giúp vua dẹp giặc. Tuy còn ít tuổi, nhưng vốn tài năng xuất chúng, Ngài triệu tập nghĩa sĩ trong vùng đứng lên hưởng ứng, kéo quân về Điển Triệt cùng Triệu Quang Phục đánh giặc Lương. Triệu Quang Phục được phong là Tả tướng quân, Phùng Thanh Hòa được phong là Hữu tướng quân. Hai vị tướng hội quân đánh giặc Lương, phá vòng vây để nhà vua cùng quần thần rút về động Khuất Lão (Tam Nông, Phú Thọ ngày nay).
Sau đó Tả tướng quân Triệu Quang Phục trở về căn cứ Đầm Dạ Trạch, xưng là Dạ Trạch Vương. Khi Vua Lý Nam Đế bị bệnh rồi mất, Triệu Quang Phục tự xưng là Triệu Việt Vương.
Cùng với những tư liệu trên, Thần phả đình làng Bùng còn nêu những thông tin có tính truyền thuyết, tục truyền, đề cao hình ảnh, tài trí và đức độ của vị Thành Hoàng làng mình. Xin nêu hai ví dụ. Một là, trước khi sinh ra Ngài, bà mẹ nằm mơ thấy luồng sáng đỏ chiếu rọi khắp nhà, có một con rắn hoa trắng bò lại gần bà, rồi con rắn biến thành đóa sen trắng, bà bèn cầm lấy. Tỉnh dậy, bà cảm thấy vui thích. Từ đấy trở đi, thường cùng với loan phượng giao hoan mà có thai, rồi sinh ra Ngài, khôi ngô, tuấn kiệt hơn người.
Đơn cử thứ hai là sau khi cùng Tả tướng quân Triệu Quang Phục đánh giặc Lương ở Điền Triệt, cứu vua Lý Nam Đế thoát khỏi vòng vây của giặc. Một buổi, hai tướng sửa soạn lễ bái trời đất, giữa lúc ấy có một đám mây sà xuống, Chử Đồng Tử cưỡi rồng vàng, hiện ra, cởi áo giao cho Triệu Việt Vương mà nói rằng: “Hãy dùng đầu mâu mà đánh giặc thì không lo gì nữa. Giờ này Phùng Thanh Hòa đại vương trên thiên đình sự nghiệp đã trọn, cũng nên ban cho thực ấp ở chỗ nào để sau này hưởng phúc thần muôn năm. Nói đoạn, rồng vàng bay đi.
Hữu tướng quân Thanh Hòa nghe đoạn lạy tạ, rồi giao quân sĩ cho Tả tướng quân Triệu Quang Phục.
Sau khi về Hồng Vinh quê nhà, một thời gian, Thanh Hòa đại vương cùng các hạ thủ thân tín, đi thăm thú, quan sát nhiều thôn trang, ngõ hầu xây dựng lực lượng, căn cứ đề phòng giặc dã. Khi qua thôn An Hoa Trang, các cụ phụ lão thay mặt dân làng nghênh đón, chào mừng, xin Ngài cho người dân An Hoa Trang được làm con dân của Ngài. Đại vương bằng lòng nhận lời, xuất tiền bạc hợp tác với dân thôn, cùng làm hành cung để có nơi hương hỏa về sau.
Nếu như ví dụ thứ nhất, tương truyền đề cao sự xuất thân của Phùng Thanh Hòa thì tương truyền Chử Đồng Tử cưỡi rồng vàng hiện ra nói sự nghiệp của Đại vương Thanh Hòa ở thiên đình đã trọn… vì thế mà ông giao quân sĩ theo Triệu Quang Phục, còn mình lui về quê, như một huyền tích thú vị. Đây là ý trời hay là người dân đương thời vì yêu quý ông mà “tô vẽ” thêm để ngợi ca sự khiêm nhường của người quân tử? Bởi đã có không ít những sự kiện sát phạt, thanh trừng xảy ra thời hậu chiến, hậu quả khôn lường.
Việc Phùng Thanh Hòa lui về quê, an phận trong khi giang sơn xã tắc đang cần người tài giỏi như ông gánh vác, trong khi Triệu Quang Phục và quân sĩ của ông còn gian nan chống giặc, có điều gì đó chưa hợp lý với tính cách của ông. Đáng tiếc là ông mất quá sớm, khi mới 21 tuổi. Mới về An Hoa Trang được hai năm, mọi dự tính của ông đành gác lại. Biết đâu khi đã có nơi hương hỏa ổn định, ông lại ra cầm quân đánh giặc?
Giả thiết này không phải là không có cơ sở. Ông là nhà phong thủy tinh thông, hiểu rõ từng miền đất, dáng núi, thế sông. Việc ông chọn dừng chân ở lại An Hoa Trang, mảnh đất địa linh, nhân kiệt không chỉ để an phận cuối đời mà hẳn còn mưu cầu việc lớn? Ông còn được người đời suy tôn là Trạng Vật. Vật ở đây không phải chỉ để mua vui, giải trí đơn thuần mà còn một môn võ nghệ của nghĩa quân thời ấy. Bản thân ông là một đô vật hàng đầu, khắp vùng không ai địch nổi, rất cầu thị, tương ái với mọi người nhưng với kẻ hiểm độc, bất chấp luật lệ, ra đòn hiểm độc, triệt hạ đối thủ để giành phần thắng thì ông không tha. Chính vì vậy mà võ đức của ông được truyền tụng, được suy tôn.
Nhà văn Nguyễn Hùng Sơn (hàng thứ hai, người thứ hai từ trái sang)
Sau khi ông mất, người dân địa phương đã đổi tên An Hoa Trang thành Phùng Gia Trang, suy tôn ông là Thành Hoàng làng. Sau này đổi thành Phùng Xá. Việc xây dựng đình Phùng Thôn đã nói lên niềm ngưỡng mộ, tự hào sâu sắc của nhân dân đối với ông, vị thành hoàng của mình. Đình Phùng Thôn, tục gọi làng Bùng, là một di tích cổ, được xây dựng trên mảnh đất mà Hữu tướng quân Phùng Thanh Hòa đã sống trước khi viên tịch. Tọa trên mảnh đất có vượng khí, địa thế thoáng đãng, ngôi đình quay về hướng Nam, hướng tụ phúc, tụ lộc. Nhìn bề ngoài uy nghi, vững chãi, mái cong, đao cuốn… Bên trong trần thiết, lộng lẫy vàng son, nền cao, hệ thống cột cái, cột quân vững chãi cùng nhiều mảng chạm, bong kênh hình rồng tinh xảo. Đình còn lưu giữ nhiều đồ thờ quý cùng hoành phi câu đối và ba bộ kiệu bát cống cùng nhiều di vật thời Lê, Nguyễn.
Năm Vĩnh Hựu thứ 5, ngày 12 tháng giêng năm Canh Thân (1740), Ngài được vua Lê Ý Tông (1735 - 1740) ban tặng Sắc phong là: “Đương cảnh Thành Hoàng, anh linh hiền trứ, hồi tâm Thượng sĩ Đại Vương”. Sau đó, các triều đại nhà Nguyễn tiếp tục tặng nhiều sắc phong. Năm 1993, đình Phùng Thôn được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.
Được biết, quy mô ngôi đình trước đây nhỏ hơn, nhưng cuối năm 1947 phải tháo dỡ đình để “Tiêu thổ kháng chiến”. Năm 1952, dân làng mua một nếp nhà nhỏ, dựng tạm làm bái đường để làng hội họp, tế lễ hàng năm. Đầu năm 1975, đình được xây dựng lại. Tuy nhiên do quy mô còn nhỏ, lại hư hỏng xuống cấp nên năm 2008, nhân dân làng Bùng xây dựng lại đình như ngày nay.
Cùng với việc xây đình, ở làng Bùng còn có Quán. Quán làng cách đình chừng 200 mét, được xây dựng cách đây gần 500 năm. Nếu như đình để tôn thờ Thành Hoàng, thì quán là nơi nghỉ ngơi của quân sĩ. Vào ngày 10 đến 12 tháng 11 âm lịch hàng năm (nhân dịp ngày sinh của Hữu tướng quân), làng tổ chức rước kiệu đưa bài vị và sắc phong từ đình ra Quán để Ngài gặp gỡ quân sĩ (do một số nam nhi thủ vai). Sau đó lại rước bài vị, sắc phong trở về đình. Lễ rước kiệu ngoài phần lễ tại Đình và Quán là phần hội gồm các hoạt động văn hóa thể thao như hát dân ca, biểu diễn văn nghệ, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông. Đặc biệt là đấu vật. Sới vật làng Bùng được duy trì hàng trăm năm như một “Đặc sản” văn hóa dân gian, thu hút nhiều người hăng hái tham gia câu lạc bộ võ vật. Từ khi sới vật tầm cỡ cấp tỉnh, được xây dựng giữa ao, xung quanh xây bậc đủ chỗ ngồi cho 5000 người, càng thu hút đông đảo nhân dân các nơi về xem, cổ vũ cho các đô vật thi đấu.
Truyền thống võ vật được kế thừa phát huy thế mạnh của địa phương lan tỏa nhiều nơi trong huyện cùng giao lưu, học hỏi. Nhờ vậy, trong các cuộc thi đấu vật ở huyện, đội vật Phùng Xá luôn dẫn đầu. Nhiều đô vật ở Phùng Xá là nòng cốt trong đoàn thi đấu của tỉnh Hà Tây trước đây, thành phố Hà Nội ngày nay. Nhiều đô vật được huy chương vàng, bạc, đồng ở các cuộc thi quốc gia càng làm cho danh giá làng quê có Trạng vật Phùng Thanh Hoà thêm tỏa rạng.
Ngoài lễ rước kiệu kỷ niệm ngày sinh Thành Hoàng, ở làng Bùng còn có lễ tế Thánh (Thành Hoàng) đầu xuân năm mới vào ngày mùng 10 tháng Giêng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, làng xóm yên bình, mọi nhà đầm ấm, hạnh phúc.
Làng Bùng là vùng đất địa linh đã sản sinh nhiều nhân kiệt, thời Lý, thời Lê, Trần, Nguyễn đều có nhiều người đỗ đạt, thành danh. Nổi bật nhất là Tiến sĩ, Thái tế Mai quận công Phùng Khắc Khoan (1528 -1613), người đời hay gọi là Trạng Bùng. Ông là người văn võ kiêm toàn, có nhiều cống hiến xuất sắc trên mọi lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và văn hóa. Riêng đối với quê hương Phùng Xá, từ hơn ba thế kỷ trước đã trở thành vùng quê có nghề dệt nổi tiếng, có kênh mương thủy lợi và cánh đồng lúa, ngô trù phú, chính là dấu ấn sâu đậm mà ông đã để lại cho đời sau. Để ghi nhớ công lao và tài năng xuất chúng của ông, người dân làng Bùng đã lập đền thờ và xây lăng ông.
Hiếm có ngôi làng nào lại có được niềm vinh hạnh được phụng thờ hai nhân vật nổi tiếng, Hiền tài của Quốc gia: Phùng Thanh Hòa và Phùng Khắc Khoan như làng Bùng, Phùng Xá. Đó là báu vật vô giá, là niềm tự hào và nguồn lực lớn lao để vùng quê này không ngừng đổi thay, vươn lên, trở thành một vùng quê giàu đẹp bậc nhất ở huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
Để kết thúc bài viết, xin đăng câu đối của cụ Nguyễn Bá Nha, người làng Bùng viết từ thời vua Lê Ý Tông (1740). Đây là một trong số hàng trăm câu đối còn lưu ở đình Phùng Thôn:
Vi hà nhạc, vị nhật tinh quốc sự cao huân kim thượng võ
Thứ nhân dân, thứ thổ địa, tinh thần hiểm tích, cổ như tư.
Dịch là:
Vì núi sông, ánh sáng nhật tinh đúc nên trang quốc sử huy hoàng, nay còn đó, mai sau vẫn đó
Bởi đất đai màu tươi dân dã, vun thành đấng anh linh hiển hách, suốt xưa nay xưa cũng như nay.
Đình Phùng Thôn, làng Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội
Họ Phùng Việt Nam