Đầu năm 1996, tôi in cuốn sách đầu tiên, tập truyện ngắn có tên Phục thiện. Một hôm, anh Thi, chồng của chị Thắm trong cơ quan bảo: "Có một cô thích đọc em, muốn em tặng cô một cuốn". Với một tác giả trẻ, 24 tuổi, lần đầu ra sách, nghe thế thì sướng ti tỉ, tôi vồ vập ngay. Nhưng anh Thi bảo: "Không, sách cô mua rồi, mày chỉ ký thôi".
Vài ngày sau, anh gọi tôi ra quán cà phê. Anh đang ngồi với một cô người nhỏ xíu, yếu ớt nhưng dáng vẻ lanh lẹ. Anh Thi giới thiệu: "Đây là cô Sáu Lệ, thủ trưởng của anh". Rất ngạc nhiên! Tôi biết anh Thi là sĩ quan của Bộ Tổng Tham mưu, sếp anh Thi chắc phải là to lắm. Cô Sáu cười: "Cô nghỉ lâu rồi, quân hàm Thiếu tá thôi. Thi là lính cũ nên quen miệng, nó cứ gọi cô là thủ trưởng thôi cháu ạ".
Sếp rất nhỏ nhẹ, nhưng ông lính thì cực kỳ lớp tớp, nổ máy rồi là vọt ga ngay: "Giỡn mặt, cô Sáu là sếp của các sếp. Mày thích gặp ai hỏi chuyện để viết, cứ nói cô sắp xếp".
Nữ biệt động Phùng Ngọc Anh
Tính anh Thi tôi không lạ, bốc phét thành thần. Đại úy sắp già, nhưng chỉ là "cán bộ đường lối" (lái xe), anh này lái cho sếp lớn và cũng quen biết nhiều sếp lớn, thành ra khẩu khí không phải dạng vừa.
Nhưng những gì anh Thi nói về cô Sáu thì đều thật. Biết tôi thích tìm hiểu, viết về những nhân vật xa xưa, những người dự phần và kiến tạo lịch sử, cô Sáu đã đưa tôi đi gặp, giới thiệu với rất nhiều nhân vật huyền thoại. Lần nào cũng một xe, anh Thi lái rồi ngồi chờ, cô Sáu đưa tôi vào gặp, làm việc xong thì anh Thi chở về. Nhờ cô Sáu, tôi có cơ hội được khoanh tay ngồi nghe chuyện đời, chuyện nghề của nhiều tên tuổi lừng lẫy.
Đó là Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, Ông Cố vấn huyền thoại. Đó là Thiếu tướng Đặng Trần Đức, Vị tướng tình báo và hai bà vợ, khi đó đang là Tổng cục phó Tổng cục Tình báo quân đội (TC2). Đó là Đại tá Lê Hữu Thúy, tức nhà văn Nhị Hồ, tác giả bộ truyện tình báo 2 tập Điệp viên giữa sa mạc lửa viết về hoạt động trong lòng địch của chính bản thân. Hồi năm 1955, mới 25 tuổi, ông Lê Hữu Thúy đã được Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm giao chức Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp, nhưng ông không nhận, chỉ nhận làm... Thứ trưởng. Rồi Đại tá Huỳnh Văn Đàng, danh nghĩa là Tham tán Thương mại của Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Campuchia, nhưng là nhà tình báo huyền thoại đã kiến tạo đường dây mật danh B29, chuyên đưa đón các lãnh đạo cao cấp (Phạm Hùng, Nguyễn Văn Xô, Nguyễn Chí Thanh...) từ miền Bắc qua Campuchia rồi về miền Nam lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ... Rồi Thiếu tướng Đào Nguyên Cát, Cục trưởng Cục 12, rồi ông Tư Cang (Đại tá Nguyễn Văn Tàu), cả chị em hai bà Thiều Thị Tân - Thiều Thị Tạo nữa... Tất cả họ đều là những điệp viên, nhà tình báo, chiến sĩ quân báo lẫy lừng mà chỉ cái tên thôi cũng đã là bảo chứng cho một trường thiên tiểu thuyết lẫy lừng.
Ấn tượng nhất, cô Sáu Lệ còn giới thiệu tôi với Trung tướng Trần Hiệu, nguyên Tổng cục phó TC2. Ông là một trong bảy điệp viên từ đảo Madagasca được Tình báo Anh đào tạo tung về nhảy dù xuống Lạng Sơn giúp Đồng Minh chống Nhật trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cả bảy người họ sau này đều là lãnh đạo nòng cốt của ngành an ninh, tình báo lừng danh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. May mắn cho tôi, cụ Trần Hiệu có một tập hồi ký viết về hoạt động những năm tháng đó. Cụ giao cho tôi một bản đánh máy, trên đó có thủ bút. Mãi đến năm 2020, anh Trần Lộ, con trai cụ Trần Hiệu vẫn xác nhận: "Bản em đang giữ là bản gốc của ba anh. Còn vài bản khác lưu nơi khác, nhưng đó đều là bản sao em ạ".
Số phận và niềm đam mê run rủi, tôi có diễm phúc trở thành "người được chọn". Nhưng tôi đã không thể hoàn tất các dự định mà cụ Trần Hiệu gửi gắm, vì khi đó sức khỏe cụ đã yếu lắm rồi. Ngày cụ mất, cũng chính anh Thi lái xe đưa cô Ngọc Anh dẫn tôi theo đến viếng. Năm đó cụ Trần Hiệu đã 82 tuổi.
Ngạc nhiên về ảnh hưởng của cô Sáu Lệ, tôi nhiều lần nằng nặc hỏi cô về chính cô. Cô chỉ cười, bảo tên thật của cô là Phùng Ngọc Anh, nữ sinh Gia Long tham gia kháng chiến. Ngoài ra cô không kể mấy, dù nhà cô trong khu K300, đường Cộng Hòa, cạnh nhà điệp viên Lê Hữu Thúy, tôi ghé ăn cơm không ít lần.
Không biết thì tìm. Lần ngược từ các nhân vật mà cô giới thiệu, tôi biết được không ít về chính cô. "Từ khóa" tên cô, tài liệu lưu trữ của Tổng nha Cảnh sát, An ninh quân đội, Phủ Đặc ủy tình báo Trung ương Việt Nam Cộng hòa... lúc đó đang được lưu trữ đầy đủ tại Cục Hồ sơ lưu trữ A27 - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã giúp tôi thừa sức vẽ nên đầy đủ một chân dung.
Về cơ bản, những gì được thể hiện trong bài viết dưới đây đều đúng, nhưng chỉ vắn tắt. Đầy đủ hơn cũng chỉ cần bổ sung mấy điều.
Bà Phùng Ngọc Anh (thứ tư từ phải sang) cùng các đồng đội của mình
trong ngày gặp mặt sau 50 năm bị địch xử bắn lén lút
Bà Phùng Ngọc Anh, cô Sáu Lệ của tôi tham gia cách mạng từ rất sớm, khi mới 16 tuổi. Cô xuất thân là tiểu thư khuê các, con gái cưng của ông chủ hệ thống tiệm vàng Kim Sơn nổi tiếng ở Sài Gòn từ năm 1941. Gia đình chỉ muốn con gái họ học thành tài, sau đó gửi cô sang Pháp học bác sĩ. Cô nhỏ nhắn, sức khỏe yếu, cả nhà không muốn con gái rượu của họ phải bươn chải vất vả. Quả thật, cô không phụ lòng, học rất giỏi. Tiếng Anh, Pháp, Hoa cô đều thạo. Nhưng né vất vả, cô chọn luôn "nghề"... nguy hiểm nhất: hoạt động điệp báo - biệt động nội thành.
Bà Phùng Ngọc Anh đã tham gia nhiều trận đánh xuất quỷ nhập thần, đến nỗi các đối thủ phía Việt Nam Cộng hòa khiếp hãi gán cho cô biệt danh là "bà Tiểu Long Nữ", dù cho đến khi bị bắt, bị đày đi Côn Đảo, Phùng Ngọc Anh vẫn còn rất trẻ.
Một chi tiết đáng chú ý, bà được coi là người chết hai lần. Rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, địch đưa Tiểu Long Nữ Phùng Ngọc Anh đi thủ tiêu cùng với chị Lê Thị Riêng, anh Trần Văn Kiểng và ba người khác. Sáu người bị chất vào thùng một xe bít bùng, bị còng tay, xích chân. Xe chạy ra phía Đồng Ông Cộ (đường Bùi Đình Túy, Bình Thạnh bây giờ), nhóm hành quyết mở cửa sau thùng xe và xả súng vào. Cả năm người trên xe đều chết ngay. Ngọc Anh cũng bị đạn găm vào đùi, vào bụng, vào tay ngay từ loạt đạn đầu. Nhưng vì nhỏ con, chị ngã xuống và thi thể đồng đội khi ngã đã đè lên, che chắn nên chị không dính thêm những loạt đạn sau.
Thực hiện xong mệnh lệnh, biệt đội hành quyết đóng cửa thùng xe, chở tất cả các nạn nhân về Bệnh viện Grall để làm biên bản nghiệm thi. Khi kiểm tra, một bác sĩ người Pháp nhận ra Phùng Ngọc Anh vẫn còn thoi thóp. Bất chấp sự đe dọa của nhóm An ninh quân đội, ông cương quyết: "Nạn nhân còn sống, họ phải được cứu chữa. Nếu họ đã bị kết án, khi họ đã khỏe lại, các ông nhân danh luật pháp, muốn làm gì họ, tôi không có quyền can thiệp. Nhưng ngay bây giờ, không ai có thể nhân danh điều gì can thiệp vào quyền bảo vệ y đức của tôi. Nghĩa vụ của tôi là phải cứu người".
Và người chết đã sống lại, để tiếp tục bị đọa đày, cho đến ngày được trao trả ở Lộc Ninh vào đầu năm 1973.
Tư liệu gắn với lịch sử đã nhiều, tâm tình đời thường, quan hệ với bạn bè đồng đội, cô Sáu kể cho tôi nghe không ít. Nhưng cô dứt khoát không cho tôi viết về cô - dự định là một cuốn sách, từ năm 1996. Rồi đến ngày cô tạ thế, tôi vẫn phải giữ lời. Dù sao, cô cũng là sư phụ, là một người dẫn đường cho nghề viết mà tôi nghĩ tới với nặng những hàm ơn. Hơn thế nữa, với một người anh hùng đã chịu nhiều khổ đau, mất mát, tôi không có lý do gì để vi phạm lời hứa, dù hợp lý hay vô lý!
Bữa nay, tình cờ thấy người cháu phục dựng hình cô, tôi nhớ cô, nhưng cũng chỉ xin mạo muội mấy dòng...